Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Xã hội cần một nền giáo dục không nói dối

Nhiều năm nay giáo dục luôn nổi lên như một vấn đề nóng và bức xúc của toàn xã hội. Cũng dễ hiểu vì nền giáo dục  của một đất nước không chỉ liên quan đến học sinh đến thầy cô giáo mà liên quan trực tiếp đến mọi người, đến mọi gia đình. Nguồn lực con người hình thành và phát triển chính từ cái lò giáo dục, đào tạo. Cho nên không giải quyết đến nơi đến chốn vấn đề giáo dục đặt ra thì xã hôi thua thiệt, không tiến lên được.

Bài viết dưới đây nêu lên thực trạng kém cỏi của giáo dục có lý do chính từ căn bệnh "gian dối, nói dối" tồn tại kinh niên ở ngành này. Xin phép tác giả đưa lbaif viết lên đây để bạn bè chia sẻ. (đầu đề bài viết ở Entry này có sửa lại).

Vệ Nhi g-th

-----
 

Xã hội cần một nền giáo dục không nói dối 


By Nguyễn Văn Nghệ



   Tại buổi thảo luận ở hội trường sáng ngày 30/05/2019 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV) nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về những cải cách trong giáo dục chưa đạt hiểu quả cao, nhiều người dân mất niềm tin vào hệ thống giáo dục. Ông Nguyễn Lân Hiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã phát biểu:  “Đúng làm sao được khi mà 100% học sinh trong lớp đều đạt loại giỏi. Trong phiên thảo luận về giáo dục, chúng ta đã dành nhiều thời gian để bàn về triết lý giáo dục. Nhưng theo tôi, trước mắt chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục không nói dối. Không nên kỳ vọng vào một sản phẩm giáo dục hoàn hảo nếu chúng ta chấp nhận sự dối trá ngay từ khi các con bước vào trường”(1)
ẢNH TRÊN: Phụ huynh "đạp đổ" công trường Thực nghiệm ở Hà Nội để đăng ký học cho con (cũng do tâm lý không tin tưởng cho con em vào học các trường lớp khác)
   Tại hội thảo “Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” tổ chức vào ngày 24/09/2013, Giáo sư- Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Lý luận và Ứng dụng (ĐHQGTP.HCM) đã đưa ra kết quả điều tra: Tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp Tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80%(2).
   Cách nay khoảng 6 năm mà tỷ lệ học sinh nói dối đã ở mức độ như thế thì hiện nay tỷ lệ học sinh nói dối sẽ ở mức độ nào?
    Học sinh nói dối là do cách giáo dục của gia đình hay là học đường?
    Trong gia đình cha mẹ nào cũng giáo dục con cái tính ngay thẳng: đói nói đói, no nói no; ghét nói ghét, yêu nói yêu “ Thấy vui muốn cười cứ cười/ Thấy buồn muốn khóc là khóc/ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu” (Lời mẹ dặn- Phùng Quán).
   Gia đình thì dạy như thế nhưng khi đến trường thì nhà trường lại dạy như thế nào?. Chúng ta cùng đọc và suy ngẫm mẩu chuyện “Vì sao con bỏ học?” của tác giả Bút Bi đăng trên báo Tuổi Trẻ ra Thứ tư ngày 12/03/2008 để thấy phương pháp giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa:
   “ Con là Nguyễn Văn Tèo. Nay con rấm rứt viết thơ này để bày tỏ nỗi niềm vì sao con nghỉ học, cái việc mà hổm rày người lớn bàn tán tùm lum.
     Vì sao con nghỉ học?Mấy cô chú nói đúng rồi đó: Nhà con nghèo, con phải đi làm kiếm ăn; con học yếu, con nản…Nhưng đâu chỉ có vậy. Con nghỉ học còn vì nhiều chuyện phát ớn…
    Hồi con học lớp 2, thầy dạy vẽ cho cả lớp chủ đề “Vẽ về quyền thiếu nhi”. Nhà con nghèo, con thèm được ăn no nên con vẽ hai bát cơm to. Thầy nói con vẽ sai, phải vẽ trẻ em vui chơi, có chim bồ câu và trái địa cầu mới đúng. Con bị 1 điểm.
   Lên lớp 3, con được dự thi “vở sạch chữ đẹp”. Con mừng lắm nhưng té ra lại khổ cái thân: con không được đưa cuốn vở mình đang học để đi thi mà trường bắt mua một cuốn vở mới, chép lại y chang cuốn vở đã học để đi thi cho nó sạch và đẹp. Con thấy thi thố kiểu này chẳng sạch và đẹp chút nào!
   Mới đây trường con có đoàn thanh tra dự giờ. Trường gom hết học sinh xịn nhứt khối về một lớp, tụi con giải toán rẹt rẹt, đọc bài re re làm mấy thầy thanh tra khen quá trời đất! Tụi con mắc cười bể bụng luôn…Và nhiều chuyện nữa mắc cười lắm.
   Con kể mấy chuyện này với ngoại. Ngoại buồn lắm. Ngoại nói học hành kiểu đó thì khó thành người. Con sợ quá, chẳng thà con làm con người không biết chữ, chớ biết chữ mà thành con khác thì con không chịu.
    Vì vậy mà con nghỉ học!”
     Học sinh nào đã từng học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều biết quá rõ tiết học dự giờ của giáo viên, giống như trình diễn!(3)
    Giáo dục theo phương pháp như trong bài viết “Vì sao con bỏ học?”là “phản nhân bản” thì làm sao học sinh có thể “thành nhân” được, chỉ có “ thành dã nhân” mà thôi! Thầy cô là những người giúp học sinh rèn các đức tính nhân bản: “ Để Thành Nhân, các em phải được giúp đỡ trong việc luyện các đức tính nhân bản. Ở đây, tôi xin được nhắc đặc biệt đến đức tính ngay thẳng, vì khắp nơi trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam thân yêu của chúng ta, người ta ngao ngán vì những chuyện lừa bịp, tham nhũng bất công tràn lan nhan nhản khắp nơi”(3).
   Gian dối đã “nhập lý” (lậm vào bên trong, lậm vào xương cốt, giống như bệnh thương hàn nhập lý) vào ngành giáo dục Việt Nam, thay vì thẳng tay loại bỏ gian dối, ngược lại các cơ quan quản lý giáo dục có dấu hiệu bao che. Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh: “Thật không ngờ tình trạng gian lận điểm thi trong giáo dục đã đến mức phổ biến tràn lan, thậm chí xảy ra tại nhiều tỉnh thành trong cùng một thời điểm gây nên sự bất bình, lo lắng rất lớn trong xã hội. Nhưng không dừng ở mức lo lắng, mà công chúng thật sự phẫn nộ khi cơ quan quản lý giáo dục lại có dấu hiệu bao che cho các hành vi sai trái này dưới mỹ từ “nhân văn”( 4)
   Chế độ ta luôn đề cao câu nói của cụ Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.
   Với phương pháp giáo dục phản nhân bản như thế thì làm sao có thể đào tạo ra hiền tài cho đất nước được? Nhìn vào phương pháp giáo dục ấy chúng ta có thể đánh giá nguyên khí quốc gia thịnh hay là suy.
    Gian dối và bạo lực là “ cặp bài trùng”: “Bạo lực chỉ có thể được che đậy đối với một lời nói dối, và lời nói dối chỉ có thể được duy trì nhờ bạo lực. Ai từng đem bạo lực ra làm cách thức rồi chắc chắn sẽ buộc phải lấy dối trá làm nguyên tắc” (Alesandre Solzhenitsyn).
    Phải đoạn tuyệt tức khắc với gian dối thì mới mong: “ Xã hội sẽ trong lành, người người sẽ sống trong an bình và tin tưởng nhau, khi lòng con người trong sáng và sống ngay thẳng trung thực. Loại xã hội này hình thành từ trường học, nếu sinh viên, học sinh được dạy dỗ”(5)

  Chú thích:
   3- Bài viết “Dự giờ như trình diễn!” https://thanhnien.vn/giao-duc/du-gio-nhu-trinh-dien-1012860.html
  4,6 “ Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016” của Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo.
  5- Bài viết “ Không công bố danh tánh các thí sinh gian lận thi cử: Nhân văn hay bao che?” https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/question-about-fraud-exam-scores-in-vietnam-03252019174508.html

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...