Bàn cờ quốc tế (2)
NGHĨ VỀ MỘT CÁCH CHƠI CỜ
Hôm trước viết bài về Triều Tiên (TT) http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1481&prev=-1&next=1473 đoạn cuối còn bỏ lửng khi nhắc đến một điều rất cơ bản. Đó là nhân tố nào đứng đằng sau những thất thường và bất cần trong nhiều ứng xử quốc tế mà TT vẫn thể hiện? Cách ứng xử mà người ta nói nó như một cách “trêu ngươi” thiên hạ, là một mình một đường, chẳng kiêng dè một ai dù đó là Mỹ, Nhật hoặc HQ. Thế mà đất nước này, cỡ nước không lớn, kinh tế cũng đâu mạnh, lại vẫn cứ tồn tại vững chãi như bao nước khác. Thì ít ra là ở khía cạnh quân sự, không phải ai cũng dễ bắt nạt được TT. Lạ như thế, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì vẫn có thể hiểu được.
Đầu tuần sáng nay một dòng tin chạy khắp trên nhiều cột báo của thế giới: Trung Quốc (TQ) kêu gọi họp khẩn cấp 6 bên. Bắc Kinh đề xuất nếu có thể được thì khai hội ngay tại thủ đô nước mình vào cuối tuần (cơ chế 6 bên gồm Bắc&Nam TT, Mỹ, TQ, Nhật và Nga).
Trong lúc mà từng giờ độ căng thẳng gớm ghê ở bán đảo TT chực nổ bùng thành một cuộc chiến tranh thì hành động xì van của TQ cho thấy vai vế của đất nước này là cỡ thế nào ở khu vực Đông Bắc Á. Và một lãnh đạo cao cấp của họ đã có mặt ngay trước đó tại Seoul. Nhà thuyết khách này dù chưa đạt được ngay một thỏa thuận gì với HQ, cũng là các đối tác khác như Mỹ và Nhật Bản, nhưng những gì mà TQ nhắn gửi cho cả 5 đối tác trực tiếp dự phần vào Đông Bắc Á chắc chắn được từng bên đón nhận với những tính toán thận trọng cần thiết. Khó mà ai đó lúc này không tính đến nước cờ kiềm chế khi đứng trước một thông điệp “kiểu hòa giải” từ Bắc Kinh phát ra.
Rõ ràng là tình hình bán đảo sẽ còn tiếp tục căng thẳng như mấy chục năm nay nó vốn đã thế. Chỉ có điều nhân tố các nước lớn, tức các thế lực mạnh mẽ nhất của thế giới ngày nay luôn đứng đằng sau các vấn đề nóng, biết cách khéo léo và kín đáo có tiếng nói ở các vùng địa chính trị chiến lược của thế giới.
Bên cạnh đó, các nước nhỏ hoặc trung bình dù quyền lợi và các lợi ích dân tộc hết sức sát sườn, thì muốn hay không đều bị chi phối bằng cách này cách khác từ các thế lực đại cường quốc kể trên.
TT với 2 miền Nam Bắc đều không chệch khỏi quy luật cũng như quỹ đạo chi phối kiểu không mong muốn này.
Ngày nay các mối quan hệ quốc tế đã khác trước, tức khác hẳn với thời kỳ chiến tranh lạnh với sự phân rẽ ghê gớm của các khác biệt ý thức hệ. Nhưng bản chất của các xung đột giữa các quốc gia nhỏ hoặc trung bình cũng vẫn không thay đổi là bao nhiêu so với trước kia xét về mặt bản chất. Nghĩa là thế nào thì vẫn không dứt khỏi sự phụ thuộc vào các nước lớn cũng như các ảnh hưởng cơ bản của họ tác động đến số phận đất nước mình.
Nhớ lại các cuộc chiến tranh chống đế quốc và thực dân của chúng ta, khi ấy ảnh hưởng của các nước lớn là quá rõ. Thậm chí trong một số thời đoạn lịch sử chúng ta còn bị họ ngã giá sau lưng mình mỗi khi sắp kết thức một cuộc đàm phán. Biết vậy mà đành chịu vì đó là vấn đề thực lực, là các tương quan lực lượng mà chúng ta chưa vươn lên để làm chủ một cách chắc chắn được. Thì chịu vậy chứ biết sao!
Sinh ra bàn cờ quốc tế là cần bố trí kẻ đánh người chơi. Chơi được một nước cờ hay không phải là dễ. Nó hội bao nhiêu yếu tố mới thành. Các kỳ thủ hình như đều muốn chiến thắng. Có đâu biết rằng những người chơi cờ với mình cũng mang tâm thế đó thì ai nhường ai đây. Quan trọng là phải biết mình biết người để có không thắng được đối thủ thì cũng tránh để thua trắng tay, lấm bụng.
Trong bàn cờ thế giới, kỳ thủ lớn và mạnh có những cách chơi riêng của họ. Kỳ thủ nhỏ và trung bình, dù không mạnh, không nhất thiết là phải đi những nước cờ lép trừ phi đầu óc chẳng có gì đáng kể. Kỳ thủ nhỏ và trung bình trong nhiều trường hợp là bị lôi kéo cuốn vào thì vẫn có thể tham gia để cùng đánh những ván cờ lớn của lịch sử. Vấn đề là chọn nước đi.
Giải quyết các mối quan hệ quốc tế cho ổn thỏa là công việc gặp phải của mọi quốc gia trong thời đại hội nhập này. Trước đây ta hay nghe về một thứ chủ nghĩa quốc tế trong sáng vượt qua biên giới. Dần dần thực tiễn đời sống quốc tế bộc lộ những góc khuất từ lợi ích quốc gia dâng lên và đòi hỏi. Và đó là những đòi hỏi chính đáng. Chủ nghĩa quốc tế như vậy đã lùi dần và có thể như không tồn tại nữa.
Nói ra điều này có vẻ như quá thực dụng chủ nghĩa, nhưng quả thật ngày nay cái thước đo cao thấp cho các kỳ thủ để làm nên những người được gọi là bậc cao cờ chính là những người luôn biết tôn vinh trên hết các lợi ích quốc gia của dân tộc mình trước những cơn phong ba của các mối quan hệ quốc tế rằng rịt và đầy phức tạp của thời nay.
Nguyễn Vĩnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét