Về hưu vẫn làm những việc tốt
Đang ở Sài Gòn nhận được thư của anh Nguyễn Đình Bin. Lâu
ngày không được tin nhau, ngoài những lời thăm hỏi tình nghĩa gửi tới tôi và
gia đình – vốn dĩ bản tính cẩn thận, chu đáo với mọi người của anh - anh Bin còn hồ
hởi thông tin về mấy việc vui vừa tới với anh và gia đình của anh.
Đó là chuyện Cụ thân sinh
anh là một Liệt sĩ-Anh hùng lực lượng vũ trang (ngành công an) thời kỳ kháng
chiến 9 năm chống thực dân Pháp, cụ Nguyễn Đình Bể, vừa đây được chính quyền Hải
Dương quê hương của anh Bin đặt tên một đường phố trong thành phố Hải Dương. Lại nữa anh cũng mới chủ trì
khai mở một Quỹ khuyến học mang tên Cụ thân sinh; và nhân dịp này anh trao 25
suất học bổng đầu tiên cho học sinh nghèo,
học giỏi của một trường học địa phương chính nơi quê hương gia đình anh là huyện Kim Thành.
Anh Nguyễn Đình Bin là Ủy viên trung ương Đảng (khóa VIII), Thứ trưởng thường trực
Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ nước ta tại CH Pháp..., có thể nói suốt những năm tại chức
anh Nguyễn Đình Bin làm việc và cư xử thế nào với đồng nghiệp - nhất là với những
người dưới quyền – thì mọi người trong ngành ngoại giao đều dễ thống nhất ý kiến
với nhau về sự ân cần tử tế, con người có chính kiến mà luôn khiêm nhường, chẳng bao giờ cậy thế cậy quyền.
Trên đây là nói tình nghĩa con người với nhau thì vậy thôi, chứ về
công việc anh Bin luôn đòi hỏi sự nghiêm túc và trọng nguyên tắc, chứ chưa bao
giờ thấy anh vì nể, cốt “qua chuyện” cho cấp dưới quyền anh. Nên giờ đây về hưu lâu rồi
nhưng những người biết anh vẫn quý, vẫn trọng anh, trong số này có lứa cán bộ như chúng tôi.
Nhớ lại hồi mới hưu nghỉ, anh Nguyễn Đình Bin cũng gặp phải
vài chuyện va chạm do kẻ xấu “vu oan giá họa” cho anh. Nhưng bằng sự trung thực
vốn có và bạn bè thân hữu hiểu và ủng hộ, tìm mọi cách để “làm rõ chuyện” giúp
anh, nên qua đận tai nạn không mong muốn này, anh Bin lại vui vẻ sống và tìm lại được chính mình, với nhiều ưu điểm vốn dĩ, để thực hiện một số công việc có ý nghĩa cho cuộc đời còn nhiều điều chưa vừa ý và cũng lắm sự bất cập này...
Luôn nghĩ về một con người tâm sáng, tử tế như anh Nguyễn Đình Bin, nên khi anh có thư gửi tôi với ý muốn thông tin rộng rãi cho mọi người cùng biết, tôi xin đưa lên trang Blog này sớm để
bạn bè đồng nghiệp anh đang sống ở mọi nơi, trong và ngoài nước, cùng chia sẻ.
Vệ Nhi
-----
Đặt tên phố mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Bể
Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9
và Ngày thành lập lực lượng CAND (19-8-1945 - 19-8-2014), vừa qua, Ủy ban nhân
dân TP.Hải Dương phối hợp với Công an Hải Dương đã tổ chức trang trọng lễ gắn
biển đường phố mang tên Lão thành Cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân
dân, Liệt sĩ CAND Nguyễn Đình Bể. Đường Nguyễn Đình Bể dài 911m, rộng 23m thuộc
khu đô thị mới phường Tân Bình, TP.Hải Dương.
Nguyễn
Đình Bể sinh năm 1913 tại Thượng Vũ, Kim Thành, Hải Dương trong một gia đình
nông dân nghèo có truyền thống yêu nước và hiếu học. Trước Cách mạng tháng
Tám, Nguyễn Đình Bể thoát ly gia đình ra Hồng Gai - Quảng Ninh làm công nhân
mỏ than, tham gia phong trào công nhân mỏ từ năm 1936 dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cống sản Viet Nam, tham gia giành chính
quyền ở Quảng Ninh trong Cách mạng Tháng tám năm 1945. Tháng 12-1946, Nguyễn
Đình Bể trở về quê và gia nhập lực lượng công an, tham gia vào đội Việt Hùng,
đột nhập vào làng tề diệt những tên tay sai phản động, khiến cho địch nhiều
phen thất điên bát đảo.
Năm
1949, Nguyễn Đình Bể được cấp trên giao làm Đội trưởng Đội phản gián Ty Công
an Hải Dương, đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Tháng Giêng năm 1951,
Nguyễn Đình Bể cùng 16 đội viên khác bị địch bắt trong một cuộc vây ráp của
quân Pháp ở bến đò Sĩ, Thanh Hà. Biết ông là chỉ huy của Công an Việt Minh,
bọn địch dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ mua chuộc đến tra tấn dã man ông vẫn nhất
mực không khai báo, chỉ nhận mình là công an còn 16 người kia là dân cày vô
tội bị bắt oan. Bọn địch điên cuồng đánh gãy hai tay ông và xẻo từng miếng
thịt trên cơ thể nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng để bảo vệ các đội viên và
cơ sở kháng chiến. Không khuất phục được người anh hùng, đêm 3-2-1951 bọn
địch hèn hạ thủ tiêu ông và đành phải thả tự do cho 16 đội viên Đội phản gián
của Ty Công an Hải Dương.
Ghi
nhận công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ CAND Nguyễn Đình Bể,
Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Các đại biểu của Bộ Ngoại giao về dự Lễ chụp ảnh chung với gia đình đồng chí Nguyễn Đình Bin.
Anh hùng-Liệt sỹ Nguyễn Đình Bể là thân sinh Đại sứ Nguyễn Đình Bin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhân
dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Bộ trưởng
Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có Lẵng hoa chúc mừng gia đình Đại sứ
Nguyễn Đình Bin, Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao do các Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn
Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vũ Hồng Nam, Chánh Văn phòng Bộ dẫn
đầu và Đoàn dại biểu Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài do Phó Chủ
nhiệm Đặng Thế Hùng dẫn đầu đã về tham dự buổi lễ./.
-----
|
Nguồn: http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3486
-----
Thư ngỏ của người đồng sáng lập và tài trợ
HỌC BỔNG NGUYỄN ĐÌNH BỂ
1- Khuyến
học, khuyến tài là một truyền thống tốt đẹp của
nhân dân ta, một quốc sách của Nhà nước ta. Ngày nay, trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước,
trước nguy cơ quốc gia phát triển tụt hậu trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt và đồng thời phải đương đầu với dã tâm bành trướng, bá quyền phương
Bắc, điều này lại càng cần thiết. Một trong những việc làm thiết thực để khuyến học, khuyến tài là tạo lập các quỹ học
bổng để khuyến khích học sinh học
tập tốt, tu dưỡng tốt.
2-Ngày nay, nhân dân Việt Nam ta được sống
trong hòa bình để mưu cầu hạnh phúc trên Tổ quốc thân yêu đã hoàn toàn độc lập,
thống nhất, trước hết là nhờ sự hy sinh, phấn đấu của toàn thể dân tộc Việt
Nam, đoàn kết một lòng, dưới ngọn cờ « Không có gì quý hơn Độc lập, Tự
do » của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trong đó sự hy sinh, cống hiến của các Anh
hùng, Liệt sỹ là biểu trưng thiêng liêng, ngời sáng nhất.
Chính
vì vậy, ngay từ khi cuộc kháng chiến cứu nước chống ngoại bang xâm lược còn đầy
khó khăn, gian khổ, nhân dân ta đã có những việc làm thiết thực để tri ân và tôn vinh những người con đã hy sinh
cho Tổ quốc. Đặc biệt, từ sau ngày thắng lợi hoàn toàn, phong trào này
ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, với những hình thức ngày càng phong
phú, trong đó có những quỹ khuyến học, học bổng mang tên Anh hùng, Liệt sỹ.
3- Bản thân tôi
là con một Anh hùng- Liệt sỹ, xuất thân từ một gia đình công nông nghèo ( Cha tôi
là thợ mỏ than, Mẹ tôi là bần nông). Tôi lại đã trực tiếp được thụ hưởng học bổng của Nhà nước ta (*) ngay từ khi còn
là học sinh phổ thông, nên đã có thể học hết trung học, rồi lại được Nhà nước cử
sang học tập ở nước bạn Cuba. Nhờ vậy, tôi đã có thể trở thành một công dân
chân chính, một công chức ngành ngoại giao đã hoàn thành nhiệm vụ.
4- Để góp
thêm một cây vào vườn cây khuyến học, khuyến tài ngày càng xum xuê trên
đất nước ta, đồng thời để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và vinh danh các Anh
hùng, Liệt sỹ mà tại quê hương tôi người tiêu biểu là Lão thành Cách mạng Anh
hùng Lực lượng VTND, Liệt sỹ Công an Nguyễn Đình Bể, người Cha vô cùng
kính yêu của tôi, và cũng là một việc làm thiết thực để đáp lại ơn nghĩa mà bản
thân tôi đã từng được thụ hưởng, vợ chồng tôi quyết định dành một khoản tiền đã
tiết kiệm được, sau hơn bốn mươi năm làm công chức nhà nước, để lập «
Học bổng Nguyễn Đình Bể »,
để góp phần thúc đẩy phong trào thi đua học tập tốt, tu dưỡng tốt của học sinh,
sinh viên, khởi đầu là ở quê hương tôi.
5-
Quỹ học bổng này là một qũy hoàn toàn thiện nguyện, phi lợi nhuận. Qũy học bổng
sẽ được bảo toàn vĩnh viễn, chỉ gửi dài hạn tại ngân hàng để lấy lãi hàng năm làm
học bổng.
Tôi
hy vọng rằng khoản tiền đóng góp của vợ chồng tôi sẽ chỉ là ngân qũy ban đầu.
Với
mục tiêu cao đẹp, cách quản lý công minh và hiệu qủa, thiết thực, Qũy học bổng
Nguyễn Đình Bể sẽ được các nhà hảo tâm, từ thiện, các tổ chức, đơn vị, doanh
nghiệp…, cùng chia sẻ Quy chế, tôn chỉ, mục đích của Qũy, tham gia đóng
góp ; ngân qũy của học bổng sẽ ngày càng tăng và theo đó, số học sinh được
thụ hưởng cũng sẽ được mở rộng.
Hải Dương, ngày 03 tháng 02 năm 2014
Nguyễn Đình Bin
* Thời kỳ tôi học
phổ thông, chẳng những không phải đóng học phí mà 3 năm học cấp II ( 1957
- 1960) tôi còn được 2/3 học bổng và 3
năm học cấp III ( 1960 – 1963) được học bổng toàn phần của Nhà nước dành cho học
sinh phổ thông (mỗi tháng 9 đồng 6 hào -tiền khi đó- , trị giá khoảng 28kg gạo).
Nhờ vậy mà tôi - mồ côi Cha từ năm 7 tuổi, Mẹ là bần nông - đã có điều kiện trọ học ở thị xã , ngày nay là
thành phố Hải Dương, vì quê tôi khi đó không có trường cấp II và cấp III.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét