Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Quà Tết, Biếu Tết...

CHÀO BẠN BÈ TRÊN TRANG BLOG,

Hơn nửa năm qua tôi không cập nhật Trang blog Nguyễn Vĩnh này dù có viết nhiều bài tôi đành lưu trữ lại. Lý do ai cũng biết, ở trong nước, hệ thống blog của Google (....... blogspot.com) không vào trang được trừ phi vượt firewall. Nên cứ để treo, bài post cuối cùng là ngày 8/7/2019. Bữa nay đang ở tạm một nơi khác ngoài lãnh thổ, mở laptop thấy hiển thị dễ dàng trang blog của mình, tôi thử post một bài đã đăng trên trang facebook.

NV

-----

Ở VN mình dịp cuối năm, nhất là trước Tết Âm lịch truyền thống, người ta thường tặng quà nhau.
Xưa kia trò kính trọng thầy, trong xã hội thì cấp trên cấp dưới, trong quan hệ người thân - gia đình thì đàn em đàn cháu kính yêu bề trên… người ta tặng quà, hay “lễ tết” - cũng là một cách gọi cho thân tình – việc này xuất phát từ tình cảm chân thật. Quà, lễ không lớn nhưng dân ta ai được tặng, được kính tặng đều vui mừng, tự hào, còn người tặng cũng rất tự nguyên, vui trong tâm thích trong lòng…
Nhiều thập kỷ gần đây tặng quà, lễ tết biến dạng.
Ở góc độ gia đình - người thân, nhất là chốn thôn quê thì lễ tết, quà dịp cuối năm vẫn giữ được, vẫn duy trì được như một thuần phong mỹ tục.
Nhưng ở các mối quan hệ xã hội, quà tết, quà cuối năm không còn cái chất quý hóa nhau, tặng nhau để tỏ lòng biết ơn một năm giúp đỡ, quan tâm nhau hay sự chia sẻ niềm vui với nhau nữa.
Tệ hơn nữa là tặng quà, lễ tết đã trở thành một vấn nạn, một thứ đổi chác, hối lộ giữa người thấp chức với người cao chức. Điều đó khiến xã hội lên tiếng mỉa mai, báo động.
Thôi không phân tích dài dòng thêm nữa vì vấn đề nêu trên ai trong chúng ta đều đã biết qua báo chí, qua những quan sát của riêng mình.
Nhân đây xin đưa lại ở đây một bài viết trên đài BBC của Anh quốc về đề tài tặng quà dịp Noel và Tết Dương lịch.
Ở đây tác giả nhìn nhận nó như một “phong tục đẹp” của nước Anh dịp cuối năm.
Nó đẹp bởi người ta tặng quà nhau không hề vụ lợi. Các món quà đều vừa phải, như ở ta hay nói “trong mức tình cảm cho phép” (chứ không vượt lên trên mức tình cảm như người đời chế diễu…
Nguyễn Vĩnh
-----

BÀI VIẾT CÓ NHAN ĐỀ:

Nghệ thuật tặng quà làm vừa lòng người nhận

Bạn đang chuẩn bị quà tặng cho dịp lễ tết. Bạn sẽ phải nghĩ xem bạn sẽ tặng quà cho ai, sẽ chi bao nhiêu để mua quà, và quan trọng nhất là bạn sẽ mua món gì.
Ở Anh, một hộ gia đình tính trung bình chi khoảng 500 bảng cho quà tặng trong mùa lễ truyền thống, bằng với người Mỹ vốn chi khoảng 650 đô la.
Và tuy là việc tặng quà có thể làm cho bạn vui, giúp thể hiện tình cảm của bạn với người nhận và thậm chí giúp củng cố thêm mối quan hệ giữa hai người, nhưng một món quà xoàng xĩnh có thể gây phản tác dụng.




"Chọn sai quà có thể gây rủi ro cho mối quan hệ vì nó cho thấy rằng hai người không có điểm gì chung," bà Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý tại Đại học British Columbia ở Canada và đồng tác giả cuốn sách về nghệ thuật tiêu tiền, 'Happy Money: The Science of Happier Spending', nói.
Nghiên cứu của bà cũng cho thấy việc tặng món quà mà người nhận không thích đôi khi tác động tiêu cực đến cách đánh giá của người được tặng đối với mối quan hệ của hai người trong tương lai.
Bởi vì bạn không muốn món quà ngày lễ của mình gây hại nhiều hơn lợi, làm thế nào để bạn chắc chắn chọn món quà mà người nhận sẽ thích? Tâm lý học có thể có câu trả lời.
Đừng băn khoăn về giá cả
Bạn có nên phô trương để cho thấy bạn quan tâm đến đối phương như thế nào không?
Kết quả nghiên cứu thực sự chỉ ra rằng việc chi tiền nhiều hơn không đồng nghĩa với việc món quà sẽ được yêu thích đón nhận.TY IMAGES
Một nghiên cứu cho thấy món quà càng đắt tiền, người tặng càng mong đợi người nhận sẽ đánh giá cao.
Vậy nhưng dù người tặng nghĩ là bỏ tiền nhiều hơn sẽ khiến người nhận thấy mình hao tâm tổn trí nhiều hơn, người nhận thường không vì sự đắt giá của món quà mà cảm thấy trân trọng hơn.
"Có vẻ khá trực giác khi cho rằng nếu bạn bỏ tiền nhiều hơn thì món quà của bạn sẽ đáng giá hơn. Hóa ra là không có bằng chứng nào cho thấy người nhận để ý nhiều tới giá cả của món quà khi họ nghĩ xem họ thích thú món quà đó tới mức nào," Jeff Galak, phó giáo sư tiếp thị tại Trường kinh doanh Carnegie Mellon Tepper ở thành phố Pittsburgh, Mỹ, nói.
Galak, vốn nghiên cứu hành vi và cách ra quyết định của người tiêu dùng, thừa nhận rằng có thể món quà của bạn cần đạt đến một ngưỡng giá nào đó, phù hợp với thông lệ hoặc mong đợi.
Nhưng một khi bạn đáp ứng được mức giá đó, thì 'nếu mua thứ gì đó có giá trị hơn cũng chả có tác dụng gì', ông nói. Bản thân món quà là điều quan trọng nhất.
Nghĩ tới vấn đề dài hạn
Galak nói rằng mẹo để tặng một món quà tuyệt vời là nên nghĩ xa hơn khoảnh khắc thoáng qua khi bạn trao món quà đó. Ông và các đồng nghiệp Julian Givi và Elanor Williams nhận ra đây là chủ đề phổ biến trong các nghiên cứu về trao tặng quà.
"Khi ai đó tặng quà, họ cố gắng tối ưu hóa tại thời điểm họ tặng quà và muốn nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt người nhận ngay lúc đó," Galak nói. "Nhưng điều mà người nhận quan tâm là họ sẽ có được bao nhiêu giá trị từ món quà đó trong khoảng thời gian dài hơn."
Nói cách khác, có thể sẽ không phải là cảnh tượng thật hào hứng khi ta chứng kiến người bạn hay người thân mở quà, trong đó là gói thuê bao xem phim trực tuyến, vì vậy ít có khả năng bạn tặng món quà đó. Nhưng người nhận có thể thực sự thích nó, vì đó là món quà mà họ có thể tận hưởng thường xuyên theo thời gian.
Hãy quên sự độc đáo đi
Galak cũng cho rằng không nên quá bận tâm về việc phải tặng món quà độc đáo nhất. Đôi khi thứ mà nhiều người muốn có hoặc nhiều người khác có lại chính là điều mà người nhận muốn được tặng.
Một nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta có xu hướng tập trung vào những đặc điểm và tính cách độc đáo của người nhận khi chúng ta mua quà cho họ.
Nhưng tính đặc thù thái quá này khiến chúng ta bỏ qua các khía cạnh khác về mong muốn và nhu cầu của họ, điều này có thể khiến chúng ta mua cho họ món quà xoàng hơn.
Chúng ta cũng có xu hướng muốn mua những món quà khác nhau cho nhiều người khác nhau, ngay cả khi tất cả họ đều thích thú hơn với cùng một món quà - và rất có thể là họ thậm chí còn chẳng bao giờ đem quà họ được tặng ra để so sánh.
Để tỏ ra mình là một người biết chọn quà, mọi người thường có suy nghĩ sai lầm rằng cần phải đa dạng các món quà, thậm chí kể cả khi phải hy sinh đi món quà tốt nhất, theo Galak.
Bạn cũng thường không muốn mua thứ gì đó mà bạn đã có vì bạn không muốn làm ảnh hưởng tới tính cá nhân của mình.
Vậy nếu bạn của bạn rất thích đôi giày thể thao của bạn thì sao? Đừng né tránh tặng một đôi y hệt chỉ vì bạn muốn mình không bị ai đụng hàng.
Mua quà dựa trên sở thích chung
Để mua quà tốt hơn, giáo sư tâm lý học Dunn đề xuất ta bắt đầu với điểm chung mà bạn có với người nhận.
Bà nói thay vì dựa sở thích của riêng bạn và điều chỉnh nó theo sự khác biệt giữa bạn và người nhận thì hãy tập trung vào những điểm chung giữa hai người và chọn quà từ điểm chung đó.
"Mọi người thường chọn đồ tốt cho chính mình tốt hơn so với khi chọn cho người khác," bà nói, "vì vậy nếu bạn có điểm chung với ai đó, hãy chọn thứ gì đó có cùng sự gắn bó, bởi vì thứ bạn thích có nhiều khả năng cũng là thứ người đó thích."
Để có một món quà thậm chí còn thuyết phục hơn nữa, hãy nghĩ về một sở thích chung giữa bạn và người bạn muốn tặng quà, và mua thứ mà người nhận có thể trải nghiệm - chẳng hạn như vé ca nhạc hoặc lớp học nấu ăn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng món quà trải nghiệm có thể đưa bạn và người nhận đến gần nhau hơn, ngay cả khi bạn không cùng trải nghiệm món quà với người nhận.
Hỏi họ muốn gì
Tuy nhiên, nếu bạn không có điểm gì chung, Dunn khuyên bạn nên hỏi người nhận xem họ muốn gì, hoặc mua quà có trong danh sách mong muốn của họ.




Thật ra, nghiên cứu cho thấy mọi người sẽ biết ơn nhiều hơn khi nhận được món quà họ yêu cầu so với những món quà họ không thích.
"Mọi người muốn sáng tạo và gây bất ngờ cho người nhận," Dunn nói, "nhưng tặng những món họ muốn thì vẫn tốt hơn."
Galak đồng ý rằng cách đơn giản nhất để khiến một người hài lòng với một món quà là hỏi họ muốn gì.
Đây không phải là một câu trả lời mà mọi người muốn nghe, ông nói, bởi vì người ta cho rằng những món quà tốt cần phải gây 'bất ngờ' - mặc dù khoa học đã bác bỏ điều này.
"Hỏi ai đó họ muốn gì được coi là điều cấm kỵ. Và đó là sự xấu hổ," ông nói. "Sẽ là tốt hơn cho tất cả mọi người nếu chúng ta tặng những món quà mà người khác muốn.
Đừng suy nghĩ quá nhiều
Cuối cùng, đừng băn khoăn quá nhiều về việc tặng một món quà 'kinh khủng': rất hiếm có món quà nào là thứ quà tặng thực sự tồi tệ.
Trừ khi một cái gì đó cực kỳ không phù hợp, người nhận sẽ cảm thấy biết ơn ở một mức độ nào đó.
Galak nói rằng trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, ông đã hỏi hàng ngàn người về những món quà họ nhận được và ông hiếm khi nghe ai đó nói về một món quà tồi tệ.
Và ngay cả khi bạn tặng một món quà dưới chuẩn cho người thân thiết, sự lo nghĩ cẩn trọng của bạn vẫn có thể cứu vãn tình hình. Đó là vì khi ai đó tặng một món quà tồi, nó sẽ khiến người nhận suy nghĩ về lý do tại sao người tặng lại chọn món quà đó.
"Khi ai đó làm điều gì đó khó hiểu cần được giải thích - chẳng hạn như tặng một món quà tồi tệ - đó là khi bạn sẽ nghĩ đến việc họ đang nghĩ gì trong đầu," Nicholas Epley, giáo sư tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago vốn nghiên cứu về cách chúng ta dựa vào quan điểm của người khác và đưa ra đánh giá, nói.
Nghiên cứu của ông cho thấy rằng nếu người nhận quà cảm thấy ít nhất bạn đã dành nhiều thời gian để lựa chọn, họ sẽ trân trọng công sức mà bạn bỏ ra để chọn một món quà mà họ không muốn cho lắm.
Nói cách khác, câu ngạn ngữ xưa 'quan trọng là thành ý' thực sự có thể đúng.
Và ngay cả khi bạn không chọn được đúng món quà, vẫn sẽ có người cảm thấy thoải mái trong tình huống này: đó chính là bạn.
"Khi người tặng quà bỏ rất nhiều suy nghĩ vào một món quà, họ cảm thấy gần gũi hơn với người nhận," Epley nói. "Ngay cả khi người nhận không bị tác động nhiều trước sự quan tâm này, người tặng vẫn sẽ bị."

Tâc gỉa: Tiffanie Wen
BBC tiếng Việt đăng 13/1/2020
Nguyên tác tiếng Anh đăng trước đó trên BBC WorkLife.


 . 

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...