Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

27 tháng 7



27 tháng 7
 


Hàng năm khi 27/7 đến mình lại về bên quê Trang Liệt Từ Sơn thắp nén hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ của xã. Giống như mọi nơi, dịp này cũng là ngày chính quyền và các đoàn thể ở địa phương mình tố chức viếng. Rồi tiếp sau là họp mặt với thân nhân gia đình liệt sĩ và thương bệnh binh để bày tỏ lòng tri ân với những người nằm xuống và anh em thương bệnh binh đã góp công sức vĩ đại vào cuộc kháng chiến giành tự do độc lập cho đất nước… Từ ngày nghỉ hưu mình đều về dự, còn ngày đi làm thì không được đều đặn, trong trường hợp không về được thì đều nhắn cô em gái dự thay. 
 
Em trai mình Nguyễn Văn Yên hy sinh theo giấy báo tử gia đình nhận được năm 1977 thì ngã xuống chiến trường B2 Nam Bộ từ năm 1972. Tức là tới 5 năm sau khi em mất, và 2 năm sau khi hòa bình được lập lại! Nên cái độ chính xác của ngày mất và của địa phương hy sinh đó chắc khó có sự chính xác?! Mình nghĩ trong lòng vậy, tuy nhiên cũng cứ phải căn cứ vào giấy báo tử để gia đình làm giỗ cho em Yên.  Biết sao, đó là chiến tranh. Thôi an ủi, tất cả là lỗi ở chiến tranh. Cứ đổ cho mày là xong hết, nghĩ vậy mà không khỏi thấy nhói đau cay cực ở trong lòng…


Với ngày 27/7, do bố mẹ mất đi thì mình trở nên người nhang khói suốt đời cho em Yên. Anh em cũng đông nhưng riêng mình là trai nên thấy cái nghĩa vụ tinh thần giờ thêm nặng với toàn gia đình lớn...

Của ít tình nhiều, năm nào chính quyền và đoàn thể địa phương đều có quà vào dịp lễ tết, trong đó có ngày 27/7. Trên đây mình cứ viết về người liệt sĩ xưng hô anh/em vì là nói trong tình gia đình, chứ nếu Nguyễn Văn Yên còn thì nay 65 tuổi rồi. Với tuổi này ở quê thì gọi là ông, thậm chí gọi là cụ cũng là cái chắc. Tuy thế mãi mãi tấm ảnh trên bàn thờ, với em Yên/anh Yên trong gia đình lớn nhà mình thì Yên chỉ dừng là tuổi 24 thôi! Cứ ánh mắt trẻ trung phơi phới ngày được nhập ngũ chụp ảnh lưu niệm sổ tay và gửi về cho gia đình giữ và nhớ. Hóa ra đó là hình ảnh "giữ và nhớ" mãi mãi và uối cùng của em Yên!

Nhìn bộ quân phục cùng ngôi sao vàng trên nền đỏ của chiếc mũ bộ đội cụ Hồ... mình chắc chắn rằng nó sẽ suốt đời ám ảnh các thành viên gia đình nhà mình...


Trên trang FB hôm qua mình có nhắc đến đứa cháu nội sáng sớm đòi bằng được theo ông ra nghĩa trang liệt sĩ. Đây là lần đầu tiên cháu ra nơi chốn này dù cháu cũng đã về quê theo ông bà cha mẹ nhiều lần rồi, nhưng vì con trẻ nên cũng chẳng muốn cho con cháu ra đây làm gì...

Ở nghĩa trang khi mình bảo đây là mộ gió của ông Yên con thì cháu bám hỏi bằng được thế là sao? Mình giải thích gọn cho đứa con nít 9 tuổi là vì xương cốt ông Yên không mang về đây mà vẫn trong miền Nam. Nghĩa là ở một chỗ nào đó không xa phía trong nhà con ở Sài Gòn (bởi cháu sống với bố mẹ làm việc trong Nam), mộ xây lên nhưng không chứa xương cốt thì người ta gọi là mộ gió. Cháu bảo ông ơi mình đi tìm mang xương ông Yên về đây đi, con cũng muốn đi cùng ông. Hỏi đi tìm đào mộ lên lấy xương khô thì cháu sợ không, cháu bảo chẳng sợ gì vì ông Yên là em ruột của ông mà... Nghe lời thơ ngây của cháu, ông tự nhiên thấy mắt cay cay… Cháu đâu có hiểu rằng xương cốt của ông Yên như biết bao liệt sĩ khác khắp cả nước non này hiện giờ vẫn không thể biết chính xác ở đâu ở phần nửa phía Nam đất nước, tìm làm sao cho đầy đủ được…


Thế mới biết các góc cạnh của chiến tranh, của hậu quả nó để lại cứ mênh mênh mang mang như thế. Đo sao bằng các thước đo bình thường mà thấy được !?


Mỗi hoàn cảnh mỗi gia đình mỗi con người cụ thể thì cái vị đắng đót của cuộc chiến cứ thấm từng cách, nó khác nhau, nó lan tỏa sâu xa vào các cảnh đời cụ thể... Bảo hãy bỏ qua quá khứ để hướng tới tương lai, đúng đó là đạo nghĩa cho người đang sống nói chung chung là thế thôi. Công nhận lô-gic là nó đúng, rất đúng là đằng khác. Nhưng bên cạnh đó cũng đừng bài trừ, cũng chớ vội lên lớp đối với những ai, với những thế hệ nào đó nay đã tuổi về già... là nếu họ vẫn chút ngoái lại quá khứ, vẫn có chút suy tư về sự gian nan và mất mát của những năm tháng đất nước kháng chiến đã qua. 

Nếu cần nói một câu ngắn thôi, thì đó là "hãy hiểu và đừng có quên giọt nước mắt già nua của các bà mẹ trước khi họ nhắm mắt nhớ về đứa con chết trận mà đến lúc đó chưa tìm được mộ chí". Món nợ đó với mỗi bà mẹ già Việt Nam là khó mà các thế hệ chúng ta trả cho nổi! Đương nhiên trong số đó có giọt nước mắt của chính bà mẹ của mình, cuối năm 1995 chưa xa kia, trước khi mẹ từ giã cõi đời này.


......

Ngồi ở quê ngày 27/7 mình lan man nghĩ những điều có thể là vớ vẩn như vậy...  Chẳng biết nói ra thì có nên không, nhưng cứ coi là mình tâm sự với chính mình mà thôi.


Bên ngoài sân trời mưa. Mưa suốt từ tối qua, đến giờ đã thổng buổi - như cách gọi thời gian ở vùng quê mình - mà trừi cứ vẫn còn mưa. Lịch âm mới là 20 tháng Sáu nhưng phải nhớ năm ngoái nhuận tháng Năm nên cũng phải coi lúc này thuộc tháng 7 về thời tiết, nên đó là dạng mưa Ngâu mất rồi. và hiện lên trong đầu óc mình những dòng những mối liên tưởng miên man, buồn buồn...



Vệ Nhi

(Quê Sặt đồng, 27/7/2013)


----


Stt trên FB và bài thơ của tác giả Dương Nguyên Tường

Nhân ngày 27/7 thấy người bạn là một nhà ngoại giao, ngoài công việc anh vẫn làm thơ, giao lưu trên trang Facebook của mình mới post một stt nó sát hợp với ý nghĩa ngày kỷ niệm trọng đại này. Mình xin phép đưa về đây mọi người cùng chia sẻ. (NV g-th)


Cả năm mình chỉ thắp hương trên bàn thờ nhà mình 3 lần. Đó là đêm giao thừa, ngày Thương binh Liệt sĩ và ngày giỗ của anh trai mình (05/11 Âm lịch). Năm nay, cũng như mọi năm, với bao nỗi niềm trăn trở, thắp hương cho những đồng đội đã hi sinh mình cầu mong các đồng chí của mình trước thì phù hộ cho quốc thái, dân an, sau là phù hộ cho gia đình thân quyến các anh được mọi sự an lành và cuối cùng là phù hộ cho mình sống nốt quãng đời còn lại một cách thanh thản trong sự che chở, bao dung, chân tình và nhân ái của tình đồng đội như đã từng sống với nhau thời khói lửa. Thương nhớ trào dâng, nỗi niềm dồn nén... ĐỒNG ĐỘI ƠI !




 ĐỒNG ĐỘI ƠI !

Đồng đội ơi, giờ này ở đâu?
Vẫn còn nằm lại giữa rừng sâu?
Hay chốn quan trường đang vênh váo?
Còn nhớ thời sống chết có nhau?

Đồng đội ơi, giờ này ở đâu?
Nghĩa trang hương khói lạnh, u sầu?
Hay đang hùng hổ đi cướp đất
của người ta phải chịu ơn sâu?

Đồng đội ơi, giờ này ở đâu?
Vật lộn kiếm ăn kiếp dãi dầu?
Tuyệt vọng gục đầu trên trang viết?
Thể xác, tâm hồn một nỗi đau!

Đồng đội ơi, giờ này ở đâu?
Dấn thân binh nghiệp đến bạc đầu?
Trọn đời thề giữ yên bờ cõi
“Nam quốc sơn hà” nhớ khắc sâu!

Đồng đội ơi, dù đang ở đâu
hãy dành một phút nhớ về nhau!
Để cùng hỏi lại thời xưa ấy
ta đã vì ai hiến máu đào ?

Brasília, 27/07/2013


Nguồn: http://www.connect.vi-vn.connect.facebook.com/duongnguyentuong?fref=ts



 


 

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...