Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Việt Nam: Lựa chọn nào ?



Việt Nam: Lựa chọn nào ?



Bài viết dưới đây từ cách đặt vấn đề đến cách lập luận một số ý rất cần tham khảo; và nếu gợi cho người đọc một liên tưởng về bàn cờ đối ngoại toàn cầu, bàn cờ và thách thức đối ngoại cho VN những ngày này thì đó thật đáng đào sâu, suy nghĩ...

Và cũng nên nêu một câu hỏi, là sao lúc này đây tác giả bài viết này lại nêu lên một ý để ngay ở tittle của bài viết “Việt Nam có là thành tựu của tổng thống Obama?”.  

Ô sao, VN lúc này quan trọng đến thế ư với Hoa Kỳ? Mình thì nghĩ có khi ngược lại, thì mới lô gic, mới là thực tế chứ, nhỉ?

Vệ Nhi


----

Việt Nam có là thành tựu của tổng thống Obama?

Tác giả: Bình Lê



Hoa Kỳ đang căng mình trên nhiều mặt trận ngoại giao. Thứ nhất, bất chấp nhiều nỗ lực tìm kiếm hòa bình của ngoại trưởng John Kerry cuộc chiến ở Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine bùng nổ làm hàng nghìn người thiệt mạng. Thứ hai, sau 11 năm tổng thống George W Bush tuyên bố “sứ mệnh hoàn thành” và gần ba năm khi tổng thống Obama cho rút đoàn quân cuối cùng ra khỏi Iraq vào tháng 12 năm 2011, Hoa Kỳ lại phải điều máy bay ném bom ngăn bước tiến của phiến quân hồi giáo ISIS ở Iraq. Thứ ba, khủng hoảng Ucraina với nguy cơ kéo dài do sự can thiệp của Nga đã khiến món quà “khởi động lại” quan hệ Mỹ - Nga vào năm 2009 của Hillary Clinton, khi đó là ngoại trưởng Hoa Kỳ, trở thành vô nghĩa. Có lẽ hiếm khi nào một tổng thống Hoa Kỳ phải đối mặt với nhiều thất bại ngoại giao và an ninh như vậy.

Với mốc 2016 đang đến gần thì quan hệ quốc tế có thể là một “nỗi buồn” cho tổng thống Obama khi rời nhà trắng, và là “tử huyệt” của ứng viên Hillary Clinton khi chạy đua vào chức tổng thống. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi Hillary Clinton, cựu bộ trưởng ngoại giao trong nội các của tổng thống Obama, lên tiếng chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống khi trả lời tạp chí The Alantic. Nhiều người cho rằng bà làm vậy để tách mình ra khỏi nội các hiện tại để dễ bề xoay sở sau này khi hứng các ngón đòn phản công của đảng Cộng Hòa.

Tuy nhiên, có một thứ mà cả tổng thống Obama và ứng viên tương lai Hillary Clinton đều muốn thành công để cứu thành tựu ngoại giao của mình đó là chiến dịch “xoay trục sang châu Á”.

Châu Á là nơi quyết định liệu nước Mỹ có duy trì được sức mạnh và vị thế siêu cường hay không. Chính vì vậy, tuy khủng hoảng ở Gaza, Iraq, Ucraina, và Seria đang nóng bỏng, các quan chức ngoại giao, an ninh và thương mại của Mỹ vẫn tấp lập đến châu Á. Hai chiến lược được nội các Obama triển khai: đẩy mạnh quan hệ với các nước đồng minh như Úc, Nhật, Hàn Quốc, Philippine, Singapore và lôi kéo các nước chưa phải là đồng minh của Mỹ như Indonesia, Ấn Độ, Myanmar, Malaysia và Việt Nam. Chiến lược này được thúc đẩy trên mặt trận thương mại thông qua hiệp ước xuyên thái bình dương (TPP), và an ninh hàng hải ở Biển Đông. 






Việt Nam là quốc gia đặc biệt trực tiếp liên quan đến cả hai mặt trận thương mại và an ninh trong chiến lược tái cân bằng về châu Á của Mỹ. Tham gia TPP đồng nghĩa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vì không có đối thủ trực tiếp, sản xuất những sản phẩm tương tự. Hàng hóa Việt nam có thể vào Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Hoa Kỳ dễ dàng hơn các nước không thuộc TPP. Đây là cơ hội để Việt Nam cải tổ thể chế kinh tế của mình, đón nhận các khoản đầu tư mới không chỉ về sản xuất, dịch vụ mà cả nông nghiệp và công nghệ. TPP mở ra một con đường mới, giúp Việt Nam không phụ thuộc tiêu cực vào hàng hóa chất lượng thấp, độc hại và công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Về chủ quyền và an ninh, có lẽ sau sự kiện giàn khoan HD981 không người Việt Nam nào còn mơ hồ về âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc nữa. Với việc Nga ngày càng lún sâu vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc do bị Mỹ và Châu Âu cấm vận, chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro mới trong quan hệ với Nga – nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam hiện tại. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Nga về khí đốt và vũ khí nên khả năng gây ảnh hưởng của Trung Quốc lên Nga trong các vấn đề quốc tế rất lớn. Không ngạc nhiên khi thứ trưởng ngoại giao Nga Igor Morgulov tuyên bố phản đối bên thứ ba tham gia giải quyết tranh chấp ở biển Đông khi tham gia cuộc họp với ASEAN ở Myanmar, đúng với quan điểm của Trung Quốc và khác với quan điểm của Việt Nam. 






Để bảo vệ mình, Việt Nam sẽ phải đa dạng nguồn cung vũ khí để không chỉ phụ thuộc vào Nga, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại. Nguồn thay thế tốt nhất là Mỹ. Tuy nhiên, như thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố trong cuộc họp báo trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 6 đến 8 tháng 8 năm 2014, việc Mỹ bỏ cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ phụ thuộc vào cam kết cải thiện nhân quyền trong nước. Với sự hiện diện của tướng Martin Dempsey, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ ở Hà Nội ngay sau chuyến thăm của TNS John McCain, Mỹ chứng tỏ mong muốn hợp tác an ninh với Việt Nam thực sự.

Mỹ đang hình thành cấu trúc an ninh và thương mại mới với sự góp mặt của các nước lớn, vừa và nhỏ ở Châu Á. Việt Nam được chào đón không những bởi Mỹ mà bởi cả các nước khác như Nhật, Hàn Quốc và Úc. Song song với tiến trình này là Hiệp định thương mại song phương với Châu Âu – một đồng minh lâu đời của Mỹ. Như vậy, Việt Nam đang đứng trước lựa chọn lịch sử của mình, một lựa chọn ảnh hưởng đến tương lai của dân tộc trong nhiều năm tới. Điều thú vị, lựa chọn của Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng một phần đến thành tựu ngoại giao của tổng thống Obama và làm nhẹ con đường vào nhà trắng của bà Hillary Clinton. 
B.L.

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...