Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Chuyện lãnh đạo Mỹ lẩy Kiều

Chuyện lãnh đạo Mỹ lẩy Kiều

Phải công nhận giàn quan chức, chuyên gia giúp việc cho các Tổng thống Mỹ họ giỏi nắm bắt các nền văn hóa, văn học nghệ thuật của các nước có mối quan hệ. Và họ vận dụng vào các hoạt động đối ngoại ngoại giao rất nhuyễn...

Như với Việt Nam, lãnh đạo Mỹ hay lấy Truyện Kiều ra "lẩy". Trước đây hơn 20 năm là lẩy Kiều từ cửa miệng ông tổng thống khi ấy là Bill Clinton khi thăm Việt Nam. Mới đây với chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng thì đến lượt ông phó tổng thống Mỹ Joseph Biden lại lẩy Kiều trong bữa chiueeu đãi thượng khách Việt Nam.

Đúng là bác Tổng nhà ta học Văn khoa, việc này gây một tiếng vang và ấn tượng mạnh. Nhiều bài viết của các cây bút Việt Nam đã nói về điều đó (lẩy Kiều của lãnh đạo Mỹ). Xin giới thiệu 2 bài trong số đó...

Vệ Nhi

----
 

Lẩy Kiều


Tối  7/7/2015, trong tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:

 

Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời .

(Nguyên văn lời ông Joseph Biden: Thank heaven we are here today. To see the sun through parting fog and clouds)

Xin dẫn mấy lời bình của "Mao Tôn Cương  thời @" như sau:



- Bộ Ngoại giao Mỹ nói riêng và phía Mỹ nói chung đã chuẩn bị rất kỹ nội dung đón tiếp vị lãnh đạo cao nhất Việt Nam lần đầu tiên thăm chính thức Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Chuẩn bị kỹ đến mức đã tìm chọn kho tàng văn học cổ điển Việt Nam để dẫn ra 2 câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du viết về đoạn "tái hợp giữa nàng Kiều và chàng Kim" sau 15 năm xa cách, rất phù hợp với quan hệ Mỹ - Việt hiện nay.  Đây đúng là câu "bói Kiều" tuyệt vời của ông Phó Tổng thống Joseph Biden.

- Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Mỹ "lẩy Kiều". Chắc nhiều người còn nhớ, tháng 11/2000, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi hội đàm với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ông cũng đã "lẩy" 2 câu Kiều rất ý nghĩa với quan hệ Mỹ - Việt hồi đó:

"Sen tàn Cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang  Xuân"

- Hỏi trên thế giới có những chính khách nào như chính khách Mỹ đã am hiểu và sử dụng điển tích văn học cổ điển của một quốc gia xa xôi nửa vòng Trái Đất để nói về quan hệ quốc tế đương đại? Quả là tuyệt vời, độc đáo tới mức không tiền khoáng hậu.

- Xin trở lại 2 câu Kiều mà ông Biden đã "lẩy". Ý nghĩa của hai câu đó quá hay, quá chuẩn đối với quan hệ Việt - Mỹ hiện nay. Tuy bản dịch tiếng Anh rất sát ý nhưng vẫn chưa lột tả được nghĩa đen và nghĩa bóng của 2 câu Kiều này. 

Trời còn để có hôm nay

Đáng lẽ chàng Kim và nàng Kiều đã hết cơ hội tái ngộ rồi, nhưng "ơn Trời"  đã tạo ra cơ hội "hôm nay" để họ "tái hợp" và để họ:

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời

Trong câu này, động từ "tan" và "vén" được Đại thi hào Nguyễn Du đặt trước tân ngữ "sương" và "mây". Tuy chủ ngữ bị "ẩn" nhưng không khó nhận ra chủ ngữ chính là chàng Kim và nàng Kiều. Trời đã tạo cơ hội cho họ "tái hợp" thì họ sẽ phải chủ động "làm tan sương" và "vén mây mù" để trông thấy vầng dương. Nếu như Nguyễn Du chuyển câu thơ này sang dạng "bị động", động từ đứng sau tân ngữ thì  "sương sẽ tự tan", mây sẽ tự dãn" , nếu vậy cuộc "tái hợp" của đôi trai tài gái sắc Kim Kiều sẽ nhạt nhẽo tầm thường hẳn đi. Cái hay, cái thâm thúy của Nguyễn Du là ở câu thơ này.
- Trở lại quan hệ Việt - Mỹ, nếu ứng vào câu "bói Kiều" này , khi Ông Trời đã tạo cơ hội cho lãnh đạo cấp cao hai nước "còn có dịp gặp nhau hôm nay", thì hai bên phải chủ động làm "tan sương mù" và "vén mây đen" lâu nay vẫn phủ bóng lên quan hệ hai nước, có như vậy cả hai bên mới nhìn thấy Mặt trời sáng tỏ, quan hệ song phương mới phát triển được. Rõ ràng, tương lai thuộc về trách nhiệm của cả hai bên. Tiếng vỗ tay chỉ phát ra khi hai bàn tay vỗ vào nhau.




- Ông Biden chắc đã biết hai câu Kiều tiếp theo 2 câu mà ông đã "lẩy:

................................................
................................................

Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa

Không chỉ ông Biden và các bạn Mỹ, mà chúng tôi những người Việt Nam yêu hòa bình đều mong muốn quan hệ Việt - Mỹ sẽ phát triển như vậy.
Cầu mong Trời Phật phù hộ cho ý nguyện chung của chúng ta.

Mao Tôn Cương @



-----



“Tan sương đầu ngõ…”

Hạ Đình Nguyên

Thế là chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc, đã có nhiều tiếng vỗ tay ở trong và ngoài nước. Chuyến đi đã ít nhiều gây ấn tượng, nhưng ấn tượng đậm nét nhất là sự “xoay trục” của chính bản thân ông.
Điều này gợi nhớ về sự thay đổi tư duy chính trị, “viết lại báo cáo” của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, về chủ trương đổi mới, tạo nên một bước ngoặt quan trọng của giai đoạn lịch sử từ Đại hội VI của Đảng. 



Nếu so sánh, người ta lại hoài nghi sự thay đổi của ông Trọng về tính triệt để và logique của nó, bởi ông mang nặng cái nhìn giáo điều, bảo thủ và có tiếng là “thân” Trung Quốc. Niềm tin kiên định của ông với đất nước “lý tưởng tương đồng” đã được duy trì, ít nhất cho đến sự kiện bẽ bàng của giàn khoan HD 981 xuất hiện trong vùng biển Việt Nam, và sau 30 cuộc gọi mà Tập Cận Bình không thèm nhấc máy. Càng yêu nhau lắm, càng cắn nhau đau. Biết đâu, vết thương lòng đã góp một phần vào sự xoay trục!
Tình thế trong nước và tình hình Biển Đông buộc con người bình thường cũng thấy cần phải thay đổi. Nhưng sự thay đổi muộn màng của ông cũng có giá trị, dù sau những bước “đi trước” rất quyết liệt và gian nan của một bộ phận trong Đảng và của toàn dân. Nó mang lại tiếng thở phào nhẹ nhõm ở diện rộng, sau sự hồi họp bởi ấn tượng chưa phai của bài diễn văn đầy tai họa năm nào ở Cuba, mà qua đó ông toan “đội đá vá trời”, để dựng lại chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. 

Nhưng hẳn nhiên, bây giờ là không, không cả việc nhắc đến tên!
Nhưng cốt lõi trong tư duy “xoay trục” của ông hiện nay là ở đâu? Là ở chỗ vẫn giữ được bảng hiệu “xã hội chủ nghĩa” và tiếp tục sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà ông là Tổng Bí thư. Điều này là phù hợp với tình hình chung. Vì ý thức hệ đã không còn là vấn đề quan trọng đối với thời đại, dĩ nhiên đối với cả Mỹ. Sự hiện diện của Đảng Cộng sản Việt Nam (nếu) với xu thế đổi mới, dân chủ hóa từng bước trong một tiến trình ổn định, cũng là yêu cầu của đất nước, đặc biệt trước áp lực bành trướng thô lậu hiện nay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tính giáo điều và sự tự mãn về niềm tin/tri thức xã hội chủ nghĩa của ông, liệu rằng ông có tiến lên, tự vượt qua mình được không, đi thêm một bước nữa, về khái niệm mà ông từng mơ ước nhiều lần là “đột phá”? Nhưng chuyến đi này cũng có thể gọi là “đột phá”, đặc biệt là “đột phá” đối với chính ông, một nỗ lực đáng ghi nhận. Dù sao thì ông cũng chỉ còn tại vị được khoảng 6 tháng nữa thôi, như dự kiến và mong muốn của đại đa số.
Ông có thể về nhà và hài lòng ngồi nhìn hàng bông trước ngõ, trong bối cảnh mà ông Phó Tổng thống Mỹ Biden đã hóm hỉnh mô tả, theo cách mà ông Trọng rất ưa thích – “lẩy Kiều” – là, đã “tan sương đầu ngõ…”, mà ông đã có góp phần.
Sương đã tan ở đầu ngõ và đã nhìn thấy lối ra. Trên bầu trời màn mây đen – bảo thủ, giáo điều, Hán hóa xã hội chủ nghĩa – cũng tự cuốn đi để lộ ra khoảng trời xanh.
Không có vinh dự của một người (đáng lẽ ra) khởi đầu nhưng dù sao cũng có vinh dự là người kết thúc bước khởi đầu cho một cuộc hành trình mới, tuy cuộc hành trình ấy sẽ không có ông. Ông đã góp một phần để “bước ra đầu ngõ”.
Người dân sẽ dành cho ông một tình cảm, nếu ông chỉ ngồi ngắm hoa đầu ngõ, mà không tung tăng lễ hội như những tiền nhiệm gần của ông, hoặc âm thầm cố trao “y bát” cho truyền nhân tâm phúc không xứng tầm. Theo đạo Phật, những ngày tháng cuối mùa, cuối đời thường có những thay đổi đáng giá, gọi là ánh sáng của giai đoạn “cận tử nghiệp”. Tình hình này ứng vào bản thân ông, vào thể chế, và cũng là tình hình đất nước.
Lành thay!
Đáng hoan nghênh thay!
Chúc mừng cuộc Mỹ du của ông đã kết thúc tốt đẹp.

10-7-2015
H. Đ. N.

Nói thêm:
Nhân đây, cũng có lời hoan nghênh ông Biden về việc “lẩy Kiều”. Nếu ông Trọng đã văn chương trong cuộc thù tạc với Obama:
“Phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”…
mang màu sắc 16 chữ vàng theo hơi của Giang Trạch Dân, thì ông Biden lại rất tinh tế Việt Nam, hợp cảnh lại cũng hợp tình, cho cái riêng lẫn cái chung:
“Trời còn, để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Để có người khỏi hiểu nhầm là ám chỉ ông Trọng “vén mây”, mà là mây đã tự vén, sương tự tan, xin trích bản dịch của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cho rõ hơn: “Puisque le ciel nous donne encore à vivre ce jour./
Admirons les fleurs quand au bout des allées du jardin la brume se dissipe et contemplons la lune lorsqu’au ciel les nuages s’écartent”.



Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...