Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa “vào” Dinh Thống Nhất
Như hẹn, sáng nay mình cùng Nguyễn Thanh Tùng đến Dinh Thống Nhất. Có cuộc triển lãm về Hoàng Sa - Trường Sa tại đây. Tên đầy đủ được gọi là “Triển lãm Bản đồ và Trưng bày Tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”. Tên vậy có thể gây rắc rối cho người đi xem bình thường muốn nhớ để về kể cho bạn bè người thân…
Về nội dung mình nhớ triển lãm này đã trưng bày tại Hà Tĩnh; sau đó tổ chức tiếp tại Bảo tàng Quân đội ở Hà Nội. Với từng địa phương trưng bày có phần riêng của mình phản ảnh các hoạt động bảo vệ và sát cánh với Hoàng Sa và Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Lần này tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng với nội dung hai phần như vậy.
*
Lựa chọn một địa điểm như Dinh Thống Nhất để thu hút người xem đến đây trong suốt một tuần lễ (từ 22 đến 29/8) vừa xem triển lãm về biển đảo vừa kết hợp viếng thăm Dinh Thống Nhất là một ý tưởng tổ chức đáng điểm khuyên tròn cho những nhà tổ chức. Cụ thể là Bộ Thông tin - Truyền thông, là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ (cơ quan có bộ phận trực tiếp quản lý Dinh Thống Nhất).
Đúng là chẳng thể có một địa điểm nào khác ở thành phố này có lợi thế về cơ ngơi rộng rãi, sân vườn phòng ốc đẹp đẽ khang trang,… và tất cả những điều đó chắc chắn tôn cao thêm giá trị những tranh ảnh, bản đồ, hiện vật trưng bày, khẳng định ý chí mạnh mẽ và thiêng liêng: Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của đất nước và nhân dân Việt Nam chúng ta.
Với tư cách là đại diện một tờ báo ngoài Hà Nội, Thanh Tùng xếp đặt để mình cùng dự buổi lễ khai mạc. Không bày vẽ lễ tiết đồ sộ hoành tráng nhưng vẫn đủ trang trọng và những nội dung cần thiết cho một buổi lễ tại hội trường lớn nhất trong Dinh. Phòng ốc rộng rãi thế mà sáng nay không còn một ghế trống. Rất nhiều người, số này chủ yếu là giới trẻ dù được mời đến tham dự nhưng đã nhường chỗ ngồi của mình để xuống cuối hội trường đứng. Chưa kể một sảnh rất rộng ở bên ngoài hội trường vẫn còn hàng trăm người chờ đợi sau khi cắt băng khánh thành vào xem triển lãm…
Chủ đề biển đảo vốn dĩ có tính hấp dẫn đối với công chúng, nhất là công chúng ở thành thị vốn nhận được nhiều thông tin về chủ quyền quốc gia lâu nay đã thành một chủ đề nóng tính thời sự. Theo dõi thì thấy đã có nhiều cuộc triển lãm, trưng bày về biển đảo dần tích lũy sưu tầm được nhiều hình ảnh và những hiện vật quý giá... Nhưng theo mình lần trưng bày này thì hiện vật có giá trị nhất chính là khoảng 150 tấm bản đồ của Việt Nam, bản đồ của Trung Quốc, bản đồ của một số nước Phương Tây cùng 8 sắc phong của Nhà nước phong kiến Việt Nam trong quá trình lịch sử… tất cả đã xác lập nên và cũng là thực thi chủ quyền thực tế và liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta.
Điều rất trớ trêu đối với người khổng lồ tham lam Trung Quốc muốn ôm trọn đường Lưỡi bò hết sức vô lý thì bản đồ của chính nước họ, xuất bản từ các đời vua chúa phong kiến Trung Quốc, lại chỉ vẽ cương vực nước này ở phần cực Nam là đảo Hải Nam mà thôi!
Ngoài những bản đồ Trung Quốc còn tới cả mấy chục tấm bản đồ khác của các nước phương Tây in ấn từ xưa - trong đó nổi bật là bản đồ của Pháp, của Mỹ, của Anh… - đều vẽ địa dư nước Trung Hoa với giới hạn biển khơi là vùng đảo Hải Nam, đó là vùng lãnh thổ chấm dứt về khía cạnh biên giới đối ở phía Nam của nước này. Trong khi đó nếu họ vẽ bản đồ Việt Nam thì đều ngoài chữ S lục địa – bán đảo thì bao giờ cũng kèm với 2 quần đảo Paracel Island và Spratly Island (Hoàng Sa và Trường Sa) ở phía biển đông của Việt Nam.
Đáng chú ý là các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được trưng bày cùng nhau, xen kẽ với nhau nên chúng dễ dàng bổ sung, đối chứng với nhau, làm tăng thêm độ đúng đắn và chuẩn xác cho giá trị của từng tấm bản đồ cổ, cho các tư liệu để cùng đóng góp cho sự khẳng định một thực tế lịch sử khách quan: Các nhà nước quân chủ Việt Nam trong nhiều thế kỷ liên tục đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ và không hề gặp phải sự phản đối hay
tranh chấp của bất cứ quốc gia nào…
Xem vậy càng thấy những yêu sách ngang ngược thông qua đường Lưỡi bò 9 đoạn ôm trọn Biển Đông của Trung Quốc là hết sức vô lý. Có thể lúc này cậy vào thế mạnh nước lớn, thực lực kinh tế dồi dào cùng bộ máy tuyên truyền la lối, kiểu “mạnh vì gạo bạo vì tiền” thì đôi lúc lấn át ít nhiều những tiếng nói bé nhỏ hơn của những quốc gia cũng ở cỡ thấp bé hơn khi so sánh thuần túy những con số… Tuy nhiên lẽ phải và sự chính nghĩa bao giờ cũng có giá trị lớn và nổi bật. Chắc chắn chúng mới có tiếng nói sau cùng và định đoạt trước Lịch sử.
Vệ Nhi
(Tp HCM, 22/8)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét