Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Cách nhìn của các cường quốc về cuộc khủng hoảng Ukraina



Cách nhìn của các cường quốc về cuộc khủng hoảng Ukraina 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã xảy ra và vẫn đang tiếp diễn. các nỗ lực ngoại giao trong vài ngày nay đã tạm cầm chân các bước phiêu lưu được tính đến cả ở 2 phía, Nga và Mỹ-phương Tây nói chung. 

Đúng là có lúc vùng Đông Nam Âu này như bên bờ vực của một cuộc chiến tranh lớn. Hay đúng hơn một cuộc chiến kiểu can thiệp của Nga vào đất nước này, rồi tất nhiên kéo theo sự lên án, thậm chí dính líu quân sự các kiểu của phương Tây và Mỹ bênh vực cho các lực lượng hướng sang châu Âu của quốc gia sát Nga này. Nó buộc người ta nhớ đến cuộc tấn công tổng lực của Nato vào nam Tư và Kosovo những năm xưa. Hoặc gần hơn là cuộc can thiệp vũ lực đơn phương mà Mỹ tiến hành chống Iraq của Hussein khoảng hơn 10 năm trước đây. (tuy nhiên các so sánh đều có thể là chưa sát hợp, bị khập khiễng… nhưng vẫn đưa ra để dễ có sự liên hệ và hình dung).

Tuy nhiên muốn nắm bắt thực chất các vấn đề của các mối quan hệ quốc tế hiện đại này trong khung cảnh thế giới của thập niên thứ hai thế kỷ 21, nhất là muốn đánh giá sát đúng với tình hình, tránh thành kiến bè phái, chúng ta không thể căn cứ nguồn thông tin một phía, đơn phương. Càng không nên có kiểu tiếp cận các nguồn tin quen thuộc do truyền thông và sự tuyên truyền dễ dãi mang lại. Chính vì thế chủ Blog tôi đưa lại dưới đây một số thông tin và nhận định của cả 2 nguồn, đó là của phía Nga và phía bên kia – Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung.

Vệ Nhi

-----



Nga lấy lại vị thế cường quốc thời Xô Viết khi mạnh tay với Ukraine

Báo Vzglyad của Nga vừa đăng một bài bình luận cho rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine, mà đặc biệt là việc Nga triển khai quân đội tại đây, là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trở lại của Nga với tư cách là một cường quốc như Liên Xô trước đây. 




Vào những năm 1990 nước Nga đã suy yếu, nhưng từ ngày 1/3/2014, Nga đã bắt đầu phục hồi trở lại, một sự trở lại ngoạn mục không thể đảo ngược.

Ngày lịch sử

Ngày 1/3/2014 đã đi vào lịch sử đơn giản bởi vì nó chính thức đánh dấu một thực tế rằng, thời kỳ hậu Xô Viết tồn tại suốt nhiều năm qua đã kết thúc, thế giới đơn cực đã đi vào dĩ vãng, Nga đã vực dậy vị thế của mình như một trong những trung tâm quyền lực của thế giới, hoàn toàn có thể độc lập đưa ra quyết định để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Lần đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã quyết định sử dụng lực lượng vũ trang để ổn định tình hình nước láng giềng của mình. Điều này khác về nguyên tắc so với năm 2008 là khi đó Nga đơn giản chỉ bảo vệ nhà nước liên bang khỏi xâm lược (mặc dù không được công nhận).
Còn hiện nay Nga phải can thiệp vào tình hình Ukraine vì nước này đang bị phát triển theo kịch bản đe dọa tới lợi ích quốc gia Nga và cuộc sống người dân Nga ở nước ngoài. 

Vào hôm thứ Bảy tuần qua, lần đầu tiên sau 7 ngày diễn ra chính biến ở Kiev, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra đánh giá tình hình Ukraine gửi tới Hội đồng Liên bang, trong đó ông coi Ukraine đang rơi vào tình trạng đặc biệt bất thường và đề nghị sử dụng lực lượng vũ trang trên lãnh thổ nước này nhằm “bình thường hóa tình hình chính trị - xã hội” tại đây.

Quy mô và vị trí sử dụng lực lượng vũ trang hiện chưa quyết định nhưng hiện lực lượng này vẫn ở Crimea, nơi Hạm đội biển Đen của Nga đang đồn trú và là nơi mà họ đang đảm bảo sự bình yên cho chính bán đảo này.

Nhưng có một điều rõ ràng rằng, trong bất cứ thời điểm nào, quân đội có thể được tham gia tại các khu vực khác của Ukraine, trước hết là các khu vực phía Đông. Chính phủ lâm thời Kiev đã cáo buộc Nga xâm lược, còn Tổng thống hợp pháp là ông Yanukovych lại ủng hộ các hoạt động của Nga ở Crimea.

Đặc biệt cần nói rằng, giống với sự phát triển tình hình tại chính Ukraine, hôm thứ Bảy vừa qua tại phía Đông nước này cũng bắt đầu diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại các hoạt động của chính quyền Kiev. Điều này đang định liệu cho những hành động tiếp theo của Putin và việc triển khai quân đội của ông.

Phương Tây đang sợ hãi

Trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Barack Obama vào chiều thứ Bảy vừa qua, Putin khẳng định nếu bạo lực tiếp tục lan rộng tại các khu vực phía Đông UkraineCrimea, Nga sẽ tự cho mình quyền bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân nói tiếng Nga đang sinh sống tại đây.
Nga không muốn chia cắt Ukraine mà chỉ quan tâm rằng chính quyền Kiev sẽ không chống Nga, không tiến hành chính sách “phi Nga hóa” đối với người dân nước mình và duy trì sự tồn tại không chia tách của Ukraine.

Moscow mong muốn chính quyền lâm thời Kiev quay trở lại với các thỏa thuận giữa chính quyền và phe đối lập vào ngày 21/2 về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp, tiến hành cải cách hiến pháp và bầu cử Tổng thống mới vào cuối năm. Nga không thừa nhận chính quyền Kiev lâm thời, không cần biết các nước phương Tây có thừa nhận hay không. Hành động độc lập của Moscow đối với Ukraine đang khiến phương Tây vừa phẫn nộ vừa sợ hãi.

Tất cả 3 tháng diễn ra các cuộc biểu tình, phương Tây hoàn toàn không đếm xỉa tới lợi ích của Nga tại Ukraine (còn lớn hơn so với lợi ích của Mỹ và Đức tại đây). Và khi Nga nhận thấy rằng những hành động của phương Tây tại Ukraine đã làm những lực lượng chống Nga lên nắm quyền, còn Ukraine rơi vào bấn loạn, khi đó Nga đã phải quyết định can thiệp.

Quân đội Mỹ, dù mạnh, sẽ không cản được Nga

Nga không thể cho phép áp bức những người nói tiếng Nga hoặc muốn liên kết với Nga tại đây. Và khi bảo vệ những lợi ích của mình, Nga sẽ cân đối các lợi ích của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu EU ở mức cần thiết.



Nga cũng hiểu rõ rằng, trò chơi của phương Tây tại Ukraine là một sự tấn công vào Nga. Thậm chí Ukraine hiện cũng chỉ là một điểm tiếp theo trong trò chơi địa chính trị của giới chức phương Tây, tương tự như tại Syria, Lybia. Còn đối với Nga, Ukraine là an ninh của chính bản thân nước Nga và của nhân dân Nga.

Thế thượng phong về quân sự của Mỹ hiện nay không có ý nghĩa gì trong việc giải quyết vấn đề, bởi vì: Thứ nhất, do Nga là cường quốc hạt nhân và việc đàm phán theo kiểu “tối hậu thư” với Nga là không thể. Thứ hai, không một ai ở Mỹ có thể thuyết phục nhân dân Mỹ rằng, người Mỹ phải chiến đấu vì một nước “Mexico kiểu Nga”.

Nhưng điều quan trọng hơn là, với những hành động của mình trên toàn cầu, Mỹ đã hoàn toàn đánh mất uy tín và sự tin tưởng. Hơn nữa, dư luận quốc tế đều hiểu được sự khác biệt có tính nguyên tắc về đạo đức, lịch sử và địa chính trị giữa cuộc tấn công Iraq của Mỹ với việc Nga đưa quân vào Ukraine.

Hiện Nga đang chờ đợi một thời điểm căng thẳng nhất - đó là việc tẩy chay, hoặc hoàn toàn có thể là các biện pháp trừng phạt (điều mà Tổng thống Obama đã đe dọa), các chiến dịch truyền thông rộng lớn tại phương Tây.

Nhưng những điều này cũng không phục vụ gì cho lợi ích lâu dài của phương Tây. Sau khi tỏ ra giận dữ (mà chủ yếu là một kiểu lên gân để thỏa mãn công chúng), phương Tây sẽ buộc phải trấn tĩnh và thỏa thuận với Nga, cùng Nga thiết lập một chính phủ chuyển tiếp từ bỏ xu hướng đưa Kiev liên kết với châu Âu.

Bá quyền Mỹ cuối cùng có thể sụp đổ không chỉ do Mỹ quá căng thẳng khi áp đặt ý chí của mình đối với thế giới trong giai đoạn hậu Xô Viết, mà còn do Trung Quốc ngày càng mạnh, còn Nga đã vực dậy được cả sức mạnh cứng (điều này sẽ không còn xa) và ý chí, tinh thần.

Một khi ý chí đã vực dậy trở lại thì Nga có đủ tự tin vào bản thân và vào lẽ phải để bảo vệ những lợi ích lịch sử quốc gia. Vào những năm 1990 nước Nga đã suy yếu, nhưng từ ngày 1/3/2014, Nga đã bắt đầu phục hồi trở lại, một sự trở lại ngoạn mục không thể đảo ngược.

https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif Tiêu Giang biên dịch

-----

 HÃY NGHE ÔNG PUTIN NÓI...

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc gặp gỡ báo chí hôm thứ Ba 4/3, trong đó ông trả lời các câu hỏi liên quan tới tình hình Ukraine.

Cuộc họp báo này được thực hiện bằng tiếng Nga. Sau đây là một số ý chính, theo tường thuật của thông tấn xã Nga Ria Novosti.

Chỉ có thể có một đánh giá: đây là một cuộc đảo chính có vũ trang. Không ai có thể tranh cãi về điều này. Tuy nhiên câu hỏi đối với tôi là: mục đích để làm gì? Ông Yanukovich, thông qua sự trung gian của các bộ trưởng ngoại giao, hôm 21/2 đã ký thỏa thuận, mà theo đó ông ta gần như đã trao chính quyền, ông ta đồng ý với tất cả những gì phe đối lập đòi hỏi - cả bầu cử tổng thống và Quốc hội trước thời hạn, cả quay trở lại Hiến pháp 2004.




Ông ta cũng đã đồng ý không sử dụng vũ lực. Hơn thế nữa, ông ta ra lệnh cho lực lượng cảnh sát rút lui. Thế mà ông ta vừa lên đường đi Kharkov thì người ta chiếm luôn nhà của ông. Ông ta không còn có cơ hội nào để tái cử, tất cả các đồng nghiệp của tôi đều đồng ý với điều này. Thế thì tại sao lại phải đẩy cả nước vào tình trạng hỗn loạn hiện giờ? Không có câu trả lời nào [cho câu hỏi này].

"Ông ta [Yanukovych] không còn tương lai chính trị gì nữa. Chúng tôi liên quan tới ông ta hoàn toàn là vi ̀lý do nhân đạo. Tôi cho là nếu ông ta còn ở đó thì chắc sẽ bị thủ tiêu."
Phô diễn quyền lực, theo tôi, là hành động ngu dốt. Người ta đã làm rung chuyển phía nam và đông nam Ukraine bằng những hành động kiểu này.

Những người lính Berkut lúc đó chỉ có lá chắn, mà người ta bắn súng vào họ. Ai ra lệnh thì tôi không biết. Tôi chỉ biết những gì Yanukovich nói với tôi, và ông ta nói với tôi rằng ông không ra lệnh nào như thế. Hơn thế nữa, ông ta đã gọi điện cho tôi, và tôi đã bảo ông ấy không nên làm như vậy.

Tôi đã nói với họ (chính quyền mới tại Ukraine) hàng nghìn lần, rằng "các quý vị làm xáo động đất nước để làm gì?", "các quý vị đang làm gì đây?". Nói chung, cần phải thông qua hiến pháp mới, mang nó ra trưng cầu dân ý, làm sao để tất cả các công dân Ukraine đều cảm thấy rằng họ có ảnh hưởng tới sự hình thành các nguyên tắc cơ bản [cho xã hội]. Nhưng đây không phải việc của chúng ta.

Rõ ràng đây là chiếm chính quyền bằng vũ trang, có phải không? Vi phạm hiến pháp, có phải không? Vậy thì tại sao khi chúng ta chứng minh rằng đây là đảo chính trái hiến pháp người ta lại nói "không, đây là cách mạng".

Nếu đây là cách mạng, thì tôi thấy khó có thể không đồng ý với một số chuyên gia nói rằng trong lãnh thổ này đang nảy sinh một chính quyền mới mà chúng ta chưa ký kết một văn bản ràng buộc nào hết cả.

Tình hình cách mạng như thế này đã hình thành từ những ngày đầu độc lập của Ukraine. Người dân thường Ukraine đã phải chịu đựng suốt các thời Nikolai Đẫm máu, thời Kravchuk, thời Yuschenko.

Người dân muốn thay đổi, nhưng không thể khuyến khích các thay đổi bất hợp pháp. Nền kinh tế tại các nước hậu Soviet còn yếu ớt, hành động bằng phương thức bất hợp hiến là không nên.

Tôi thậm chí không hình dung ra (ai có thể trở thành tổng thống mới của Ukraine). Sau các diễn biến như vừa rồi thì thật khó có thể dự đoán điều gì. Có thể xảy ra những phương án bất ngờ nhất. Khi mà người dân đòi hỏi một cách chính đáng những thay đổi sâu rộng trong nền chính trị và người mới lên cầm quyền thì có nguy cơ là cũng có thể nảy sinh tâm lý dân tộc chủ nghĩa, bài Do thái, tư duy cực đoan...

Tất cả các mối quan hệ kinh tế và nhân đạo của chúng ta chỉ có thể phát triển sau khi tình hình được bình ổn và bầu cử tổng thống.

Khả năng ảnh hưởng của nước ngoài

Mọi việc đều đã được chuẩn bị kỹ càng (nói về chiếm chính quyền ở Kiev). Các huấn luyện viên phương Tây đã rất cố gắng. Nhưng nếu như chính quyền mà mạnh thì các phần tử dân tộc chủ nghĩa đã không thể thực hiện được những cuộc sát hại mà bây giờ chúng ta đang chứng kiến. Đôi khi tôi cảm thấy rằng, có ai đó đang ngồi đâu đó ở nước Mỹ và làm thí nghiệm mà không hiểu rõ hậu quả của những gì họ đang làm.

Họ làm thế để làm gì thì không có câu trả lời. Họ đã biến đời sống chính trị ở Ukraine thành một tấn bi hài kịch.

Chúng ta đang để người dân làm quen với suy luận rằng người ta có thể vi phạm được thì mình cũng có thể - để rồi chỉ có hỗn loạn. Hành xử như con voi trong cửa hàng đồ sứ thì thật là nguy hiểm. Thay đổi chính quyền cần được thực hiện bằng con đường hợp pháp, trong khuôn khổ hiến pháp hiện hành.

Tính chính danh

Quốc hội hiện nay chỉ một phần là hợp pháp, còn lại thì không. Người hiện đang làm tổng thống tạm quyền không có tính chính danh gì hết. Chỉ có một vị tổng thống mà thôi, tuy ông ta không có quyền gì nhưng từ khía cạnh luật pháp thì tổng thống hợp pháp của Ukraine vẫn là Yanukovych.

Ở thành phố Dnepropetrovsk người ta đã đưa ngài Kolomoisky lên nắm quyền, mà ông ta thì là một tay lừa đảo, mấy năm trước còn chơi khăm cả nhà tài phiệt Abramovich của chúng ta. Đưa một kẻ như thế lên làm thống đốc thì tất nhiên là người dân sẽ không hài lòng. Cần phải cho người dân quyền quyết định số phận của gia đình mình, khu vực của mình. Họ phải được tham gia định đoạt số phận đất nước của mình.

Ở mức cao nhất thì tại Ukraine không có người tương nhiệm với tôi vì không có tổng thống được bầu cử toàn dân. Nếu như bầu cử diễn ra trong bối cảnh khủng bố như bây giừ thì tất nhiên chúng tôi sẽ không công nhận kết quả.

Quốc hội Crimea theo đúng quy trình và luật pháp tại kỳ họp của Hội đồng Tối cao đã bầu chọn ra thủ tướng mới. Đây là điều hợp pháp, theo đúng trình tự và không có vi phạm.

Khả năng đưa quân vào Ukraine

Hiện thì chưa cần thiết, nhưng vẫn có khả năng. Các cuộc tập trận mới rồi của chúng tôi hoàn toàn không có liên quan gì tới các sự kiện ở Ukriane.




Sử dụng quân sự là chuyện bất đắc dĩ. Nhưng chúng tôi có yêu cầu của tổng thống hợp pháp của Ukraine, ông Yanukovych, xin trợ giúp quân sự để bảo vệ công dân Ukraine.

Chúng ta thấy sự lộng hành của những kẻ tân phát xít, dân tộc chủ nghĩa, bài Do thái, tại một số nơi ở Ukraine, kể cả Kiev. Đưa quân vào là hành động bất đắc dĩ.

Chúng tôi cho rằng Ukraine là láng giềng gần gũi nhất, nước cộng hòa anh em của Nga. Lực lượng vũ trang của hai nước chúng ta là bạn bè, là đồng ngũ. Tôi tin chắc rằng binh lính Ukraine và binh lính Nga sẽ luôn chung một chiến hào. Chính điều đó hiện đang diễn ra ở Crimea. Không có đụng độ gì, không có nổ súng gì cả.

Chúng tôi chỉ làm đúng một điều là tăng cường bảo vệ công dân của chúng tôi. Chúng tôi không định can thiệp, nhưng chúng tôi cho rằng tất cả các công dân Ukraine phải cùng có được quyền tham gia vào cuộc sống của đất nước và định đoạt tương lai của đất nước giống như nhau.

Đó là lực lượng dân phòng địa phương (tại khu vực Crimea). Chúng tôi không tham gia huấn luyện họ.
Chúng tôi sẽ không chiến đấu với nhân dân Ukraine. Nếu như chúng tôi quyết định mang quân vào thì chỉ có mục đích là bảo vệ công dân. Chúng tôi không hành động để ép buộc, chỉ bảo người khác làm việc gì nhưng tất nhiên chúng tôi không thể đứng yên nhìn người dân nói tiếng Nga bị truy bức, tiêu diệt, nhục mạ. Tôi mong rằng chuyện đó sẽ không xảy ra.

Về ông Viktor Yanukovych

Ông ta không còn tương lai chính trị gì nữa. Chúng tôi liên quan tới ông ta hoàn toàn là vi ̀lý do nhân đạo. Tôi cho là nếu ông ta còn ở đó thì chắc sẽ bị thủ tiêu.

Ông ta không từ chối ký thỏa thuận về hội nhập châu Âu và hành động trong khuôn khổ hiểu biết của mình. Tôi có gặp ông ta hai hôm trước, ông ta còn sống, khỏe mạnh và cũng chúc các quý vị sức khỏe. Có khi tới đám tang những kẻ tung tin [Yanukovych qua đời] ông ấy mới cảm lạnh ấy chứ.

Về Yulia Tymoshenko

Tình hình trước kia khác bây giờ, trước kia chúng tôi có quan hệ bởi các hoạt động chung. Cũng có cãi cọ nhưng nói chung là quan hệ công tác có tính xây dựng. Nếu bà ấy muốn thì cứ tới [Nga], nhưng nay bà ấy không còn là đại diện chính quyền nữa.

Giá gas

Gazprom sẽ không quay lại giá cũ nữa, tập đoàn này không muốn tiếp tục chính sách giảm giá hiện thời, vốn đã thỏa thuận là sẽ áp thực hiện hay không theo từng quý một. Gazprom giảm giá, chính phủ Nga cho chịu đợt đầu nhưng chính thức thì đó không phải là cho vay mà là bảo đảm mua hàng. Phía Ukraine phải trả hết nợ, bắt đầu từ nửa cuối năm ngoái, cũng như trả các khoản hiện nay.
Nợ cũ chưa được trả, các khoản hiện nay cũng chưa trả hết. Dĩ nhiên là trong hoàn cảnh này thì Gazprom phải nói là nếu đằng nào các quý vị cũng không trả nợ thì hãy quay lại giá bình thường. Đây hoàn toàn là việc làm ăn của Gazprom.

Trợ giúp tài chính cho Ukraine

Về nguyên tắc chúng tôi sẵn sàng cân nhắc các bước tiếp theo [về các khoản cho vay], nhưng các đối tác phương Tây của chúng tôi yêu cầu không làm như vậy. Họ yêu cầu chúng tôi cùng hợp tác nhằm thúc giục chính phủ Ukraine thực hiện cải cách vực dậy nền kinh tế. Chính phủ hiện đang nghiên cứu các phương án khác nhau.
Trợ giúp tài chính cho Crimea
Tất nhiên là chúng tôi sẽ giúp.

Về số phận Crimea

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho hội nghị G8 (ở Sochi), chúng tôi sẵn sàng tiếp đón các đồng nghiệp. Nhưng nếu họ không muốn đến thì thôi cũng chẳng cần. "
Câu hỏi về sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga không ̣được đề ra. Người dân Crimea có quyền quyết định vận mệnh của mình trong điều kiện tự do biểu đạt. Không ai có thể tước quyền tự định đoạt của một dân tộc. Chúng tôi không bao giờ khiêu khích hay kích động tâm lý. Chỉ có người dân sống tại những nơi đó có quyền quyết định số phận của mình.

Phản ứng quốc tế

Người ta cáo buộc hành động của chúng tôi là bất hợp pháp, nhưng cần phải nhớ lại hành động của Hoa Kỳ ở Iraq, Libya, nơi họ hành xử hoặc không có sự phê chuẩn nào hoặc xuyên tạc các phê chuẩn của quốc tế. Các đối tác của chúng tôi luôn vạch ra rất rõ các mục tiêu địa chính trị của mình. Rồi sau đó họ bắt cả thế giới đi theo mình, ai không chịu theo thì họ chế nhạo.

Hành động của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quyền quốc tế, bởi vì chúng tôi có lời thỉnh cầu của vị tổng thống hợp pháp, phù hợp với những lợi ích của chúng tôi, bởi vì chúng tôi giúp đỡ những người gắn bó với chúng tôi về cả phương diện văn hóa và lịch sử.

Khả năng trừng phạt Nga

Những ai đang nghĩ đến việc trừng phạt Nga cần cân nhắc các hậu quả của chúng. Trừng phạt sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên, cần nghĩ tới điều này. Các đối tác của chúng tôi đã ủng hộ việc chiếm chính quyền bằng vũ lực, công nhận tính chính danh của những người chiếm chính quyền. Chúng tôi cho rằng tất cả các đe dọa hướng tới chúng tôi là vô tác dụng và nguy hại.

Về nhóm G8 thì tôi không rõ. Chúng tôi đang chuẩn bị cho hội nghị G8 (ở Sochi), chúng tôi sẵn sàng tiếp đón các đồng nghiệp. Nhưng nếu họ không muốn đến thì thôi cũng chẳng cần.

Về khả năng triệu hồi đại sứ từ Hoa Kỳ

Chúng tôi thấy tuyên bố của các chính trị gia khác nhau, triệu hồi đại sứ là biện pháp bất đắc dĩ nhưng nếu cần thì có thể sẽ được sử dụng. Tôi thì tôi không muốn. Trong hợp tác quốc tế không chỉ có nước Nga, mà các đối tác của chúng tôi cũng quan tâm tới hợp tác với chúng tôi và điều này không dễ gì mà vi phạm được.


------



Khủng hoảng Ukraine nhìn từ quan điểm Mỹ, Nga và Ukraine

Căng thẳng ở Ukraine ngày càng leo thang khi quân đội Nga xuất hiện tại bán đảo Crimea và các nguyên thủ vẫn liên tục tìm kiếm giải pháp, từ trừng phạt kinh tế đến cô lập chính trị Nga. Dưới đây là một số góc nhìn về tình hình ở Ukraine qua lăng kính những quốc gia chủ chốt.

Ai đang nắm quyền ở Ukraine? 




- Nga: Viktor Yanukovych vẫn là nhà lãnh đạo chính thống của Ukraine, và chính quyền mới ở Ukraine là bất hợp pháp. Công sứ Liên bang Nga, Vitaly Churkin, gọi sự kiện khủng hoảng Ukraine là “cuộc bạo động vũ trang của các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan”.
- Ukraine: Ukraine có một chính quyền hợp pháp và sẽ tiến hành bầu cử tổng thống mới vào ngày 25.5. Đại sứ Ukraine ở LHQ nói: “Hãy để chúng tôi tổ chức cuộc bầu cử.”
- Mỹ: Yanukovych bỏ trốn khỏi đất nước và sau đó chính thức bị bỏ phiếu truất quyền bởi quốc hội dân cử của Ukraine.

Hiện có bao nhiêu lính Nga ở Ukraine?

- Nga: Nga chưa công bố số quân đã cử đi Ukraine. 
-  Ukraine: Nga đã dùng tàu chiến, trực thăng và máy bay vận tải để chuyển 16.000 lính vào Crimea kể từ ngày 24.2.
-  Mỹ: Lực lượng của Nga “đã hoàn tất chiến dịch nắm quyền kiểm soát bán đảo Crimea”, dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ, đồng thời ước tính số lượng thủy quân lẫn bộ binh tại khu vực vào khoảng 6.000.

Lính Nga có quyền xuất hiện ở Crimea hay không?

- Nga: Theo Đại sứ của Nga tại LHQ, hiệp định giữa hai nước láng giềng Nga - Ukraine cho phép Nga cử tối đa 25.000 lính đến Crimea. Ông cũng nói thêm rằng Yanukovych là người yêu cầu Nga gửi quân đội sang.
- Ukraine: Bất cứ đội quân nào của Nga có mặt tại Crimea và ở gần biên giới Ukraine cũng là “hành động khiêu chiến”.
- Mỹ: Hậu quả của hành động quân sự “có thể rất khủng khiếp”, trích lời Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power, vào thứ hai.

Tại sao tình hình vẫn căng thẳng?

- Nga: Quốc hội Nga đã cho phép ông Putin sử dụng quân đội để bảo vệ người Nga tại bán đảo Crimea.
- Ukraine: Không có bằng chứng cho thấy người Nga ở Ukraine bị đe dọa. Nga chỉ muốn chiếm Crimea.
- Mỹ: Một quan chức cao cấp tại Nhà Trắng cho biết Nga đang có những phản ứng với lịch sử đầy nhạy cảm về Ukraine, Crimea và vùng ảnh hưởng của Moscow. Nga e ngại khả năng Ukraine sẽ rơi vào tay của châu Âu hoặc phương Tây, vị quan chức nói thêm.

Khánh Phong (Theo CNN)

------

 

Tuyên bố ‘rất lạ’ của chính phủ Mỹ về Putin và Ukraine

"Ngoài báo chí, truyền hình nhà nước Nga, không có bất cứ báo cáo tin cậy nào về việc người Nga bị đe doạ. Hoà bình, hoà giải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới".


Trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/3 đã đăng tải một thông báo với tiêu đề "President Putin's Fiction: 10 False Claims About Ukraine" (tạm dịch: " Hư cấu của Tổng thống Putin: 10 tuyên bố không có thật về Ukraine").

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là những tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin mà Mỹ cho rằng "sai sự thật.. nhằm biện minh cho hành vi can thiệp quân sự vào Ukraine". Thông cáo này cũng giải thích rõ điều mà Mỹ cho rằng là sự thật đằng sau những tuyên bố đó.

Ông Matthew Rojanksy, Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm nghiên cứu Wilson (Washington, Mỹ) đã nhận định rằng, đây là "một dạng tuyên bố rất lạ từ chính phủ Mỹ".

Dưới đây là toàn văn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga về những phát ngôn của Tổng thống Putin:

1. Ông Putin nói: Lực lượng Nga ở Crimea chỉ đang hành động để bảo vệ tài sản quân sự của Nga. Những người đã cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự tại Crimea là những "nhóm bảo vệ công dân", không phải là lực lượng quân sự Nga.
Sự thật: Bằng chứng hùng hồn cho thấy thành viên của các cơ quan an ninh Nga là hạt nhân của lực lượng được tổ chức một cách chặt chẽ nhằm chống lại Ukraine tại Crimea. Những đơn vị này mặc quân phục không có phù hiệu, lái xe mang biển số quân đội Nga. Trước truyền thông thế giới và quân đội Ukraine, họ tự nhận mình là lực lượng an ninh Nga. Thêm vào đó, họ được trang bị những loại vũ khí nhìn chung là không phổ biến trong dân.




2. Ông Putin nói: Hành động của Nga phù hợp với Hiệp ước hữu nghị năm 1997 giữa Liên bang Nga và Ukraine.
Sự thật: Hiệp ước năm 1997 yêu cầu Nga phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Các hành động quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến cho Nga nắm được quyền kiểm soát hoạt động của Crimea và là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

3. Ông Putin nói: Phe đối lập đã thất bại trong việc thực hiện thoả thuận ngày 21/1 với Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Sự thật: Thoả thuận ngày 21/2 quy định, Rada (Quốc hội) sẽ thông qua dự luật mà theo đó, Ukraine sẽ thực hiện Hiến pháp 2014, đưa đất nước trở lại hệ thống lập pháp lấy Quốc hội làm trung tâm. Theo các điều khoản của thoả thuận đó, Yanukovych phải ký thông qua luật này trong vòng 24 giờ và kết thúc cuộc khủng hoảng trong hoà bình. Nhưng Yanukovych đã từ chối thực hiện tới cùng thoả thuận của mình. Thay vào đó, ông ta dọp dẹp và bỏ trốn, bỏ lại bằng chứng về sự tham nhũng quy mô lớn.

4. Ông Putin nói: Chính phủ Ukraine là bất hợp pháp. Yanukovych vẫn là lãnh đạo hợp pháp với Ukraine.
Sự thật: Ngày 4/3, Tổng thống Putin cũng thừa nhận rằng Yanukovych "không có tương lai chính trị". Sau khi Yanukovych đào tẩu khỏi Ukraine, bản thân đảng Các khu vực cũng quay lưng lại với ông ta, bỏ phiếu xác nhận sự thoái lui của ông ta khỏi vị trí của mình và ủng hộ một chính phủ mới. Với 371 phiếu thuận, chiếm hơn 82%, chính phủ mới của Ukraine đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội - tổ chức được bầu ra một cách dân chủ ở Ukraine. Chính phủ lâm thời Ukraine là chính phủ của nhân dân và sẽ dẫn dắt đất nước trước khi cuộc bầu cử dân chủ diễn ra vào ngày 25/5. Cuộc bầu cử này cho phép tất cả người dân Ukraine có quyền được nói lên tiếng nói của mình về tương lai của đất nước.

5. Ông Putin nói: Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra và hàng trăm nghìn người dân đang chạy từ Ukraine sang Nga tìm kiếm tị nạn.
Sự thật: Tính tới nay, hoàn toàn không có bằng chứng nào về một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Cũng không có bằng chứng nào về làn sóng người tị nạn chạy từ Ukraine sang Nga. Các tổ chức quốc tế trên lãnh thổ nước này đã tiến hành điều tra bằng cách trò chuyện với lính biên phòng Ukraine, người này đã bác bỏ những lời tuyên truyền trên. Các nhà báo độc lập quan sát biên giới cũng nói rằng không có làn sóng tị nạn nào.

6. Ông Putin nói: Người gốc Nga đang bị đe doạ.
Sự thật: Ngoài báo chí và truyền hình nhà nước Nga, không có bất cứ báo cáo đáng tin cậy nào nói về việc có người Nga bị đe doạ. Hoà bình và hoà giải ngay từ đầu là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới ở Ukraine. Tổng thống Oleksandr Turchynov đã từ chối thông qua luật hạn chế việc sử dụng tiếng Nga ở địa phương. Người Nga và người nói tiếng Nga đã gửi đơn xác nhận rằng họ không bị đe doạ. Thêm vào đó, kể từ khi chính phủ mới được thiết lập, ổn định đã được lập lại ở Kiev. Không có sự bùng phát về tội phạm, không có cướp bóc và không có sự trừng phạt nhằm vào các đối thủ chính trị.

7. Ông Putin nói: Các căn cứ của Nga đang bị đe doạ.
Sự thật: Các căn cứ quân sự của Nga đã và vẫn an toàn, chính phủ mới của Ukraine đã cam kết tuân thủ tất cả các thoả thuận quốc tế hiện có, bao gồm cả thoả thuận bảo vệ cho các căn cứ quân sự của Nga. Chỉ có các căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea là đang bị động thái quân sự của Nga đe doạ.

8. Ông Putin nói: Đã xảy ra các cuộc tấn công ồ ạt nhằm và các nhà thờ và giáo đường Do Thái ở miền nam và đông Ukraine.
Sự thật: Các nhà lãnh đạo tôn giáo trong nước và những người ủng hộ tự do tôn giáo quốc tế, hiện đang hoạt động ở Ukraine, đã nói rằng không có cuộc tấn công nào nhằm vào các nhà thờ. Tất cả các nhà lãnh đạo trong các nhà thờ của Ukraine, bao gồm đại diện các Giáo hội Chính thống giáo - Giáo trưởng Moscow, đã bày tỏ sự ủng hộ cho các nhà lãnh đạo chính trị mới, kêu gọi đoàn kết dân tộc và hoà giải. Những nhóm người Do Thái ở miền nam và miền Đông Ukraine nói rằng họ không thấy sự bùng phát các vụ bạo loạn chống người Do Thái.

9. Ông Putin nói: Kiev đang cố gắng gây bất ổn Crimea.
Sự thật: Chính phủ lâm thời Ukraine đã hành động một cách kiềm chế và tìm kiếm sự đối thoại. Về phần mình, quân đội Nga đã di chuyển ra ngoài các căn cứ của mình để chiếm các mục tiêu chính trị và cơ sở hạ tầng ở Crimea. Chính phủ ở Kiev ngay lập tức đã cử cựu Bộ trưởng Quốc phòng tới để xoa dịu tình hình. Petro Poroshenko, sứ giả của chính phủ mới, đã theo đuổi biện pháp đối thoại ở Crimea và ngăn chặn việc can thiệp vào Rada ở Crimea.

10. Ông Putin nói: Rada đang chịu ảnh hưởng của những kẻ cực đoan và khủng bố.
Sự thật: Rada là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân ở Ukraine. Luật pháp mới đây đã được thông qua bởi số đông, bao gồm các đại diện từ phía đông Ukraine. Các nhóm mang chủ nghĩa dân chủ cực đoan cực hữu, một vài trong số đó còn liên quan tới những cuộc đụng độ với lực lượng an ninh trong biểu tình của người ủng hộ Liên minh châu Âu EU, không có mặt trong Rada. Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Ukraine sẽ theo đuổi chính sách phân biệt đối xử mà thay vào đó, họ đã công khai tuyên bố điều ngược lại.








Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...