Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Thiên tai - Nhân tai


Thiên tai - Nhân tai

Lâu lâu bận việc gia đình mình không vào con web mà các bạn Việt Nam sống tại Hungary lập ra và điều hành. Web có tên “Nhịp cầu Thế giới”.  Mình thích trang thông tin này vì từng có những năm sống và học tại đất nước này vào đầu những năm 1980 . Ba năm ở Budapest nhưng đất nước có cái tên lạ (vì người Hung gọi tên nước mình là “Moi-o-rốt-xắc” - Magyarország, tịnh không có một âm như Hung hay Hâng nào), đất nước này có thể nói mình đã đi gần khắp, từ nam xuống bắc, tây sang đông. Đi lại chẳng mấy tốn kém vì Hung cũng bé nhỏ xinh xinh thôi.
 
Nên ai đó nhắc đến đất nước Trung Âu đẹp đẽ này, dù tốt hay chưa được tốt, dù kỷ niệm là đẹp hay một điều gì không vui…, thì mình vẫn cứ để tâm để ý hơn hẳn những quốc gia khác. Đúng là có thiên vị với Hungary.

Hôm qua vào trang mạng Nhịp cầu đọc nhiều bài mới hoặc đã cũ, bỗng mình để ý rất nhiều tới cái bài mình sẽ đưa lại dưới đây. Lý do sao mình nghĩ khi đọc những dòng dưới đây mọi người chắc hiểu. Nói thêm là sở dĩ mình chọn bài không hẳn vì nó nêu bật trận lũ lụt lớn lâu mới có mà tàn phá một số nước ở Trung Âu gần đây, trong đó có Hungary, bởi ai cũng nghe tin tức rồi mà là cách đặt vấn đề của tác giả bài viết về sự liên quan giữa Thiên tai và Nhân tai một khi nó cùng lúc tác động thì tai hại khôn lường. Đúng là Thiên tai (địch họa nữa) luôn gây những thiệt hại ghê gớm cho bất cứ nước nào, dù có phát triển và hiện đại như Hoa Kỳ đi nữa, sự mất mát đổ vỡ cũng chao đảo liểng xiểng. Nhưng không chỉ Thiên tai mà Nhân tai tưởng vậy chứ sức phá hoại cũng vô cùng lớn rộng và tai hại.  Cũng là điều may mắn cho đất nước Hungary, trận lũ lớn tàn phá nhiều xứ Trung Âu đến phần nước này đã không xô đổ và tràn ngập qua khu bể chứa bùn đỏ mà tháng 10/2010 đã gây một sự cố kinh hoàng vào thời điểm đó. 

Chính vì lẽ đó mình đưa lại bài viết trên nói tới lên đây để bà con và bạn bè quan tâm thì chia sẻ và tham khảo "một cách nhìn từ nước ngoài" nhân sự cố về Thiên tai và Nhân tai trong trường hợp Hungary.

Vệ Nhi 

------

“Lụt thế kỷ” 2013 ở Hungary: QUAN NGẠI VÀ NHỮNG BÀI HỌC


Tác giả: Nguyễn Hoàng Linh


Bùn đỏ, thảm họa sinh thái
Bùn đỏ, thảm họa sinh thái


Những lo âu của chính quyền Hungary và cư dân Budapest rốt cục đã không trở thành sự thật: thủ đô Budapest tránh được “trận lụt thế kỷ” trong phút cuối, khi mực nước sông Danube dâng cao ở mức kỷ lục trong vòng hàng trăm năm nay.
Tuy nhiên, nhiều quan ngại đã được đặt ra đối với công tác phòng chống lũ lụt bị coi là quá lạc hậu và thiển cận, cũng như, với những hồ chứa bùn đỏ đặt sát bờ sông Danube tại một vùng quê.

Budapest thoát hiểm
Đêm hôm 10/6, mực nước sông Danube – đoạn chảy qua thủ đô Budapest – lên tới 891cm, tức là vượt xa mực kỷ lục tính cho tới nay (860cm vào năm 2006), nhưng vẫn dưới mức báo động 9m chút ít. Đây là giá trị “tới hạn” mà chính quyền thành phố cho rằng, trong trường hợp nước sông dâng cao tới đó, sẽ phải cho di dời tạm thời 55 ngàn cư dân.
Trong họp báo tổ chức vào sáng hôm sau 11/6, Thị trưởng Budapest Tarlós István nhận định một cách thận trọng: “Có lẽ Budapest sẽ thoát lụt”. Lý do của sự thận trọng ấy, có lẽ vì nước sẽ hạ rất chậm và theo dự báo, sẽ có mưa rào, mưa đá hoặc bão lớn và có thể những bức vách chắn ở một số nơi không chịu được áp lực của nước sông.
Nguy cơ sụt lở đê, như thế, vẫn chưa chấm dứt, như kinh nghiệm trước đó của Đức và Cộng hòa Czech. Chính vì vậy, phiên họp bất thường của Quốc hội Hungary đã ra quyết định gia hạn thêm cho tới ngày 19/7 thời gian chống lụt trong tình trạng khẩn cấp.
Tổng kết của Cục Phòng chống Thảm họa Quốc gia Hungary cho hay, kể từ khi mực nước Danube dâng cao, tại 34 vùng trên toàn nước Hung, đã có gần 1.400 người phải sơ tán. Hơn 15 ngàn người tham gia công việc đắp đê, cứu hộ, và hơn 3,8 triệu bao tải cát đã được sử dụng.
Trong thời gian diễn ra sự kiện này, toàn bộ các chính khách nổi bật của Hungary đều xuống hiện trường, cùng dân tham gia hộ đê. Đặc biệt, Thủ tướng Orbán Viktor – một năm trước kỳ tổng tuyển cử – đã tỏ ra hết sức năng nổ, tạo hình ảnh một vị tổng chỉ huy, luôn ở những vị trí khẩn thiết.
Lụt lội tại Hungary sở dĩ thu hút được sự chú ý của công luận và truyền thông, một phần vì chính quyền nước này đã ứng phó hết sức dở trong sự cố thời tiết diễn ra đúng vào dịp quốc lễ 15-3 vừa qua. Khi đó, tuyết rơi mạnh đã khiến giao thông ứ trệ – thậm chí hoàn toàn bị đình lại – trên nhiều tuyến đường chính, xa lộ trong hàng ngày trời.


Trước và sau trận hồng thủy "bùn đỏ"

Trong lần này, do đã có thời gian dài chuẩn bị và tham khảo kinh nghiệm chống lụt của các nước trong vùng Trung Âu như Đức, Áo và Cộng hòa Czech, nên chính quyền Hung đã tỏ ra chủ động hơn, đặc biệt là trong sự tổ chức truyền thông và kêu gọi, tri ân cư dân cùng góp sức trong công việc chung.
Kết quả là đã có rất nhiều tình nguyện viên thuộc đủ lứa tuổi đăng ký làm việc tại nhiều điểm cứu hộ trên toàn quốc. Đặc biệt, nhiều đoạn dọc sông Danube tại Budapest đã trở thành những đại công trường rất ngoạn mục – đôi nơi, còn có sự hỗ trợ của du khách ngoại quốc tới thăm Hungary.
Giao thông công cộng tại thủ đô Budapest nói riêng và trên toàn quốc nói chung cũng được tổ chức khá tốt, sự đình trệ giao thông không nhiều. Thủ tướng Orban cho biết, chính quyền đang hướng sự tập trung cho các khu vực miền Nam đất nước, hiện đang có 4 địa phương lâm vào trạng thái nguy ngập và tình trạng khẩn cấp đã được ban bố thêm tại 12 vùng khác.
Ông cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, không xảy ra những hành vi phạm tội trên cả nước. Dù sao đi nữa, thiệt hại do lụt lội gây ra trong dịp này – theo những ước tính sơ bộ là vài trăm triệu USD – cũng là đáng kể đối với một quốc gia đang lâm vào cảnh khủng hoảng kinh tế từ nhiều năm nay.


song danupe 
Đoạn sông Đa-núyp (Danube) chảy qua thủ đô Budapest


Những bài học nhãn tiền
Dầu vậy, giới chuyên môn cho rằng trận lụt năm nay đã để lại nhiều bài học cho chính giới. Theo họ, Hungary thường tự hào là một cường quốc thế giới về thủy lợi, nhưng cả chính giới lẫn xã hội chưa có được suy nghĩ dài hạn một cách thích hợp về vấn nạn lụt lội. Hệ thống đê điều bị coi là đã quá cũ kỹ, sức phòng vệ có thể sẽ không đủ.
Ngay trong dịp vừa qua, khi nước sông dâng cao, hệ thống nước thải do thiết kế trước đây không tính đến khả năng lụt lội, đã suýt bị dừng hoạt động, có thể gây ô nhiễm một cách đáng kể cho môi trường. Nhiều đoạn của bức vách ngăn nước tại Budapest, được khởi xây từ cuối thế kỷ 19, đã tỏ ra hoặc không đủ mạnh, hoặc không đủ về độ cao khiến nước rò rỉ vào thành phố.
Đáng chú ý nhất là sự tính toán về mặt chiến lược của chính quyền. Chính giới Hung cho rằng, mỗi khi có lũ lụt, luôn có thể trích từ ngân sách quốc gia rất nhiều tiền để xây và phục hồi hệ đê điều, giúp người dân tản cư và bồi thường cho họ. Khoản tiền đó, như trong trường hợp vừa xảy ra, là không nhỏ, nhưng được coi là “luôn có sẵn”.
Giới chuyên môn cho hay, những kế hoạch, dự định dài hạn trên lĩnh vực phòng chống lụt ở Hungary từ nhiều năm nay chỉ nằm trên bàn, không hề được thực hiện trong thực tế! Chính giới dường như chỉ thích chi tiền một cách thụ động cho những nơi nào mà tình thế thật khẩn cấp, chứ không hề theo những bài bản khoa học sáng suốt.
Một tính toán sơ bộ cho thấy, việc xây dựng một hệ thống phòng chống lụt mang tính dài hạn đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, nhưng xét về dài hạn là một sự đảm bảo tớt cho cư dân trong những tình trạng khẩn cấp, đồng thời, tiết kiệm được hết sức nhiều tiền cho ngân quỹ quốc gia. Điều đó, hiện tại chưa hề có ở Hungary!
Với suy tính như thế của chính giới, xã hội Hungary cũng thường ngả theo lối nghĩ thụ động: khi nào lụt đến thì chống, chứ khi không có gì thì cư dân Hung ít ủng hộ những chương trình phòng chống lụt dài hạn, được thực hiện theo chiến lược có suy tính kỹ càng một cách khoa học.
Điều này dẫn đến việc cả chính quyền lẫn công luận Hungary đều quen với cách nghĩ đơn giản: cứ mỗi lần lụt tới lại huy động tình nguyện viên đi xúc cát đắp đê. Trong khi, cái gọi là “nghệ thuật phòng chống lụt hiện đại” phải là sự kết hợp của việc tổ chức, điều hành và kiểm tra các nhiệm vụ kỹ thuật, và tổ chức, điều hành các nhiệm vụ hành chính nhà nước trong lĩnh vực này.
Rất có thể trong thời gian tới, chính quyền Hung phải nghĩ lại về quan điểm của mình vì với thời gian, việc chi tiền thụ động cũng sẽ không đơn giản do mọi khoản phí đều tăng, trong khi đó, ở nhiều nơi, hệ đê phòng vệ cũ kỹ sẽ không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và thực tế, khi khí hậu toàn cầu ngày càng có những biến đổi khó lường!

Nguy cơ bùn đỏ vẫn ám ảnh
Thứ Năm tuần trước, trong phát biểu về 9 khu vực được coi là “hết sức bị đe dọa” trong cơn lụt lịch sử lần này, Thủ tướng Orbán Viktor đã nhắc đến những hồ chứa bùn đỏ ở vùng Almásfüzitő, được xây ngay cạnh bờ sông Danube. Đây cũng là quan ngại thường trực của tổ chức “Hòa bình Xanh” (Greenpeace) và một số nhà khoa học.
Nhắc lại, đã có ít nhất 50 triệu tấn bùn đỏ tích tụ lại trong quá trình chế biến quặng bauxite ở Hungary, trong số đó, vùng Almásfüzitő chứa hơn 12 triệu tấn bùn đỏ trong 7 bể tại một diện tích gần 200 héc-ta, ngay cạnh sông Danube. Trong các bể chứa này, bùn đỏ chỉ được lưu giữ chứ không xử lý, nên chúng luôn là những trái bom hẹn giờ đe dọa hệ sinh thái và đời sống cư dân.
Tại Almásfüzitő, trong thời gian 1950-1997 từng vận hành một nhà máy alumin thuộc hàng lớn nhất nhì Hungary và cả vùng Trung Âu, vào thời hoàng kim từng là nơi làm việc của 2.300 nhân công trong khu vực. Trước khi nhà máy này đóng cửa, công việc hoàn thổ mảnh đất được coi là hết sức giá trị này đã bắt đầu được thực hiện.
Hoàn thổ được định nghĩa là việc đưa mặt đất bị biến đổi sau quá trình khai thác về trạng thái gần như nguyên thủy với tất cả các yếu tố của hệ sinh thái tự nhiên vốn có trước khi khai thác. Quá trình hoàn thổ ở Almásfüzitő đã được tiến hành từ 27 năm nay – hiện đang ở bước cuối với sự hoàn thổ hồ chứa số 7, có diện tích 1km2 và vách chắn của nó chính là đê chống lụt của sông Danube.
Không những thế, sau khi hoàn thành việc phủ kín các bể chứa bùn đỏ, doanh nghiệp còn có bổn phận kiểm tra chúng trong vòng 30 năm: nếu nhận ra bất cứ sự bất thường gì trong chất lượng và thành phần của nước và không khí, họ phải lập tức có biện pháp. Như vậy, trên nguyên tắc, thảm sinh học trên mảnh đất đã được khai thác có thể được hoàn trả với tỉ lệ cao.
Để trấn an những lo ngại của cư dân trong vùng, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề môi trường – ông Illés Zoltán – sau khi đi thị sát tại hiện trường, phát biểu rằng mặc dù việc xây hồ chứa chất thải công nghiệp nguy hiểm như bùn đỏ bên bờ sông Danube là “thất sách”, nhưng nguy cơ nước sông tràn qua vách chắn rất cao của hồ chứa, là không có.
Doanh nghiệp phụ trách ở đây (Tatai Zrt.) cũng khẳng định, vách chắn của bể chứa số 7 tại Almásfüzitő được xây cao hơn 4m so với hệ thống đê phòng lụt có liên quan, và từng được gia cố bằng đá nên rất vững, thừa đủ để chống được mực nước Danube dâng cao trong dịp này.
Ngoài ra, khả năng bùn đỏ và các chất thải công nghiệp có thể bị rò rỉ cũng bị doanh nghiệp này loại trừ vì bản thân bùn đỏ ở đây đã khô từ lâu nay (có thể đi lại trên bề mặt) và cũng có tác dụng ngăn nước, cạnh đó, tại hồ chứa số 7 này, hoàn toàn không có dung dịch lỏng để có thể rò rỉ.
Tuy vậy, như lời của Quốc vụ khanh Illés Zoltán, trong trường hợp hồ chứa bùn đỏ xây cạnh sông ở vùng Almásfüzitő, đã diễn ra sự bất cẩn về môi trường trong quá khứ mà đến giờ cư dân và chính quyền cũng không biết làm sao khắc phục hoàn toàn, đành tìm cách “sống chung với lũ”…

 Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3779

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...