Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Sách hay về tướng Giáp



Sách hay về tướng Giáp


Hôm nay 22/12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, blog tôi giới thiệu một cuốn sách về tướng Võ Nguyên Giáp thì tin là quá hợp rồi.

Với tên sách “Giap”, cuốn sách của Georges Boudarel xuất bản từ năm 1977 tại Pháp. Độc giả Pháp và tại nhiều nước sử dụng tiếng Pháp rất ấn tượng với cuốn sách này bởi cách trình bày rất độc đáo và nổi bật sự nghiệp và tính cách của tướng Võ Nguyên Giáp.

Vừa đây nhà xuất bản Thế Giới (tên cũ: Nhà xuất bản Ngoại văn, nơi mà Boudarel có nhiều bè bạn rất thân thuộc những năm xưa như các cụ Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Hữu Ngọc, Vũ Cận…) đã cho dịch và in cuốn sách của Boudarel với nhan đề: “Võ Nguyên Giáp”.

Với cuốn sách này nhà sử học Dương Trung Quốc có đưa ra nhận xét: “Sự quan sát và phân tích của Boudarel vô cùng sắc sảo và thuyết phục dựa trên nguồn tư liệu phong phú, xác thực, thể hiện cái nhìn của một người trong cuộc”. Nhờ đó, chân dung vị Đại tướng hiện lên vừa là một nhân vật của lịch sử nhưng chính bản thân ông cũng lại là một người viết nên lịch sử.

Xin giới thiệu bà con đọc bài giới thiệu cuốn sách trên tại báo “Sài Gòn Tiếp thị” số ra mới đây.


Vệ Nhi 



-----



Sách mới về tướng Giáp


SGTT.VN - Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, NXB Thế giới và Thái Hà books vừa ra mắt cuốn sách "Võ Nguyên Giáp" của nhà sử học Pháp Georges Boudarel (1926 - 2003).



Bìa sách.
Cuốn "Võ Nguyên Giáp" - nguyên bản tiếng Pháp là "Giap" ra mắt độc giả từ năm 1977 - của Georges Boudarel là một phần trong luận án tiến sĩ của ông. Tác phẩm khắc họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ thuở ấu thơ tới khi trở thành vị chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam một cách sống động, dưới cái nhìn của một người dạy triết học, một tiến sĩ sử học Pháp theo xu hướng Mác-xít.

Georges Boudarel là một người đặc biệt, ông là một người Pháp nhưng lại đứng trong hàng ngũ của những người chiến đấu chống lại nước Pháp thực dân. Ông đến Việt Nam với tư cách là một cử nhân triết học để dạy môn lịch sử trong một trường trung học ở Sài Gòn. Có lẽ chính từ những tri thức lịch sử và triết lý mà nước Pháp của ông đã đề xướng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, ông đã lựa chọn như nhiều người Pháp tiến bộ sinh sống ở Việt Nam mong muốn gìn giữ sự hòa hiếu giữa hai quốc gia sau khi nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập và thoát khỏi chế độ thuộc địa Pháp giống như nước Pháp của họ thoát khỏi ách chiếm đóng của chủ nghĩa phát-xít Đức.

Năm 1954, ông về Hà Nội làm cho báo tiếng Pháp Le Viêt Nam en marche (Việt Nam tiến bước), sau đổi là Le Courrier du Viêt Nam (Tin Việt Nam). Cộng tác viên của Nhà xuất bản Ngoại văn (Hà Nội) và tạp chí Etudes Vietnamiennes (Nghiên cứu Việt Nam). Năm 1964, ông trở về Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ sử học về đề tài Việt Nam, sau đó làm giáo sư trường Đại học Paris VII, giảng dạy về lịch sử hiện đại Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và bài báo viết về Việt Nam có giá trị như: Phan Bội Châu, Giap… Ông cũng là dịch giả đã giới thiệu nhiều tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp, như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng... Cuốn Võ Nguyên Giáp là một phần trong luận án tiến sĩ của ông. Ông sử dụng tiếng Việt thành thạo, tham khảo nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam, kết hợp với nhiều nguồn sách báo nước ngoài nên trong cuốn sách của ông có nhiều tài liệu và nhiều quan điểm, đánh giá mới mẻ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải Phóng quân (22.12.1946). Ảnh: Tư liệu – TTXVN
Trong tác phẩm này, tác giả đã dựng lại bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lúc còn là một cậu bé cho tới khi trở thành vị chỉ huy của quân đội Việt Nam trong sự tham chiếu, so sánh giữa nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Điều làm nên sự khác biệt của cuốn sách này so với những tác phẩm khác viết về Đại tướng của các học giả phương Tây là: Cuốn sách có những chi tiết rất thú vị cho chúng ta biết về năm sinh của Đại tướng, những đoạn viết nói rõ âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp nhằm mua chuộc cậu học trò trung học Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, kết quả ngược lại, ông đã trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác giả đã đi vào lý giải nguyên nhân giành thắng lợi của quân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Như nhà sử học người Pháp Alain Ruscio nhận định: “Cuốn sách này có lợi thế hơn nhiều so với các cuốn sách khác viết về Giáp sau đó, không còn bám vào câu hỏi “Giáp và nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi như thế nào?”, nhưng Boudarel đã giải thích “Tại sao họ lại chiến thắng”. Ông phân tích cụ thể: “Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình. Ông có nhân dân Việt Nam cùng kề vai sát cánh. Người Việt Nam giàu truyền thống đấu tranh chống xâm lược nước ngoài… Với Bác Hồ, với Giáp và các bạn chiến đấu của mình, cụm từ “chiến tranh nhân dân” không ngừng trở thành khẩu hiệu động viên toàn thể dân tộc được đem ra thực hiện hàng ngày”. Nhờ vậy, “một dân tộc nhỏ bé” với những người du kích quần áo rách rưới, chân đi dép cao su, trang bị thô sơ đã đương đầu và chiến thắng kẻ thù với vũ khí tối tân, hiện đại gấp nhiều lần.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Sự quan sát và phân tích của Boudarel vô cùng sắc sảo và thuyết phục dựa trên nguồn tư liệu phong phú, xác thực, thể hiện cái nhìn của một người trong cuộc”. Nhờ đó, chân dung vị Đại tướng hiện lên vừa là một nhân vật của lịch sử nhưng chính bản thân ông cũng lại là một người viết nên lịch sử.

N.TH

Nguồn: http://sgtt.vn/Van-hoa/173571/Sach-moi-ve-tuong-Giap.html

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...