Bàn cờ quốc tế (1)
Lâu không viết gì về các vấn đề quốc tế, thử trở lại xem sao. Muốn viết cái gì đó về Bắc Triều Tiên vì mới đây đọc một tin cũng hơi là lạ: “Triều Tiên đánh Hàn Quốc để tạo thanh thế cho Jong Un”. Đúng đấy là cái tít trên một tờ báo điện tử của ta đưa tin. Tạo thanh thế cho một lãnh đạo mới mà người ta nã cả ngàn quả pháo vào lãnh thổ một nước khác thì cũng khiếp thật. Cách tạo thanh thế vậy chắc không phải là một thông lệ khi xử lý các vấn đề trong quan hệ quốc tế.
Đúng là với thế giới bên ngoài, cái tên Jong Un (họ Kim) cũng chỉ mới vừa biết tới sau dịp thăng một loạt chức cho ông này. Ông là con trai thứ của ông Kim Jong Il, lãnh tụ tối cao đương nhiệm của Bắc Triều Tiên. Đương nhiên trước đó người ta ít biết đến ông con mới nổi này.
Còn nhớ khi mới đưa nhân vật này ra mắt thiên hạ, ông được cha mình sắp xếp đứng phía dưới tới mấy nhân vật khác. Chỉ sau một thời gian rất ngắn ngủi thì ý đồ “là người kế vị” đã hiện rõ. Ông tiến vọt lên bậc thứ 2, chỉ đứng sau cha, dù tuổi đời ông mới là 27. Trong một cơ chế chặt chẽ và lớp lang như chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên, việc vượt cấp siêu tốc này phải nói là rất đặc biệt. Và lạ là đằng khác.
Nhưng lạ hơn nữa là chuyện để tạo nên khuôn mặt mới quyền uy về quân sự, ông Kim Jong Un người chưa hề qua các thử thách huấn luyện cũng như không trải nghiệm thực tập và rèn luyện qua thực tế chỉ huy quân sự, ông này đã một bước nhảy vọt lên chức Đại tướng. Phong tướng kiểu vậy cũng chỉ xảy ra ở Triều Tiên.
Điều đáng nói nhất là qua chọn người kế vị như thế này, đất nước Triều Tiên đã thể hiện công khai chuyện cha truyền con nối. Nó chẳng khác các chế độ phong kiến trước kia vẫn làm. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai 1945, lãnh tụ nước Triều Tiên mới là ông Kim Nhật Thành. Vài thập kỷ trước, ông truyền ngôi cho con trai mình là Kim Chính Nhật (Kim Jong Il). Và nay đến lượt lãnh tụ này truyền tiếp cho con là ông Kim Jong Un. Tức từ ông nội truyền tiếp đến cháu nội giữ các chức vụ cao nhất của Triều Tiên.
Cũng hiểu công việc nội trị quốc gia của từng nước là quyền của người ta, mình không can thiệp vào được. Tuy nhiên việc nhìn nhận nó, rút từ đó những bài học kinh nghiệm để xử thế cho mình là một quyền bình thường. Chắc như thế không ai có thể chụp cho cái mũ là nói xấu nói tốt hoặc can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác được.
Hiện nay về mặt chính thức, 4 quốc gia là Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba và Bắc Triều Tiên được thế giới xếp chung vào một loại là các nước xã hội chủ nghĩa, nơi có các đảng cộng sản toàn quyền lãnh đạo (Triều Tiên gọi tên khác là đảng lao động). Họ xếp là tùy họ, còn mỗi nước chắc chắn có những cái khác nhau chứ đâu một thể đồng nhất. Có thể chỉ có Bắc Triều Tiên là công nhiên thực hiện lãnh đạo ở cấp cao nhất kiểu cha truyền con nối như trên.
Đành rằng ở các quốc gia khác, ngay như Mỹ cũng thấy có ông A ông B “Cha”, ông A ông B “Con” nào đó lãnh đạo cấp quốc gia. Nhưng ở đó khác về bản chất, vì có những ràng buộc về luật pháp. Con ông cháu cha thì cứ vẫn bị kiểm soát bằng các đạo luật, bị các thế lực đối lập “soi” tới nơi tới chốn. Nên các ông giời con, giời cháu nào đó cũng phải trần mình trong các hoạt động chính trị một cách chuyên nghiệp nhất, rồi từ đó trưởng thành, được đảng chính trị cất nhắc dần qua bầu cử thì mới trở thành chính khách, mới được toàn dân bầu bán vào các chức vụ tương xứng. Nên so với trường hợp ở Bắc Triều Tiên, Mỹ hoặc các nước phương Tây có những điểm khác biệt căn bản.
Vậy là Bắc Triều Tiên họ cứ một đường họ đi, một cách họ làm. Chẳng giống ai. Mà công nhiên, công khai như thế. Nhất là lâu nay có câu chuyện hạt nhân và “khủng hoảng hạt nhân” do nước này cố ý tạo ra.
Về chuyện liên quan đến an ninh bán đảo, đến các quan hệ quốc tế thì Triều Tiên làm như thế, làm khác người. Còn về chuyện nội trị thì họ cứ một kiểu biệt lập họ diễn. Nhưng có điểm rất lạ là tại Triều Tiên tưởng như những thiếu thốn mọi mặt, sự cắt đứt rất nhiều mối giao lưu quốc tế thì các sinh hoạt thể thao hoặc văn hóa sẽ lụi tàn. Nhưng trái lại họ vẫn có nhiều thành tựu quan trọng về thể thao và văn hóa nghệ thuật trên trường quốc tế...
Có người nhẹ dạ thì bảo, như vậy cái nước này - đúng hơn phải là ban lãnh đạo của nước này, chứ người dân thì chẳng thể định đoạt được – đang chung sống trong một xã hội hiện đại như chúng ta sống thì hành động như thế là liều mạng, thậm chí quá lời cho là điên là khùng. Người không ngại về mặt húy kỵ đối ngoại còn ngầm ví nước này như một thứ chí phèo quốc tế hiện đại (người viết không đồng tình với cách gọi và ví von như trên).
Bản thân tôi không tin ở cách lý giải còn đơn giản như thế. Nhìn hiện tượng rồi suy diễn thế dễ quá. Cái sâu xa nằm ở đằng sau, bên trong của các biểu hiện bề mặt bên ngoài. Bởi người ta có biết đâu rằng Triều Tiên múa may được món võ cao cường đó, một mặt ở đây có góp sức của thứ đặc thù trong tính cách con người và dân tộc này mà ta chưa biết hết, thêm nữa là thứ đặc thù có từ các cấp lãnh đạo cũng như từ đóng góp của gioi tinh hoa trong đất nước này tạo nên. Và quan trọng hơn nữa là những thế lực mạnh mẽ đứng đằng sau họ, chứ họ không hoàn toàn đơn độc. Trong số này nổi rõ một vài quốc gia hùng mạnh không kém gì Mỹ hay Tây Âu không bao giờ là đồng minh đúng nghĩa, nhưng họ khôn ngoan bật đèn xanh cho Triều Tiên trong nhiều chuyện, không hiếm chuyện động trời chỉ có lịch sử sau này mới bật mí. Không như thế thì Bắc Triều Tiên đã không thể tồn tại cho đến hôm nay.
Cái hay và cũng khác thường của các câu chuyện quan hệ quốc tế thời nay là ở những thế cờ như thế. Hy vọng còn được bàn nhiều hơn về cái bàn cờ quốc tế hiện đại trong các bài sau.
Nguyễn Vĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét