Ông nghị chỉ được cái nói đúng
Bạn tôi gọi điện hỏi, sao ông đặt tít bài post sáng ngày “hiền khô à” (29/10). Thay vì viết “Một ý kiến rất đúng với thực tế” ông đổi lại thành “Ông nghị chỉ được cái nói đúng” có phải đậm cái ngôn ngữ dân gian đường phố không nào? Ngẫm thấy bạn mình vừa có lý vừa có óc hài hước, nên động tác thứ nhất, tôi đổi lại ngay cái tít của Entry trước; động tác thứ hai, tôi quyết “hành nghề” ngay để viết ra mấy hàng dưới đây.
Quả là lâu nay chúng ta ít thấy các vị nghĩ sĩ của dân mà nói được ra cái ý của dân mình nghĩ và muốn gửi gắm vào các vị. Làm sao vậy? Phải chăng vì phần lớn các vị ngồi ghế dân bầu đó lại có một cái ghế khác do bên trên của các vị sắp xếp cho? Không biết rồi cái ghế nào là chính, cái ghế nào là phụ. Nhưng chắc một điều là cái ghế mang lại quyền và lợi “thiết thực” hơn hết chính là cái ghế thứ hai chứ không bao giờ là ghế thứ nhất (giả thiết ta đánh số thứ tự như bài tôi viết này).
Về phía bà con ta thì quá hiểu điều đó và còn chắc như đinh đóng cột rằng cái ghế (danh nghĩa thôi) do nhân dân cắt đặt đấy là loại ghế có “hơi bị hẻo”. Nói cho cụ thể là ghế này rất hẻo về quyền lợi vật chất (chưa đề cập đến quyền tinh thần đâu nhé). Tức là một thứ ghế ngồi có cao sang nhưng ít mang lại lợi ích gì về vật chất cũng như về tài lộc. Trong khi cái ghế được bổ nhiệm được bầu bán theo kênh khác kia thì ai cũng biết, nó là cơm áo gạo tiền cả đấy. Vợ con, rồi sau này là họ hàng cháu chắt nữa, với nhiều trường hợp, chẳng phải đã “trông cả” vào đấy đó sao. Sơ sẩy để tuột để mất cái ghế chức tước cấp bậc xã hội ấy là hỏng việc lớn chứ đùa à! Nên lời ăn tiếng nói của các quan nghị trong trường hợp có ngồi cái ghế thứ hai kia thường bị lưỡng phân - chưa nói là đa phân đa tầng đa nấc – nên phải nghĩ, phải rất dè dặt cân nhắc khi ngôn luận công khai. Bởi quả thật là nó rất khó để uốn lưỡi cho ra đúng cái cách lập ngôn mà một con người được đặt vào vị trí quan trọng cần phải nói trước dân. Nên tốt nhất là có hiểu cũng để đấy, nín lặng được là an toàn hơn.
Chúng ta cứ chịu khó quan sát sinh hoạt nghị trường từ các buổi công khai phát thanh cho dân nghe và trông thấy qua truyền hình. Có phải thực chất là có mấy vị ngồi ghế cao ở địa phương hoặc bên chính phủ cũng như trong các cơ chế quyền lực khác chịu đăng đàn để phát biểu ý kiến của mình.
Đổi lại rất nhiều ý kiến mà dân nói là “nghe cũng được”, hoặc những ý nào đấy nó khá gần với ý dân thì lại đều rơi vào các vị không có ghế chính quyền nói ra. Dân còn phân biệt các ý kiến sắc sảo nhất, có tính phản biện cao nhất là của các vị đại biểu chưa tham gia đảng cộng sản - mà chúng ta quen gọi là người ngoài đảng.
Những điều được coi là nhận xét tóm lược nhất về sinh hoạt nghị trường trên đây diễn ra đều đều lâu nay đã được các phương tiện báo chí truyền thông làm chứng. Cả nước đều biết, khỏi phải dẫn chứng dài dòng thêm làm gì.
Cho nên chuyện có một ông nghị “cấp cao” (vì chủ nhiệm một ủy ban của quốc hội là ngang chức bộ trưởng bên chính phủ) phát biểu như vừa qua trong thảo luận tổ tại Quốc hội để góp ý cho văn kiện trình ĐH XI của Đảng như của ông Nguyễn Văn Thuận tôi trích dẫn trong Entry trước phải coi là “của hiếm” và “rất đáng quý”.
Những điều vị đại biểu này nói đều đúng cả. Lại là rất sát với tình hình thực tiễn đang diễn ra trên đất nước lâu nay. Dân tình lâu nay cũng nghĩ hết vậy cả. Nhưng cái mới cái hay là những điều trên đã được phát ra từ vị đại biểu nhân dân ở một diễn đàn quyền lực cấp cao nhất là Quốc hội. Rất mong nó được các cấp lãnh đạo lắng nghe
một cách nghiêm túc nhất và có biện pháp khắc phục để dân nhờ.
Để tiện các bạn tham khảo, tôi post lại bài phát biểu này của ông Nguyễn Văn Thuận phía dưới bài này.
Nguyễn Vĩnh
----------------
Một ý kiến rất đúng với thực tế
Quốc hội phiên thứ 8 đang họp đã dành thời gian góp ý vào Văn kiện trình ĐH Đảng XI sắp tới. Ông Nguyễn Văn Thuận, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã góp ý như sau cho Đảng.
(Bài đăng trên VietnamNet ngày 29/10/2010; nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201010/dang-khong-nen-quyet-tat-ca-944907/ )
Sao lại rụt rè "thí điểm" kết nạp DN tư nhân vào Đảng?
Để góp ý cho cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chuẩn bị cho ĐH Đảng XI, tôi thấy vẫn có sự "lệch" giữa lý luận, nhận thức và thực tiễn.`
Tại ĐH Đảng VI, khi Đảng ta quyết định tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, như thế ta đã thay đổi chủ nghĩa Mác, bởi chủ nghĩa Mác nói chế độ XHCN là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chỉ tư hữu về chế độ tiêu dùng. Khi chỉ có một thành phần kinh tế thì đương nhiên trên thượng tầng kiến trúc chỉ có một đảng, vì chỉ có một lợi ích. Khi đổi mới chúng ta chấp nhận 5 thành phần kinh tế nghĩa là chấp nhận đa thành phần kinh tế ở cơ sở hạ tầng. Mà hạ tầng cơ sở kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc xã hội. Vậy giờ đa thành phần kinh tế thì thượng tầng kiến trúc xã hội sẽ ra sao?
Đến ĐH Đảng IX, Đảng ta định thay đổi lần thứ hai về chủ nghĩa Mác: Động lực của sự phát triển là khối đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở giải quyết hài hòa các lợi ích, các thành phần kinh tế cùng tồn tại lâu dài, cấu thành một phần quan trọng nền kinh tế quốc dân.
Trong khi theo chủ nghĩa Mác thì động lực của sự phát triển là đấu tranh giai cấp, đỉnh cao của đấu tranh giai cấp là dùng bạo lực cách mạng, chuyên chính vô sản để xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Cũng ĐH IX khẳng định phát triển các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động, khi đã xác định lao động là hàng hóa là trao đổi ngang giá chứ không có ai bóc lột ai. Chúng ta có ngày doanh nhân VN, trong khi nếu hiểu theo chủ nghĩa Mác thì doanh nhân thực chất là các nhà chiếm lĩnh tư nhân về tư liệu sản xuất.
Với những thay đổi cốt lõi này, ta phải diễn đạt lại về bản chất Đảng, thực chất là thay đổi bản chất Đảng. Đảng ta quyết định không thể đa nguyên, đa đảng, vậy thì đảng là đảng của ai? Ta đã nhận thức rằng Đảng Cộng sản VN là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân Việt Nam. Vậy thì Đảng là Đảng của toàn dân rồi, sao lại rụt rè "thí điểm" kết nạp DN tư nhân vào Đảng?
Như vậy, giữa mục tiêu ta định hướng tới với thực tế ta đang làm không trùng nhau. Khi tiến hành đổi mới, chúng tôi là những nhà nghiên cứu, chúng tôi hy vọng đất nước đang đi theo phổ quát của thế giới, nhưng ta lại đang muốn tìm con đường riêng...
Không ai lấn ai
Một vấn đề quan trọng nữa mà chúng ta bàn nhiều trong mấy chục năm nay, là Đảng lãnh đạo nhà nước như thế nào?
Quy luật kỳ chiến tranh khác, không thể mang mọi chuyện ra QH, HĐND mà bàn được. Đảng phải thông qua cơ quan hành chính, thông qua chính phủ kháng chiến để chỉ đạo, tập hợp lực lượng, các nghị quyết của Đảng không cần chuyển thành pháp luật mà cứ thế động viên nhân dân. Yêu cầu của thời chiến là thế.
Nhưng trong xây dựng kinh tế thì không thể cứ nghị quyết của Đảng, Đảng không nên quyết tất cả. Đảng phải hóa thân vào Nhà nước, cơ quan nhà nước phải tham mưu cho Đảng quyết định. Như nhiệm kỳ này chúng ta có kinh nghiệm với quyết định đầu tư Đường sắt cao tốc. Đảng để QH thảo luận và quyết thì có một quyết định hợp lòng dân.
Nghị quyết của Đảng muốn đưa ra xã hội thực hiện phải thể hiện bằng pháp luật, nghị quyết của Đảng chỉ có giá trị với đảng viên, xã hội không có trách nhiệm phải chấp nhận.
Linh hồn pháp luật chính là đường lối chính sách của Đảng
Hoạt động của QH, HĐND còn hình thức là do yếu tố lịch sử, khi đảng ta cầm quyền thì có chiến tranh, một thời gian dài thành tư tưởng nhận thức, mới có quan niệm chỉ cần Chính phủ mạnh chứ không cần QH mạnh, chỉ cần UBND mạnh mà không cần HĐND mạnh.
Trong xây dựng nhà nước pháp quyền thì thiết chế nào cũng phải mạnh, mỗi thiết chế làm đúng việc của mình chứ không ai lấn ai.
Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng không tuân thủ nguyên tắc. Đảng phải lãnh đạo nhưng phải theo nguyên tắc để QH, CP bàn, sau đó báo cáo lại, nghe cả mặt phải và trái rồi ra quyết định. Còn nếu cứ Đảng làm thay thì các thiết chế khác thành hình thức thôi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét