Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Sư tử châu Á-TBD vờn nhau


Sư tử châu Á-TBD vờn nhau

Thủ tướng vừa nhậm chức của Nhật Bản tuyên bố chọn nước Mỹ cho chuyến xuất ngoại đầu tiên. Động thái này đồng nghĩa với bức “thông điệp rắn” truyền đi nhắm vào Trung Quốc? Bởi không phải ngẫu nhiên mà cùng lúc đảng của ông Abe thắng cử thì các vị Thượng nghị sĩ Mỹ bên kia Thái Bình Dương (TBD) đã nhắn nhe sẵn sàng “bỏ phiếu thuận” cho chính quyền ông Obama “hỗ trợ Nhật Bản một khi an ninh nước này bị đe dọa”. Đe dọa này không gì khác mà chính là các tranh chấp với Trung Quốc tại vùng đảo Senkaku.

Lẽ đương nhiên Bắc Kinh vô cùng tức giận về việc Mỹ “trở lại” ủng hộ sát ván bạn đồng minh Nhật Bản bảo vệ chủ quyền. Điều đó càng báo hiệu giờ đây việc tranh đoạt đảo Điếu Ngư (tên TQ gọi Senkaku) Trung Quốc sẽ bị một ngáng trở “thái sơn” đến từ Mỹ.

Hồi này người tinh ý sẽ thấy các buổi phát ngôn chém gió ở BNG Trung Quốc khi nói về đất Phù Tang đã có chiều dịu giọng. Các buổi tuiần hành biểu tình chống Nhật Bản, đập phá các cửa hàng và trung tâm thương mại do người Nhật kinh doanh lắng xuống. Trong khi ấy Bắc Kinh đã biểu lộ các lời lẽ chào đón xây dựng với người đại diện ngoại giao Nhật Bản quay trở lại nhiệm sở. Không welcome người hàng xóm giàu mạnh thứ 3 thế giới này lúc này đâu có được!  

Về phía Mỹ và Nhật, việc hâm nóng lại quan hệ hợp tác chiến lược với Washington, làm rõ ý nghĩa “gánh vác trách nhiệm” bảo vệ an ninh của Hiệp ước an ninh Nhật Mỹ - sản phẩm từ thời chiến tranh lạnh – vào lúc này khiến Bắc Kinh “rất khó nghĩ” và nan giải trong ván bài muốn bá chủ các vùng biển thuộc Thái Bình Dương. 

Tiếp tục dấn tới hay buộc phải tạm dừng lại, ít nhất là với Nhật Bản, khi một ông Thủ tướng mới lên ra vẻ cũng cứng rắn không kém người tiền nhiệm. Tất cả xem chừng đang là một thách thức hóc búa trong việc thực thi chính sách đối ngoại của Bắc Kinh khi vừa chuyển giao dàn lãnh đạo mới.       

“Tọa sơn quan hổ đấu” hay là chen chân vào tác động, xúc tác đến các mối quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Nhật? Mệnh đề nghi vấn này đang đặt ra với một đại cường quốc sát cạnh Trung Quốc và Nhật Bản là nước Nga. Chưa thấy giới lãnh đạo ở Moscow chính thức lên tiếng. Nhưng một website chính thức như là “Tiếng nói nước Nga” của nước này thì đã rất nhanh nhảu đưa ra một số nhận xét và phán đoán… 

Chắc chắn tình hình và những chuyển động chính trị-quân sự ở vùng Đông Bắc Á, lại có can dự của Mỹ và Nga vào bàn cờ và tương quan lực lượng ở vùng đó... tất cả sẽ có hiệu ứng với các khu vực địa-chính trị sát cạnh là Đông Nam Á. Đương nhiên chúng ta cần hết sức quan tâm và theo dõi chặt chẽ.

Dưới đây là cách nhìn của truyền thông chính thức Nga về mối quan hệ Mỹ-Trung-Nhật trong bối cảnh mới. 

Vệ Nhi



-------


Nhật Bản – Trung Quốc: liệu có lật trang mới trong quan hệ?




Thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Shinzo Abe - Photо: EPA

Ngày 26 tháng 12, Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản khôi phục lại quyền quản lý đất nước. Chiến thắng đầy thuyết phục trong cuộc bầu cử quốc hội trước kỳ hạn diễn ra cách đây mười ngày đã bảo đảm cho thủ lĩnh đảng là ông Shinzo Abe chiếc ghế thủ tướng và quyền thành lập chính phủ.

Ba năm trước, đảng Dân chủ Nhật Bản phá vỡ độc quyền điều khiển đất nước suốt nửa thế kỷ của đảng Tự Do Dân chủ. Cũng trong ba năm qua, ba thủ tướng của đảng Dân chủ đã lần lượt lên lãnh đạo nội các. Đồng thời, họ góp phần đẩy lùi xa hơn quan hệ của Nhật Bản với các nước láng giềng. Kết quả là Nhật Bản hoàn toàn đi tới bất đồng với Hàn Quốc trong vấn đề quần đảo Dokdo /Takeshima/, sự kiện xảy ra vào đúng ngày kỷ niệm giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi tay quân phiệt Nhật. Trong dịp ghi nhớ 40 năm bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật, căng thẳng quần đảo Điếu Ngư /Senkaku/ đã buộc Bắc Kinh và Tokyo hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm. Tranh chấp gay gắt kéo theo các cuộc biểu tình phản đối và đập phá chống Nhật Bản tại loạt đô thị Trung Quốc.




Ông Shinzo Abe không thể không bắt đầu điều chỉnh những sai lầm ngoại giao của các nhà Dân chủ. Chính trị gia đã tuyên bố sẽ cử người đại diện tới Trung Quốc vào đầu năm mới. Còn bản thân ông Abe sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ. Nhưng liệu những sứ mệnh này có góp phần làn giảm căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng như trong Tam giác Nhật-Mỹ-Trung?

Sau chiến thắng bầu cử, lần đầu tiên chính đảng của ông Abe đã vận dụng yếu tố không quân trong tranh chấp hải đảo ở Biển Hoa Đông. Hôm thứ Ba tuần này, Tokyo chỉ thị cho các chiến đấu cơ cất cánh sau khi radar Nhật Bản phát hiện máy bay của Cơ quan hải dương học Trung Quốc bay về phía Điếu Ngư. Bên cạnh đó, Tokyo công bố ý định tổ chức chuyến đi Senkaku của nhóm nhân sự sẽ lãnh đạo hành chính các đảo. Trong tương quan này, liệu chuyến đi Trung Quốc của người đại diện Tokyo có diễn ra và đem lại hiệu quả hay không?

Tuy nhiên, chuyên gia Viện Viễn Đông Vladimir Portyakov có nhận định, với sự hiện hữu nguyện vọng các bên vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm: “Dự đoán của tôi là tình hình sẽ phần nào được xoa dịu. Ông Shinzo Abe là một nhân vật tích cực để làm điều này. Việc tìm kiếm một công thức cụ thể có lẽ không đơn giản. Vấn đề đã đi khá xa. Cả hai bên cần phải bình tĩnh khi đề cập tới yếu tố nan giải này. Họ nên cải thiện mối quan hệ, bởi các cuộc đôi co gay gắt thường kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, họ có thể lập một khối hội nhập cùng với Hàn Quốc. Khu vực thương mại tự do giữa ba nước là một nhân tố có khả năng đem lại những cải thiện địa lý kinh tế đáng kể. Chẳng lẽ, yếu tố kinh tế không nặng ký hơn vấn đề tranh chấp hải đảo.”

Điều này cũng liên quan tương đương tới sự rạn nứt quan hệ giữa Tokyo và Seoul. Mặc dù rằng, các bên có quan điểm không khoan nhượng về vấn đề hải đảo. Hàn Quốc đã gửi tín hiệu cho ông Abe rằng họ kiểm soát Dokdo. Nếu rút lui không có sự phản kháng, thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ chịu những đòn đầu tiên giáng vào chiếc ghế của mình từ phía các đối thủ chính trị cũng như giới cử tri.
Hoa Kỳ thất bại trong việc thuyết phục Đảng Dân chủ Nhật Bản gạt sang bên cuộc tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc để tránh sự lung lay của liên minh quân sự ba bên. Liệu ông Obama có nhắc lại yêu cầu này trong một cuộc hội đàm với ông Abe tại Washington vào tháng Giêng tới? Không mấy chuyên gia dám đưa ra dự đoán.

Nhưng một điều rõ ràng là quan hệ đối tác với Washington sẽ cản trở ông Abe xây dựng “tình hữu hảo” với Trung Quốc. Quốc hội Mỹ đã chuẩn bị một món quà hào phóng cho chuyến thăm Washington của thủ tướng Nhật Bản. Hoa Kỳ tuyên bố xác nhận hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp an ninh nước này bị đe dọa bởi các tranh chấp lãnh thổ xung quanh Điếu Ngư. Phía Trung Quốc đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ điều này.

Nguồn:  http://vietnamese.ruvr.ru/2012_12_26/99320935/

------


ĐỌC THAM KHẢO:


"Có Mỹ, Trung Quốc nên tránh xa Senkaku"

Thứ tư 31/10/2012 10:01
Một nhóm cựu quan chức Nhà Trắng vừa lên tiếng "nhắc nhở" chính phủ Trung Quốc rằng, dù Mỹ đã tuyên bố đứng ngoài cuộc tranh chấp Trung - Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng cuối cùng thì quần đảo đó vẫn nằm trong sự bảo vệ của một hiệp ước an ninh song phương giữa Nhật Bản và Mỹ.



Trong một chuyến thăm Trung Quốc mới đây, các cựu quan chức Mỹ bao gồm cả Joseph Nye, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Richard Armitage, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã có một cuộc gặp gỡ với Phó chủ tịch nước Trung Quốc Lý Khắc Cường và các quan chức khác. Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ Trung Quốc hôm thứ Ba (30/10), các cựu quan chức Mỹ đã một lần nữa khẳng định Điều 5 của Hiệp ước chung Mỹ - Nhật vẫn được áp dụng với các nhóm đảo trong biển Hoa Đông, nhóm đảo mà Nhật đang quản lý trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Cũng trong sự kiện này, ông Armitage nói rằng “sẽ không có những giải pháp cấp bách” nào cho các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản cả.
Theo ông Armitage, Bắc Kinh đang cố gắng chia rẽ Nhật Bản và Hoa Kỳ bằng cách yêu cầu Washington đưa ra các quan điểm mơ hồ trong vấn đề này.
"Nếu Trung Quốc tấn công Nhật Bản, chắc chắn Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ đồng minh thân cận nhất của mình ngay", ông Armitage nói.
Ông Joseph Nye, hiện nay là một tiến sỹ thuộc trường Đại học Harvard, chuyến thăm của các cựu quan chức là theo yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhằm làm rõ lập trường của Mỹ với phía Trung Quốc về vấn đề Senkaku.
Tình hình tại quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông hiện nay đã có phần lắng xuống, tuy nhiên các bên vẫn âm thầm gia tăng lực lượng quân sự và luôn ở trong tư thế phòng vệ sẵn sàng cho một cuộc chiến nhằm giành lại chủ quyền các hòn đảo về phía mình

Phan Sương

Nguồn: http://infonet.vn/The-gioi/Co-My-Trung-Quoc-nen-tranh-xa-Senkaku/31119.info

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...