Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Kể chuyện Myanmar (2, 3 & 4)


Kể chuyện Myanmar
(Tiếp theo)

Tác giả: Chu Công Phùng


                                Mời đọc tiếp Bài 2, Bài 3 và Bài 4
 


            Như nhiều nước Châu Á khác, lịch sử phát triển của đất nước Myanmar [1] cũng trải qua các thời kỳ thăng trầm của xã hội phong kiến, bị thực dân phương Tây cai trị và đấu tranh giành độc lập. Tuy nhiên, lịch sử Myanmar có những mốc lớn đáng chú ý gắn liền với truyền thống và tinh thần dân tộc của con người Miến Điện.





I. THỜI KỲ PHONG KIẾN

Chế độ phong kiến ở Miến Điện được hình thành từ rất sớm. Các tài liệu lịch sử và khảo cổ học của Miến Điện đã chứng minh, từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên, các nhóm dân tộc di cư từ dãy núi Hymalaya, cao nguyên Tây Tạng,  từ phía Xiêm La …đến Miến Điện đã tạo lập nên các vương triều phong kiến rực rỡ và có vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành đất nước Miến Điện. Đó là các tộc người Mon, người Miến, người Pyu, người Shan, người Rakhine… Họ xây dựng quốc gia riêng và không ngừng tiến hành các cuộc viễn chinh giành giật lãnh thổ của các dân tộc khác.




 Đến đầu thế kỷ thứ XVI, trên lãnh thổ Miến Điện hình thành 4 trung tâm quyền lực mang đậm chất chủng tộc: phía Tây là quốc gia Rakhine của người Rakhine; phía Bắc là quốc gia Inwa của người Shan; phía Nam là quốc gia Bago của người Mon và phía Đông là quốc gia Tangoo của người Miến.

Lịch sử ghi nhận thời kỳ phong kiến của Miến Điện được đánh dấu bằng 3 cột mốc lớn, đó là 3 đế chế phong kiến hùng mạnh.



1. Thời kỳ đế quốc Miến Điện lần thứ nhất - Triều đại Bagan (1044-1287) và 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Năm 849,  người Miến đã thiết lập khu vực định cư nhỏ của riêng mình và lấy Bagan là nơi đóng đô của họ. Suốt hai thế kỷ sau, các triều đại không ngừng tiến hành các cuộc chiến tranh để tranh giành quyền lực. Từ năm 1044, vua Anawrahta đã mở ra một thời kỳ huy hoàng trong lịch sử Miến Điện

Trong 33 năm trị vì, vua Anawarahta đã chinh phục các quốc gia của người Mon, tiến quân sang Nam Chiếu (Vân Nam,Trung Quốc) để biểu dương sức mạnh, quy phục các thủ lĩnh tộc Shan, thống nhất toàn bộ vùng đất ngày nay là Miến Điện. Triều đại của vua Anawarahta được coi là đế quốc Miến Điện thứ nhất với tư cách một quốc gia thống nhất về chính trị, các vương quốc nhỏ chịu quy phục Miến triều.

Trong thời kỳ cuối triều đại Bagan, đã xảy ra 3 cuộc chiến tranh Miến – Nguyên kéo dài suốt 24 năm (từ 1277 – 1301)

Lần thứ nhất, sau khi triều đình Mông Cổ thôn tính xong vương quốc Nam Chiếu vùng Vân Nam Trung Quốc vào năm 1253, đế quốc Nguyên Mông đòi triều đình Miến Điện phải cống nạp.  Năm 1273, sứ giả Nguyên Mông là Khất Giác Thoát Nhân đến chiêu phục Miến Điện với thái độ ngạo mạn và bị vua Miến Điện Naratgugapate từ chối. Tháng 3 năm 1277 quân Nguyên từ Vân Nam, Trung Quốc do tướng Hôt Đô dẫn đầu tiến vào vào lãnh thổ Miến Điện. Hai bên xung đột ác liệt ở khu vực  biên giới, quân Nguyên buộc phải rút lui.

 Lần thứ hai, năm 1282, vua Nguyên là Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) cử đoàn sứ giả 10 người cùng đoàn hộ tống hùng hậu đến kinh đô Bagan đòi triều đình Miến Điện cống nạp. Vì quá ngạo mạn, cả đoàn sứ thần nhà Nguyên bị vua Miến Naratgugapate ra lệnh giết hết. Sự kiện này khiến Hốt Tất Liệt nổi giận quyết tâm báo thù. Mùa thu năm 1283, Hốt Tất Liệt điều một đạo quân lớn từ Vân Nam do tướng Tương Ngô Hợp Nhi chỉ huy tiến sang trừng phạt Miến Điện. Chiến sự diễn ra quyết liệt ở phòng tuyến sông Bhamo phía Bắc Miến Điện. Trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên, quân Miến Điện phải rút lui,  nội bộ Hoàng cung Miến Điện bất hoà, chia rẽ. Quân Nguyên tiến sát đến kinh đô Bagan.

Năm 1287, vương triều Miến Điện không thể trụ vững trước sự tấn công ồ ạt của quân đội Nguyên Mông. Bagan thất thủ, đế quốc phong kiến Miến Điện lần thứ nhất bị diệt vong. Triều đình Nguyên Mông tuyên bố vùng lãnh thổ phía Bắc và miền Trung của Miến Điện là 2 tỉnh của đế quốc Nguyên Mông trên đất Miến Điện. Các vị vua người Miến tiếp theo đều cam chịu làm chư hầu của triều đình nhà Nguyên ở Bắc Kinh.

Sau khi tàn phá Bagan, quân Nguyên Mông rút về phía Bắc Miến Điện, đất nước Miến Điện rơi vào thời kỳ hỗn loạn. Mười năm sau, năm 1297, “ba anh em người Shan” (bố là người Shan, mẹ là người Miến) do Axamkhaya làm thủ lĩnh nổi lên tập hợp dân chúng khởi nghĩa, kiểm soát miền Trung Miến Điện chống lại sự đô hộ của quân Nguyên Mông. Lực lượng khởi nghĩa của "ba anh em người Shan" không ngừng lớn mạnh đã đánh đuổi quân Nguyên đến gần biên giới Vân Nam. [2]

Lần thứ ba, đầu năm 1301, triều đình nhà Nguyên cử tướng Mang Ngột Đô Lỗ Mê Thất dẫn 12.000 quân sang Miến Điện dẹp loạn nhưng bị lực lượng quân đội Miến Điện do Axamkhaya lãnh đạo chống trả quyết liệt, quân Nguyên Mông bị thương vong nhiều vì chiến trận và bệnh tật. Tháng 3 năm 1301, Mang Ngột Đô Lỗ Thất buộc phải xin hòa để rút quân về Trung Quốc, chấm dứt cuộc chiến tranh Miến - Nguyên. Sau khi thất bại trở về nước, các tướng Nguyên Mông bị Hốt Tất Liệt trừng trị với các hình phạt khác nhau, kể cả tử hình.



2. Thời kỳ đế quốc Miến Điện lần thứ hai – Triều đại Tangoo (1551 - 1752) và các cuộc chiến tranh chinh phạt Thái Lan.

Sau hơn 3 thế kỷ bị phân chia thành những quốc gia nhỏ lẻ, đến thế kỷ XVI vương triều Tangoo ở phía Đông vượt lên thành vương triều hùng mạnh nhất trên toàn  Miến Điện. Các vị vua của Tangoo tiến hành nhiều cuộc chiến tranh mở rộng bờ cõi và thống nhất đất nước. Năm 1541, người Miến dưới sự lãnh đạo của vua Tabinshwehti – vị vua trẻ tài giỏi đã tấn công chiếm đóng Inwa -  kinh đô của người Shan. Sau đó, tiến hành các cuộc chinh phạt thành công ở phía Nam, bắt vua của người Mon và chuyển thủ đô về Bago.

Tháng 10 năm 1548, vua Tabinshwehti chỉ huy chiến dịch tấn công Thái Lan (lúc đó gọi là Agyuthagia) giành lại dải đất cực Nam là Taninthayi, tuy bắt được con trai vua Thái nhưng quân Miến bị tổn thất nặng nề, năm 1549 phải rút về nước. Năm 1550, vua Tabinshwehti chết, vương quốc Tangoo đứng trước nguy cơ tan rã trước sự nổi dậy cát cứ của người Mon và người Shan.

Cùng năm đó, Bayinnaung, em rể của vua Tabinshwehti đồng thời cũng là người kế vị, lên ngôi vua tiếp tục sự nghiệp tái thống nhất Miến Điện. Chỉ trong 2 năm, vua Bayinnaung đã đoạt lại các vùng đất bị cát cứ rồi tấn công lên phía Bắc, sang phía Tây, phía Đông, chiếm lại Inwa, chinh phục các quốc gia của người Shan ở phía Bắc. Năm 1557, giành lại dải đất Taninthayi từ tay người Thái. Uy danh của vương quốc Tangoo chấn động các nước láng giềng.

 Năm 1563, vua Bayinnaung trực tiếp đưa quân vượt sông Xittaung tấn công Thái Lan, đánh chiếm Chaing Mai và chiếm được kinh đô Ayuthaya của người Thái, bắt sống vua Agiyuthagia cùng toàn bộ triều đình Thái và nhiều tù binh, thợ thủ công, vàng bạc... đưa về Miến Điện.




Năm 1567, vua Thái Lan Agiyuthagia xin phép vua Bayinnaung về nước thăm các thánh đường Phật giáo, sau đó phát động dân chúng Thái khởi nghĩa chống lại sự cai trị của người Miến. Vua Bayinnaung tiến hành cuộc viễn chinh lần thứ hai sang Thái Lan. Chỉ trong 10 tháng lại chinh phục được Thái Lan.

Năm 1569, quân Miến tiến sang Lào nhưng bị thất bại. Năm năm sau (1574), vua Bayinnaung mở cuộc xâm lấn lần thứ hai và chinh phục được Lào.

Một đế quốc rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á được hình thành. Bayinnaung tự xưng là “vua của các vua”.

Xã hội phong kiến Miến Điện bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ lần thứ hai. Các quốc gia khác ở vùng biên giới Miến Điện - Trung Quốc và vùng Manipur (nay thuộc Ấn Độ), đều phải triều cống vua Miến Điện.



3. Thời kỳ đế quốc Miến Điện lần thứ ba – Triều đại Konbaung (1752 - 1885) và 4 lần đánh đuổi quân Thanh.

Năm 1752,  nhân cơ hội triều đình Tangoo lục đục, suy yếu, được sự giúp sức của người Pháp, người Mon đã chiếm được kinh đô Inwa và cố sức kiểm soát toàn bộ Miến Điện.

Tuy nhiên, người Miến không dễ dàng từ bỏ quyền lực. Aung Giaeya – một quan võ tài ba người Miến đã tập hợp người Miến đánh đuổi người Mon. Một năm sau, năm 1753, ông đã giành lại được Inwa, ông xưng vua lấy hiệu là Alaungpaya -  nghĩa là “Phật tương lai”, đặt Hoàng cung ở Shwebo. Hoàng thành gọi là Konbaung. Konbaung cũng là tên triều đại.

            Không những thế, chỉ bảy năm sau, năm 1755 vua Alaungpaya đã giành lại Pyay, chinh phục các quốc gia Shan. Năm 1755, chiếm Dagon (nơi ông đã đặt tên là Yangon – nghĩa là “kết thúc thù hận”) , hơn nữa chiếm được cả kinh đô Bago của người Mon vào năm 1757. Sau 8 năm chinh chiến, vua Alaungpaya đã thống nhất được đất nước và lập ra Vương triều Konbaung. Đế chế thứ ba và cũng là đế chế phong kiến cuối cùng của Miến Điện được hình thành.

Trước tình hình người Mon chạy sang nương nhờ lãnh thổ Thái rồi tấn công trở lại Miến Điện, năm 1760, vua Alaungpaya đã tiến hành chinh phạt thu hồi dải đất Taninthayi rồi tiến công vây hãm kinh đô Thái là Ayuthaya.

            Năm 1760, vua Hsinbyushin – con trai vua Alaungpaya – được mệnh danh là “chúa voi trắng” rất giỏi dùng binh, ông tiếp tục sự nghiệp của cha, từ năm 1760 đến năm 1763 liên tiếp tiến hành các cuộc chinh phạt, mở mang bờ cõi. Năm 1767, vua Hsinbyushin đã giành lại được dải đất Taninthayi, tấn công Thái, san phẳng kinh đô Ayuthaya, buộc người Thái phải chuyển kinh đô về Bangkok. Chiến thắng này đã đem về cho Miến Điện nhiều vũ công, nhạc sĩ, nhà chiêm tình, thợ thủ công và vô số tù binh người Thái để phục vụ cho công cuộc chấn hưng Miến Điện. Nhiều nghệ sĩ Thái sau đó đã cống hiến tài năng góp phần làm phục hưng văn học, nghệ thuật Miến Điện. [3]

Trong thời gian trị vì của triều đại Konbaung , nhà Thanh -Trung Quốc dưới triều đại Càn Long đã 4 lần xâm lược Miến Điện và đều bị quân dân Miến Điện đập tan.



Lần thứ nhất, năm 1765, mượn cớ một người Trung Quốc bị giết chết trong bữa tiệc rượu ở Keng Tung của Miến Điện giáp biên giới Trung Quốc, chính quyền nhà Thanh ở Vân Nam sau khi chiêu nạp các thủ lĩnh người Shan từ Miến Điện sang hàng, đã huy động lự lượng quân đội hùng hậu tràn sang lãnh thổ Miến Điện để  “hỏi tội” viên thủ lĩnh Keng Tung. Quân Thanh bị quân dân Keng Tung đánh trả quyết liệt. Ngay sau đó, một cách quân Miến Điện từ kinh đô Inwa lên phối hợp với quân Keng Tung truy đuổi quân Thanh đến tận biên giới Vân Nam. Quân Thanh thua chạy tan tác.



Lần thứ hai, năm 1766, Thái thú Vân Nam là Dương Ứng Cơ đích thân cầm quân vượt biên giới tiến đánh chinh phục các quốc gia Shan rồi thẳng tiến xuống Kaungton thì bị quân đội Miến chặn lại. Các cánh quân Miến từ Inwa, Bhamo và Kaungton tạo thế gọng kìm truy quét quân Thanh sang tận lãnh thổ Vân Nam, chiếm luôn 8 tiểu vương quốc ở Vân Nam. Quân Thanh bị giết chết hơn một vạn người buộc phải cầu hòa. Dương Ứng Cơ bị vua Càn Long xử tội chết.



Lần thứ ba, tháng 10 năm 1767, Thái thú mới Vân Nam là Minh Thụy – con rể vua Càn Long đích thân dẫn một đạo quân lớn vượt biên giới đánh chiếm Hxenuy, đánh lui hai đạo quân Miến đến cứu viện rồi thẳng tiến đến khiêu chiến kinh đô Inwa. Sau 3 tháng cầm cự, mùa xuân năm 1768, các đạo quân Miến tổng phản công, giết chết 15.000 quân Thanh, tướng tiên phong của quân Thanh phải thắt cổ tự tử. Minh Thụy chờ quân cứu viện tới để rút lui, nhưng đội quân ứng cứu từ Vân Nam sang bị quân Miến đánh tan. Đội quân xâm lược của Minh Thụy bị tấn công từ nhiều hướng, tan tác tháo chạy về Vân Nam.



Lần thứ tư, năm 1769, vua Càn Long lệnh cho Thái thú Vân Nam là A Lý Cổn thu thập thêm quân tình nguyện lưu vong người Miến, người Shan, bổ nhiệm Phó Hoằng làm chủ tướng, chia thành 3 đạo quân tiến đánh Miến Điện bằng đường thủy và đường bộ để rửa hận. Vua Hsinbyushin điều động 4 đạo quân nghênh chiến.

Sau các cuộc giao tranh ác liệt trên bộ và trên sông, quân Thanh vượt sông đánh chiếm Bhamo, dựng pháo đài lớn giữa Bhamo và Kaungton, dùng thủy quân xuôi thuyền bắn phá Kaungton.

Từ kinh đô Inwa, thủy quân Miến ngược dòng tiêu diệt toàn bộ chiến thuyền quân Thanh, ba đạo quân khác của Miến Điện chặn đánh các tuyến liên lạc của địch rồi vây chặt pháo đài quân Thanh. Quân Thanh bị kẹp giữa vòng vây trùng điệp, bị đói khát và bệnh tật hoành hành, các tướng Thanh buộc phải xin hàng. Tổng chỉ huy quân Miến là Maha Thihathura chấp thuận, hai bên ký Hiệp ước hòa bình với các nội dung:

- Trung Quốc giao nộp tất cả các phần tử phản loạn người Miến trốn trong lãnh thổ Vân Nam.

- Trung Quốc cam kết tôn trọng chủ quyền của Miến Điện đối với các quốc gia Shan.

- Hai nước trao đổi tù binh.

- Hai nước duy trì quan hệ buôn bán, trao đổi thường kỳ các sứ đoàn, quà tặng hữu hảo.

Quân Thanh chất đống đại bác đốt cho nóng chảy trước mặt quân Miến rồi rút về nước. Trên đường về, nhiều binh lính Thanh chết vì đói khát, kiệt sức và bệnh tật. Tuy nhà Thanh sau đó lật lọng,  không chịu trao trả tù binh nhưng từ đó không dám nghĩ tới cuộc viễn chinh thứ năm.

Vua Hsinbyushin không hài lòng với việc tướng Maha Thihathura tha bổng quân Thanh, ông ra lệnh đày tướng Maha Thihathura lên vùng cao nguyên Shan, các chỉ huy khác thì bị phạt đứng phơi nắng ở cổng Tây cung điện suốt 3 ngày.

Bốn cuộc kháng chiến thắng lợi chống xâm lược Thanh được coi là một trong những trang sử vẻ vang nhất của nhân dân Miến Điện.



II. THỜI KỲ ĐẾ QUỐC THỰC DÂN CAI TRỊ

1. Chiến tranh Anh – Miến lần thứ nhất (1824 – 1826) và Hiệp ước Yandabo

Năm 1819, Anh chiếm xong Singapore, năm 1820 Anh thôn tính Nepal. Miến Điện trở thành đối tượng xâm lược của Anh. Căng thẳng giữa vương triều phong kiến Miến Điện với Anh ngày một gia tăng sau khi xảy ra tranh chấp giữa hai bên tại đảo Xahpuri giữa sông Naaf – biên giới tự nhiên giữa bang Rakhine (Miến Điện) và Vùng Bengan (thuộc địa Anh).

Ngày 5/3/1824, quân đội thực dân Anh gây hấn và tuyên chiến với Miến Điện. Quân Anh từ các hải cảng Ấn Độ bất ngờ đổ bộ đánh chiếm Yangon và các khu vực xung quanh. Quân đội Miến Điện trang bị bằng súng trường thô sơ và súng đại bác chế tạo từ thế kỷ XVII không thể chống trả súng máy, đại bác hiện đại và tàu chiến của quân Anh. Thừa thắng, đầu năm 1825 quân Anh ngược dòng sông Ayeyarwady tràn vào Rakhine, sau đó tiến đến Yandabo chỉ cách kinh đô Inwa 80 dặm. Miến Điện thua trận. Ngày 24/6/1826 buộc phải chấp nhận ký kết với Anh Hiệp ước Yandabo, nhượng cho Anh các vùng lãnh thổ Rakhine, Taninthayi và Atxam.



2. Chiến tranh Anh – Miến lần thứ hai (1852 - 1853) và các Hiệp ước 1862, 1867

Tháng 8 năm 1851, trước sự lộng hành của các thương gia người Anh, vua Pagan Min chấp thuận đề nghị của Thủ hiến Yangon bắt giam 2 viên thuyền trưởng người Anh về tội giết người. Lúc này thực dân Anh đã bình định xong người Sikh ở Ấn Độ, coi đây là cơ hội thuận lợi để tấn công Miến Điện.

Ngày 18/1/1852, Lambert - Phó tư lệnh hải quân Anh gửi tối hậu thư cho triều đình Miến Điện đưa ra những đòi hỏi trắng trợn và phi lý. Vua Pagan Min biết rõ sự thua kém về quân sự của Miến Điện nhưng không thể nhịn nhục, đành chấp nhận chiến tranh.

Từ tháng 2 năm 1852, bộ binh Anh và lính đánh thuê Ấn Độ được hải quân và đại bác yểm trợ liên tục mở các chiến dịch tấn công chiếm đóng Yangon, Bassein, Bago rồi theo dòng sông Ayeyarwady tấn công về phía kinh thành Miến Điện.

Giữa lúc đó, triều đình Miến Điện xảy ra binh biến giữa phái chủ chiến và phái chủ hòa. Thái tử Mindon cầm đầu phái chủ hòa thắng thế. Mindon lên ngôi vua. Ngày 31/3/1853, triều đình Miến Điện đàm phán với Lambert. Hai bên thỏa thuận tạm ngừng chiến sự vào ngày 30/6/1853. Cuộc chiến tranh lần thứ hai tự kết thúc.

 Trong cuộc chiến tranh lần hai, thực dân Anh mở rộng vùng đất chiếm đóng tới toàn bộ Yangon, Taungoo và vùng đồng bằng Irriawaddy rộng lớn. Về phía Miến Điện không chỉ gặp phải đối thủ có vũ khí và tàu chiến hiện đại, có nhiều kinh nghiệm chinh phạt mà quan trọng hơn là nội bộ triều đình Miến Điện lục đục, thiếu một vị minh quân tài ba như các vị vua trước đây.

Sự hèn kém nhu nhược của triều đình Miến Điện khiến đất nước và nhân dân Miến Điện phải trả giá đắt bởi các Hiệp ước bất bình đằng năm 1862 và năm 1867, trong đó người Anh không chỉ được hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi về buôn bán và còn được hưởng quyền “bất khả xâm phạm” trên lãnh thổ Miến Điện.



3. Chiến tranh Anh – Miến lần thứ ba (1885)

Sau khi chuyển kinh đô về Mandalay năm 1857, vua Thibaw Min - vị vua cuối cùng của vương triều Miến Điện lên nắm quyền năm 1878 nhưng trên thực tế quyền kiểm soát đất nước lại nằm trong tay các sứ quân cát cứ. Bất lực, vua Thibaw Min tìm đến sự giúp đỡ của người Pháp nhưng không thành.

Lợi dụng tình hình rối loạn ở Miến Điện và lo sợ sự can thiệp của Pháp sẽ ảnh hưởng đến độc quyền về gỗ Teak, tháng 10 năm 1885 toàn quyền Anh ở Ấn Độ là Dufferin lợi dụng cuộc tranh chấp giữa Miến Điện với một công ty gỗ của Anh khi chính quyền Miến Điện buộc tội công ty này khai thác gỗ bất hợp pháp, kiếm cớ tấn công vào kinh đô Mandalay.

Với lực lượng quân đội hùng hậu và trang bị hiện đại, từ ngày 17/11/1885, chỉ sau 2 tuần giao tranh quân Anh đã chiếm được Mingla, Bagan, Myingan. Ngày 27/11/1885, vua Thibaw Min ra lệnh đầu hàng. Ngày 28/11/1885, quân Anh tràn vào kinh đô Mandalay. Ngày 29/11/1885, vua Thibaw Win cùng hoàng hậu và gia quyến bị quân Anh đưa lên tàu thủy lưu đày sang Ấn Độ. Cuộc chiến tranh Anh – Miến lần thứ 3 kết thúc nhanh chóng. Thực dân Anh hoàn thành kiểm soát nốt Mandalay và miền Bắc Miến Điện.

Chiến thắng lần thứ 3 này của người Anh không chỉ đảm bảo cho thực dân Anh quyền xuất khẩu gỗ Teak, gạo, đá quý, dầu khí mà còn giúp thực dân  Anh hoàn tất việc áp đặt cai trị trên toàn bộ lãnh thổ Miến Điện.

Năm 1886, thực dân Anh sát nhập Miến Điện thành một Bang của Ấn Độ thuộc Anh (người Miến gọi đó là “thuộc địa của thuộc địa”).



III. ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP (1886 -1948)

            Hơn nửa thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Anh, nhân dân Miến Điện đã sử dụng 2 hình thức đấu tranh Nghị trường và đấu tranh vũ trang để giành độc lập dân tộc. Những sự kiện đáng chú ý trong thời kỳ này là:

            Sau nhiều năm kiên trì đấu tranh trên Nghị trường, ngày 1/4/1937, thực dân Anh phải đồng ý tách “Bang Miến Điện” ra khỏi Ấn Độ, Miến Điện được thành lập một chính phủ riêng dưới sự quản lý của Toàn quyền Anh. Tuy chỉ độc lập trên danh nghĩa hành chính, nhưng việc Miến Điện tách ra khỏi Ấn Độ đã chấm dứt thời kỳ “thuộc địa của thuộc địa” và được coi là một thắng lợi tinh thần quan trọng của nhân dân Miến Điện trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Anh.



Rất nhiều công trình kiến trúc kiểu Anh còn lại ở thủ đô (cũ) Yangon

Ngày 28/12/1941, sau khi quân đội Nhật Bản đổ bộ vào cực Nam Miến Điện tuyên chiến với quân  Anh, quân đội quốc gia Miến Điện (Burma National Army) được thành lập dưới sự chỉ huy của tướng Aung San và các đồng đội được đào tạo quân sự tại Nhật Bản. Quân đội quốc gia Miến Điện phối hợp với quân Nhật vừa dẫn đường vừa tấn công, truy kích quân Anh. Cuối tháng 5 năm 1942, chỉ sau nửa năm giao chiến, quân đội Nhật Bản và BNA đã đánh đuổi quân Anh, Ấn và quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ra khỏi Miến Điện.

Trước tình hình Phát xít Nhật lật lọng, không trao trả độc lập cho Miến Điện, ngược lại còn thực hiện chính sách thống trị dã man và vơ vét tài nguyên của Miến Điện. Ngày 6/8/1944, Quân đội quốc gia Miến Điện và các lực lượng yêu nước khác thành lập “Liên đoàn nhân dân chống phát xít” –APFL - do tướng Aung San làm Chủ tịch tiến hành khởi nghĩa chống Nhật và hợp tác với quân Đồng Minh cùng đánh đuổi quân Nhật. APFL ra điều kiện và được quân đội Anh chấp nhận “cam kết trao độc lập cho Miến Điện ngay sau khi kết thúc chiến tranh”. Ngày 12/8/1945 quân Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện và rút khỏi Miến Điện.

Với sự đấu tranh khôn khéo và cương quyết của tướng Aung San chống lại âm mưu của thực dân Anh muốn tiếp tục thống trị Miến Điện, ngày 27/1/1947, Anh buộc phải ký với Miến Điện Hiệp ước Aung San – Attlee, công nhận nội các Aung San là chính phủ Miến Điện lâm thời có quyền lực của một Nội các tự trị.

Thực dân Anh hy vọng vẫn giữ được ảnh hưởng ở Miến Điện và từng bước chuyển giao chính quyền trong vòng 10 năm, nhưng đầu tháng 4 năm 1947, trước sự ngỡ ngàng của người Anh, Miến Điện đã tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến, tuyên bố Miến Điện từ bỏ Khối cộng đồng Anh. Tướng Aung San được Quốc hội bầu làm Thủ tướng chính phủ lâm thời

Trong khi cả đất nước Miến Điện đang háo hức chờ đợi ngày độc lập thì ngày 19/7/1947, Thủ tướng Aung San cùng 7 Bộ trưởng trong tân Nội các bị ám sát. Cả đất nước Miến Điện choáng váng. Năm đó Aung San mới 32 tuổi và Aung San Suu Kyi - con gái út của ông mới 2 tuổi. Nghi phạm phía sau vụ ám sát Thủ tướng Aung San và 7 Bộ trưởng là lực lượng đối lập trong Quốc hội do U Saw là thủ lĩnh. Năm 1948, trước sự công phẫn của nhân dân Miến Điện, U Saw bị nhà cầm quyền Anh xử án, kết tội và treo cổ.

Sau khi Aung San chết, Thống đốc Anh mời chủ tịch Quốc hội U Nu đứng ra lập Nội các mới. Ngày 24/9/1947, Hội đồng lập pháp Miến Điện thông qua Hiến pháp mới, đặt tên nước là “Liên bang Miến Điện”.

Về vấn đề độc lập của Miến Điện, sau các cuộc hội đàm kéo dài, ngày 17/10/1947, Hiệp ước giữa chính phủ Anh và nội các Miến Điện đã được hai Thủ tướng Attlee và U Nu ký kết , tại London, trong đó Anh công nhận Miến Điện là quốc gia hoàn toàn độc lập, có chủ quyền.

Ngày 4/1/1948, vào lúc 4 giờ sáng – giờ Hoàng đạo theo các nhà chiêm tinh Miến Điện chọn – trước khi mặt Trời mọc, dưới ánh sáng lung linh huyền ảo tỏa ra từ chùa vàng Shwe Dagon ở Thủ đô Yangon, nhân dân Miến Điện hân hoan đón chào lễ độc lập. Lá cờ Anh từ từ hạ xuống sau gần một thế kỷ ngạo nghễ tồn tại, thay vào đó là quốc kỳ Miến Điện từ từ lên cao đón gió tung bay, mở đầu kỷ nguyên độc lập thật sự của đất nước Chùa Vàng.

Từ đó trở đi, các chính phủ Miến Điện dù là dân sự hay quân sự đều lấy ngày mồng Bốn tháng Một hàng năm là Ngày Độc lập của Miến Điện.



CCP



-------




Bài 3:  Bốn mươi năm sau độc lập và hai cuộc đảo chính quân sự (1948-1988)



I. MIẾN ĐIỆN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG U NU  (1948 -1962)

U Nu là Thủ tướng dân sự đầu tiên của Miến Điện sau khi độc lập, ông cũng là tín đồ trung thành của Phật giáo và rất tôn sùng Chủ nghĩa Max. Thủ tướng U Nu đã vận dụng triết lý đạo Phật và triết học Maxit để quản lý chính quyền Nghị viện dân chủ đa đảng và lãnh đạo Liên bang Miến Điện  trong suốt thời gian từ 1948 đến 1962.

Tuy nhiên, Thủ tướng U Nu không phát huy được sức mạnh đoàn kết dân tộc như cố Thủ tướng Aung San; không đủ uy tín để tập hợp các đảng phái trong chính phủ Liên bang. Ngược lại, Thủ tướng U Nu đã thi hành chính sách tôn giáo thiên vị đạo Phật khiến các tôn giáo khác và các dân tộc thiểu số bất mãn; đồng thời thực hiện chính sách phát triển kinh tế kế hoạch, duy ý chí khiến đất nước Miến Điện bị kiệt quệ sau chiến tranh và vốn phức tạp về sắc tộc càng nghèo khổ và phức tạp hơn.

Trong 14 năm cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng U Nu phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.

1. Nội chiến

Từ tháng 3/1948, do đói nghèo sau chiến tranh lại được Đảng cộng sản cờ trắng (Thời kỳ này, Đảng cộng sản Miến Điện phân hóa thành 2 đảng: ĐCS cờ trắng và ĐCS cờ đỏ) tuyên truyền kích động, hàng nghìn nông dân ở miền Nam Miến Điện đã khởi nghĩa vũ trang chống lại chính phủ, cuộc khởi nghĩa kéo theo các cuộc nổi dậy của một số đơn vị quân đội có nhiều binh lính là dân tộc thiểu số.

            Tiếp đó, Liên minh dân tộc Karen đòi thành lập quốc gia Karen riêng bao gồm toàn bộ dải lãnh thổ cực Nam Miến Điện. Yêu sách đó không được chính phủ U Nu chấp nhận, Liên minh dân tộc Karen quyết định sử dụng vũ lực chống lại chính phủ trung ương. Tháng 12 năm 1947, dân tộc Mon cũng thành lập Mặt trận thống nhất Mon, liên kết với Liên minh dân tộc Karen công khai chống lại chính phủ U Nu, đánh chiếm nhiều làng mạc, thị trấn, thành phố ở phía Nam Miến Điện.

            Tháng 9 năm 1948, người Karen và Padaung ở phía Nam các quốc gia Shan cũng nổi dậy chống lại chính phủ Liên bang. Sau nhiều cuộc giao chiến đẫm máu với quân chính phủ, ngày 20/3/1949, người Karen tuyên bố thành lập quốc gia riêng.

            Tại Vùng Rakhine, xung đột xảy ra giữa các tín đồ đạo Phật và tín đồ đạo Ixlam được người Anh ủng hộ. Tháng 8 năm 1948, người Ixlam khởi nghĩa, phong trào phát triển nhanh chóng, đến giữa năm 1949 họ kiểm soát hầu hết miền Bắc Miến Điện.

            Đầu năm 1949 là thời kỳ đầy khó khăn đối với chính phủ U Nu. Giao thông liên lạc giữa chính phủ Liên bang với miền Bắc chỉ có thể thực hiện được bằng máy bay. Chính phủ của Thủ tướng U Nu bất lực trong ổn định tình hình đất nước, nhiều Bộ trưởng xin rút khỏi Nội các. U Nu đưa tướng Ne Win lên làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ. Mùa hè năm 1949, Ne Win đi Anh và Mỹ xin viện trợ tài chính và vũ khí để trấn áp các lực lượng nổi dậy.

            2. Thâm nhập và phá hoại của tàn quân Quốc dân đảng

Tháng 12 năm 1949, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến vào giải phóng tỉnh Vân Nam, tàn quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch do Lý Mật cầm đầu gồm 1.600 lính thuộc Quân đoàn 8 và Quân đoàn 26 chạy từ Vân Nam sang Miến Điện kết hợp với Sư đoàn 93 lưu lại phía Bắc Miến Điện từ Chiến tranh thế giới lần 2. Lực lượng vũ trang tại chỗ của chính phủ Miến Điện yêu cầu giải giáp nhưng chúng không chịu. Bị tấn công xua đuổi, chúng trụ lại tại Mong Hxat ở biên giới Miến – Thái, sau đó chuyển về lập căn cứ ở Mông Dương gần biên giới Trung Quốc, tuyển thêm binh lính địa phương nâng quân số lên 12.000 tay súng.

            Lúc này, Mỹ đã công khai ủng hộ Đài Loan chống Trung Quốc. Lực lượng quân đội Quốc dân đảng ở Miến Điện được Mỹ dùng máy bay C.46, C.47 bay từ Đài Loan đến thả dù tiếp tế vũ khí, trang thiết bị quân sự, nhu yếu phẩm. Mục đích của Mỹ và Đài Loan sử dụng lực lượng Quốc dân đảng ở Miến Điện tấn công quấy nhiễu phía Nam Trung Quốc, ngăn cản “làn sóng cộng sản” tràn xuống Đông Nam Á.

            Cuối năm 1951, lực lượng Quốc dân đảng xây dựng xong đường băng sân bay dã chiến ở Mong Xrat, trực tiếp nhận tiếp tế từ Đài Loan, mở rộng phạm vi hoạt động và liên lạc hợp tác với quân khởi nghĩa Karen.

            Tháng 9 năm 1952, Lý Mật ký Hiệp ước giúp đỡ lẫn nhau giữa Quốc dân đảng và Tổ chức quốc phòng Karen, thành lập “Quân đội hợp nhất các dân tộc tự do Đông Nam Á” có sự tham gia của lực lượng Quốc dân đảng.

            Lợi dụng việc quân đội chính phủ Liên bang tập trung đánh lực lượng Đảng cộng sản cờ trắng, Quốc dân đảng mở rộng quyền kiểm soát nửa Đông các quốc gia Shan, thượng nguồn sông Thanlwin, thực hiện kiểm soát, thu thuế, bắt lính ở khu vực này.

            Sự tồn tại và hoạt động quấy phá của tàn quân Quốc dân đảng kéo dài suốt 3 thập kỷ 50, 60, 70, của thế kỷ XX, gây nhiều thiệt hại và khó khăn cho chính phủ Miến Điện. Quân đội Miến Điện nhiều lần tấn công kể cả dùng không quân nhưng không thể tiêu diệt được lực lượng Quốc dân đảng. Chỉ đến khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (1/1/1979), lực lượng Quốc dân đảng mới tan rã dần, một số trở về Đài Loan, một số chuyển thành dân địa phương, thổ phỉ   v.v...

3. Kinh tế xã hội

            Thủ tướng U Nu chủ trương “nền kinh tế thực dân phải được thay thế bằng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, xây dựng trên nguyên tắc người lao động cùng nhau gắng hết sức mình làm việc theo khả năng để biến nguồn lợi thiên nhiên thành của cải tiêu dùng trong đó mỗi người đều được quyền hưởng theo nhu cầu của họ”; Ông cho rằng, "lựa chọn của Miến Điện là kết hợp xây dựng chủ nghĩa xã hội với đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo. Chủ nghĩa xã hội mang lại đầy đủ về vật chất, phục hưng Phật giáo mang lại niềm tin giải thoát. Triết học Macxit không đối lập với tôn giáo, nó bàn về các việc trần thế và tìm cách làm thỏa mãn các nhu cầu vật chất của cuộc sống. Triết học Phật giáo gắn với giải pháp về các vấn đề tình thần”.

            Dựa trên kết quả điều tra về thực trạng kinh tế Miến Điện sau chiến tranh do chính phủ Miến Điện thuê các chuyên gia Mỹ tiến hành năm 1951, tháng 8 năm 1952 chính phủ Liên bang triệu tập Hội nghị kinh tế gồm nhiều đảng phái tham gia, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn mang tên Pidotha, nghĩa là “đất nước phồn vinh”.

            Kế hoạch Pidotha kéo dài trong 8 năm, chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 4 năm với tổng số 196 mục tiêu, trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 1960 nâng tổng sản lượng nông nghiệp lên 30% so với trước chiến tranh, tức là tăng 70% so với năm 1952, GDP tăng 60% so với năm 1952, GDP bình quân đầu người tăng 40% so với trước chiến tranh.     

Trên thực tế, chính sách và các biện pháp phát triển kinh tế kế hoạch của chính phủ U Nu mang nặng tính chủ quan duy ý chí nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Kế hoạch chia ruộng đất cho nông dân không thành công vì Ủy ban ruộng đất ở nông thôn không hoàn toàn thuộc về nông dân, có cả phú nông và địa chủ tham gia.

Kế hoạch công nghiệp hóa cũng thất bại do thiếu vốn, thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật, thiếu điện sản xuất. Năm 1955, sản lượng điện của Miến Điện chỉ bằng 15% trước chiến tranh, nhiều khu mỏ quan trọng nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng nổi dậy.

Năm 1955, chính phủ U Nu quyết định hủy bỏ kế hoạch Pidotha thay vào đó là kế hoạch 4 năm với 85 mục tiêu. Trọng tâm của kế hoạch này chỉ tiếp tục đầu tư vào những dự án then chốt; tập trung hoàn thành các dự án sắp thực hiện xong; nâng cao tầm quan trọng của nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác quặng xuất khẩu; ổn định tài chính; chú trọng đào tạo cán bộ quản lý; cho phép các doanh nghiệp khai mỏ được liên doanh với nước ngoài dưới sự điều hành của người nước ngoài v.v…

Tuy chính sách điểu chỉnh kinh tế của chính phủ U Nu đã thực tế hơn, nhưng vẫn không vực dậy nổi nền kinh tế bị suy thoái toàn diện.

            Tài liệu lưu trữ của Miến Điện cho biết, cuối thập kỷ 50, gần mười năm sau khi giành độc lập, dân số Miến Điện tăng 21% nhưng tổng thu nhập quốc dân chỉ bằng 81% trước chiến tranh. Dự trữ ngân sách trao đổi với nước ngoài giảm từ 210 triệu Kyat xuống còn 92 triệu Kyat. Đến năm 1961, sản lượng lúa gạo của Miến Điện chỉ đạt 93% so với trước chiến tranh, kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng chỉ đạt ¼, chỉ có 31/85 mục tiêu kinh tế của chính phủ được hoàn thành.

            Trong khi chính phủ của Thủ tướng U Nu chưa tìm ra biện pháp khắc phục hậu quả của Kế hoạch Pidotha và Kế hoạch 4 năm, thì từ giữa thập kỷ 50, đất nước Miến Điện lại lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị mới.

4. Khủng hoảng chính trị, xã hội

            Thất bại trong các mục tiêu kinh tế xã hội cộng với tình trạng tha hóa nghiêm trọng trong đội ngũ quan chức khiến cho uy tín của chính phủ U Nu giảm sút nhanh chóng.

            Ngày 20/8/1958, Thủ tướng U Nu triệu tập Quốc dân đại hội với sự tham gia của tất cả các đảng phái nhằm mục đích thảo luận và đưa ra một “Hiến chương về nền dân chủ”. Cuộc thảo luận bất thành, các đảng phái yêu cầu họp Quốc hội. Trong hoàn cảnh bế tắc đó, U Nu đã đi một nước cờ táo bạo: tạm trao quyền cho quân đội.

            Ngày 26/9/1958, Thủ tướng U Nu ủy quyền cho tướng Ne Win tạm nắm quyền điều hành chính phủ. Theo thỏa thuận, tướng Ne Win sẽ lập một chính phủ quân sự tạm quyền hoạt động đến tháng 4 năm 1959 với nhiệm vụ khôi phục trật tự xã hội, tạo ra những điều kiện tốt nhất cho cuộc tuyển cử tự do.

            Ngày 28/10/1958, U Nu từ nhiệm, Viện Dân biểu bầu Ne Win làm Thủ tướng. Chính phủ tạm quyền gồm 14 thành viên. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ne Win mở chiến dịch vây bắt, thanh trừng các lực lượng đối lập. Liên đoàn “Trong sạch” của U Nu đổi tên thành đảng Liên bang.

            Tháng 2 năm 1960, Miến Điện bầu cử Quốc hội, đảng Liên bang thắng cử với 60% phiếu bầu. Ngày 4/4/1960, U Nu tái nhiệm ghế Thủ tướng và kiêm nhiệm 7 ghế Bộ trưởng trong chính phủ mới. Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm về đường lối chính trị và xây dựng kinh tế, đảng Liên bang đã chia rẽ thành 2 phe. Thủ tướng U Nu bất lực trong giải quyết bất đồng giữa 2 phe, tại đại hội đảng Liên bang ngày 27/1/1961, U Nu buộc phải từ chức Chủ tịch đảng.

            Ngoài những bế tắc về chính trị, kinh tế, Miến Điện thời kỳ này còn phải đối mặt với những vấn đề gay gắt về tôn giáo và sắc tộc.

            Từ tháng 9 năm 1959, tại Đại hội của Liên đoàn “Trong sạch”, Thủ tướng U Nu cam kết sẽ nâng Phật giáo thành Quốc đạo. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1960, U Nu lại hứa hẹn điều đó với các cử tri. Khi trở lại nắm quyền, ông bắt tay vào thực hiện cam kết. Ngày 17/7/1961, chính phủ U Nu thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ghi rõ: “Phật giáo là tôn giáo của đa số công dân Liên bang Miến Điện, là tôn giáo quốc gia”. Tiếp đó Quốc hội ban hành “Đạo luật về tôn giáo quốc gia”, quy định cả nước nghỉ làm việc trong những ngày lễ của Phật giáo, Nhà nước tạo điều kiện giảng dạy Phật giáo trong các trường học khắp cả nước, mở các trường tiểu học trong các Tu viện Phật giáo, mở các chương trình chuyên đề về Phật giáo trên các đài phát thanh.”

            Đạo luật này là giọt nước làm tràn ly nước, gây nên cuộc xung đột mới về tôn giáo ở Miến Điện. Cộng đồng Hồi giáo, Hội đồng Baptist Miến Điện, Vật linh giáo và các tôn giáo khác ở các Bang Shan, Kachin… đều tuyên bố không chấp hành Đạo luật của Quốc hội. Tháng 2 năm 1962, “Liên minh các dân tộc thiểu số có tôn giáo riêng” được thành lập để chống lại chính phủ Liên bang.

             Miến Điện có 135 sắc tộc khác nhau. Vấn đề tôn giáo kéo theo vấn đề dân tộc. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tộc thiểu số Mon, Rakhine, Rohinga, Chin, Shan… với nhiều tôn giáo khác nhau liên tiếp nổi lên đòi hỏi thành lập quốc gia tôn giáo riêng và tách ra khỏi chính phủ Liên bang.

            Thủ tướng U Nu không đưa ra được giải pháp nào. Tình hình xã hội Miến Điện ngày càng rối ren. Ngày 24/2/1962, Thủ tướng U Nu triệu tập đại diện các đảng phái chính trị và đại diên các dân tộc trao đổi về vấn đề chế độ Liên bang cũng là vấn đề thống nhất của Miến Điện. U Nu kêu gọi các đảng phái cố gắng giải quyết vấn đề với tình thần gia đình. Lời kêu gọi của ông không được các lực lượng đối lập hưởng ứng.

            Lo ngại trước diễn biến ngày càng xấu đi của tình hình đất nước, lực lượng quân đội đứng đầu là tướng Ne Win quyết định ra tay.

            Đêm mồng 1 rạng sáng ngày 2/3/1962 một nhóm tướng lĩnh Miến Điện do Tổng tham mưu trưởng - Đại tướng Ne Win cầm đầu tiến hành cuộc đảo chính quân sự, bắt giữ Thủ tướng U Nu cùng toàn bộ Nội các, các thủ lĩnh đảng cầm quyền, chủ tịch Liên bang Uyn Maung và đại diện các dân tộc đang tham dự thảo luận về thể chế Liên bang.

            9 giờ sáng ngày 2/3/1962, đài phát thanh Miến Điện thông báo, chính quyền Nhà nước Liên bang Miến Điện đã nằm trong tay Hội đồng cách mạng do Đại tướng Ne Win làm Chủ tịch. Ne Win nói: "Tôi xin thông báo với toàn dân rằng, lực lượng vũ trang đã đảm đương trách nhiệm và nhiệm vụ duy trì an ninh trong nước do tình hình tồi tệ tồn tại trong Liên bang."

            Chế độ Dân chủ đại nghị của Miến Điện thời Thủ tướng U Nu kết thúc sau 14 năm tồn tại mà không đạt được kết quả như mục tiêu đề ra ban đầu. Các nhà sử học Miến Điện ghi nhận trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng U Nu, Miến Điện chỉ có 2 điểm sáng là:

* Năm 1959 -1960, Miến Điện đứng đầu Châu Á về xuất khẩu lương thực, đạt mốc kỷ lục xuất khẩu được 3 triệu tấn gạo. Từ đó về sau Miến Điện chưa bao giờ lập lại kỷ lục này.

* Đất nước Miến Điện đã đóng góp cho thế giới một chính khách xuất chúng, đó là U Thant - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.[4]



II. MIẾN ĐIỆN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG NE WIN (1962 -1988)

1. Chế độ chính trị mới

Sau cuộc đảo chính thành công, ngày 2/3/1962, Hội đồng cách mạng Miến Điện ban lệnh giải tán Quốc hội, Toà án tối cao và các Hội đồng nhà nước dân tộc Shan, Kachin, Karen, Kaya, Chin. Hiến pháp 1947 tuy không bị bãi bỏ nhưng đã bị vi phạm. Hội đồng cách mạng trở thành cơ quan Lập pháp.

Ngày 15/3/1962, Hội đồng cách mạng chỉ định tướng Ne Win là Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Thủ tướng kiêm các chức Bộ trưởng Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp. Hội đồng cách mạng còn giao cho tướng Ne Win toàn quyền xử lý về Lập pháp, Hành pháp.

Ngày 4/7/1962, Hội đồng cách mạng công bố thành lập Đảng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa Miến Điện (Burma Socialist Programme Party – BSPP). Điều lệ của BSPP khẳng định, Đảng phấn đấu cho các mục tiêu thiết lập nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, lấy “con đường Miến Điện tiến lên chủ nghĩa xã hội” làm cương lĩnh; tập hợp toàn bộ quần chúng công nông cũng như trí thức quan tâm đến lợi ích chung và mưu sinh bằng các nghề không bóc lột.

Ngày 1/1/1974, chính phủ Ne Win công bố Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp 1947, đặt tên nước là “Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện”, khẳng định “Đảng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa Miến Điện” là chính đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia”. Các nội dung dân chủ của Hiến pháp 1947 đều bị bãi bỏ.

Với chính sách cai trị đó, trên đất nước Miến Điện đã hình thành một hệ thống chính trị hoàn toàn mới, khác hẳn “chế độ dân chủ đại nghị” thời Thủ tướng U Nu, chế độ mới là một sự đồng nhất quyền lực Đảng và Nhà nước. Chính phủ Ne Win đã loại hẳn các đảng phái đối lập, thực hiện quản lý đất nước dựa trên sức mạnh của lực lượng quân đội và cảnh sát.

2. Cương lĩnh phát triển

            Ngày 30/4/1962, Hội đồng cách mạng Miến Điện công bố bản Cương lĩnh "Con đường Miến Điện tiến lên chủ nghĩa xã hội".

            Cương lĩnh định ra những chuẩn mực mới về chủ nghĩa xã hội với mục tiêu xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kế hoạch hoá. Cương lĩnh quy định “những tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp, công nghiệp, phân phối, vận tải, giao thông, thương mại…sẽ được quốc hữu hóa. Tất cả các phương tiện sản xuất phải là sở hữu của Nhà nước, của các Hợp tác xã hay doanh nghiệp tập thể. Mọi hình thức sở hữu phải hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch hóa quốc dân xã hội chủ nghĩa và phụ thuộc lẫn nhau”.

            Sau khi công bố Cương lĩnh “Con đường Miến Điện tiến lên chủ nghĩa xã hội”, tháng 1 năm 1963, Hội đồng cách mạng Miến Điện công bố tiếp Văn kiện mang tên “Hệ thống tương quan giữa con người với môi trường” – gọi tắt là “Triết học” với những quan điểm rất gần gũi với Chủ nghĩa Max, coi "lịch sử là một quá trình liên tục diễn ra đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp nảy sinh khi xuất hiện những mâu thuẫn giữa hệ thống sản xuất và tổ chức xã hội đang tồn tại. Con người là động lực thứ nhất của các chuyển biến lịch sử; trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, người lao động là lực lượng quyết định. Kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế kế hoạch phát triển tuân theo các quy luật khách quan…”         

3. Chính sách phát triển kinh tế     

Để thực hiện Cương lĩnh, ngày 19/10/1963, chính phủ Ne Win công bố "Luật quốc hữu hoá". Luật cho phép Chính phủ có quyền quốc hữu hóa bất kỳ xí nghiệp tư nhân nào thông qua bồi thường. Nhà nước độc quyền về thu mua, xuất nhập khẩu. Luật “Quốc hữu hóa” cũng cho phép Chính phủ mua lại các phần sở hữu của người nước ngoài để chuyển toàn bộ doanh nghiệp có vốn nước ngoài sang sở hữu Nhà nước; Ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng tư nhân Miến Điện được quốc hữu hóa thành “Ngân hàng nhân dân”, các cửa hiệu của ngoại kiều và tư nhân Miến Điện được kiểm kê và chuyển thành “Cửa hiệu nhân dân”.

“Luật quốc hữu hóa” vừa công bố đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của giới chủ tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó cơ chế hoạt động của hệ thống thương nghiệp quốc doanh thụ động, thiếu nguồn hàng, không đảm nhiệm được chức năng chỉ đạo, điều tiết giá cả. Hậu quả tất yếu là giá cả thị trường tăng vọt.

Trong lĩnh vực công nghiệp, việc quốc hữu hóa ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ cung cấp nguyên liệu sản xuất, nộp thuế cao…khiến sản xuất thiếu vốn, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa vì thua lỗ. Đối phó với tình trạng này, Nhà nước cấm đóng cửa các cơ sở sản xuất nếu không được phép, khuyến khích công nhân tự điều hành sản xuất ở những xí nghiệp mà giới chủ không chịu điều hành sản xuất.

Ngày 5/4/1962, Chính phủ Ne Win thông qua Sắc luật xóa bỏ chế độ lĩnh canh thu tô. Năm 1963 lại ban hành Luật cấm dùng bất kỳ tư liệu sản xuất nông nghiệp nào để thế nợ. Thay vào quan hệ địa chủ – tá điền, Nhà nước với tư cách người sở hữu tối cao về đất đai, trao quyền sử dụng đất cho nông dân, cho nông dân vay vốn sản xuất với lãi suất thấp, Nhà nước thu lợi tức dưới hình thức thuế nghĩa vụ. Tuy nhiên, chính sách khuyến khích này không đem lại hiệu quả vì số tiền nông dân được vay chỉ đủ 10% chi phí canh tác, Do vậy, năng suất nông nghiệp không tăng mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước càng tăng lên.

 Nhà nước còn chia cây trồng nông nghiệp thành 2 loại. Loại “trong kế hoạch” gồm 67 giống cây chỉ gieo trồng ở đất “trong kế hoạch”, không được phép gieo trồng các cây nông nghiệp khác trong thời vụ chính. Sự áp đặt máy móc này không phù hợp thực tế, vì vậy từ năm 1965, số cây trồng “trong kế hoạch” giảm dần, cuối cùng chỉ còn 19 loại cây trồng thông dụng nhất.

Nhà nước thực hiện độc quyền thu mua nông sản với giá thấp hơn thị trường tự do. Bù lại, Nhà nước bán sản phẩm đầu vào cho nông dân như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu với giá thấp. Nhưng nông dân không hứng thú vì chi phí đầu vào cao hơn giá thóc gạo.

Ngày 28/5/1970, Chính phủ Ne Win ban hành “Luật về Hợp tác xã”, quyết định thành lập các loại hình Hợp tác xã từ sản xuất nông nghiệp đến tiêu thụ, tín dụng, công nghiệp, đánh cá, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp…Từ năm 1971, cả nước hình thành 12.563 Hợp tác xã nông nghiệp với 3,8 triệu xã viên; 27 Hợp tác xã công nghiệp với 16.800 xã viên; 271 Hợp tác xã dịch vụ với 78.263 xã viên.

            Cương lĩnh tiến lên chủ nghĩa xã hội và chính sách duy ý chí về phát triển kinh tế áp dụng trong một quốc gia còn lạc hậu như Miến Điện không những không đem lại kết quả mong muốn mà còn gây ra nhiều hậu quả tai hại. Đến đầu thập kỷ 70, Miến Điện xuất hiện khủng hoảng kinh tế xã hội: diện tích canh tác nông nghiệp giảm 400.000 acre so với trước chiến tranh do đê điều chống ngập mặn hư hỏng không được sửa chữa và thiếu các công trình thủy lợi; nông dân không hứng thú sản xuất nông nghiệp do chính sách giá thu mua nông sản không hợp lý; xuất khẩu gạo (chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu) bị giảm mạnh Dự trữ ngoại tệ sụt giảm, nguồn thuế của Nhà nước cũng giảm do kim ngạch thương mại giảm. Ngân sách quốc gia thâm hụt nặng nề dẫn tới lạm phát. Năm 1975 – 1976, lạm phát của Miến Điện lên tới 35,5%. Nhà nước phải phân phối lương thực và hàng hoá tiêu dùng, đời sống nhân dân cả nước vô cùng khó khăn.

            Tháng 3 năm 1977, đảng “Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa Miến Điện” họp Đại hội lần 3, đề ra một chính sách mới cởi mở hơn về kinh tế đối nội và kinh tế đối ngoại, tìm các nguồn tài chính mới từ Ngân hàng thế giới (WB) để khắc phục khó khăn kinh tế. WB đồng ý cho Miến Điện vay tiền kèm theo các điều kiện chặt chẽ để bảo đảm khả năng phát triển và trả nợ.

            Trước đó, Liên Hợp Quốc đã xếp Miến Điện vào nhóm 30 nước kém phát triển nhất và coi viện trợ cho Miến Điện là rất cần thiết. Từ đó, Miến Điện nhận được khá nhiều viện trợ, vay, tặng từ các Tổ chức Quốc tế như IDA, ADB, UNDP, UNICEF và từ các nước Nhật, Đức, Na Uy, Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Italia... Từ năm 1974 – 1989, Miến Điện nhận được tất cả 4,5 tỉ USD viện trợ trong đó 3,1 tỉ USD từ các nước Phương Tây và 1,4 tỉ USD từ các Tổ chức quốc tế.

            Nhờ có các nguồn tài chính từ bên ngoài, cộng với chính sách phát triển nông nghiệp, công nghiệp cởi mở hơn trước, Ngân hàng Nhà nước hoạt động năng động hơn  v.v...., từ năm 1977, kinh tế quốc dân Miến Điện đã có dấu hiệu phục hồi, GDP tăng 1,5%. Đến năm 1980 – 1981, tăng trưởng kinh tế đạt 8,3%, trong đó nông nghiệp đạt 9%, công nghiệp đạt 5,8%.

            Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm khởi sắc, từ năm 1983 trở đi kinh tế quốc dân Miến Điện bắt đầu đi xuống với tốc độ mỗi năm một tăng. Nguyên nhân chủ yếu do chính phủ Ne Win phạm phải 2 sai lầm lớn về chính sách kinh tế:

            Sai lầm thứ nhất là, chính sách giá cả và phân phối các sản phẩm nông nghiệp.

            Chính phủ Liên bang thực hiện chính sách cứng nhắc trong thu mua thóc gạo. Suốt 8 năm từ 1981 tới 1987, chính phủ giữ nguyên giá thu mua thóc của nông dân trong khi giá thóc gạo trên thị trường tự do luôn biến động theo chiều hướng tăng. Giá xuất khẩu gạo của chính phủ luôn cao gấp 5 – 6 lần giá thu mua từ nông dân. Nhà nước sử dụng khoản tiền chênh lệch lớn này để bao cấp cho khu vực thành thị, công chức Nhà nước và lực lượng vũ trang.

            Chính sách bất hợp lý đó khiển cả nông dân và Nhà nước đều gặp khó khăn. Nông dân bất bình, phản ứng dưới nhiều hình thức như không tích cực sản xuất, không chịu bán đủ thóc quy định, đầu cơ tích trữ, bán giấu cho tư thương để xuất khẩu lậu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Về phía chính phủ, không những không thu mua được đủ lương thực như kế hoạch dự định, phải bù thêm kinh phí bao cấp cho các thành phần kinh tế khác, mà còn khiến đội ngũ cán bộ thu mua, xuất khẩu bị tha hóa, tham ô, biến chất. Nạn nhân cuối cùng chính là khối nhân viên dân sự, quân sự ăn lương của Nhà nước vì giảm sút thu mua lương thực tất yếu dẫn đến giảm bao cấp lương thực cho họ, giá lương thực tăng vọt không sao kiểm soát được. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1988, giá gạo tăng gấp 4 lần. Dân tình chao đảo.

            Sai lầm thứ hai là, phân phối không hợp lý tiền viện trợ và vay của nước ngoài.

Nguồn vốn vay mượn của bên ngoài được chính phủ phân phối đầu tư chủ yếu  cho các cơ sở công nghiệp, cơ sở hạ tầng lâu sinh lợi nhuận. Các xí nghiệp sản xuất cần vốn thì không được đáp ứng đầy đủ, không phát huy hết công suất máy móc. Năm 1988 -1989, các xí nghiệp quốc doanh thiếu vốn chỉ hoạt động được 30% công suất. Nhà nước tiếp tục gánh đỡ thâm hụt tài chính cho các doanh nghiệp quốc doanh. Từ năm 1984 -1988, 1/3 số thâm hụt đó được Nhà nước tài trợ bằng nguồn vốn vay bên ngoài, 2/3 còn lại là từ các Ngân hàng trong nước. Sức ép lạm phát càng tăng.

Hai sai lầm lớn trên trong chính sách phát triển kinh tế của chính phủ Ne Win dẫn đến hậu quả là mục tiêu kế hoạch 4 năm lần thứ tư (1982 – 1986) không hoàn thành, kinh tế suy thoái nặng nề, các chỉ số kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng âm: GDP: - 0,1%; Nông nghiệp: - 0,3%; Công nghiệp: - 0,2%, chỉ có dịch vụ tăng trưởng 0,2%.

Hậu quả tiếp theo là nợ nước ngoài tăng từ 20,4% GDP năm 1978 lên tới 45,2% GDP vào năm 1986. Khủng hoảng kinh tế xã hội khiến chính phủ Miến Điện không thể trả được nợ và lãi suất của nước ngoài ngày càng tăng theo thời gian. Để được hưởng quy chế tha nợ, tháng 12 năm 1987 chính phủ của Thủ tướng Ne Win buộc phải đề nghị và được Liên Hợp Quốc chấp thuận, xếp Miến Điện vào nhóm nước kém phát triển nhất thế giới. Điều này làm tổn thương nghiêm trọng tới quốc thể và tình thần tự tôn dân tộc của nhân dân Miến Điện.

4. Nội chiến

            Suốt 26 năm tồn tại, chính phủ Ne Win liên tục phải đối phó với sự nổi dậy có vũ trang của các quốc gia dân tộc Kachin, Shan, Karen, Mon, Liên minh các dân tộc thiểu số, lực lượng tàn quân Quốc dân đảng và lực lượng chống đối do cựu Thủ tướng U Nu cầm đầu [5].

            Các cuộc đàm phán giữa Hội đồng cách mạng với Đảng cộng sản cờ đỏ, Đảng cộng sản cờ trắng, Quân đội độc lập Kachin, Tổ chức quốc phòng Karen, Quân đội giải phóng quốc gia Shan… đều không đạt được kết quả mong muốn. Quân đội chính phủ tiếp tục tấn công truy quét các lực lượng khởi nghĩa. Các lực lượng khởi nghĩa bị tổn thất nhiều, tìm cách liên kết với nhau và liên lạc tìm sự trợ giúp của lực lượng quân đội Quốc dân đảng.

            Tháng 5 năm 1975, các đảng phái nhiều sắc tộc thiểu số liên kết với nhau thành lập "Mặt trân dân chủ dân tộc" chống lại chính phủ Liên bang, đòi thành lập các quốc gia dân tộc có đường biên giới rõ ràng và có chủ quyền về kinh tế, chính trị, văn hóa. "Mặt trận dân chủ dân tộc" có lực lượng vũ trang gồm 25.000 quân. Suốt nhiều năm sau, xung đột vũ trang giữa "Mặt trận dân chủ dân tộc" với quân đội chính phủ không ngừng xảy ra, tuy quân đội chính phủ chiếm ưu thế về lực lượng và vũ khí nhưng không thể tiêu diệt được các lực lượng nổi dậy. Nội chiến dai dẳng kéo dài hàng chục năm sau.

Cuộc nội chiến khốc liệt nhất là cuộc chiến giữa quân đội chính phủ Liên bang với lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản Miến Điện được bên ngoài hậu thuẫn có căn cứ ở các quốc gia Nam Shan vùng Đông Bắc Miến Điện giáp biên giới Trung Quốc.

Tháng 11 năm 1985, lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản Miến Điện từng đánh bại quân đội chính phủ Liên bang tại khu vực Hxi Hxi Wan bang Shan và bao vây phong tỏa cánh quân chi viện của chính phủ. Hội đồng cách mạng Miến Điện phải huy động 2 sư đoàn bộ binh sử dụng cả máy bay ném bom Pilatus và tên lửa 4 nòng 122 mm của Liên Xô mới đẩy lui được quân đội Đảng cộng sản Miến Điện.

 Đầu năm 1986, quân đội chính phủ thừa thắng tiến quân đánh chiếm Kyubok – vùng lãnh thổ rộng lớn do quân đội Đảng cộng sản Miến Điện kiểm soát. Tiếp đó quân đội chính phủ mở mặt trận thứ hai, vượt sông Thalwin tấn công vào tổng hành dinh Panghxang của quân đội cộng sản Miến Điện gần biên giới Trung Quốc. Chiến sự kéo dài đến giữa năm 1986 thì quân đội chính phủ tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân đội Đảng cộng sản Miến Điện[6]. Tàn quân và một số lãnh tụ Đảng cộng sản Miến Điện phải chạy trốn sống lưu vong ở nước ngoài, chấm dứt gần 50 năm tồn tại hoạt động chính trị và vũ trang Đảng cộng sản Miến Điện.  

5. "Sự kiện 8/8/1988" và sự sụp đổ của chính phủ Ne Win

Ngay từ giữa năm 1974, công nhân ở Thủ đô Yangon và các thành phố lớn bất mãn với cuộc sống đói nghèo đã nổi lên biểu tình đòi chính phủ Liên bang bù giá gạo, tăng lương, bãi bỏ luật cấm biểu tình. Chính phủ Ne Win ra lệnh cho quân đội đàn áp các cuộc biểu tình khiến sinh hoạt công cộng ở Thủ đô Yangon bị ngưng trệ suốt 5 tháng. Tháng 12 năm 1974, ở Yangon lại nổ ra xung đột giữa sinh viên với quân đội, cảnh sát xung quanh việc tổ chức tang lễ của U Thant – nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Giới trí thức và sinh viên Miến Điện muốn xây lăng U Thant tại khuôn viên Đại học Tổng hợp Yangon trong khi Chính phủ quyết định mai táng U Thant tại một nghĩa địa bình thường ở ngoại ô Yangon. Hậu quả là hơn 1.000 sinh viên bị bắt, 65 người bị kết án tù.

Năm 1975, sinh viên các trường đại học ở Yangon lại xuống đường biểu tình chống chính phủ, đốt phá hình nộm Ne Win. Hậu quả là 203 sinh viên bị kết án tù từ 4 - 9 năm, Chính phủ ra lệnh đóng cửa trường Đại học Tổng hợp Yangon và Đại học Tổng hợp Mandalay. Năm 1977, Chính phủ chuyển một số trường đại học về các Bang, Vùng xa các thành phố lớn nhằm hạn chế sinh viên tụ tập biểu tình.

Đầu năm 1988, trước thực tế khủng hoảng kinh tế xã hội, nội chiến kéo dài, quan chức tham nhũng, lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương sau khi biết Chính phủ cầu xin Liên Hợp Quốc “tha nợ”…, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1988 sinh viên các trường Đại học ở Yangon liên tục xuống đường biểu tình chống chính phủ Liên bang. Phong trào lan rộng ra các thành phố khác như Mandalay, Bago, Toongi, Mague, Molamayin, Akyab…Đáp lại, chính phủ Ne Win sử dụng biện pháp cứng rắn, huy động cảnh sát thẳng tay trấn áp, bắt bớ, khiến nhiều sinh viên và cảnh sát thiệt mạng. Chính phủ phải ra lệnh đóng cửa các trường Đại học và giới nghiêm ở Thủ đô Yangon.

Bất lực về an ninh chính trị trong nước và khó khăn kinh tế khiến Đảng cương lĩnh xã hội chủ nghĩa rạn nứt ở cấp cao. Ngày 23/7/1988 Đảng cương lĩnh xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đại hội bất thường, Chủ tịch đảng Ne Win tuyên bố từ bỏ chính trường, rút về tuyến sau với lý do sức khỏe. Quyền điều hành Chính phủ được giao cho Phó Chủ tịch Hội đồng cách mạng Xein Luyn với cương vị mới là Chủ tịch Đảng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa kiêm Thủ tướng. Ngay sau khi nắm quyền, Thủ tướng Xein Luyn ra lệnh bắt giam các nhân vật chống đối và công bố thiết quân luật vào ngày 3/8/1988.

Ngày 8/8/1988, nhân dân Thủ đô Yangon xuống đường biểu tình với quy mô lớn. Các thành phố lớn khác cũng hưởng ứng theo. Chính phủ Xein Luyn tung quân đội vào cuộc. Ngày 10 tháng 8, quân đội nổ súng vào đoàn biểu tình, máu đổ ở nhiều nơi, hàng nghìn người chết, bị thương và bị bắt giam.

Ngày 12/8/1988, Thủ tướng Xein Luyn từ chức, tướng Maung Maung lên thay, bãi bỏ thiết quân luật, rút binh lính khỏi các đường phố. Nhưng phong trào biểu tình của quần chúng vẫn tiếp diễn với sự tham gia của mọi thành phần xã hội. Cuối tháng 8 năm 1988, xảy ra cuộc nổi dậy ở nhà tù Insein, nhiều tù nhân trốn thoát.

Các tổ chức chính trị mới lần lượt ra đời. Ngày 28/8/1988 ra đời “Liên hiệp sinh viên toàn Miến Điện”. Ngày 29/8/1988, cựu Thủ tướng U Nu thành lập “Liên minh vì dân chủ và hòa bình”

Tháng 4 năm 1988, Aung San Suu Kyi 43 tuổi – con gái út cố Thủ tướng Aung San từ Luân Đôn trở về Miến Điện thăm mẹ ốm. Tại Yangon, Aung San Suu Kyi trực tiếp chứng kiến "sự kiện 8888" và quyết định ở lại trong nước cùng nhân dân Miến Điện đấu tranh chống lại chính quyền quân sự Miến Điện.[7]

Ngày 27/8/1988, Aung San Suu Kyi tham gia thành lập“Liên minh quốc gia đấu tranh vì dân chủ” (NLD) do Aung Gyi (thiếu tướng thời U Nu) làm Chủ tịch; Tin U (cựu Bộ trưởng Quốc phòng thời U Nu) làm Phó chủ tịch, Aung San Suu Kyi làm Tổng thư ký, để đối thoại trực tiếp với chính quyền quân sự, đòi bầu cử tự do để thành lập một chính phủ dân cử hợp hiến, hợp pháp. Ý tưởng này của NLD được các nước Phương Tây khuyến khích và được nhiều người cùng thế hệ với tướng Aung San ủng hộ.

Đầu tháng 9 năm 1988 phong trào biểu tình chống đối của sinh viên và nhân dân  lan rộng ra 50 thành phố lớn thu hút sự ủng hộ của nhiều quan chức trong chính phủ và đảng cầm quyền. Các lực lượng chống đối yêu cầu chính phủ từ nhiệm để tuyển cử tự do bầu chính phủ mới. Cựu Thủ tướng U Nu cũng lập một chính phủ lâm thời gồm 26 thành viên để sẵn sàng tranh cử.

Ngày 10/9/1988, đảng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa tuyên bố tán thành bầu cử đa đảng. Tướng Maung Maung tuyên bố sẽ cố gắng tổ chức bầu cử trong thời gian sớm nhất và cho biết các lãnh tụ Đảng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa sẽ không ra ứng cử. Ngày 14/9/1988, nhân dân Yangon biểu tình lớn đòi Chính phủ quân sự từ chức. Tướng Maung Maung ra lệnh cho các công chức trở về làm việc và tuyên bố khai trừ đảng tịch  những đảng viên tiếp tục tham gia biểu tình.

Giữa lúc tình hình đang căng thẳng, hỗn loạn và phức tạp, ngày 18/9/1988, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Saw Maung cùng các tướng lĩnh thân cận tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của Đảng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa Miến Điện sau 26 năm trị vì, thành lập Hội đồng khôi phục trật tự và pháp luật quốc gia (SLORC) gồm 19 thành viên do tướng Saw Maung làm Chủ tịch. Hội đồng nhà nước và Quốc hội cùng các Hội đồng địa phương bị giải tán.

Các nhà sử học Miến Điện ghi nhận, 26 năm tồn tại của chính phủ quân sự do Thủ tướng Ne Win đứng đầu là thời kỳ kinh tế xã hội Miến Điện kém phát triển nhất kể từ sau khi giành được độc lập. Trong thời kỳ này, Miến Điện chỉ có một điểm sáng duy nhất trong lĩnh vực thể thao cũng là niềm tự hào của nhân dân Miến Điện, đó là: 5 lần vô địch bóng đá Đông Nam Á (1965,1967,1969,1971,1973), 2 lần vô địch bóng đá Châu Á (1966, 1970) và 1 Huy chương vàng Cử tạ cùng Cúp Fair Play bóng đá tại Thế vận hội 1972.

III. MIẾN ĐIỆN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SAW MAUNG (1988 – 1992)

1. Khôi phục trật tự

Sau đảo chính, Đại tướng Saw Maung được Hội đồng khôi phục trật tự và pháp luật quốc gia bầu làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao.

Ngày 23/9/1988, Hội đồng khôi phục trật tự và pháp luật quốc gia tuyên bố đổi tên nước “Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện” thành “Liên bang Miến Điện”. Hội đồng khôi phục trật tự và luật pháp quốc gia ra thông cáo nêu rõ các mục tiêu của Chính phủ mới:

- Lập lại an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông liên lạc, giảm bớt khó khăn về lương thực, quần áo, nhà cửa của nhân dân, giúp đỡ các Hợp tác xã và tư nhân.

- Sau khi hoàn thành các mục tiêu trên, tiến hành Tổng tuyển cử đa đảng.

- Các đảng được phép thành lập để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử.

Thủ tướng Saw Maung hứa sẽ tổ chức tuyển cử để quân đội trao quyền cho đảng nào thắng cử; đồng thời cảnh cáo các phe chống đối chớ nên đưa ra yêu sách mới, chớ nên làm cho tình hỉnh căng thẳng. Nhiều sinh viên các trường đại học bị thất học đã rời bỏ các thành phố tới các vùng biên giới tham gia vào các lực lượng khởi nghĩa, một số chạy sang Thái Lan tham gia các hoạt động chống lại chính phủ.

Tháng 5 năm 1989, Hội đồng khôi phục trật tự và luật pháp quốc gia quyết định đổi quốc hiệu Miến Điện (Burma) thành Myanmar với lý do không nên dùng tên do thực dân Anh đặt ra mà dùng tên gốc bản xứ. Tên nước chính thức được gọi là “Liên bang Myanmar”. Ngày 18/6/1989, chính phủ Liên bang công bố Quốc ca mới. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1989, các trường Đại học được mở cửa trở lại, các Hội sinh viên được phép hoạt động nhưng không được mang màu sắc chính trị.

Ngày 26/9/1988, Hội đồng khôi phục trật tự và luật pháp quốc gia công bố quy định về đăng ký thành lập các đảng phái chính trị để tham gia Tổng tuyển cử. Tổng cộng có 174 đảng lớn nhỏ được đăng ký thành lập.

2. Cuộc Tổng tuyển cử tháng 5 năm 1990

Ngày 30/5/1989, Hội đồng khôi phục trật tự và luật pháp quốc gia công bố Luật bầu cử đa đảng, thành lập Ủy ban bầu cử. Thời điểm bầu cử được ấn định vào ngày 27/5/1990. Ngày 1/6/1989, Ủy ban bầu cử thông báo Chính phủ quân sự sẽ nắm quyền cho tới khi nào thông qua xong Hiến pháp mới và lập Chính phủ mới.

Trong các lực lượng tham gia tranh cử thì Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) là lực lượng mạnh nhất. Những bài phát biểu của Aung San Suu Kyi ngày càng đối đầu  với chính quyền Saw Maung. Biết rõ điều này, chính quyền Saw Maung đã ra tay trước. Ngày 19/7/1989, Aung San Suu Kyi tổ chức ngày giỗ cha 42 năm – tướng Aung San – và cùng NLD lên kế hoạch tuyên truyền vận động tranh cử thì bị chính quyền bắt giữ quản thúc tại gia. Chính phủ buộc tội Aung San Suu Kyi "gây nguy hiểm cho thống nhất dân tộc". Chủ tịch NLD Tin U cũng bị bắt kết án 3 năm tù giam, hai lãnh tụ chủ chốt của NLD đều mất quyền ứng cử. Một loạt thủ lĩnh chính trị khác ở Yangon trong đó có cựu thủ tướng U Nu cũng bị quản thúc tại gia từ ngày 29/12/1989.

Ngày 27/5/1990, Myanmar tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội với hơn 90 đảng chính trị đủ tư cách tham gia. Đây là lần đầu tiên cuộc bầu cử tự do tại Myanmar được tổ chức sau 30 năm kể từ năm 1960, số ứng cử viên gồm 2.392 người, tranh cử 491 ghế Quốc hội. Mặc dù Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo chủ chốt đảng NLD bị bác đơn ứng cử, nhưng đảng NLD cũng đưa được nhiều người ra ứng cử.

Ngày 29/5/1990, Ủy ban bầu cử thông báo kết quả. Đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ của Aung San Suu Kyi giành chiến thắng với 392/491 tổng số ghế Quốc hội, chiếm 79,8%..

3. Căng thẳng sau bầu cử    

Tuy thất bại trong bầu cử, Hội đồng khôi phục trật tự và luật pháp quốc gia kiên quyết không chuyển giao quyền lực cho Quốc hội mới, cho rằng, Hiến pháp 1947 đã lạc hậu, là di sản của thời kỳ Thực dân, được soạn ra trước khi Myanmar giành độc lập. Quốc hội được bầu chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là soạn thảo Hiến pháp mới và quân đội sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước cho đến khi có một chính phủ được lập ra phù hợp với Hiến pháp mới. Theo quan điểm của chính phủ, khi dự thảo Hiến pháp cần phải tham khảo ý kiến của 135 sắc tộc trong cả nước và khi cần thì tổ chức trưng cầu dân ý. Quốc dân đại hội sẽ được triệu tập nhằm định ra những nguyên tắc chỉ đạo Quốc hội soạn thảo Hiến pháp mới.

Ngày 30/8/1990, 21 đảng đối lập họp và ra tuyên bố tán thành lập trưởng của đảng NLD, yêu cầu trả tự do cho Aung San Suu Kyi, Tin U và mở rộng quyền tự do dân chủ. Thủ tướng Saw Maung tuyên bố sẽ thả Aung San Suu Kyi nếu bà thôi hoạt động chính trị; đồng thời ra lệnh bắt giam 5 lãnh đạo của NLD với tội danh tiết lộ bí mật quốc gia cho nước ngoài. Aung San Suu Kyi tiếp tục bị quản thúc tại gia ở Thủ đô Yangon.

Ngày 20/12/1990, Thủ tướng Saw Maung ký lệnh giải tán đảng NLD của Aung San Suu Kyi đồng thời ban lệnh giới nghiêm, bắt giam tất cả những ai chống đối. Trước tình hình này, Liên Hợp Quốc, Mỹ và các nước Phương Tây thân Mỹ đã thực hiện lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanmar. Lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế này đã gây ra nhiều khó khăn cho Myanmar suốt hơn 20 năm sau.

Đầu năm 1992, khi đã kiểm soát được tình hình, chính phủ của Thủ tướng Saw Maung bắt đầu nới lỏng kiểm soát. Ngày 23/4/1992, Hội đồng khôi phục trật tự và luật pháp quốc gia thông báo Đại tướng Saw Maung nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Cùng ngày, SLORC thông báo Bộ trưởng quốc phòng - Đại tướng Than Shwe - người thứ 2 của SLORC - giữ  chức Chủ tịch Hội đồng khôi phục trật tự và luật pháp quốc gia.

CCP



------



Bài 4: 


      Từ chính phủ quân sự Than Shwe sang chính phủ dân sự Thein Sein  


                                                      (1992 – 2010)


I. TỪNG BƯỚC ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ

            Sau khi thay thế Thủ tướng Saw Maung làm Chủ tịch SLORC kiêm Bộ trưởng quốc phòng, với uy tín và thực quyền trong quân đội, Đại tướng Than Shwe đã được Hội đồng tướng lĩnh Myanmar tôn vinh lên vị trí Thống tướng (Senior General) – chức vụ cao nhất ở Myanmar từ trước tới nay -  nắm toàn quyền lãnh đạo quân đội và chính phủ.

Rút bài học kinh nghiệm của những người tiền nhiệm, sau khi nhậm chức, Thống tướng Than Shwe đã thực hiện một số chính sách tích cực mang tính cải cách nhằm thực hiện hòa giải dân tộc, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Việc làm đầu tiên là ra lệnh dỡ bỏ thiết quân luật ở hầu hết địa điểm nóng; tuyên bố trả tự do cho 1.100 người bị giam giữ vì lý do chính trị nay không còn gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, trong đó có cựu Thủ tướng U Nu. Riêng Aung San Suu Kyi và Tin U vẫn bị giam lỏng tại gia.

Các trường đại học và cao đẳng bị đóng cửa từ tháng 12 năm 1991 được mở cửa chiêu sinh. Ngày 15/9/1992, Thống tướng Than Shwe tuyên bố “quân đội sẽ trao quyền cho nhân dân vào thời điểm thích hợp”. Ngày 24/9/1992, Nội các được mở rộng, bổ sung thêm một số thành viên trong đó có Phó Thủ tướng Maung Maung Khinn.

Khác với Thủ tướng U Nu và Thủ tướng Ne Win, Thống tướng Than Shwe không vội thành lập đảng cầm quyền mà chủ trương thành lập tổ chức quần chúng để tập hợp lực lượng nòng cốt ủng hộ và thực thi đường lối chính sách của chính phủ. Ngày 15/9/1993, chính phủ Myanmar thành lập Hiệp hội đoàn kết và phát triển Liên bang - USDA (The Union Solidarity and Development Association)  gồm Trung ương hội, 17 Phân hội ở cấp Bang, Vùng, Thành phố; 66 Chi hội ở cấp Huyện, Xã. Tính đến năm 2010, USDA có khoảng 25 triệu Hội viên.

Ngày 15/11/1997, Hội đồng khôi phục trật tự và pháp luật quốc gia (SLORC)  đổi tên thành thành Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang - SPDC ((The State Peace and Development Council) do Thống tướng Than Shwe làm Chủ tịch. SPDC gồm 14 thành viên đều là các tướng lĩnh cao cấp thân cận với Thống tướng Than Shwe.

1. Lộ trình dân chủ 7 bước

Năm 2000, Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế đến Myanmar điều tra tình hình thực tế nhân quyền tại các trại giam và công trường lao động ở Myanmar. Kết quả điều tra cho thấy trước đó thông tin của Phương Tây đã quá thổi phồng về vấn nhân quyền ở Myanmar. Sự kiện này đem lại danh tiếng tốt hơn cho chính phủ Than Shwe.

Đầu năm 2003, Thống tướng Than Shwe tiến hành cải tổ Nội các, bổ nhiệm Đại tướng Khin Nyunt – Bí thư thứ nhất SPDC làm Thủ tướng. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Khin Nyunt thay mặt chính phủ Myanmar công bố “Lộ trình dân chủ 7 b­ước” hướng tới xây dựng một nhà n­ước Myanmar mới “Dân chủ có kỷ cương” bao gồm:

 B­ước 1,  Phục hồi triệu tập Đại hội quốc dân vốn bị đình trệ từ năm 1996.

Bư­ớc 2, Từng b­ước tiến hành những bước đi cần thiết cho việc xây dựng một chế độ dân chủ thực thụ và có kỷ cương.

B­ước 3, Soạn thảo một Hiến pháp mới dựa trên những nguyên tắc căn bản và chi tiết mà Đại hội quốc dân thông qua.

B­ước 4, Tổ chức cuộc trư­ng cầu dân ý để thông qua Hiến pháp mới.

B­ước 5, Tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ, công bằng để bầu ra Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mới.

B­ước 6, Triệu tập họp Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mới.

Bư­ớc 7, Xây dựng đất nư­ớc phát triển, hiện đại và dân chủ; lãnh đạo đất nư­ớc do Quốc hội bầu; chính phủ và các tổ chức trung ­ương do Quốc hội thành lập.

Cùng với việc công bố “Lộ trình dân chủ 7 bước”, chính phủ Myanmar cũng cho phép đảng NLD và Aung San Suu Kyi được khôi phục hoạt động. Tuy nhiên do những hoạt động quá khích chống chính phủ, ngày 30/5/2003, Aung San Suu Kyi lại bị chính quyền quản thúc tại gia với thời hạn 5 năm.

Ngày 19/10/2004, Thống tướng Than Shwe lại cải tổ Nội các. Thủ tướng Khin Nyunt bị bắt và cách chức với tội danh tham nhũng. Các tướng lĩnh thận cận với Khin Nyunt cũng bị vô hiệu hóa. Trung tướng Soe Win – Bí thư thứ nhất SPDC được cử làm Thủ tướng mới của Liên bang Myanmar. [8]

Ngày 6/11/2005, chính phủ Myanmar quyết định chuyển Thủ đô từ Yangon về Nay Pyi Taw. Tháng 2 năm 2006, tất cả các cơ quan Trung ương và Chính phủ hoàn thành việc chuyển trụ sở làm việc về Thủ đô Nay Pyi Taw.

Ngày 24/10/2007, Tướng Thein Sein – Bí thư thứ nhất SPDC được bổ nhiệm làm Thủ tướng thay cho Thủ tướng Soe Win qua đời vì bệnh nặng.

Tháng 8 năm 2007, do khó khăn kinh tế, chính phủ Myanmar buộc phải  tăng giá nhiêu liệu và hàng loạt nhu yếu phẩm. Sự kiện này gây bức xúc cho các tầng lớp dân nghèo dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình mới ở Yangon chống chính phủ sau đó lan rộng ra các thành phố khác với sự tham gia của nhiều sư sãi. Chính phủ Myanmar phải huy động quân đội trấn áp mới có thể ổn định được tình hình. Cuộc trấn áp biểu tình lần này của chính phủ Myanmar đã bị Liên Hợp Quốc, nhất là Mỹ, Anh và EU lên án mạnh mẽ và gia tăng các biệt pháp trừng phạt kinh tế.

Tình hình Myanmar sau đó lắng dịu dần. Ngày 3/9/1997, Đại hội quốc dân họp thông qua nguyên tắc cơ bản và chi tiết về soạn thảo Hiến pháp mới của Myanmar, hoàn thành bước thứ nhất của “Lộ trình dân chủ 7 bước”. Ngày 18/10/2007, chính phủ Myanmar thành lập Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Ngày 3/12/2007, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp họp tại Thủ đô Nay Pyi Taw chính thức tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới. Ngày 9/2/2008, Hội đồng Hòa bình và phát triển Liên bang tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới vào tháng 5 năm 2009 để tiến hành Tổng tuyển cử vào năm 2010. “Lộ trình dân chủ 7 bước”chuyển sang bước thứ 3.

Ngày 2/5/2008, siêu bão Nargis khủng khiếp đổ bộ vào Myanmar khiến hơn 100.000 dân chúng thiệt mạng, phá hủy nhiều làng mạc, thị trấn, tổng thiệt hại vật chất lên tới 12 tỉ USD, gây tổn thất quá lớn đối với xã hội và kinh tế Myanmar. Trước sức ép của quốc tế và sáng kiến của Hội nghị đột xuất các Ngoại trưởng ASEAN ngày 19/5/2008 tại Singapore, chính phủ Myanmar đã chấp nhận Cơ chế 3 bên (TCG) giữa ASEAN – Liên Hợp Quốc – Myanmar nhằm điều phối các hoạt động cứu trợ của quốc tế giúp Myanmar khắc phục hậu quả cơn bão Nargis. Cơ chế TCG sau hơn 2 năm hoạt động (5/2008 – 7/2010) đã phát huy tác dụng tích cực vừa trợ giúp có hiệu quả các vùng bị bão lụt tàn phá, vừa là đầu mối giúp cải thiện quan hệ giữa chính phủ Myanmar với Liên Hợp Quốc và quốc tế.

Sau cơn bão Nargis, ngày 24/5/2008, chính phủ Myanmar tiến hành trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới của Liên bang Myanmar. Ngày 26/5/2008, Ủy ban trưng cầu dân ý ra thông cáo tuyên bố: Hiến pháp mới đã được 27.288.100 cử tri bỏ phiếu thông qua, đạt 92,48% tổng số cử tri.

Một ngày sau khi công bố Hiến pháp mới, ngày 27/5/2008 chính phủ Myanmar cũng ra quyết định chính thức kéo dài thêm 1 năm lệnh quản thúc đối với Aung San Suu Kyi sau khi thời hạn quản thúc 5 năm sắp hết.

Ngày 17/3/2010, chính phủ Myanmar thành lập Ủy ban bầu cử Liên bang; tiếp đó công bố Luật bầu cử, cho phép các đảng phái chính trị đăng ký bầu cử. Ngày 14/9/2010, Ủy ban bầu cử Liên bang thông báo có 37 đảng phải hợp pháp gồm hơn 3.000 ứng cử viên được tham gia tuyển cử vào ngày 7/11/2010 để bầu ra 1.159 đại biểu Quốc hội; đồng thời công bố 5 đảng phái trong đó có đảng NLD bị giải tán vì không đăng ký bầu cử.

Trước tình hình đó, nội bộ đảng NLD phân hóa sâu sắc, lực lượng trẻ trong đảng NLD bất bình trước lập trường cứng rắn của Aung San Suu Ky đã tách khỏi NLD thành lập đảng Lực lượng dân chủ quốc gia (NDF) để tham gia tranh cử Quốc hội.

Ngày 29/3/2010, Thủ tướng Thein Sein cùng 24 Bộ trưởng trong chính phủ đồng loạt rút lui khỏi các chức hàm quân đội chuyển sang chức vụ dân sự để tham gia bầu cử.

Ngày 4/5/2010, chính phủ Myanmar thành lập đảng Đoàn kết và phát triền Liên bang  – USDP (The Union Solidarity and Development Party) trên cơ sở Hiệp hội đoàn kết và phát triển Liên bang (USDA), số đảng viên được tuyển chọn là hơn 10 triệu. Cùng ngày, USDA chính thức giải thể. Việc thành lập đảng USDP là bước đệm chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới năm 2010.

 Ngày 22/10/2010, chính phủ Myanmar quyết định đổi tên nước thành “Cộng hòa Liên bang Myanmar(The Repubic of the Union of Myanmar) và thay đổi Quốc kỳ trước khi tiến hành Tổng tuyển cử.



Quốc kỳ mới của Myanmar

Theo Hiến pháp 2008, Liên bang Myanmar sẽ thực hiện chế độ Tổng thống, đa đảng và kinh tế thị trường. Quốc hội (Lưỡng viện) là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội bầu ra Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Tổng thống và các Phó Tổng thống. Tổng thống chỉ định các thành viên trong Nội các. Cũng theo Hiến pháp 2008 quy định, 25% số ghế trong Quốc hội sẽ giành cho quân đội và việc sửa đổi Hiến pháp cần phải có trên 75% nghị sĩ Quốc hội tán thành.

            Cũng theo quy định của Hiến pháp 2008, sau khi có Nội các mới, Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia (SPDC) sẽ tự giải thể. Thay thế SPDC là Ủy ban an ninh quốc phòng.

2.Vấn đề hòa hợp dân tộc

            Đây là vấn đề phức tạp nhất trong nội bộ Myanmar cũng là vấn đề được quốc tế quan tâm nhiều nhất. Chính phủ Than Shwe đã xử lý vấn đề này bằng sách lược vừa mềm mỏng vừa cứng rắn.

2.1. Đối với đảng NLD và Aung San Suu Kyi

            Aung San Suu Kyi và đảng NLD được Mỹ và Phương Tây ủng hộ, là đối thủ chủ yếu đối với chính quyền quân sự Myanmar. Vì vậy, chính phủ Than Shwe đối xử linh hoạt nhưng rất cương quyết với họ.

            Tháng 7 năm 1995, sau khi ổn định tình hình đất nước, chính phủ Myanmar trả tự do cho Aung San Suu Kyi, khuyến khích bà tham dự các hoạt động của Quốc dân đại hội. Tuy nhiên, Aung San Suu Kyi coi hành động này của chính phủ là nhằm xoa dịu Phương Tây và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngày 28/11/1995, Aung San Suu Kyi lại phát động cuộc đối đầu với chính phủ  bằng lệnh rút các đại biểu NLD ra khỏi Quốc dân đại hội. Dưới sự kích động của đảng NLD, tháng 12 năm 1996, sinh viên, học sinh lại biểu tình lớn tại Yangon, chính phủ Myanmar lại ra lệnh đóng cửa các trường đại học và trung học, dựng các chướng ngại vật trên đường đến nhà riêng của Aung San Suu Kyi tại Yangon.

Trong các năm 1996 – 2004, đảng NLD và Aung San Suu Kyi tiếp tục đối đầu với chính quyền Than Shwe. Tháng 9 năm 1998, NLD thành lập Ủy ban đại diện Nghị viện nhân dân gồm 10 Nghị sĩ, tuyên bố hủy bỏ các sắc lệnh do SLORC ban hành từ năm 1988; kêu gọi quân đội chống lại chính phủ; tẩy chay họp Đại hội quốc dân, kích động sinh viên thanh niên biểu tình chống chính phủ. Chính phủ Myanmar coi những hành động này là vi phạm pháp luật. Tháng 9 năm 1998, Aung San Suu Kyi lại bị quản túc tại gia; trụ sở NLD và nhà riêng các lãnh đạo NLD bị giám sát.

Tháng 10 năm 2000, chính phủ Than Shwe chấp nhận đối thoại chính trị với  Aung San  Suu Kyi và đảng NLD, tuy nhiên do lập trường hai bên khác biệt quá xa nên đối thoại không đạt kết quả. Tháng 5 năm 2002, sau cuộc thương lượng bí mật do Liên Hợp Quốc chủ trì với chính phủ Myanmar, Aung San Suu Kyi được thả tự do, được tự do du lịch và hoạt động chính trị. Một năm sau, ngày 30/5/2003, những hoạt động quá khích của NLD và Aung San Suu Kyi đã dẫn đến cuộc đụng độ đổ máu giữa quân đội, cảnh sát với những người biểu tình chống chính phủ, Aung San Suu Kyi lại bị bắt và giam lỏng trong thời hạn 5 năm (năm 2008 bị gia hạn thêm 1 năm), các văn phòng của NLD ở các địa phương bị đóng cửa.

Ngày 20/5/2009, Aung San Suu Kyi bị đưa ra Tòa án Yangon xét xử vì tội danh che giấu một công dân Mỹ - William Yettaw bơi qua hồ Inya đột nhập và lưu trú trái phép tại nhà riêng nơi bà đang bị quản thúc tại Yangon. Vụ án này khiến Aung San Suu Kyi bị kéo dài thời gian giam giữ vì theo thời hạn bà sẽ được trả tự do vào ngày 27/5/2009 sau 6 năm quản thúc tại gia.

Ngày 11/8/2009, Tòa án Yangon phán xử Aung San Suu Kyi 36 tháng tù giam, sau giảm xuống còn 18 tháng do lệnh ân xá của Thống tướng Than Shwe. Tòa án cũng phán xử công dân Mỹ William Yettaw 7 năm tù giam. Ngày 16/8/2009, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đến thăm Myanmar. Sau khi Jim Webb gặp trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar và gặp riêng Aung San Suu Kyi, chính phủ Myanmar đã phóng thích William Yettaw không kèm theo điều kiện gì.

Tháng 3 năm 2010, sau khi Aung San Suu Kyi và đảng NLD không đăng ký và tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử 7/11/2010, căn cứ theo Hiến pháp 2008, Ủy ban bầu cử Myanmar lập tức tuyên bố đảng NLD không hợp pháp và đồng ý cho đảng Lực lượng dân chủ quốc gia (NDF) vừa tách khỏi NLD được tham gia ứng cử và bầu cử Quốc hội.

Ngày 13/11/2010, một tuần lễ sau bầu cử Quốc hội, chính phủ Myanmar lại trả tự do cho Aung San Suu Kyi lúc này đã 65 tuổi. Sự kiện này được dư luận quốc tế hoan nghênh, khích lệ.



Ngày 25/7/2011, hai ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Bali – Indonesia, yêu cầu chính phủ mới ở Myanmar phải có lộ trình cụ thể về đối thoại hòa hợp dân tộc, tại Yangon đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Lao động Aung Kyi với Aung San Suu Kyi. Cuộc gặp tiếp theo là ngày 12/8/2011 với kết quả được công bố trên báo chí Myanmar "hai bên cam hết hợp tác tích cực vì lợi ích chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, duy trì ổn định và phát triển của quốc gia, đáp ứng nhu cầu thực sự của toàn thể nhân dân và tránh các quan điểm xung đột. Khi vấn đề hợp tác được giải  quyết thì những vấn đề còn lại chỉ là phụ"

Ngày 19/8/2011, Tổng thống Thein Sein đã gặp và trao đổi ý kiến thực chất với Aung San Suu Kyi tại dinh Tổng thống ở Thủ đô Nay Pyi Taw. Theo người phát ngôn của đảng NLD, "cuộc gặp này là bước khởi đầu cho quá trình hòa giải dân tộc, và nếu hai bên đạt được thỏa thuận hợp tác, có thể sẽ tiến tới việc tháo bỏ cấm vận kinh tế và chính trị của các nước Phương Tây"

2.2. Đối với các đảng phái chính trị đối lập khác

Chính quyền Myanmar rất cương quyết đối với các đảng phái đối lập, tìm mọi cách cách hạn chế hoạt động chống đối của họ. Trong các năm 2003, 2006, 2008 chính quyền Myanmar đã ra lệnh đóng cửa các trụ sở của đảng đối lập trên toàn quốc và kiểm soát chặt chẽ thủ lĩnh của các đảng đối lập.

Ngày 17/3/2010, sau khi chính phủ Myanmar công bố Luật bầu cử, một số đảng đối lập và nhiều đảng phái chính trị mới thành lập đã đăng ký tham gia tranh cử. Đến cuối tháng 8/2010, có 46 đảng đăng ký tham gia tranh cử và gửi danh sách đảng viên cho Uỷ ban bầu cử, nhưng Ủy ban bầu cử chỉ phê duyệt 37 đảng đủ tiêu chuẩn tham gia bầu cử.

Trước và sau cuộc bầu cử Quốc hội 7/11/2010, đáp yêu cầu của Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU và thể hiện thiện chí của mình, chính phủ Myanmar không chỉ đón tiếp các quan chức Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU đến Myanmar đối thoại với chính phủ mà còn cho họ tiếp xúc tự do với Aung San Suu Kyi và các các đảng phải chính trị khác cùng đại biểu các nhóm vũ trang ly khai. Động tác này của chính phủ Myanmar được dư luận quốc tế ghi nhận và hoan nghênh.

Không kể đảng USDP của chính phủ và đảng NUP thân chính phủ, hiện Myanmar có 35 đảng chính trị hợp pháp đã tham gia bầu cử ngày 7/11/2010  và đang hoạt động.

Trong số các đảng trên chỉ có NDF, SNLD và WNDP  tương đối mạnh, còn các đảng khác đều nhỏ và yếu. SNLD và WNDP là những đảng khu vực, các đảng còn lại hoạt động trên toàn quốc.

2.3. Đối với các lực lượng vũ trang ly khai

Chính quyền Thống tướng Than Shwe không áp dụng các phương pháp của các chính phủ trước là sử dụng vũ lực buộc các lực lượng nổi dậy phải hạ vũ khí trước, sau đó chính phủ mới có trách nhiệm tái ổn định đời sống cho họ, mà áp dụng sách lược mềm dẻo hơn là thuyết phục các nhóm vũ trang ly khai quay về với chính phủ trước. Cả hai bên sẽ ngừng bắn và cho phép các nhóm vũ trang tiếp tục sở hữu vũ khí với điều kiện chỉ cần họ cam kết không chống lại chính phủ, chịu sự kiểm soát của chính phủ sẽ được tồn tại và được giao nhiệm vụ quản lý biên giới.

Thắng lợi lớn của chính phủ Than Shwe là cuối năm 1995 đã thuyết phục được được tướng phỉ Khun Sa – trùm buôn bán thuốc phiện – lực lượng phiến loạn lớn nhất Myanmar - dẫn 14.000 quân và hơn 9.000 vũ khí có cả tên lửa SAM – 7 ra đầu hàng chính phủ vô điều kiện. Sự kiện này tác động rất lớn tới các nhóm phiến quân ly khai còn lại.

      Đến năm 2010 đã có 40 nhóm vũ trang ly khai (17 nhóm lớn và 23 nhóm nhỏ) đồng ý ký Hiệp định hòa bình với chính phủ Liên bang, trong đó 15 nhóm đã từ bỏ vũ khí hoàn toàn. Trong 25 nhóm còn lại là thì 5 nhóm đã chuyển thành Lực lượng biên phòng (BGF) và 15 nhóm là Lực lượng dân quân. Đây là thành tựu chưa từng có của chính phủ Than Shew so với các chính phủ trước.

Các nhóm vũ trang ly khai đã đầu hàng và giao nộp vũ khí được chính phủ Myanmar cho hưởng chính sách khoan hồng, đãi ngộ, được cung cấp mọi trang thiết bị sinh hoạt; cho phép quản lý một khu vực địa lý hành chính và một số đặc quyền kinh tế. Một số nhóm cũng được phép giữ lại một phần vũ khí cá nhân để giữ an ninh khu vực quản lý hoặc được chính phủ trao cho qui chế “nhóm chống nổi dậy” hoặc “dân quân nhân dân” chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các đơn vị quân đội chính phủ trong khu vực hành chính.

 Tuy nhiên, tính đến tháng 9 năm 2011, vẫn còn 2 nhóm vũ trang ly khai tuy đã ký Hiệp định ngừng bắn với chính phủ Liên bang nhưng chưa chịu giải giáp vũ khí và chuyển đổi thành lực lượng biên phòng. Đó là nhóm quân đội Độc lập Kachin – KIA/ KIO và nhóm quân đội Đảng Bang Mon mới – NMSP

Ngoài ra, Liên minh dân tộc Karen (KNU) là nhóm vũ trang duy nhất hiện nay ở Myanmar chưa ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ.

2.4. Đối với vấn đề xung đột sắc tộc.

Vấn đề tộc người Hồi giáo Rohinga luôn là tâm điểm gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế tại Myanmar, đặc biệt sau sự kiện hải quân Thái Lan xua đuổi những người tị nạn Rohinga ra biển vì cho rằng số người này từ Myanmar muốn nhập cư trái phép vào Thái Lan. Sau sự kiện này, cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ chính quyền Myanmar, cho rằng chính quyền Myanmar đã đàn áp và xua đuổi người Rohinga ra khỏi đất nước.



Chính quyền Myanmar luôn khẳng định, ở Myanmar không có tộc người nào có tên là Rohinga và càng không có chuyện chính quyền đàn áp dân tộc thiểu số và áp dụng chính sách kỳ thị dân tộc.

Dưới thời chính phủ Than Shwe, vấn đề xung đột sắc tộc đã giảm hẳn so với thời Chính phủ U Nu và Chính phủ Ne Win. Chính phủ Than Shwe đã thành lập 2 trường Cao đẳng dân tộc tại Mandalay và Yangon giành riêng cho con em các sắc tộc. Mỗi năm đào tạo hàng nghìn giáo viên, cán bộ kỹ thuật người dân tộc đưa về phục vụ tại các Bang, Vùng; đồng thời đưa một số cán bộ người dân tộc lên làm việc tại các Bộ, Ngành trung ương.

Chính phủ Myanmar còn áp dụng một số chính sách nâng cao đời sống cho nhân dân các dân tộc thiểu số như: xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống cho người dân tại 24 Khu hành chính đặc biệt nơi mà các nhóm vũ trang ly khai được đặc quyền quản lý. Hàng năm, Thống tướng Than Shwe và lãnh đạo cấp cao SPDC thường có các đợt thị sát tới nhiều khu vực nhạy cảm vùng biên giới, vừa thể hiện sự quan tâm của chính phủ đối với các sắc tộc, vừa tìm hiểu tình hình thực tế để tìm cách giải quyết.

2.5. Đối với vấn đề tự trị

Đến cuối năm 2010, Mynamar vẫn tồn tại 24 "khu tự trị" thực chất là 24 khu vực đặc biệt (special regions). Đây là "lãnh thổ riêng" của các nhóm vũ trang đã ký thoả thuận ngừng bắn với chính quyền, trước mắt vẫn được chính quyền Myanmar cho phép duy trì lực lượng vũ trang riêng để tự đảm bảo các vấn đề nội bộ trong giai đoạn chuyển tiếp. Tại mỗi khu vực này có nhiều sắc tộc sinh sống nhưng có một sắc tộc chiếm đại đa số, đứng đầu là một "lãnh chúa" có lực lượng vũ trang riêng.

Theo yêu cầu của chính phủ trung ương, sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, các khu vực đặc biệt này phải tự giải tán lực lượng vũ trang, hợp tác và chịu sự quản lý của chính phủ trung ương.


Tổng thống đương nhiệm Thein Sein

Song song với việc sử dụng biện pháp trấn áp các lực lượng chống đối, chính phủ Myanmar chủ trương thúc đẩy quan hệ tốt với các nước láng giềng, coi đó là một biện pháp nhằm cô lập các nhóm sắc tộc đòi tự trị.

Trước yêu cầu chính đáng và cương quyết của chính phủ Myanmar, Thái Lan đã giảm bớt việc cung cấp đất thánh cho các nhóm ly khai KNU, SURA và các nhóm chống đối khác  Ấn Độ đã cung cấp cho Myanmar một số vũ khí hạng nhẹ, đạn dược, quân trang để chống các nhóm nổi dậy ở Bang Chin giáp với Ấn Độ. Bangladesh giúp Myanmar phá một số băng nhóm, tổ chức buôn lậu vũ khí vào Myanmar cung cấp cho các nhóm vũ trang tại Bang Rakhine v.v…

Ngày 1/9/2011, Quốc hội và Chính phủ mới Myamar nhất trí xúc tiến việc thành lập Ủy ban Hòa bình quốc gia và ghi nhận kiến nghị của một số Nghị sĩ quốc hội mời bà Aung San Suu Ky cùng một số thủ lĩnh sắc tộc thiểu số tham gia Ủy ban Hòa bình quốc gia. Dư luận nội bộ Myanmar và dư luận quốc tế đều hoan nghênh động thái hòa hợp dân tộc này của Quốc hội và Chính phủ mới Myanmar.

II. BƯỚC ĐẦU CẢI CÁCH KINH TẾ

Trong hơn 60 năm tồn tại và phát triển của Myanmar sau khi độc lập, thời kỳ chính quyền Than Shwe quản lý đất nước được coi là có nhiều thành tích nhất về cải cách và phát triển kinh tế. Đó là:

Về mô hình phát triển, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Coi trọng và khuyến khích lĩnh vực kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân được hoạt động trong mọi lĩnh vực trừ 8 lĩnh vực thuộc độc quyền của nhà nước. [9]  Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế thuộc thế mạnh của Myanmar như nông nghiệp, thủy hải sản, lâm nghiệp, khai thác dầu khí, đá quý… Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính phủ Myanmar chú trọng xây dựng các công trình thủy lợi tưới tiêu, trợ cấp phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân. Từ năm 1996 trở đi, nhờ diện thủy lợi tăng gấp đôi năm 1988 nên mỗi năm Myanmar đều sản xuất được trên dưới 25 triệu tấn lương thực, xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo tuy chất lượng chưa cao. Năm 2010, chính phủ Myanmar đặt mục tiêu chiến lược cố gắng sớm khôi phục vị thế cường quốc xuất khẩu gạo của Châu Á như năm 1959 - 1960 của thế kỷ XX.

Về thương mại, chính phủ Myanmar cố gắng duy trì xuất siêu để bảo đảm dự trữ ngoại tệ và chống lạm phát. Đối phó với khó khăn thị trường xuất khẩu vì bị bao vây cấm vận, chính phủ Myanmar chủ trương gia tăng mậu dịch biên giới với các nước láng giềng, mở 18 cửa khẩu buôn bán biên giới (7 cửa khẩu với Thái Lan; 5 cửa khẩu với Trung Quốc; 4 cửa khẩu với Bangladesh; 2 cửa khẩu với Ấn Độ). Đồng thời áp dụng chính sách thanh toán linh hoạt bao gồm hàng đổi hàng hoặc sử dụng đồng tiền nội địa của nước khác (như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc). Chính sách mậu dịch biên giới giúp Myanmar có thêm nguồn hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu sản xuất, giảm bớt khó khăn kinh tế do bị bao vây cấm vận.

Về thu hút đầu tư bên ngoài, ngày 1/12/1998, chính phủ Myanmar công bố “Luật đầu tư nước ngoài”.Bộ “Luật đầu tư nước ngoài” của Myanmar tuy có một số điểm chưa đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng được coi là bộ Luật tương đối cởi mở. Từ năm 1998 đến đầu năm 2011, Myanmar đã thu hút được hơn 35 tỉ USD đầu tư nước ngoài từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 430 dự án. Đáng chú ý là, những nước trực tiếp cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanmar như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý… cũng đầu tư vào Myamar với danh nghĩa các công ty tư nhân.

Tháng 1 năm 2011, chính phủ Myanmar đã ban hành "Luật về đặc khu kinh tế Myanmar"; đồng thời thành lập Ban quản lý các Đặc khu kinh tế. "Luật về đặc khu kinh tế Myanmar có nhiều điều khoản khá thông thoáng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất tại các Đặc khu kinh tế mới thành lập của Myanmar, tăng xuất khẩu cho Myanmar.

III. TRANH THỦ GIÚP ĐỠ TỪ BÊN NGOÀI

            Trọng tâm chính sách đối ngoại của chính phủ Than Shwe là ứng phó với chính sách thù địch, bao vây, cấm vận và sức ép về dân chủ, nhân quyền từ Mỹ và Phương Tây. Vì vậy, Myanmar chú trọng cải thiện và phát triển quan hệ với Liên Hợp Quốc, 3 nước lớn Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và các nước láng giềng Đông Nam Á. Việc cải thiện và phát triển quan hệ với Trung Quốc đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX giúp Myanmar có thêm nguồn tài chính khắc phục khủng hoảng kinh tế và mua sắm được nhiều vũ khí, trang bị quốc phòng, tăng sức mạnh quân đội, trấn áp có hiệu quả các lực lượng phiến loạn. Nga không chỉ ủng hộ Myanmar trên các diễn đàn quốc tế mà còn cung cấp cho Myanmar nhiều loại vũ khí hiện đại và đào tạo cho Myanmar hàng vạn nhân viên khoa học kỹ thuật. Tuy không bằng Trung Quốc và Nga, nhưng Ấn Độ cũng hỗ trợ Myanmar về tài chính, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và phối hợp với Myanmar ổn định tình hình biên giới hai nước.

Thắng lợi ngoại giao có ý nghĩa rất quan trọng của chính phủ Than Shwe là, trải qua nhiều khó khăn cản trở, ngày 23/7/1997 bất chấp sự phản đối của Mỹ và một số nước  phương Tây, Hiệp hội ASEAN đã kết nạp Myanmar là thành viên chính thức thứ 8 của Hiệp hội này, khởi đầu cho việc Myanmar hội nhập với khu vực và quốc tế.

Từ cuối năm 2008, tranh thủ thời cơ quốc tế trợ giúp Myanmar khắc phục hậu quả cơn bão Nargis, chính phủ Myanmar đã đón tiếp và đàm phán với các Trợ lý đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (một lần đón Tổng thư ký Ban Ki Moon). Các Đặc phái viên của EU, các Thượng nghị sĩ và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ lần lượt đến Yangon gặp gỡ các quan chức chính phủ Myanmar trao đổi ý kiến về "Lộ trình dân chủ 7 điểm" và các vấn đề nhạy cảm của Myanmar. Những cuộc đàm phán, trao đổi ý kiến đó là tiền đề quan trọng cho Liên Hợp Quốc, Mỹ, Phương Tây hiểu rõ hơn về tình hình thực tế của Myanmar và không tẩy chay kết quả cuộc bầu cử  ngày 7/11/2010 của Myanmar.

IV. CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC TỪ CHÍNH PHỦ QUÂN SỰ SANG CHÍNH PHỦ DÂN SỰ

1.  Bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ mới

Ngày 7/11/2010, 29 triệu cử tri Myanmar hân hoan đi bầu cử Quốc hội tại 60.000 điểm bầu cử trong cả nước. Ngày 17/11/2010, Ủy ban bầu cử Liên bang công bố kết quả bầu cử. 11/37 đảng trúng cử ở Thượng viện và Hạ viện; 25/37 đảng trúng cử ở Nghị viện Bang, Vùng. Đảng USDP của chính phủ thắng cử áp đảo với 883 ghế trên tổng số 1.159 ghế quốc hội, chiếm 76%, trong đó có 259/330 ghế Hạ viện, 129/168 ghế Thượng viện và 495/661 ghế Nghị viện Bang, Vùng.

Từ 31/1 – 14/2/2011, Quốc hội mới Myanmar họp kỳ đầu tiên bầu ra các chức vụ chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ, gồm:

- Chủ tịch Hạ viện: Thura Shwe Mann (nguyên Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Myanmar, nhân vật thứ 3 trong SPDC).

- Chủ tịch Thượng viện: Khin Aung Myint (nguyên Bộ trưởng Văn hóa).

- Tổng thống: Thein Sein (nguyên Đại tướng, Thủ tướng, nhân vật thứ 4 trong SPDC)

- Phó Tổng thống: Thiha Thura Tin Aung Myint Oo (nguyên Đại tướng, Bí thư thứ nhất SPDC, nhân vật thứ 5 trong SPDC)

- Phó Tổng thống: Sai Mauk Kham (Tiến sĩ khoa học, người dân tộc bang Shan).

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới Myanmar và việc chuyển giao quyền lực êm thấm từ chính quyền quân sự Than Shwe sang chính phủ dân sự Thei Sein được dư luận trong và ngoài Myanmar rất quan tâm. Các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, một số Tổ chức quốc tế và một số nước có quan hệ tốt với Myanmar lần lượt có những tuyên bố với mức độ khác nhau, ghi nhận và hoan nghênh tiến trình dân chủ ở Myanmar, kêu gọi Mỹ, Phương Tây từng bước dỡ bỏ cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.



                                          Trụ sở cơ quan chính phủ ở Thủ đô mới - Nay Pyi Taw

2. Những cải cách bước đầu của chính phủ Thein Sein

            Ngay sau khi thành lập, chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein  đã bắt tay vào thực hiện bước thứ 7 trong "Lộ trình dân chủ 7 bước", trước hết là những việc cần làm ngay:

Thứ nhất, cải cách bộ máy Chính phủ.

Đề xuất của Tổng thống Thein Sein được Quốc hội chấp thuận là thành lập thêm 2 Bộ (Bộ Văn phòng Tổng thống và Bộ Phát triển công nghiệp) nhằm giúp Tổng thống quản lý và điều hành chính phủ hiệu quả hơn. Ngoài 2 Bộ Công nghiệp 1 và Công nghiệp 2 (Công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ), Bộ Phát triển công nghiệp sẽ giúp Tổng thống giải quyết các vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các Đặc khu kinh tế.

            Thứ hai, đổi mới nhân sự, trọng dụng nhân tài.

            Tổng thống Thein Sein đã bổ nhiệm 18 Bộ trưởng mới trong tổng số 30 Bộ trưởng trong Nội các. Những Bộ trưởng mới đều đáp ứng yêu cầu: trẻ, có trình độ văn hóa, ngoại ngữ cao và năng lực phù hợp với chức vụ được giao. Đáng chú ý là, trong chính phủ mới có 5 Bộ trưởng dân sự được đề bạt thẳng từ địa phương lên. Đó là Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp), Bộ trưởng Bộ Điện lực 2 (nguyên Cục trưởng Cục điện lực Yangon), Bộ trưởng Bộ Giáo dục (Tiến sĩ khoa học Đại học Yangon), Bộ trưởng Bộ Y tế (nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Yangon), Bộ trưởng Bộ Thể thao kiêm Bộ trưởng Bộ Du lịch & Khách sạn (nguyên Chủ tịch Công ty xây dựng ACE).

            Một số Bộ lớn trước đây chỉ có 1 Thứ trưởng phụ trách quá nhiều công việc, nay được bổ sung thêm 1 Thứ trưởng. Trừ Bộ Quốc phòng, các Thứ trưởng mới đều là dân sự gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông đường sắt, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế. Riêng Bộ Phát triển công nghiệp có 2 Thứ trưởng dân sự.

           

Tổng thống Thein Sein còn thành lập Ban cố vấn của Tổng thống gồm 9 chuyên gia giỏi về kinh tế, luật pháp, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Sau khi gặp gỡ và trao đổi ý kiến với Ban cố vấn của Tổng thống Thein Sein, các vị khách quốc tế như Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Thượng nghị sĩ Mỹ và Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đều có nhận xét chung là Ban cố vấn của Tổng thống Thein Sein đều là các chuyên gia giỏi, đa số ý kiến đề xuất của các cố vấn đều được được Tổng thống Thein Sein chấp nhận.

            Thứ ba, cải cách kinh tế để ổn định xã hội.

 Tổng thống Thein Sein giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành kinh tế liên quan và Ban cố vấn Tổng thống khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, Luật Công ty và các quy định cũ về tỉ giá ngoại tệ, quản lý tài chính, cơ chế xin cho trong xuất nhập khẩu v.v…, để trình Quốc hội thông qua, nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh sản xuất và xuất khẩu.

Chính phủ Myanmar còn mời Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 11 năm 2011 đến giúp đỡ Myanmar cải cách hệ thống tiền tệ, tài chính.

  Từ tháng 9/2011, Chính phủ Myanmar quyết định tăng lương cho 815.000 công chức, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu; giao cho 8 Bộ khẩn trương thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện mục tiêu giảm các hộ đói nghèo trong cả nước từ 26% năm 2010 còn 16% vào năm 2015.

            Thứ tư, khẳng định quyết hội nhập quốc tế

            Chính phủ mới Myanmar tham gia đầy đủ các diễn đàn ASEAN và các diễn đàn quốc tế để khẳng định vị thế mới của Myanmar sau bầu cử; quyết tâm thực hiện thành công SEA GAMES lần thứ 27 (năm 2013) và Chủ tịch luân phiên ASEAN (năm 2014); đồng thời điều chỉnh cân bằng hơn quan hệ với các nước lớn Trung Quốc, Nga, Ấn Độ.

            Đáp ứng yêu cầu của thế giới bên ngoài về vấn đề dân chủ nhân quyền tại Myanmar, Quốc hội và Chínhh phur mới Myanmar đã đón và thu xếp đầy đủ lịch trình làm việc, tiếp xúc của các quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, các ngoại trưởng EU, Nhật, Úc… đến thăm Myanmar, cho phép họ gặp gỡ Aung San Suu Kyi và lãnh tụ các đảng phái chính trị, các nhóm vũ trang ly khai…

            Những cải cách bước đầu của chính phủ Thein Sein về đối nội và đối ngoại đã và đang được nhân dân Myanmar tin tưởng ủng hộ, được thế giới bên ngoài nhất là Mỹ, EU hoan nghênh khích lệ.

CCP                 









[1] Từ năm 1989, quốc hiệu Miến Điện đổi thành Myanmar. Để tôn trọng lịch sử,  khi viết về Myanmar trước năm 1989, chúng tôi xin dùng quốc hiệu "Miến Điện"


[2] Hiện nay tại Bagan vẫn còn tấm bia đá ghi công “ba anh em người Shan” do Axamkhaya làm thủ lĩnh có công lớn trong việc đánh đuổi quân Nguyên Mông.


[3] Theo sử sách Miến Điện, trong lịch sử thời phong kiến, giữa Miến Điện và Thái Lan đã xảy ra 32 cuộc chiến tranh lớn. Phía Miến Điện chỉ chịu thua 1 lần.


[4]  Năm 1961, U Thant - đại biểu thường trực của Miến Điện tại Liên Hợp Quốc cũng là cựu Thư ký của Thủ tướng Aung San được bầu làm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. U Thant là người đầu tiên không xuất thân từ phương Tây và cũng không lãnh đạo bất kỳ một tổ chức quốc tế nào cho tới thời điểm được bầu giữ chức vụ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ông giữ chức vụ này từ 1961 – 1971. Ông mất tại New York năm 1974. Trong số những người Miến Điện làm việc tại Liên Hợp Quốc với U Thant có bà Aung San Suu Kyi – con gái cố Thủ tướng Aung San – sau này trở thành một nhân vật chính trị đặc biệt trong chính trường Miến Điện.


[5] Năm 1967, U Nu được trả tự do, được mời tham gia Hội đồng cố vấn cho chính phủ. Tháng 4/1969, U Nu trốn sang Ấn Độ, sau đó sang Thái Lan thành lập Đảng Dân chủ nghị viện,  lập Mặt trận giải phóng dân tộc hợp nhất, tiến hành hoạt động vũ trang chống phá chính phủ Ne Win. Năm 1973, U Nu không được Thái Lan  hoan nghênh, định xin cư trú ở Ấn Độ nhưng bị từ chối, phải lưu vong sang Mỹ. Năm 1980, U Nu được ân xá trở về nước lập Liên minh vì dân chủ và hòa bình tiếp tục chống đối chính phủ Ne Win.


[6] Để ghi nhớ sự kiện này, chính phủ Myanmar cho xây dựng tại thị xã Kokang, Bang Shan giáp biên giới Vân Nam – Trung Quốc một nhà bảo tàng  trưng bày chiến tích của quân đội Myanmar trong cuộc chiếu đấu chống ma túy và Đảng cộng sản Miến Điện, trong có sa bàn chiến dịch tiêu diệt căn cứ cuối cùng của quân đội Đảng cộng sản Miến Điện


[7] Aung San Suu Kyi tốt nghiệp đại học Luật tại Anh, từng làm việc tại Phái đoàn đại diện Miến Điện tại Liên Hợp Quốc. Aung San Suu Kyi lấy chồng là học giả người Anh - Tiến sĩ Micheal Avis, họ có hai con trai.


[8]  Tháng 6/2005, Thủ tướng Soe Win được phong quân hàm Thượng tướng


[9] 8 lĩnh vực đó gồm: khai thác và xuất khẩu gỗ Teak; trồng và bảo tồn rừng; thăm dò, khai thác, xuất khẩu dầu khí; khai thác, xuất khẩu các loại đá quý, kim loại quý; dịch vụ Bưu chính viễn thông; dịch vụ Ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ Phát thanh và truyền hình; sản xuất các sản phẩm có liên quan đến an ninh quốc phòng.





































Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...