Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Ngao ngán

 

Ngao ngán

Chuyện 2 nhà báo bị đánh trong vụ cưỡng chế Văn Giang tôi mới biết khi còn trên đường xuyên Việt về Hà Nội. Đại thể là các tin tức loan trên mạng, nên thận trọng muốn về HN có điều kiện hơn kiểm chứng. Tới nhà không những vào mạng xem mà còn hỏi han bạn bè và nơi quen biết để tìm hiểu câu chuyện buồn này đối với nghề báo.  

Nói gì thì nói tin trên là một tin buồn (cho nghề báo), thêm nữa trước đó đọc bài “Nhà báo VN khổ hơn… chó” càng khiến lúc này lòng nặng trĩu thêm một nỗi buồn khó tả. Thế này thì đến bao giờ cho niềm mong ước về một thế giới thông tin (chỉ nói riêng về quyền được tiếp nhận thông tin) nó thông thoáng, đầy đủ cho mọi công dân mới trở thành hiện thực? Nhà báo đi tìm kiếm thông tin và sự thật lại bị đánh bị lăng mạ thì còn ra thể thống gì nữa... 

Rồi hôm nay lại đọc ít dòng về ông Huệ HNB nói ráo hoảnh là hội chưa có thông tin, sẽ tìm hiểu về vụ hai hội viên bị các lực lượng cưỡng chế ở Văn Giang đánh hội đồng ... Rồi tiếp nữa là hội sẽ “có cách riêng” để giải quyết vụ này (vụ đánh hội viên của mình)... thì tôi chẳng những buồn mà còn ngao ngán, quá là ngao ngán! 

Đành rằng với tin tức nào khi đưa ra thì chúng ta cũng phải tìm hiểu, cố truy xét cho kỹ rồi mới nói mới có thái độ đúng đắn được.

Nhưng tôi cho trường hợp vụ Văn Giang xảy ra từ ngày 24/4, tức đã có bao nhiêu là thời gian, đã có bao nhiêu là tin tức trên internet... Rồi lại chính người bị đánh là phóng viên của một đài tầm cỡ quốc gia chứ đâu loại làng nhàng vô danh tiểu tốt gì đâu mà một quan chức cấp cao của một hội đoàn trung ương lại "kém thông tin" đến mức ấy! 

Hỡi ôi, thì hóa ra một cái hội bề thế về quy mô về nghề nghiệp, lại được tiêu tiền ngân sách nhà nước (nghĩa là tiền thuế của dân), chính nó được lập ra để thúc đẩy nghiệp vụ (đương nhiên với các hội nghề nghiệp), và hơn nữa cái điều cần thiết và quan trọng bậc nhất là bảo vệ, bênh vực hội viên - khi những người này tác nghiệp gặp trở ngại khó khăn nguy hiểm -, thế mà nay ông phó chủ tịch thường trực hội đó lại kiếm cái chiêu "chưa có, chưa đủ thông tin..." quá quen thuộc để cốt sao trốn tránh cách bày tỏ thái độ cần ngay lập tức và rõ ràng với sự việc xảy ra. 

Hội nhà báo chọn cách làm thế tức là một cách thức để chờ thời, để nghe ngóng - mà chủ yếu là “hóng” ý tứ cấp trên, từ các cơ chế quyền lực nó thế nào đã thì sau đó hội mới dám nói ra cái ý của mình. Không biết nên gọi đó là cách thận trọng hay là một thái độ trốn tránh trách nhiệm? 

Cứ ngẫm mà xem, thực chất các thứ hội hè đình đám của xứ mình đều đại khái là thế cả, kể cả với hội nhà báo.

Lần nữa xin nhắc lại, quá là ngao ngán. Sự ngao ngán về cung cách làm việc xử thế với đồng nghiệp hội viên, cũng là ngao ngán về sự vô trách nhiệm của "một bộ phận không ít" quan chức thời nay.

Đến nước này cũng chẳng muốn viết thêm gì nữa. Xin đưa về đây ít tin - bài về chủ đề trên để bạn bè - và nhất là các đồng nghiệp một thời, chúng ta cùng đọc tham khảo.

Vệ Nhi g-th

-----

Hai nhà báo của VOV bị hành hung tại Văn Giang

08-05-2012 | 15:38

Sáng 24/4/2012, UBND H.Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đã huy động lực lượng thực hiện cưỡng chế thu hồi 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan.


Sau khi vụ việc kết thúc, trên một số trang mạng điện tử đã xuất hiện đoạn video được cho là ghi lại vụ cưỡng chế, trong đó có hình ảnh một số người dân bị lực lượng cưỡng chế (có công an mặc sắc phục) hành hung.
Ảnh: Thanh Niên


Hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (SN 1970), trưởng phòng và Hán Phi Long (SN 1979), phóng viên Phòng Phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế (Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) đã xác nhận với Thanh Niên, họ chính là hai người bị đánh trong đoạn video nói trên (ảnh).

Ông Nguyễn Ngọc Năm sau đó bị còng, đưa lên xe về trụ sở Viện KSND H.Văn Giang; còn ông Hán Phi Long thì tự đến Công an H.Văn Giang để tường trình sự việc.

Theo ông Năm, đến nay mặc dù hai phóng viên đã có đơn và VOV có công văn gửi đi nhưng tỉnh Hưng Yên vẫn chưa có động thái nào.

Chiều qua PV đã nhiều lần liên lạc với các lãnh đạo tỉnh Hưng Yên như bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Cường, chủ tịch UBND Nguyễn Văn Thông, chánh văn phòng UBND Bùi Huy Thanh nhưng không ai nghe máy.

Giám đốc Công an Hưng Yên Trần Huy Ngạn từ chối cung cấp thông tin về vụ việc. Ông Nguyễn Xuân Hiếu - chánh văn phòng công an tỉnh xác nhận đã nhận được công văn của VOV, tuy nhiên ông Hiếu cho biết vụ việc còn đang được xem xét.


Theo Thanh Niên
-------

Mời đọc thêm Thư ngỏ của một cây bút là "cựu phóng viên" của Đài TNVN:
-------
... và bản tin trên BBC tiếng Việt:

Hội nhà báo sẽ tìm hiểu 'vụ hành hung'



Cập nhật: 11:54 GMT - thứ bảy, 5 tháng 5, 2012 
 
Ông Hà Minh Huệ
Ông Hà Minh Huệ nói Hội Nhà báo Việt Nam sẽ "tìm hiểu" về vụ việc


Một phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam vừa nói với BBC rằng Hội sẽ tìm hiểu về vụ việc được cho là hai cán bộ, phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị hành hung ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong cuộc cưỡng chế của chính quyền địa phương hôm 24/4/2012.

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 5 tháng Năm, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nói cơ quan này chưa nhận được thông tin về vụ việc được cho là một lãnh đạo Phòng Kinh tế của VOV và một phóng viên đã bị lực lượng cưỡng chế ở huyện Văn Giang hành hung bị thương khi họ có mặt ở hiện trường vụ cưỡng chế đất để xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch Ecopark.

Một Phó Chánh văn Phòng của Hội nói với BBC rằng hội sẽ liên lạc với lãnh đạo VOV, mà cụ thể là ông Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Tiến, để tìm hiểu về sự việc, nhưng cho hay thông thường, Hội vẫn có hoạt động "thăm nom" những hội viên, cán bộ, nhà báo khi họ có vấn đề sức khỏe, nằm viện...

Một nguồn muốn ẩn danh từ Hà Nội xác nhận với BBC rằng hôm thứ Ba, 24/4 trong cuộc cưỡng chế chính quyền của huyện Văn Giang, ông Ngọc Năm, Trưởng phóng Kinh tế của Đài tiếng nói Việt Nam và phóng viên Phi Long đã bị hành hung trọng thương cũng như bị bắt giữ.

Một nguồn khác cho hay hình ảnh của vụ hành hung đã được các cư dân mạng ghi hình, âm thanh và loan tải trên mạng, và xác nhận clip video phản ánh vụ tấn công, hành hung nhắm vào hai cán bộ của VOV này có trong một clip video mà BBC Việt ngữ đã đưa tin hôm 25 tháng Tư.

Nguồn này khẳng định hai người đàn ông đội mũ bảo hiểm xe máy "màu trắng" bị hành hung trong clip video là các ông Ngọc Năm và Phi Long, và cho biết ít nhất một người trong số họ đã bị gần hai chục cảnh sát và những người mặc thường phục, đeo băng đỏ "đánh hội đồng" băng dùi cui, chân tay...
Video được đưa lên mạng YouTube cho thấy cảnh hàng chục người trong đó có công an dùng vũ lực tấn công hai người tay không và không hề có biểu hiện quá khích nào.

'Từ chối bồi thường'


Video lưu truyền trên mạng xã hội cho thấy chính quyền Hưng Yên dùng vũ lực mạnh với dân trong đợt cưỡng chế đất.

Vẫn nguồn này phản ánh sau sự việc, đến nay, cán bộ bị "hành hung" của Đài VOV đã "đi làm trở lại bình thường," và nói họ đã "từ chối" nhận một khoản tiền bồi thường "rất nhiều" từ một người được cho là Phó Tổng Giám đốc của Ecopark.

Nguồn tin nói thêm ít nhất một cán bộ của Đài đã phải nằm viện điều trị, với một số "thương tích" trên mặt và cơ thể, sau vụ hành hung và bắt giữ.

Trong vụ cưỡng chế đất ở khu đô thị sinh thái Ecopark ở Văn Giang hôm 24/4, chính quyền đã sử dụng một lực lượng tới hàng nghìn cảnh sát, an ninh và lực lượng mặc thường phục...

Ít nhất hai chục người dân địa phương "kháng cự" đã bị bắt giữ tại chỗ với cáo buộc "chống người thi hành công vụ," một số trong số họ đã được thả theo truyền thông từ trong nước.

Vào ngày thứ Tư 2/5, ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên được truyền thông trong nước dẫn lời nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng có những video clip giả trong vụ Văn Giang dùng để 'Bấm bôi nhọ' chính quyền.

Tuyên bố này được đưa ra trong Bấm hội nghị về việc giải quyết khiếu kiện và tiếp dân.

Tuy nhiên ông Hào không đưa ra chi tiết về những video clip mà ông nói là giả.

Hôm thứ Bảy 05/05, BBC Việt ngữ đã liên hệ với lãnh đạo Đài tiếng nói Việt Nam và các bộ phận ban ngành, thường trực liên quan, để tìm hiểu phản ứng của VOV về tin về "vụ hành hung", nhưng chưa thể liên lạc được với bất kỳ ai.

Việt Nam hiện chưa có Luật về tiếp công dân, Luật về biểu tình nhưng chính quyền thường dùng tới vũ lực để đàn áp điều họ gọi là "việc lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây rối”.

Báo Bấm Quân đội Nhân dân mới đây nói “Trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối”.

Tuy nhiên báo này không nói thế lực thù địch đó là cá nhân, tổ chức hay nhóm nào.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120505_vn_journalists_attack_vangiang.shtml


-------


Thêm 1 tin khác đăng hôm nay, 8/5 cũng của hãng BBC:

'Chúng tôi đã bị hành hung, bắt giữ'


Cập nhật: 12:17 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012
Hình ảnh video vụ cưỡng chế Văn Giang
Giới chức Hưng Yên nói có clip giả trong vụ Văn Giang để bôi nhọ chính quyền

Lãnh đạo phòng Phóng viên thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam Bấm xác nhận với BBC vụ ông và một phóng viên đã bị đánh đập khi xuống địa bàn công tác trong vụ cưỡng chế đất cho dự án đô thị sinh thái Ecopark ở huyện Văn Giang.

Trả lời BBC tiếng Việt hôm 8/5, Trưởng phòng Phóng viên Thời sự-Chính trị-Kinh tế Nguyễn Ngọc Năm xác nhận ông và phóng viên của phòng này, Hán Phi Long, đã bị lực lượng cưỡng chế hành hung.
Ông Năm cũng khẳng định hai ông chính là những người bị tấn công trong một video loan tải trên mạng Internet gần đây.

"Tôi xác nhận điều đó," ông Năm nói và cho biết chi tiết về phản ứng của ông và đồng nghiệp sau vụ việc:

"Chúng tôi đã báo cáo và tường trình với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam."

"Chúng tôi đang tìm câu trả lời từ phía lực lượng cưỡng chế," ông nói khi được hỏi vì sao bị hành hung hôm 24/4 ở Hưng Yên.

Ông cũng cho biết lý do vì sao đã bị áp giải tới trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Văn Giang sau khi bị đánh và bắt giữ:

"Tôi được đưa về đấy để người ta lấy lời khai và tôi viết bản tường trình."
Về phản ứng của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) sau khi được báo cáo về sự việc, ông Năm nói:
"Chúng tôi đã được thăm hỏi, động viên và đại diện Hội nhà báo cũng cho biết sẽ kiên quyết bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật"
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm

"Chúng tôi có nhiệm vụ đi làm việc và khi sự việc xảy ra, chúng tôi báo cáo sự việc cho lãnh đạo Đài, theo đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định hiện hành của pháp luật," ông Năm trả lời về phản ứng của lãnh đạo cơ quan này.

"Thế còn lãnh đạo Đài đã có những động thái gì thì có lẽ hỏi lãnh đạo Đài thì chính xác hơn vì tôi chỉ thừa hành các công việc."

Khi được hỏi liệu ông và đồng nghiệp có dự định khởi kiện hay khiếu nại việc bị hành hung hay không, ông Năm nói:

"Ngay tại ngày kết thúc lấy lời khai của chúng tôi, ngày 24/4/2012, tức ngay ngày chúng tôi bị hành hung và bị bắt về để lấy lời khai thì tôi đã có đơn đề nghị gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, ngay ngày hôm đó. Và đơn của tôi đã được gửi qua cán bộ công an Tỉnh."

'Bình tĩnh chờ đợi'

Tuy nhiên, ông Năm cho biết ông vẫn chưa nhận được phúc đáp của cơ quan chức năng tỉnh này.

"Đến giờ phút này tôi chưa nhận được bất cứ một câu trả lời nào," ông nói.

"Chúng tôi đã chờ đợi đến hôm nay được nửa tháng và chúng tôi cũng vẫn có đủ thời gian và bình tĩnh để chờ đợi thêm."


Ông Nguyễn Ngọc Năm
Ông Nguyễn Ngọc Năm nói ông đã bị hành hung, bắt giữ, và bị giải về Viện Kiểm sát huyện Văn Giang

Ông Năm giải thích bản thân ông và đồng nghiệp quan tâm tới vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24/4 và đã xuống địa bàn công tác vì "được giao nhiệm vụ về đó để nắm bắt thêm thông tin".

Được hỏi về phản ứng của Hội Nhà báo Việt Nam ra sao sau khi biết tin, ông Năm nói: "Chúng tôi làm theo đúng trình tự, thủ tục là chúng tôi báo cáo với lãnh đạo Đài và Liên chi hội nhà báo của Đài TNVN,

"Thực ra, chúng tôi đã được thăm hỏi, động viên và đại diện Hội nhà báo cũng cho biết sẽ kiên quyết bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của hội viên hội nhà báo."

Ông Năm nói hiện tại ông và đồng nghiệp "đã ổn định" và đi làm trở lại: "Chúng tôi thương tích trên cơ thể không nặng lắm, chủ yếu tinh thần mệt mỏi một chút."

Ông không bình luận về tin nói ông và đồng nghiệp, phóng viên Phi Long, đã được đại diện lãnh đạo dự án khu đô thị sinh thái Ecopark tiếp cận và đề nghị "bồi thường."

Tuy nhiên ông gián tiếp cho rằng sự việc ở Văn Giang với hai ông hôm 24/4 đã có tác động ít nhiều đối với dư luận và giới làm truyền thông trong nước khi cho hay đã có những bàn tán, tin bài trên báo chí, các trang blog và mạng Internet.

Hình ảnh hai người đàn ông bị lực lượng cưỡng chế đất ở Văn Giang hành hung được loan tải qua một clip video trên mạng gần đây và cũng được BBC đăng tải một ngày sau.

Các hình ảnh, mà ông Năm đã xác nhận bản thân và đồng nghiệp là nạn nhân, cho thấy hàng chục công an, thành viên lực lượng cưỡng chế đã dùng “dùi cui” và tay chân tấn công hai nam giới đầu đội mũ bảo hiểm xe máy.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120508_vov_reporter_attacked.shtml



Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...