Cần nữa những lời nói thật (2)
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại diễn đàn Quốc hội ngày 1/11 vừa qua có tiếng vang rất lớn trong dư luận trong và ngoài nước. Dư luận đánh giá những góp ý của ông Thuyết với chính phủ tại QH là xuất sắc, xây dựng và dũng cảm nhất tính đến thời điểm hiện nay.
Nhưng như tôi đã viết trong entry trước, còn 3 bài phát biểu trong buổi sáng đó cũng rất đáng ghi nhận là của 3 đại biểu Phạm Thị Loan, Lê Văn Cuông và Lê Thị Nga.
Cần thêm nữa những góp ý như thế, những lời nói thẳng nói thật như thế nhiều hơn nữa từ các vị đại biểu cho nhân dân.
Xin lần lượt điểm lại các ý kiến vừa nêu.
NV
---------------------
Bài phát biểu của ông Lê Văn Cuông (ĐBQH Thanh Hoá)
Nhìn nhận vụ Vinashin:
Sự cố Vinashin đã được cảnh báo sớm về kết quả quản lý yếu kém, tiêu cực, nhưng vì có biểu hiện bao che, ưu ái, nuông chiều nên cái u, cái nhọt lâu ngày đã vỡ tung để lại hậu quả hết sức nặng nề. Tổng vay nợ có thể lên đến con số 120 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi công dân Việt Nam từ lớn đến bé, từ người giàu đến người nghèo phải gánh nợ cho Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng. Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản Nhà nước của Chính phủ, các Bộ ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được xác định là những đầu tàu, là quả đấm thép của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vì sao và ai chịu trách nhiệm? :
Bởi Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn này được vay hàng tỷ đôla trái phiếu quốc tế, tạo điều kiện cho họ mang tiền Nhà nước đi tung hoành khắp đó đây từ Nam ra Bắc, kể cả đến các tỉnh miền núi thu gom nhiều xí nghiệp làm ăn thua lỗ về, thành lập đến 200 công ty con, công ty cháu, thật khó hiểu. Không biết quản lý kiểu gì mà Vinashin đi mua tàu, mua nhà máy phát điện cũ và đầu tư khắp nơi. Nhưng bộ chủ quản, các bộ chức năng và cả Thủ tướng Chính Phủ cũng không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, có hai lần Thanh tra Chính Phủ đề nghị được vào cuộc, nhưng đã bị chặn lại. Mặt khác, kể từ năm 2006 đến năm 2009, có tới 11 đoàn đến làm việc nhưng vẫn không phát hiện ra được căn bệnh hiểm nghèo của Vinashin.
Truy trách nhiêm, không nói khuyết điểm chung chung:
Và hệ lụy để Vinashin sụp đổ thảm hại như hôm nay cũng là điều dễ hiểu, có điều để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế nếu ở các nước, Chính phủ hoặc ít ra có vài ba vị trí đã phải lên tiếng xin từ chức rồi, nhưng ở nước ta thì chưa. Cho nên cử tri kiến nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Phó Thủ tướng phụ trách ngành, Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng các Bộ, ngành chức năng có liên quan, chứ không thể nêu chung chung như nội dung các Báo cáo của Chính phủ.
Tán thành đề xuất của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết :
Tôi tán thành ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội tại kỳ họp này cần thành lập Ủy ban lâm thời theo quy định của pháp luật, để điều tra xác làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan qua vụ tiêu cực ở Vinashin, nhằm ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu các tập đoàn kinh tế lũng loạn Nhà nước.
Bài phát biểu của bà Lê Thị Nga (ĐBQH Thái Nguyên)
Tập đoàn kinh tế từ góc nhìn pháp lý:
Thí điểm về thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước là một vấn đề rất quan trọng liên quan đến quản lý, bảo toàn nguồn tài sản thuộc sở hữu toàn dân được quy định trong Hiến pháp. Tuy là thí điểm nhưng các tập đoàn của chúng ta đều được thành lập chính thức, là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế. Nên từ chủ trương của Đảng cho đến thực tiễn cần thiết phải có bước thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm ở tầm một nghị quyết của Quốc hội trong đó quy định rõ phạm vi lĩnh vực, thời gian thí điểm, mô hình tổ chức, địa vị pháp lý xử lý những vấn đề mâu thuẫn với các luật, phân công trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xác định thời hạn tổng kết thì mới đảm bảo.
Những bước đi bộc lộ bất cập về quản lý nhà nước với tập đoàn kinh tế:
Nhưng ngay từ giai đoạn đầu tiên năm 2005, chúng ta đã bỏ qua bước thể chế hóa quan trọng này mà chỉ dùng các quyết định cá biệt để thành lập từng tập đoàn. Đáng lưu ý là có 8 tập đoàn thành lập đầu tiên gồm: than khoáng sản, dệt may, Bảo Việt, dầu khí, cao su, điện lực, tàu thủy, viễn thông ra đời và họat động từ năm 2005- 2006 khi chưa có văn bản pháp lý nào điều chỉnh về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức và đã hoạt động trong tình trạng này từ đó cho đến ngày 5/11/2009, Chính phủ mới ban hành Nghị định 101 về thí điểm thành lập tổ chức họat động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước. Như vậy 4 năm sau ngày thành lập chúng ta mới có hành lang pháp lý ở tầm nghị định cho tổ chức, hoạt động quản lý của 8 tập đoàn này.
QH thì làm đúng luật nhưng CP thì chưa?:
Cuối năm 2009 Quốc hội tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Bên cạnh đánh giá mặt được thì Quốc hội cũng đã chỉ ra khá nhiều thiếu sót trong công tác quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn và ban hành Nghị quyết 42 yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá mặt tốt, mặt chưa tốt, chấn chỉnh những thiếu sót và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Trong 2 tháng kể từ khi Quốc hội giám sát Chính phủ tiếp tục thí điểm thành lập thêm 4 tập đoàn mới: Viễn thông quân đội, phát triển nhà đô thị, hóa chất, Sông Đà và cho đến nay Chính phủ vẫn chưa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 42 theo yêu cầu của Quốc hội.
Thất bại của tập đoàn như Vinashin là điều “báo trước” vì thiếu cơ sở pháp lý ngay từ đầu:
Các Tập đoàn thí điểm đều thuộc những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế nhất là đối với 8 tập đoàn đầu tiên. Do đó, nếu chỉ một Tập đoàn không thành công sẽ kéo theo cả những dây chuyền và có ảnh hưởng lớn đến các cân đối kinh tế, đến uy tín quốc gia, đến người lao động và Vinashin hiện nay là một minh chứng điển hình. Việc chúng ta thí điểm ngay trên phạm vi rất rộng với nhiều lĩnh vực trọng yếu và gần đây lại càng mở rộng là vấn đề rất đáng cân nhắc, nhiều luật gia cho rằng việc thí điểm liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước mà về mặt pháp luật ngay từ đầu chúng ta lại không ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực Nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm mà chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật hợp lý.
Nguyên nhân thất bại của Vinashin:
Trong quá trình quản lý, Chính phủ đã phát hiện ra rằng việc thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước, việc quản lý Nhà nước đối với các tập đoàn có rất nhiều bất cập và lúng túng. Thậm chí lãnh đạo Bộ Kế hoạch, đầu tư đã nói là rất khó khăn khi bộ vào làm việc với tập đoàn thì không có cơ sở pháp lý. Cử tri cho rằng về mặt lý luận Tập đoàn kinh tế Nhà nước không có tư cách pháp nhân, nhưng trên thực tế đã trở thành siêu pháp nhân. Nhiều tập đoàn kinh tế đã biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, nhưng từ năm 2005 đến nay Chính phủ chưa kịp thời đề nghị Quốc hội sửa luật để khắc phục những bất cập và lúng túng đó, để cho đến nay khi một trong những tập đoàn thí điểm đó đổ vỡ Chính phủ mới báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 153 rằng sự lúng túng và bất cập này cộng với mô hình tập đoàn đang ở giai đoạn thí điểm, thể chế còn thiếu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của Vinashin.
Hoạt động của các tập đoàn không tuân theo quy tắc nào cả:
Nghiên cứu kỹ các quyết định thành lập 8 tập đoàn đầu tiên cho thấy chúng ta đã cho 8 tập đoàn này đầu tư đa lĩnh vực, trùng chéo nhau, trong đó không xác định lĩnh vực nào là chính, lĩnh vực nào là phụ. Do đó, về mặt pháp lý sẽ không có khái niệm đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Theo các quyết định này cả 8 tập đoàn đều được đầu tư bất động sản, tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm là những lĩnh vực đầy rủi ro. Điện lực được kinh doanh viễn thông, còn cao su, dầu khí, than thì được đầu tư kinh doanh điện. Rõ ràng thực trạng nhiều tập đoàn ồ ạt đổ xô vào đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính, chứng khoán trong khi quản trị yếu, thiếu trách nhiệm, dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước mà Quốc hội và cử tri đã lên tiếng, chính là hệ quả của việc chúng ta đã cho phép kinh doanh đa ngành nhưng không phân biệt ngành chính, ngành phụ và trong hoạt động đã không được các bộ kiểm soát chặt chẽ.
Các đề xuất thanh tra các tập đoàn; trách nhiệm của CP phải báo cáo QH định kỳ về quản lý doanh nghiệp và về quản lý vốn:
Từ thực tế trên chúng tôi kiến nghị:
Ngoài Vinashin, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn lại, nhất là đối với Tập đoàn điện lực, trên cơ sở đó báo cáo với Quốc hội toàn diện về tổ chức và họat động của các tập đoàn thí điểm...
Đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm quy định tại Khoản 3, Điều 168 Luật doanh nghiệp, theo đó hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực trạng kinh doanh vốn Nhà nước, thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm quy định tại Khoản 3, Điều 168 Luật doanh nghiệp, theo đó hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực trạng kinh doanh vốn Nhà nước, thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp.
* Trích từ “Bản tổng hợp thảo luận tại hội trường (ghi theo băng ghi âm)” – Văn phòng Quốc hội
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét