Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Chút ký ức và nghĩ ngợi nhân 17/2



Chút ký ức và nghĩ ngợi nhân 17/2





Bước vào năm 1978, nhất là dịp cuối năm, tình hình biên giới cả Tây Nam và phía Bắc đều căng thẳng. Cán bộ làm việc ở các cơ quan trung ương khi đó cử nhiều đoàn (từng tốp/nhóm gọn dưới 10 người) đi “tăng cường biên giới”. 

Cuối tháng 11 đầu tháng 12/1978 mình đi lên biên giới vào đoàn có rất đông cán bộ bộ Văn hóa. Nhóm của mình gọn nhẹ, đi Bát Xát, Mường Khương thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn (lãnh đạo đất nước khi đó chẳng biết nghĩ sao hăng hái gộp 3 tỉnh lại là Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ vài 1 tỉnh cho nó to lớn và... hoành tráng; sau một thời kỳ lại buông bỏ, tản thành 3 như cũ !). 

Mình còn nhớ dù đã hơn 35 năm trời trôi qua rồi mà những gương mặt anh em trong tốp mình vẫn in sâu - mặc cho sau đó rất ít khi gặp nhau do mỗi người mỗi công việc. Chẳng hạn anh Toán anh Hùng là người trên Văn phòng bộ Văn hóa tính nết hai anh lớn tuổi nhất tốp này đều hết sức hiền lành. Các bạn Hiến, Ngân, Lập trẻ hơn thì đều vui tính; như Hiến "Hàng Gai" làm dưới trường Nghiệp vụ bộ Văn hóa, Hiến kéo phong cầm (accordéon) thì thôi rồi, nghe xong em nào cũng theo; còn Ngân và Lập đều làm ở Triển lãm trung ương (giờ là TL Giảng Võ), trong đó Ngân là một Trưởng nhóm hết sức gương mẫu và yêu quý anh em trong tốp. Được như thế là hồi đó mọi người đều thiếu thốn nghèo khó cả, đi với nhau lại “ba cùng”, nên tình thương yêu đùm bọc là điều ai cũng tự nguyện tự giác, như đều muốn nêu gương để bạn mình đỡ nghĩ ngợi thiệt thòi. Một thời tuyệt như vậy đấy các bạn trẻ ngày nay ạ.



Chuyến đi vài tháng này cho mình nhiều điều hiểu biết mà đặc biệt có lẽ là có cái nhìn về TQ hết sức cụ thể, thấy được thực chất của người anh (thứ) 2 này (anh cả hồi đó là Liên Xô mà).

Điều rõ nhất, gây ấn tượng ngay và rất mạnh là cái nhìn về tư cách một đất nước (có lẽ khu lại ở “giới lãnh đạo” thôi thì nó đúng thực chất hơn). Mình không biết dùng từ gì, có người dùng từ “tiểu khí”, “tiểu nhân”. Nói thật mình rất ngại nói thế lại bảo hạ nhục người ta?. Chứ nói thực, hồi đấy tuy chỉ mới ở tuổi “băm” (35 tuổi) mà mình đã có nhận xét với anh em trong đoàn là một nước lớn, dân tộc có lịch sử-văn hóa nhiều chiều kích đến như TQ mà sao bên ấy lãnh đạo họ chủ trương "hạ sách" đến như vậy? Đó là cứ cho thả cửa vu khống vu vạ láng giềng. Là một cứ một mình một cửa chơi cái trò rất trẻ con là chõ loa, mở hết công suất hết ngày đêm để “nói xấu hết nước hết cái” phía Việt Nam chúng ta !? Mà xem ra đều là kiểu vu oan giá họa, ít xít ra nhiều, nặng về suy diễn chụp mũ... Hồi đó anh em và mình cứ lên chốt Mường Khương, rồi có lúc quay về thị xã, ở ngay các thôn, xã, khu phố sát biên gần bên cầu Cốc Lếu là đã inh tai nhức óc các lời lẽ đài đóm từ đài Bắc Kinh cho đến các đài địa phương nói xấu Việt Nam.  
  
......

Sau này chiến tranh biên giới xảy ra, quân xâm lược TQ phạm nhiều tội ác tày trời với dân ta, mình có cơ hội đọc nhiều tài liệu, tiếp xúc với những người am tường về TQ, về văn hóa Trung Hoa, mình hiểu sâu thêm “thế nào là TQ?” theo cả nghĩa ưu điểm và khuyết điểm của đất nước này. 

Ở đây mình muốn nói ngay một điều: Chắc chắn là mình không thuộc dạng người cực đoan, là bài ngoại bài Hoa gì cả. Mà là cố gắng hết sức theo hướng nhìn đúng thực chất của vấn đề, nói lên vừa đủ để cắt nghĩa điều định nói.

Với cách nhìn đó thì thấy ra một điều khá là dễ nhận ra về TQ là bất cứ triều đại nào của bên nước láng giềng này (ngay giờ đây là các “triều đại” kế tiếp nhau của ĐCSTQ cũng vậy), là những người cầm quyền TQ chỉ một mực nghĩ mình là đúng, hình như không muốn người khác (người đối thoại với họ cũng vậy) là đúng là có lý hơn hơn họ đâu! Họ áp đặt lối nghĩ, lối giải thích theo cách họ muốn, hình như không cho ai nói khác?! Với họ đã yêu ai thì quý hóa ra mặt. Sự quý hóa đó đến mức người được quý hóa cũng lắm khi tự hỏi mình xứng đáng hưởng ưu ái thế không, có khi đến “phát ngượng” vì được quý. Nhưng một khi đã không ưa ai (là không làm vừa lòng, không hợp lợi ích của họ) thì họ tung hê hết, kiểu không ưa dưa có dòi! Rồi là không ngần ngại vu cho đủ điều, không chừa cho người ta một lỗ mà chui xuống đất... Ghê gớm và tàn độc hết chỗ nói là cái cách lãnh đạo nước này khu xử với nước yếu hơn nhỏ hơn. Chứ với nước lớn và mạnh, nước tỏ ra đàng hoàng cứng cỏi thì họ lại phải nhũn, phải kiềng mặt...

Cho nên với một quốc gia to rộng với nhiều tham vọng này, VN mình là láng giềng "không cách nào dọn đi chỗ khác được" thì nên khéo mà khu xử kiểu “kính nhi viễn chi” thôi, đừng dại dột mà thiết tha tin cậy… Và nếu như ở khía cạnh kẻ cầm quyền, thì hãy biết lo cho dân cho nước được dân chủ hùng cường đặng có thế và lực đủ mà chuyện trò bình đẳng với TQ. Nghĩa là không so vai rụt cổ, bởi luôn có dân một khối kết chặt đứng đằng sau... thì mới là đại phúc hồng phúc cho quốc gia dân tộc một khi phải sống gần, sống bên cạnh TQ.

 Vệ Nhi
 

 

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...