Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Mưu mô thâm hiểm của Bắc Kinh



Mưu mô thâm hiểm của Bắc Kinh


Từ 2/5 khi giàn khoan Hải Dương 981 ngang nhiên xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam đã gây phẫn nộ trong toàn dân cũng như công luận nước ta. 

Trả lời phỏng vấn của báo điện tử “Một Thế Giới”, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nhận định đại ý Trung Quốc mượn giàn khoan Hải Dương 981 để che đậy ý đồ xâm lược. 

Ông Lạng còn giải thích rõ hơn ý trên:Trên thực tế, Hải Dương 981 không tác nghiệp như một giàn khoan, vì thế nó có thể di chuyển đến một vị trí khác, di chuyển đến nhiều nơi trong thời gian rất ngắn. Dưới mực nước 1.000m để thực hiện việc khoan thăm dò là vô cùng khó khăn. Tôi nghĩ mục tiêu của TQ không phải là để khoan thăm dò mà là để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước ta. Đây là điểm quan trọng nhất chúng ta cần phải nhận rõ ý đồ xấu xa của TQ”.

Dưới đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn.

Vệ Nhi

-----

Trung Quốc mượn giàn khoan Hải Dương 981 che đậy ý đồ xâm lược

Hung hăng đâm tàu Việt Nam, Trung Quốc lộ rõ ý đồ bá quyền trên Biển Đông
"Dưới góc nhìn về mặt khoa học công nghệ, tôi có thể khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam là một hành động lừa dối, che đậy cho mục đích chính trị muốn xâm lấn lãnh thổ Việt Nam " - tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng cho biết trong buổi trò chuyện với Một Thế Giới. Ông nguyên là chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ. 




 Một Thế Giới: Ông đánh giá thế nào về cấu trúc giàn khoan Haiyang Shiyou 981 hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam?

-Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng: Các giàn khoan thăm dò hoặc khoan dầu khí ở biển có 2 loại. Loại giàn khoan cố định là giàn khoan có giàn thép ở chân đế, được bắt cố định dưới đáy biển ở những mực nước khác nhau, có thể là 50m, 90m, 130m, 150m. Hiện nay thế giới chỉ làm những giàn khoan dùng cho các mức nước một vài trăm mét, ít khi làm sâu hơn. Đối với những vùng biển quá sâu thì người ta sẽ phải dùng loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, gọi là giàn khoan bán chìm.


Nhưng trên thực tế nó chỉ là một cái tàu, trên đó có đặt giàn khoan. Và khi giàn khoan đó được kéo đến một địa điểm, một định vị nào đó và trong quá trình vận hành, giàn khoan sử dụng hệ thống chân vịt ở 4 góc để giữ cân bằng. Đối với giàn khoan Hải Dương 981 tôi nghĩ Trung Quốc (TQ) chưa chắc đem đến để khoan mà thực sự chỉ mang đến để làm nơi xác định TQ có mặt ở vị trí đó, xâm phạm chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của VN chứ không có ý nghĩa khoan thăm dò.

Trên thực tế, Hải Dương 981 không tác nghiệp như một giàn khoan, vì thế nó có thể di chuyển đến một vị trí khác, di chuyển đến nhiều nơi trong thời gian rất ngắn. Dưới mực nước 1.000m để thực hiện việc khoan thăm dò là vô cùng khó khăn. Tôi nghĩ mục tiêu của TQ không phải là để khoan thăm dò mà là để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước ta. Đây là điểm quan trọng nhất chúng ta cần phải nhận rõ ý đồ xấu xa của TQ.
 
Dựa trên cơ sở khoa học nào ông đánh giá việc hạ đặt giàn khoan của TQ như trên? Việt Nam đã có kinh nghiệm về việc hạ đặt giàn khoan hay chưa?

-Việt Nam đã đặt giàn khoan, đặc biệt là vùng Bạch Hổ thì Liên doanh Vietsovpetro  cũng đã làm, khá nhiều. Tập đoàn dầu khí VN  cũng đã hạ đặt giàn khoan ở các mức nước 60m, 90m và đang làm 130m. Những giàn khoan của chúng ta là những giàn khoan cố định, trong điều kiện địa hình đảm bảo yêu cầu, rồi địa chất ở vùng đặt chân móng cũng đạt yêu cầu thì khi đặt giàn khoan đó sẽ an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, đầu tư cho một giàn khoan là rất lớn và thi công rất lâu. Các giải pháp kỹ thuật lắp đặt và định vị đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật rất cao, rất chính xác, kể cả công tác đảm bảo an toàn dưới nước thủy triều cũng như là sóng gió, bão ở ngoài biển là rất lớn cũng như những tác hại khác là rất cao, kể cả nước mặn.
Còn loại giàn khoan Trung Quốc đem vào hạ đặt tại vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta là loại bán nổi nhưng thực tế nó chỉ như là một con tàu kéo, mô phỏng hình dáng giàn khoan để thực thi ý đồ chính trị, xâm lược chứ chưa chắc đã là một giàn khoan thực thụ để khoan tìm kiếm và khai thác dầu mỏ.

-Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc cho rằng hiện giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn tất việc khoan thăm dò giai đoạn 1 và di chuyển sang vị trí khác để thực hiện tiếp giai đoạn 2. Theo ông, xét về khía cạnh kỹ thuật, tuyên bố trên có hợp logic không hay chỉ cố ngụy biện cho một ý đồ khác?

-Tôi nghĩ là khoan xuống lòng đất và đặc biệt là khoan trong lòng biển với sức ép và ma sát của nước, trọng lực và đặc biệt là kết cấu địa chất của đáy biển thì trong điều kiện là mức nước khoảng 1.000m và khoan sâu hàng ngàn mét trong thời gian như vậy, về góc cạnh khoa học công nghệ thì tôi khẳng định là trong một thời gian ngắn như vậy (khoảng 3 tuần – PV) không thể nào khoan được đến vị trí có dầu mỏ hoặc là những vùng có dấu hiệu có dầu mỏ. Tôi nghĩ đó là khoảng thời gian không tưởng và Trung Quốc không thể làm được việc đó. Do đó, TQ đưa ra tuyên bố trên chỉ là tung hỏa mù.

Như vậy, theo ông mục đích chính của TQ là gì?

-Tôi nghĩ mục đích chính của TQ là chính trị, là xâm lấn, gây hấn, muốn bá chủ Biển Đông, nơi không chỉ là dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác mà còn là hành lang đường biển quan trọng xuyên đại dương. Việc khoan thăm dò TQ đang làm chỉ là hình thức, lừa dối còn mục tiêu chính của họ là xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế VN.

Ông đánh giá thế nào về công tác đấu tranh của chúng ta trong thời gian vừa qua?

- Theo tôi, chúng ta hoàn toàn đúng về pháp lý, về luật pháp và công ước quốc tế về luật biển. Chúng ta được sự hậu thuẫn của gần như toàn bộ thế giới. Tất cả các tổ chức, các quốc gia trên thế giới đều ủng hộ. Không ít người dân, học giả, chính trị gia người TQ, đang sống ở TQ đã phản đối việc làm của chính phủ họ. Nghĩa là chúng ta ở thế của người đúng về pháp lý, người đúng về chủ quyền, người chủ thực sự của vùng biển đó. Cho nên việc đấu tranh vừa qua của chúng ta đã tổng hợp được sức mạnh của nhiều lực lượng.

Chúng ta vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh ngoại giao trong các cuộc họp, hội nghị lớn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế tại Philippines, Bộ Ngoại giao thường xuyên phát ngôn trong các buổi họp báo, hoặc Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh liên tục đàm đạo với các Bộ trưởng ngoại giao và đặc biệt là tuyên bố gần đây của tổng thống Mỹ Barack Obama và của nhiều nước khác trên thế giới như Nhật, Philippines,... tạo thế cho chúng ta về mặt luật pháp.

Chúng ta hoàn toàn đúng, thậm chí có thể khởi kiện TQ ra tòa. Và chúng ta vẫn đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao, gây sức ép bằng các cuộc tuần hành ở VN và nhiều nơi trên thế giới, lôi kéo không chỉ người Việt mà còn cả bạn bè quốc tế. Đó là thắng lợi và tôi cho rằng đây là giải pháp căn bản cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Như vậy là mục tiêu hạ đặt giàn khoan của TQ là chính trị chứ không phải kinh tế. Theo ông, chúng ta cần có những biện pháp gì để tránh rơi vào âm mưu chính trị của TQ?

-Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là toàn dân phải đoàn kết. Chúng ta phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ bản chất, mục đích của TQ trong thủ đoạn dùng giàn khoan như vậy và có thể họ sẽ còn những hình thức, thủ đoạn khác mà chúng ta cần phải tiên lượng, cảnh giác, từ đó xem xét những giải pháp đấu tranh phù hợp nhằm ngăn chặn. Kể cả ngoài thực địa, chúng ta cần phải có những giải pháp vừa quyết liệt, vừa mạnh dạn nhưng đồng thời cũng phải tỉnh táo để không bị mắc mưu của TQ đang muốn tạo ra những tình thế bất lợi cho ta.

Trung Quốc tuyên bố ngày 2.8 sẽ rút giàn khoan đi. Ông dự đoán thế nào về tuyên bố này?

-Trước sau gì TQ cũng phải rút và thực sự họ đã bắt đầu kéo đi ra một vùng biển khác nhưng vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Những tháng 8, 9 và 10 là khoảng thời gian Biển Đông sẽ dậy sóng do bão. Tôi nghĩ các lý do về thời tiết, sức ép lớn của dư luận thế giới và cũng có thể TQ đã đạt được mục đích nào đấy của họ. Và TQ cũng cảm thấy là cuộc xâm lấn vừa qua họ đã làm xấu đi hình ảnh, uy tín của chính họ, khiến cho cả thể giới phản đối và rồi còn có những bất ổn sau này nữa, ở ngay trong lòng nước TQ. Chính vì vậy, tôi nghĩ chắc chắn TQ sẽ phải rút giàn khoan.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thịnh (thực hiện)



Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...