Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Rành mạch

Rành mạch

Vinashin được coi là con nợ lớn nhất trong lịch sử làm ăn kinh tế ở ta từ trước đến nay - nợ tới 86 nghìn tỷ đồng. Tưởng vậy. Mà thật cũng là vậy chứ, sao còn chuyện gì nữa mà nêu lại ra đây?

Ấy thế mà phải nêu lại. Vì quái lạ, mới đây có những ý kiến không như vậy nữa!

Là cái nhà ông tàu thủy khủng này tuy nợ 86 nghìn tỷ đồng (có chỗ dẫn 110 nghìn tỷ, hoặc hơn thế), nhưng ông ấy đang để lại gia tài cơ sở nhà xưởng gì đó… có trị giá tới những 110 nghìn tỉ đồng kia mà.

Ô hay, thế thì theo “kinh tế học” dạng con trẻ nhất, ông Vinashin là đang có lãi. Sao các vị lại bảo ông ấy thua lỗ, lại bảo ông ấy thất thoát? Mà nếu đúng là như vậy thì các bác kiểm tra trung ương đảng có thể phải “cải chính”? Vì chính văn bản các bác ấy trình trung ương và công bố bàn dân thiên hạ là tập đoàn này thua lỗ cơ mà.

Tôi dẫn ra các thông tin trên không phải là đi thu lượm ở góc này góc khác của dư luận đâu nhá. Mà đây là những phát biểu, những phân tích tại diễn đàn chính thức của một số quan chức cỡ lớn của Quốc hội cũng như của Chính phủ phát ra. Chúng ta chịu khó theo dõi các phiên họp QH vừa qua hoặc lướt đọc các bài báo (là báo lề phải cả đấy nhá) là thấy cả loạt những ý tứ, con số mà tôi vừa nêu ở trên.

Là những công dân, những người đóng góp cho ngân sách đất nước, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Thế thực Vinashin lỗ hay không lỗ, thậm chí lỗ hay lả lãi?
Xin mọi người cho ý kiến.

Còn tôi chỉ xin có vài lời chua thêm góp thêm dưới đây: Là tôi không hiểu mấy vị quan chức nọ nói rằng cái gia tài cơ sở nhà xưởng để lại của Vinashin như vậy, các thứ tạm gọi là “bất động sản” đó có bao hàm những tài sản hiện vật có được trước khi tập đoàn này được thành lập hay không? Vì đơn vị, xí nghiệp đóng tàu đóng thuyền nào trước khi sáp nhập vào Vinashin mà chẳng có nhà có đất có xưởng máy chưa kể các thứ khác như một thứ của góp, của “hồi môn” khi chuyển đến chủ mới. Chúng tôi nghĩ những cái đó phải rất rõ ràng rành mạch. Cụ thể cái gì có trước không phải mua nữa. Cái gì có sau phải bỏ tiền ra mua sau khi thành lập tập đoàn. Mọi điều cần phân minh, để đã có thống kê, kiểm toán là phải chính xác, sao cho không sót khuyết điểm mà cũng không gây oan cho bất cứ ai.

Tuy vậy, nếu là kiểm toán nhà nghề, lại được tiến hành công việc vô tư và khách quan
thì những cái đó là loại kiến thức quá sơ đẳng. Với họ sẽ rất dễ dàng chỉ ra đâu là vốn liếng đã có trước khi lập tập đoàn, đâu là vốn mới từ khi vận hành tập đoàn. Và rồi đâu là tiền ngân sách nhà nước rót cho tập đoàn (tổng số từ nguồn ngân sách chi) và đâu là tổng số tiền cũng là nhà nước rót cho Vinashin từ các hình thức vay nợ ngân hàng nước ngoài, các khoản phát hành trái phiếu ngoại tệ mang nợ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài đưa về… Tổng hợp lại tất cả các khoản chi tiêu cho Vinashin từ nguồn nhà nước như thế là không khó khăn gì.

Lại cũng phải nhớ đến những khoản Vinashin thu được tiền, vừa tiền đồng VN vừa tiền từ các loại ngoại tệ khi bán tàu, thu dịch vụ sửa chữa hoặc ngay cả tiền thu thanh lý tàu cũ, tàu hỏng… Tất thảy những chi tiết tài chính ấy rất cần được công khai minh bạch sẽ thấy ngay Vinashin được “cấp” là bao nhiêu, làm ăn thu hái được bao nhiêu, nay còn lại tài sản là bao nhiêu... Các tính toán chi tiết rõ ràng đó là cần thiết và cũng đâu phải khó đến mức không làm được.

Tức là phải rành mạch, đâu ra đó. Chứ đừng để lúc thì nói lỗ, lúc lại nói không lỗ thì người dân còn biết tin, biết dựa vào đằng nào, nguồn nào. Và chỉ khi biết được điều cơ bản ấy thì mới xử lý đúng được vụ Vinashin.

Nguyễn Vĩnh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...