Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Những câu chuyện lẽ ra đã "kín như bưng"


Những câu chuyện lẽ ra đã "kín như bưng"

(Phần cuối loạt bài về Bắc Triều Tiên)


Chuỗi bài về 3 nước Bắc Triều Tiên, Miến Điện và Cuba Mời xem Entry giới thiệu chuỗi bài này:  http://vinhnv43.blogspot.com/2012/03/he-lo-tu-nhung-quoc-gia-ong-kin.html

 (NV blog)
Dưới đây là phần cuối của thiên phóng sự về một đất nước gần như đóng kín hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong nhiều thập kỷ qua. Đó là đất nước Triều Tiên.
          Như đã giới thiệu trên các entry trước, một phóng viên Hungary khéo léo và giỏi nghề đã "hóa thân" vào một đoàn cứu trợ nhân đạo của tổ chức nhà thờ thiên chúa giáo Hungary để lọt được vào đất nước đóng kín cửa này một cách hợp pháp (vì xuất nhập cảnh vào Bắc Triều Tiên là cực khó).

          (Trong bản dịch đăng trên website Nhịp cầu thế giới toàn bôgs sự này có tên: BẮC TRIỀU TIÊN - ĐƯỜNG ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG CỘNG SẢN.                                                                

               * Để giúp các bạn theo dõi toàn bộ thiên phóng sự, xin mời vào theo các đường link dưới:


(NCTG) “Ngay cả khi chỉ còn là cái xác không hồn, nhà độc tài vẫn gây cho người ta cảm giác kính sợ, sinh thời chỉ một cái phẩy tay của ông hàng ngàn người có thể mất đầu.”


Các đội viên chuẩn bị cho giây phút trọng đại: được vào thăm Lãnh tụ Vĩ đại trong lăng - Ảnh: BBC News


Chúng tôi đi ra theo cửa sau. Những người dân thường đi vòng men theo cái buồng gỗ, hàng người dài rồng rắn trước bảo tàng, cúi đầu im lặng. Họ đã quen với thân phận công dân thứ yếu trên đất nước mình.

Trời bắt đầu mưa, đi cạnh chúng tôi là tân đại sứ Indonesia, chắc ông cũng được mời lên trước đám đông. Qua một thủ tục giấy tờ gì đó, tên chúng tôi được ghi vào một cuốn sổ. Rồi chúng tôi đi qua một hành lang tối, tới trước một tấm thảm di động và bị ba bộ đội - hai nam, một nữ - khám xét khắp người và dúi cho một bản chỉ dẫn bằng tiếng Nga, trước khi được mời bước lên thảm vào khu nhà chính.

Bốn xung quanh tường toàn phủ nỉ đỏ, loa phát thanh liên tục kể về cuộc đời Kim Nhật Thành với giọng đọc rất hào hùng. Đầu tiên là huyền thoại về nơi sinh ra của Người, tất nhiên toàn là những điều nhảm nhí, vì thế giới phương Tây đều biết ông sinh ra ở Liên Xô, nơi cha mẹ ông bị lịch sử xua đuổi tới, chứ không phải dưới một bụi hoa phong lan sau này được đặt theo tên ông.

Chúng tôi đi dọc theo cuộc đời ông, những bức ảnh, vật dụng, những tấm áp-phích, những đoạn phim giúp người xem thấy sự vĩ đại của Kim Nhật Thành. Khi tới phòng trưng bày các phần thưởng thì tôi cảm thấy như mình đang lãng du trong một giấc mơ hỗn độn, như có thứ gì nặng nề, lạnh lẽo dâng lên trong lòng. Những bóng ma của một thế giới đã xa khuất chờn vờn với tử thần: các tặng phẩm của Ceaucescu, Honecker, Jaruzelsky, Zhivkov, Stalin và những đồng chí khác của họ treo đầy trên các bức tường, loa phóng thanh vẫn ra rả bài ca tẩy não.

Cuối cùng thì thay vào những lời lẽ hùng tráng ấy là nhạc tang. Ánh sáng phát ra từ những chiếc nến dài chập chờn trên thảm đỏ. Chúng tôi bước vào một căn phòng khổng lồ cao 15 mét, sừng sững một pho tượng lãnh tụ vĩ đại, phía sau bức tượng là một ngôi sao năm cánh ghép từ đá cẩm thạch. Bước xuống khỏi tấm thảm di động chúng tôi đi giữa những bức ảnh, những pho tượng mô tả cảnh tang tóc khi dân chúng được tin Kim Nhật Thành qua đời.

Nhạc buồn mỗi lúc một khó chịu đến mức tôi muốn lao ra khỏi cái nhà mồ khổng lồ này. Phía sau chúng tôi những người dân bước xuống thảm, mặt mũi xanh tái khi tiến lại gần thi hài con người vĩ đại. Khi họ lại gần tôi thấy ai cũng giàn giụa nước mắt. Tiếng nức nở mỗi lúc một to hơn khi họ tới gần chiếc quan tài và ánh sáng hồng chuyển dần sang tối. Một bàn tay vô hình rút tờ chỉ dẫn tiếng Nga khỏi tay tôi, có lẽ để tôi toàn tâm chú ý vào thi hài Kim Nhật Thành.

Tôi đi ngang một thiết bị kêu lè xè, phun thuốc khử trùng xuống chân, rồi bước vào một phòng nhỏ hơn giữa hai hàng lính gác, nơi đặt cái xác ướp của vị “thánh” trong quan tài thủy tinh. Kim Nhật Thành được quàn trên nhung đỏ, mặt trắng như phấn, mắt nhắm nghiền, còn chúng tôi thì cúi đầu từ bốn phía theo đúng khuôn phép cần thiết. Ngay cả khi chỉ còn là cái xác không hồn, nhà độc tài vẫn gây cho người ta cảm giác kính sợ, sinh thời chỉ một cái phẩy tay của ông hàng ngàn người có thể mất đầu.

Phía trên chiếc quan tài thủy tinh, đèn chiếu sáng hình ông, gây cảm giác như gương mặt ông phát ra ánh sáng về phía chúng ta. Tôi cảm thấy mùi bạc hà, có thể chỉ là mùi cao ướp xác lọt qua khe kính quan tài. Những người bạn cùng đi cúi đầu khóc nức nở, và không phải vì những camera đặt ở các góc phòng. Đúng là họ tin vào điều không thể tin nổi. Sau khi đã cúi mình lần cuối, chúng tôi ra ngoài theo những luồng ánh sáng hẹp…

Chúng tôi ngồi vào xe, đi thêm mấy cây số trên những đoạn đường núi khúc khuỷu, lên một đỉnh núi - từ đây có thể nhìn thấy Bình Nhưỡng. Các vị chủ nhà dẫn chúng tôi tới địa điểm hành hương quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên. Một ngôi nhà tường đất nện, mái lợp lau sậy hiện ra trước mắt chúng tôi.

- Đây là nơi đã sinh ra Lãnh tụ Vĩ đại! - Chol chỉ vào căn lều giới thiệu. Cùng lúc, một cô gái khuôn mặt ửng đỏ, thắt cà-vạt màu hồng, tiến lại phía chúng tôi, cái nhìn đầy vẻ trách móc vì Chol đã tranh phần cô nói ra cái điều thiêng liêng nhất, và cô bắt đầu bài tụng ca. Cô nói Kim chủ tịch đã ra đời trong căn nhà nhỏ bé này để mang lại hạnh phúc cho nhân dân mình.

Cô cho xem chiếc hái cắt cỏ, cái búa mà thân sinh ông đã sử dụng, và chiếc hái mà chính Kim Nhật Thành đã dùng để cắt cỏ… Sau bài tụng ca dài, cô lần lượt đưa chúng tôi tới giếng để chúng tôi được thưởng thức “chất nước mát mà Kim chủ tịch vĩ đại đã dập tắt cơn khát của người trong nhiều năm”. Tôi uống thử một ngụm nhỏ, thứ nước tù đọng có mùi trứng ung, quả thật như thế.

Chúng tôi quay về nơi ở trong thành phố, vì không có mạng điện thoại di động và cũng không có phương tiện gì khác, muốn liên hệ với Budapest, chỉ còn cách quay về ngôi nhà của sứ quán Bulgaria cũ dùng máy fax; cũng có cái hay là điện thoại có thể bị nghe trộm, còn fax thì không. Về đến nơi ở thì trời đã tối, cái trò thăm viếng bảo tàng đã làm mất hết cả ngày và hôm sau cũng không hứa hẹn điều gì tốt đẹp hơn, vì Hong nói về nó với vẻ rất hào hứng.

Cùng ngồi uống với Béla một tách trà nóng, sau đó tôi bật thử vô tuyến, trong đó… không nói chắc bạn đọc cũng đoán ra chương trình đang nói về những ai. Béla có vẻ hơi sốt ruột, vì anh phải viết báo cáo hàng ngày, nhưng chẳng có gì đáng viết. Trước khi đi nằm tôi còn ghé sát vào mấy cái đầu ghi âm trộm thao thao chửi bọn Mỹ và ca ngợi công lao của chủ nghĩa cộng sản, rồi tôi hỏi Béla khi về nước chúng tôi có nên thành lập CLB những người hâm mộ Kim nhật Thành? Béla, với giọng điệu mực thước vốn dĩ của anh, bảo:

- Một sáng kiến tuyệt hay.

Tôi xoay trở mãi mà không tài nào ngủ được. Tôi cảm thấy có lẽ mình sẽ chẳng được thấy những gì mình muốn, suốt ngày đi tìm hiểu từng chi tiết về cuộc đời của “hai con người kiệt xuất” kia. Thế đã là quá đủ rồi. Quá nửa đêm, tôi bật đèn ngồi dậy và nhìn quanh phòng. Không thấy có đặt camera, Béla cũng bảo có lẽ không có, ít nhất là theo anh nghĩ.

- Mình phải ra khỏi cái cũi này - tôi lẩm bẩm. Nhưng đó là chuyện không thể được. Khu này nằm trên một quả đồi giữa thành phố, mặc dù ngoài cổng có lính gác, nhưng phía sau rào có một lỗ thủng. Nếu tôi chui qua đó xuống phố dạo chơi thì sẽ ra sao? Chẳng lẽ vì thế họ lại bắn. Rồi tôi lại xua đuổi ý nghĩ đó đi, nhỡ qua các thiết bị nghe trộm họ biết được tôi bỏ ra ngoài, vì trong phòng im lặng không một tiếng thở, không một âm thanh nào. Tôi lại nằm xuống giường. Rồi lại vùng dậy, lấy túi xách tay, vào phòng tắm và xả nước.

Tôi nhẩm tính: pin trong chiếc dictaphone (máy ghi âm cầm tay - ND) của tôi còn tốt. Cuộn băng ghi cuộc nói chuyện của chúng tôi, mặt A dài 60 phút chỉ toàn về chuyện gia đình Béla. Nếu đặt lên giường và bật máy, và ở phòng bên Béla ngủ yên…thì tôi có cả một giờ đồng hồ. Ở đầu kia họ sẽ nghĩ chúng tôi đang trò chuyện với nhau. Béla ơi đừng ngáy to nhé, tôi đã phác thảo một kế hoạch.

Tôi đặt đồng hồ stopper 45 phút, ấn nút bật dictaphone, đóng cửa rồi nhẹ nhàng đi xuống cầu thang. Bốn phút sau tôi đã xuống dưới sân. Những người lính gác ngoài cổng không thể nhận ra vì ánh sáng điện yếu ớt. Tôi vòng qua khối nhà bê-tông và chốc lát đã tới sát hàng rào, và lọt qua lỗ hổng. Trời tối om, nhưng từ chiều tôi đã để ý thấy phía bên kia đồi có một quảng trường khá rộng, thường xuyên được chiếu sáng.

Thực ra tôi cũng không biết mình muốn xem gì, cũng không muốn làm trò gián điệp, tôi chỉ muốn thấy những thứ khác cái mà họ muốn giới thiệu với chúng tôi. Đi bộ được khoảng hơn mười phút, đúng hơn là tôi lò dò bước đi không một tiếng động. Mấy phút sau tôi tới sát một nhà lắp ghép, trong căn hộ sát đất thấy ánh đèn dầu le lói từ bếp. Tôi ghé mắt nhìn vào, thấy một người đàn ông mặc quân phục ngồi cúi đầu ủ rũ nhìn xuống đất. Sau ngôi nhà là một khoảng trống có nhiều bụi cây, tôi vội lẩn vào giữa những lùm cây.

Tôi đã ra khỏi phòng ở 18 phút. Ánh sáng từ quảng trường chiếu lên những lùm cây, trời đêm ẩm thấp, nhưng tôi vẫn ngồi xuống một gốc cây, nhìn về phía quảng trường. Cách tôi chỉ vài trăm mét thấy nhiều xe buýt và binh lính vây quanh, tất cả được chiếu sáng bởi những đèn pha cỡ lớn. Mấy phút sau có khoảng hai trăm người tay cầm cờ, mặc đồng phục xanh, leo lên các xe buýt. Độ mười phút sau, chiếc cổng sắt lớn của ngôi nhà đối diện mở ra, những người lính nãy giờ đứng vạ vật bên ngoài bỗng chạy lại xếp hàng rào hai bên, báng súng hạ xuống chân.

Trời bắt đầu mưa, tôi căng mắt quan sát. Rồi đánh liều bật camera, hướng ống kính về phía cổng sắt và hai hàng lính. Mấy phút sau từ trong cổng sắt xuất hiện một hàng người, áo quần màu xám, đầu cạo trọc, đi giữa hai hàng lính tay đã lăm lăm súng. Có lẽ đó là những tù phạm, tay chân họ đều bị xích. Qua ống kính tôi nhìn rõ hết, nghe cả tiếng xích sắt vọng tới chỗ tôi ngồi. Bỗng nhiên bụi cây phía sau tôi rung lên. Tôi chợt rùng mình. Tôi biết với camera đang hướng về phía đoàn xe trên tay, tôi không thể biện bạch “tôi chỉ đi dạo hít thở không khí một lát” được.

Tôi ép mình xuống cỏ, môi run bắn lên. Tự nhiên thấy buồn giải khủng khiếp. Tôi chợt thoáng nghĩ mình đang làm chuyện điên rồ gì thế này, giữa nước Triều Tiên cộng sản? Có tiếng sột soạt, rồi nghe như tiếng chạy, lùm cây rung lên, tôi vội đưa hai tay lên đầu, hét lên bằng tiếng Nga: “Nye streljaj!” (Ðừng bắn!). Đúng lúc ấy một con mèo hoang lớn chạy vụt qua bên cạnh tôi, ngoao lên một tiếng to kéo dài.

Chưa bao giờ tôi thú nhận, từ khi thành người lớn, tôi đã vãi đái ra quần, lần này xin nhường cho trí tưởng tượng của độc giả. Tim bắt đầu đập trở lại, tôi luồn trong các bụi cây, trở lên đồi. Nhìn đồng hồ thấy mình đã ra khỏi phòng 41 phút. Tôi nhìn lại phía quảng trường, thấy những tù phạm được dồn lên xe buýt, có hai người nằm dưới đất, tay bắt lên gáy. Tôi không bao giờ dám chắc thực ra mình đã nhìn thấy những gì.

Khi chui qua hàng rào quay về tòa nhà Sứ quán Bulgaria cũ, tôi nghe có tiếng súng nổ, cũng không biết vì sao. Tôi đã tới Chernobil, tới trại hủi, đã qua chiến tranh Nam Tư, chưa bao giờ tôi sợ như thế. Sau 50 phút tôi quay về tới phòng ở. Trong băng ghi âm Béla đang kể vợ anh là người cộng sự gần gũi nhất của anh, và Sándor là người tốt nhất mà anh biết. Tôi đổ vật mình xuống giường.


(NCTG) “Cơn cuồng nhiệt bùng phát. Những người Triều Tiên cùng vào với chúng tôi bỗng hét rú lên, hai người phụ nữ ngất lịm, ngã vật xuống đất, đám đàn ông cũng khóc rống lên như lũ trẻ nhỏ. Lính gác khiêng mấy người phụ nữ ra ngoài. Tất cả gây bàng hoàng tới mức chính tôi cũng kinh ngạc đứng ngây người nhìn trò ảo thuật…”.

 
Xứ sở kỳ lạ: đường phố rộng thênh thang, nhưng không mấy khi có xe cộ, không cần cả đến hệ thống đèn xanh đèn đỏ, nên cảnh sát giao thông có vẻ như thừa - Ảnh: Internet


Sáng ra Béla đánh thức sớm.

- Hình như đêm qua cậu mất ngủ - anh cười cười nói.

- Đúng, có lẽ do lệch giờ - tôi vươn vai đáp. Thật may anh không hề biết gì về chuyến phiêu lưu ban đêm của tôi. Trước mắt tôi cũng chưa muốn nói với anh, người đã giúp đỡ tôi thật vô tư, thế mà tôi đã đẩy anh vào tình huống có thể cực kỳ nguy hiểm. Hãy để anh biết về sau cũng chưa muộn, tôi nghĩ.

- Nhanh lên, các bạn chúng ta đang đợi - anh cao giọng giục tôi, trong khi tôi đang lúng túng vì quần chưa kịp khô. Buổi sáng hôm ấy đã bắt đầu như thế.

…Chiếc xe địa hình đưa chúng tôi lên dãy núi Hương Sơn, đoạn đường dài chừng 200 km, tôi gà gật suốt dọc đường vì đêm qua không ngủ. Sau một khúc quanh gấp, xe dừng lại trước một chiếc cổng màu vàng cao bất thường. Một người lính bước lại đưa cho mỗi chúng tôi một đôi găng tay trắng đặt trên một chiếc khay bạc.

- Vujity, lần đầu anh tới đây - Hong nháy mắt. -Chúng tôi dành cho anh vinh dự được mở chiếc cổng vàng dẫn tới nơi trưng bày các tặng phẩm của các lãnh tụ anh minh của chúng tôi.

Tôi xuống xe, lẩm bẩm cám ơn Hong và lại gần cổng. Người lính lễ phép chìa chiếc khay bạc trên có chìa khóa. Tôi cầm chìa khóa tra vào ổ xoay nhẹ và cẩn thận đẩy cánh cổng. Tôi cảm thấy mình như Ali Baba khi gọi “vừng ơi, mở ra”, nhưng trước mắt tôi không phải là châu ngọc, mà là hai hàng lính đứng nghiêm trước một lối vào ăn sâu trên bức tường.

- Đó là những người giữ lửa - Chol hất hàm chỉ về phía những người lính gác. Anh ta muốn nói đến ngọn lửa mà Kim Nhật Thành và nay là con trai ông thắp lên cho Triều Tiên qua những lời giáo huấn của họ. Giống như cha mình trước đây, Kim Chính Nhật cũng đi thăm thú khắp nơi, đưa ra những lời dạy bảo, một người đi theo ghi chép những gì Lãnh tụ Kính yêu nói và tất cả thực hiện đúng như thế, dù đó là trường học, bệnh viện hay xưởng vẽ.

Nhờ ý tưởng lóe ra trong đầu Kim Chính Nhật mà đoàn tàu hỏa chuyên chở Kim Nhật Thành được đưa vào lòng núi, rồi sau chính ông ta lại tặng thưởng mình vì sáng kiến tuyệt vời ấy. Trước khi bước chân vào con tàu do Stalin gửi tặng, chúng tôi phải tháo giày xỏ chân vào một đôi dép mềm. Dù sao thì cũng không phải ở đâu cũng có thể xem được một bảo tàng như thế này.

Chúng tôi bắt đầu một cuộc thăm bảo tàng ma-ra-tông nữa. Lại một cô gái đeo cà-vạt đỏ thao thao bất tuyệt bài tụng ca quen thuộc.

Tôi cố gắng giữ nụ cười thường trực trên môi, lặng lẽ xem hết “hơn ba trăm nghìn tặng vật bày trong 600 phòng trưng bày”.

…Chúng tôi chợt sững lại trước một chiếc cổng khổng lồ khác, nằm trong lòng đất.

- Các anh có cần gọi bác sĩ không? - Chol quay về phía tôi.

- Cái gì? - tôi tròn mắt nhìn anh ta.

- Lần đầu tiên đến đây, sợ anh bạn không chịu nổi sức ép tâm lý sẽ đè nặng lên anh trong phòng lớn.

Tôi vẫn nhìn anh ta tỏ vẻ chẳng hiểu gì, may là Béla đã nói đỡ cho tôi:

- Theo tôi thì Tvrtko, dù khó khăn, nhưng sẽ chịu đựng nổi gánh nặng tâm lý này.

Chiếc cổng màu chì mở ra. Bên trong vẳng ra một giai điệu sang trọng, khích lệ, một ngọn đèn mô phỏng mặt trời mọc trong đêm tối. “Mặt trời” từ từ chiếu sáng căn phòng lớn. Ở giữa là một thảm cỏ xanh, trên các cành cây có các loài chim, từ loa vang ra tiếng hót véo von. Và sau đó… dưới bóng một cây ở giữa thảm cỏ…Đồng chí Chủ tịch Lãnh tụ Vĩ đại xuất hiện… như người thật, có lẽ là tượng thạch cao… Nhưng cơn cuồng nhiệt bùng phát.

Những người Triều Tiên cùng vào với chúng tôi bỗng hét rú lên, hai người phụ nữ ngất lịm, ngã vật xuống đất, đám đàn ông cũng khóc rống lên như lũ trẻ nhỏ. Lính gác khiêng mấy người phụ nữ ra ngoài. Tất cả gây bàng hoàng tới mức chính tôi cũng kinh ngạc đứng ngây người nhìn trò ảo thuật, sau đó Chol và Hong phải an ủi tôi. Tôi trấn an họ và nói rồi tôi sẽ vượt qua cơn sốc khủng khiếp này. Khi tôi đã tĩnh tâm lại… cả nhóm lại tiếp tục cuộc hành trình trong cái bảo tàng khúc khuỷu dưới lòng đất.

Sau ba tiếng đồng hồ, chúng tôi tới các phòng trưng bày tặng phẩm của các nhà lãnh đạo các nước anh em. Ví như trong phòng Romania, một con gấu nhồi lừng lững trước mặt, phòng CHDC Đức là một con lợn rừng khổng lồ do đồng chí Honecker tặng đang trừng trừng nhìn khách. Đúng hơn là tấm da được căng ra của nó, vì trên tấm da là bức họa Erick và Kim đang ôm hôn nhau thắm thiết. Có thể thấy lọ mứt anh đào ngâm cao tới hai mét của đồng chí Zhivkov, bộ sưu tập xì-gà cực kỳ quí của Fidel Castro, hay phần thưởng của Đảng bộ Quận 13 thành phố Moscow.

Tới phòng Hungary, ta có thể thấy đặt dưới áo phông có chữ ký của các tuyển thủ Đội bóng vàng là bộ đồ ăn bằng vàng, rượu đào đóng chai cổ cao, hình Nhà Quốc hội gắn ngôi sao đỏ khắc trên khay bạc hay bộ đồ sứ Herend… Kádár, Lázár, Losonczi, Rákosi và các đồng chí của họ đã làm tất cả vì “tình hữu nghị”, nhờ vậy mà ta bắt gặp đủ các loại huân - huy chương của Cộng hòa Nhân dân Hungary trong tủ kính phòng trưng bày.

Rồi chúng tôi sang phòng trưng bày các tặng phẩm lớn, trên bệ đỡ là một chiếc Mercedes còn bóng loáng, phía sau là những chiếc xe Volga màu xanh thẫm - sản phẩm hàng đầu của nền công nghiệp Liên Xô - do Khrushchev và Brezhnev tặng. Tôi thật sự thán phục cô gái đã thuyết giải liên tục mấy tiếng liền không mệt mỏi về nguồn gốc và lai lịch của các tặng phẩm, đến nỗi tôi không dám tin là thật khi cô nói “chúng ta đang ở trong phòng cuối cùng”.

- Ta về ăn tối chứ? - tôi hỏi dò cốt để xem chắc đã đến lúc chúng tôi được về chỗ ở chưa. Trên gương mặt gầy khô của Chol thoáng một nụ cười giễu cợt.

- Bây giờ mới đến Bảo tàng tặng vật của Lãnh tụ Kính yêu Kim Chính Nhật! - anh ta bảo. Tôi nhìn Béla dò hỏi, nhưng chỉ thấy anh khẽ gật đầu xác nhận. Tôi nghĩ đó chính là giây phút tôi đánh mất niềm tin ở con người.

… Trên đường về nhà nghỉ Béla lại gặng hỏi về chương trình hôm sau, nhưng có vẻ như Hong và các cộng sự của anh ta không hề có ý định đưa chúng tôi tới thăm bệnh viện. Có điều Béla đã đưa đến một lượng hàng cứu trợ lớn, và người Baptiste trẻ tuổi này muốn đưa đến tận nơi, và anh muốn đích thân giám sát. Không khí trong xe căng thẳng như có thể sờ mó được. Và sáng hôm sau xung đột đã nổ ra.

- Giờ ta tới xưởng làm bánh mì chứ? - Béla hỏi khi chúng tôi đã yên vị trong xe. Anh nói tới xưởng làm bánh mì mà tổ chức Baptiste đã giúp xây dựng.

- Có lẽ sẽ còn thời gian tới đó - Hong đáp. - Nhưng trước đó chúng tôi muốn giới thiệu với các anh bức tượng bán thân mới khánh thành của Chủ tịch Kim Nhật Thành, tặng các em học sinh ở một thành phố gần đây.

- Không, anh bạn ạ, chúng ta phải đến xưởng làm bánh mì - Béla tuyên bố dứt khoát. Nhưng Hong không chịu.

- Các anh không thể không tới xem bức tượng tuyệt vời đó! - Hong nói. Nhưng Béla gật gật đầu.

- Rất có thể đấy. Nếu không chúng tôi sẽ bỏ các chương trình khác.

- Nghĩa là sao?

- Chúng tôi sẽ về nước!

- Nhưng như thế là các anh xúc phạm đồng chí Kim Nhật Thành, xúc phạm các nhà lãnh đạo của thành phố nhỏ ấy, họ đang chờ đón các anh với một chương trình văn nghệ cách mạng đấy!

- Đi! Tvrtko, ta về xếp đồ đạc thôi.

- Này, các anh hãy dừng lại! Hãy chờ đã!

- Đi thôi, tôi chán ngấy cái trò này rồi. Họ không thực hiện một điểm nào trong chương trình đã thỏa thuận cả.

Chúng tôi bỏ mặc bọn Hong đứng đó. Thú thật tôi thoáng có ý nghĩ liệu chúng tôi có làm chuyện điên rồ không. Vì họ giữ hộ chiếu, vé máy bay của chúng tôi, và chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Nhưng tôi tin vào Béla, tôi tin anh biết đâu là giới hạn. Và tôi đã không thất vọng. Khoảng 10 phút sau thấy tiếng gõ cửa phòng anh. Ngó ra, tôi thấy bọn Hong đứng ngoài hành lang, Béla mở cửa trong tay cầm một máy điện thoại màu đỏ.

- Xin lỗi, tôi đang nói chuyện với cha Sándor - anh nói và định quay vào phòng. Hong tiến lại phía sau, nắm lấy vai anh.

- Hãy khoan đã, tất cả sẽ ổn thôi.

- Tất cả à? Nghĩa là sao?

- Chúng ta sẽ tới tất cả những nơi các anh muốn.

- Thật chứ?

- Thật. Nhưng anh hãy nói với cha Sándor là tất cả đều ổn.

Tôi thoáng nghĩ họ đã nghe trộm điện thoại và khi Béla phàn nàn với cha Sándor thì họ lập tức xử lý tình huống.

Phần kết thúc:

(NCTG) “Các cô phụ trách ra hiệu cho chúng hát, bài hát ca ngợi Kim Nhật Thành, người hết lòng chăm lo, yêu quý trẻ mồ côi. Theo nhịp nhạc bọn trẻ đung đưa những thân hình gầy guộc, răng lợi huếch hoác hát lên bài ca cách mạng. Lũ trẻ hôi hám, đầy chấy rận và chắc hẳn những đau đớn khủng khiếp đang hành hạ cơ thể nhỏ bé của chúng. Nhưng chúng vẫn hát vì bắt buộc phải cống hiến cho các vị khách tới từ thủ đô xa xôi.”



Ảnh bên: Bệnh viện mang tên nhà độc tài Rákosi do Hungary xây dựng từ đầu thập niên 50 thế kỷ trước, nay đã đổ nát và nhiều nơi vẫn giữ nguyên trạng như 60 năm về trước, được coi là một trong những cơ sở y tế hiện đại nhất của Bắc Hàn - Ảnh: pokoli.hu


… Ở xưởng làm bánh mì công việc kết thúc khá nhanh, ngoài mấy con chuột đói lùng sục đây đó ra chúng tôi thấy mọi thứ đều ổn, chất lượng bánh mì cũng đạt mức tạm “ăn được”. Các kho của tổ chức Baptiste được canh gác cẩn mật, không hề có dấu tích bị đột phá. Béla cho công nhân bốc đầy hai xe tải thực phẩm, rồi chúng tôi lên đường đi Sarivon.

Mới đến thành phố chúng tôi đã thấy khu bệnh viện hiện ra. (Đây là bệnh viện do Hungary thiết kế và xây dựng từ đầu những năm 50 thế kỷ trước - ND). Nhưng khi tới cổng ra vào thì tôi thực sự bị bất ngờ đến kinh ngạc. Tôi hỏi Chol dòng chữ tiếng Triều Tiên trên cửa ra vào có nghĩa gì. Anh ta dịch theo thói quen:

- Bệnh viện Hungary Rákosi Mátyás, Sarivon.

Tôi phải ngồi xuống đất. Vậy là giai thoại về bệnh viện này là có thật. Cho đến tận bây giờ, đầu thế kỷ XXI nó vẫn mang tên Rákosi Mátyás (*).

Vừa bước vào qua cổng tòa nhà chính đã thấy sự ranh ma sắp đặt trước: họ cố đưa chúng tôi vào những khu nom sạch sẽ dễ coi hơn. Tòa nhà do những công nhân xây dựng Hungary xây cất cách đây đã 50 năm không hề được sửa sang gì thêm. Đây lại là cơ sở y tế duy nhất trong thành phố 200 ngàn dân này.

Hong giới thiệu chúng tôi với ông giám đốc, người được các nhân viên của đồn công an Kim Nhật Thành phía đối diện kèm sát, có lẽ vì họ sợ ông sẽ phàn nàn với chúng tôi những gì không cần thiết. Ông mời chúng tôi đi xem nhà bảo tàng của viện, vì ta nên nhớ ở Triều Tiên ngay cả cơ quan nhỏ nhất cũng có bảo tàng hay nhà trưng bày để giới thiệu “công lao” của Kim Nhật Thành.

Chúng tôi mất nửa giờ ngán ngẩm trong bảo tàng, có cả một bức ảnh chân dung Rákosi, tôi chưa từng thấy ở đâu có bức ảnh nom ông ta hói đầu và béo như thế. Sau đó chúng tôi ra đặt vòng hoa viếng đài tưởng niệm các công nhân xây dựng và các bác sĩ Hungary do lãnh đạo thành phố cho dựng nên. Rồi cuối cùng phải đi xem hết thư viện (vì một năm trước đây Kim Chính Nhật đã tới đây và theo sự chỉ đạo sáng suốt của Người, tất cả các cơ quan phải có thư viện, chủ yếu trưng bày các trước tác của hai cha con ông ta).

Hong coi như chuyến thăm bệnh viện thế là xong, nhưng Béla từ tốn nói:

- Chúng tôi muốn coi số thuốc men của Hungary ra sao.

Hong miễn cưỡng gật đầu ra hiệu cho ông giám đốc dẫn đường, nhưng Béla biết chính xác lối đi, vì anh đã tới bệnh viện này nhiều lần.

- Người mới là liều thuốc thực sự! - Hong cố chỉ lên bức ảnh Kim Nhật Thành treo trên tường, nhưng Béla cứ cúi đầu đi lên trước. Chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, không khí bức bí ngột ngạt. Ông giám đốc kéo chiếc rèm che sang một bên, phía sau rèm trên các giá đỡ là những hộp thuốc viên, kim tiêm, những lọ thủy tinh trống rỗng.

- Chúng tôi đã sử dụng hết phần lớn số thuốc - ông giám đốc giải thích.- Bệnh nhân đông quá…

Béla ra hiệu không cần nói thêm nữa, rồi bước ra khỏi phòng. Dù sao anh cũng không thể chứng minh nổi số thuốc đã được dùng cho các bệnh nhân Sarivon hay đã lọt vào nhà các cán bộ đảng ở Bình Nhưỡng. Ông giám đốc dẫn chúng tôi vào một phòng mổ, và tôi bắt đầu ghi hình. Béla giơ bàn tay ngăn ống kính.

- Chúng tôi không quan tâm tới cái này, mà muốn xem phòng mổ thật kia. Bệnh viện Sarivon sẽ không nhận được một cắc viện trợ nếu chúng tôi mang hình ảnh của cái phòng mổ tạm coi được này đi giới thiệu đâu.

Đây là phòng mổ đã được những người Baptiste sang sửa lại, sạch sẽ tới mức đáng ngờ. Họ cũng không phẫu thuật trong phòng này, trừ phi có lãnh đạo cỡ bự cần giải phẫu. Phòng bên cạnh trong tình trạng thật thảm hại. Trong một chậu nhựa màu xanh còn ngâm mấy con dao mổ dính máu, bên cạnh đó là mấy miếng gạc bẩn đã dùng ngâm trong một chiếc xô chờ sử dụng lại.

Nền nhà lát tấm nhựa nhầy nhụa mỡ và trơn tuột như hàng năm nay chưa được lau rửa. Hàng đàn kiến đỏ lũ lượt rồng rắn kéo nhau dưới chân tường. Phòng mổ chiếu ánh sáng xanh, có mùi hơi khét bốc lên từ kim loại nung nóng cháy, muốn nghẹt thở. Chúng tôi được dẫn vào một gian chứa củi, được giới thiệu là phòng Röntgen. Ở giữa phòng đặt một máy Röntgen cũ kỹ, có ghi dòng chữ: Nhà máy Röntgen Budapest, 1953.

Mấy phút sau chúng tôi sang phòng bệnh nhân hậu phẫu. Những bệnh nhân nhếch nhác nằm lăn lộn trên những tấm nệm bẩn thỉu trải dưới đất, trên nền loang lổ những vết máu khô. Không phải là những ca mổ lớn, nhưng trong môi trường ô uế này họ có thể dễ dàng bỏ mạng. Những bệnh nhân bất tỉnh do cơn sốt lại là những người may mắn, có người co giật như lên cơn động kinh trên nền nhà.

Lúc này, khi bước ngang qua những con người khốn khổ, dở sống dở chết này không thấy ai lải nhải những bài tụng ca cha con Kim Nhật Thành. Dường như các nhà chức trách cố ý loại bỏ tất cả những gì có chút nhân tính, họ cho đặt những thiết bị khổng lồ chắn hết cửa sổ, ngăn không cho gió và ánh sáng vào các căn phòng. Có cảm giác cả bệnh viện là một màn đêm vĩnh cửu, không có ánh sáng.

Suýt nữa tôi vấp phải một thân người còn trẻ. Có lẽ cảm thấy chân tôi, anh ta nặng nề mở đôi mi mắt nặng trịch, khó khăn lắm như định nói điều gì nhưng không thành tiếng, chỉ nghe phều phào, chắc anh ta chẳng còn sống được mấy nữa…

Nhưng những khủng khiếp địa ngục chưa kết thúc. Từ bệnh viện chúng tôi đi thẳng sang một trại trẻ mồ côi, nơi nuôi những đứa trẻ mà cha mẹ chúng bị đưa vào trại tập trung, hoặc bị coi là “không thích hợp”.

…Chúng tôi bước vào một căn phòng tăm tối, mùi hôi thối nồng nặc không chịu nổi. Những đứa trẻ nhơ nhớp, bẩn thỉu nằm trên nền đất, chỉ có hai tấm phản cũ mướp trong căn phòng. Tôi không thể tả nổi cảm giác của mình khi đó, có lẽ bao trùm lên tất cả là sự bàng hoàng kinh ngạc. Khi nhìn thấy chúng tôi bọn trẻ cố gượng đứng dậy, một đứa không tự dậy nổi, tấm lưng vẹo vọ của nó có lẽ là di chứng của một căn bệnh hay dị tật bẩm sinh.

Các cô phụ trách ra hiệu cho chúng hát, bài hát ca ngợi Kim Nhật Thành, người hết lòng chăm lo, yêu quý trẻ mồ côi. Theo nhịp nhạc bọn trẻ đung đưa những thân hình gầy guộc, răng lợi huếch hoác hát lên bài ca cách mạng. Lũ trẻ hôi hám, đầy chấy rận và chắc hẳn những đau đớn khủng khiếp đang hành hạ cơ thể nhỏ bé của chúng. Nhưng chúng vẫn hát vì bắt buộc phải cống hiến cho các vị khách tới từ thủ đô xa xôi.

Bọn Hong nhìn lũ trẻ với vẻ tự hào, cứ như mọi chuyện thế là ổn cả. Tôi tự hỏi liệu ai trong bọn họ sẵn lòng đưa con cái mình tới cái lò hành xác bẩn thỉu, tường đầy nấm mốc, nhung nhúc ròi bọ này. Hát xong, có mấy đứa trẻ kiệt sức lăn kềnh ra đất, nhưng khi Béla bảo sang phòng bên thì chúng lập tức theo sang ngay, chúng biết nếu không sẽ không kịp nhận được phần quà.

Béla chia bánh mì và xúc-xích cho bọn trẻ, mỗi đứa được thêm một chai nước hoa quả. Chúng xếp hàng rất có khuôn phép, tới gần Béla, nhận phần quà, cúi đầu cám ơn rồi mới về chỗ. Một cậu bé chắc không chịu nổi sự chờ đợi, chạy lên trước nằm lăn trên chiếc bao quà trước Béla. Mấy cô phụ trách vội lao đến lôi thằng bé ra góc phòng và đánh túi bụi. Bọn Hong cũng gằm gằm nhìn thằng bé.

- Dừng lại, đừng đánh nó!

Béla nói như ra lệnh và lại gần ôm cậu bé, đặt vào tay nó một gói quà. Tôi bật camera, Hong có vẻ khó chịu, nhưng tôi phớt lờ anh ta. Tôi đã quay được mấy phút…

Chúng tôi cho bốc một xe tải hàng cứu trợ xuống sân. Trong khi Béla mải đàm phán với những người đứng đầu trại trẻ, tôi hỏi tìm nhà vệ sinh. Hong cử một người lính đi theo tôi, đến cuối hành lang anh ta đứng châm thuốc hút, tôi đóng cửa buồng vệ sinh. Ngập ngụa một thứ bùn nhão trộn phân người tởm lợm tới con khoai.

Đúng ra tôi chỉ muốn vào rửa qua mặt mũi sau những gì vừa trải qua, nhưng không dám nữa, biết thứ gì sẽ chảy ra từ cái vòi nước kia? Qua cửa sổ nhỏ sau nhà vệ sinh tôi lạnh người nhận ra một tốp lính đang quăng những túi hàng chất trên sân lên một chiếc xe tải. Tôi định báo ngay cho Béla, nhưng nghĩ đến bọn Hong, tôi đành trấn tĩnh lại. Quay ra hành lang tôi không thấy người lính đi theo ban nãy đâu, chắc anh ta đã ra sân tán gẫu với mấy người bạn.

Tôi tranh thủ cơ hội thử đi khám phá thêm trại mồ côi xem thế nào. Nhưng tôi không đi được bao xa. Từ trong một chiếc tủ kê dọc hành lang tôi nghe thấy tiếng rên nho nhỏ. Tôi thận trọng mở cánh tủ, một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt. Một đám nhặng bay vù lên, và trong tủ là hai đứa trẻ sinh đôi kiểu Xiêm (mình dính vào nhau) chừng 6 tuổi, nằm tách biệt với bên ngoài.

Bắc Triều Tiên hổ thẹn vì những công dân dị tật của mình, và vì thế trong đa số các trường hợp sau khi ra đời, chúng bị “thủ tiêu” ngay. Cặp song sinh này còn lại có lẽ là do cha chúng là một ông “cốp” nào đó. Vì vậy mà chúng còn sống, nhưng sống như thế này đâu phải cuộc sống con người. Tròng mắt chúng đảo lên, đảo xuống chậm chạp, lưỡi chúng run run trong hốc miệng khô tối, chúng chỉ còn thở khò khè, những vành tai nham nhở ri rỉ máu tươi…

Bỗng nghe thấy tiếng chân người từ phía sau, tôi vội nấp vào một chỗ khuất. Do vội vàng tôi không kịp khép cánh tủ lại. Hai người lính lại gần, sững lại nhìn vào tủ. Một người đưa tay lên che miệng, rồi họ quay ngược lại, chạy vụt đi.

… Tôi ra hiệu với Béla là tôi có chuyện muốn nói riêng với anh, nhưng anh nháy tôi không cần. Sau này anh bảo có biết việc hàng cứu trợ bị xà xẻo. Rồi anh cho biết thêm có khoảng 80% hàng viện trợ đến địa chỉ, ở một đất nước như thế này thì tỷ lệ ấy là rất khá. Nhưng việc cặp song sinh bị nhốt trong tủ, thì ngay Béla cũng phải sửng sốt.

Lát sau, chúng tôi thấy những người lính khiêng một bao tải lớn tới công-te-nơ đựng rác, khi họ ném cái bao lên đỉnh đống rác, chúng tôi thấy thò ra một cánh tay trẻ em. Tôi vội lia camera về phía đó. Ngay lúc đó, Kim từ nãy vẫn im lặng bỗng gào lên. Rằng tôi làm gì thế, tôi đến Triều Tiên làm gì? Làm gián điệp ư? Quay phim gì thế? Và tôi làm cho ai?...

- Chính Đại sứ quán (tại Viên - ND) của các anh cho cậu ấy vào Triều Tiên đấy Kim ạ. Cậu ấy là cộng tác viên PR của chúng tôi - Béla bình tĩnh nói và nhìn sang Hong.

Nhưng Hong im lặng và cố ý đứng lùi về phía sau. Có vẻ như cơn thịnh nộ của Kim cũng chỉ là một phần của màn kịch. Và Kim đã diễn quá đà. Anh ta gào lên hết cỡ, mắt long lên dữ tợn.

- Anh nghe tôi nói đây, Kim - tôi lên tiếng, và hình như chỉ chờ có thế, anh ta lập tức im lặng. - Chúng tôi biết chính vì bọn đế quốc Mỹ mà nhân dân Triều Tiên bị đói, chúng đang muốn hủy diệt dân tộc này. Chúng tôi biết, nhưng thế giới thì không biết điều đó. Chính vì vậy phải cho thế giới biết không chỉ những điều tốt đẹp về đất nước tuyệt vời của các bạn, mà phải cho họ thấy bọn chó đểu Mỹ đã làm những việc kinh khủng như thế nào với các bạn.

Kim đứng lặng vài giây, rồi đột nhiên lại ôm chầm lấy tôi. Từ đó trở đi tới đâu anh cũng là người đầu tiên nhắc tôi “quay cảnh này đi, Vujity!”, hay “quay chỗ kia kìa, anh bạn!”.

… Hôm sau cả ba cùng tiễn chúng tôi ra sân bay.

- Thuốc cho con trai anh đây, tý nữa thì tôi quên - Béla bảo Chol. Ở Triều Tiên con Chol khó có cơ hội chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo.

Hong thì rút trong túi ra một chai rượu rắn, anh ta bảo, nếu tôi thấy rượu ngon thì hãy mang về một chai.

Từ phía Bình Nhưỡng nghe những mảnh vỡ âm thanh vọng lại, thành phố đang chuẩn bị cho ngày lễ. Hong rơm rớm nước mắt nói anh cũng sẽ đọc thơ trên bục dựng trong cái sân vận động khổng lồ kia. Chúng tôi vỗ vai chúc mừng anh, rồi lần lượt ôm nhau dưới ánh mắt nghiêm khắc của những người lính phía sau. Khi đến lượt Hong, anh ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Hãy làm thành một phim thật khá, ông phóng viên nhé!

Tôi toát mồ hôi hột, mỉm cười với anh.

- Chắc sẽ là một phim khá, tôi xin hứa - tôi đáp và đi về phía chiếc máy bay cũ kỹ. Từ cầu thang, tôi quay nhìn lại một lần nữa. Hong vẫy vẫy nom rất lạ. Tôi hiểu anh biết tất cả. Cả điều này nữa: việc giữ kín bí mật cũng là một phần của tấn trò.

*
Giờ đây, khi đã mấy tháng trôi qua kể từ chuyến đi Triều Tiên, tôi đã viết thư cám ơn Sándor và Béla đã giúp tôi thực hiện phóng sự quan trọng nhất của đời mình. Nhưng tôi vẫn thấy cần rút ra bài học, đó là đôi khi hãy cứ để mơ ước nguyên vẹn là mơ ước. Có một người thông thái hơn tôi nhiều đã từng nói: ở đâu cũng hay, nhưng hay nhất là khi đang ở trên đường, chừng nào ta còn đang chuẩn bị thực hiện điều ta mơ ước. Khi giấc mơ đã thành hiện thực, niềm vui có khi còn cách xa những gì ta mong đợi…

Nhưng tôi vẫn biết ơn số phận đã cho dành cho tôi chuyến đi này, và tôi chỉ có thể hy vọng tới một ngày nào đó cuộc sống của những người dân Bắc Triều Tiên sẽ thay đổi. Chóng hay chầy thì tức nước sẽ vỡ bờ, gió bão cũng sẽ quét phăng những bức tường ngăn cách, dù sau gió bão sẽ là nạn hồng thủy đi nữa, vẫn còn hơn những gì hiện đang diễn ra ở Bắc Hàn.

Giáp Văn Chung lược dịch

---------

Ghi chú (của NCTG):

(*) Rákosi Mátyás (1892-1971), Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Hungary, Thủ tướng Hungary đầu thập niên 50 thế kỷ trước, được coi là thủ hạ đắc lực nhất của Stalin trong khối Ðông Âu. Sự sùng bái cá nhân vô độ và cách hành xử độc đoán với các đồng sự và nhân dân của ông là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng mùa thu 1956. Mùa hè 1956, trước sức ép của công luận và cánh cải tổ trong nội bộ đảng, Rákosi phải sang Liên Xô và sống lưu vong những năm cuối đời tại đó.


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...