Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Không sao nhãng chuyện Biển Đông


Không sao nhãng chuyện Biển Đông

Cả nước đang rộ lên nhiều việc. Vụ cưỡng chế ở Văn Giang mà trong đó mới ầm ĩ lên chuyện 2 nhà báo của Đài tiếng nói quốc gia bị lực lượng cưỡng chế đánh tơi bời ngay hôm 24/4, nay mới bị phát lộ...

Trước đó thì vụ Tiên Lãng Đoàn Văn Vươn. Dù ông thủ tướng có kết luận là sai luật, phải giải quyết cho thấu đáo nhưng giờ thì vẫn lình xình, chưa đi đến cái kết như dân trông đợi...

Giờ đây lại có khả năng xảy ra một vụ mới ở Vụ Bản Nam Định. Mới nghe tin rằng bà con nông dân bị thu đất ở đó chít cả khăn tang để “giữ đất”. Nghe thất kinh dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà vị tổng bí thư của mình nói ở Cu Ba là rất "ưu văn việt" hơn hẳn cái anh tư bản chủ nghĩa cơ mà. Vui chút vậy cho đỡ cái ban-căng tinh thần hồi này cứ luôn tấy lên...

Đúng là toàn những chuyện về đất đai thôi. Chuyện người dân tập trung đông đảo khiếu kiện lâu nay kéo đi khắp nơi cũng là từ vấn đề đất. Họ chỉ phản kháng một cách hòa bình, nhằm chống lại sự thu hồi đất mà họ cho là trả với giá bất hợp lý, đồng thời họ cũng tố giác quan chức và doanh nghiệp thông đồng với nhau ăn phần chênh lệch từ những giá đất đai đền bù - kiểu giá rất là "trời ơi".

Những chuyện tày đình như vậy là rất đáng quan tâm. Có thể nói dù quan tâm bao nhiêu vẫn là chưa đủ...

Nhưng chớ vì thế mà “bẵng” đi, nhác đi một chuyện to đùng khác.

Đó là chuyện rất đáng quan tâm vì tính thiết thực của nó. Nó là chuyện thật bức xúc, vì lien quan đến lợi ích quốc gia, đến sự thiêng liêng là chủ quyền đất nước.

Đấy chính là chuyện “đất đai” trên biển. Cụ thể là câu chuyện nóng bỏng về chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông.


*

Sau nhiều màn diễn lớp lang, có hỗ trợ của súng đạn tàu chiến cố ý lấn át các đối tác có tranh chấp trên vùng Biển Đông suốt thời gian dài vừa qua, hôm nay 9/5, giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc đã chính thức bắt đầu hoạt động.

Thông tin chính thức từ TQ thì nói dàn khoan hoạt động tuy ở trên Biển Đông (mà TQ gọi là biển Nam Trung Hoa) nhưng không rơi vào vùng tranh chấp. Tuy thế vào dịp dàn khoan sắp họat động này thì BNG Trung Quốc đã cho mời đại sứ Philippines tại Bắc Kinh đến để phản đối về điều bị Trung Quốc gọi là leo thang căng thẳng từ phía chính quyền Manila.

Việc đến nó sẽ đến và đã đến! Sự leo thang cố ý của TQ trên mặt biển - từ lời đe dọa đầy tính cách nước lớn trâng tráo đến thủ đoạn tinh vi mơn trớn, phủ dụ ngoại giao và hứa hẹn lợi ích đây đó – chính sách của Bắc Kinh thường đi các nước cờ cao tay - mà ý chủ đạo bao giờ cũng là lấn tới và hưởng lợi cao nhất. Với các quốc gia có tranh chấp, họ áp dụng chiêu sách “vừa làm vừa dò”. Thấy ăn được là áp tới. Còn khi đối phương cương chống thì họ liệu cách chỉnh lại. Chỉnh chút thôi chứ hướng đi thì vẫn giữ. Và không bao giờ họ lùi bước trước lợi ích! Phải hiểu điều đó với TQ thì mới kiên tâm xác định chiến lược chiến thuật giữ vững chủ quyền Biển Đông.


*

Lịch sử có đầy những bài học. Không bao giờ được lầm lẫn và mơ hồ trong đối sách đối với những tham vọng mang tên Trung Hoa.


Xin mời đọc thông tin mới hôm nay, 9/5 - do Đài phát thanh quốc tế nước Pháp loan.

Vệ Nhi g-th

------

Giàn khoan dầu nước sâu đầu tiên của Trung Quốc sắp hoạt động ở Biển Đông   



Giàn khoan khổng lồ của tập đoàn dầu hỏa Trung Quốc CNOOC (REUTERS)

Trọng Nghĩa

Hôm nay, báo chí Trung Quốc đưa tin : Giàn khoan dầu khí nước sâu đầu tiên do chính họ thiết kế và chế tạo sẽ bắt đầu hoạt động kể từ ngày mai 09/05/2012. Địa điểm thăm dò là một khu vực thuộc Biển Đông biển cách Hồng Kông 320 km về phía đông nam, ở một độ sâu khoảng 1.500 mét.

Theo tờ Tân kinh báo, xuất bản tại Bắc Kinh, từ trước đến nay, công việc khoan dò dầu khí do chính Trung Quốc tiến hành chưa bao giờ xuống dưới mức 300 mét.

Theo Tân Hoa Xã, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, phương tiện được sử dụng là giàn khoan mang ký hiệu 981 của tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc CNOOC (China National Offshore Oil Corporation). Đây là loại giàn khoan có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, mũi khoan có thể xuyên xuống độ sâu 12.000m.
Tân Hoa Xã nhắc lại là trữ lượng ở Biển Đông có thể lên đến 30 tỷ tấn đối với dầu, còn khí đốt lên đến 16.000 tỷ mét khối - tương đương với 1/3 tổng dự trữ của Trung Quốc - và 70% dầu khí ở Biển Đông nằm ở vùng nước sâu, tức là ở độ sâu hơn 300 mét.

Vào tháng 11 năm 2011, khi phô trương giàn khoan trị giá hơn 900 triệu đô la này, với kích thước rộng bằng một sân bóng đá, báo chí Trung Quốc đã không ngần ngại nêu bật tham vọng của Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn năng lượng từ đại dương, và cụ thể là tại vùng Biển Đông, mà hầu như toàn bộ diện tích bị Trung Quốc coi là thuộc chủ quyền của họ, bất chấp phản đối của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan…

Tuy nhiên, giới quan sát ghi nhận là khu vực giếng dầu Lệ Loan 6-1-1, nơi sắp được khoan không nằm trong vùng có tranh chấp, nhưng xa hơn đấy về phía Đông Nam, tại vùng Bãi đá Scarborough, tàu của Trung Quốc và Philippines đang tiếp tục trực diện với nhau.
Từ ngày 10/04 khi tranh chấp giữa hai bên bùng lên, quan hệ Bắc Kinh – Manila vẫn trong trạng thái căng thẳng. Vào hôm nay, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh lại triệu mời Đại biện Sứ quán Philippines tại Bắc Kinh lên để phản đối về điều bị Trung Quốc gọi là leo thang căng thẳng từ phía chính quyền Manila.

tags: Biển Đông - Châu Á - Dầu khí - Kinh tế - Trung Quốc


Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120508-gian-khoan-dau-khi-nuoc-sau-dau-tien-cua-trung-quoc-chuan-bi-hoat-dong-tai-bien-dong

--------


Đọc thêm về dàn khoan này:




Hình ảnh siêu giàn khoan dầu của Trung Quốc

Written by on June 16, 2011 in Chuyên đề, Hình ảnh, Tin tham khảo - No comments
Báo chí Trung Quốc đưa tin bắt đầu từ tháng Bảy, nước này sẽ đưa siêu giàn khoan dầu khí vào hoạt động ở Biển Đông. Giàn khoan dầu khí trên của Trung Quốc còn có tên gọi “Dầu khí hải dương 981″ hay CNOOC 981. Trung Quốc đã cho triển khai giàn khoan này từ cuối tháng 5/2011 tới biển Hoa Đông dưới sự hộ tống của các tàu bảo vệ và tàu lai dắt để hoạt động thử nghiệm.

Đây được coi là một trong những giàn khoan lớn và hiện đại nhất thế giới hiện nay. Trung Quốc đã đầu tư 6 tỷ Nhân dân tệ (935 triệu USD) và ròng rã 3 năm để hoàn thành “Tàu sân bay” khoan dầu này. Giàn khoan được trang bị thiết bị hiện đại cùng hệ thống định vị toàn cầu.
Theo Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNOOC), đây là giàn khoan kiểu nửa chìm, hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12 km, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới và là siêu giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất.

Giàn khoan dài 114 m, rộng 90 m và cao 137,8 m. Tổng chi phí hoạt động cho giàn khoan này có thể lên tới 1 triệu USD/ngày. Hiện giàn khoan 981 đang được hoạt động thử nghiệm tại biển Hoa Đông trên vịnh Châu Sơn (tỉnh Chiết Giang).

Chiều cao giàn khoan tương đương tòa nhà 45 tầng, mặt sàn rộng tương đương một sân bóng đá tiêu chuẩn. Giàn khoan có sân đỗ cho trực thăng loại SikorskyS-92, có nơi ăn ở sinh hoạt đủ cho 160 người.

Sau khi thử nghiệm thành công, giàn khoan này sẽ được kéo tới Biển Đông và có thể hoạt động ngay từ cuối tháng 7/2011 hoặc chậm nhất là vào mùa thu năm 2011. Nhiều khả năng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiến hành hợp tác với nước ngoài thăm dò và khai thác hàng loạt khu vực trên Biển Đông.

CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu.

Theo báo chí Trung Quốc, nước này đã bắt đầu khai thác dầu khí tại các vùng biển gần biển Hoa Đông từ cách đây 30 năm. Trong bối cảnh là một nước đi sau về mặt công nghệ khai thác dầu khí và chỉ khai thác được ở độ sâu 300 m trở xuống, Trung Quốc hiện có nhu cầu sở hữu những thiết bị khai thác dầu khí hàng đầu thế giới để khai thác trữ lượng lớn và sâu dưới đáy Biển Đông.

Bảo Minh (Tổng hợp)











Nguồn: http://www.vietnamep.com/kham-pha-sieu-gian-khoan-dau-cua-trung-quoc/

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...