Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Ông Lý Quang Diệu, người đồng mở đường hợp tác giữa Việt Nam & Singapore (Bài 2)

Ông Lý Quang Diệu, người đồng mở đường hợp tác giữa Việt Nam & Singapore


 

Bài viết dưới đây về ông Lý Quang Diệu do báo điện tử Khampha.vn đặt viết. Bài đăng làm 2 kỳ (Bài 1 và Bài 2) trên khampha.vn, vào thứ Bảy (28/3) và Chủ nhật (29/3).
 


Lý Quang Diệu: Người mở đường hợp tác với Việt Nam 

Nguyễn Vĩnh *

Bài 2

Chủ nhật, 29/03/2015, 10:06 (GMT+7)
Bản lĩnh của một nhà lãnh đạo tầm quốc gia là ở chỗ mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước và dân tộc mình. Về khía cạnh này ông Lý Quang Diệu đã đúng theo cách “thẳng thừng” và lạnh lùng trong nhiều quyết sách.

 
Ngày 23/3/2015 Văn phòng Thủ tướng Singapore đưa tin ông Lý Quang Diệu, nhà lập quốc và dẫn dắt nước Singapore từ nghèo nàn đi đến phồn vinh, đã qua đời, hưởng thọ 91 tuổi. Tang lễ của ông Lý Quang Diệu sẽ được tổ chức hôm nay 29/3.
Trong những chính khách châu Á, ông Lý Quang Diệu nổi lên như một nhà hoạt động chính trị tài giỏi, một mẫu hình “nhà kỹ trị” (technocrat) tài ba, có công đưa một vùng lãnh thổ nghèo, không tài nguyên thiên nhiên  tách ra từ Malaysia- xuất phát ở hàng thế giới thứ ba tiến tới một quốc gia ở hàng thế giới thứ nhất (nước công nghiệp phát triển).
Nếu Nhật Bản là một mẫu hình kỳ tích kinh tế (của một quốc gia có lãnh thổ tương đối rộng) thì Singapore cũng xứng là kỳ tích kinh tế tại nột đảo quốc nhỏ bé, chỉ trải ra hơn 600 cây số vuông.
Bài viết này tập trung vào mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Singapore với những điểm nhấn là công sức đóng góp cho thành tựu lớn này chính là ông Lý Quang Diệu.
Thiết nghĩ nếu nhiều người Việt Nam và Singapore biết được điều này, nhiều bạn đọc Khampha.vn biết được điều này thì đây sẽ là cách vinh danh người đã khuất một cách đầy ý nghĩa..  

Khuôn khổ hợp tác rộng lớn

Bắt đầu từ năm 2003, hai nước tiến hành tham khảo thường niên cấp thứ trưởng ngoại giao. Đặc biệt, trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 3 năm 2004, hai Bộ trưởng Ngoại giao đã thay mặt chính phủ hai nước k‎ý “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21”. Văn kiện quan trọng này là cơ sở pháp l‎ý và chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.

Trong bối cảnh 2 nước Việt nam và Singapore đều là thành viên ASEAN, có sự tăng cường trao đổi ngoài các đoàn cấp cao là nhiều chuyến thăm làm việc của các quan chức hữu quan của các bộ Ngoại giao, Công an  và Quốc phòng.


 - 1
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Tài chính hai nước và Nghị định thư thứ hai năm 2012. (ảnh: Vụ HTQT)


Việc hai nước quyết định miễn thị thực cho công dân của nhau (từ 12/2003) đã mang một ‎ý nghĩa chính trị to lớn không những tác động đến các nước trong khu vực, mà cả các nước khác quan tâm đến Đông Nam Á. Đồng thời quyết định này cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ  kinh tế và du lịch giữa hai nước.

Việt Nam được xác định là thị trường lâu dài cả về đầu tư và thương mại của Singapore vì Việt Nam được đánh giá là nước có môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, nền kinh tế tăng trưởng cao và đều đặn trong một đất nước ổn định cả về chính trị và xã hội.

Trong nhiều văn kiện chính trị và ngoại giao của nước bạn đã nhấn mạnh, Singapore khuyến khích các công ty của họ sớm vào Việt Nam và tìm cơ hội kinh doanh lâu dài trong những lĩnh vực mà họ có lợi thế cạnh tranh và Việt Nam có nhu cầu phát triển.

Về phía Việt Nam cũng tính đến đặc thù quan hệ giữa hai nước, và trong chính sách cụ thể đã dành ưu tiên cho những dự án đầu tư có hiệu quả từ phía Singapore, dựa trên lợi ích của hai bên và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam.

Từ tư tưởng chỉ đạo của cả hai phía nêu trên, kể từ đầu thập niên 1990 đến nay. Singapore luôn là một trong những nhà đầu tư nước ngoài và bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Singapore vào Việt Nam có nhiều nét đặc trưng, khác với các đối tác khác.

Thứ nhất là đa số các dự án đều có quy mô và vốn lớn. Điều này chứng tỏ các công ty Singapore muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Thứ hai là định hướng đầu tư khá rõ ràng đi từ dịch vụ du lịch, khách sạn sang sản xuất và sau đó, chú trọng nhiều đến dịch vụ viễn thông, hậu cần (logistics) ngân hàng và tài chính, phù hợp với tiến trình mở cửa và cải cách kinh tế của Việt Nam.

Thứ ba là nhiều các tập đoàn lớn của Xin-ga-po đều có dự án đầu tư ở Việt Nam.

Thứ tư là Singapore có sáng kiến đầu tư tay ba ở Việt Nam. Tính đến tháng 8 năm 2006, Singapore đã đầu tư vào Việt Nam 7,80 tỷ USD với 425 dự án.

Việt Nam – Singapore: Đối tác chiến lược

Một điểm cần ghi nhận, không chỉ trên bình diện hợp tác thuần túy về kinh tế, mối quan hệ Việt Nam và Singapore còn phát triển ở nhiều lĩnh vực hợp tác liên thông (các bộ, ngành khác nhau…) được ký ngay từ cuối năm 2005. Nhưng đạt đến mức quan hệ nồng ấm và tin cậy nhất là quyết định đi đến Đối tác chiến lược được Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố trong buổi Quốc yến tiếp đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Singapore vào tháng 9/2012 và được ký kết tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore khi hai nước cùng chung kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nếu chúng ta có dịp trở lại các văn kiện thỏa thuận song phương, và nhất là các trang báo của 2 nước vào các thời kỳ, người ta có thể hình dung được một bức tranh hợp tác trải rộng, nhưng khá cụ thể của sự hợp tác song phương Singapore – Việt Nam.

Trong các chuyến thăm và gặp gỡ Việt Nam –Singapore, chủ đề xuyên suốt là các vấn đề kinh tế, từ vĩ mô như kinh tế thị trường, là những hình thái sở hữu doanh nghiệp, một số ngành kinh tế mũi nhọn… cho đến kinh tế vùng miền, những vướng mắc trong thủ tục đầu tư và triển khai các dự án, trao đổi và xử lý các về ngân hàng, tài chính, tiền tệ mà doanh nghiệp của Singapore cũng như của các nước khác khi đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam được phản ánh qua nhiều kênh thông tin đến với ông Lý Quang Diệu.

Có những lần chính ông Lý được thông báo trực tiếp một số vướng mắc về thủ tục và cách làm mà ông trao đổi hoặc lưu ý “đã được tháo gỡ, hoặc giải quyết”. Đồng thời ông Lý cũng thấy được phong cách làm việc của lãnh đạo và bộ, ngành trung ương của phía Việt Nam đã ngày một đồng bộ và chuyên nghiệp hơn; đồng thời ghi nhận bộ mặt kinh tế, xã hội quốc gia sáng sủa lên trông thấy…

Trong số những thành tựu hợp tác, cả phía Singapore và phía chủ nhà Việt Nam đều có đánh giá cao sự thành công bước đầu và có sức thuyết phục của các khu công nghiệp mang “thương hiệu” VSIP.

Chúng ta nhớ lại rằng ý tưởng nêu ra lần đầu tiên cho các khu công nghiệp này đã có khi hai vị lãnh đạo Võ Văn Kiệt với người kế nhiệm ông Lý Quang Diệu là ông Goh Chok Tong vào năm 1994, đó là VSIP I và VSIP II tại tỉnh Bình Dương.

Tháng 5/1996, Thủ tướng Sigapore Goh Chok Tong thăm Việt Nam và khai trương Khu công nghiệp Việt Nam - Sigapore tại tỉnh Bình Dương (VSIP). Cho đến nay, VSIP được đánh giá là dự án thành công nhất trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và là một trong những khu công nghiệp thành công nhất mà Sigapore hợp tác xây dựng ở nước ngoài.

Phía Việt Nam muốn  Sigapore giúp nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác. Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập VSIP, cả hai Thủ tướng Việt Nam và Sigapore  đều khẳng định VSIP là hình mẫu của sự hợp tác lâu dài và cùng có lợi giữa hai nước. Cho đến thời điểm đó, VSIP đã thu hút 235 dự án với 1,5 tỷ USD vốn đầu tư và sử dụng 40.000 nghìn lao động.

Đến nay trên khắp vùng miền đất nước, từ Nam ra Bắc, các VSIP không những chỉ là những khu công nghiệp cao cấp, thịnh vượng mà còn là các khu phức hợp đô thị, khu dân cư và dịch vụ kiểu mẫu như VSIP III tỉnh Bắc Ninh, VSIP IV ở Hải Phòng, VSIP V đang xây dựng ở tỉnh Quảng Ngãi và một VSIP thứ VI đang được cân nhắc, tính toán tại tỉnh Nghệ An.

Mới đây, tại buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 69 do Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức, khách mời danh dự là Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Singapore, ông Lim Swee Say đã cho biết, từ năm 1992, “thông qua Chương trình hợp tác Singapore, nước này đã nhận bồi dưỡng cho trên 14.000 cán bộ, quan chức của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều học bổng được cấp cho các sinh viên xuất sắc của Việt Nam đến học tại các trường đại học danh giá của đất nước Singapore nổi tiếng về khoa học giáo dục và trọng dụng nhân tài.

Bộ trưởng Lim còn cho biết, ngày nay tại Singapore có “một cộng đồng người Việt rất năng động”, và “bên cạnh các sinh viên Việt Nam du học và khách du lịch từ Việt Nam sang, thì Tp Hồ Chí Minh nằm trong Top10 điểm đến của các chuyến bay xuất phát từ sân bay quốc tế Changqi”.

Bản lĩnh của nhà lãnh đạo tầm cỡ

Xét sâu xa thì bản lĩnh của một nhà lãnh đạo tầm quốc gia là ở chỗ mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước và dân tộc mình. Về khía cạnh này ông Lý Quang Diệu đã đúng. Đúng theo cách “thẳng thừng” và lạnh lùng trong nhiều quyết sách, trong đó có quyết sách đẩy mạnh làm ăn hợp tác với Việt Nam.


 - 2
Ông Lý Quang Diệu “thẳng thừng” và lạnh lùng trong nhiều quyết sách, trong đó có quyết sách đẩy mạnh làm ăn hợp tác với Việt Nam.


Nhìn lại những năm Việt Nam chiến tranh, ông “bằng lòng” cho người Mỹ sử dụng Singapore như căn cứ hậu cần (ông từng thổ lộ hàng tháng Singapore đã bán được cho quân Mỹ 600 triệu USD hàng hóa và dịch vụ). Ông là người dũng cảm “gạt bỏ” quá khứ đó để tiến đến bắt tay với Việt Nam.

Chính là ông Lý Quang Diệu, trong cuộc phỏng vấn báo Mỹ New York Times, ông đã nói đại ý rằng, nếu biện pháp cải cách có hiệu quả thì hãy phát huy; nếu không như vậy “thì quẳng ngay nó đi” để thử một biện pháp khác. Ông còn nói “quá trình cải cách” ở Singapore chỉ chú trọng đến thực tiễn chứ không phải tư tưởng – “chúng tôi không bị dính chặt vào bất cứ hệ tư tưởng nào cả”.

Cái quan định luận, như người đời nói.

Trong việc mở đường và định ra, rồi tự tay theo dõi và đốc thúc trực tiếp khi cần thiết đối với mối quan hệ làm ăn hợp tác với Việt Nam, phải chăng chính ông Lý Quang Diệu đã thể hiện rõ nhất bản lĩnh của một con người “thực dụng”?!.

Và về khía cạnh này, ông Lý một lần nữa đã đúng.


* Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập Báo Quốc Tế, Bộ Ngoại giao (nay là báo “Thế Giới & Việt Nam”) 
 
Đọc trên Tạp chí Khám phá:  http://khampha.vn/the-gioi/ly-quang-dieu-nguoi-mo-duong-hop-tac-voi-viet-nam-bai-2-c5a320969.html

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...