Khối u
Mình vừa vào
viện thăm đứa cháu họ bên vợ mới mổ. Tội nghiệp, học lớp 6 thôi mà cháu đã trọng
bệnh. Chạy chữa thì xa xôi, phải từ Tĩnh Gia Thanh Hóa ngược ra Hà Nội, vì các tuyến
tỉnh/huyện bố mẹ cháu ngại do người thân nhiều phen khốn khổ cứ giục giã khuyên
can rằng khó khổ tốn kém mấy cũng ra bằng được tuyến trung ương hãy chữa. Niềm
tin bệnh viện, khổ đủ đường cho người bệnh Việt Nam mình.
Con cháu tí
tuổi đầu đã phải một khối u. Là u tụy mới mệt, đo thì lớn cỡ quả chanh rồi.
Cũng may u kết bám bên ngoài nên bác sĩ bảo chỉ bóc vứt đi phần đó thôi chứ
không động đến chính cái tụy của cháu bé. Cầu mong cho cháu chóng lành vết
thương sau mổ.
Nhưng phúc bất
trùng lai họa vô đơn chí. Mới tháng trước bố cháu cũng phải mổ, phải cắt bỏ khối
u dạ dày. Hiềm nỗi u loại này kết bám bên trong nên đương nhiên phải động vào
chính cái bao tử. Giờ chỗ chứa thức ăn chỉ còn tí tẹo. Nên miếng ăn hớp nước từ
đây rắc rối đủ đường, sẽ phải chia sớt nhiều bữa, mệt nhọc không những bố mà
còn ảnh hưởng ra cả nhà.
Đấy, chỉ một
gia đình nhỏ mà tới hai con người có u có cục. Cả hai đều phải có sự can thiệp
của dao kéo thày thuốc mới thấy hãi hùng trước nhiều chứng bệnh quái ác sinh ra
ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, đã u cục đến mức nguy hiểm, bác
sĩ xét thấy để lại không ổn thì biện pháp sẽ là cắt bỏ.
Nhân câu chuyện
khối u, xin phép viết vào đây ít dòng nữa.
Trên tôi có một
nhận xét nhỏ, rằng có nhiều “chứng bệnh quái ác sinh ra” là trên cơ sở thực tế
chứ không hề bày đặt suy diễn. Bà coi coi thử, bệnh u cục thế này trước đây rõ
ràng ít gặp. Nhưng sao khoảng thập kỷ nay cứ nhắc đến liên hồi! Lứa tuổi chúng
tôi chẳng hạn, khi lớn lên đi học rồi sống trong chiến tranh phá hoại, nếu nói
về thiếu thốn gian khổ thì đủ điều chịu đựng, nhưng đâu thấy mấy người phải lên
bàn mổ vì u cục.
Nói vậy sẽ có
người vặn lại, thì hồi xưa ông cha mình mắc vào bao nhiêu là trọng bệnh, chữa
chẳng được bị chết thì u bướu ung thư đâu có biết. Hồi trước mấy ai lên bàn mổ
hoặc được máy móc phương tiện chẩn trị tinh vi phát hiện ra u cục như thời bây
giờ.
Mình không trong
ngành y nên chẳng thể đi sâu bình bán đúng sai về các điều trên. Nhưng dứt
khoát là mình không tin ngày xưa dân ta mắc nhiều bệnh về u bướu u cục như nay.
Hơn nữa mình còn dám khẳng định bây giờ số người mắc căn bệnh này tăng vọt bội
phần không phải cấp số cộng mà là cấp số nhân. Đấy mới là điều đáng gióng
chuông báo động.
Chả tin bà
con cứ đi qua phố Quán Sứ Hà Nội thì rõ. Nơi đó là viện K. Người đất Bắc ngầm
hiểu với nhau ai đến đó rất có thể đón một cái án treo tử hình. Là căng-xe ung
thư mà, chữa đằng trời! Trước nơi này vắng vẻ lắm, còn hơn chục năm nay thì
kinh khiếp với lượng người đổ dồn về đây. Người bệnh người nhà từ mãi đẩu mãi đâu,
có tỉnh xa tới ba bốn trăm cây số cũng cứ phải kéo quân về đây mới yên lòng chạy
chữa. Thôi thì suốt sáng tới tối cái góc phố cắt vuông với con đường Hai Bà
Trưng cũng như suốt dải mặt tiền bên Quán Sứ đối diện với Đài tiếng nói Việt
Nam, nó hầu như không lúc nào ngớt người ra vào bệnh viện này. Hồi ông anh họ
mình mổ cắt khối u phổi, khi đến thăm thì cái cảnh nằm chung 2 hoặc 3 người một
giường ở đây là quá đỗi bình thường.
Không những
Hà Nội mà trong Sài Gòn cũng tình trạng này. Tháng 10 vừa qua mình có dịp ghé qua số 3 Nơ
Trang Long thăm ông bạn đang chạy chữa ở đấy. Đây là Bệnh viện ung bướu Tp HCM.
Người ta nói ít có cơ sở khám chữa bệnh nào ở nước ta mà số người mắc bệnh kéo
tới đông đúc như nơi đây. Theo số liệu công bố chính thức trên website của BV thì
ngay từ năm 2011 đã có sấp sỉ nửa triệu lượt người đến khám chữa bệnh u bướu và
ung thư tại đây. Không biết trên thế giới
có bệnh viện với quy mô kích cỡ như viện ung bướu Tp HCM của chúng ta mà đón tiếp
tới chừng ấy bệnh nhân hay không. Thật là những con số kinh hoàng.
Cái nhìn thoáng qua hai
cơ sở chuyên chữa trị bệnh u cục đủ thấy, suốt trong Nam ngoài Bắc nước mình bệnh u cục đã nghiêm trọng đến mức nào.
Trong ngành y
một khi xét thấy một khối u bướu để lại sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân thì biện
pháp mà các thày thuốc đưa ra là cắt bỏ nó đi.
Lẩn thẩn
nghĩ rộng ra xã hội. Một khi xét thấy các mối quan hệ xã hội và con người đã thoái
hóa xuống cấp và hư đốn, thì mối liên đới giữa chúng cũng tựa như những khối u
ác tính. Hoặc văn nghệ hóa, nhân cách hóa, người ta ví von xã hội đó đã lâm vào
căn bệnh ung thư quái ác mất rồi.
Một khi đã đến mức vậy thì không thể nương nhẹ bằng các đối
sách mơn trớn nửa vời như lâu nay ta nể nang áp dụng. Bệnh trọng kia sẽ chẳng bao
giờ khỏi cả. và hệt như y học, chữa trị chứng quái này chỉ có cách phải cắt
bỏ chúng đi, chớ ngần ngại và thương tiếc gì hết!
Vệ Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét