Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Nhân kỷ niệm 30/4: Đề tài chiến tranh VN với những cây bút Tây Đức


Nhân kỷ niệm 30/4: Đề tài chiến tranh VN với những cây bút Tây Đức

Vừa qua Chủ blog tôi nhận được bài viết khai thác một chủ đề vừa gắn với sinh hoạt của báo chí và xuất bản ở nước ngoài phản ánh tình hình Việt Nam vừa gắn với những sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh Việt nam và sự kiện 30/4/1975 một cách hết sức hấp dẫn và sinh động. Đây cũng là một thế rất  mạnh của báo chí cũng như những cuốn sách được xuất bản ở phương Tây nói chung và riêng với nền báo chí Tây Đức trước đây (nay là CHLB Đức) khi xây dựng và đăng tải những vấn đề về đất nước và Việt Nam.

Dưới đây xin post toàn bộ bài lược thuật rất có giá trị của nhà ngoại giao Trần Ngọc Quyên về một cuốn sách được xuất bản ở CHLB Đức hơn 30 năm trước. Như lời giới thiệu của Trần Ngọc Quyên: "Năm 1979 tác giả Anita Eicholz đã cho ra mắt cuốn sách với nhan đề "Đề tài chiến tranh Việt Nam trên tạp chí Tấm Gương". Đây là một công trình nghiên cứu công phu, dày tới 262 trang đi sâu phân tích toàn diện số lượng, chủ đề và nội dung các bài viết về đề tài chiến tranh Việt Nam đăng trên tạp chí này từ 1954 đến 1975".

Chỉ đọc sơ qua những dòng trên đã thấy một khối lượng đồ sộ các bài viết về cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ ở một Tạp chí Đức thì càng thấy sức hút lớn lao của đề tài chiến tranh Việt Nam trước đây đối với giới báo chí ngoại quốc. 

Vệ Nhi 

------






TẠP CHÍ "TẤM GƯƠNG" (CHLB ĐỨC)
VỚI CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Tác giả: Trần Ngọc Quyên (tổng thuật)



Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ chống nhân dân Việt Nam đã để lại những đấu ấn sâu đậm trong dư luận báo chí thế giới. Tạp chí "Tấm gương" (Der Spiegel) của Cộng hòa liên bang Đức là một ví dụ điển hình về điều đó.



"Tấm gương" là tạp chí chính luận có uy tín nhất ở Đức như tạp chí "Times" hay "Newsweek" ở Mỹ, "Tấm gương" là tạp chí xuất bản hàng tuần liên tục từ năm 1947 đến nay, với số lượng bản và số trang ngày càng tăng (hiện nay trung bình mỗi số trên một triệu bản, và độ dày khoảng 200 trang). Tạp chí "Tấm gương" có số lượng độc giả rất lớn ở cả trong và ngoài nước, đội ngũ độc giả cũng có những nét đặc biệt: ngay từ 1971 số lượng độc giả trung bình đã là trên 4,6 triệu người lón (chiếm khoảng 12% tổng số người lớn ở Tây Đức lúc đó). "Tấm gương" là tạp chí được những người nắm quyền quyết định về chính trị và kinh tế ở Đức sử dụng nhiều nhất (38,4%), đội ngũ độc giả có trình độ học vấn cao (41,5% số độc giả có trình độ từ tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên; 18% số độ giả xếp vào tầng lớp có học vấn cao nhất ở Đức (được coi là tầng lớp Elite) - trong khi tầng lớp này chỉ chiếm 6% dân số; 55% số luật sư và 42% số bác sĩ thường xuyên đọc tạp chí này...). Điều đó nói lên tạp chí "Tấm gương" có ảnh hưởng rất sâu rộng trong công chúng Đức và những bài viết của nó về đề tài chiến tranh Việt Nam đã từng thu hút hàng triệu độc giả Đức.

Năm 1979 tác giả Anita Eicholz đã cho ra mắt cuốn sách với nhan đề "Đề tài chiến tranh Việt Nam trên tạp chí Tấm Gương". Đây là một công trình nghiên cứu công phu, dày tới 262 trang đi sâu phân tích toàn diện số lượng, chủ đề và nội dung các bài viết về đề tài chiến tranh Việt Nam đăng trên tạp chí này từ 1954 đến 1975. Trên cơ sở phân tích sâu sắc các khía cạnh, tác giả đã rút ra nhiều nhận xét, kết luận đáng chú ý về đề tài chiến tranh Việt Nam trên một tạp chí chính luận có uy tín nhất ở Đức, từ đó cũng có thể rút ra những nhận xét khái quát về dư luận báo chí ở Đức nói chung đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống nhân dân Việt Nam.

Cuốn sách gồm 9 chương với các nội dung như mối quan hệ Đức - Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam; bối cảnh lịch sử và vai trò của Mỹ ở Đông Dương; những nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh; phân tích các bài theo số lượng, nội dung từng chủ đề... (đây là phần chính của cuốn sách) và những kết quả, nhận xét rút ra qua phân tích.

Phần Phụ lục của cuốn sách gồm các mục sau:

- Danh mục toàn bộ các bài viết về Việt Nam đăng trên tạp chí "Tấm gương" từ năm 1954 đến 1975.
- Biên niên sử cuộc chiến tranh Việt Nam từ khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ (7/5/1954) đến khi thống nhất đất nước thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/7/1976).

Theo tác giả cuốn sách, từ năm 1954 đến 1975 tổng cộng có 546 bài về đề tài chiến tranh Việt Nam được đăng trên tạp chí "Tấm gương". Bài đầu tiên đăng trên trên số 19/1954 với nhan đề "cuộc phiêu lưu của phương Tây với số phận Đông Dương: từ một cuộc phiến loạn thuộc địa trở thành cuộc xung đột thế giới". Bài sau cùng đăng trên số 53/1975 với đầu đề: "Bất khả chiến thắng trong tất cả các trận chiến / Việt Nam không diễn ra ở Hollywood (trong loạt bài nhân dịp kỷ niệm 200 năm hợp chủng quốc Hoa Kỳ - Bài số IX: "Quân đội Mỹ sau cuộc chiến tranh bị thất bại ở Việt Nam").

Cũng theo tác giả, trong 21 năm đó đã có tới 15 số đề tài chiến tranh Việt Nam được in trên trang bìa của tạp chí " Tấm gương" thành chủ đề chính của các số đó, thậm chí có một số năm chủ đề Việt Nam được in trên trang bìa tới hai lần như các năm 1966, 1968, 1973 và 1975. Trong một thế giới đầy biến động và có quá nhiều sự kiện, thì hiếm có chủ đề nào lại xuất hiện nhiều lần như vậy trên trang bìa của tạp chí này như đề tài chiến tranh Việt nam. Một số dòng "tít" đang chú ý trên các trang bìa là "Cơn bão đỏ ở Việt Nam" (số 7/1968 nói về cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân); "Sự sụp đổ ở Đông Dương" (số 15/1975) và "Không còn tin cậy vào Mỹ được nữa/Đông Dương đỏ" (số 19/1975) nói về thất bại của Mỹ và thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có thể nói các bài đăng trên tạp chí "Tấm gương" đã phản ánh khá đầy đủ tất cả các mốc lịch sử và các sự kiện quan trọng trong của cuộc chiến tranh Việt Nam từ sau khi ký hiệp định Geneve năm 1954 về Đông Dương, đến khi giải phóng hoàn toàn miền nam 1975. Những năm diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt đã có tới trên dưới 40 bài mỗi năm, thậm chí có năm tới trên 60 bài được đăng trên tạp chí "tấm gương" (trung bình mỗi số có trên một bài). Cụ thể số lượng hàng năm như sau: 1954 - 1963 tổng cộng 21 bài; 1964: 21 bài, 1965: 44 bài, 1966: 46 bài, 1967: 64 bài, 1968: 63 bài, 1969: 43 bài , 1970: 48 bài, 1971: 62 bài, 1972: 49 bài, 1973: 39 bài, 1974: 8 bài và 1975: 38 bài.




Số liệu thống kê trên cho thấy từ khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ở miên Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, số lượng bài đã tăng vọt, trung bình mỗi năm gấp 2 đến 3 lần tổng số bài của cả thời kỳ 1954 - 1963.

Tổng số độ dài của 546 bài là 2.924 cột, tương đương với 975 trang tạp chí (mỗi trang có 3 cột), tức là khoảng 3 quyển sách tương đối dầy khổ lớn (21 x 28 cm). Điều đó nói lên khối lượng thông tin và tư liệu về chiến tranh Việt Nam đã được phản ảnh trên tạp chí "Tấm gương" phong phú như thế nào. Độ dài phổ biến của các bài là 3 cột (tức là 1 trang tạp chí) còn bài nhiều kỳ phần lớn có độ dài 24 - 25 cột (khoảng 8 trang). Những năm có nhiều bài dài là 1968 Tổng tấn công tết Mậu Thân): chiếm 14,3 tổng số bài; 1971 (công bố tài liệu mật của Lầu năm góc): 14,3 tổng số bài và 1975 (giải phóng hoàn toàn miền nam): 12,2 tổng số bài.

Song có lẽ điều đáng chú ý hơn cả là sự thay đổi trong cách nhìn nhận của những cây bút chính và tạp chí "Tấm gương" nói chung đối với cuộc chiến tranh Việt Nam thể hiện qua nội dung các bài viết.
Năm 1967 không những là năm có số bài viết về chiến tranh Việt Nam đạt con số kỷ lục (64 bài) mà còn là năm đánh dấu một bước ngoặt về nội dung của các bài viết trên "Tấm gương".

Có thể nói cho đến năm 1963 chưa có bài nào trên tạp chí này tỏ ra hoài nghi về chính sách của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Kể cả sau khi Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tiến hành chiến tranh bằng không quân ở miên Bắc nước ta, mở rộng chiến tranh xâm lược ở miên Nam, nhưng đến năm 1966 về cơ bản tạp chí "Tấm gương" vẫn chưa tỏ thái độ rõ ràng đối với hành động leo thang chiến tranh của Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam. Các bài phóng sự chiến tranh chủ yếu chỉ dừng lại ở việc mô tả kỹ thuật vũ khí, chưa công khai lên án chiến tranh của Mỹ. Chỉ có một lần duy nhất Chủ bút của tạp chí này là Augstein khi đề cập tới tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã dùng khái niệm "đạo lý của sự dã man" để ám chỉ Mỹ.

Từ năm 1967 các bài viết trên tạp chí "Tấm gương" đã chuyển sang thái độ phê phán công khai đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, điều đó được bắt đầu bằng loạt bài của Harrison E. Salisbury đăng liền trong bốn số đầu năm 1967 nói về chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc nước ta. Từ đó trở đi nội dung của các bài viết đã thể hiện rõ thái độ phê phán ngày càng mạnh mẽ hơn cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ, đặc biệt là tội ác chiến tranh của chúng như các bài viết về vụ thảm sát Mỹ Lai và về phiên tòa xét xử tên trung úy Calley, kẻ trực tiếp chỉ huy gây ra vụ thảm sát đó. Các bài viết ngày càng đi sâu phân tích và lên án tính chất dã man, tàn bạo của cuộc chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Từ năm 1971 nội dung các bài không chỉ dừng lại ở việc tố cáo và lên án tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ mà còn chuyển sang phê phán xã hội Mỹ nói chung. Tác giả cuốn sách nhận xét năm 1971 đánh dấu sự mở đầu cho thái độ phê phán chưa từng thấy của tạp chí "Tấm gương" đối với chế độ chính trị - xã hội của Mỹ, kết tội các tổng thống Mỹ đã từng dính líu đến cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là chĩa mũi nhọn vài Nixon...

Từ năm 1972 tạp chí "Tấm gương" có phóng viên thường trú ở miền Nam Việt Nam, nên có nhiều bài viết từ miền Nam thực sự mang tính chất phóng sự chiến tranh. Ngoài các bài viết về các sự kiện thời sự, phản ánh kịp thời tình hình chiến sự, còn có nhiều bài viết nhìn lại quá trình chiến tranh của Mỹ với cách nhìn nhận và đánh giá hoàn toàn khác trước, ví dụ đánh giá lại sự kiện Vịnh Bắc Bộ hay chính sách leo thang chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đây cũng là một sự chuyển biến quan trọng nhận thức và thái độ của tạp chí "Tấm gương" đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Nội dung các bài viết ngày càng khách quan hơn. Có lượng thông tin phong phó hơn.

Đặc biệt phóng viên Borries Gallasch của tạp chí "Tấm gương" là một trong số ít phóng viên nước ngoài có mặt tại Dinh Độc Lập từ sáng ngày 30/4/1975 và được chứng kiến từ đầu đến cuối sự kiện lịch sử Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng và đến đài phát thanh ra lệnh cho quân đội ngụy Sài Gòn hạ vũ khí đầu hàng, qua đó ông là nhà báo nước ngoài duy nhất đã trở thành nhân chứng của giờ phút lịch sử kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn. Sau đó cũng trong năm 1975 Gallasch đã cùng một số phóng viên nước ngoài khác có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, những ấn tượng sinh động và cảm nhận sâu sắc  của mình trong cuốn sách đầy giá trị lịch sử với đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ số không - Phóng sự của các nhân chứng về kết cục của một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm" mô tả lại các sự kiện và không khí ở thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 30/4/1975 cũng như 10 ngày trước và sau đó.

Tóm lại, có thể nói, kể từ khi xuất bản số đầu tiên đến nay, chưa có sự kiện quốc tế nào thu hút được sự quan tâm lâu dài và mạnh mẽ của tạp chí "Tấm gương" như cuộc chiến tranh Việt Nam. Với 546 bài và 15 lần trở thành chủ đề chính của từng số trong vòng 21 năm, với tổng độ dài khoảng gần 1000 trang, các bài viết về đề tài chiến tranh  Việt Nam trên tạp chí “Tấm gương” quả thực đã lập một kỷ lục hiếm có đối với một tạp chí chính luận có tín nhiệm nhất ở Đức và thuộc loại tạp chí lớn trên thế giới.

Nhưng điều quan hơn nữa là chính cuộc chiến tranh Việt Nam đã dần dần làm thay đổi không những cách nhìn nhận của từng người cầm bút mà nó còn làm thay đổi thái độ, quan điểm của cả tạp chí này đối với cuộc chiến tranh: từ chỗ bênh vực Mỹ, tạp chí "Tấm gương" đã chuyển sang phê phán và lên án ngày càng mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống nhân dân Việt Nam. Trong hàng chục năm trời "Tấm gương" từng là nguồn thông tin quan trọng cho hàng chục triệu độc giả Đức và ít nhiều góp phần hình thành dư luận trong công chúng  Đức phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ chống nhân dân Việt Nam .

Trần Ngọc Quyên *


* Trần Ngọc Quyên
Số nhà 28 Ngách 28 / Ngõ 463 Phố Đội Cấn – P. Vĩnh Phúc
Q. Ba Đình – Hà Nội
Tel/Fax: 04/37.629 123; Mobil: 091-23 24 374






Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...