Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
Kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, một vấn đề nóng được tham bàn nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây. Nhớ lại trước đây (mốc từ vụ giàn khoan Hải Dương gần 1 tháng rưỡi nay) thì việc này thời gian đó là "húy kỵ". Ngay khi Philippines khởi đơn kiện thì truyền thông, báo chí mình cũng chỉ đưa tin mờ nhạt, càng không có chuyện sáp vô để bàn có kiện hoặc là hợp lực cùng với nước này kiện TQ hay không.
Nhưng mà nay vấn đề kiện hay không kiện đang là sự quan tâm lớn của cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên phát biểu về đề tài này nếu không hợp với xu thế chung thì rất dễ bị hiểu lầm bị quy kết nọ kia...
Hôm nay cuối tuần nhận được bài viết về việc kiện TQ ra tòa - với cách đặt vấn đề rõ ràng là "phải kiện", nhưng cũng phân tích là "kiện cái gì", "kiện thế nàod" và "bao giờ thì kiện". Một cách đặt vấn đề rất ngay ngắn, bài bản. Thấy bài viết rất cơ bản và hay, xin giới thiệu dưới đây để bạn bè tham khảo.
Vệ Nhi
-----
Phải kiện nhưng kiện cái gì, kiện như thế nào, khi nào?
Tô Văn Trường
Việt Nam chúng ta tuy có đông dân, nhưng kinh tế, và nhiều mặt còn
chưa phù hợp với vai trò mà chúng ta nên có trong một thế giới sôi động ngày
nay. Người làm chính trị có thể coi như lái thuyền giữa biển khơi, sự tỉnh táo,
linh hoạt, là không thể thiếu.
Sự kiện giàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou (HS) 981 của Trung Quốc
ngang nhiên đặt vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hơn tháng
này kèm theo các hành động ngang ngược tấn công bằng vòi rồng phun nước, đâm
thủng các thuyền chấp pháp và ngư dân của ta gây nên làn sóng phẫn nộ phản đối
của nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Có nhiều ý kiến khác nhau về kiện
hay không kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế và thời điểm kiện cần chờ ý kiến
của Bộ Chính trị?
Kiện Trung Quốc, được là ai cũng biết Việt Nam
dám phản đối. Mất là mất cơ hội xác định rõ hướng đi với dân Việt và nước ngoài
Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc đưa tiếp dàn khoan vào những nơi khác. Người
ta chỉ thấy Việt Nam không biết mình sẽ làm gì, thậm chí người ta còn thấy sự
mất đoàn kết trong lãnh đạo.
Là con dân nước Việt, ai cũng đau đáu mối họa cho đất
nước. Vấn đề kiện hay không kiện là sự quan tâm lớn của cả trong và ngoài
nước. Phát biểu về những cái này, nếu không hợp với xu thế chung,
sẽ dễ bị “ném đá” vì lòng yêu nước là sức mạnh vô địch nhưng nếu không hướng
đúng, không sử dụng đúng thì chủ nghĩa dân tộc sẽ thành con dao hai lưỡi giống
như vụ Bình Dương – Hà Tĩnh vừa qua.
Không có một Nhà nước nào lại từ bỏ chủ quyền của mình một cách dễ
dàng, chịu lệ thuộc vào nước khác cả. Nhà nước Việt Nam cũng đã chuẩn bị cho
các giải pháp từ nhiều năm nay cho dù còn có nhiều lúc chúng ta chủ quan, “nước
chưa đến chân chưa nhảy” hay làm chưa đạt được chất lượng mong muốn.
Điều này xảy ra trong cả quân đội khi không tận dụng được thời
gian để trở thành chính quy hiện đại, xảy ra trong cả nền kinh tế của chúng ta,
khi không đa dạng hóa bạn hàng, không cổ phần mạnh các doanh nghiệp chuyển sang
cơ chế thị trường.
Sử dụng giải pháp pháp lý
Sử dụng giải pháp pháp lý là một ứng xử văn minh mà các quốc gia
phương Tây nơi có nền luật pháp vững chắc lâu đời thường cậy đến. Với châu Á,
từ chỗ coi các Tòa án quốc tế là sản phẩm của phương Tây, sau nhiều cải tổ của
chính Tòa, bổ sung thêm các thẩm phán từ các quốc gia nhỏ khác, nên các nước
châu Á cũng có xu hướng sử dụng Tòa trong một số trường hợp như Thái Lan và
Campuchia qua vụ kiện đền Preah Vihear. Mailaysia và Indonesia vụ đảo Sipadan,
Lipadan. Malaysia và Singapore vụ đảo đá
trắng vv...
Các nước đưa nhau ra Tòa với điều kiện là Tòa phải có thẩm quyền
trên cơ sở các quốc gia cùng chấp nhận. Tòa án Luật biển có tiến bộ trong Phụ
lục VII đưa thêm một cơ chế Quốc gia có thể đơn phương đưa vụ việc ra Tòa
trong những vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS. Các vụ việc trên
thế giới khá đa dạng, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ lại càng phức tạp. Hầu
hết những vụ như vậy lại đòi hỏi thiện chí thực hiện các phán quyết của Tòa.
Thông thường phán quyết của Tòa chỉ tạo cơ sở để giải quyết vấn đề
chứ không thể giải quyết hết được mà cần đến giải pháp tổng hợp chính trị,
ngoại giao, pháp lý, quân sự. Điều bất thường là các cường quốc đều có lịch sử
bất hợp tác, không tôn trọng phán quyết của Tòa như Mỹ trong Mỹ/Nicaragua, Pháp
trong các cuộc thử vũ khí hạt nhân...và đều rút khỏi tuyên bố chấp nhận thẩm
quyền của tòa. Điều đó, giải thích Trung Quốc, nước vẫn coi mình bị các cường
quốc phương tây bắt nạt, bị đối xử bất bình đẳng, sẽ khó chấp nhận thẩm quyền
của Tòa.
Thủ tục và nội dung
Các vụ kiện ra Tòa sẽ phải giải quyết vấn đề thủ tục và nội dung.
Thường Tòa sẽ tổ chức hai phiên riêng biệt. Phiên thứ nhất về thủ tục, các bên
sẽ phải đưa ra lý lẽ chứng minh, Tòa có thẩm quyền còn việc quyết định có hay không
là do Tòa. Phiên thứ hai về nội dung. Toà
sẽ chỉ có thẩm quyền xem xét đúng câu hỏi mà các bên yêu cầu với điều
kiện phải rõ ràng, không ảnh hưởng đến quyền lợi bên thứ ba và phán quyết của Tòa
chỉ có hiệu lực với các bên chấp nhận thẩm quyền, không có đối với bên thứ ba.
Điều kiện
Rất tiếc là nhiều người không hiểu để kiện thì Việt Nam phải chứng
tỏ rằng mình đã làm hết cách trong việc giải quyết song phương. Đấy là yêu cầu
của Luật Biển.
Khi xem xét vấn đề thủ tục tức xác định thẩm quyền. Điều kiện đầu tiên để sử dụng công cụ pháp lý là phải sử dụng hết
các hình thức hoà bình khác như đàm phán, trung gian hoà giải, uỷ ban điều
tra...nếu các biện pháp này bế tắc thì mới dùng đến Tòa. Vì vậy, có những vụ Tòa đã trả lại hồ sơ hoặc khuyến nghị
các bên áp dụng biện pháp trung gian hòa giải.
Điều kiện thứ hai là các bên phải đồng ý đưa ra Tòa thì Tòa mới
có thẩm quyền và chỉ xét đúng trong phạm vi câu hỏi các bên thống nhất đưa ra.
Một khi ra Tòa là nhằm mục đích giải quyết tranh chấp nhưng đằng
sau của các bên đều muốn Tòa chứng minh mình thắng. Rất ít nước nghĩ đến mình
thua. Nhưng điều kiện của Tòa thì rất khắc nghiệt, dù được hay không các bên
đều phải chấp nhận không bác bỏ. Đây là điều cả Trung Quốc và Việt Nam đều phải
cân nhắc vì lòng tự hào dân tộc cao và chưa có truyền thống văn hóa pháp lý như phương
Tây. Vì vậy, việc cân nhắc thời điểm kiện, câu hỏi kiện, chọn tòa kiện, hệ quả
kiện, so sánh tương quan, thực thi phán quyết...là gánh nặng đối với những
người chịu trọng trách với đất nước. Trong thời gian vừa qua, hình như dư luận
chỉ muốn nói đến kiện và tin tưởng đương nhiên ta thắng, địch thua mà chưa đề
cập đến tất cả các khía cạnh của các câu hỏi trên, tạo một áp lực lớn cho lãnh
đạo.
Phải kiện và 5 khả năng lựa
chọn pháp lý
Rõ ràng đến nay, các các biện pháp khác không mang lại kết quả,
chúng ta phải dùng biện pháp pháp lý tức là kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Việc chuẩn bị ra đòn, phải thực sự bài bản, kín kẽ, thuyết phục.
Đi vào cụ thể, chúng ta có 5 khả năng lựa
chọn pháp lý:
1. Kiện để Trung Quốc rút dàn khoan HS 981
2.
Kiện Trường Sa tham gia với
Philipines
3.
Kiện chủ quyền Hoàng Sa
4.
Kiện chủ quyền Trường Sa
5. Kiện chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa
Để chọn tòa ta có Tòa án CLQT La Hay, Tòa án trọng tài thường trực
quốc tế, Tòa án luật biển, Tòa trọng tài, Một số luật sư còn nói đến Tòa trọng
tài thương mại trong nước đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng Tòa này chỉ có thẩm
quyền với các vụ việc xảy ra trên lãnh thổ quốc gia.
Vùng đặc quyền kinh tế không phải là lãnh thổ quốc gia, đó là một
vùng biển có quy chế đặc thù (lưỡng tính) trong đó quốc gia ven biển có các
quyền chủ quyền về tài nguyên thiên nhiên, các quyền tài phán về thiết lập các
đảo nhân tạo, công trình trên biển, về bảo vệ môi trường biển, về nghiên cứu
khoa học biển. Trong khi các quốc gia khác có các quyền tự do biển cả về đi
lại, hàng không, đặt dây cáp và ống dẫn ngầm. Vì vậy, một số báo chí nói đó là
vùng biển của Việt Nam hay Trung Quốc hàm ý “ownship” chưa thật chính xác. Cột
nước không thuộc chúng ta mà là phần biển cả trước kia thuộc toàn bộ cộng đồng quốc tế. Ta chỉ có một số
quyền, quan trọng nhất là quyền chủ quyền trong đó để đổi lại ta cũng phải tôn
trọng các quyền tự do khác của các nước. Để đơn giản ta chỉ còn có Tòa La Hay
và Tòa án luật biển mà thẩm quyền đã được trình bày ở trên.
Kiện riêng vụ HS 981
do Trung Quốc đơn phương triển khai dàn khoan trong vùng tranh chấp, làm thay
đổi hiện trạng pháp lý, đe dọa hoà bình và an ninh, đề nghị trong lúc toà xem
xét toà có thể yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa yêu cầu rút dàn khoán.
Không tính đến
Hoàng Sa thuộc ai và có quy chế đảo như thế nào (có 12 hải lý hay 200 hải lý)
thì địa điểm đặt giàn khoan đều nằm trong vùng overlapping giữa bờ biển Việt
Nam (130 hải lý) và đảo Hải Nam (180 hải lý). Cả Trung Quốc và Việt Nam vì
những lý do riêng đều tuyên bố đây không phải là vùng tranh chấp. Nếu thực hiện
một đường trung tuyến giữa bờ biển Việt Nam và Hải Nam thì điểm dàn khoan nằm
bên này trung tuyến phía Việt Nam. Hành động đơn phương mang dàn khoan sang quá
đường trung tuyến vì vậy được coi là khiêu khích. Các ủng hộ của thế giới cũng
vì cái lớn là hòa bình ổn định, ủng hộ sự kiềm chế của Việt Nam nhưng không có
ủng hộ nào về chủ quyền thuộc ai cả. Đó là điều các báo chí khai thác một phía,
còn lãnh đạo phải hiểu rõ mới ra quyết sách đúng được.
Kiện HS 981 ít nhất Việt Nam phải hội tụ 3
điều kiện
Thứ nhất chứng
minh Việt nam đã bị tổn hại những gì?. Dàn khoan di động, tàu thuyền kể cả quân
sự đều được hưởng quyền tự do hàng hải. Chỉ khi bắt đầu khai thác thực sự hay
tàu cá bị đâm như hôm 4/6 mới có đủ bằng chứng tổn hại vật chất. Khác với Philipines,
họ bị mất Scarborough thực sự nên là cớ để kiện Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng
đưa ra Tòa yêu cầu Tòa tuyên bố biện
pháp ngăn ngừa trước khi xét đơn nghĩa là rút dàn khoan giữ nguyên trạng. Điều
kiện là bên yêu cầu phải chứng minh được tính cấp thiết của biện pháp phòng
ngừa. Trung Quốc rất giảo hoạt chỉ giới hạn ở đâm va chưa có đổ máu chiến sự.
Cuộc đấu tranh của Việt Nam ở đây là nhằm mục đích bẻ gãy ý chí của Trung Quốc
không cho kéo giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Tư
Chính hay 9 lô miền Trung. Nhưng ra Tòa, không thể nói ý định chính trị vì đây
là vụ kiện pháp lý mà phải chứng minh có tổn hại vật chất.
Thứ hai là thời
gian xem xét của Toà nhanh cũng một vài tháng. Vụ Philipines kiện Trung Quốc,
tháng 2 năm 2013 đưa đơn ra Tòa đến 30/3/2014 nộp bản memoire, Tòa yêu cầu Trung Quốc nộp bản phản bị vong lục
trình bày quan điểm của mình trước ngày 15/12 nghĩa là mở cho Trung Quốc tham
gia nhưng Trung Quốc không tham gia. Có nghĩa là thủ tục một vụ kiện từ 18-22
tháng, Tòa mới bắt đầu xét phiên có thẩm quyền hay không.
Giàn khoan có
thời hạn hoạt động theo công bố 15/8/2014
lúc đó tàu và giàn khoan đã rút, Toà có thể nói đối tượng kiện không còn nên hủy vụ kiện (giống như trong vụ thử
vũ khí hạt nhân 1974 giữa Pháp, Newzeland, Úc). Khi ta làm xong hồ sơ thì cũng là thời
điểm họ rút. Khi đó Trung Quốc đương nhiên cho rằng không còn đối tượng xem xét
nên bác đơn. Nếu kiện Việt Nam phải kiện ngay từ những ngày đầu, song lúc
đó lại vướng phải điều kiện thứ 3 chưa hoàn thành.
Thứ ba là ta phải
chứng minh đã sử dụng hết các biện pháp đàm phán hoà bình. Hiện Trung Quốc rất
xảo trá, họ không dồn đến cùng vẫn nói là sẵn sàng đàm phán nhưng lại không
chịu nhận đàm phán với ta. Mức giao thiệp hai bên mới ở mức Bộ trưởng Bộ ngoại
giao, còn chưa đến mức Thủ tướng hay Tổng bí thư.
Việt Nam và Trung Quốc lại còn Thỏa thuận nguyên tắc về các vấn đề trên biển mới ký 2012 trong đó thỏa thuận sẽ đàm phán song phương để giải quyết các bất đồng đối với các vấn đề song phương, đàm phán đa phương đối với các vấn đề đa phương. Ngoài ra, cũng phải tính đến khả năng Trung Quốc đưa lý luận vu cáo ta sử dụng lực lượng quân sự vì cảnh sát biển hiện thuộc Bộ quốc phòng nếu nó được tách ra là một lực lượng dân sự như những nhà phác thảo Pháp lệnh Cảnh sát biển 1998 ban đầu dự tính thì tốt hơn. Toà cũng có thể khuyến cáo quay về thủ tục hoà giải bắt buộc nghĩa là hai bên đàm phán quay lại từ đầu.
Đòn tấn công của Trung Quốc
Điều cần lưu ý
là tại sao phải sửa soạn cẩn thận, tức là phải chấp nhận những gì đã thật
sự xảy ra và có phương pháp đối phó. Về kiện chủ quyền, Việt Nam có nhiều điều
phải lo, bởi vì Trung Quốc có nhiều nguồn tài liệu chứng tỏ Việt Nam dân chủ
cộng hòa đã nhường Hoàng Sa cho Trung Quốc.
Những
gì Trung Quốc nói hôm nay, họ đã đăng trong tài liệu của họ năm 1980, trên
Beijing Review (lúc đó là tờ báo chính thức duy nhất của Trung Quốc bằng tiếng
nước ngoài) và được lập lại ở nhiều nơi khác, có thể coi ở đây:
http://www.marxists.org/subject/china/peking-review/1980/PR1980-07.pdf
http://www.marxists.org/subject/china/peking-review/1980/PR1980-07.pdf
Tiếng
Tầu gọi Hoàng Sa là Xisha (Tây Sa) và Trường Sa là Nansha (Nam Sa).
Những điểm chính
trong tài liệu trên:
- Công hàm của Thủ
tướng Phạm Văn Đồng in cả trên báo Nhân Dân. (Bản đăng này đã có trên
internet)
- Báo nhân dân VN
đăng luật về hải phận của Trung Quốc
- Các phát biểu của ông Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao VN và một cán bộ khác về Hoàng Sa/ Trường Sa là của Trung Quốc trong cuộc họp ở Hà Nội.
- Các phát biểu của ông Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao VN và một cán bộ khác về Hoàng Sa/ Trường Sa là của Trung Quốc trong cuộc họp ở Hà Nội.
- Bản đồ World Map của Việt Nam (1960) do cục
Bản đồ ( thuộc Bộ Quốc phòng VN) xuất bản ghi Hoàng Sa /Trường Sa bằng tiếng
Tầu và đóng ngoặc là của Trung Quốc
- Bản đồ năm World Atlas 1972 của Văn phòng Thủ
tướng ghi Hoàng Sa/Trường Sa bằng tiếng Trung. (Có in lại trong tạp
chí này).
- Sách giáo khoa lớp 9 năm 1974 do Bộ giáo dục xuất bản, ghi Hoàng
Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc (đã được Trung Quốc mới đây chụp và đưa lên
internet).
Và họ lý luận là cho đến 1974, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận
Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc. Với những tài liệu như thế thì khó lòng
bác bỏ được họ về lập trường của VNDCCH. Ngoài ra có thể có những tài
liệu quan trọng khác mà Trung Quốc chưa đưa ra.
Để phản bác thì phải chấp nhận:
- Nước VN có hai quốc gia trước năm 1975: VNDCCH và VNCH.
-. VNCHXHCNVN là nước kế thừa, không cần phải thừa kế hiệp
định/lời hứa nhường lãnh thổ. Bài viết của TS Tạ Văn Tài và TS Vũ Quang Việt “Công
ước Kế tục quốc gia đối với Hiệp ước 1978” là theo hướng này. Nhưng họ
chỉ là chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra vấn đề chứ còn lập luận đứng vững hay
không phải cần chuyên gia thật sự về luật này và các luật quốc tế khác.
Kiện HS 981 chỉ là tình huống- lâu dài phải
kiện đường lưỡi bò
Kiện HS 981, Việt
Nam có thể đạt được thắng lợi để tuyên truyền mục đích chính nghĩa
về Việt Nam nên Trung Quốc sợ không dám ra toà, động viên được nhân dân chung
sức một lòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nhưng kiện chỉ để Trung Quốc rút dàn khoan HS 981 thì là mục tiêu quá hẹp. Việt Nam cũng phải có biện pháp phương án
lường trước các đòn thù xấu chơi của họ nhất là trong lĩnh vực kinh tế .
Việt Nam cũng phải chuẩn bị cả những tình huống nảy
sinh tiếp theo, những cái ta không mong muốn như Toà sẽ
phê phán cả Việt Nam và Trung Quốc, xét không chỉ công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà cả các ứng xử tiếp theo
như báo Nhân Dân, Bản đồ của Cục bản đồ, sách giáo
khoa trong quá khứ vv…mà ta đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Đó là một suy nghĩ văn minh nhưng với công
chúng thì chưa hẳn đã thông.
Bây
giờ Liên Hiệp Quốc đứng ra giúp đàm phán thì Việt Nam phải nhanh chóng hoan
nghênh. Nhưng Liên Hiệp Quốc không có trách nhiệm giải quyết tranh chấp chủ
quyền lãnh thổ mà chỉ khuyến cáo hai bên đàm phán. Điều đó có nghĩa là còn có
những biện pháp hòa bình khác mà các bên chưa tận dụng hết. Và ngay từ giai đoạn thủ tục, nếu ta không hội
đủ ba điều kiện thì việc kiện HS 981 chưa chắc đã là một điều hay khi Tòa tuyên
không có thẩm quyền.
HS 981
là một hiện tượng, còn đường lưỡi bò 9 đoạn mới là lâu dài. Chẳng lẽ hôm nay họ kéo đến đây
ta kiện, ngày mai họ kéo đến kia ta lại kiện, sẽ dễ bị nhàm. Kiện là một giải
pháp pháp lý cần thiết và đối tượng kiện phải là đường lưỡi bò. Chúng tôi cho rằng phải kiện, còn khi nào nộp
đơn thì phải sửa soạn kỹ lưỡng. Nếu không tham gia sẽ bị cho là bỏ lỡ cơ hội. Không tham gia sẽ đánh mất lòng dân và khó giải
thích với cộng đồng quốc tế. Có ý kiến cho rằng không tham gia thì nếu sau này
sử dụng biện pháp pháp lý thì Tòa sẽ cho rằng anh không có quan tâm nên coi như
đã từ bỏ. Tuy nhiên, khi xem xét dù các bên vắng mặt Tòa cũng phải chú trọng
đến quan điểm của họ. Chỗ này sẽ phải chờ đến bản lĩnh của lãnh đạo và các tính
toán về chính trị, kinh tế chứ không đơn thuần là pháp lý nữa.
Mặt thuận : VN có
cơ sở pháp lý lâu đời, kêu gọi được sự ủng hộ quốc tế, đáp ứng được tình cảm
nhân dân trong ngoài nước và quốc tế, tài liệu chuẩn bị những năm qua có thể
tương đối. Tuy nhiên cũng cần điểm qua khả năng và các hạn chế để có phương án
đối phó.
Điều khó nhất là Trung Quốc không chấp nhận
ra Toà.
Sẽ có hai nội dung
kiện a) Về chủ quyền b) Về các quyền sử dụng biển theo UNCLOS.
Nếu Trung Quốc chấp thuận ra Tòa
Trung Quốc có hạn
chế chiếm nhóm phía Đông Hoàng Sa bằng vũ lực. Việt Nam có lịch sử quản lý Hoàng
Sa mạnh từ thế kỷ XVII đến 1858. Từ 1858 đến 1925 khi Pháp quay lại công nhận chủ
quyền Việt Nam trên Hoàng Sa là một khoảng lặng. 1946 sau chiến tranh Pháp quay
lại chiếm nhóm phía đông còn Tưởng Giới Thạch trước đó ở nhóm Tây. 1956 Trung
Quốc đuổi Tưởng Giới Thạch chiếm phía Tây cả VNCH và VNDCCH không có ý kiến!?
Từ 1956 đến 1974
mớí có sự lên tiếng từ VNCH và Mặt trận Dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam. Trong thời gian 1956 đến 1975 VNDCCH cũng có một số động thái không có lợi
như đã nói ở trên.
Nếu Tòa có thẩm
quyền, không phụ thuộc mong muốn các bên, theo các nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng sẽ có những khả năng sau:
1. Toà tuyên có
lợi cho cả hai bên. Trung Quốc trả lại nhóm phía Đông đánh chiếm bằng vũ lực cho Việt Nam.
2. Chủ quyền thuộc
Trung Quốc nhưng vùng biển xung quanh sử dụng chung như trường hợp của Na uy và
Ixơ len sau Thế chiến II.
3. Chủ quyền thuộc
Trung Quốc nhưng quần đảo chỉ có vùng biển hạn chế.
4. Quần đảo thuộc Trung Quốc có đủ đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa.
5. Quần đảo hoàn toàn thuộc Việt Nam.
Trong trường hợp TQ từ chối thẩm quyền về
xét xử chủ quyền lãnh thổ
VN buộc phải lựa
chọn Tòa nào
có thể thụ lý vụ kiện khi chỉ có một bên đơn phương đưa ra và chỉ về sử dụng
vùng biển. Trung Quốc cũng không có trách được vì họ gây hấn HS 981 trước. Không
thể nói VN theo Mỹ vì VN đã cố gắng chứng minh mong muốn đàm phán, thậm chí còn
nhờ đến cả Liên Hiệp Quốc điều mà Philippines chưa làm hết. Chỉ có toà trọng
tài luật biển ITLOS với Phụ lục VII cho phép một bên đưa ra và câu hỏi chỉ là
giải thích và áp dụng công ước luật biển. Đây là cách Philippines áp dụng. Trung
Quốc đã bảo lưu các vụ kiện liên quan đến chủ quyền, phân định theo Điều 298.
VN có thể áp dụng
Điều 279
về hòa giải bắt buộc nhưng cũng sẽ khó khăn. Vụ HS 981 nếu đơn phương đưa dàn
khoan vào vùng biển tranh chấp là hành động đáng bị lên án. Muốn xác định vùng
tranh chấp lại phải giải quyết vấn đề chủ quyèn. VN không từ bỏ chủ quyền Hoàng
Sa-Trường Sa còn Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa thuộc họ không có tranh chấp. Vị
trí giàn khoan cách Lý Sơn 120 hải lý, cách Hải Nam 180 hải lý tạo thành vùng
chồng lấn. Còn nếu Phú Lâm có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì khoảng cách
80 lý. Vì vậy Trung Quốc cho rằng nếu Hoàng Sa thuộc họ vùng biển dàn khoan thuộc họ.
Tuy nhiên, Trung
Quốc có điểm
yếu sử dụng vũ lực chiếm Hoàng Sa phi pháp nên Việt Nam không chấp nhận. Ngoài ra, còn
vấn đề quy chế đảo đá. Triton chắc Toà sẽ cho chỉ có 12 hải lý. Nhưng Phú Lâm
từ thời Pháp đã có người sinh sống nên dễ có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Nếu giả thiết đảo không thuộc VN (đây là điều không muốn nhưng chỉ nêu ra để
tính), đảo sẽ có một phần hiệu lực 1/4, 1/3, 1/2...đường phân định thì vị trí
dàn khoan có thể rơi vào phần đường trung tuyến phía Việt Nam (Cái này phải có sự kết hợp giữa chuyên gia Luật
biển và chuyên gia bản đồ để tính toán. Đây là điều công chúng cũng ít phát
biểu đến). Các vấn đề này cuối cùng vẫn quay lại chủ quyền và Tòa không có thẩm
quyền. Toà chỉ sử dụng Điều 279 khi có khác biệt về giải thích và áp dụng các
bên sẽ quay về áp dụng Phụ lục II hoà giải bắt buôc tức các bên lại ngồi
đàm phán.
Theo quan điểm luật
quốc tế và định nghĩa quốc gia phải hội đủ 4 yếu tố: lãnh thổ, dân cư, chính
quyền và khả năng chủ thể thì dù về mặt chính trị các Bên có tranh cãi Nam Bắc
là một mối, sự tồn tại de facto VNDCCH và VNCH trong một hoàn ảnh đặc biệt là
điều khó có thể phủ nhận. Công ước này bàn về
các trách nhiệm và nghĩa vụ kế thừa giữa hai quốc gia trong các mặt hiệp định,
vay nợ, lưu trữ...nhưng vấn đề biên giới lãnh thổ không thuộc diện điều chỉnh
của Công ước. Năm 1976 Quốc hội đã thông qua bầu cử thành lập CHXHCNVN trên cơ
sở VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam là bên
thừa kế các vấn đề lãnh thổ của cả hai thực thể trước.
Vấn
đề ở đây lại là “bên
thắng cuộc” như mọi người ngầm hiểu là VNDCCH trước kia lại có lập trường “thụ
động” trong các tuyên bố chủ quyền. Tòa sẽ cho phép CHXHCNVN chọn lấy những gì tốt
nhất cho mình hay phải kế thừa cả mặt tích cực và tiêu cực của những hành động
trong quá khứ. Đâu là thời điểm kết tinh tranh chấp…Đó là những vấn đề rất khó
tiên lượng Tòa sẽ phán quyết thế nào?
Trường hợp kiện Trướng Sa thì Tòa có
thể gộp vụ kiện của Philippines với vụ kiện của Việt Nam do có
cùng đối tượng kiện là đường lưỡi bò. Kiện cả Hoàng Sa- Trường Sa cũng có những vấn đề tương tự
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể
tính đến việc rút khỏi UNCLOS. Làm vậy họ cũng mất uy tín nhưng họ sẽ bất
chấp.
Lãnh đạo phải sáng suốt lựa chon
Chuẩn bị tốt cho
các vụ kiện Việt Nam cũng phải thống nhất nội bộ về quy chế pháp lý của đảo và
đường cơ sở phù hợp với Công ước luật biển. Ngoài ra, khi quyết định, không chỉ
đơn thuần pháp lý mà phải hiểu pháp lý là một vũ khí, một biện pháp nhằm tác
động tới cái đích cuối cùng là chính trị.
Bàn cờ chính trị
thế giới đang thay đổi với sự đi lên của Trung Quốc, sự đi xuống hay ngang của Mỹ, sự trở lại
của Nga. Biển Đông đang dần trở thành vũ đài giữa hai siêu cường Mỹ và Trung
Quôc. Ai cũng muốn độc tôn và lôi kéo
liên minh. Hiện Việt Nam đang vất vả chống Tàu. Sắp tới nếu Mỹ, Nhật, Philippines
đồng ý thành lập một liên minh chống Trung Quốc thì Việt Nam có tham gia không?
Nếu xảy ra chiến sự thì họ sẽ làm gì, sẽ giúp vũ khí để Việt Nam chiến đấu?.
Lịch sử cho thấy mỗi khi Việt Nam nghiêng về một cường quốc nào thì chính Việt
Nam phải chịu biết bao đau thương, mất mát.
1954-1975 chúng
ta tự hào trên tuyến đầu của CNXH chống Mỹ, 1979 Việt Nam ký Hiệp định liên
minh với Nga và chịu trận trên biên giới Việt-Trung. VN đồng thời phải giải
quyết hai yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn
định để tăng cường tiềm lực bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Làm thế nào để thoát
thế kẹt giữa hai siêu cường?. Một quyết định dựa trên cân nhắc đầy đủ các thông
tin, tình thế, vận mệnh dân tộc buộc những người lãnh đạo phải sáng suốt lựa
chọn.
Nhìn ra bên
ngoài, dù không ở
trong tình trạng cấp thiết như VN nhưng Mailaysia đã xử lý rất tốt trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Malaisia vừa kiên quyết với Trung Quốc vừa công nhận vai trò đi lên của Trung Quốc nhưng
đó phải là sự đi lên với trách nhiệm của một cường quốc, chứ không phải
là kẻ lớn bắt nạt nước bé.
Trong khi chờ
quyết định kiện, cũng nên thấy VN đã hành động đúng khi chỉ cho cảnh sát biển và
kiểm ngư ra đấu tranh tuyên truyền buộc Trung Quốc rút khỏi giàn khoan. Trong những ngày đầu tiên tàu Kiểm ngư
VN còn dùng súng nước bắn trả nhưng những ngày sau VN đã xác định chỉ dùng biện
pháp hòa bình. Ngoại giao VN đã có những hoạt động đáng kể, dù hai bên đã cáo
buộc nhau lên Liên Hiệp Quốc, đều đã tung ra các lập luận, bằng chứng của mình.
Có thể coi gần như một cuộc tập dượt kiện nhau ra Tòa. Sự kết hợp chính trị,
ngoại giao, pháp lý và thực địa là một giải pháp tốt. VN đã lựa chọn chiến
thuật, cách đối phó phù hợp với lực của mình, lấy yếu chọi mạnh, lấy nhàn hạ
chọi kẻ nôn nóng.
Vụ HS 981 này, VN
cần kiên trì quấy đảo. Trung Quôc sẽ không rút ngay vì sợ mất thể diện, trừ
khi có điều kiện bất khả kháng như bão hoặc họ tuyên bố hoàn thành mục tiêu trước
thời hạn. Đê lâu họ cũng mệt mỏi vì chi phí dàn khoan và hơn 130 tàu là rất lớn
dù họ giầu. Họ sẽ thay đổi chiến thuật sử dụng tàu cá vỏ sắt nhiều hơn để thay
thế. Việt Nam kiên trì thực địa kết hợp đấu tranh và tuyên bố kiên quyết đưa ra
tòa án quốc tế là hay nhất. VN có thể yêu cầu Liên Hiệp Quốc cử Ủy Ban điều tra hoà giải. Uỷ ban chỉ có tính
khuyến nghị nhưng là biện pháp hai bên có thể chấp nhận trong tình hình hiện
nay.
Hy vọng trong
những lúc nguy nan, trí tuệ Việt Nam bao giờ cũng tìm được đường ra. Một giải
pháp chiến tranh không ai muốn nhưng nếu cần thì Việt Nam chắc cũng sẵn sàng. Việt Nam sẽ là bên chịu tổn hại kinh tế nhiều nhất nhưng lâu dài
Trung Quốc sẽ mất thế chính trị và sa lầy trong cuộc chiến, hủy hại giấc mơ
Trung Hoa của họ. Một cuộc chiến tranh du kích trên biển là tốt nhất với Việt
Nam. Một nhóm cướp biển Xomali với tàu nhỏ cao tốc và AK mà bao năm nay thế
giới có khống chế được đâu. Với chiều dài bờ biển của mình, Việt Nam có thể bố
trí tên lửa và thủy lôi, mìn dày đặc, đánh mạnh vào các đoàn tàu vận tải dầu.
Một chiến thuật như Trần Khánh Dư diệt đoàn thuyền lương Trương Hổ vậy. Lịch sử
cho thấy chưa bao giờ Trung Quốc bước qua được Việt Nam để xuống phía Nam bằng
vũ lực. Nếu Trung Quốc nghĩ lại thì hai bên bắt tay nhau chung sống hòa bình.
Việt Nam công nhận vai trò cường quốc châu Á của Trung Quốc trên cơ sở họ tôn trọng
độc lập của Việt Nam.
Sẽ rất cần tìm cách để chúng ta “thoát lú” và hữu nghị viển
vông, an toàn bằng tất cả các biện pháp cần thiết bao gồm cả ngoại giao và pháp
lý. Tin rằng, chúng ta sẽ thắng và giải pháp pháp lý cần phải xúc tiến ngay
trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thay cho lời kết
Đọc Kim Dung " Thiên long bát bộ
" nhớ lại ván cờ vây trên đỉnh Thiên sơn của Tô Tinh Hà. Bao nhiêu cao
nhân anh hùng trong thiên hạ được mời đến đều phải bó tay trước nước cờ bí hiểm
và đầy huyền thoại này. Người giải được nước cờ này cuối cùng lại là một nhân
vật rất bình thường, một tiểu tăng không tên tuổi của phái thiếu lâm Hư Trúc.
Nhân vật này không phải là cao thủ chơi cờ và vô tình đã gạt bỏ được
những nguyên lý tri thức cao siêu “viển vông mơ hồ” của cờ vây để đi một nước
cờ rất sơ đẳng và hết sức bình thường mà chẳng cao nhân nào nghĩ tới. Chính lối
chơi này đã phá được nước cờ vây bí hiểm một cách thần kỳ và ngoạn mục.
Phải chăng trong chuyện này, Kim Dung muốn nhắc tới một nguyên lý cơ bản, trí tuệ nhân dân và cơ hội lịch sử sẽ tạo nên
sự thần kỳ.
TVT
----
ĐỌC THAM KHẢO:
http://motthegioi.vn/quoc-te/thi-su-quoc-te/toa-an-quoc-te-yeu-cau-trung-quoc-hau-toa-76098.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét