Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Sè sè nắm đất bên đường…



Sè sè nắm đất bên đường…






Tôi bỗng nhớ đến câu thơ cảm thán rất hay trong Kiều khi nghe hết câu chuyện của anh Trần Ngọc Quyên.

Tôi nhớ đó là hôm tạt vào thăm các cụ ở Câu lạc bộ Hưu trí BNG, anh Quyên - một chuyên gia hiểu biết sâu rộng về cả “hai nước Đức” -  có kể cho nghe về một người bạn Đức thật đặc biệt. Đó là cụ Franz Faber vừa mới mất ở tuổi 97. Kể vậy là đại thượng thọ rồi, không gì phải phàn nàn về phúc ấm tổ tiên để cho mình được cao tuổi thọ nữa rồi...

Về đường đời cũng vậy, cụ Faber cũng đã theo đuổi và làm hết những điều mình khao khát, mình coi là lý tưởng sống - trong đó có nhiều năm tháng “sống cho Việt Nam, ủng hộ Việt Nam hết mình”. Với cụ ông Franz Faber, tất cả sự nghiệp mà cụ xây đáp và thực hiện đều thành tựu và kết trái thơm thảo chứ không có điều gì phải ân hận hối tiếc cả.

Duy chỉ có một chút gợn lòng, lại không phải từ cụ Faber khi sinh thời nói ra, mà lại như anh Trần Ngọc Quyên tâm sự với tôi, đó chính là những người Việt Nam quen biết cụ ít nhiều thấy bức xúc và thương cảm, thậm chí tiếc nuối với nhiều chữ “giá như..., giá như...” nhắc đi nhắc lại đối với những năm tháng cuối đời của cụ trên đất Đức…

Không nói đến những khó khăn thúc bách từ hoàn cảnh gia đình riêng mà bất cứ ai cũng có thể phải nếm chịu, cái điều bức xúc chính là khi sắp mất đi, và ngay cả sau này khi mất đi rồi, cụ Franz Faber cũng bị/được đối đãi không tương xứng với những gì cụ cống hiến, không công bằng với những gì cụ đáng được hưởng. Chứ không đến nỗi của một cái chết “vô danh” (nghĩa đen, là mộ chí chẳng có), nó không khác cảnh sè sè nắm đất bên đường… Ôi cái thân phận Đạm Tiên mà nàng Kiều phải quá chạnh lòng khi đứng trước nấm mộ người kỹ nữ xua cứ ám ảnh người viết mấy dòng giới thiệu này khi nhớ lại những gì mà Tham tán Công sứ Trần Ngọc Quyên kể cho tôi nghe hôm rồi...

… Thôi hãy để câu chuyện được chính anh Quyên kể lại, và tiếp theo anh khéo dẫn một bài viết của người bạn Việt Nam khác để tạm trang trải. Bởi vì chính anh Trần Ngọc Quyên nói rằng,  “mình còn nợ” trước hương hồn người đã khuất một bài viết “đầy đủ và chi tiết” về Franz Faber để vinh danh Cụ một cách xứng đáng.


Vệ Nhi


-----



Nhà báo, dịch giả Truyện Kiều, người Bạn tâm huyết của Việt Nam đã qua đời ở tuổi 97



Tác giả: Trần Ngọc Quyên *




Franz Faber, nhà báo đầu tiên của CHDC Đức sang Việt Nam (VN) ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau chuyến thăm ĐBP ông còn được Bác Hồ cho tháp tùng Bác đi thăm một số vùng nông thôn VN, về nước ông đã viết quyển ký “Sông Cái rực hồng”, ghi lại những ấn tượng sâu sắc của ông về chuyến đi này. Sau đó Franz Faber được cử làm Đại diện của báo “Nước Đức mới” (của Đảng XHCNTN Đức) và TTX ADN của CHDC Đức hai khóa (tổng cộng 6-7 năm) trong thời gian Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt nhât.

Thấy hai vợ chồng Franz Faber đều yêu  văn học và quan tâm đến văn học VN (đã dịch thơ Nguyễn Trãi...), Bác Hồ đã tặng vợ chồng Franz Faber quyển Truyện Kiều (tiếng Việt) và bản dịch tiếng Pháp (xuất bản 1951) và khích lệ hai người dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức, Bác Hồ còn khuyên hai người nên tham khảo cả bản chữ Nôm và gợi ý nên dịch như thế nào... Hai vợ chồng ông đã bỏ ra 7 năm vừa nghiên cứu Truyện Kiều vừa học tiếng Việt để có thể dịch Truyện Kiều từ tiếng Việt như Bác Hồ gợi ý.

Trong thời gian làm phóng viên tại VN Franz Faber đã viết hàng trăm tin và bài phóng sự về chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở MBVN và cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở MNVN, góp phần quan trọng vào phong trào đoàn kết với VN phát triển rất mạnh ở CHDC Đức (cả về tinh thần lẫn vật chất).
Sau khi sách được xuất bản, Franz Faber đã đích thân gặp và kính tặng Bác Hồ, Thủ tướng PVĐ và nhiều nhà văn hóa lớn của VN quyển Truyện Kiều bằng tiếng Đức (lần xuất bản đầu tiên). Trong thời gian ở VN Franz Faber đã nhiều lần được gặp Bác Hồ, có lần gặp riêng (thậm chí Bác Hồ còn giảng giải cho ông một số điển tích trong truyện Kiều)…



 
Cuối đời Cụ sống trong cảnh cô đơn nghèo khó tại nhà dưỡng lão (vì vợ mất đã lâu, con cháu không quan tâm…). Năm ngoái (2012) tôi đã đến thăm Cụ tại nhà dưỡng lão, trò chuyện với Cụ gần 2 giờ, Cụ giãi bày nhiều tâm sự và vẫn nhớ những kỷ niệm về Việt Nam; may mắn là tôi còn ghi lại được một số hình ảnh về Cụ (ảnh và phim), có lẽ tôi là người VN cuối cùng đến thăm Cụ…
Cuối tháng 5 vừa qua Cụ đã qua đời ở tuổi 97 trong hoàn cảnh quá nghèo túng (vì hầu hết tiền Cụ tiết kiệm được đã chi phí hết cho dịch vụ và phòng ở nhà dưỡng lão trong suốt nhiều năm qua). Được biết khi Cụ mất trong Konto của Cụ chỉ còn 500 Euro, không đủ để làm tang lễ, thuê đất nghĩa trang…  Buồn thay, tôi nghe bạn bè kể lại rằng tang lễ Cụ rất đơn sơ, đặc biệt vì không có tiền thuê đất nghĩa trang nên Cụ đã bị chôn như một người “vô danh”, nghĩa là mộ Cụ không được đắp cao mà phải cào bằng như mặt đất, rồi đây cỏ sẽ mọc lên như bãi cỏ chung quanh không hề có sự khác biệt; nghĩa trang cũng không cho phép dựng trên mộ Cụ ngay cả một tấm bia đơn sơ ghi tên Cụ là FRANZ FABER!

Cụ có đáng bị lãng quên như vậy không, lòng tôi vô cùng đau buồn và trắc ẩn!

Chắc chắn tôi sẽ viết một bài đầy đủ và chi tiết về Franz Faber để vinh danh Cụ. Trong khi chờ đợi tôi xin đưa lại bài viết của Văn Long, Trưởng Phân xã TTX Việt Nam tại Berlin để mọi người hiểu thêm về Cụ Franz Faber.


*Trần Ngọc Quyên, Nguyên Tham tán – Công sứ Việt Nam tại Đức)



*****


Người dịch truyện Kiều sang tiếng Đức vừa qua đời

Bài của Văn Long
Ảnh bên: Cụ Franz và tác giả Văn Long
Cuối tháng Năm vừa qua, cụ Franz Faber, một người có nhiều "duyên nợ" với nàng Kiều đã qua đời ở Berlin, thọ 97 tuổi.

Ngày 6/6, Tham tán Trương Công Hùng và Bí thứ thứ Nhất Chu Thị Thu Phương đã thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức đã tới tham dự lễ tang, đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Cụ Franz Faber và cụ bà Irene Faber là hai người đã dịch "Truyện Kiều" của đại văn hào Nguyễn Du sang tiếng Đức dưới tên "Das Maedchen Kieu" (Cô gái Kiều).

Năm 2006, phóng viên TTXVN đã có dịp tới thăm cụ tại nhà riêng ở quận Pankow, Berlin. Khi đó, cụ bà đã mất, nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du hay nói tới chữ "duyên", chữ "nợ" và "định mệnh". Trong câu chuyện cụ Franz Faber kể lại, tôi thấy phảng phất một chút gì đó như là cái duyên, cái định mệnh đã gắn cuộc đời hai cụ với nàng Kiều và Nguyễn Du, cũng như với Việt Nam nói chung.

Cụ Franz Faber cho biết, cuối năm 1954, ngay sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam, cụ đã được dẫn một đoàn đại biểu báo chí Cộng hòa dân chủ Đức sang Việt Nam và có nhiều dịp tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm địa phương, như tới vùng sông Đà, nơi ở của nhiều dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Nùng...

Chuyến thăm đã để lại những ấn tượng sâu đậm không thể nào phai, như cụ đã mô tả trong cuốn "Sông Cái đỏ rực", trong đó đăng nhiều ảnh của cụ cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà cụ đã cho chúng tôi xem.

Trước khi ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cụ 2 tập "Truyện Kiều" được chú giải bằng tiếng Pháp, những cuốn sách cực hiếm lúc bấy giờ và nói: "Cũng có thể ông làm được việc gì đó với những cuốn sách này!"

Cụ Faber trân trọng đưa cho chúng tôi xem hai cuốn sách đã ngả vàng vì thời gian, nhưng được xếp ngay ngắn trong giá sách.

Khi về nước, cụ ông Franz Faber đã hào hứng kể lại câu chuyện và đưa hai cuốn sách trên cho người bạn đời của mình, cụ bà Irene Faber xem. Hai cụ bàn nhau và quyết định tìm cách dịch cuốn truyện này ra tiếng Đức.




Cụ bà Irene là một nhà ngôn ngữ học, rất thông mình, có năng khiếu ngoại ngữ, biết tới 5 thứ tiếng ở châu Âu. Với tác phong của một nhà khoa học ngữ văn, cụ Irene không muốn dịch một tác phẩm lớn như "Truyện Kiều" qua một ngôn ngữ thứ ba như tiếng Pháp, vì sợ rằng mất đi bản sắc, mất đi cái "hồn" của tác phẩm, mà đưa ra một quyết định táo bạo là bỏ tiền riêng để đi học tiếng Việt nhằm dịch bằng được "Truyện Kiều" ra tiếng Đức.

Hai vợ chồng cụ Faber hiểu rằng dịch "Truyện Kiều" là một thách thức lớn đối với bất kỳ một dịch giả nào, vì đây là một tác phẩm chữ Nôm, chứa rất nhiều điển tích, lại được thể hiện dưới dạng thơ lục bát, một thể loại không có trong tiếng Đức.

Cụ Faber cho biết, khi còn ở Việt Nam, hai cụ đã xin gặp các học giả Việt Nam như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh để lắng nghe ý kiến của họ, khi về Đức, nhiều lúc gặp những điển tích khó, không có tài liệu tra cứu và vì hoàn cảnh lúc bấy giờ không thể sang Pháp tìm hiểu, vì Đức và Cộng hoà Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với nhau, hai cụ đã phải nhờ cụ ông thân sinh cụ bà Irene Faber đang sống ở Cologne, Đức, sang Paris, vào Viện Hàn lâm Pháp để tra cứu giúp.

Cứ như vậy, ròng rã trong 7 năm trời, hai cụ đã hoàn thành bản dịch. Cụ Franz Faber nhớ lại, trong suốt thời gian này, hai cụ như nhập tâm vào nhân vật, có cảm giác như mình là người châu Á, là người Việt Nam vậy.

Năm 1964, bản dịch "Truyện Kiều" đầu tiên bằng tiếng Đức với lời nói đầu của Giáo sư tiến sĩ Johannes Dieckmann, nguyên Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa dân chủ Đức khi đó, được ra mắt độc giả và 10 giờ ngày 6/3/1965, trong một buổi lễ lọng trọng tại Đại sứ quán Đức ở Hà Nội, hai cụ Irene và Franz Faber đã trân trọng kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một cuốn trong lần xuất bản đầu tiên này.

Từ đó tới nay, "Truyện Kiều" bằng tiếng Đức của hai cụ đã được tái bản 3 lần năm 1976, 1980 và 2000. Sắp tới, bản dịch này được phát hành dưới dạng sách điện tử.

Đã nhiều lần sang Việt Nam, trong đó có tới 3 năm làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Cộng hòa dân chủ Đức ADN và báo Nước Đức Mới từ 1964 tới 1967 tại Hà Nội, đúng vào thời kỳ chiến tranh ác liệt của Mỹ đang leo thang ở Việt Nam, cụ Faber đã lưu giữ những ấn tượng không thể nào phai về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Cụ Franz Faber tâm sự: "Tôi đã đi trên 40 nước trên thế giới, gặp rất nhiều người, nếu bây giờ phải quyết định sống ở đâu ngoài nước Đức, tôi sẽ chọn Việt Nam".

Cụ giải thích: "Tôi đánh giá rất cao việc tôn sư trọng đạo, thái độ kính trọng tổ tiên, gia đình, người cao tuổi của người Việt Nam." Cụ chỉ cho chúng tôi xem chiếc ảnh một phụ nữ xinh đẹp đặt trên nóc tủ và kể đây là Claudia Borchert, có tên Việt là Việt Đức, con của ông Winfried Borchert, một người Đức đã rời bỏ hàng ngũ quân đội Lê Dương Pháp sang với Việt Minh, được Bác Hồ đặt tên là Chiến Sĩ, mẹ là người Việt.

Mặc dù đã trở lại Đức tới 40 năm, nhưng chị Claudia vẫn giữ nhiều đức tính quý của người Việt như vẫn thường xuyên qua lại thăm nom, săn sóc cụ.




Trước khi chúng tôi ra về, cụ Faber nói vui: "Có lẽ tôi có duyên với cụ Nguyễn Du, vì tôi sinh vào ngày 14/9, trước cụ Nguyễn Du 2 ngày."

Đã nhiều lần sang Việt Nam, trong đó có tới 3 năm là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Cộng hòa dân chủ Đức ADN và báo Nước Đức Mới từ 1964 tới 1967 tại Hà Nội, đúng vào thời kỳ chiến tranh ác liệt của Mỹ đang leo thang ở Việt Nam, cụ Faber đã lưu giữ những ấn tượng không thể nào phai về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Cụ Franz Faber tâm sự: "Tôi đã đi trên 40 nước trên thế giới, gặp rất nhiều người, nếu bây giờ phải quyết định sống ở đâu ngoài nước Đức, tôi sẽ chọn Việt Nam".

Cụ giải thích: "Tôi đánh giá rất cao việc tôn sư trọng đạo, thái độ kính trọng tổ tiên, gia đình, người cao tuổi của người Việt Nam." Cụ chỉ cho chúng tôi xem chiếc ảnh một phụ nữ xinh đẹp đặt trên nóc tủ và kể đây là Claudia Borchert, có tên Việt là Việt Đức, con của ông Winfried Borchert, một người Đức đã rời bỏ hàng ngũ quân đội Lê Dương Pháp sang với Việt Minh, được Bác Hồ đặt tên là Chiến Sĩ, mẹ là người Việt.

Mặc dù đã trở lại Đức tới 40 năm, nhưng chị Claudia vẫn giữ nhiều đức tính quý của người Việt như vẫn thường xuyên qua lại thăm nom, săn sóc cụ.

Trước khi chúng tôi ra về, cụ Faber nói vui: "Có lẽ tôi có duyên với cụ Nguyễn Du, vì tôi sinh vào ngày 14/9, trước cụ Nguyễn Du 2 ngày."

Tiếc thương cụ Franz Faber, tôi nhớ lại câu thơ mà cụ Nguyễn Du từng than:

" Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như,"

có bản dịch là:

"Ba trăm năm nữa nào ai biết
Thiên hạ ai người khóc Tố Như."

Nếu linh thiêng, chắc hẳn cụ Nguyễn Du-Tố Như biết rằng thế hệ cháu con người Việt ngày nay vẫn luôn trân trọng những tác phẩm bất hủ mà cụ để lại và không những thế, những tác phẩm đó đã được truyền bá đi nhiều nơi thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Và người Việt Nam cũng không quên công lao hai cụ Irene và Franz Faber, những người đã mang nội dung và tinh thần "Truyện Kiều" đến với độc giả Đức./.

Văn Long/Belin
(Nguồn: Vietnamplus)




     

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...