Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Ông Lý Quang Diệu, người đồng mở đường hợp tác giữa Việt Nam & Singapore (Bài 1)

Ông Lý Quang Diệu, người đồng mở đường hợp tác giữa Việt Nam & Singapore

Bài viết dưới đây về ông Lý Quang Diệu do báo điện tử Khampha.vn đặt viết. Bài đăng làm 2 kỳ (Bài 1 và Bài 2) trên khampha.vn, vào thứ Bảy (28/3) và Chủ nhật (29/3).

 


Lý Quang Diệu: Người mở đường hợp tác với Việt Nam 

Nguyễn Vĩnh *

Bài 1 

Thứ bẩy, 28/03/2015, 06:06 (GMT+7)


Từ cuộc gặp ngoài “kịch bản” giữa ông Lý Quang Diệu và ông Võ Văn Kiệt tháng 2/1990, Singapore và Việt Nam đã gác bỏ những khác biệt trong quá khứ, bắt tay hợp tác để xây dựng quan hệ ấn tượng trong khối ASEAN.
 
Ngày 23/3/2015 Văn phòng Thủ tướng Singapore đưa tin ông Lý Quang Diệu, nhà lập quốc và dẫn dắt nước Singapore từ nghèo nàn đi đến phồn vinh, đã qua đời, hưởng thọ 91 tuổi.
Trong những chính khách châu Á, ông Lý Quang Diệu nổi lên như một nhà hoạt động chính trị tài giỏi, một mẫu hình “nhà kỹ trị” (technocrat) tài ba, có công đưa một vùng lãnh thổ nghèo, không tài nguyên thiên nhiên  tách ra từ Malaysia- xuất phát ở hàng thế giới thứ ba tiến tới một quốc gia ở hàng thế giới thứ nhất (nước công nghiệp phát triển).
Nếu Nhật Bản là một mẫu hình kỳ tích kinh tế (của một quốc gia có lãnh thổ tương đối rộng) thì Singapore cũng xứng là kỳ tích kinh tế tại nột đảo quốc nhỏ bé, chỉ trải ra hơn 600 cây số vuông.
Bài viết này tập trung vào mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Singapore với những điểm nhấn là công sức đóng góp cho thành tựu lớn này chính là ông Lý Quang Diệu.
Thiết nghĩ nếu nhiều người Việt Nam và Singapore biết được điều này, nhiều bạn đọc Khampha.vn biết được điều này thì đây sẽ là cách vinh danh người đã khuất một cách đầy ý nghĩa..  

Từ buổi “chạm ngõ” lý thú Võ Văn Kiệt - Lý Quang Diệu

Có thể nói ông Lý Quang Diệu là người có vai trò “đồng mở đường” cho mối quan hệ và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Singapore  Nói đồng mở đường là vì từ cuộc gặp gỡ bất thường, hầu như ngoài “kịch bản” giữa ông Lý và ông Võ Văn Kiệt tại Davos tháng 2/1990 được coi như thời điểm khởi động cho mối quan hệ hợp tác song phương mà trước đó hầu như bế tắc - dù quan hệ ngoại giao đã được hai bên thiết lập từ rất lâu, ngày 1/8/1973.

Ông Lý Quang Diệu đã kể lại trong Hồi ký của mình buổi “chạm ngõ” đầu tiên lý thú này khi ông Lý còn đương kim Thủ tướng, trưởng đoàn Singapore; còn ông Kiệt là Phó Chủ tịch Bộ trưởng, là trưởng đoàn Việt Nam. Cả hai cùng tham dự Diễn đàn Kinh tế danh giá nói trên tại Thụy Sĩ.


 - 1
Ông Lý Quang Diệu trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt - (Ảnh: Vietnamnet)


Có vẻ như bối cảnh cùng không gian đầy “màu sắc” hợp tác kinh tế và phát triển ở Davos khiến ông Lý dự cảm được thiện chí của ông Võ Văn Kiệt “muốn hai bên gác bỏ những khác biệt trong quá khứ, và (nay) hợp tác”. Gác bất đồng trong quá khứ là điều ông Lý Quang Diệu “quá hiểu” bởi ông chính là người kinh qua cả chuỗi những sự kiện va chạm cùng khúc mắc mà hai bên Singapore và Việt Nam vấp phải trong suốt những thập kỷ chiến tranh lạnh.         
Tuy nhiên phải đến hơn một năm sau, hai bên mới xúc tiến được những bước đi cụ thể.

Sáp lại gần nhau, và hợp tác làm ăn

Trong chuyến thăm Singapore đầu tiên (11/1991) của ông Võ Văn Kiệt trên cương vị Thủ tướng, vẫn theo dòng hồi ức, ông Lý nhớ lại “mặc dù khi đó tôi không còn là Thủ tướng nữa, nhưng hai chúng tôi vẫn gặp nhau tại buổi quốc yến do người kế nhiệm tôi là Goh Chok Tong chủ trì.

Khi bữa tiệc bắt đầu, ông Kiệt đứng lên và đi lại chỗ tôi, ôm choàng lên hai khuỷu tay tôi - như cách những người cộng sản thể hiện với nhau – ông đặt câu hỏi trực tiếp là tôi có thể giúp Việt Nam không. Tôi e dè, thế bằng cách nào nhỉ? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế cho họ...”. Tôi lặng người đi, ông Lý kể lại như vậy.     


 - 2
Lý Quang Diệu - người kiến tạo Singapore phồn thịnh


Kể từ dấu mốc đó, đã như có “một kịch bản mà hai bên thuận lòng”, lần lượt diễn ra nhiều chuyến đi làm việc của ông Lý Quang Diệu trên tư cách Bộ trưởng Cao cấp (1990-2004), rồi từ 2004 là Bộ trưởng Cố vấn của Chính phủ Singapore.
Đó là tháng 4/1992 thăm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Chuyến đi này ông đã dành cả ngày trời ở Hà Nội để trao đổi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các cộng sự của Thủ tướng; tiếp xúc với Tổng bí thư Đỗ Mười, với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; và tại TP Hồ Chí Minh với cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Có thể nói màn ra mắt ở cấp thượng đỉnh, đặt chốt và định hướng đi cho một sự hợp tác và làm ăn có nguyên tắc và lâu dài của Singapore với Việt Nam… được coi là “hoàn hảo” và xuôi thuận theo nhiều nghĩa. Nói được vậy là vì trong thể chế và thực tiễn chính trị của Singapore, ông Lý Quang Diệu vẫn đầy uy quyền – cho dù đã từ nhiệm Thủ tướng từ cuối 1990.      

Sau đó ông Lý Quang Diệu đã liên tiếp trở lại Việt Nam 4 lần nữa vào tháng 11/1993, tháng 3/1995, tháng 11/1997 và gần đây nhất, tháng 1/2007.

Điều đặc biệt muốn nói tới là trong chuyến thăm gần đây nhất của ông Lý Quang Diệu – vào đầu năm 2007 - đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ về tình hữu nghị và hợp tác chân thành giữa hai nước.

Trong buổi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (chiều 16/1/2007), Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu - chức vụ mới lập kể từ 2004 khi con trai ông là Lý Hiển Long lên làm Thủ tướng – đã nhấn mạnh với chủ nhà rằng, “hiện nay với đội ngũ lãnh đạo mới, Việt Nam đang chuyển đổi và sẽ có nhiều bước tiến hơn nữa. Gia nhập WTO, Việt Nam có thể tăng tốc phát triển, mở cửa nhanh hơn để đón nhận đầu tư, phát triển nhanh hơn và đặc biệt sẽ cần nguồn nhân lực mới”. Tiếp theo ông Lý khẳng định: “Làn gió đổi mới, thay đổi đang thổi. Đó sẽ là cơn gió thay đổi lớn”. 


 - 3
Người Singapore khóc thương ông Lý Quang Diệu


Điểm đáng lưu ý nhất là ở chỗ, trong dự đoán của ông Lý thì “trong 5 năm tới Việt Nam sẽ bắt kịp tốc độ của các nước trong khu vực”. Nếu công việc chỉ đạo và quản trị tốt , Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng mạnh như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Rồi như một kết luận, ông Lý Quang Diệu đưa ra một lời khuyên chân thành: “Bây giờ là lúc Việt Nam phải bù đắp cho cơ hội đã mất”, và ông nhấn mạnh thêm ý, là “cần bù đắp, tiến kịp”.

Trước thiện chí của ông Lý, Thủ tướng nước ta đã ghi nhận những góp ý và dự báo của ông Lý Quang Diệu, coi những nhận định và đánh giá đó là “thiết thực và chân tình”. Đáng vui mừng, theo Thủ tướng ta, là ông Lý ghi nhận được tại Việt Nam, sự điều hành nền kinh tế Việt Nam “đã có những tiến triển…”.


 - 4
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: Reuters


Đáp lại các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Singapore, về phía các nhà lãnh đạo Việt Nam các thời kỳ đã liên tiếp có những chuyến viếng thăm Singapore, như chuyến đi của Tổng bí thư Đỗ Mười vào tháng 10/1993; của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thăm lần thứ 2) vào tháng 5/1994; của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh vào tháng 9/1995; của Chủ tịch Trần Đức Lương vào tháng 4/1998. Ngoài ra hàng năm hai bên đều trao đổi nhiều đoàn ở cấp bộ trưởng, thứ trưởng.

* Sự hợp tác giữa Singapore và Việt Nam có dấu ấn đặc biệt của ông Lý Quang Diệu như thế nào? Mời các bạn đón đọc "Lý Quang Diệu: Người mở đường hợp tác với Việt Nam (Bài 2)" vào sáng chủ nhật 28/3.

* Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập Báo Quốc Tế (nay là báo “Thế Giới & Việt Nam”) 
Xem tại Tạp chí Khám phá: http://khampha.vn/the-gioi/ly-quang-dieu-nguoi-mo-duong-hop-tac-voi-viet-nam-bai-1-c5a320807.html

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...