Tôi không tìm được từ ngữ nào hơn chữ “thông cảm”. Biết rằng chữ này rất dễ gặp phản ứng, có thể là sự không đồng tình của nhiều bạn đọc. Nhưng vì có làm báo nên tôi hiểu những cái khó, những cái thắt buộc vô hình của nghề này. Nhưng để xuống cuối bài hãy nói, nay đi vào việc chính.
Bác Lê Hiếu Đằng mới đây có công bố trên mạng một bài viết về việc cần công khai trước dư luận bản Kiến nghị của các vị nhân sĩ trí thức đề nghị nhà nước dừng khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.
Chúng ta chắc cũng biết, bác Lê Hiếu Đằng là Luật sư, từng là Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam – tổ chức nhân sĩ trí thức miền Nam sát cánh cùng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hồi đất nước đang chiến đấu giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Sau chiến tranh bác Đằng một thời giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Uý ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Một chi tiết nữa là bác Lê Hiếu Đằng từng hoạt động cùng thời với nhiều vị nay là lãnh đạo cấp cao của đất nước như các ông Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải... Tức là bác Đằng thuộc lớp cán bộ có tri thức, uy tín và lão thành.
Trong bài viết của mình, sau khi nêu lên tầm quan trọng của bản kiến nghị có chữ ký của gần 3.000 người, trong số này có những nhà khoa học, trí thức đầu đàn, nhiều bậc lão thành cách mạng, các quan chức, tướng lĩnh... Đặc biệt có vị từng là lãnh đạo cấp cao như Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Một khuôn mặt rất đáng chú ý nữa đã ký tên Kiến nghị là Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, người được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp chuyện và mới đây được chính phủ tặng nhà công vụ có giá trị cao.
Chưa kể từ hơn một năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng có những bức thư gửi cho lãnh đạo cấp cao là hãy xem xét và cân nhắc kỹ các mặt, nếu thấy lợi ít hại nhiều như Đại tướng phân tích thì hãy dừng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên.
Cho nên với một Kiến nghị như phần trên nói, quan trọng là vậy mà bác Đằng nhận xét là không có tờ báo nào của ta đăng tải công khai thì thật lạ. Vì thế bác Đằng đặt câu hỏi: “Tôi xin thẳng thắn đặt câu hỏi, có ai đã ngăn cản các phương tiện truyền thông công bố kiến nghị trên? Nếu có, thì đó là tước quyền được thông tin của nhân dân, quyền được hiến pháp và pháp luật bảo hộ, như thế người ngăn cản đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCNVN”.
Bác Lê Hiếu Đằng viết tiếp: “Nếu không phải như thế, thì tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vận mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên nhiều mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội? Như thế có phải các bạn đã từ bỏ cái quyền quan trọng nhất của mình và cũng là yêu cầu cao nhất của nhân dân với các bạn: thông tin trung thực những gì liên quan đến lợi ích của người dân? Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng tải Kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng”. *
Thưa vâng, bác Đằng nói vậy là đúng cả. Chỉ có một chi tiết rất cần có lời bàn với bác Lê Hiếu Đằng, đó chính là đoạn cuối: Bác Đằng bảo rằng “... tờ báo nào mạnh dạn đăng tải Kiến nghị nói trên sẽ chẳng ai bắt tù, ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng”.
Đúng là nhân dân mình thì lúc nào cũng tôn vinh quý trọng những người thay mặt họ nói lên những tiếng nói trung thực hoặc đưa lại cho họ những thông tin trung thực. Bác khẳng định vậy là hoàn toàn đúng, lúc nào cũng đúng.
Nhưng cái ý của bác Đằng là làm vậy “chẳng ai bắt tù” thì chúng tôi e rằng ý đó về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng có thể là chưa thật chuẩn, hoặc chưa thật chính xác trong trường hợp với báo chí ta.
Đúng là không ai bắt tù nhưng cái trách nhiệm phải nhận lãnh của tờ báo nào đó đăng vấn đề bác nói vào lúc này chắc là chuốc thêm sự khó và phức tạp cho báo. Bác Đằng cứ theo dõi quan sát báo chí viết và phát thanh truyền hình đưa tin về Quốc hội dịp vừa qua thì bác thấy cả. Nhiều nội dung thảo luận toàn thể tại hội trường cũng như tại các tổ xung quanh câu chuyện bô xít đến khi tường thuật lại trên báo chí truyền thông đã bị lược bỏ đi rất nhiều chi tiết. Bài phát biểu bằng văn bản trọn 7 phút chỉ dành cho câu chuyện bô xít của ông Dương Trung Quốc đã không được nhắc đến một từ trong buổi Thời sự 19g00 ngay tối hôm đó trên đài truyền hình quốc gia - một điều rất lạ vì các kỳ họp Quốc hội trước đây ý kiến và hình ảnh của ông Quốc thường rất hay xuất hiện trên đài này. Tức vấn đề bô xít trong hoàn cảnh hiện nay có sự phong tỏa về thông tin?
Những người ít nhiều làm công việc báo chí ở nước ta đều biết đến cái luật bất thành văn trong việc xử lý các loại tin tức bài vở nhạy cảm. Khi đó vô hình trung các báo đều có cách tự phong tỏa thông tin.
Ai nêu ra hoặc xếp đặt những việc nào, sự kiện nào là nhạy cảm thì những người đã làm công việc báo chí đều biết rất rõ. Những cái đó ta gọi gọn là sự chỉ đạo. Còn thế nào là nhạy cảm thì cũng có nhiều ý kiến chưa giống nhau, hoặc thậm chí là rất khác nhau... Nhưng một khi tự biết một vấn đề nào đó là nhạy cảm thì báo chí chính thức của ta thường khéo lảng đi. Chẳng ai dại húc đầu vào để có thể mang thêm sự phức tạp, thậm chí chuốc vạ cho cơ quan báo chí của mình. Thực tế lâu nay là thế, đố vị lãnh đạo báo nào bác được cái ý tôi vừa viết ở trên.
Nên thôi đành bác Đằng ạ, báo chí ta bây giờ các anh chị ấy đang quản không phải là sợ bị bắt, bị tù tội, bởi bắt bỏ tù ai cũng phải có luật pháp. Và cũng không ai nỡ đưa ra cách xử sự tùy tiện đối với hàng ngũ lãnh đạo báo chí đã qua sàng lọc thử thách và cất nhắc. Vậy báo chí nay chỉ là tránh phiền phức, tránh hệ lụy mà thôi, dù biết rằng như thế có thể bị người đọc chê trách là “ít trách nhiệm”, “không có tinh thần chiến đấu”, “thiếu dũng cảm…”. Đó chẳng phải là mấy khúc tâm trạng, day dứt và buồn trong thực tế làng báo chí ở ta hiện nay hay sao?
Nhân chuyện không/chưa đăng báo về Kiến nghị bô xít, chúng ta nhớ lại cách đây hơn một năm, rồi vừa đây lại đặt vấn đề trở lại – là nhóm lập Trang mạng Bauxite Việt Nam đã có nhiều triệu lượt truy cập từng có thư ngỏ gửi lãnh đạo cấp cao. Những phân tích và lập luận khúc chiết nêu lên lẽ thiệt-hơn của dự án bô xít Tây Nguyên, cân nhắc trong ngoài, trước sau... để đưa ra khuyên can nhà nước: Hãy dừng khai thác bô xít trong thời điểm chưa thuận, chưa chắc chắn thành tựu (về mọi phương diện kinh tế, môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng hiện nay). Suốt thời gian dài vừa qua, không thấy tờ báo chính thức nào của ta thông tin về việc này cho nhân dân và bạn đọc biết tới một sự việc rất nổi bật trong đời sống mạng trên đây cả.
Vì thế xin được nhắc lại ở đây, đúng là chẳng ai bắt tù, nhưng đài báo ta ít nhiệt tình xông vào phản ánh các ý kiến phản biện - trong trường hợp ta đang nói là chuyện bô xít - là có những lý do riêng của nó. Một khi ban tuyên giáo trung ương và bộ thông tin truyền thông chưa bật đèn xanh về một vấn đề gọi là nhạy cảm thì các vị tổng biên tập không vội gì đăng tải các bài viết về các vấn đề đó. Kiểu tự kiểm duyệt như thế là có thật, như một thứ luật bất thành văn trong nghề lãnh đạo các tờ báo lâu nay. Bởi báo chí ta là do Đảng lãnh đạo, có sự chỉ đạo. Điều này được tuyên bố công khai như một chủ trương đường lối xuyên suốt từ trước đến nay chứ đâu phải tài liệu mật hay quy định nội bộ gì. Vi phạm về quy chế chỉ đạo thông tin, tức như nêu lên hoặc viết bài về các vụ gọi là nhạy cảm nếu tới mức vi phạm nghiêm trọng có thể các tổng biên tập bị xem xét. Nhẹ thì phê bình nhắc nhở, kỷ luật; còn nặng có thể cách chức mất chức hoặc bị điều đi làm việc khác. Không tù nhưng mất nghề. Oái oăm là vậy.
Nên ý kiến của bác Đằng - các cơ quan báo chính thống của ta (chắc bác muốn nói đến Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, hoặc hai đài tiêu biểu: phát thanh và truyền hình quốc gia...) không đăng Kiến nghị trên thì đây là một ý kiến đáng suy nghĩ. Nó liên quan đến chính sách thông tin mà những người làm ra chính sách cùng sự chỉ đạo công việc rất quan trọng này cần nhìn nhận thực sự cầu thị để có cách tiếp cận mới và điều chỉnh sao cho phù hợp.
Hiến pháp và pháp luật ta có nhiều quy định về quyền tự do ngôn luận và quyền được thông tin của công dân, thế mà một thông tin quan trọng như Kiến nghị dừng khai thác bô xít thì nhân dân (hiểu theo nghĩa thông tin cho cho số lượng “đại trà”, thông tin theo con đường chính thống...) họ đã không được tiếp xúc trực tiếp với thông tin đó. Tức là những thông tin liên quan đến việc lớn, nhưng lại ở khía cạnh “phản biện” như chuyện bô xít sẽ được tiếp cận và thông báo công khai như thế nào, đến mức nào... là những việc phải làm rõ trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay.
Thông tin chính thống, thông tin có tính chất chính thức của Đảng và Nhà nước nếu không bao quát, không chiếm lĩnh được trận địa thông tin thì sớm muộn sẽ lâm vào tình trạng bị động và đối phó. Che đậy, xoa dịu được ở chỗ này lúc này thì lại phát lộ ở điểm khác khi khác. Cho nên vấn đề công khai minh bạch trong cung cấp và xử lý thông tin - cả mặt chính diện và mặt phản biện - là rất cần phải tính đến. Nhưng bài này không nhắm đến chủ đề đó, nên tạm dừng ở điểm này.
Như tôi đã chua thêm ở dưới bài, Kiến nghị trên cũng đã được VietnamNet và một số ít báo chí thông tin chứ không phải như bác Đằng nói là hoàn toàn không báo nào đăng. Tuy nhiên các cơ quan báo chí lớn và chính thống thì chưa/không đăng, đúng như bác Đằng viết.
Tôi thì nghĩ các anh chị lãnh đạo các báo bác Đằng nhắc đến đều có trong tay bản Kiến nghị, nhưng với những lập luận và hoàn cảnh riêng của báo mình mà nay chưa đăng thì cũng có thể hiểu được. Vấn đề là đằng sau câu chuyện đăng hay không đăng một loại tài liệu gì đó có vấn đề gì hệ lụy và níu kéo của chủ trương, chính sách. Phải chăng là vấn đề về chính sách thông tin, về chỉ đạo thông tin. Nếu thế nó đã ở tầm vượt trên các tờ báo và các tòa soạn báo... Nói là làm báo ở ta khó, đúng hơn là “rất khó” chính là ở điểm này. “Thông cảm” là vì thế bác Đằng ạ.
Nguyễn Vĩnh
---------------
* Thực tế thì Kiến nghị trên đã có một số tờ báo viết và báo mạng đề cập đến, đưa tin hoặc trích đoạn. Theo anh em làng văn làng báo biết, Báo điện tử VietnamNet đã sớm nhắc đến sự việc này và đưa lên mạng nguyên văn Kiến nghị.
Tuy nhiên chúng tôi vẫn giữ nguyên các ý bác Lê Hiếu Đằng đã viết, vì theo chúng tôi hiểu, bác Đằng cho rằng việc không đăng công khai Kiến nghị là ý muốn nói tới các tờ báo viết chính thống, các đài phát thanh và truyền hình của nhà nước hầu như đã không thông tin về sự kiện có Kiến nghị này...
Hơn nữa bác Đằng nêu ở đây là nêu chung báo chí Việt Nam - cả gần 700 cơ quan báo chí khắp cả nước - chứ đâu chỉ một số trường hợp, một số tờ báo - trong đó như báo điện tử VietnamNet.
--------------------------
Dưới đây là bài viết của bác Lê Hiếu Đằng được đăng trên nhiều trang mạng:
PHẢI CÔNG BỐ KIẾN NGHỊ DỪNG BAUXITE CHO TOÀN DÂN VÀ QUỐC HỘI
Kiến nghị dừng khai thác bauxite do các nhà trí thức
khởi xướng phải được công bố cho toàn dân và Quốc hội
Lê Hiếu Đằng
Theo dõi hoạt động của Quốc hội những ngày qua, tôi rất đồng tình với việc vụ Vinashin đã được đưa ra nghị trường, nhiều đại biểu đã quy rõ và quy đúng trách nhiệm: chính Thủ tướng Chính phủ, người trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chịu trách nhiệm cuối cùng về con tàu sắp chìm này.
Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn vì có hai vấn đề chưa được Quốc hội đề cập thỏa đáng: việc cho thuê đất rừng đầu nguồn và đại dự án bauxite. Mà đây lại là hai vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Nếu sụp đổ Vinashin chỉ là chuyện mất tiền, dù là tiền tỷ (đô la), thì hai vấn đề sau là chuyện môi trường sinh thái, tác hại lâu dài, và nghiêm trọng nhất, là chuyện an ninh quốc phòng, an nguy quốc gia.
Hôm nay tôi thấy cần phải lên tiếng thêm về vụ bauxite.
1/ Là một trong những người ký tên rất sớm vào Kiến nghị dừng khai thác bauxite ở cả hai lần, lần đầu do ba nhà trí thức Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, lần hai do 13 nhà trí thức thuộc tổ chức IDS cũ và nhóm Bauxite Việt Nam khởi xướng, tôi thấy nội dung kiến nghị, đặc biệt là Kiến nghị lần hai gồm 5 điểm rất rõ ràng, thuyết phục. Kiến nghị này được đăng tải công khai, minh bạch, cho đến nay đã thu được gần 3000 chữ ký, trong đó có nhiều nhà khoa học, trí thức đầu đàn, nhiều bậc lão thành cách mạng, quan chức, tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo cấp cao, có Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, có nhà toán học Ngô Bảo Châu – niềm vinh dự của trí tuệ Việt Nam, người vừa được Thủ tướng tiếp và đặc biệt cấp nhà (ông Ngô Bảo Châu không những đã ký tên cả hai lần, mà còn gửi một lá thư riêng cho các vị lãnh đạo đất nước đề nghị ngưng dự án).
Một Kiến nghị quan trọng như thế phải được công bố rộng rãi để mọi đại biểu Quốc hội và toàn dân biết. Như thế là cung cấp thông tin đa chiều để các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân lựa chọn. Đại biểu và nhân dân phải có điều kiện đối chiếu những luận điểm bênh vực khai thác bauxite của Bộ Công Thương và tập đoàn TKV với những luận điểm phản biện của các trí thức trong Kiến nghị để suy nghĩ và rút ra kết luận.
Tôi xin thẳng thắn đặt câu hỏi: Có ai đã ngăn cản các phương tiện truyền thông công bố kiến nghị trên? Nếu có, thì đó là tước quyền được thông tin của nhân dân – quyền được hiến pháp và pháp luật bảo hộ, như thế người ngăn cản đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCNVN.
Nếu không phải như thế, thì tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vận mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên nhiều mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội? Như thế có phải các bạn đã từ bỏ cái quyền quan trọng nhất của mình và cũng là yêu cầu cao nhất của nhân dân với các bạn: thông tin trung thực những gì liên quan đến lợi ích của người dân? Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng tải Kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng.
2/ Bản kiến nghị đã nêu rõ mối lo về hiệu quả kinh tế, tác hại môi trường của Dự án Bauxite. Tôi muốn xin nhấn mạnh thêm về mặt an ninh quốc gia mà tôi nghĩ có thể vì sự “tế nhị” nào đó đã chưa được đề cập thỏa đáng trong Kiến nghị. Nhất là khi liên kết chuyện khai thác bauxite với việc cho thuê đất rừng đầu nguồn.
Trong việc xây dựng các nhà máy bauxite, ta thấy nhân công Trung Quốc vào rất đông. Thậm chí có hiện tượng hình thành “làng Trung Quốc” ở Tân Rai. Chúng ta không thể không đặt những câu hỏi: Trong số nhân công đó, có bao nhiêu quân nhân mặc áo dân sự? Họ làm gì ở đấy chúng ta có kiểm soát được không? Các chuyên gia Trung Quốc xây dựng nhà máy liệu có đủ thiện chí đảm bảo an toàn lâu dài cho việc khai thác bauxite, hay biết đâu họ không “gài” một khuyết tật nào đó để khi “có chuyện” nó sẽ trở thành một áp lực chính trị cho nhà nước ta?
Đặt những câu hỏi như trên không phải là quá đa nghi, mà xuất phát từ tinh thần cảnh giác có cơ sở. Vâng, lịch sử quan hệ Việt – Trung buộc chúng ta phải cảnh giác. Bản chất, mưu toan bá quyền của người hàng xóm khổng lồ không hề thay đổi. Những tư liệu gần đây được công bố chỉ ngày càng cho ta thấy rõ hơn bản chất đó. Và ngay trước mắt là vấn đề Biển Đông. Chưa nói đến hiểm họa về sông Mê Kông không xa. Tất cả đều nằm trong âm mưu bá quyền.
Tôi tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh, tâm tư các vị rất không yên, các vị rất lo lắng cho sự an nguy của đất nước trước âm mưu xâm thực tinh vi của nước ngoài qua con đường kinh tế. Và cả những người dân bình thường, hầu như ai cũng lo ngại, cũng cảnh giác. Trong khi đó, hình như tinh thần cảnh giác của các vị lãnh đạo lại khá hời hợt, cho nên mới để lọt những chủ trương nguy hiểm như khai thác bauxite, cho thuê rừng đầu nguồn.
Tại sao có thể như thế? Tôi không sao trả lời được câu hỏi này. Có phải các vị chỉ chạy theo lợi ích kinh tế mà quên mối lo an nguy lâu dài của đất nước? Có phải các vị bị chi phối bởi các tập đoàn kinh tế? Đây là lúc các vị phải trả lời rõ ràng để giải tỏa những băn khoăn chính đáng của người dân.
3/ Tôi mong mỏi các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ hai vấn đề nghiêm trọng nhất: bauxite và cho thuê rừng đầu nguồn, đừng để bị lạc hướng vì những chuyện khác.
Nhân đây tôi cũng xin qua mạng Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ những đồng chí đã từng sát cánh chiến đấu với tôi ở nội thành Sài Gòn – Gia Định, các chiến trường miền Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn… Đó là các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải. Mong các đồng chí lên tiếng đấu tranh để ngăn chặn những nguy cơ cho đất nước như Dự án Bauxite và việc cho thuê rừng đầu nguồn nói trên.
Tôi cũng muốn nhắn với đoàn đại biểu Quốc hội của TPHCM là tôi rất buồn vì trong đoàn không có ai lên tiếng thẳng thắn về những chuyện nghiêm trọng như trên. Thử hình dung nếu bùn đỏ bauxite đổ xuống thì cả vùng Đông Nam Bộ, TPHCM sẽ nguy ngập thế nào? Tương lai con cháu chúng ta sẽ ra sao?
4/ Đã đến lúc tất cả chúng ta, cán bộ, Đảng viên, nhân dân, phải có ý kiến, không thể nhân nhượng, không thể dĩ hòa vi quý với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, cho dân tộc. Chúng ta không có gì phải sợ, vì chúng ta trong sáng, chúng ta thực tâm yêu nước thương nòi, chúng ta làm đúng theo luật pháp, hiến pháp.
Bản thân tôi cũng có những lúc hơi e ngại khi cần lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải. Những lúc ấy tôi tự nhắc mình: khi bị Toà án Vùng 3 Chiến thuật Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt, mình vẫn coi khinh, vẫn mỉm cười và dấn thân chiến đấu, thì cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?
L. H. Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét