Chuyện
xưa ngẫm nay
Chủ blog tôi
nhận được qua hộp thư một câu chuyện hay hay. Chuyện người xưa nhưng người đời
nay vẫn nên đọc và suy ngẫm…
Ở đây điều gì còn đúng mình ghi nhận, áp dụng, khéo cư xử điều tiết trong cuộc sống. Điều gì không đúng, lạc hậu lạc điệu rồi, thì cũng biết là thế, hoặc bỏ qua…
Ở đây điều gì còn đúng mình ghi nhận, áp dụng, khéo cư xử điều tiết trong cuộc sống. Điều gì không đúng, lạc hậu lạc điệu rồi, thì cũng biết là thế, hoặc bỏ qua…
Vệ Nhi
-----
Tiền
bạc & Đàn bà không gửi cho ai được!
Khuyết danh
Vương Thành, người ở Bình Nguyên, là con nhà thế gia vọng tộc, lại hay chơi bời lêu lổng, chẳng thiết làm ăn, khiến Vương Ông âu sầu trong dạ, mà than rằng:
- Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Nay sự giàu có của nhà ta đến nay đã được ba đời, mà đời nào cũng một nắng hai sương, sớm chiều vất vả, mới tạo được cơ ngơi như vầy, hầu nở mặt nở mày với bà con lối xóm. Nay con ta lại ra ngoài ước lệ. Chỉ khoái vui chơi, thì e... lông cánh kia chẳng giống chút nào hết cả!
Đoạn, bước đến bàn thờ thắp vội nén hương thơm, mà tỏ bày tâm sự:
- Bà sống khôn thác thiêng thì chỉ vẻ cho con biết tiền là gan ruột. Có thể đổi trắng thành đen, biến thương thành ghét. Đổi cái lung tung trở thành hiền ngoan cái một. Vậy con phải dốc hết sức lực tâm trí mà kiếm mớ kim ngân. Chớ không thể cứ vui chơi mà xài hoài mãi được! Chừng đến lúc tiền kia bay hết - mới hiểu chút thâm tình có đặng hay không - thì e nước dâng cao làm sao mà nhảy được?
Nói xong, mới cho người gọi Vương Thành đến, mà bảo rằng:
- Khi lành không gặp khách, khi rách gặp lắm người quen, thì phải để ý lắm mới ra người quân tử!
Vương Thành như trên trời rớt xuống. Chẳng hiểu mô tê, nên nghệch mặt ra mà hỏi tràn:
- Cha nói vậy nghĩa là làm sao?
Vương Ông trầm tĩnh đáp:
- Đồng tiền là máu huyết. Lời hứa là khí trời. Khí trời chơi xả láng thì được, nhưng máu huyết thì không thể xả... hoài hoài như thế!
Vương Thành lặng người đi một chút, rồi thận trọng thưa:
- Tiền bạc có mang lại niềm vui, thì đồng tiền đó mới giá trị. Nay có tiền mà không xài, thì so với kẻ khố rách áo ôm chắc chẳng khác gì hết cả!
Vương Ông mặt mày tái mét. Hơi thở dồn dập. Tưởng như sắp đến hồi nhắm mắt ra đi. Vương Ông tức tối nói:
- Tiền bạc cũng như đàn bà. Nếu không giữ gìn săn sóc nó, thì nó sẽ săn sóc cho người khác. Có biết vậy hay chăng?
Ngày nọ, Vương Ông chẳng may lâm bệnh mà qua đời. Vương Thành vội vàng lo tang lễ, vén trước gọt sau, nên tuy cấp bách vẫn lễ nghi toàn vẹn. Vợ của Thành là Hàn thị, thấy chồng tất tả ngược xuôi, nên sợ sóng trước đi đâu sóng sau nhào theo đó, bèn nhân lúc Thành đang vui cùng chút rượu, mới đến bên mà nhỏ nhẹ nói rằng:
- Hơn một ngày chẳng ở, kém một ngày chẳng đi, thì rõ ra con người ôm... số phận. Nay cha có thác đi, thì cũng là tuân theo luật lệ nhà Trời. Chớ nào đáng chuyện chi, mà chàng lại bỏ ăn chỉ uống mình ên vậy. Há chẳng... điên ư?
Vương Thành nghẹn ngào đáp:
- Ngày nào cha con kề cận, sớm tối nghe... than, hốt nhiên trở thành quen thuộc. Nay bỗng dưng tan đàn xẻ nghé. Cách trở đôi nơi, khiến chốn tâm can xót xa vì đứt đoạn. Ta nghĩ. Người dưng chết còn thấy lòng tiếc nhớ. Huống chi cha. Không tiếc không thương mần răng được?
Nói rồi, dzô liền một ngụm, như muốn mượn chút men đẩy đi lòng nuối tiếc. Hàn thị thấy vậy, mới nắm lấy đôi vai, tha thiết nói:
- Xa mặt cách lòng. Người đi hẳn sẽ đi luôn, và kẻ ở rồi cũng sẽ quên người cũ, thì chàng buồn bã làm chi? Cho thêm phần héo úa?
Từ đó, Vương Thành lại càng vui chơi hơn trước. Lúc kéo máy, khi ả đào, nên chẳng mấy chốc lâm vào cảnh sa sút. Nhà cửa trống trơn, khiến Hàn thị nước mắt như mưa mà bảo thầm trong dạ:
- Vợ là một đóa hoa quý. Nếu không che chở nắng mưa thì sắc tươi cũng phải héo. Sắc thắm cũng phải phai. Sắc hương cũng theo đó mà đi về cõi khác - thì nghĩa vợ chồng - Biết có còn nồng thắm được không đây?
Gần nhà Vương Thành, có một khu vườn của nhà họ Chu, tường vách đổ hết, chỉ còn một mái nhà. Gặp lúc trời mùa Hè oi ả, nên người trong làng thường đến ngủ nhờ ở đó. Thành cũng đến đấy nằm ngủ. Sáng ra, mọi người dậy hết, mãi đến lúc mặt trời lên đến ngọn tre, Thành mới choàng dậy. Thong thả toan về, bỗng thấy một chiếc xuyến vàng rơi trong đám cỏ, hớn hở nhặt lên, thì thấy khắc hàng chữ nhỏ: Nghi tân phủ tạo, bèn rúng động tâm can mà nghĩ này nghĩ nọ:
- Ông nội của ta là rể của các Thân vương, nên các vật cũ trong nhà đều khắc mấy chữ đó. Ta đã... bán đi. Sao lại có thể rơi rớt ở đây dễ dàng như thế được?
Rồi trong lúc đương lấy làm lạ, trù trừ chưa quyết, thì thấy một bà lão mặt mày hơ hãi, đang dáo dác kiếm tìm. Vương động lòng bảo bụng:
- Phải chi lúc nhặt được xuyến, ta vội vã chạy về, thì tránh được áy náy lương tâm đang ào lên kêu réo! Còn bây giờ thấy người đang hơ hãi. Cuống quýt kiếm tìm - mà ta lại im ru - thì còn đứng trong trời đất làm sao đặng?
Nghĩ vậy, toan bước lại hỏi thăm. Chợt nghe chốn tâm can vang vang lời phân giải:
- Ai hỏi mà trả. Ai khảo mà xưng. Hà cớ chi lại lắm điều lắm chuyện? Vả lại, bà lão mặt mày hơ hãi. Hổng chừng đang kiếm... nợ duyên, thì ta không thể cứ ngơ ngơ mà bỏ mất hoạch tài đang trước mắt!
Đoạn, quay lưng định bước đi, thì nghe tiếng hỏi rằng:
- Già đánh rơi chiếc xuyến. Cậu có thể vì già mà kiếm giúp được chăng?
Vương Thành xoay chuyển ý nghĩ thật nhanh, rồi nhủ thầm trong dạ:
- Mình biết người ta mất, mà không trả, thì so với bọn đá cá lăn dưa, nào có khác gì? Mình biết người ta già yếu mà làm điều xằng bậy, rồi lỡ một mai người ta đoàn tụ với... tổ tiên, thì cái gian đó bao giờ mới trả đặng? Mình học Đạo Thánh Hiền mà không áp dụng, thì so với kẻ không biết, nào có hơn chi? Đó là chưa nói đồng tiền không lương thiện - sẽ làm mình mất... mẹ cái nhân chi sơ - thì còn mong ước dạy dỗ con thơ làm chi nữa?
Đoạn, vội lấy chiếc xuyến đưa cho bà cụ. Bà rạng rỡ môi cười, sung sướng nói:
- Nghèo vì bạn, khốn nạn vì... đồng hương! Câu nói đó hổng phải bao giờ cũng đúng!
Rồi không đợi Vương Thành nói gì, bà ào ào phang tiếp:
- Xuyến này chẳng đáng bao nhiêu, nhưng là kỷ vật ngày xưa của chồng ta để lại.
Thành kinh ngạc hỏi:
- Đó là của ông tôi. Sao lại có sự trùng hợp lạ lùng như thế?
Bà lão ngạc nhiên đáp:
- Mày là cháu của Vương Giản Chi à? Ta cùng ông mày khắng khít bao năm, đến khi ông mày mất, ta bèn đi ở ẩn. Nay qua ngang đây, bỗng rơi xuyến lại vào tay mày. Chẳng phải số trời đã định hay sao?
Vương cũng nghe ông mình nhiều vợ, nhưng chưa có trường hợp lạ kỳ như vầy, bèn thắc mắc hỏi:
- Ông chết. Bà chẳng ở nhà lo giỗ chạp nhớ ông, mà lại đành lòng đi ở ẩn, là cớ làm sao?
Bà lão đỏ mặt đáp:
- Chỉ có mình mới hiểu được mình, ngoài ra chẳng có ai hiểu thấu như mình hết cả. Tao biết mình thuộc hàng đa cảm. Gặp mưa cũng thấy lòng thổn thức. Gặp nắng cũng thấy lòng nhộn nhạo xôn xao. Gặp trăng soi cũng mơ ước lung tung khó lòng yên nghỉ được. Còn gặp người, mà là hạng anh hùng hảo hán, thì chỉ muốn... tới luôn. Chớ không thể nhắm mắt chờ trâu tìm cột được! Tao lại nghĩ. Lao xao cho lắm cũng qua một kiếp người. Chi bằng làm hiền phụ, mà muốn làm hiền phụ thì phải tìm nơi ít người lui tới - mới giữ được... giá trong - Chứ cứ phê phê mần răng mà giữ được?
Vương Thành ngạc nhiên, hỏi:
- Đụng đậy hay không là do ở lòng mình. Hà cớ chi lại ở ẩn cho ngày xuân hư mất?
Bà lão mĩm cười đáp:
- Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ngươi còn nhỏ tuổi, lại có vợ gần bên - nên chưa hiểu hết sự đơn côi của phòng không chiếc bóng - thì sao có thể thấu đặng hấp lực của nó thế nào? Mà nói nọ nói kia. Chẳng khiến cho hồn ta tăng thêm phần tiếc nhớ!
Vương Thành mở to mắt ra vì cảm phục. Chưa biết nói sao. Chợt nghe bà lão rộn ràng nói tiếp:
- Từ ngày ông mày cỡi hạc bay đi. Cứ mỗi ngày trôi qua là một lần tao làm... giỗ. Tao nghĩ. Giỗ chạp chỉ là hình thức bên ngoài - trong khi chân tình lại nằm gọn bên trong - thì cần chi phải tổ chức rùm beng mới ra điều lễ nghĩa?
Vương nghe tới đâu mát lòng theo tới đó, liền hớn hở mời bà cụ về nhà. Lúc đến nơi, Vương gọi vợ ra chào. Bà cụ thấy vợ Vương mặc áo rách. Đầu tóc rối bù. Sắc mặt thiểu não, bèn động mối từ tâm, mà than rằng: "Ôi! Con cháu Vương Giản Chi mà nghèo thế này ư?"
Lại nhìn thấy bếp núc lạnh ngắt. Giở liền chum gạo, thì thấy vài củ sắn thâm đen nằm chơi trong đó. Ngó ra sân sau, chỉ thấy cỏ cây tiêu điêu xơ xác, bèn buột miệng nói rằng:
- Cửa nhà như thế này, lấy gì mà sống?
Vợ Vương được dịp kể lễ cảnh nghèo nàn, nức nở khóc than qua hai hàng nước mắt:
- Đã là phụ nữ với nhau, ắt bà cũng thấu hiểu, là thân con gái, thì lấy chồng để nhờ chồng. Chớ làm gì có chuyện trái ngược. Lấy chồng để chồng... nhờ mà sống đặng hay sao?
Bà lão nghe vậy, bèn đưa chiếc xuyến bảo bán đi mà lấy tiền đong gạo, rồi cẩn thận dặn rằng:
- Sông có khúc, người có lúc. Lẽ nào lại tối mãi hay sao? Ba ngày nữa ta lại ghé thăm, để xem sự thể ra sao rồi sẽ liệu.
Đoạn, cất bước ra đi. Vương đưa ra tận ngõ mà nghe lòng lưu luyến. Lúc trở vào, đang bần thần rã rượi. Chợt nghe vợ lớn tiếng, hỏi:
- Vợ chồng. Muốn sống với nhau đặng lâu dài phải lấy sự thành tâm làm gốc. Nay chàng có bà con ruột thịt, mà chẳng nói năng chi. Há chẳng khiến cho thiếp buồn lên mắt biếc?
Vương Thành hốt hoảng nói:
- Với cha mẹ, ta có thể có đôi điều không thật - nhưng với nàng - Tóc... rụng còn nói ra. Huống chi chuyện thế kia làm sao mà giấu được?
Rồi đem mọi chuyện ra mà kể. Không bỏ sót một chỗ nào. Kể xong, mới cảm khái với lòng mà trút ruột trút gan:
- Ở đời phúc họa khó mà lường trước được. Nếu ta không thắng đặng lòng tham, thì cốt nhục tương thân làm sao mà tới được?
Ba ngày sau, bà lão tới, liền gọi vợ chồng Vương Thành đến, mà bảo rằng:
- Cháu nên kiếm nghề gì mà sinh sống, thì mới được lâu dài. Chớ cứ theo bè theo bạn. Nay bạc mai bài. Liệu đến tuổi già còn hối hận kịp chăng?
Vương Thành yếu ớt đáp:
- Có bột mới gột nên hồ. Cháu cũng biết vậy, nhưng trắng cả đôi tay, thì chỉ có nước... thua luôn chớ mong gì hơn được!
Bà lão kéo tay hai vợ chồng lại. Đặt vào một túi nhỏ, rồi tha thiết nói:
Lúc còn ông mày, vàng lụa lấy bao nhiêu cũng được. Tao tự nghĩ: Ông mày thích cái đẹp tự nhiên. Chớ không màng son phấn, nên tao chỉ lấy đủ để mua... dưa leo mà đắp mặt. Nay ông mày đã cưỡi hạc về trời, thì cái đẹp tự nhiên cũng chẳng cần chi đến nữa, nên tao cho vợ chồng mày làm vốn, để kiến tạo ngày mai. Cho con cháu yên vui mà sống đời tín nghĩa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét