Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Ngày Xuân nói chuyện Báo chí

 Ngày Xuân nói chuyện Báo chí


Nhân có chuyện xất bản cuốn sách về Trương Vĩnh Ký (đã in, mới phát hành rồi định làm lễ ra mắt giới thiệu ở Đường sách Nguyễn Văn Bình, Tp HCM thì có lệnh... dừng), mình đọc được một bài viết khá thú vị liên quan chung đến chuyện Kiểm duyệt trên thế giới. Vậy xin phép tác giả đưa lên blog đây mọi người chia sẻ.

Trước khi đọc bài xin đọc vài chục dòng viết liên quan đến tờ báo đầu tiên, chuyện kiểm duyệt, chuyện ra báo mà các sở Tây quyền thế thời đó quyết định hết thảy... đều có khía cạnh "thú vị" và "hấp dẫn" nên mình đã từng ghi lại trong cuốn Sổ tay nghề báo. Xin cũng đưa lên đây để bà con cùng biết:

"Ở Việt Nam, 'Gia Định báo' được xem là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt (Quốc ngữ), ra mắt ngày 18/4/1865 tại Sài Gòn.

Lúc đầu, khi ông Trương Vĩnh Ký xin lập một tờ báo Quốc ngữ thì giấy phép lại được cấp cho một người Pháp. Đến năm 1869 mới ký quyết định cho ông Trương Vĩnh Ký làm “chánh tổng tài” (tương đương Tổng biên tập ngày nay); và ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.

Lúc đầu, nội dung xoay quanh các thông báo của chính quyền Pháp và triều đình Nguyễn, cùng với những khuyến cáo mang tính tuyên truyền hành chính, thông tin giá cả, sưu thuế, giá cả, các báo cáo về tình hình canh nông, kỹ nghệ, thương mại, địa chính… Mãi sau mới được mở rộng bàn luận thêm về các vấn đề văn hóa, tư tưởng…

Giá bán lẻ một tờ 'Gia Định báo' khi ấy người ta ghi lại được tương đương 1/4 giá mỗi mét vuông đất ở Sài Gòn (hay nói cách khác là cứ bỏ tiền mua 4 tờ báo thì tậu được 1 mét vuông đất ở Sài Gòn lúc đó).

Cần nhớ một chi tiết là cho đến tận đầu thế kỷ 20, việc ra báo ở Nam Kỳ vẫn “phải xin phép” nếu viết bằng tiếng Việt. Chỉ có báo bằng tiếng Pháp mới được tự do xuất bản. Do đó mà ta thấy các chức vụ chủ chốt như 'chánh tổng tài' (Tbt) đều thấy tên tuổi là người Pháp nắm giữ...".

.....

Bài viết dưới đây ký tên Lục Kiếm (không hiểu ý là Thanh Kiếm Xanh như là thứ Công lý hay là tới Sáu (6) Thanh kiếm? mình thấy cứ đưa nguyên văn. Mời mọi người cùng đọc.

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

------

 

Tờ báo đầu tiên và sự kiểm duyệt đầu tiên

Cuối tháng 9/1605, tờ tuần báo in đầu tiên đã được xuất bản bởi Johann Carolus (1575-1634) ở Straßburg - “thủ phủ in ấn” đương thời. (Straßburg là đất thuộc nước Đức)



Không ai rõ vì sao Johann Carolus quyết định trở thành một nhà xuất bản. Cuộc đời của ông cũng không được ghi lại nhiều. Nhưng theo tài liệu còn đến nay, Carolus từ nhỏ theo học giáo viên tư ở Straßbourg. Người đàn ông trẻ tuổi được giáo dục kỹ lưỡng này lại không trở thành một luật sư, một chính trị gia… mà lại theo học để trở thành một thợ đóng sách.

Nhưng đúng như câu nói của dân gian “sau lưng mỗi người đàn ông thành đạt đều có bóng dáng người phụ nữ”, sự nghiệp trong ngành in ấn của ông chỉ thực sự phát triển sau khi kết hôn với Anna Fröhlich - người phụ nữ không chỉ là bạn đời tuyệt vời mà còn hết lòng ủng hộ và sát cánh bên ông trong sự nghiệp. Cũng nhờ cuộc hôn nhân này, Carolus đã xin được giấy phép thành lập công ty. Chỉ hai năm sau khi kết hôn, cặp vợ chồng trẻ đã có thể mua được một căn nhà khang trang. Trên giấy tờ, người ta thấy đề nghề nghiệp của Carolus là “Buchführer”, trong tiếng Đức chỉ người bán sách. Điều đó cho thấy, lúc này, Carolus đã có ý tưởng bỏ nghề đóng sách.
Mặc dù hai vợ chồng nợ ngập đầu, song họ vẫn thực hiện một vụ đầu tư lớn vào tháng 7/1604. Với 3.724 Gulden (đồng tiền Đức thời bấy giờ và đây thực sự là một khoản đầu tư “cắt cổ”), họ mua lại nhà in lớn nhất Straßburg mà trước đó thuộc về Thobias Jobin. Rất nhanh sau đó, Carolus trở thành một doanh nhân sáng giá trong làng in.
Tuy nhiên, áp lực từ những doanh nhân trẻ thành công khác, ông phải nghĩ ra cách thức mới để đảm bảo tài chính cho công ty. Năm 1604, Carolus bắt đầu cho phát hành bản tin tổng hợp hàng tuần, chủ yếu là thông tin mà giới thượng lưu Đức khi đó quan tâm. Một năm sau, ông đã có một ý tưởng tuyệt vời: không chỉ giới giàu có cần thông tin, người dân bình thường cũng cần vậy. Ông còn nhận ra một quy tắc cơ bản trong kinh tế: lợi thế của quy mô.

Để bản tin được lưu truyền rộng rãi, Carolus đã thay đổi quy trình sản xuất, in bản tin ra hàng loạt với số lượng lớn. Khi đó, đây thực sự là nước đi liều lĩnh. Thời bấy giờ rõ ràng chưa có công ty marketing hay nghiên cứu thị trường nào hoạt động, tất cả chỉ là Carolus đánh cuộc dù không biết được sẽ có bao nhiêu người sẵn sàng trả tiền cho những trang giấy in thông tin. Nhưng ông đã được đền bù xứng đáng với quyết định táo bạo của mình. Kết quả từ 12 tuần thử nghiệm rất đáng khích lệ đã thôi thúc ông tiếp tục và in ra 4-6 trang tin mỗi tuần. Tuần báo đầu tiên của thế giới chính thức được khai sinh với cái tên gọi có phần rắc rối “Relation aller Fürnemmen und gedenckwürdigen Historien”. Thường thì người ta chỉ gọi là Relation cho gọn. Lúc đầu, Carolus là biên tập viên duy nhất của tờ báo, sau đó có thêm sự hỗ trợ của một chuyên gia về thần học.
Tuy nhiên, ba năm sau, rắc rối đã phát sinh. Đây có thể được coi là sự kiểm duyệt truyền thông trên thế giới khi ông xuất bản các tin tức về khó khăn tài chính của Chính phủ, và chỉ hai ngày sau thì nhận được ân cần dặn dò là hãy cẩn trọng hơn trong việc đưa tin. Sau đó, có người khuyên ông nên nhờ các quan chức Chính phủ tư vấn. Carolus công khai tuyên bố điều này sẽ gây ra khó khăn tài chính lớn cho doanh nghiệp. Dù vậy, ông cũng trau chuốt lại nội dung và thông tin một cách khéo léo hơn. Dĩ nhiên, không thể không đính chính một chút bản tin gây sóng gió trước đó. Nhờ vậy, Relation - thứ phương tiện văn hóa tuyệt vời của người châu Âu như Carolus từng nói - tiếp tục tồn tại và gây cảm hứng cho sự ra đời của những tờ báo khác, trong đó có Avisa Relation oder Zeitung.

Thực ra, ngành thông tin đã ra đời từ rất lâu, cả trước khi xuất hiện in ấn. Nhưng nếu định nghĩa tờ báo dựa trên tính chất công khai, công chúng, định kỳ liên tục với khoảng cách thời gian tương đối ngắn (tức là đủ để người ta có thể bám sát tin tức không quá bị đứt đoạn) thì Relation được xem là tờ báo in đầu tiên của thế giới. Nhưng nếu chiếu theo định dạng, theo nhà lịch sử Stanley Morison, Relation chỉ được coi như một quyển sách tin tức (newsbook) chứ không phải trang tin tức (newspaper) như chúng ta thấy ngày nay. Tuy nhiên, Hiệp hội Báo chí thế giới không công nhận điều này và Relation tiếp tục được tôn danh là tờ báo chính thức đầu tiên của thế giới. Nhưng dù có thế nào, không ai phủ nhận được Relation là một trong những phát minh quan trọng nhất của thế giới, thay đổi cách con người tiếp cận thông tin xưa cũ (chủ yếu là truyền miệng, thông báo dán tường, tờ rơi, khắc chữ trên tường, đá, thẻ tre…) và góp phần sinh ra ngành truyền thông hiện đại.











Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...