Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Tết nhất, chuyện khẩu hiệu


Tết nhất, chuyện khẩu hiệu


Đón Tết Quý Tỵ 2013 đường phố Hà Nội trang trí đẹp. Có người bảo là đẹp hơn, sáng tạo hơn năm ngoái.
Không biết đúng thế không còn riêng mình thì Hà Nội cho là có đẹp hơn năm ngoái nhưng so với trong Sài Gòn họ làm việc này mả hơn, bông-gu hơn thủ đô chúng ta.

Tuy nhiên có điểm son ở Hà Nội là trong khi một số tỉnh, địa phương bị "dính" vào vụ treo đèn lồng Trung Quốc, bị truyền thống báo chí nhà nước nhắc nhở phê phán thì đường phố thủ đô có hẳn thứ đèn lồng khá độc đáo – đèn lồng "vuông", hay gọi là hình quả trám cũng được. Hình thù như vậy rất riêng, gây ấn tượng. Nó là Việt, không lẫn với đèn Tầu. Hoan nghênh quá. 

Tuy nhiên câu khẩu hiệu chào mừng thì Vũ Như Cẫn quá (hãy cùng xem ảnh dưới đây).

Mình nhớ ông Hữu Thọ có hẳn một đoạn giải thích dài trên báo lề phải, đại ý là Mùa Xuân, là Đất Nước mình hiện hữu từ trước nhiều nhiều, tức trước mọi thứ chúng ta sinh ra sau này, trong đó có Đảng nữa. Vì thế muốn thuận phải là mừng đất nước mừng mùa xuân rồi mới đến mừng mọi thứ khác trên đời chứ. Bởi suy cho cùng, mọi thứ dù quý đến mấy cũng là do con người chúng ta sinh ra sau này mà thôi. Tức là nó xếp sau mọi mùa xuân đất trời và sau đất nước. Nói thế là mình hiểu hết với nhau phải không, và mình tin chắc mọi người đều đồng tình với lập luận giản dị như vậy.

Ông Hữu Thọ thì ai cũng biết là cấp trung ủy, lại là trưởng một ban lớn của đảng, ban tuyên huấn trung ương. Sau chức này dù ở tuổi 60 hơn nhưng ông Thọ vẫn được tín nhiệm làm trợ lý cho tổng bí thư đảng tới cả gần thập kỷ, thì ai cũng phải công nhận sự giải thích của ông Thọ nó có giá trị và chất lượng, đảng tính ở cỡ nào rồi. Điều ấy nói lên từ hàng chục năm trước đây thứ tư duy mới đã có sự chuyển biến mạnh ở cấp trên, cấp TW như ông Hữu Thọ.

Qua ông Thọ chúng ta còn được biết không những ông và nhiều người cấp bậc như ông nghĩ thế (mừng xuân mừng đất nước trước) mà ở cấp còn cao hơn các ông có người cũng đã nghĩ thế. Ông Hữu Thọ còn cho biết hồi ông làm việc đã có công văn xuống các ngành và địa phương uốn nắn quán triệt cái ý này để vận dụng cho khẩu hiệu, cho tuyên truyền nội bộ đúng với tinh thần đổi mới của Đảng... 

Nhưng chẳng biết vì sao, mãi cho đến nay tình trạng khẩu hiệu mỗi khi tết nhất đến vẫn tình trạng “nguyễn y vân” như trên đã nói tới?
Ít tuần trước có một blogger nổi tiếng đưa lên ảnh và lời bình là khẩu hiệu Mừng Đất nước, Mừng Xuân đã được viết đứng trước 2 chữ Mừng Đảng ở thành phố lớn mà chủ blog này cư trú. Thấy thái độ của anh rất mừng trước sự thay đổi tư duy này.

Liền sau đó mấy ông bạn mình được tiếng thính nhạy thời cuộc đã phôn ngay cho mình và bảo rằng đã có một sự thay đổi chuyến biến gì đây chăng?

Mình lắng nghe bạn nói nhưng lòng thì vẫn nghi hoặc, tạm hồi âm bạn là có thể đây là chuyện cá biệt, tùy địa phương và “wait and see” (chờ xem).

Thì quả thật dịp sát Tết Quý Tỵ này nếu ai đi lại trên đường phố thủ đô sẽ thấy người ta vẫn giữ nguyên những khẩu hiệu cũ, thứ khẩu hiệu không đúng với tinh thần cụ Hữu Thọ từng thông tin và giải thích cho báo giới ở một thời hình như “lâu lắm rồi”.

Cái sự khẩu hiệu nước mình nó cứ thế, chỉ thích bổn cũ nhắc lại. Bởi đó là thói quen quán tính, là chẳng ai dại gì sáng tạo đổi khác mà dễ ăn đòn... Làm theo lối cũ "cho nó lành", nó an toàn nó ổn định, có phải thế không hỡi ngành tuyên truyền thông tin văn hóa?

Mơi chốn nào thay đổi khẩu hiệu chẳng biết, chứ thủ đô của một nước là chuẩn chính trị chuẩn tư tưởng rồi. Khẩu hiệu giữ vậy là chưa có thay đổi gì so với cách giải thích của cụ Hữu Thọ.

Thôi thì với dạng công dân hưu trí như mình, cho dù ít thông tin chính thống vẫn cứ thấy điều trên lạ quá. Chả lẽ tình trạng trên bảo dưới không nghe đến cỡ này rồi sao? Một việc rõ ràng hợp lý hợp tình, nhất là hợp lòng dân đến nhường này mà chưa thay đổi được thì còn mơ chi các thay đổi cơ bản và lớn lao khác!

Chỉ có một điều thắc mắc là cái lý do giữ lại như cũ là vì sao và do đâu thì mình chịu. Và mình cũng đố bạn nào biết và hiểu đấy!

Vệ Nhi

----






































Ảnh & Trình bày: Nguyễn Vĩnh




Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...