Nối tiếp Entry về "một kinh nghiệm ruộng đất"
Hai chục ngày trước, (ngày 14/2), trên blog tôi có post bài "Ghé qua một kinh nghiệm ruộng đất" http://vinhnv43.blogspot.com/2012/02/ghe-qua-mot-kinh-nghiem-ruong-at.html nêu lên câu chuyện Ô Khảm bên Quảng Đông Trung Quốc vào lúc sự kiện Tiên Lãng ở Hải Phòng đang rất nóng trên công luận.
Cũng chỉ là nhắc "một kinh nghiệm" của người ta, là chuyện ruộng đất bị phát giác mua bán trục lợi, người nông dân thua thiệt, rồi từ khiếu kiện kéo dài đến tập hợp hàng ngàn người biểu tình nổi dậy phản đối chính quyền. Và cuối cùng nhà đương cục ở TQ phải chấp nhận nhượng bộ.
Cho tới thời điểm giữa tháng trước đã có tin Ô Khảm sẽ giải quyết theo hướng để nông dân ở đấy trực tiếp bầu cử những người lãnh đạo cấp cơ sở cho địa phương mình. Hình thức dân chủ trực tiếp như thế này có thể là một sự kiện chưa từng diễn ra ở nông thôn Trung Quốc bao giờ.
Ngày hôm qua, 5/3, đã thấy truyền thông Trung Quốc và thế giới đồng loạt loan tin cuộc bầu cử nêu trên. Vòng bầu thứ nhất đã bầu được 2 người, đều là những người giữ vai trò chính trong các cuộc biểu tình trước đây. Sẽ có vòng hai để bầu đủ số người lãnh đạo cho vùng nông thôn này.
Sự việc xảy ra trên đây đã thật sự là kết quả của cuộc vận động dân chủ ở đất nước Trung Quốc rộng lớn hay không thì cũng chưa thể nói trước được điều gì, và cũng không đủ cơ sở để kết luận đây là một mẫu hình đi tới dân chủ ở Trung Quốc bởi điều kiện kinh tế xã hội mỗi nơi mỗi khác... Nhưng quả thực nó là chuyện lớn và có ý nghĩa nổi bật tại một quốc gia giống ta là một đảng lãnh đạo. Mà một đảng cầm quyền thì bầu cử luôn luôn theo một công thức “đảng cử dân bầu”, điều được nói ra công khai từ lâu như vậy. Giờ đây tại Ô Khảm lại có hình thức tự dân cử "người trong dân" ra để cử tri bầu trực tiếp, và người muốn được trúng cử phải đi từ các lá phiếu thực sự của chính người dân tín nhiệm.
Ý nghĩa thực tiễn của vấn đề là ở điểm đó, tức là cái điểm chốt: "dân chủ hóa đời sống xã hội". Bởi vì nếu có dân chủ thì chắc chắn giới chức địa phương không thể câu kết với doanh nghiệp và những phần tử cơ hội, được sự tiếp tay của tiền bạc và quyền lực thu hết đất đai về một phe nhóm lợi ích để bán đi kiếm lời như ở Ô Khảm. Dân tình bất bình đến độ bỏ hết công việc, liên tiếp tập hợp những cuộc biểu tình như trường hợp Ô Khảm, nơi trước nay chỉ có một đảng độc quyền lãnh đạo thì quả thực là một tín hiệu mới cần theo dõi ở Trung Quốc. Điều này cũng nói lên một tiến trình đi tới của nhận thức xã hội theo hướng đòi lại quyền làm chủ của người dân bị lấn hiếp để xây dựng một xã hội dân chủ thực sự - điều không chỉ ở Trung Quốc mà cũng là ở bất cứ đâu đang có vấn đề ruộng đất và nông dân mất ruộng...
Như quy luật, hiện tượng nông dân mất ruộng thường đi song hành với đời sống hiện thực là những bất công nảy sinh, trở thành những vấn đề xã hội ngày càng lớn. Sự phân hóa giàu nghèo lúc này diễn ra hết sức mạnh mẽ. Bất cứ giai tầng lãnh đạo nào không nhận thức được vấn đề này và có những biện pháp về kinh tế - xã hội nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu xu hướng phân hóa tệ hại kể trên thì việc bất ổn xã hội, sự mất lòng tin trong nhân dân là những điều khó tránh khỏi.
Sự kiện Ô Khảm cũng như kéo theo nó là các bài học Ô Khảm, kinh nghiệm Ô Khảm… đúng chỉ là chuyện xứ người. Nhưng mọi điều xảy ra như vậy với chúng ta lại không phải là câu chuyện bâng quơ. Trái lại, chính nó rất có ý nghĩa về mặt nhận thức xã hội, nhắc nhở mọi người có được cái nhìn đúng về các vấn đề ruộng đất và nông dân hiện nay rõ ràng là chất chứa không ít các vấn đề phức tạp.
Vệ Nhi
----
Dưới đây là những
thông tin đầu tiên về cuộc bầu cử trực tiếp tại Ô Khảm:
Dân làng Ô Khảm kết thúc hai ngày bầu cử lãnh đạo tự do đầu tiên
Lâm Tổ Loan, người vừa được bầu làm lãnh đạo làng Ô Khảm phát biểu trước dân làng sau khi có kết quả tối 03/03/2012 - Ảnh REUTER
Vào hôm qua, dân làng Ô Khảm tại miền Nam Trung Quốc đã tham gia cuộc bầu cử ủy ban lãnh đạo làng mình gồm 7 người. Do kết quả chưa hoàn toàn ngã ngũ, chỉ có hai người đủ phiếu để đắc cử, vào hôm nay, 04/03/2012, cử tri đã được mời trở lại phòng phiếu để bầu tiếp vòng hai. Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, tất cả đều hân hoan khi được tham gia cuộc bầu cử tự do đầu tiên của làng mình.
Trong hai ngày, dân làng Ô Khảm đã nô nức đến bỏ lá phiếu của họ vào một thùng phiếu lớn bằng sắt, đặt trong một phòng phiếu tạm thời bằng gỗ, ngoài sân trường học địa phương.
Một dân làng ghi nhận : « Đây là một điều thực sự quan trọng. Chúng tôi hy vọng chính quyền huyện Lục Phong (cấp chịu trách nhiệm làng Ô Khảm) sẽ xuống đây để liên hệ nhằm giải quyết các vấn đề đất đai. »
Cuộc bầu cử bắt đầu vào hôm qua. Hơn 6.800 dân làng đã tham gia bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 81% cử tri đăng ký. Nhưng khi vào buổi tối, sau khi kiểm phiếu xong, chỉ có hai ứng cử viên nhận được số lượng phiếu cần thiết để đắc cử, buộc ban tổ chức phải tổ chức ngay vòng thứ hai vào hôm nay.
Lâm Tổ Loan, một trong người lãnh đạo các cuộc biểu tình vào năm ngoái, đã về đầu và được tạm thời bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban lãnh đạo làng Ô Khảm sau kết quả tối hôm qua. Một lãnh đạo khác của phong trào nổi dậy Ô Khảm, cũng đắc cử hôm qua, thì được cử làm phó.
Vòng bầu cử thứ hai hôm nay chỉ nhằm bổ sung cho năm chỗ còn lại trong ủy ban lãnh đạo làng.
Mai Vân
Một dân làng ghi nhận : « Đây là một điều thực sự quan trọng. Chúng tôi hy vọng chính quyền huyện Lục Phong (cấp chịu trách nhiệm làng Ô Khảm) sẽ xuống đây để liên hệ nhằm giải quyết các vấn đề đất đai. »
Cuộc bầu cử bắt đầu vào hôm qua. Hơn 6.800 dân làng đã tham gia bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 81% cử tri đăng ký. Nhưng khi vào buổi tối, sau khi kiểm phiếu xong, chỉ có hai ứng cử viên nhận được số lượng phiếu cần thiết để đắc cử, buộc ban tổ chức phải tổ chức ngay vòng thứ hai vào hôm nay.
Lâm Tổ Loan, một trong người lãnh đạo các cuộc biểu tình vào năm ngoái, đã về đầu và được tạm thời bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban lãnh đạo làng Ô Khảm sau kết quả tối hôm qua. Một lãnh đạo khác của phong trào nổi dậy Ô Khảm, cũng đắc cử hôm qua, thì được cử làm phó.
Vòng bầu cử thứ hai hôm nay chỉ nhằm bổ sung cho năm chỗ còn lại trong ủy ban lãnh đạo làng.
Mai Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét