Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Sự kiện 17/2 trên mặt báo



Sự kiện 17/2 trên mặt báo


Ngày hôm qua đúng 34 năm ngày Trung Quốc đưa hàng chục vạn quân tấn công đồng loạt các tỉnh biên giới phía Bắc của chúng ta, Ban biên tập báo Thanh Niên đã đưa “sự kiện” này lên trang Nhất của tờ báo, một việc hiếm gặp suốt trong một thời gian dài kể từ sau khi 2 nước Việt Nam – Trung Quốc bình thường hóa năm 1990.   à>> bài đây:   

http://vinhnv43.blogspot.com/2013/02/mot-cach-nhin-ve-ngay-1721979-iem-son.html   

Trong khi đó thì tờ báo Tuổi trẻ đã không đi theo hướng này mà khéo “giấu” vào một bài viết dài kỳ cũng có chung chủ đề trên, lại chỉ cho nó xuất hiện một cách “nhẹ nhàng” ở góc trái của trang Nhất mà thôi. Cái entry đưa lên hôm qua của chủ blog tôi giới thiệu bài trên báo Thanh Niên cũng đã có vài lời về cách đề cập này như "một góc nhìn nghề nghiệp" cùng nhau rút kinh nghiệm nghề...

Nhưng sang hôm nay, 18/2, báo Tuổi trẻ đã đề cập trở lại sự kiện 17/2 đã dẫn ở phần trên bài.. Tại ngay trang Nhất chủ đề nóng hổi về ngày Trung Quốc xua quân đánh Việt Nam tờ báo của Thành đoàn Thành phố đã cho đăng bài phỏng vấn ông viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Tiến sĩ NGUYỄN MẠNH HÀ. Ông Hà nguyên là đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, ông có nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự thuộc Bộ Quốc phòng. Bài viết tuy ngắn nhưng có khá đầy đủ các ý cần nói với độc giả, với người dân khi tìm hiểu và nhớ lại sự kiện 17/2 năm xưa. 

Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng đối với một tờ nhật báo có uy tín như Tuổi trẻ. Phải chăng đây là sự “sửa sai” của tờ báo, một sự rút kinh nghiệm mà trong một ngày trôi qua báo Tuổi trẻ chắc chắn là nhận được từ nhiều kênh thông tin phản hồi, lề trái và lề phải ở nước ta khi tờ báo chưa đề cập trực diện sự kiện TQ xâm lược ta năm 1979?... Dù gì thì việc Tuổi trẻ đã đăng bài nổi bật như vậy vào ngày hôm nay, 18/2/2013 tại trang Nhất là rất có ý nghĩa…

Như vậy là bữa qua Thanh Niên đi tiên phong, có bài phỏng vấn rất có giá trị một vị tướng ngành công an, TS Lê Văn Cương, thì hôm nay tiếp đến báo Tuổi trẻ đã nêu bật sự kiện kể trên đã làm cho ngày 17/2 trở nên một ngày được đặt đúng vị trí của nó trước lịch sử: “Ngày TQ xâm lược Việt Nam, cũng là Ngày quân dân ta đứng lên anh dũng chống trả quân xâm lược, nêu cao chủ nghĩa yêu nước và ý chí quật cường đánh đuổi kẻ xâm lăng”.

Kể từ sau khi hai nước Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa (năm 1990) đúng là sự kiện 17/2 như bị một sự chỉ đạo kín đáo bất thành văn nào đó từ các cấp ở trên cao phổ biến xuống cho các cấp thấp hơn như thể là hãy bước qua quá khứ, kết cục là đặt ra bên ngoài trí nhớ của người dân về ngày TQ đánh VN tháng 2/năm 1979! Nói được điều đó là chúng ta cứ xem thực tế của công tác thông tin tuyên truyền đối với sự kiện này thì rõ. Hầu như sự kiện 17/2 nhiều năm qua đã bị xem nhẹ, nếu không muốn nói thẳng là có ý chỉ đạo hãy tảng lờ "như không có". Nhìn vào báo chí và truyền thông dịp đó các năm trước thì rõ.

Thế mà 2 hôm nay trên 2 tờ báo lớn ở phía Nam đất nước, sự kiện 17/2 nói trên đã được nêu bật trở lại.

Cũng có thể có những tờ báo, những trang báo điện tử của nhà nước của đoàn thể khác trong đất nước ta đã nêu sự kiện 17/2 (mà tôi không có điều kiện tìm đọc được), nhưng ở entry này tôi chỉ muốn dẫn ra 2 tờ báo phía Nam. Vì nó đều có lượng độc giả luôn vào loại dẫn đầu của nhật báo ở Việt Nam, đây cũng là 2 nhật báo được người đọc trực tiếp tìm mua chứ không phải báo nhận theo tiêu chuẩn, hoặc từ ngân sách túi tiền nào đó mua hộ. 

Về nội dung, báo Tuổi trẻ có bài hỏi chuyện TS Nguyễn Mạnh Hà như trên đã nói, số báo này còn đăng 2 bài viết khác cũng có chủ đề tương tự để nêu bật truyền thống quật cường yêu nước chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam chúng ta.      

Với cái nhìn khách quan, muốn có sự công bằng và thực sự cầu thị, chủ blog tôi viết những dòng này trước hết là giới thiệu mấy trang báo Tuổi trẻ ngày hôm nay, 18/2, đã đề cập rất trực diện đến một trong những vấn đề “nhạy cảm” nhất hiện nay về chính trị đối ngoại. Và điều nữa cũng là muốn nhân sự việc 2 tờ báo phía Nam nối tiếp nhau đưa lên trang Nhất một vấn đề phức tạp trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc lâu nay đúng là bị né tránh... chủ blog tôi muốn nêu lên một nhận xét sau đây: 

Phải chăng có một tín hiệu nào đó được phát đi khích lệ cho công tác tuyên truyền thông tin về biển đảo, về thái độ đáp trả rõ ràng nhưng luôn giữ đúng mực của Việt Nam với Trung Quốc kể từ nay trở đi đã và sẽ nhận được sự ủng hộ trực tiếp hoặc ngấm ngầm từ những người cầm cân nảy mực, của hệ thống cơ chế quản lý thường là rất "cứng rắn" trong lĩnh vực tư tưởng và truyền thông ở nước ta?...  

Vệ Nhi

(Tp Hồ Chí Minh, 18/02/2013)    

--------


Bài học từ cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979

THU HÀ THỰC HIỆN | 18/02/2013 08:06 (GMT + 7)

TT - Quân và dân VN ngày 17-2-1979 buộc phải cầm súng một lần nữa, chiến đấu kiên cường trước quân  Trung Quốc đông hơn nhiều lần, trên một phòng tuyến biên giới dài gần 600km.



Một người dân đến thắp hương tri ân các liệt sĩ tại đài tưởng niệm Pò Hèn (Quảng Ninh) tháng 2-2013 -  Ảnh: Lê D9ức Dục

Một người dân đến thắp hương tri ân các liệt sĩ ở Đài tưởng niệm Pò Hèn (Quảng Ninh) tháng 2/2013/Ảnh: Lê Đức Dục  

TS NGUYỄN MẠNH HÀ, viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng). Những ngày tháng 2 này, ông chia sẻ với Tuổi Trẻ về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ ngày 17-2 đến 5-3-1979.

* Thưa ông, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra đến nay đã được 34 năm. Ông nói về sự kiện này như thế nào?
- Cuộc chiến tranh biên giới không chỉ bắt đầu từ ngày 17-2-1979, không chỉ bắt đầu sau câu chuyện “nạn kiều” 1978, cũng không chỉ bắt đầu từ những rạn nứt trong quan hệ Việt - Trung sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975, một chiến thắng mà một số nhà sử học trên thế giới đã cho rằng Trung Quốc không mong muốn. Cũng không phải hoàn toàn như vậy mà nó có gốc rễ sâu xa từ những tính toán trong lợi ích chiến lược của cả Liên Xô và Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ với một nước nhỏ như VN.
Lịch sử dân tộc ta có tới 17 cuộc chiến tranh chống xâm lược thì chúng ta đã chiến thắng 14, còn ba cuộc kháng chiến dai dẳng, hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chúng ta bị nước ngoài đô hộ nhưng rồi dân tộc ta vẫn chiến thắng.
Có thể trong lịch sử hiện đại, khái niệm biên giới quốc gia không còn được tính bằng các cột mốc nữa mà bằng “biên giới mềm”, “sức mạnh mềm”, bằng sự xuất hiện của hàng hóa, hình ảnh, văn hóa của quốc gia nào đó trên đất nước mình, nhưng tôi vẫn tin là chúng ta sẽ bảo vệ được nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình, một khi cả dân tộc kết thành một khối, dưới sự lãnh đạo của Đảng dày dạn kinh nghiệm cả trong chiến tranh và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Sai sót lớn là chúng ta đã nhận ra quá muộn bản chất của chế độ Pol Pot. Năm 1977, đồng chí Lê Trọng Tấn được Quân ủy Trung ương cử vào biên giới Tây Nam nghiên cứu tình hình xung đột biên giới với Campuchia trở về, khi trở ra Hà Nội đã bức xúc khẳng định: “Đây không còn là xung đột nữa. Đây là một cuộc chiến tranh biên giới thật sự”. Lúc đó, chúng ta mới tìm hiểu đằng sau Pol Pot là ai. Là rất nhiều cố vấn nước ngoài từng giúp chúng ta trong cuộc kháng chiến trước đó.
Khi chúng ta tổ chức phản kích, tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7-1-1979, giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh thì đúng 40 ngày sau, Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới, với chiêu bài “dạy cho VN một bài học”. Quân chủ lực VN lúc đó đã tăng cường cho chiến trường Campuchia, Trung Quốc hi vọng VN sẽ gục ngã vì bất ngờ.
Quân và dân VN bị buộc phải cầm súng một lần nữa, đã chiến đấu kiên cường trước một đội quân đông hơn nhiều lần, trên một phòng tuyến biên giới dài gần 600km, và đã đánh bật được quân Trung Quốc về bên kia biên giới sau khi làm tổn thất đáng kể sinh lực đối phương.
* Liệu việc bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh có làm chúng ta chịu những thiệt thòi nhất định như những điều kiện đi kèm thường thấy trong các hiệp định mà nước lớn thường áp đặt cho nước nhỏ?
- Cuộc chiến tranh biên giới chính thức kéo dài chỉ 17 ngày, từ 17-2 đến 5-3-1979. Nhưng những cuộc xung đột còn kéo dài đến tận năm 1988. Trong suốt chín năm, một phần đáng kể nhân tài vật lực của chúng ta đã phải dồn cho biên giới phía Bắc, trong khi Mỹ cấm vận, viện trợ của Liên Xô cắt giảm so với trước và Trung Quốc thì từ bạn thành thù. Có thể nói VN đã hao tốn nhiều sức lực vì cuộc chiến biên giới đó. Nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài, VN càng ngày càng bất lợi. Chính vì vậy, năm 1988, khi VN chủ động rút quân chủ lực lùi xa biên giới 40km, tình hình biên giới lắng dịu ngay, và đến năm 1991 thì VN và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô, Trung Quốc.
Là một người nghiên cứu lịch sử, nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.
Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.
Chúng ta cần có những sự vinh danh và tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi mà đằng đẵng đó. Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm xương máu từ thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, lợi ích các bên đan xen nhau cực kỳ phức tạp. Cần hiểu rõ bạn - thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được.
Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/534311/bai-hoc-tu-cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-1979.html

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...