Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Mấy chuyện đáng nhớ về câu đối Tướng Giáp




Mấy chuyện đáng nhớ về câu đối Tướng Giáp


Người bạn ngoại giao “hồi ký” rằng, khoảng những năm đầu 1990, ông được phân công đi dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Ấn Độ và Indonesia. Và trong lúc trò chuyện buổi tối tại nhà khách, ông đã hỏi Đại tướng: “Thưa bác, bác là tướng quân, phụ trách quân đội, họ Võ sao tên bác lại là Văn ạ ?” Nghe xong vị Đại tướng của chúng ta mỉm cười rồi kể cho ông bạn là nhà ngoại giao kiêm thêm nghề phiên dịch này là tên đó do Bác Hồ đặt cho.

Sau đó Đại tướng còn kể trận Điện Biên Phủ, ông đã phải đi đến một quyết định vô cùng khó khăn nhưng hoàn toàn đúng trong chiến dịch lớn này là “đưa pháo ra” (sau khi đưa pháo vào, chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc" để tránh cho bộ đội ta phải đổ máu quá nhiều...).

Nghe thủng vài câu chuyện tưởng như không “dính dáng” gì đến câu hỏi về “đặt tên Võ thành Văn” như thế, nhà ngoại giao đã liên hệ và tự hiểu, thế là Đại tướng đã trả lời hết cho mình rồi. Đúng tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Văn, là Nhân văn, Nhân đạo, cũng là Tình thương, là Từ Bi Hỷ Xả, nghĩa lý thật là vô cùng rộng lớn để vận vào một chữ Văn do bác Hồ Chí Minh đặt cho tướng Giáp.

Chính từ câu chuyện xúc động trên mà nhà ngoại giao bạn tôi trong cuộc, nên anh đã "xuất" một câu/vế đối như sau:

TƯỚNG GIÁP, HỌ VÕ, TÊN VĂN, TRONG VĂN CÓ VÕ, TRONG VÕ CÓ VĂN, SONG TOÀN VĂN VÕ

Suốt vài chục năm nay, theo nhà ngoại giao bạn tôi nhớ lại, thì vẫn chưa có câu đối lại thỏa đáng. 




Rồi anh bạn tôi kể thêm: Khoảng  gần một thập niên sau đó, vào dịp 22/12/2009 thì có “một thày đồ” quê Cẩm Giàng, đã viết cho ông “mấy câu văn vần" sau khi đọc cuốn sách "Không phải huyền thoại" của nhà văn Hữu Mai, toàn văn như sau:

                    "Tướng Giáp, đệm là Nguyên, họ là Võ
                      Bởi thân tình nên vẫn gọi: anh Văn.
                      Văn dùng văn làm võ,
                      Võ dùng võ làm văn,
                      Trận mạc thắng thù bằng văn võ.
                      Thắng chính mình bằng chữ "Nhẫn" mà thôi.
                       Đã một trăm năm kiếp làm người
                       Không huyền thoại mà đời đời như huyền thoại".

Nhân nói đến chữ "Nhẫn", nhà ngoại giao còn ghi lại bài thơ của Giáo sư Hà Văn Cầu viết tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa:
                      "Có khi nhẫn để mà thương,
                  Có khi nhẫn để liệu đường lo toan,
                        Có khi nhẫn để vẹn toàn,
                  Có khi nhẫn để không tàn hại nhau".

Rồi anh bạn tôi kết luận câu chuyện xưa: “Kể và viết những điều trên tôi nghĩ như bản thân mình thắp một nén nhang kính cẩn dâng lên cầu chúc hương hồn Bác Giáp yên nghỉ vĩnh hằng nơi chín suối. Mong bác phù hộ độ trì cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cam go, xây dựng và bảo vệ đất nước để toàn dân được hưởng sự ấm no, yên bình, an lạc…”.
       
Vệ Nhi

-----

Cũng từ vế đối này, xin mời bà con và bạn bè tham khảo thêm các vế đối khác:

1-      MỘT NGƯỜI BẠN LÀM KHOA HỌC GÓP LỜI NHƯ SAU:

Kính các cụ,

Tiếp cảm hứng làm câu đối của các cụ VQD., NVĐ, LVD…, sau khi đọc bài " Vì sao cụ Hồ tặng ông biệt danh Văn" của tiến sĩ Phạm Gia Minh đăng trên Tuần VN 8/10, tôi xin có đôi câu đối như thế này:

Văn không võ thành văn yểu
Võ thiếu văn hóa võ biền

Trộm nghĩ đây là bài học của Võ Đại tướng để lại cho muôn đời con cháu. Trình các cụ các cu cho ý kiến chỉ giáo và chỉnh sửa.





2-      Còn dưới đây lại là một sự góp lời khác:

“Thưa các Cụ, vế đối ra rất hay và ý nghĩa, nhà em chỉ mon men nêu thêm một vế nữa thế này, mong các cụ lượng thứ bỏ quá cho. 

"TƯỚNG GIÁP, HỌ VÕ, TÊN VĂN, TRONG VĂN CÓ VÕ, TRONG VÕ CÓ VĂN, SONG TOÀN VĂN VÕ"

NƯỚC VIỆT, QUÂN DŨNG, TƯỚNG NHÂN, TRONG NHÂN CÓ DŨNG, TRONG DŨNG CÓ NHÂN, NHÂN DŨNG TRƯỜNG TỒN

3-      Một cụ “đồ nho” đời mới góp những ý sau:
Thưa cụ ra đối và thưa các cụ
Đệ thiển nghĩ thế này:

Vế đối cụ ra đối đưa ra rất hay, đệ chưa đối được vì khó quá. Bạn LVD rất nhanh đã đối kịp thời, nội dung cũng rất hay nhưng về niêm luật theo đệ là chưa được. Bởi lẽ luật câu đối rất chặt, bằng phải đối với trắc và ngược lại trắc phải đối với bằng thì mới chuẩn. Vế đối của LVD thì "bằng" đối với "bằng", "trắc" đối với "trắc" của cụ ra đối, đọc lên thì xuôi tai nhưng sai về niêm luật.

TƯỚNG GIÁP, HỌ VÕ, TÊN VĂN, TRONG VĂN CÓ VÕ, TRONG VÕ CÓ VĂN, SONG TOÀN VĂN VÕ
 NƯỚC VIỆT, QUÂN DŨNG, TƯỚNG NHÂN, TRONG NHÂN CÓ DŨNG, TRONG DŨNG CÓ NHÂN, TRƯỜNG TỒN  NHÂN DŨNG,

Xin lấy ví dụ đôi câu đối "bằng trắc"chan chát của Đặng Trần Thường và cụ Ngô Thời Nhậm:



 













 Ai công hầu ai khanh tướng, vòng trần ai ai dễ hơn ai

Thế chiến quốc thế Xuân Thu, gặp thời thế thế nào vẫn thế
Vì vậy, đệ mạo muội sửa vế đối của bạn LVD cố ghép vào niêm luật (dù vẫn chưa ưng về nghĩa)
Tướng Giáp,họ võ. tên văn, trong văn có võ, trong võ có văn,  song toàn văn võ
Nước Nam, quân nghiêm, tướng dũng, vừa dũng vừa nghiêm, vừa nghiêm vừa dũng, vạn đời dũng nghiêm.
Kính các cụ/cu chỉ giáo.

v.v… ; và v.v…

(V.N. biên soạn từ tư liệu thư từ và tin nhắn)

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...