Khủng
hoảng Biển Đông lần thứ hai
Xin mời đọc bài viết mới của tác giả Nguyễn Quang Dy (trong thư email gửi cho blog tôi, Nguyễn Quang Dy bảo anh viết bài này "như một lời chia tay" với anh Vũ Dũng *, vốn là người bạn, người đồng nghiệp ngoại giao thân thiết của anh Dy).
* Ông Vũ Dũng, tuổi Canh Dần (sinh 1950), nguyên Thú trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ VN tại Nhật Bản, và nhiệm kỳ sau tại Phái đoàn VN tại Geneve, đã từ trần sáng ngày 29/7/2017 do bệnh hiểm nghèo. Lễ viéng sẽ được tổ chức vào đúng ngày hôm nay, thứ Tư 2/8/2017 (từ 11.30 h đến 12.45 h tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
-----
Khủng
hoảng Biển Đông lần thứ hai
Tác giả: Nguyễn
Quang Dy
“Muốn
hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum).
Nếu sự kiện dàn khoan HD 981 (5/2014) tạo ra cú sốc
và một bước ngoặt lớn trong quan hệ Trung-Việt, đánh dấu “khủng hoảng Biển Đông lần thứ nhất”, thì đối đầu Trung-Việt đang diễn
ra tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank) từ giữa tháng 6/2017, có thể là “khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai”. Lần
thứ nhất, Trung Quốc đã xô đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ, và thúc đẩy Mỹ phải xoay
trục sang Châu Á. Lần thứ hai, Trung Quốc đang thúc đẩy Mỹ-Nhât-Ấn-Úc liên minh
tại Biển Đông và xô đẩy Việt Nam trở thành đồng minh. Đó là “hệ quả không định trước”, và là cái giá cho
tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Dấu
hiệu bất thường
Trong cuộc khủng hoảng dàn khoan HD 981, không khí sôi
sục, thậm chí bạo động chống Tàu nổ ra tại các khu công nghiệp Bình Dương và
Vũng Áng. Nhưng những gì đang diễn ra liên quan đến khủng hoảng tại bãi Tư
Chính lần này có vẻ bí ẩn và ngấm ngầm. Trong khi báo chí chính thống không đưa
tin, chính phủ các nước liên quan cũng hầu như nín lặng (kể cả Việt Nam, Tây
Ban Nha, Trung Quốc, Mỹ, Ấn, Nhật). Trong khi dư luận trên các trang mạng xã hội
bức xúc đoán mò, báo chí quốc tế cũng đưa tin lấp lửng, thậm chí trái ngược
nhau (như BBC và Reuters). Các chuyên gia về Biển Đông cũng đánh giá khác nhau.
Trong khi Alexander Vuving và những người khác còn dè dặt, thì Bill Hayton khẳng
định Hà Nội đã đầu hàng vì Washington bỏ rơi Việt Nam, để mất Biển Đông vào tay
Trung Quốc (Bill
Hayton, “The Week Donald Trump Lost the South China Sea”, Foreign Policy, July 31, 2017)
Có thể nói hiện tượng thiếu hụt thông tin (information
deficit) là một dấu hiệu bất thường và bất ổn, do chính quyền và các bên liên
quan không minh bạch thông
tin. Nếu đúng là Việt Nam cam kết với Trung Quốc sẽ không bao giờ khoan nữa,
thì việc yêu cầu Repsol dừng lại là một “chứng cứ thực tế” (de facto evidence) bất lợi cho Việt Nam trong
tương lai khi phải đấu tranh pháp lý với Trung Quốc sau này. (Theo luật sư
Hoàng ngọc Giao, viện PLD)
Một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực
(PCA rulings, July 12, 2016), Trung Quốc tuy bên ngoài tỏ ra hòa dịu hơn ở Biển
Đông để phân hóa ASEAN và Mỹ, nhưng bên trong lại tỏ ra ngang ngược hơn, bắt nạt
Việt Nam tại bãi Tư Chính. Trung Quốc cấm Việt Nam đánh cá và thăm dò dầu khí
ngay trong vùng biển và thềm lục địa của mình ở Biển Đông, bất chấp phán quyết
của PCA về “đường lưỡi bò” bất hợp
pháp. Khi Việt Nam không chịu nghe theo lệnh cấm ngang ngược của họ, Trung Quốc
dọa sử dụng vũ lực.
Từ đầu năm nay, Hà Nội đã tự tin hơn, ký 2 hợp đồng
lớn với ExxonMobil (Mỹ) để thăm dò và khai thác khí tại mỏ Cá Voi Xanh (lô 118,
cách Đà Nẵng 88km), và cho Talisman Vietnam (Repsol, Tây Ban Nha) tiếp tục
khoan thăm dò tại mỏ Cá Kiếm Nâu & Cá Rồng Đỏ (lô 136/03 & 07/03, cách
Vũng Tàu gần 400 km). Sau đó, Việt Nam còn gia hạn thêm 2 năm cho ONGC Videsh
Ltd (OVL, Ấn Độ) thăm dò tại lô 128 (ngoài khơi Phan Thiết). Trong khi hợp tác
với ExxonMobil gây ồn ào, thì thỏa thuận với Repsol lại im hơi lặng tiếng (có thể
do “nhạy cảm”?). Trên bản
đồ, lô 136/03 nằm trong Bãi Tư
Chính, bên lề vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hà Nội cho Repsol
khoan thăm dò không chỉ để khai thác dầu khí, mà còn nhằm khẳng định chủ quyền,
trong khi hợp tác với Mỹ và Ấn Độ có ý nghĩa chiến lược.
Vị
trí lô 136 và 07/03 (Cá Rồng Đỏ và Cá Kiếm Nâu)
Khác với BBC, Reuters đưa tin
(24/7/2017), tầu khoan Deepsea
Metro I vẫn đang ở nguyên vị trí mà nó đã khoan
(tại lô 136/3) từ giữa tháng 6/2017. Một tàu chiến Indonesia đi ngang qua đó
(22/7/2017) cho biết họ không thấy dấu hiệu gì đặc biệt, ngoài 3 tàu cảnh sát
biển và 2 tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực đó. Cũng theo nguồn tin
trên, Deepsea
Metro I đã khoan thử vỉa (DST) và đo đạc (logging), về cơ bản đã hoàn thành
công tác DST và logging, thu thập đủ số liệu cần thiêt, nên rút tàu Deepsea Metro I về lúc này không ảnh hưởng gì đến kế hoạch.
Trước tin đồn về việc Repsol phải ngừng thăm dò, CEO của Repsol giải thích rằng
liên doanh PVN-Repsol tạm ngừng khoan thăm dò tại lô 136/03 vì bắt đầu mùa mưa
bão ảnh hưởng lớn đến tiến độ và an toàn dự án, nên công việc sẽ tiếp tục vào
11/1017.
Dù đây là quyết định của ai, Repsol hay Hà Nội, thì
việc giải thích thế nào cũng không quan trọng lắm. Nhưng về lâu dài, trước sức
ép của Trung Quốc, chiến lược tổng thể để khai thác các lô dầu khí của Repsol
chắc phải tính toán lại, và điều chỉnh cho phù hợp với tình huống mới. Theo
BBC, Deepsea Metro I đã ngừng khoan,
nhưng chưa rời hiện trường, vì còn
phải bơm xi măng lấp miệng giếng dầu để bảo đảm an toàn, ngừa dầu khí phun
trào.
Deepsea Metro I: ngừng khoan lô
136-03
Trò
chơi vương quyền
Cách đây hơn một tháng, quan hệ Trung-Viêt bắt đầu căng
thẳng sau khi tướng Phạm Trường Long đang thăm Hà Nội đã tức giận bỏ về (18/6/2017),
trước thái độ cứng rắn của Hà Nội, không chịu nhân nhượng, tiếp tục cho khoan thăm
dò dầu khí tại Biển Đông. Bắc Kinh đã triệu hồi đại sứ, đòi đàm phán cấp cao,
và đưa hàng trăm tàu đến khu vực bãi Tư Chính. Trước sức ép của Bắc Kinh, Hà Nội
vẫn cho Repsol tiếp tục khoan thăm dò tại lô 136/03 do nhà thầu Odfjell Drilling Ltd
(Na Uy) thực hiện. Theo BBC (24/7/2017) Repsol xác nhận là họ đã tìm được một mỏ
khí lớn tại đây, tuy khoan chưa đủ độ sâu cần thiết thì phải dừng.
Trong thời gian đó, Bắc Kinh đã cho tàu khoan HYSY-760 và hơn 40 tàu hộ tống tiến
vào bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là nơi PVN và
Repsol đang khoan thăm dò tại lô 136/03. Hành động đe dọa này của Bắc Kinh nhằm
ép Repsol phải rút khỏi dự án. Repsol bắt đầu khoan 2 mũi đầu tiên vào ngày
18/6/2017, trùng hợp với ngày tướng Phạm Trường Long “đột ngột” bỏ về nước (có
thể là do sự kiện này chăng?).
Ngày 22/7/2017, 15 tàu Cảnh sát biển thuộc Vùng III
được lệnh rời Vũng Tàu tiến ra bãi Tư chính để tăng cường cho lực lượng Kiểm
ngư và Chấp pháp (30 tàu) đang tuần tra tại khu vực đó, nhằm ngăn chặn không
cho HYSY-760 và nhiều tàu hộ tống Trung Quốc đang lăm le vượt qua “làn ranh đỏ”
để tiến sâu vào vùng thềm lục địa phía Nam. Theo Bill Hayton, (BBC, 24/7/2017)
Hà Nội đã yêu cầu Talisman Vietnam (Rapsol) ngừng khoan thăm dò tại bãi Tư
Chính (lô 136/03), với lý do Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam
tại Trường Sa. Tại sao Hà Nội trước đó tỏ ra cứng rắn trước sức ép của Bắc
Kinh, nay lại vội vã lùi bước và nhân nhượng họ? Sự thay đổi thái độ của Hà Nội
có ý nghĩa gì?
Gần đây, khi Hà Nội tỏ thái độ cứng rắn đối với Bắc
Kinh, nhiều người suy đoán rằng Hà Nội chắc đã thỏa thuận ngầm với Washington về
hợp tác chiến lược (trong chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc), bao gồm cả việc
sử dụng quân cảng Cam Ranh. Nhiều người hy vọng Mỹ sẽ bênh vực Việt Nam nếu bị
Trung Quốc bắt nạt. Nhưng đến nay Mỹ vẫn im lặng. Liệu Mỹ có ra tay bảo vệ Việt
Nam không, khi hai bên chưa phải là đồng minh và đối tác chiến lược? Trong khi đó
nội bộ Mỹ vẫn bất ổn, chiến lược bất nhất như “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”,
còn bất ổn hơn cả “tiếng kèn ngập ngừng” (thời Tổng thốngObama). Theo Bonnie
Glaser (CSIS) Mỹ sẽ không can thiệp quân sự để bảo vệ Việt Nam chống lại Trung
Quốc, vì Việt Nam không phải là đồng minh. (“What would the U.S.
have done differently? I find it unlikely that the U.S. would militarily defend
Vietnam against China. Vietnam isn’t an ally”).
Ngoài hợp tác với Repsol là tập đoàn dầu khí quốc gia Tây Ban Nha (có vốn hóa trên thị trường niêm yết là $ 21,5 tỷ), Việt Nam còn hợp tác với ExxonMobil (dự án Cá Voi Xanh), là một tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ (mà ngoại trưởng Rex Tillerson nguyên là CEO), và với OVL, là tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ, đã hợp tác dầu khí với Việt Nam từ năm 1988. Trong chuyến thăm Ấn Độ (3-5/7/2017) Phó Thủ tướng/Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã kêu gọi Ấn Độ có vai trò lớn hơn tại Biển Đông, bao gồm hợp tác dầu khí. Quyết định cho OVL kéo dài hợp đồng thêm 2 năm là một điều chỉnh chiến lược (“180 độ”), vì cách đây vài tháng, OVL đã thông báo ý định chấm dứt thăm dò dầu khí tại lô 128. Hiện nay, OVL giữ 45% cổ phần lô 6.1 (thuộc bể Nam Côn Sơn) và 100% lô 128 (ngoài khơi Phan Thiết). OVL đã hoàn thành khảo sát giai đoạn 1 tại lô 128 và sẽ tiếp tục đánh giá các cơ hội khai thác trong thời gian tới.
Bàn
cờ dầu khí Biển Đông
Trung Quốc rõ ràng không hài lòng với Việt Nam vì hợp
tác với ExxonMobil (lô 118), với OVL (lô 118), và Repsol (lô 136/03). Trung Quốc
đã từng dọa các các công ty dầu khí đa quốc gia khác (như BP), phải bỏ ý định hợp
tác với Việt Nam (trừ ExxonMobil). Tuy nhiên, Trung Quốc thường “mềm nắn rắn buông”, vì biết khó bắt nạt được
ExxonMobil.
Tuy lô 118 và 128 giáp với “đường lưỡi bỏ” nhưng lại
gần bờ (dễ bảo vệ) trong khi lô 136/03 cách xa bờ gần 400 km. Có thể nói, Trung
Quốc cho rằng lô 136/03 của Repsol tại bãi Tư Chính là khâu yếu nhất, dễ bắt nạt
hơn các nơi khác. Nếu bắt nạt được Việt Nam và Repsol thì Trung Quốc mới có thể
gây sức ép với ExxonMobil (Mỹ) và OVL (Ấn Độ), là hai cái gai nhọn cắm vào “lưỡi
bò” của họ. Nếu hải quân Mỹ và Ấn Độ dám thách thức Trung Quốc, và nếu các cường
quốc này liên minh với nhau để bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược của họ tại
Biển Đông, thì chắc Trung Quốc không dễ dàng bắt nạt được như hiện nay.
Nói cách khác, các cường quốc có lợi ích lâu dài tại
Biển Đông cần liên minh với nhau, không phải chỉ vì mục đích khai thác dầu khí,
mà còn vì các lợi ích chiến lược khác. Không phải chỉ có Repsol (Tây Ban Nha) và
PVN (Việt Nam) mà ExxonMobil (Mỹ) và OVL (Ấn Độ), cũng như các đối tác quốc tế khác,
phải tính toán lại bàn cờ dầu khí Biển Đông. Họ cần lập ra một tổ hợp quốc tế (international
consortium) bao gồm ExxonMobil và OVL… có đủ sức mạnh răn đe để đối phó với
tham vọng Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông.
Một mình Việt Nam và một đối tác chiến lược yếu như
Tây Ban Nha, không đủ sức thách thức Trung Quốc. Thật là ngây thơ nếu nghĩ rằng
Bắc Kinh có thể bỏ qua chuyện Hà Nội dám thách thức họ tại Biển Đông. Nếu Việt
Nam đơn thương độc mã, thì chắc chắn Bắc Kinh dễ bắt nạt. Nhưng còn chưa rõ là liệu lần này Việt Nam chỉ tạm ngừng khoan thăm dò để
hoãn binh (chiến thuật) hay dừng hẳn về lâu dài (chiến lược). Lúc này, nếu Việt
Nam từ bỏ chủ quyền của mình tại bãi Tư Chính (lô 136/03), thì có thể sẽ
mất cả Trường Sa.
Thật là ảo tưởng nếu nghĩ rằng Mỹ sẽ bênh vực và bảo vệ Việt Nam, trong khi chúng ta chưa phải là đồng minh chiến lược của họ. Nhưng nếu không có Mỹ (và Nhật) cùng các đối tác khác bênh vực, Việt Nam không thể một mình “đeo chuông vào cổ mèo” (belling the cat). Nói cách khác, tuy Viêt Nam “muốn làm bạn với tất cả”, nhưng khi bị Trung Quốc bắt nạt thì vẫn rất cô đơn tại Biển Đông (như câu thành ngữ “lắm mối tối nằm không”).
Thày bói sờ voi
Tuy hầu hết các chuyên gia về Biển
Đông đều khẳng định Việt Nam đã cho ngừng khoan thăm dò tại lô 136/03, nhưng họ
lại đưa ra nhận định khác nhau. Theo Bill Haydon (BBC) Việt Nam quyết định
ngừng vì sợ Trung Quốc tấn công Trường Sa, trong khi Reuters nhận xét là các
tàu thăm dò dầu khí của Repsol vẫn đang hiện diện tại lô 136/03. Trong khi Bill
Hayton cho rằng Việt Nam quyết định đầu hàng là thiếu khôn ngoan, thì Alexander
Vuving lại cho là cần thiết, như một bước rút lui chiến lược vì tương quan lực
lượng quá chênh lệch, chứ không phải đầu hàng. Carl Thayer tán thành nhận định
đó, cho rằng Việt Nam không muốn hành động vội vàng khi tình thế rõ rang đang
bất lợi cho mình (vì “lực bất tòng tâm”).
Theo Carl Thayer, Trung Quốc đã đe
dọa thông qua Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh. Bộ Chính trị đã họp (14/07) và
đồng ý ngừng khoan dầu khí. Theo Bill Hayton, 17/19 ủy viên BCT muốn tiếp tục
khoan, nhưng có hai người không đồng ý (là TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng
Quốc phòng Ngô Xuân Lịch). Ngày 15/07, Hà Nội đã chính thức yêu cầu Repsol
ngừng khoan tại Lô 136/03. Theo Bill Hayton, Hà Nội không tin Donald Trump có
thể giúp trong tình hình hiện nay. Lập luận quan trọng nhất để thuyết phục lãnh
đạo Hà Nội phải ngừng khoan lúc này là vì Việt Nam đang đối đầu với Trung Quốc
một mình tại Biển Đông.
Theo BBC, Repsol đã khoan thăm dò và
phát hiện được một mỏ khí tại lô 136/03 có trữ lượng khá lớn (trị giá hơn một
tỷ USD). Phát hiện này chắc làm Việt Nam và Repsol vừa mừng vì giành được quyền
khai thác, nhưng cũng vừa lo vì Trung Quốc càng có động cơ gây sức ép nhằm ngăn
chặn khai thác (và tìm cách chiếm đoạt). Nếu Việt Nam đã cả gan thách thức
Trung Quốc cho Repsol khoan thăm dò hơn một tháng qua, nhưng nay phải chấp nhận
dừng lại, là do thế yếu và bị cô lập. Có thể Việt Nam đã tưởng rằng Mỹ và Nhật
sẽ hỗ trợ kịp thời với những cam kết hợp tác an ninh có giá trị răn đe (sau
chuyến thăm Mỹ và Nhật của ông Nguyễn Xuân Phúc). Nhưng đến nay vẫn chưa thấy
Mỹ (hay Nhật) lên tiếng, mặc dù bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã gặp khẩn cấp
đại sứ Mỹ tại Hà Nội (26/7/2017).
Nếu Việt Nam buộc phải yêu cầu
Repsol dừng lại, thì có thể là kế hoãn binh (để chờ tìm kiếm sự hỗ trợ). Để giữ
thể diện, Repsol lấy lý do thời tiết xấu. Dù thế nào, Việt Nam không thể dễ
dàng bỏ cuộc vì nhu cầu cấp thiết phải có nguồn thu từ dầu khí. Khả năng hợp
tác với Trung Quốc để cùng khai thác chỉ là ảo tưởng, cũng như ảo tưởng về COC
(bộ quy tắc ứng xử) cho Biển Đông. Trước mắt, Repsol và Việt Nam đang trong
tình thế khó xử, bị mắc kẹt như cưỡi trên lưng hổ. Có lẽ vì vậy mà họ phải im
lặng, dù biết dư luận đang rất bức xúc.
Nếu đúng là Repsol đã khoan xong hai
mũi thăm dò và phát hiện được một mỏ khí đốt có quy mô khá lớn ở lô 136/03, trị
giá hàng tỷ USD (như BBC đưa tin), thì chắc là họ không thể dễ dàng bỏ cuộc một
cách đơn giản. Nếu họ buộc phải tạm dừng trước sức ép của Trung Quốc, thì họ
cũng phải làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an toàn cho mỏ khí và cho
quyền lợi của mình, vì Repsol đã đầu tư $300 triệu vào 9 lô tại bãi Tư Chính.
Nếu Repsol không đủ sức một mình khai thác, trước đe dọa của Trung Quốc, vì
Việt Nam cũng bị cô độc, thì tại sao họ không
tìm kiếm sự liên kết và hộ trợ của các đối tác khác mạnh hơn, nếu không
muốn bán lại dự án để thu hồi vốn. Đó không phải là chuyện lạ trong ngành dầu
khí.
Theo Bill Hayton (Foreign Policy, July 31, 2017), Hà Nội
muốn được Washington hỗ trợ để đối phó với sự đe doạ của Bắc Kinh, nhưng
Washington không hiểu hoặc không quan tâm đến lợi ích của đối tác tiềm năng.
Dưới thời Trump, Washington không sẵn sàng răn đe để bảo vệ đồng minh và
đối tác. Tại sao như vậy? Tuy Rex Tillerson quá biết hệ quả của nó, nhưng người
ta không rõ vì Nhà Trắng không muốn dính líu vào tranh chấp khu vực, hay Bộ
Ngoại Giao thiếu năng lực vì bị cắt giảm nhân sự và ngân sách quá nhiều. Hay vì
Tillerson muốn thấy Repsol (đối thủ cạnh tranh cũ) thất bại để Exxonobil giành
được lợi thế tại thị trường Việt Nam. Nếu thế thì tệ quá, vì chẳng ai còn tin
vào ông Tillerson (hay Washington) nữa.
Dù vì lý do gì đi nữa, thì Chính
quyền Donald Trump đang để Biển Đông và khu vực quan trọng này rơi vào tay Bắc
Kinh, như một “chuyện đã rồi” (fait accompli). Một khi Hà Nội đã phải đầu hàng Bắc Kinh, không dám khoan dầu trong
vùng thềm lục địa của mình thì Trung Quốc sẽ làm chủ Biển Đông và làm lại luật
chơi ở đây. Tầu khoan HYSY760 được bảo vệ dày đặc sẽ tiến vào khu vực đăc quyền
kinh tế của Việt Nam để thăm dò dầu khí, như cái ao nhà mình. Nếu Việt Nam và Philippines
bị khuất phục thì các nước khác sẽ ngả theo.
Tứ
giác chiến lược
Môi trường
an ninh Biển Đông lúc này hẫng hụt, để Trung Quốc thao túng, là do chưa kịp
hình thành “Tứ giác Chiến lược” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (AJIA) trong khuôn khổ “đối tác
chiến lược” (strategic partnership)
trên cơ sở “Tầm nhìn Biển Đông” (South
China Sea Vision) vì “an ninh tập thể”. Nếu Việt Nam liên kết được với tứ
giác chiến lược đó, như một sự răn đe hiệu quả, vì an ninh tập thể Biển Đông,
thì Trung Quốc không dễ dàng bắt nạt. Trung Quốc biết “mềm nắn rắn buông”, nên chỉ bắt nạt kẻ yếu chứ không dám bắt nạt kẻ
mạnh.
Ngoài vị
trí chiến lược có con đường hàng hải huyết mạch, Biển Đông còn là kho tài
nguyên dầu khí (và hải sản) tương đương với trữ lượng tại vịnh Mexico. Để bảo
vệ chủ quyền và tài nguyên tiềm tàng của mình tại Biển Đông, Việt Nam phải nâng
cấp quan hệ với Mỹ lên thành đối tác chiến lược (như với Nhật Bản và Ấn Độ).
Nhật Bản là một cường quốc Đông Á, nhưng có sứ mệnh và lợi ích chiến lược tại
Biển Đông. Từ tháng 5/2017, tàu chở trực thăng Izumo (lớn nhất của Nhật) đã hộ
tống một tàu tiếp liệu của Mỹ cập bến Cam Ranh, trong lộ trình hoạt động tại
Biển Đông. Song song với cuộc tập trận chung của hải quân 3 nước Mỹ, Nhật, Ấn
(Malabar 2017) tại vịnh Bangal (10-17/72017), hải quân Mỹ và Úc đã tập trận lớn
(Talisman Saber 2017) kéo dài một tháng (từ 29/6/2017), huy động 21 tàu chiến,
200 máy bay, và 30.000 lính Mỹ và Úc. Hai cuộc tập trạn này làm Trung Quốc quan
tâm và lo ngại.
USS Gerald Ford: Sẽ đến Cam Ranh?
Việc hình
thành “Tứ giác Chiến lược AJIA” tại Biển Đông là sống còn. Việt Nam cần liên
kết với tứ giác chiến lượng đó không chỉ qua hợp tác dầu khí, mà còn qua hợp
tác chiến lược để khai thác cảng quốc tế Cam Ranh (vì cả mục đích quân sự và
thương mại). Lúc đó, nếu Trung Quốc đụng vào Việt Nam là đụng vào khối ẠJIA.
Muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải dựa vào một thế lực răn đe hiệu
quả, thông qua an ninh tập thể. Khác với Philippines, bi kịch của Việt Nam là tuy
muốn đương đầu với Trung Quốc, nhưng lúc này lại rất cô đơn về chiến lược, vì “lắm mối tối nằm không”, lúc nguy cấp
không ai cứu.
ASEAN khó có thể lên tiếng bênh vực Việt Nam khi một
số thành viên đã bị Trung Quốc phân hóa và thao túng, như bó đũa bị xé lẻ và bẻ
gãy (bên trong) chỉ còn cái vỏ đồng thuận (bên ngoài). Chừng nào Cộng đồng ASEAN
vẫn bám giữ nguyên tắc “không can thiệp
vào nội bộ”, thì mong muốn có một “Bộ Quy tắc ứng xử” (COC) với Trung Quốc
chỉ là ảo tưởng. Tuy
một mình Việt Nam không thể thách thức Trung Quốc để “đeo chuông vào cổ mèo”, nhưng Trung Quốc vẫn lo ngại Mỹ có thể lập
ra một liên minh để đối phó với họ.
Vì vậy, chỉ
dựa vào ASEAN là không đủ, vì ASEAN consensus rất yếu do bị Trung Quốc phân
hóa. Quan hệ Trung Quốc-ASEAN tại Biển Đông đã làm ASEAN nhiễm bệnh. Nếu chỉ
dựa vào Mỹ cũng không đủ, vì Washington rất bấp bênh (như Trumpism). Trong khi Nhà Trắng bấp bênh và Bộ Ngoại Giao lu mờ (như
Foggy Bottom), Hà Nội phải tăng cường
quan hệ với Quốc Hội (như John McCain), giới quân sự (như James Mattis) và Hải
quân.
Giải pháp nào cho khủng hoảng
Nếu Việt
Nam chọn giải pháp “mềm” (đầu hàng) thì Trung Quốc có thể lấn tới, đưa dàn
khoan cắm sâu vào trong vùng EEZ của Việt Nam, và nếu có thể thì sẽ khoan thăm
dò và khai thác. Nếu Viêt Nam chọn giải pháp “cứng” (đương đầu), thì có thể dẫn
tới xung đột vũ trang với Trung Quốc tại Biển Đông. Bi kịch của Việt Nam lúc
này là không thể đầu hàng (vì hết chỗ lùi) nhưng cũng không thể đương đầu (một
mình) vì đúng lúc khẩn thiết thì lại thiếu hụt sự hỗ trợ (của Mỹ) khi so sánh
lực lượng tại Biển Đông quá chênh lệch.
Nhưng tại
sao Trung Quốc tập trung lực lượng gây sức ép với Repsol tại bãi Tư Chính (lô
136/03) mà không gây sức ép với ExxonMobil tại mỏ khí Cá Voi Xanh (lô 118) hay
với OVL (lô 128)? Đơn giản vì bãi Tư Chính là khâu yếu nhất, khó bảo vệ vì xa
bờ (cách Vũng Tầu gần 400km), và đối tác Repsol (Tây Ban Nha) yếu hơn (phụ
thuộc vào Việt Nam bảo vệ). Trong khi đó, mỏ Cá Voi Xanh (lô 118) của
ExxonMobil cách Đà Nẵng có 88km, và lô 128 của OVL cách Phan Thiết hơn 100km.
Nếu Trung Quốc đụng vào ExoxonMobil là đụng vào Hải Quân Mỹ và Rex Tillerson. Nếu đụng vào OVL là đụng vào hải quân Ấn Độ. Vì
Trung Quốc thường “mềm nắn rắn buông, nên muốn “rắn” thì Việt Nam phải liên kết
với các đối tác Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, và các cường quốc khác có lợi ích
chiến lược tại Biển Đông.
Ngay từ
tháng 4/2017, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đã trình tổng thống Mỹ một kế
hoạch đối phó với các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Mattis
không muốn phê duyệt từng chiến dịch riêng lẻ (như thời Obama), mà muốn có một kế
hoạch tổng thể. Dưới thời Obama, Lầu Năm Góc đã gửi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia
yêu cầu tiến hành bảo vệ tự do hàng hải (FONOP), nhưng các đề nghị này đã bị
chặn lại, trong khi Trung Quốc rốt ráo bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa
Biển Đông. Trong kế hoạch mới được tổng thống Donald Trunp chấp thuận, Hạm Đội
7 sẽ là nơi đề xuất chiến dịch tuần tra.
Ngày
22/7/2017, hải quân Mỹ được tăng cường thêm tàu sân bay mới “USS Gerald Ford”
(trọng tải 100.000 tấn, trị giá $13 tỷ). Số tàu ngầm hạt nhân sẽ tăng từ 30
chiếc lên 48 chiếc (60%). Không chỉ hải quân Mỹ, mà hải quân các nước khác (như
Nhật, Ấn, Úc, Anh) cũng cam kết sẽ tăng cường có mặt tại Biển Đông. Hải quân
Anh thông báo cuối năm nay sẽ nhận thêm 2 tàu sân bay mới “HMS Queen Elizabeth
& HMS Prince of Wales” (trọng tải 65.000 tấn, lớn nhất của hải quân Anh). Theo
báo Guardian (27/7/2017) Ngoại trưởng Boris Johnson cam kết năm 2018 sẽ đưa 2
tàu sân bay mới tới Biển Đông để thực thi quyền tự do hàng hải.
Nếu để Trung Quốc thay đổi nguyên
trạng Biển Đông, bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính, cấm Việt Nam thăm dò dầu
khí và đánh cá trên vùng biển của mình, được luật biển quốc tế thừa nhận, thì Việt
Nam có thể mất 40% vùng Đặc quyền Kinh tế. Nếu Hà Nội mắc sai lầm này, sẽ càng
bị cô lập, khó tìm được lối thoát, dẫn đến kết cục nguy hiểm hơn về lâu dài. Theo
Carl Thayer, Việt Nam chỉ có ba sự lựa chọn: Thứ nhất, trong khi tạm ngừng thăm
dò, Việt Nam cần kiên định trước sự đe dọa của Trung Quốc; Thứ hai, Việt Nam
cần công khai sự việc để tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ; Thứ ba, Việt Nam cần
thảo luận các phương án với Mỹ, hy vọng những người nắm quyền lực ở Washington
hiểu vấn đề và ủng hộ.
Tầm nhìn Biển Đông
Có thể nói, nếu không có sự kiện dàn
khoan HD 981 (5/2014), tạo ra cú sốc và bước ngoặt lớn trong quan hệ Trung-Việt
thì chưa chắc TBT Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm Mỹ (7/2015) và được đón tiếp (tại
phòng Bầu Dục) như nguyên thủ quốc gia. Trước đó, bộ trưởng bộ công an Trần Đại
Quang đã thăm Mỹ gần một tháng. Quan hệ Mỹ-Việt đã có bước thay đổi về chất:
Trong khi quan hệ Trung-Việt từ “Đồng sàng biến thành dị mộng” thì quan hệ
Mỹ-Việt từ “dị mộng biến thành đồng sàng”. Alexander Vuving từng nhận xét rằng
quan hệ Trung-Việt nay tách xa hơn “nhưng không quá xa”, còn quan hệ Mỹ-Việt
nay gần hơn “nhưng không quá gần”. Tuy nhiên, sau khi tổng thống Obama thăm
Việt Nam (5/2016) và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ, gặp Tổng thống Donald
Trump (1/6/2017) thì hai nước hầu như đã trở thành đối tác chiến lược “trên
thực tế” (de facto). Thế cân bằng tĩnh
đang bị phá vỡ, biến tam giác cân “Mỹ-Trung-Việt” trở thành tam giác “bất cân
xứng” đầy biến động.
Biển Đông đầy ẩn số và biến số khó
lường. Khủng hoảng bãi Tư Chính hiện nay là một biến số đầy rủi ro tiềm ẩn.
Nhưng sự kiện Trung Quốc tổ chức đại hội Đảng 19 vào cuối năm nay, và Việt Nam
chủ trù hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 này là cái phanh hãm, không để khủng
hoảng biến thành xung đột vũ trang, vì cả hai bên chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, đây
lại là lúc Trung Quốc cần diễu võ dương oai vì lý do chính trị và để bắt nạt
Việt Nam. Nếu Trung Quôc bắt nạt được Việt Nam và Tây Ban Nha (tại lô 123/03),
thì họ có thể tiến lên dằn mặt Ấn Độ (tại lô 128) và Mỹ (tại lô 118) để nhổ ba
cái gai nhọn cắm vào “lưỡi bò” của họ. Nếu nhổ được mấy cái gai đó và khống chế
được Trường Sa thì họ sẽ làm chủ Biển Đông. Cũng như Scarborough Shoal, bãi Tư
Chính (Vangurd Bank) là “làn ranh đỏ” (red line), có ý nghĩa địa chiến lược.
Nếu Mỹ và Việt Nám (cùng đồng minh) để mất bãi Tư Chính vào tay Trung Quốc như Scarborough
(2012) thì sẽ là một sai lầm chiến lược mới, mà hệ quả chưa lường được.
Vậy muốn giữ bãi Tư chính và Trường
Sa thì phải làm thế nào, trước sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc? Trong cuộc
khủng hoảng lần thứ nhất, Trung Quốc đã tập trung hơn 100 tàu hộ tống dàn khoan
HD 981. Trong cuộc khủng hoản
HMS Queen Elizabet: Sẽ đến Biển
Đông?
Khi tổng thống Donald Trump đến Đà
Nẵng dự hội nghị APEC (11/2017), khủng hoảng Biển Đông có thể phủ bóng đen lên
sự kiện quan trọng này. Đây chính là lúc và là nơi Mỹ và các đồng minh khu vực
liên kết với nhau (như tứ cường Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) vì an ninh Biển Đông. Đó là một
dịp tốt để tàu sân bay Mỹ đến thăm Cam Ranh, thực hiện Tuyên bố chung Mỹ-Việt.
Tiếp theo Mỹ và Nhật, là tàu sân bay của Ấn Độ và Anh (như họ vừa tuyên bố). Hợp
tác hải quân của bốn cường quốc đó tại Biển Đông chắc sẽ tăng lên, cùng với kế
hoạch phối hợp tuần tra và diễn tập trong khuôn khổ hợp tác chiến lược vì an
ninh Biển Đông.
Tuy nhiên, hai vấn đề cơ bản đang
cản trở Việt Nam tham gia quá trình hội hập quốc tế vì chủ quyền quốc gia và an
ninh Biển Đông là nhân quyền và tham nhũng. Tuy nhân quyền và tham nhũng là vấn
đề của nhiều nước, và 25% hoa hồng cho mỗi hợp đồng mua bán vũ khí có thể là
thông lệ của các nước tham nhũng và độc tài, nhưng với tình thế đang bị mắc kẹt
và cô đơn về chiến lược như hiện nay, hai vấn đề trên là những cản trở (deal
breaker) đối với an ninh quốc gia của Việt Nam và an ninh Biển Đông. Hay nói
cách khác, nếu Việt Nam vẫn không khắc phục được hai vấn đề đó, thì chẳng khác
gì lấy súng tự bắn què chân mình. Chỉ có cải cách thể chế toàn diện thì may ra
Việt Nam mới tháo gỡ được hai vấn nạn đó.
Thay
lời kết
Muốn bảo vệ được lợi ích dầu khí
cũng như các lợi ích chiến lược khác tại Biển Đông, các quốc gia liên quan phải
gắn hợp tác kinh tế với hợp tác chiến lược, trong “Tầm nhìn Biển Đông”, theo ý tưởng “đối tác chiến lược AJIA”. Trước mắt, để tăng cường hợp tác theo
hướng cộng tác cùng có lợi, ExxonMobil (Mỹ), OVL (Ấn Độ), Repsol (Tây Ban Nha)
và PVN (Vietnam) nên gấp rút thương lượng, lập ra một tổ hợp quốc tế (internationmal consortium) để đầu tư thứ
cấp (farming in) vào dự án Repsol (lô
136/03). Chỉ bằng cách đó thì các đối tác mới bảo vệ được lợi ích của họ, và
Việt Nam mới bảo vệ được chủ quyền quốc gia của mình.
Về lâu dài, muốn có hòa bình, ổn định để hợp tác tại
Biển Đông, trước hết phải có sức mạnh răn đe (của “tứ cường AJIA”). Đã đến lúc
“Con Bò tót Tây Ban Nha” (Repsol) phải
liên minh với “Con bò mộng Mỹ”
(ExxonMobil) và “Con voi Ấn Độ”
(OVL), nếu họ muốn khai thác năng lượng ở Biển Đông. Đối với Việt Nam, an ninh
năng lượng là an ninh quốc gia, và an ninh Biển Đông cũng là an ninh khu vực,
trước mối đe dọa của Trung Quốc.
Tuy lúc này Việt Nam đang cô đơn về
chiến lược, phải một mình đối phó với Trung Quốc, nhưng không thể đầu hàng, vì
để mất bãi Tư Chính thì Việt Nam có thể mất cả Trường Sa. Đối với Mỹ, Nhật, Ấn
Độ, và Úc, cũng như các nước khác có lợi ích lâu dài tại Biển Đông, thì để mất
bãi Tư Chính là một sai lầm chiến lược (như mất Scarborough Shoal), đồng nghĩa
với chấp nhận để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông như cái ao riêng của họ.
Tham
khảo:
1.
Bill Hayton, “South China Sea: Vietnam halts drilling after China
threats”, BBC,
July 24, 2017; “Việt
Nam đang thân cô, thế cô”, BBC, July 29, 2017
3. Carl Thayer, “Alarming Escalation in the South China Sea:
China Threatens Force if Vietnam Continues Oil Exploration in Spratlys”,
Diplomat, July 24, 2017;
4. Carl
Thayer, “South China Sea: Did China
Threaten Force? “Why Did Vietnam Suspend
Oil Drilling in Block 136-03?”, Thayer Consultancy, July 25, 2017
5. Carl Thayer, “Vietnam’s
strategies in the South China Sea”, EastAsiaForum, July 28, 2017
6.
Michael Martina
& Mathew Tostevin,“China urges halt
to oil drilling in disputed South China Sea”, Reuters, July 25, 2017
7. Helen Clark, “China-Vietnam: comrades until it comes to
oil & gas”, Asia Times, July 27, 2017
8. Phillip Orchard, “Taking China’s Maritime Threats
Seriously”, GPF, July 27, 2017
NQD.
31/7/2017
------
Về 2 Quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, mời đọc THAM KHẢO
--->> (bài đã đăng trên Blog Nguyễn Vĩnh này, post ngày 25/7/2016)
Chính là sách vở TQ viết HS & TS là của VN
Sự kiện lớn đầu tháng 7 này là Tòa Trọng tài tại La Haye, Hà Lan, vừa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò.
Theo chi tiết phán quyết bằng văn bản mà Thông báo báo chí của Tòa đã nói rõ, tất cả những đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông của TQ là vô lý, bởi trong thực tế không có bất cứ một cơ sở khoa học và pháp lý nào nói TQ có "chủ quyền lịch sử" trên vùng biển rộng lớn này cả.
Dịp này lục trong hồ sơ tư liệu có bài báo đăng từ cuối năm ngoái liên quan đến một cuốn sách cổ. Đó là cuốn sách có tên “Danh hoàn Chí lược” (Sách ghi chép về địa lý Thế giới), có khổ 20cm x 14,5cm, người giám định sách là hai vị Bích Tinh Tuyền và Lưu Ngọc Ba. Sách do Nhà xuất bản Hòe Lý Đường in.
Nhận thấy tư liệu bổ ích cho những ai muốn theo dõi sâu hơn về vụ Philippines thắng kiện và hiện thực trớ trêu từ sau phán quyết 12/7/2016 là TQ "trắng tay" trước những yêu sách vô lý về chủ quyền lịch sử trên Biển Đông (TQ gọi là Nam Hải), xin phép tác gỉa đưa bài viết đó lên đây để mọi người cùng đọc tham khảo và chia sẻ.
Vệ Nhi
------
VIỆT STAR MEDIA: “LỊCH SỬ GHI LẠI…”
– Phát hiện cuốn sách cổ của nhà Thanh, in đời vua Quang Tự (1875-1909) khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là của Việt Nam.
Trong quá trình điền dã tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tại gia đình anh Phan Văn Luyện (xã Vũ Chính, Thành phố Thái Bình) chúng tôi đã tiếp cận được cuốn sách cổ, in vào đời Vua Đức Tông (Tải Điềm) – nhà Thanh (niên hiệu Quang Tự, 1875-1909). Sách in thạch bản (in đá) bằng chữ Hán).
Anh Luyện đã vui vẻ trao quyển sách này cho chúng tôi sở hữu và nghiên cứu với hi vọng có thêm những cứ liệu để công bố trước công luận và làm bằng chứng để khẳng định chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Cuốn sách này có tên “Danh hoàn Chí lược” (Sách ghi chép về địa lý Thế giới), có khổ 20cm x 14,5cm, người giám định sách là hai tiên sinh Bích Tinh Tuyền và Lưu Ngọc Ba. Sách do Nhà xuất bản Hòe Lý Đường in.
Ở trang 2 của sách ghi: “Quang Tự Mậu Tuất Mạnh Thu” (Tháng 7, năm Mậu Tuất, niên hiệu Quang Tự, triều vua Đức Tông (Tải Điềm -1898). Cũng ngay ở trang 2 ghi: Thượng Hải Thư Cục Đại Ấn (Thư cục Thượng Hải được cho quyền in sách này). Bộ sách này được biên soạn vào năm thứ 28 (Kỷ Dậu, 1849), niên hiệu Đạo Quang, triều vua Thanh Tuyên Tông (Mân Ninh, 1821-1851).
Ở trang 3, 4 và trang 5 của sách có ghi bài tựa của Lưu Vận Kha, soạn vào năm Kỷ Dậu (1849), mùa hạ tháng 4 – triều vua Thanh Tuyên Tông, niên hiệu Đạo Quang. Bài tựa thứ 2 cũng viết vào năm Đạo Quang thứ 28, triều vua Thanh Tuyên Tông, do Bành Uẩn Chương soạn. Bộ sách này từ khi soạn (vào năm 1849, thời vua Thanh Tuyên Tông) phải mất 49 năm sau mới được in (vào năm 1898), triều vua Đức Tông (Nhà Thanh) – niên hiệu Quang Tự.
Bộ sách gồm nhiều tập. Chúng tôi chỉ chú tâm tới các tập 3, 4, 5 (vì 3 tập này đóng gộp thành 1 quyển) và có ghi các đảo thuộc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Sách Danh hoàn chí lược. Dòng chữ nhỏ bên phải ghi người giám định Bích Tinh Tuyền, Lưu Ngọc Ba. Dòng chữ nhỏ bên trái ghi Hòe Lý Đường Bản.
Dòng chữ bên phải ghi Quang tự Mậu Tuất Mạnh Thu. Dòng thứ hai bên trái ghi Thượng Hải thư cục đại ấn.
Nội dung của sách chủ yếu tóm lược vị trí địa lý, lịch sử… của các nước trên thế giới. Sách còn vẽ bản đồ của các nước trên thế giới: từ Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia … cho đến Ả Rập.
Đặc biệt, ở trang 24, 25 của tập sách này có in tấm bản đồ Trung Quốc, mang tên “Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ” (Bản đồ toàn quốc thống nhất đời nhà Thanh). Trên bản đồ này đều có vẽ các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc, như: Việt Nam, Mông Cổ, Ấn Độ, Triều Tiên…
Đáng chú ý, ở phần biển đảo, Trung quốc chỉ vẽ đảo Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam), Đảo Đài Loan (của Trung Quốc)… sau đó ghi chú là biển nhưng không hề vẽ và ghi chú đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. (Bản đồ thứ 1, có ghi chú: Hoàng Thanh Nhất thống dư địa toàn đồ).
Bản đồ của nhà Thanh không có đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi đảo Quỳnh Châu (Hải Nam) và đảo Đài Loan
Đặc biệt hơn nữa, ở tấm bản đồ in tại trang 40, 41 của cuốn sách này thì bên cạnh việc vẽ bản đồ đường biển Trung Quốc lại có vẽ eo biển Quảng Nam (và ghi rõ là Nam Việt – tức Việt Nam). Bên cạnh eo biển Quảng Nam, bản đồ này còn vẽ đảo Thất Châu Dương – biển Thất Châu (cả khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa – Vạn lý Trường Sa. Nếu theo bản đồ Trung Quốc thì Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc biển Thất Châu Dương – một cách gọi tên khác mà người Trung Quốc xưa thường dùng và ghi chú trên bản đồ để chỉ khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam (không có ghi khu vực biển Thất Châu Dương này thuộc địa giới của Trung Quốc).
Bản đồ đã chú thích trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa thuộc địa phận biển Việt Nam.
Ở tấm bản đồ trang 55 và 56 – chủ yếu vẽ về biển, đảo và các nước giáp Trung Quốc: biển Ấn Độ Dương (Trung Quốc gọi là Tiểu Tây Dương) và có cả ghi chú về Ấn Độ Dương. Trên bản đồ này còn cho biết về biển và đảo Trường Sa của Việt Nam giáp với đảo Quỳnh Châu (Hải Nam – thuộc Quảng Châu, Trung Quốc). Vẽ cả hình tượng bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Trên bản đồ này còn vẽ khu vực biển đảo Quảng Nam: Trong đó vẽ và ghi Thất Châu Dương (Hoàng Sa, Trường Sa), vẽ cả cửa biển Lộc Nại của Quảng Nam và vẽ đảo Côn Lôn của Việt Nam.
Bản đồ Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ (chưa chú thích)
Đáng chú ý ở trang 88, 89 giúp cho người đọc hiểu về luồng lạch, hướng gió và các bãi đá ngầm ở trên các đảo Trường Sa, Hoàng Sa và phương hướng, độ dài (tính theo cách tính canh giờ của người xưa) đi trên biển để tới được các nước khác nếu xuất phát từ cửa biển: đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phần phiên âm của sách được nhà Hán học Nguyễn Tiến Đoàn dịch như sau: “…Sách Hải quốc văn kiến lục có nói: Vùng Nam Dương (biển phía nam) là nơi thuyền buôn của vùng Mân Việt thường đến. Đường biển nơi đây nhiều chỗ nguy hiểm. Người chỉ huy thuyền đi qua biển này cần phải cẩn thận. Nguy hiểm nhất là nơi có hòn đảo Áo Khí. Thủy trình đi khoảng 7 canh giờ từ đảo Áo Khí đến đảo Lạc Tế. Đảo này nhỏ mà bằng phẳng. Ven đảo có nhiều đá ngầm ngổn ngang, thuyền không đến được; thu hút không khí, dòng chảy ở bốn phía. Trên đảo có nhiều cây cỏ mọc cao hơn một trượng, có núi Đông Sư Tượng, nếu muốn đến thì phải theo dòng nước mà đi. Không thể đi ngược lên phía Bắc vì nhiều doi cát nổi chìm, dài khoảng 200 dặm. Đi lên phía bắc thì có đảo và trên đảo có núi Sa Mã Kỳ. Hai ngọn núi này đối mặt vào nhau (ngọn núi Sa Mã Kỳ và Đông Sư Tượng).
Toàn trang chữ Hán (đã dịch trong bài viết)
Theo đường thủy trình trên biển là phải đi bốn canh giờ mới tới địa đầu Sa Mã Kỳ, lại có những doi cát liên tục ở phía nam đến Việt hải (biển Việt) gọi là Trường Sa đầu (địa đầu Trường Sa). Cứ đi về phía nam thì lại thấy nhiều doi cát nổi lên, theo đó mà đi thì đến Vạn Lý Trường Sa. Phía nam Trường Sa có nhiều bãi đá ngầm lởm chởm, đi tiếp là đến biển Thất Châu, gọi là Thiên Lý Thạch Đường. Đây là đất nguy hiểm của vùng Nam Dương, hay có gió bão lớn ở ngoài biển, thuyền đi biển đậu ở ngoài này thường gặp bão gió. Có những thuyền đi lạc đường mà gặp phải nơi đó thì rất nguy hiểm. Một cửa Trường Sa nằm ở phía tây bắc cùng với đảo Nam Áo. Ở phía tây nam là đảo Đại Tinh (Biển bình lặng¬) tạo thành thế chân vạc ở cửa nam bắc, ước rộng phải đi chừng khoảng ngũ canh (đơn vị đo lường thời cổ thường tính theo giờ). Thuyền buôn của người Việt thường đậu ở đó; phía Nam là đảo Lã Tống (Lucson – Philipin), Văn Lai, Tô Lập. Thuyền buôn thường qua mấy nước đó để trao đổi buôn bán, khi xuất phát đều từ cửa Trường Sa mà đi. Nếu gặp gió bắc thì lấy chuẩn từ đảo Nam Áo. Gặp gió Nam, lấy đảo Đại Tinh làm chuẩn để tới Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến (Quảng Đông). Nếu đi về phía Nam của Nam Dương phải đi từ cửa Sa Mã Kỳ (Đài Loan) đến các nước ở Lữ Tống (Philipin), giáp phía Tây Dương. Muốn đến Chiết Giang, Mân Việt… Nhật Bản phải đi theo hướng phía Tây biển Thất Châu, Côn Lôn rồi đến Vạn Lý Trường Sa ngoại (ngoài Vạn lý Trường Sa), qua cửa biển đảo Sa Mã Kỳ – đi theo đường thẳng dây cung mới an toàn. Từ Trung Quốc mà đến nước Indonesia phải đi phía ngoài Vạn lý Trường Sa. Nơi đây biển mờ mịt, không lấy gì làm chuẩn được cho nên muốn đi phải theo những doi cát ở biển Việt rồi mới đến Thất Châu Dương và từ đó đi tới Indonesia; Vùng biển này nước mênh mông nên giới hạn cũng mênh mông…”. (Trích sách “Danh hoàn Chí lược”).
Bản đồ chưa chú thích trong đó có ghi eo biển Quảng Nam và đảo Thất Châu Dương cùng bản đồ Việt Nam
Thông qua tư liệu đã nêu ở cuốn sách này, giúp chúng ta có thêm những bằng chứng quý giá để góp phần khẳng định ngay từ thời nhà Thanh, các bản đồ của Trung Quốc đã vẽ các đảo trên vùng biển của họ chỉ có đảo Hải Nam, Đài Loan là gần với khu vực biển Việt Nam. Điều đó khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa (biển Thất Châu Dương, theo tên gọi trên bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh) là thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Nhà Hán học Nguyễn Tiến Đoàn dịch sách Danh hoàn Chí lược
(source from DuyTracAuOanh’s Blog)
PhanNguyênLuân… tổng hợp/thực hiện
ĐƯỜNG LINK THAM KHẢO:
https://cuuhocsinhphuyencom.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét