Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Blog bạn viết về...


Blog bạn viết về...

Chủ trang blog Hiệu Minh trong dịp "về quê" Việt Nam lần này đã liên lạc tìm gặp mình.

Thế giới mạng lâu nay quen thuộc với cái tên Hang Cua (HC) ở blog Hiệu Minh. Chủ trang này còn tự diễu gọi mình là Tổng Cua nữa. Trên blog này khá cập nhật bài vở với những entry thật nhiều thông tin và có cách dẫn dắt câu chuyện rất uyển chuyển và bất ngờ; một cách focus vào chủ đề rất riêng mà văn phong Hiệu Minh hoàn toàn chủ động, làm chủ ngòi bút của mình...
  
Sau buổi hai anh em ngồi với nhau, Hiệu Minh chuyển cho bài viết sau đây và nói đăng ở blog của anh. Xin phép tác giả đưa về trang nhà để bạn bè cùng đọc.

Vệ Nhi

-----    
Café với anh Nguyễn Vĩnh
Anh Nguyễn Vĩnh. Ảnh: HM
Anh Nguyễn Vĩnh. Ảnh: HM


Tuần trước, Huy Đức nhắn mình liên lạc với anh Nguyễn Vĩnh để nhận cuốn sách “Khí phách Trần Quang Cơ” do bác gái Trần Thị Vượng, phu nhân của cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, gửi tặng.

Hai anh em hẹn nhau ở Le Bon Cafe (Số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) ngay cạnh Bảo tàng Lịch sử, một kiến trúc Pháp ít ỏi còn lại. Nghe tiếng anh Vĩnh đã lâu, lần này mới được gặp. Gương mặt anh phúc hậu, dễ gần, tạo sự thân thiện và tin cậy cho người đối thoại. Có cảm giác như quen anh lâu lắm rồi. Mà cũng “quen” thật vì ngày nào anh chả đọc Cua Times.

Tên thật của anh là Nguyễn Văn Vĩnh do cha mẹ đặt, nhưng lúc ra công tác anh bớt chữ đệm Văn vì sợ trùng tên với học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh nối hai thế kỷ 19 và 20. Chả hiểu vì sao mà hai ông Vĩnh này lại mang nghiệp về văn hóa.

Anh Vĩnh kể, may mắn sao trong đời mình khi bắt đầu sự nghiệp, năm 1967, lại được làm dưới quyền hai con người nổi tiếng, đó là bác sĩ Viện và học giả Hữu Ngọc. Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, người từng được giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp năm 1992 và ông tặng luôn số tiền 400.000 franc (tương đương 80.000 USD) cho quỹ của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (Trung tâm NT). Hồi đó (1992), giá một cái Dream khoảng 2100$, tương đương với một căn nhà lắp ghép ở Giảng Võ.

Nguyễn Vĩnh và Hữu Ngọc (2)
Học giả Hữu Ngọc và anh Nguyễn Vĩnh. Ảnh: FB Nguyễn Vĩnh

Những năm 1970-1980, tôi thường thấy những tạp chí tại thư viện của Viện KHVN in bằng tiếng Pháp như Etudes Vietnamiennes và Le Courrier du Vietnam, cầm lên ngó qua, chẳng hiểu gì, bụng bảo dạ, giá như hiểu người ta viết gì trong đó. Tôi hoàn toàn không biết đó là công lao của bác sỹ Viện và các cộng sự trong đó có anh Vĩnh đang ngồi trước mặt.

Trong câu chuyện suốt chiều hôm đó, ngoài những trao đổi nghề nghiệp viết lách, dường như anh Vĩnh dành nhiều thời gian hơn kể về cuộc phỏng vấn cựu TT Võ Văn Kiệt và số phận lênh đênh của bài báo đó. Là TBT tờ báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) anh cùng với anh Hồng Thạch đã mất khá nhiều công sức để bài viết in ra và đến được với bạn đọc.

Bài viết đã duyệt khá kỹ, được hai nhà báo Huy Đức và Hồng Thạch (Phó TBT) cân chỉnh, soi kỹ từng đoạn, từng câu, đã in xong vào số Tết Ất Dậu (2005) nhưng lại phải gỡ ra vì một cú phone, rồi gần 4 tháng sau lại xuất hiện vào dịp kỷ niệm 30 năm nhân dịp 30-4-1975.
Bản gốc trên Tuần báo QT. Ảnh: Internet
Bản gốc trên Tuần báo QT. Ảnh: Internet

Bài viết có hai ý chính về công lao của tướng Minh đầu hàng vào sáng 30-4-1975 và sự hòa hợp dân tộc. Có lẽ người đọc cả hai phía chỉ nhớ những điều ông Kiệt nói từ tâm can, 30-4 dù chiến thắng nhưng có cả nỗi đau mất mát, dân miền Nam “rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia” như chính gia đình ông, cách kỷ niệm 30-4 như hàng năm “sẽ có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”, vết thương dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.

Nghe anh kể chuyện về đời làm báo không ít truân chuyên, tờ báo do mình tự chịu trách nhiệm,  chỉ sơ ý trong phân công và sắp đặt trách nhiệm trong tòa soạn, để bài có “vấn đề” lên trang, khi đó rút lại cũng không kịp nữa. Vì thế tố chất cần của người TBT là sự nhậy bén chính trị, nhưng không thể vì sự an toàn của cái ghế mà làm tờ báo nhạt nhòa.

Về Bộ Ngoại giao làm cho tờ báo Quốc Tế, đối anh Nguyễn Vĩnh, ngoại giao văn hóa và nghề làm báo dường như quyện vào nhau. Tôi từng gặp anh Nguyễn Hồng Thạch bên Washington DC khi đó đang nhiệm kỳ tại tòa đại sứ VN. Hai anh em còn đăng một bài liên quan đến phỏng vấn của ông Kiệt, hồi hộp ngồi theo dõi từng còm của bạn đọc. Anh Thạch kể về sếp của mình là anh Nguyễn Vĩnh với sự ngưỡng mộ và lây sang cả người đối thoại.

Nghe anh Vĩnh kể về bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, nhà văn hóa Hữu Ngọc và những nhân vật nổi tiếng, chợt nhớ lời một bạn còm sỹ nói về đất thủ đô “ngọa hổ tàng long” tiềm ẩn biết bao tài năng nhưng không được sử dụng tối đa cho sự phát triển, bỏ phí bao cơ hội để chuyển mình.

Có lần tôi tới viện Brookings trên đường Massachusetts ở Washington DC thấy Hoa Kỳ sử dụng tài năng khắp thế giới mà ham. Brookings là viện nghiên cứu chiến lược (think tank), một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận ra đời hơn 100 năm nay. Brookings qui tụ được rất nhiều học giả tham gia làm việc miễn phí, nhiều người tới đây làm việc khi đã nghỉ hưu.

Viện chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu một cách độc lập và dựa vào kết quả đưa ra những cố vấn mang tính chiến lược nhằm nâng cao sức mạnh dân chủ Mỹ, thúc đẩy kinh tế, giá trị xã hội dân sinh, an ninh và cơ hội cho người Mỹ, và đảm bảo hệ thống quốc tế được hợp tác tốt hơn, thế giới được an toàn và mở hơn. Hoa Kỳ vượt lên các quốc gia bởi trí thức được tôn trọng và sử dụng hiệu quả bởi có những kiểu Brookings khắp nơi.

Việt Nam từng có Viện IDS có vai trò tương tự nhưng đã bị giải thể. Qua câu chuyện với anh Nguyễn Vĩnh, chợt nảy ý nghĩ về một Brookings Việt Nam nhằm qui tụ những người có tầm hiểu biết như Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc và nhiều nhân sỹ có trình độ cao với mục đích cống hiến cho sự phát triển.

Bìa sách và lời đề tặng. Ảnh chụp tứ sách. HM
Bìa sách và lời đề tặng. Ảnh chụp tứ sách. HM

Đợi họ qua đời mới vinh danh như từng đối với bác sỹ Viện và nhiều nhân sỹ khác là quá muộn và uổng phí nguyên khí quốc gia. Một người như ông Viện năm 1992 bỏ 80.000USD (có thể mua được 5-6 villa) cho Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em thì người còn 1/4  lá phổi này chỉ ước tâm huyết về tương lai của đất nước được trọng dụng hơn là tấm huy chương lấp lánh hay mấy m2 ở nghĩa trang quốc gia.

Hai anh em mải mê chuyện đời, chuyện nghề viết, rồi lan sang cả IT, trời tối lúc nào không biết. Anh Vĩnh vội về đón cháu học bán trú tiểu học.

Ngồi lại một mình với ly café chẳng hiểu có chút vị gì của Le Bon của nước Paris ngay cạnh bảo tàng Bác Cổ, một kiến trúc đặc sắc Pháp còn sót lại, tôi xem những trang đầu của cuốn sách về Trần Quang Cơ gửi tặng có chữ ký của bác Vượng, chợt thấy có bài của mình “Chuyện hai nhà ngoại giao họ Trần” được in trang trọng trong cuốn sách do gia đình tự xuất bản.

Những nhân sỹ lớn lần lượt ra đi, tâm huyết để lại chẳng biết cho vào cái ngăn nào của nền trí tuệ quốc gia, đôi khi gia đình phải chia sẻ với bạn bè. Một hôm nào đó cái viện Bác Cổ này sẽ bị thay bằng một tòa nhà nhôm kính nhân danh sự phát triển thì chẳng có gì ngạc nhiên.

Hiền tài trong quá khứ bị phí hoài thì làm sao giữ được nguyên khí quốc gia trong hiện tại và tương lai.

HM. 16-12-2015

Phỏng vấn TT Võ Văn Kiệt trên Tuần báo Quốc Tế. Những đòi hỏi mới của thời cuộc


Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Học hành cần như thế



Học hành cần như thế

Sau khi đọc bài dưới đây (là “lá thư” của một sinh viên gửi cho cô giáo của mình), một bác lớn tuổi ghi mấy chữ gửi cho bạn bè như một nhận xét khái quát: “Một người trẻ tự trọng, cư xử rất đúng mực”.

Còn một nhà ngoại giao hay được anh em gọi đùa là “hòa thượng” do vị này từ khi nghỉ hưu đã rất chịu khó tìm đọc các sách giáo lý nhà Phật, từng sang đất Phật Nepal thụ giáo một khóa tu tại gia, thì tán thưởng lá thư vừa nêu, là “Thật hay! Giá mà có được bài giảng của cô giáo thì hay quá để đọc và học được nhiều điều bổ ích về tôn giáo. Thế kỷ 21 này được coi là "Thế kỷ của Tâm linh" mà.

Tuy nhiên qua câu chuyện mà các bạn vào đọc ở dưới đây tôi nghĩ nó còn một khía cạnh khác rất đáng lưu ý và nên khuyến khích mà nó ở ngay vấn đề đang được cả xã hội chúng ta quan tâm và bàn luận sôi nổi là vấn đề giáo dục.

Đó là người học sinh thì luôn cần sự “tôn sư trọng đạo”, nhưng nếu như có suy nghĩ riêng, có tích lũy kiến thức về một vấn đề nào đó tới mức tự tin rằng mình đúng..., thì vẫn nên tìm lựa lời lẽ, bằng những cách thích hợp để trao đi đổi lại, bàn bạc tranh luận với bạn bè, với ngay cả người dạy mình… về những gì mình tiếp thu qua quá tringf thụ giáo.

Một điều nữa là thầy cô giáo là người truyền thụ kiến thức nhưng cũng đừng bao giờ bằng lòng là mình luôn đúng, luôn có lý mà sẵn sàng cùng học sinh sinh viên trao đi đổi lại để vấn đề mình truyền giảng ngày càng hoàn thiện.

May mắn ở trường hợp lá thư này nêu lên thì cả phía người học và người thầy giảng đều có được tính cách đó, đều tuân theo những tiêu chí đó…nên rất đáng vui mừng. Mong điều này được phát huy rộng trong môi trường đại học của Việt Nam.

Dưới đây xin mời bà con cùng bạn bè trên blog vào đọc câu chuyện nói ở phần trên.

Vệ Nhi  

-----

Phản biện của sinh viên với giảng viên xã hội chủ nghĩa diễn giảng về tôn giáo 




Đây là bức thư phản biện hay của sinh viên Paulus Thiện về Công Giáo với giảng viên...

Khi đứng lớp môn Phật giáo và Văn hóa Việt Nam, PGS -TS Trịnh Thị Minh Đức đã nói một số điều liên quan đến Công giáo.  Sinh viên Nguyễn Văn Thiện tham dự giờ học đã viết thư phản hồi gửi đến PGS-TS Trịnh Thị Minh Đức để trao đổi với bà về những điều bà đã trình bày trên lớp liên quan đến Công giáo – Tôn giáo sinh viên này tin theo.

Sinh viên Nguyễn Văn Thiện trình bày khá sâu sắc ở mức độ là một sinh viên các vấn đề PGS -TS Trịnh Thị Minh Đức đã nói.  Giới thiệu đến các bạn, nhất là các bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học về một phản ứng khôn ngoan, chừng mực của một sinh viên Công giáo khi thấy giảng viên của mình trình bày không chính xác về tôn giáo của mình.

Paulus Thiện Phản Biện 6 Luận Điểm Của PGS-TS NGƯT Trịnh Thị Minh Đức Giảng Về Công Giáo.

Trích bức thư gửi tận tay cô giáo bộ môn trưa ngày 26-11-2015.

Hà Nội, ngày 25-11-2015

Cô giáo kính mến!

Em vô cùng biết ơn cô đã dành rất nhiều tâm huyết trong thời gian vừa qua để trao truyền kiến thức cho chúng em, tập thể lớp CH k21.

Cô chia sẻ sức khỏe cô không được tốt, nhưng cô vẫn cố gắng lên lớp để giảng dạy, điều ấy khiến em vô cùng cảm động.  Chính vì vậy, em rất chăm chú nghe lời giảng của cô.  Những kiến thức cô dạy ở tầm cao, và em đồng ý với hầu hết những luận điểm cô giảng.

Cô biết không!  Trong tập thể lớp có tới 72 bạn học viên, nhưng chỉ có em theo đạo Công giáo.  Bởi vậy, những vấn đề về Công giáo, ở lớp, không phải ai cũng hiểu, nhất là những bạn chỉ mới nghe qua về Kinh Thánh hoặc chỉ đọc lướt qua một vài lần.

Tuy nhiên, có 6 luận điểm này của cô, em không đồng ý.  Và em viết thư này để trao đổi với cô.
1. Trong hầu hết các Thánh tử đạo Việt Nam, đa số là người nước ngoài, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
2. Tôn giáo được một bộ phận người tin theo, Hồi giáo có 902 triệu tín đồ.
3. Alexandre De Rhodes biến Công giáo trở thành Quốc giáo của Đế quốc La Mã.
4. Các giáo sĩ gắn với sự xâm lược của người Pháp.
5. Chúa Jesus còn thở khi được một ông nhà giàu tháo xác xuống từ cây Thánh giá.
6. Joseph và Maria yêu nhau, có bầu, xong gia đình hai bên không cho cưới. 





Mặc dù là môn Phật giáo và VHVN, nhưng cô vẫn khá ưu ái giảng thêm về Công giáo.  Điều ấy khiến em rất hạnh phúc.  Tuy nhiên, cách nhìn của cô khiến em rất băn khoăn và quyết định viết một mạch lá thư này để tỏ bày những cảm nhận của mình.  Bởi những gì cô giảng không chỉ dừng lại ở vấn đề kiến thức, mà còn vươn xa hơn, ảnh hưởng tới vấn đề nhận thức.

* Ở luận điểm 1, cô có nhắc lại lịch sử phong Thánh năm 1988 (do Đức Giáo hoàng Jeans Paulus chủ sự), và chính quyền Việt Nam phản ứng vô cùng gay gắt, em đồng ý với điều này.  Tuy nhiên, các Thánh tử đạo Việt Nam đa số là người nước ngoài, em không đồng ý.  Theo số liệu thống kê của hầu hết các nguồn, các Thánh tử đạo Việt Nam bao gồm:
- 11 vị gốc Tây Ban Nha (5 Linh mục, 6 Giám mục).
- 10 vị gốc Pháp (8 Linh mục, 2 Giám mục).
- 96 vị người Việt Nam (gồm 37 Linh mục, 59 Giáo dân).
Trong ấy, thời Trịnh Doanh (1740-1767):  2 vị, Trịnh Sâm (1767-1782) : 2 vị, Cảnh Thịnh (1782-1802): 2 vị, Minh Mạng (1820-1841): 58 vị, Thiệu Trị (1841-1847): 3 vị, Tự Đức (1847-1883): 50 vị.
Đây là khoảng thời gian một số vua- chúa phong kiến Việt Nam cai trị, họ đã giết khoảng 130.000- 300.000 người Công giáo.

Thưa cô, ấy là những số liệu đáng tin cậy, dù chỉ mang tính tương đối, nhưng được các học giả tham khảo nhiều khi tìm hiểu về lịch sử bách hại trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam.  Để được chấp nhận 1 hồ sơ phong Thánh, là một quá trình vô cùng khắt khe, thậm chí lên tới hàng trăm năm.

* Ở luận điểm 2, tôn giáo được một bộ phận người tin theo, Hồi giáo có 902 triệu tín đồ.  Em xin góp ý rằng, tôn giáo được phần rất lớn dân số thế giới tin theo.  Nếu như dùng từ “một bộ phận”, e rằng chưa lột tả hết được tầm quan trọng của tôn giáo.  Theo đó, những số liệu thống kê gần đây, có khoảng 87% dân số thế giới theo một tôn giáo nào đó.  87% là phần lớn, chứ không dùng “một bộ phận” được, nếu dùng từ này, nên sửa là “một bộ phận lớn”.  Số liệu gần đây có thể chứng minh điều này (Kito giáo: khoảng 2,1-2,2 tỷ tín đồ trong ấy Công giáo là chiếm phần cao nhất; Hồi giáo: khoảng 1,5-1,6 tỷ tín đồ; Ấn Độ giáo: Khoảng 900 triệu- 1 tỷ tín đồ; Phật Giáo: khoảng 365 triệu tín đồ chính thức).  Và còn các tín đồ rải khắp các tôn giáo nhỏ hơn khác.  Số người không theo tôn giáo nào chiếm khoảng 13% dân số thế giới.  Các thống kê này chỉ mang tính tham khảo, vì dân số thế giới luôn luôn biến động.  Nhưng điều chắc chắn, những người theo các tôn giáo chiếm tỷ lệ cao hơn số người vô thần rất nhiều.  Em không nói điều này là tốt hay xấu.  Vì số liệu cô cung cấp là đúng, nhưng là đúng ở thời điểm các đây hàng thập kỷ trong các giáo trình cũ.  Ở thời điểm tháng 11- 2015 này, số tín đồ tính chung trong các tôn giáo đã tăng lên nhiều.

* Ở luận điểm thứ 3, cô cho rằng Alexandre De Rhodes biến Công giáo thành Quốc giáo của Đế quốc La Mã.  Luận điểm này em mong rằng cô đã nhớ nhầm vì tuổi cô đã cao, gần 70 tuổi.  Nhưng em không mong cô lại giảng điều này cho bất cứ lớp Đại học hay lớp Sau Đại học nào nữa.  Vì đây là thông tin không chuẩn xác.

Alexandre De Rhoses là một Tu sĩ Dòng Tên, một Dòng tu nổi tiếng của Giáo hội Công giáo.  Ngài có công rất lớn trong hệ thống chữ Quốc ngữ Việt Nam.  Bởi vậy, Đế quốc La Mã khi xưa là một thời đại khác chứ không cùng thời với Tu sĩ này. 

Người đã công bố hợp pháp cho Kito giáo là vua Constantinus 1 (ông theo đạo năm 312) theo chiếu chỉ Milano.  Năm 380 thời vua Theodosius 1, Kito giáo được công nhận là Quốc giáo với chiếu chỉ Thessalonica.

Còn nếu như cô biết một Alexandre De Rhoses nào đã biến Quốc giáo cho La Mã là Kito giáo, xin cô hãy gửi tài liệu ấy cho em.  Như em đã viết, em mong rằng cô đã nhớ nhầm.  Những điều này, thực sự em không thể không viết ra.

* Luận điểm thứ 4, cô có nhắc lại chuyện các giáo sĩ có gắn với chuyện người Pháp xâm lược Việt Nam.  Luận điểm này cô chỉ nhắc qua, chứ không bình luận gì thêm.

Thưa cô, Công giáo được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVI, trong khi người Pháp xâm lược nước ta vào thế kỷ XIX.  Tại sao chúng ta nói các giáo sĩ kéo Pháp vào xâm lược?  (Lẽ nào khi xưa 1 phần Phật giáo được tỏa ra từ Trung Quốc xuống Việt Nam, khi Trung Quốc đánh Việt Nam, chúng ta cũng cho rằng tu sĩ Phật Giáo kéo Trung Quốc đánh chúng ta?- Bổ sung).

Có rất nhiều lý do để 1 nước xâm lược 1 nước.  Nhưng lý do trên luôn được dạy như 1 trong ít lý do hàng đầu.  Trong khi em thì cho rằng, chính sự bách hại, giết hàng trăm ngàn người Công giáo là cái cớ để người Pháp xâm lược là lý do không nhỏ.  Tất nhiên em phản đối tất cả sự đô hộ của nước Pháp.  Nước ta giờ đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội.  Chắc chắn cô đã thấy những gì đã xảy ra ở đất nước Triều Tiên, Trung Quốc, hay chính nước mình.

* 2 luận điểm cuối cùng, là những gì em rất xót xa về những gì cô đã giảng về Kinh Thánh.  Những gì em nghe được và ghi âm (chứ không dừng lại ghi chép) lại được là những vết thương lòng không nhỏ.

Không có chi tiết nào, dù là nhỏ nhất trong toàn bộ cuốn Kinh Thánh, chính xác là Kinh Thánh Tân Ước, nói rằng Chúa Jesus còn thở (tức là chưa chết), khi được người giàu tháo xác Chúa từ trên cây Thánh giá xuống.  Jesus, Ngài đã chết một cách ô nhục trên cánh Thánh giá (Thập giá) sau khi bị đánh đập, bị cười nhạo, bị sỉ nhục, bị đâm vào cạnh sườn bởi những người Do Thái hồi đó.  Nếu cô tìm được một chi tiết nào nói Chúa còn thở, sau khi được tháo xác ra từ cây Thập giá, cô hãy chỉ cho em.  Nếu không có, cô hãy đính chính lại trước cả lớp. 




Bằng tất cả lòng nhiệt huyết với mấy chục năm trên giảng đường Đại học của cô, ấy là điều em vô cùng kính trọng cô.  Tuy nhiên, những luận điểm mà em cho là chưa đúng, em cũng xin được góp ý với cô như vậy.

Trong tinh thần cầu thị và tôn trọng lẫn nhau, với mong ước bé nhỏ là cùng góp phần cho nền giáo dục nước nhà được tốt hơn, em mong ước nhận được hồi âm từ cô.

Kính chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục cống hiến tốt hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.

Học trò của cô.

P/S:
Điều hay ở người giảng viên là sau khi nhận được lá thư này, đã công khai nội dung bức thư trước lớp để các sinh viên khác cùng tranh luận.
Trò dám phản biện đã đáng phục, mà người thầy dám công khai ý kiến phản biện của trò (dù có thể qua đó sinh viên sẽ thấy có một số vấn đề trước đó cô giảng không chính xác) thì còn đáng phục hơn rất nhiều về cái tâm và đạo đức nghề nghiệp.

Nguồn: facebook / MDD




  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...