Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Nghễnh ngãng hưởng thái bình



Nghễnh ngãng hưởng thái bình






Là một nhà ngoại giao về hưu, anh Vũ Đức Tâm có những bài viết hay trên trang facebook của mình. Những bài đó anh thường share cho bạn bè cùng đọc. Có thể nói dạng ghi chép, tản văn như thế này là một thế mạnh ở ngòi bút của Vũ Đức Tâm. Xin giới thiệu bài viết dưới đây.

Vệ Nhi


------


Nghễnh  ngãng hưởng thái bình

Vũ Đức Tâm

Thuở ấy, ông bà còn đang tràn đầy sức xuân. Ông đã đi làm được ít năm, công việc ổn định, thu nhập tàm tạm, nhưng vẫn chăn đơn gối chiếc, chưa có ai nâng khăn sửa túi. Ông thích nghe nhạc, mê văn, thơ. Bà nổi tiếng xinh đẹp, nết na, thùy mị, cũng phải lòng thơ, văn, âm nhạc chả kém và cũng chưa cùng ai. Bà có cuốn sổ nhỏ chép đầy những câu thơ, đoạn văn tâm đắc. Kiểu như : Ai chỉ được cho trăng chỗ đứng/Ai bảo trăng dừng lại chốn này/Ai bảo được trái tim thiếu nữ/Yêu một lần thôi chớ đổi thay… Các chàng trai trẻ cứ  gọi là xếp hàng dài dằng dặc trước nhà người đẹp, trổ đủ các ngón mong lọt vào mắt xanh của nàng. Ông chững tuổi hơn họ, lại là kẻ đến sau, nhưng lại là kẻ chiến thắng. Bạn biết sao không? Đơn giản là do tâm hồn đồng điệu. Những chàng trai kia ồn ào đến với nàng trong tiếng xe máy gầm rú, khoe gia cảnh, của nả và cố tỏ ra ta sành điệu. Nhưng khi nàng hỏi đọc bài thơ này, bài thơ kia, truyện này, truyện kia chưa thì hầu hết lúng túng, có chàng còn dại dột thốt lên: Ôi dào, thơ với thẩn ! Cụt hứng, thế là nàng cho nghỉ khỏe. Những lần sau đến, chỉ có ông bô hay bà bô tiếp. Mẹ gọi, nàng bảo « con bận » hoặc đau hơn là « khách của mẹ chứ của con đâu ». Trong khi đó, không những cùng bà hào hứng bình luận về những áng thơ văn bà thích, ông còn thủ thỉ đọc cho bà nghe nhiều bài khác. Thậm chí ông còn cao hứng thức trắng đêm, sáng tác thơ tặng bà, đó là bài thơ « xuất thần » duy nhất mà lại bằng tiếng Anh mới độc chứ (chả là bà thạo tiếng Anh mà). Người ta bảo con trai yêu bằng mắt, con gái yêu bằng tai, thế thì ông mê bà và bà « đổ » là phải rồi.






Họ về với nhau, nghèo vật chất nhưng giàu có về tinh thần. Vẫn chung niềm vui thưởng thức văn thơ, bên nhau lặng nghe những khúc nhạc trữ tình. Rồi con cái ra đời, rồi bao nỗi lo toan cơm áo gạo tiền vẫn không làm họ từ bỏ niềm đam mê đó. Hầu như ngày nào họ cũng rủ rỉ  tâm sự. Thường thì thời gian đầu, vợ chồng luôn quấn quýt, ríu rít với nhau, thời gian trôi đi, chuyện trò thưa dần và khi về già thì kiệm lời với nhau lắm. Nhưng ông bà là ngoại lệ. Cho đến khi con cái trưởng thành có gia đình riêng, rồi về nghỉ hưu họ vẫn còn ối chuyện để nói với nhau, vẫn còn thơ hay để ông đọc bà nghe và vô số bản nhạc, bài ca để ông bà cùng chìm đắm trong những giai điệu du dương, trầm bổng. Có dạo, ông bà rất thích bài « Bonjour Việt Nam ! » với giọng ca trong vắt, đầy truyền cảm của Phạm Quỳnh Anh và  cứ vừa nghe vừa nhẩm hát theo. Ông vẫn thầm cảm ơn Chúa đã ban cho con người khả năng nghe được âm thanh muôn vẻ và huyền diệu của cuộc sống. Quá hạnh phúc phải không ? Nhưng rồi cái gì quá cũng không bền. Dường như để trừng phạt cái « tội »dám đi ngược qui luật, thính giác của bà kém dần, kém dần, cho đến lúc, ông không thủ thỉ với bà được nữa mà gần như phải hét lên. Mà hét lên thì còn gì là tâm sự nữa cơ chứ ! Còn bà cũng không thỏ thẻ oanh vàng nữa mà nói oang oang chỉ sợ người khác không nghe được. Tình trạng ông nói gà bà nói vịt ngày càng nhiều. Ông bảo đưa hộp xi thì bà đưa cái li. Ông cáu bảo xi đánh giầy cơ mà, thì bà đưa cái bàn là. Ông lắc đầu bảo tôi không là quần áo, thì bà đưa ông tờ báo…Thế là ông hết kiên nhẫn, từ trong ngách ra ngõ rồi ra phố, sà vào một quán nước vỉa hè, gọi chén nước vừa uống vừa ngẫm sự đời.

Con nhà gia giáo, từ bé ông không có thói quen lê la hàng quán. Sau lớn lên đi làm, có lần thủ trưởng cơ quan còn bảo cậu chớ ngồi quán nước hư người đi đấy. Thế là ông nghiêm chỉnh chấp hành cho đến nay mới thấy tiếc vì ngồi quán nước vỉa hè hay đáo để. Quan sát cuộc sống muôn màu muôn vẻ, chia sẻ tâm sự với mọi người, lượm lặt được ti tỉ chuyện hay, đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố… Rồi những tin tức đủ loại mà chả cần đọc báo cũng nắm được, kèm theo những bình luận, nhận xét rất phong phú. Từ đó, hễ có trục trặc gì ở nhà, ông lại ra quán. Rồi ông nghiện quán nước hè phố, hôm nào không ra là nhớ, là có người nhắc, nhất là cô bán nước trẻ trung, có duyên, lại biết chiều khách như thượng đế, dù là thượng đế vỉa hè. Nhưng dần dà, do tình hình kinh tế-xã hội  « tuột dốc không phanh », những chuyện nghe được trong quán cóc lại làm ông sầu thêm. Đó là những vụ tai tiếng đủ loại, kéo theo những bức xúc của đủ mọi tầng lớp trong xã hội. PMU18, Vinashin, Vinalines, Văn Giang, Đồ Sơn, Tiên Lãng, bầu Kiên, Nhân bản xét nghiệm, Vacxin,chạy chức, bằng cấp rởm… Tệ hại đến mức bà Phó Chủ tịch Nước đã phải thốt lên : « Người ta ăn của dân không từ cái gì » rồi "Đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động". Mọi người tranh nhau nói, vạch tội, kết tội, nguyền rủa bọn vô trách nhiệm, vô lương tâm, ăn tàn phá hại, làm lãng phí biết bao tiền thuế của dân. Ngày nọ qua ngày kia, những chuyện tiêu cực cứ kế tiếp nhau được phanh phui, lấn át dần những chuyện vui vẻ nơi quán cóc. Mà chả phải chỉ ở quán cóc đâu, ở đâu cũng toàn chuyện thế cả. Trên VTV, cũng nhiều ông chém gió vù vù quyết liệt chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng chẳng vì thế mà giảm. Nghe tức anh ách, tắt phụt ! Mà đau nhất là người dân giờ đây thản nhiên gọi lãnh đạo bằng tay này, tay nọ, thậm chí bằng thằng này, thằng kia. Nghe chả lọt cái lỗ nhĩ tẹo nào. Mạt vận rồi ư ? Ông thấy không còn yên ổn với chén trà nữa, buốt óc, nhức đầu cứ như bị tra tấn và ông quyết định không ra đó nữa. Ông cũng không xem TV, không đọc báo, không thèm đi đâu nữa !



Ông ở nhà với bà, lặng lẽ hút thuốc, chăm sóc cây cối, giúp bà những việc lặt vặt. Thời gian cứ miệt mài vô tình trôi. Rồi cũng đến giai đoạn ông « Hả ?,Hử ? Sao cơ ? » liên tục khi nói chuyện với bà, với người khác. Âu cũng là lẽ đời vô thường. Ông trở nên ít nói, hay trầm ngâm, ngại quan hệ. Chả phải vì ông không muốn mà sợ mình nói người ta nghe được, còn bản thân thì cứ phải căng tai ra mà chỉ  nghe câu được câu chăng. Chả nhẽ cứ « hả, hả » suốt thì còn ra thể thống gì nữa. Có nhiều lúc, ông nghe bập bõm, chả hiểu nhưng vẫn gật gật lấy lệ, thấy mọi người cười ông cũng cười theo, ngán ngẩm thấy mình lạc lõng. Chạy chữa chẳng ăn thua, đeo máy nghe thì phiền toái mà nhiều lúc tạp âm khiến đầu cứ ro ro, thật khó chịu đành vứt xó. Lúc này ông mới thông cảm với bà và vô cùng hối hận vì đã có lúc sẵng giọng, cáu bẳn với bà. Để sửa lỗi, ông quan tâm đến bà hơn. Nhiều lúc, ông bà ngồi bên nhau, tay trong tay, im lặng, thế thôi, chứ không mở nhạc như trước : mở bé thì không nghe được, mà mở to thì thành « loa phường » mất. Ông bà vẫn cùng ăn một mâm, cùng ngủ một giường. Bà vẫn chăm sóc ông chu đáo, lo cho ông cơm ngon canh ngọt, nhưng họ hầu như chả còn thủ thỉ tâm tình gì được nữa. Bà lại mắc chứng khó ngủ nên suốt ngày cứ ngủ gà ngủ gật. Ông buồn nẫu ruột.

Rồi một hôm, bà chuẩn bị cơm nước tươm tất cho ông rồi đi có việc cùng cô con gái đầu. Ăn xong, một mình, thấy cô đơn, ông lững thững ra phố. Thấy ông từ xa, cô hàng nước vẫy tay réo gọi, hỏi ông sao lâu không ghé quán. Ông rảo bước đến, chào mọi người, ngồi xuống phân trần, rồi lặng lẽ nhâm nhi chén trà nóng. Quán đông dần. Mọi người hỏi thăm ông vài câu xã giao rồi lại sôi nổi trò chuyện. Ông trông thấy người ta khoa chân, múa tay chém gió, mắt trợn, mày nhíu, mồm há, mồm ngậm, đầu lắc lắc, nghiêng sang phải, sang trái… nhưng hầu như chỉ nghe thấy lào xào như gió thoảng. Ông có cảm tưởng như mình đang xem kịch câm, hay một màn múa rối. Ông cứ ngồi mãi, khi thì « xem múa rối, kịch câm », khi thì nhìn xe cộ qua lại ngoài đường. Bỗng thấy vui lạ. Cảm giác cô đơn vụt tan biến. Ông chợt ngộ ra trong cái rủi có cái may. Quá buồn phiền vì nặng tai chả nghe rõ, giờ ông lại thấy vui vẻ, dễ chịu vì chả phải nghe những gì mình ghét, những cái khiến ông bức xúc mà bất lực : than phiền, oán thán, bất công, tham nhũng, tiêu cực tràn lan trong xã hội. Mà ở tuổi ông, dễ xúc động, thần kinh mong manh lắm, nghe những chuyện ấy không nhồi máu cơ tim cũng xuất huyết não thì có mà tàn đời. Ông vô cùng biết ơn Chúa vì đã ban cho ông cái khả năng « nghễnh ngãng » thật đúng lúc. Người ta bảo « ngu si hưởng thái bình ». Ông chả ngu đâu mà là « nghễnh ngãng hưởng thái bình ». Ông ra khỏi, ấy quên, rời khỏi quán cóc, khấp khởi mừng thầm, suýt nữa thì reo lên giống như Archimedes trần truồng từ bồn tắm lao ra phố: "Eureka!".

Nếu có bao giờ bạn thấy trong quán nước một ông tầm thước, vẻ hơi ngu ngơ, chả nói gì, chỉ thi thoảng mỉm cười một mình thì chớ nghĩ ông "thần kinh" nhé. Đích thị là "Ông nghễnh ngãng" đấy!

Hà Nội, 18/09/2013
Vũ Đức Tâm

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...