Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Thông tin trái ngược nhau

Thông tin trái ngược nhau

Trong khi Quốc hội mới bỏ phiếu tạm dừng bỏ phiếu về Dự luật 3 đặc khu (gọi thế cho gọn) để còn xem xét và nghe ý kiến toàn dân thêm thì lại có những thông tin gây khó hiểu..

Đáng quan tâm là địa phương xin đi nhanh đến bộ luật đặc khu lại là tỉnh Quảng Ninh, sát với Trung Quốc. Thông tin này được chính thức các tờ báo NN cấp phép đăng tải.

Bài viết trên mạng dưới đây viết về những điều nghịch lý đó.

(đầu đề là của tác giả bài viết, nó không trùng hợp với ý của chủ blog)

Vệ Nhi

--------

Quảng Ninh hối thúc sớm sáp nhập kinh tế với Trung Quốc


Nguyễn Huy Vũ
3-7-2018

Bản tin trên VTC (1) mở đầu bằng việc chiều ngày 2/7/2018, tại hội nghị trực tuyến chính phủ với các địa phương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh là Nguyễn Đức Long đã hối trung ương sớm thông qua luật đặc khu kinh tế và đẩy nhanh tiến độ kết nối kinh tế giữa thành phố Móng Cái của Quảng Ninh với thành phố Đông Hưng của Trung Quốc.
Ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Long kiến nghị với trung ương ba vấn đề, nguyên văn như sau: “Vấn đề thứ nhất, hiện Quảng Ninh đang có một số dự án trình lên Trung ương xin Chính phủ xem xét và phê duyệt.
Vấn đề thứ hai, Thủ tướng và Phó Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia về đặc khu cần tiếp tục hoàn thiện dự án luật này để trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng kế hoạch.
Vấn đề thứ ba, Bộ Công thương cần sớm đẩy nhanh tiến độ đề án hợp tác kinh tế song phương, trong đó có khu hợp tác kinh tế biên giới TP Móng Cái với TP Đông Hưng”.
Theo thông tin của Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, dự án hạ tầng khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái – Đông Hưng nhằm kết nối kinh tế Việt Nam với Trung Quốc có diện tích 1.360 hec-ta với thời gian triển khai dự án từ năm 2017 đến 2020.
Điều đáng chú ý là tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 15.000 tỉ đồng, tức khoảng 650 triệu đô-la Mỹ theo thời giá hiện nay, theo hình thức PPP (public-private partnership, tức đối tác công-tư) với 100% vốn của nhà đầu tư và chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế, dự án nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, và dù không nói ra, nhà đầu tư thứ cấp ở đây chủ yếu sẽ là từ Trung Quốc.
Bản tin trên đã cung cấp thêm một thông tin ngày càng rõ nét hơn rằng, Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh mẽ vào hạ tầng Quảng Ninh và thúc đẩy việc kết nối nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc.
Đây là một phần trong chiến lược Một Vành Đai, Một Con Đường trong việc kết nối và tích hợp các nước như Việt Nam trong chiến lược nhằm làm họ phụ thuộc ngày càng nặng vào nền kinh tế Trung Quốc, và bị Trung Quốc khống chế từ kinh tế cho đến chính trị.
Với Việt Nam, sự lệ thuộc vào Trung Quốc càng lớn thì nguy cơ mất nước càng đến gần.
Việc các quan chức Quảng Ninh hối hả nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm lót ổ cho các công ty Trung Quốc sang đầu tư, thúc đẩy thông qua luật đặc khu để đẩy nhanh bán đất, bán nhà và di cư của người Trung Quốc sang đặc khu Vân Đồn là gì nếu không phải là hành động tiếp tay cho sự phụ thuộc về mặt kinh tế, làm mất an ninh và tăng nguy cơ mất nước?
Bản tin trên cho biết gần như 100% khoản tiền 650 triệu đô-la đầu tư vào khu kinh tế Móng Cái – Đông Hưng là từ Trung Quốc. Một câu hỏi có liên quan là vậy 1,8 tỉ đô-la mà Quảng Ninh gọi là đã tự xoay sở được để đầu tư vào hạ tầng khu vực đặc khu Vân Đồn, theo bài báo trên Tân Hoa Xã (2), thì lấy ở đâu ra? Nhiều khả năng 100% số tiền này cũng là từ Trung Quốc nốt.
Và nếu như vậy, với dự án đặc khu Vân Đồn được cho là cần tới 12 tỉ đô-la Mỹ để xây thì Quảng Ninh sẽ kiếm vốn từ đâu? Có lẽ là từ Trung Quốc? Và trong trường hợp đó, nếu Vân Đồn không có khả năng tạo ra lợi nhuận để trả lãi và nợ thì Quảng Ninh và Hà Nội sẽ làm gì để trả khoản vay này cho Trung Quốc? Lúc đó có phải là gán nguyên Vân Đồn cho Trung Quốc như cách mà Srilanka gán nguyên khu cảng chiến lược và 15 ngàn hec-ta đất xung quanh cho Trung Quốc khi họ vay tiền Trung Quốc xây cảng nhưng thất bại trong điều hành, không còn tiền trả nợ không?
Chưa bao giờ nguy cơ mất nước ngày càng hiển lộ rõ như hôm nay.
_____
Tham khảo:
(1) Lưu Thủy: Quảng Ninh đề xuất sớm thông qua luật đặc khu và đẩy kết nối kinh tế với Trung Quốc (VTC).
(2) Nguyễn Huy Vũ: Đặc khu Vân Đồn và bài báo của Tân Hoa Xã (TD).

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...