Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Câu chuyện 2 Quốc tịch

Câu chuyện 2 Quốc tịch

Vừa đây có nghe dư luận và báo chí phản ảnh từ hai ngành tư pháp và ngoại giao nêu lên "vấn đề giữ Quốc tịch Việt Nam" với chi tiết đáng chú ý: Là 5 năm sắp trôi qua rồi kể từ ngày Nhà nước công bố người VN ở nước ngoài muốn giữ lại Quốc tịch Việt Nam (cho phép có 2 Quốc tịch) thì đến các ĐSQ của chúng ta ở nước ngoài đăng ký giữ. Tuy nhiên vấn đề này cho đến nay xem ra chưa đưa lại kết quả khả quan. Vì con số đưa ra là trên 5 triệu người ở diện này thì mới chỉ có chừng 6.000 người đến đăng ký giữ lại Quốc tịch VN. Như vậy là quá ít.

Lại nghe nói các cơ quan chức năng VN một mặt lại muốn kéo dài thời hạn đăng ký, mặt khác sẽ tìm cách sửa đổi cơ chế, quy định sao cho “thực tế hơn”, “phù hợp hơn” với tình hình Việt kiều hiện tại (đúng ra phải dùng nhóm từ “người Việt Nam ở nước ngoài” mới đầy đủ ý nghĩa).

Việc sửa đổi luật pháp, quy chế, quy định… thì mình thấy nên nhưng kéo dài thời gina (lần này rồi lần khác nữa…) thì mình chưa thấy thuyết phục. Bởi đã trải qua đến 5 năm mà chỉ chừng ấy người Việt có Quốc tịch nước ngoài đến cơ quan đại diện nước ta đăng ký giữ Quốc tịch VN thì giả sử kéo thê một hai năm nữa cũng chắc chả hơn gì. Người nào dự định giữ Quốc tịch quê hương thì đã đi đăng ký ngay, chứ ra hạn thêm thì xem ra số người mới chắc cũng chẳng còn đông đảo nữa.

Nhân có chuyện này, chủ blog tôi xin phép tác giả ở Ba Lan đăng lại bài viết dưới đây để thấy thêm cách nhìn vấn đề cũng như một chút tâm trạng thực tế của người VN chúng ta đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài.
Vệ Nhi    

 -----

Vấn đề quốc tịch nước ngoài và quốc tịch Việt Nam


Với cương vị là công dân của Việt Nam và Ba Lan, tác giả bài viết chỉ muốn chia sẽ những góc nhìn của bản thân, khi đã có được một số kiến thức và những kinh nghiệm sống nào đó. Bài viết không hề có tính chất hướng dẫn, nhận xét hay phê bình bất cứ một ai. Ngoài ra nó cũng không thể là một chiếc bản đồ chỉ đường cùng với các nguyên tắc pháp luật, để ai đó có thể dựa vào đây lấy lý lẽ làm bằng chứng, vì một lý do đơn giản là tác giả chỉ là một công dân bình thường, hoàn toàn không có quyền (đó).
Là một công dân tự do, ai cũng có quyền đưa ra ý kiến của mình, góp phần nào đó cho xã hội ngày càng dễ dàng (về hành chính), cũng như lành mạnh và tươi đẹp (về cuộc sống) hơn. Tất nhiên, tiếng nói của 1 công dân cũng chỉ có những giá trị ở một mức độ nào đó. Nếu công dân có điều kiện để trở thành đại biểu quốc hội, thì khi đó tiếng nói sẽ có phần nào mạnh mẽ và thiết thực hơn, bởi vì khi đó sẽ được tham dự vào những công việc lập pháp cho cả quốc gia, sẽ góp phần tạo ra những bộ luật dễ hiểu, dễ áp dụng và quan trọng là thân thiện hơn cho người dân.

Tất cả các nguyên tắc pháp luật là do con người tạo nên. Và nó để phục vụ con người, không chỉ ở góc độ để dễ quản lý, mà ở mọi phương diện. Các bộ luật luôn được tạo ra, được sửa đổi, để tất cả mọi công dân đều cùng được áp dụng bình đẳng, khi cùng chung sống trong một cộng đồng lành mạnh. Do vậy, bộ luật nào hay nghị quyết nào, nếu không hợp lý trong cuộc sống, cũng có thể thay đổi tại mọi thời điểm, tức là phải điểu chỉnh ngay lập tức, sao cho hợp lý, có lôgic, phải có tính chất thực thi và quan trọng là phải để phục vụ mọi người dân. Mỗi một người dân khi sinh ra, đều đã có rất nhiều rất quyền lợi chính đáng, đa số mọi điều thực ra toàn là những chuyện hiển nhiên, nhưng vì một vài lý do khác nhau, không phải là ai cũng (muốn) nhìn nhận thấy những điều quan trọng này.
Nói chung, bộ luật nào đưa ra (đã được bàn luận và phê duyệt) đều phải mang tính chất thật công minh và quan trọng là phải thật dể hiểu cho tất cả mọi người dân. Tất nhiên là làm được điều này không hề dễ dàng, vì trình độ nhận thức của mỗi người là khác nhau. Nguyên tắc chung là bộ luật nào cũng phải rõ ràng, nhưng cũng không thể tạo điều kiện cho người dân dễ dàng làm những công việc được gọi là „lách luật”, đồng thời bộ luật cũng không thể là một „mớ bòng bong”, để cho người dân không thể hiểu và chỉ để cho những người có thẩm quyền có thể nhìn nhận và thi hành nó theo một cách tùy tiện. Nguy hiểm là khi nhà công chức nhìn nhận (áp dụng) luật với tiêu chí là chỉ để có lợi cho bản thân, mặc dù điều đó gây ra rất nhiều phiền hà cho người dân, chỉ theo nguyên tắc „hành là chính”, bởi vì là quốc gia nào cũng đang cố gắng bài chống tệ nạn tham nhũng.
Việt Nam và Ba Lan đều đang trên con đường phát triển, có lẽ ai cũng muốn hội nhập với thế giới, tuân thủ theo các nguyên tắc và đạo lý chung, chứ không phải là muốn làm gì cũng được, khi đang có nhiều quyền lực trong tay. Bởi vì là chúng ta đang sống trong một thời đại là đa số các quốc gia đều muốn có một nền kinh tế thị trường, cùng phát triển, cùng hội nhập và dễ dàng giao lưu, để có quan hệ hợp tác quốc tế với nhau, với tính chất toàn cầu. Chả ai muốn mình bị cô độc, vì trong cuộc sống của ai cũng cần có giao lưu, nhất là khi công việc làm ăn buôn bán đang phát triển ngày càng thuận lợi.
Về quốc tịch, Ba Lan (Việt Nam cũng vậy) có bộ luật công nhận quốc tịch theo tính chất thừa kế (theo máu). Tức là khi cha/mẹ có (những) quốc tịch nào là con cái sinh ra có được (những) quốc tịch đó. Hoàn toàn không phụ thuộc vào vị trí địa lý, nơi đứa trẻ sinh ra. Ngược lại, khi cả cha và mẹ là người nước ngoài, đứa trẻ sinh ra ở Ba Lan không có quốc tịch Ba Lan, mà nó phải nhận (những) quốc tịch của cha mẹ mình.
Trường hợp khi mà người mẹ là công dân Ba Lan, những đứa trẻ được sinh ra nghiễm nhiên có quốc tịc
h Ba Lan, trừ trường hợp khi người mẹ chỉ muốn cho con mình nhận quốc tịch nước khác (theo cha nó).


Trường hợp khi mà người mẹ là công dân Việt Nam, nếu tình trạng hôn nhân của người mẹ đang ở cương vị là kết hôn (có chồng) thì khi sinh con ở Ba Lan, người chồng nghiễm nhiên được/phải đứng tên là cha của đứa trẻ. Nếu đứa con là kết quả của „một vụ ái tình” khác, thì khi đó người chồng, người vợ và người bồ có thể cùng ra khai báo ở tòa án. Tòa án làm công việc xác minh (thẩm tra, hỏi cung, thậm chí xét nghiệm ADN nếu cần) rồi có thể đưa ra kết luận tuyên án là người chồng khi không có quan hệ với vợ vào thời điểm thụ thai, sẽ không phải là cha đẻ của đứa bé. Khi đó Phòng hộ tịch có thể gạch tên người chồng trong giấy khai sinh của đứa trẻ và người bồ (cha thật) của nó sẽ được ra Ủy ban làm thủ tục nhận con và ghi họ tên mình vào giấy khai sinh của nó. Nếu người chồng có quốc tịch Ba Lan, đứa bé (đã) có quốc tịch Ba Lan, nhưng sau khi có sự thay đổi, người cha mới của nó (tức người bồ của mẹ nó) không có quốc tịch Ba Lan, thì khi đó đứa bé sẽ không còn quốc tịch Ba Lan, bởi vì là hiện tại cả cha mẹ của nó đều không có quốc tịch Ba Lan, đứa trẻ hoàn toàn không còn gì liên quan với công dân Ba Lan (ông chồng của người mẹ) kia nữa. Thậm chí khi nó đã mang họ mẹ (và hiện vẫn giữ họ này), mặc dù đã có quyển hộ chiếu Ba Lan với hạn giá trị là 10 năm (có thể không ai đòi thu hồi cuốn hộ chiếu này, nhưng nó sẽ không được gia hạn) – đứa trẻ không là công dân Ba Lan. Vậy là không có chuyện là đã có rồi là không bao giờ mất. Có (sở hữu) quyển hộ chiếu là một chuyện, vấn đề (có) quốc tịch lại là hoàn toàn khác.




Nếu tình trạng hôn nhân của người mẹ đang ở cương vị là không có chồng thì người cha của nó sẽ được ra Ủy ban làm thủ tục nhận con luôn (không cần kết hôn). Nếu người cha có quốc tịch Ba Lan, đứa bé sẽ có quốc tịch Ba Lan, nhưng chỉ trong trường hợp người cha làm thủ tục nhận con khi nó chưa đầy 1 tuổi. Quá một năm, đứa trẻ chỉ được nhận quốc tịch của người mẹ.
Khi đứa bé có quốc tịch Ba Lan, trong trường hợp nó theo mẹ về Việt Nam sinh sống, nó vẫn luôn có quốc tịch Ba Lan, thậm chí khi quyển hộ chiếu của nó hết hạn. Không có chuyện hết hạn hộ chiếu là mất quốc tịch (Ba Lan). Có thể đến Đại sứ quán Ba Lan để xin hộ chiếu cho đứa bé tại mọi thời điểm. Lưu ý là mỗi khi làm hộ chiếu là cần có sự (giấy) đồng ý của người cha. Giấy ủy quyền thường là viết cho từng công việc, có giá trị vào từng thời điểm. Không có giấy ủy quyền nào có giá trị vĩnh viễn (bởi mọi ý kiến cá nhân luôn có thể thay đổi).
Gần đây, có nhiều người hỏi về vấn đề còn hay mất quốc tịch Việt Nam sau tháng 7 tới và có phải ai cũng phải đi đăng ký (quốc tịch) hay không. Theo cách hiểu của tác giả thì tất cả những ai đã và đang có quốc tịch (hộ chiếu) Việt Nam, nếu chưa bị/được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký cho thôi quốc tịch, sẽ vẫn luôn luôn là công dân Việt Nam. Gia hạn hay xin hộ chiếu (Việt Nam) mới lại là một vấn đề hoàn toàn khác, không hề có liên quan gì đến chuyện còn hay mất quốc tịch.
Chuyện đăng ký công dân với thời hạn giá trị tháng 07.2014 có lẽ chỉ liên quan đến những người dân gốc Việt ra đi khỏi Việt Nam từ trước 1975, khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa còn tồn tại và đã cấp (hay chưa hề cấp) hộ chiếu cho họ?



Chính quyền và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam cũng nên đưa ra những thông tin cụ thể, để tránh gặp những ý kiến là Việt Nam có nhiều bộ luật hay nguyên tắc khó hiểu, có quá nhiều điều luôn liên quan đến lệ phí hay là những mục đích kinh tế v.v..., bởi vì ai cũng biết là chính quyền quốc gia tiến bộ nào cũng luôn luôn tạo ra những bộ luật hữu ích nhất cho công dân nước mình. Tại sao thời hạn hay thời điểm sinh sống (trước 2008/2009, sau 2009 hay sau tháng 07.2014) lại có tính chất quan trọng như vậy, trong vấn đề có hay (không có) quốc tịch?

Tóm lại, tốt nhất là mọi người hãy chịu khó đến cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam để hỏi trực tiếp về trường hợp của bản thân, nếu thấy còn nhiều thắc mắc, khó hiểu. Khó mà có được một bài viết chung có hữu ích cho tất cả mọi thành phần. Có điều là không ai muốn có quá nhiều chuyện hành (là) chính khó hiểu!

3-2014
Ngô Hoàng Minh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...