Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Báo chí giữ lề thảm quá!



Báo chí giữ lề thảm quá!


Lang thang trên mạng bắt gặp bài viết của một nhà văn hải ngoại. Nội dung bài viết với các nhận xét tinh và sắc này hãy để bạn đọc phẩm bình. Còn phía chủ blog, tôi xin có mấy lời “trữ tình ngoại đề” như sau:

Thật là chán chường cho “một bộ phận không nhỏ” trong đội ngũ báo chí của ta lúc này. Ngoài việc rất rõ ràng là người ta cố tình lờ phớt đi biết bao nhiêu sự việc về đội nội đối ngoại ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế dân sinh, đến đời sống người dân cũng như cả trăm ngàn biểu hiện của nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến vận nước, đến an nguy quốc gia - mà trong đó chủ quyền đất nước thường trực bị ngoại bang đe dọa những ngày này -, thì việc vô tình hay hữu ý lại dốc công tô vẽ cho mớ lý thuyết sáo mòn và thiếu sức sống phỏng có ích gì cho nhân dân mình lúc này nữa? Đáng buồn và cả đáng trách, là khi người ta biết rõ về nó (trong chỗ riêng tư với nhau), nhưng vì một thứ lợi ích trước mắt cho cá nhân hoặc cho một nhóm nhỏ cố kết với nhau, người ta cứ vờ “giả ngô giả ngọng”, “giả câm giả điếc” ca lên những bài hát cũ mèm mà lại vơ vào là mình có “ý thức tổ chức kỷ luật”, có sứ mệnh thiêng liêng và cao quý là vì lợi ích nhân dân, vì sự nghiệp báo chí cách mạng.

Nghĩa là người ta cố nhân danh một sự chân thành và kính ngưỡng nào đó, với “mâm xôi cúng cụ” kiểu bổn cũ chép lại, kinh tụng đồ tái đồ hồi, thậm chí cóp chép của nhau như thế này thì chả còn ra làm sao nữa. Báo chí “giữ lề” kiểu này thì thảm quá!

Nhưng vấn đề là đầy những nghịch lý ở đây. Vì qua công việc nhiều năm, bản thân tôi biết rằng, về kiến thức hiểu biết và tay nghề của đội ngũ báo chí hiện nay thì nhìn chung đều không đến nỗi nào. Họ đều được đào tạo và phát triển trong khung cảnh báo chí và thông tin có nhiều đổi mới và cách tân cùng với một xã hội thông tin toàn cầu hiện đại ảnh hưởng trực tiếp tới đội ngũ này. Nhưng cớ sao các cây viết và những người làm báo ăn lương nhà nước bây giờ người ta làm ăn cẩu thả, miễn được việc và tắc trách đến như thế. Tôi tin rồi đến một thời khắc nào đó sau này, khi mọi sự ngã ngũ, dân tộc và đất nước bứt lên phía trước theo sự tiến hóa tất yếu của lịch sử và thời đại… thì chắc khi đó các bạn đồng nghiệp cũ của tôi sẽ thấy bứt rứt và xấu hổ cho những những việc làm hôm nay của mình.

Những gì tác giả Phạm Thị Hoài đã nhắc đến trong bài viết ngắn dưới đây của chị phải làm cho cái "bộ phận không nhỏ" trong đội ngũ nhà báo của chúng ta ngẫm sâu và nhìn lại mình trong một sự “tự phê phán” thật nghiêm khắc.


Vệ Nhi 


--------



Mâm xôi cúng cụ



Tác giả: Phạm Thị Hoài
Chuyện cúng bái, thà không còn hơn làm chiếu lệ. Thành kính không thấy, chỉ thấy vừa cúng vừa ngáp dài. Trên bàn thờ dịp 95 năm Cách mạng Tháng Mười những ngày này, báo Quân đội Nhân dân bày một mâm xôi thoạt trông thì lóa mắt, nhưng nhìn kĩ hóa ra xôi đồ từ sáu năm trước, đã qua nhiều tuần hương và hấp lại nhiều lần.
Chủ thuyết chính trị Việt Nam trong thời đại ngày nay” của ông giáo sư Nguyễn Đức Bình, nhà lí luận có lẽ là duy nhất ở thượng tầng lãnh đạo của Đảng CSVN, đăng ngày 05-11-2012 thực ra chỉ là tên mới toanh của bài “Chủ thuyết cách mạng và phát triển của Việt Nam” của cùng tác giả đăng 2 kì trên Tạp chí Cộng sản tháng Sáu và tháng Bảy năm 2010. Đến lượt nó, bài trên Tạp chí Cộng sản lại chính là bài “Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa” đăng trên Tạp chí Tuyên giáo tháng 11-2008, bị cắt đi hai phần cuối, giữ lại ba phần đầu [1] và thêm một phần kết [2]. Đến lượt nó, phần lớn bài trên Tạp chí Tuyên giáo lại chính là bài cùng tên đăng trên báo Nhân dân và trang điện tử Đảng CSVN tháng 9-2007. Đến lượt nó, bài này đã xuất hiện trong tạp chí Lý luận Chính trị từ tháng 12 năm 2006 [3]. Tất nhiên có chút tân trang, cho phù hợp với một thế giới đã đổi thay nhưng thời đại không thay đổi, như nhà lí luận cao cấp của Đảng khẳng định. Hay nói cách khác: lễ cúng có thể thay đổi [4], văn tế vẫn nguyên một bài tủ từ sáu năm qua.
Cảm hứng tươi rói và ngọn lửa hừng hực từ Cách mạng Tháng Mười đi đâu rồi, để bàn thờ cho xôi nguội cúng lại? Nạo vét chừng ấy trí tuệ, cũng chỉ được chừng ấy lời xác tín đầu môi xào xáo dâng lên?
Trong mâm cúng nhỏ hơn, bày trên Tạp chí Sông Hương số mới nhất kỉ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười, ông Bí thư Tỉnh ủy, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, đem nguyên nắm xôi cúng vào dịp 90 năm của một ông Phạm Gia Khiêm trên Tạp chí Cộng sản và xôi của báo Quảng Ninh cũng cúng vào dịp 90 năm trộn với xôi cúng dịp 91 năm của một ông Lam Giang trên báo Bà Rịa-Vũng Tầu. Đến lượt nó, xôi của ông Phạm Gia Khiêm lại được trộn vào mâm cúng dịp 92 năm của một ông Minh Phương trên báo Cựu Chiến binh, còn xôi của ông Lam Giang hóa ra chính là xôi năm trước của một ông Thế Nam trên báo Bình Thuận. Cứ thuổng đồ cũ mốc meo từ thuở nào của người, nhai qua loa bằng nước bọt của mình, quăng lên bàn thờ. Quả thật tôi thấy ái ngại cho Cách mạng Tháng Mười.
Cuộc cách mạng ấy đã tạc nên thế giới đương đại của chúng ta và đến bây giờ chúng ta mới bước ra khỏi cái bóng của nó, như Orlando Figes, chuyên gia về lịch sử Nga, nhận định trong lời mở đầu tác phẩm đồ sộ của ông về bi kịch của dân tộc Nga. Nó xứng đáng được chính các nhà lí luận cộng sản ở Việt Nam nhìn nhận nghiêm túc hơn là đến hẹn lại lên một kỉ niệm đãi bôi.
© 2012 pro&contra
[2] Không hiểu thế nào mà nguyên văn 4 đoạn trong phần kết này lại trở thành tài sản tinh thần của một ông tiến sĩ Đặng Đức Quy trong một bài viết trên báo điện tử Đảng CSVN tháng 11-2011.
[3] Trang 25-30
[4] Bối cảnh ban đầu cho lí luận định hướng của ông Nguyễn Đức Bình năm 2006 là việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO.

--------
Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=1174

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...