Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA THẾ GIỚI 2016

ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA THẾ GIỚI 2016

Thấy trên mạng có 2 bài viết với khá nhiều tư liệu và nhận định về một khía cạnh nổi bật của thế giới 2016: Chủ nghĩa Dân túy xuất hiện khắp nới trên thế giới. Giới phân tích nhận định do làn sóng toàn cầu hóa đẩy lên quá cao, nó động chạm đến lợi ích của một số quốc gia, dân tộc nên trào lưu Dân túy tự nhiên được đẩy mạnh, xem ra "lên ngôi" mạnh mẽ ở một số nước phương Tây chú chốt...

Xin phép tác giả đưa lên để bạn bè và bà con xem blog cùng đọc tham khảo.

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

-------

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy 

Trong năm 2016 làn sóng dân túy, chủ nghĩa dân túy... đã gây ra một loạt cơn "địa chấn" làm rung chuyển các nước phương Tây.

Những người biểu tình giương cao cờ của Liên minh châu Âu trong cuộc tuần hành phản đối quyết định Brexit tại London hồi tháng 7. Ảnh: AFP/TTXVN
Bắt đầu được nhắc tới nhiều từ kết quả một số cuộc bầu cử ở châu Âu, song cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 ở Anh mới thực sự gây sốc cho toàn thế giới khi người dân "xứ sở sương mù" lựa chọn rời Liên minh châu Âu, sự kiện được gọi là Brexit, dù kết quả thăm dò luôn cho thấy phe ở lại thắng thế. Chỉ vài tháng sau, đến lượt các cử tri Mỹ bất ngờ chọn tỷ phú Donald Trump làm tổng thống thứ 45, bất chấp trước đó lợi thế luôn nghiêng về đối thủ Hillary Clinton.

Các "cơn địa chấn" đó không dừng lại mà đang và sẽ tiếp tục tấn công vào các thành trì châu Âu. Từ Hà Lan tới Ba Lan, từ Thụy Điển tới Italy, thậm chí cả Pháp, Đức, Séc... thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề như chênh lệch giàu nghèo hay làn sóng nhập cư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo là những hệ quả khó lường. Đến tháng cuối cùng của năm 2016, châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã phải từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Thất bại của ông Renzi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho "Phong trào 5 sao" - vốn là phong trào dân túy chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống.

Tại Áo, ứng cử viên Norbert Hofer của đảng Tự do chủ trương chống nhập cư suýt làm nên cơn "địa chấn" nữa khi chỉ thua rất sít sao ứng viên đến từ đảng Xanh Alexander Van der Bellen trong cuộc bầu cử tổng thống. Số cử tri ủng hộ ông Hofer tăng nhanh trong thời gian qua là do ứng cử viên tổng thống này biết khai thác những bức xúc và nỗi sợ hãi trong xã hội Áo. Ông nói nhiều về nạn thất nghiệp, về sự cần thiết phải kiểm soát chặt hơn dòng người tị nạn và những đối tượng “di cư vì kinh tế”, chống lại việc hội nhập chính trị sâu hơn vào EU và phản đối sự hình thành “một nước Mỹ tại châu Âu”.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Grand Rapids, bang Michigan ngày 9/12. Ảnh: AP/TTXVN
Có thể thấy chủ nghĩa dân túy đang trở thành kênh hợp pháp để những cử tri bị thiệt thòi thể hiện nỗi thất vọng của mình và kêu gọi thay đổi đường lối. Thể hiện rõ nhất là trong các cuộc tranh luận về nhập cư. Ở Mỹ, đề xuất của ông Trump về việc ngăn chặn, không để người Hồi giáo vào nước Mỹ và xây dựng bức tường để ngăn người nhập cư vượt qua biên giới từ Mexico đã giành được ủng hộ. Tương tự như thế, ở châu Âu, các nhà lãnh đạo dân túy đã lợi dụng hàng triệu người tị nạn chạy trốn khỏi những cuộc xung đột ở Trung Đông để thuyết phục người dân rằng các chính sách mà EU áp đặt đe dọa không chỉ sự an toàn của người châu Âu mà còn đe dọa cả nền văn hóa của họ.

Nguyên nhân chính của chiến thắng Brexit là do chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng đến cử tri hơn là những số liệu về kinh tế. Những người theo chủ nghĩa dân túy thường được xem là ít cởi mở, chậm đổi mới và khó dự đoán hơn. Bởi vậy, những mối lo về an ninh, về làn sóng nhập cự ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân Anh, khiến cử tri Anh dễ quay lưng lại với EU.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tỷ phú Trump - người hoan nghênh quyết định Brexit và thậm chí kêu gọi Mỹ ngừng quá trình toàn cầu hóa - đã mô tả đời sống ở Mỹ hiện nay thành một bức tranh xám xịt, tập trung vào chỉ trích mạnh toàn cầu hóa, đặc biệt là người nhập cư và những nhà lãnh đạo “quyền uy”, những người "đã thúc đẩy toàn cầu hóa nhằm chống lại những người công nhân bình thường" ở Mỹ. Khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là màn trình diễn đỉnh cao của tình cảm dân túy, luyến tiếc quá khứ. Cũng như người Anh muốn nước này rút khỏi EU, ông Trump muốn rút Mỹ khỏi các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Washington là thành viên, điển hình là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump cam kết những lao động nhập cư giá rẻ tại Mỹ sẽ bị đuổi về nước và các nhà máy sẽ được đưa trở lại nước Mỹ.

Dường như không quốc gia nào ở phương Tây "miễn dịch" với chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Tuy nhiên, chiều hướng này cũng không hẳn là quá bất ngờ nếu xét tới thực trạng xã hội phương Tây hiện nay, vốn đã thay đổi đáng kể do quá trình toàn cầu hóa và vấn đề người di cư, Trên thực tế, chủ nghĩa dân túy phát triển là do một bộ phận người dân "cảm thấy rằng mình đang bị tổn thương". Những người ủng hộ chủ nghĩa này cho rằng các lao động địa phương đang bị lấn át và mất việc làm vào tay những người di cư, hay sự tràn lan của hàng hóa giá rẻ - sản phẩm của các thỏa thuận thương mại tự do, đang tước đi cơ hội cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa.

Giới phân tích cũng lo ngại chủ nghĩa dân túy có thể lan rộng hơn nữa ở châu Âu trong năm 2017. Hà Lan, quốc gia sẽ khởi động mùa bầu cử 2017 của châu Âu với cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 15/3, hiện được coi là "liều thuốc thử" cho nền chính trị châu Âu. Chính khách Geert Wilders, lãnh đạo đảng Tự do và là đảng chủ trương chống người Hồi giáo, muốn người Hà Lan sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mang tên “Nexit”, tương tự như "Brexit" ở Anh.

Còn tại Pháp, các cử tri nước này đã 2 lần ủng hộ đảng Mặt trận Dân tộc theo đường lối dân túy cực hữu ra tranh cử. Sự kiện Brexit và chiến thắng của ông Trump cho thấy không gì không thể xảy ra. Trong bối cảnh phe cánh tả đang suy yếu, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen có thêm nhiều cơ hội trong cuộc đua vào Điện Elysee.

Với nền kinh tế hùng mạnh nhất ở châu Âu, Đức được cho là có sức kháng cự mạnh nhất trước chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, cuộc bầu cử liên bang diễn ra vào mùa Thu năm sau sẽ cho thấy liệu nước Đức có đứng vững hay không. Uy tín của Thủ tướng Angela Merkel vừa qua đã sụt giảm mạnh do bà mở cửa đón người nhập cư và khiến nhiều người Đức bất bình. Bà Merkel sẽ phải đối chọi với đảng AfD bài Hồi giáo vốn đang nhận được sự ủng hộ của 13% cử tri Đức và hơn cả là chính những chỉ trích trong nội bộ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền.

Các lực lượng dân túy và hoài nghi châu Âu cũng đang tăng cường lực lượng trước các cuộc bầu cử sắp tới ở khu vực Trung và Đông Âu. Séc sẽ tổ chức bầu cử hạ viện vào tháng 10/2017. Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) cầm quyền giảm mạnh trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương gần đây. CSSD đã thất bại trước Phong trào ANO, chính đảng đã tận dụng được sự mất lòng tin của cử tri Séc đối với các đảng phái truyền thống ở nước này. Chiến thắng của các đảng dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở các nước thành viên chủ chốt Tây Âu chắc chắn sẽ đem lại lợi thế cho ANO. Chưa kể đảng "Hiện thực" (Realists) mới ra đời và theo chủ nghĩa dân túy, cũng đặt mục tiêu giành được khoảng 20% sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử này.

Rõ ràng, chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang là một triệu chứng của các thể chế dân chủ phương Tây, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng có thể đóng vai trò quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri. Nếu chính phủ các nước phương Tây không nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà họ đang đối diện và nếu các nhà chính trị không cải thiện các thông điệp gửi đến mọi công dân, thì chủ nghĩa dân túy sẽ còn gây ra nhiều cơn địa chấn mới.

Trần Thanh Bình

----- 


Lời dự báo sớm về cơn sóng thần chủ nghĩa dân túy

Dựa trên tiểu thuyết trào phúng bán chạy nhất năm 2012 của Timur Vermes với tự đề “Hãy xem, ai đã trở lại”, tác phẩm điện ảnh hài đã mang đến một giả định đáng sợ về sự trỗi dậy của Adolf Hitler trong thế kỷ 21 với những lập luận chính xác đến khó cưỡng.
 
 
Nước Đức đương đại sẽ phản ứng thế nào với sự trở lại đột ngột của đứa con bản địa khét tiếng nhất trên mảnh đất này? Họ liệu có tin rằng đây thực sự là Hitler bằng xương bằng thịt đã trở về hay biến nỗi hoài nghi thành thú vui, sự nhạo báng về bóng ma lịch sử đã trôi qua.
 
Bộ phim của David Wnendt dẫn dắt người xem vào một mạch phim không tưởng khi Hitler đã hồi sinh từ căn hầm và dần thích nghi với nước Đức trong kỷ nguyên của quảng cáo, truyền hình và Internet. Sau hơn 70 năm, khi biểu tượng Quốc trưởng đã lui vào quá khứ và biến thành trò cười điện ảnh thì đạo diễn đã nhanh chóng chứng minh cho khán giả rằng, sự quyến rũ của một nhà hùng biện chủ nghĩa dân túy kiểu Hitler vẫn vô cùng quyến rũ. Thậm chí, nó còn có sực hút rợn người trong một thế giới đa nguyên mất hướng của chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ.
 
Khi Hitler xuất hiện trở lại, một trong những người đầu tiên phát hiện ra là phóng viên truyền hình thua cuộc sắp bị đuổi việc - Fabian Sawatzki. Fabian trở thành biểu tượng đúng nghĩa của truyền thông hiện đại đang tìm kiếm những nhân vật giải trí, biến các nguy cơ thành đề tài giật gân và dễ dàng trở thành công cụ của những kẻ biết thao túng số đông. Kế hoạch lắng nghe tiếng nói của dân và lời thổ lộ “nước Đức sẽ vĩ đại trở lại” của Hitler nhanh chóng biến các câu chuyện tầm thường thời bình thành tẻ nhạt. Viễn cảnh lớn lao về tương lai đất nước và sức mạnh dân tộc khiến những người trẻ hăng say. Hãy lắng nghe lời Hitler đả kích truyền thông trong bộ phim này:
“Chúng ta đang chạy đua về phía vực thẳm, nhưng chúng ta mù lùa vì chính màn hình  TV. Các bạn không thể nhìn thấy vực thẳm.”
 
Một bộ phim được quay cách đây 2 năm tại Đức, nhưng như tiếng vọng của các bài bùng biện của các chính trị gia cánh hữu như Berlusconi, Nigel Farage và Donald Trump!
 
 
Tác giả Ramesh Ponnuru đã bình luận cay đắng trên tờ Bloomberg gày 10/11 nhận định, nền văn hóa của chủ nghĩa tự do đã từng giúp đảng Dân chủ hồi sinh nay lại là gánh nặng kéo chìm kết quả bầu cử gây chia rẽ nước Mỹ. Lợi thế của 4 năm trước mà Obama đã dùng để chỉ tập trung vào biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, hôn nhân đồng tính, hợp pháp hoa cho người nhập cư vốn được sự hưởng ứng đông đảo của nên văn hóa đô thị, tập trung đông dân và nhiều thành niên tốt nghiệp đại học nhưng đi cùng với đó là gạt sang bên lề những công dân nằm sâu trong đại lục. Sự phân bổ địa lý và đặc thù giai tầng xã hội vốn sống trong vùng đất rộng lớn, nhân khẩu thưa thớt thực ra không quan tâm đến nền văn hóa cầu vồng là mấy. Họ trở thành tử địa của cuộc tranh giành đại cử tri, nhấn chìm đảng Đân chủ vào khủng hoảng nhân sự. Và họ rất cần một tiếng nói đại diện cho sự bất mãn, nỗi lo sợ và khao khát tìm một minh chủ có khẩu khí mạnh mẽ như Donald Trump.
 
Giống như phương pháp của Hitler trong Look Who’s Back khi tận dụng tối đa truyền hình, từ năm 2004 đến 2015 trò chơi The Apprentice (Nhân viên tập sự) của tỷ phủ tóc vàng đã là bước đệm kỳ công cho cuộc chạy đua vào Nhà trắng. Và truyền thông Mỹ cũng giống như nhân vật Fabian đã nhanh chóng cắn câu, tham gia vào cuộc chơi vô bổ “những phát ngôn lố” góp phần nhấn chìm các cảnh báo của giới trí thức về sự trối dẫy của làn sóng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
 
Tuy nhiên, nhà văn Timur Vermes hay đạo diễn David Wnendt không phải là các nhà tiên tri. Chỉ cần nhìn vào quá khứ lịch sử và liên hệ với các hiện tượng toàn cầu là có thể xây dựng được các biểu tượng của các chính trị gia dân tộc cánh hữu. Hãy xem tổng kết của Jerry Falwell, Jr., Chủ tịch HĐQT trường Đại học Liberty chia sẻ trên New York Times, từ tháng 2 năm nay:
- Họ có xu hướng rất giỏi phá vỡ các phương pháp chính trị thông thường, và sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng.
- Họ không phải người bảo thủ và thuyết phục đám đông về sự hữu dụng của một chính phủ tập trung quyền lực.
- Họ chinh phục đám đông bằng việc sử dụng tiền cá nhân vào hoạt động chính trị
- Họ biết cách gây xung đột nhận thức và tạo ra các tiền lệ tiền hậu bất nhất trong chính các phát ngôn và hành động của mình.
 
Tất cả những đặc điểm cơ bản này vốn dĩ tồn tại trong các bài giảng về lý luận chính trị và các trường phái chính trị đang tiến hóa trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, đó không phải là những thông tin dễ nuốt đối với một xã hội quá nỗi đa dạng và phong phú của thế kỷ 21. Truyền thông đã đóng góp phần lớn vào sự xao nhãng của đám đông. Cuộc sống sung túc cũng khiến các cử tri say ngủ. 46,9% cử tri Mỹ không đi bầu, bao nhiêu trong số đó cảm thấy hối tiếc? Liệu có giống như những người đã hối tiếc khi không bước vào đám đông quyết định cuộc ly hôn nước Anh khỏi EU?
 
Ngay trong những thành trì vững chắc của nền dân chủ châu Âu và châu Mỹ, vẫn là những đòi hỏi không ngừng về tự do ngôn luận trong trường đại học nơi tạo ra những công dân không thờ ơ với chính trị và sẽ là các nhà lãnh đạo tương lai quyết định vận mệnh quốc gia. Timur Vermes đã cảnh báo châu Âu, giống như đạo diễn Michale Moore đã cảnh báo người Mỹ về thời đại tất định của Donald Trump từ nhiều tháng trước. Và thời kỳ của những người hành động cũng đã đến. Bải giảng chính trị và lịch sử có thể kết thúc tại đây.
 

Nguyễn Minh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...