Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Nước cờ cho Việt Nam



Nước cờ cho Việt Nam


Hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc gây ra ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý của báo chí truyền thông trong nước và quốc tế suốt hơn 3 tuần qua. 

Trong số các bài viết phân tích và nhìn nhận về sự kiện này thì bài dưới đây có góc nhìn khá mới và đặc biệt. Tác giả đặt vấn đề khi Việt Nam ta đã “đối diện với Trung Quốc” (tức sự căng thẳng khác thường so với thời gian trước 2/5 vừa qua) thì chúng ta sẽ/nên “chơi nước cờ nào?". 

Xin đăng lại đây để bà con và bầu bạn trên mạng tham khảo.   
   
Vệ Nhi


----- 



Đối diện với Trung Quốc, nước cờ nào cho Việt Nam trên bàn cờ thế giới hiện nay?

Tác giả: Lê Nguyêntăng kích thước chữ

LTS - Trong những ngày này tình hình Biển Đông đang rất nóng. Trung Quốc đã ngang ngược đưa dàn khoan “khủng” Hải Dương 981 và kéo theo là rất nhiều tàu, kể cả tàu chiến và máy bay vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm cho tình hình hết sức nguy hiểm. Trung Quốc đã tự lột mặt nạ “trỗi dậy trong hòa bình”, hiện hình chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Trong cuộc thử thách trước mắt, và lâu dài, với kẻ hàng xóm khổng lồ độc ác, tham lam, và trong thế giới đầy biến động khó lường hôm nay, và ngày mai, Việt Nam sẽ lựa chọn thế ứng xử, con đường đi của mình như thế nào là câu hỏi lớn không chỉ đối với các nhà lãnh đạo đất nước mà cả dân tộc, và mỗi người dân. Làm thế nào để chúng ta vẫn giữ được tư thế độc lập tự chủ nhưng vẫn có bạn bè đồng minh trong thế giới đầy nghi kỵ và ai cũng đề cao lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết là một bài toán rất  khó giải.  Sau đây là một bài viết trước khi sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 xảy ra nhưng thiết nghĩ vẫn có ý nghĩa như một ý kiến cá nhân để mọi người có thể tham khảo.  Đây không phải là quan điểm của tòa soạn.



Nếu lấy cái mốc 2007-2008 là thời điểm có những sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt – trong nước, năm 2007, lần đầu tiên có sự bùng nổ các phong trào biểu tình chống Trung Quốc vốn kết tụ từ những âm ỉ trước đó, và trong quan hệ với quốc tế, từ năm 2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO – thì có thể thấy trong vòng dăm năm trở lại đây, Việt Nam đang dần tiến tới một khúc quanh quan trọng mang tính quyết định cho vận mệnh của chính mình. 

Nếu đặt Việt Nam giữa các “ông lớn” trên bàn cờ thế giới hiện nay và thu gọn lại thành một quan hệ tay ba Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ thì có thể công thức hoá khúc quanh quan trọng này dưới dạng các câu hỏi mang tính chiến lược, và việc lựa chọn đáp án nào sẽ mang tính quyết định cho vị thế của Việt Nam trên sân khấu chính trị châu Á – Thái Bình Dương cũng như thế giới nói chung: 1/ Đi gần hơn nữa với Trung Quốc trên mặt trận chống lại sức ảnh hưởng (ảnh hưởng vốn có và nỗ lực ảnh hưởng trở lại mang tính chiến lược) của Mỹ? 2/ Cố gắng giữ thăng bằng, hay là đu dây, giữa các cường quốc mà đặc biệt là giữa hai gã khổng lồ của thế kỉ 21 là Mĩ và Trung Quốc? và 3/ Trở thành đồng minh với Mĩ trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc?
Thực ra đã có nhiều bài báo từ nhiều phía, nhiều lực lượng khác nhau trực tiếp hoặc gián tiếp cổ xuý và vận động cho từng đáp án này. Trước hết đánh giá một cách sơ bộ về 3 câu hỏi: câu 1 dường như ít có khả năng xảy ra, bất chấp những cáo buộc, đôi khi là cực đoan, của các tiếng nói bất mãn trong và ngoài nước trước những phản ứng có vẻ như quá nhu nhược của Việt Nam trước các động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ngoại trừ những tuyên bố phần nhiều là có tính toán về mặt ngoại giao và thường được để cho giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam về bên Đảng lên tiếng, cộng với những tuyên bố vừa cứng rắn, doạ dẫm, vừa phủ dụ lôi kéo của phía Trung Quốc được thể hiện qua tờ Hoàn cầu Thời báo, thì khó có thể tưởng tượng được kịch bản 1 này lại được Việt Nam lựa chọn. 

Hai lựa chọn còn lại (giữ thăng bằng, đu dây, hay liên minh với Mĩ) thường gây nhiều tranh cãi nhất, và sẽ là trọng tâm mà tôi phân tích ở đây. Do vậy, trong bài báo này tôi sẽ đặt mối quan hệ này vào một bối cảnh rộng hơn với việc khu biệt hoá thành 6 lực lượng trên sân khấu chính trị châu Á – Thái Bình Dương hiện nay: 1/ Việt Nam – 2/ Trung Quốc – 3/ Hoa Kỳ – 4/ Đông Nam Á – 5/ Các cường quốc bậc trung hoặc từng là siêu cường có mối ràng buộc gần với những động thái giữa ba bên (Việt – Trung – Mỹ) bao gồm Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, và Nga – 6/ Liên Âu và phần còn lại của thế giới nói chung. Sau khi phân tích những vấn đề nội tại trong sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ giữa Việt Nam với các lực lượng còn lại, tôi sẽ cố gắng đi tới câu trả lời là một lựa chọn nước cờ cho Việt Nam.

Về cơ bản, mối tương tác giữa các lực lượng nêu trên là mối tương tác dựa trên sự ràng buộc giữa giá trị và lợi ích.[i] Mối quan hệ giữa Việt Nam với các lực lượng còn lại do vậy cần được các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận trong mối tương tác giữa giá trị và lợi ích này. Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng vào một thế giới toàn cầu hoá, không quá khó để xác định và đánh giá bình diện giá trị: đó là các giá trị về tự do, dân chủ và luật chơi quốc tế. Đó là các yếu tố cần thiết vừa đem lại chính “giá trị” và “lợi ích” cho người dân trong nước, vừa tạo nên “quyền lực mềm” cho quốc gia với tư cách là một đối thủ trong cuộc chơi toàn cầu. 


Bình diện còn lại, “lợi ích,” mới là yếu tố khó giải quyết vì bản chất của con người – xét ở cấp độ cá nhân cũng như một thực thể lớn hơn và trừu tượng hơn là quốc gia – là lòng tham. Lòng tham này được kích thích hay chế ngự dựa vào các yếu tố, thứ nhất là thực lực của bản thân từng đối thủ, và thứ hai là các “giá trị.” Nếu một lực lượng nào đó trên bàn cờ chính trị này bị chi phối quá lớn bởi bình diện “lợi ích” và bất chấp cả bình diện “giá trị,” lúc đó tất yếu nảy sinh mâu thuẫn và xung đột với các lực lượng còn lại. Các thế lực có thực lực yếu hơn, do vậy thường nhấn mạnh bình diện “giá trị,” dựa vào “giá trị” để bảo vệ mình, tất nhiên đồng thời với đó là tranh thủ thời gian để phát triển thực lực, tăng sức mạnh thực tế hỗ trợ cho cuộc cạnh tranh.

Trong thời gian qua, có thể quan sát thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những bước đi khá khôn ngoan và đúng hướng trong việc nhấn mạnh “giá trị” đồng thời ra sức củng cố và phát triển thực lực của mình. Bên cạnh việc mua sắm thêm nhiều vũ khí hiện đại để xây dựng một lực lượng quân đội ngày càng tinh nhuệ như là những biểu hiện cụ thể nhất của việc phát triển thực lực, ít nhất là đủ sức răn đe đối thủ, việc Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua luật biển vào cuối tháng 6 vừa rồi với những điều chỉnh cho phù hợp hơn với luật quốc tế, chính là những điều chỉnh khôn ngoan để phát triển bình diện “giá trị,” tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

Đó chính là những động tác cụ thể trong chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước thực hiện theo nguyên tắc tự lực tự cường mà Việt Nam đã quá thấm thía trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Song đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá, cộng với một thực tế là thực lực của mình còn rất yếu nếu so sánh với Trung Quốc sát cạnh như một gã khổng lồ và tham lam, những động tác trên là không đủ nếu thiếu đi những tương tác với các lực lượng bên ngoài còn lại trong sơ đồ nêu trên. Vấn đề cần đặt ra, do vậy, là phải đánh giá được “giá trị,” “lợi ích” và ý đồ của mỗi thế lực nêu trên trong cuộc chơi để từ đó có những bước đi hợp lí trong quan hệ với từng đối tượng.

Cho đến thời điểm này thì có thể nói không quá khó để nhận ra ý đồ, tham vọng của từng bên trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Với Việt Nam, trước hết là bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình theo đúng quy định của luật quốc tế về phạm vi 200 hải lí của khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; tiếp theo, bảo vệ phần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) mà mình đã chiếm hữu và quản lí liên tục trong lịch sử. Với Trung Quốc, hiện tại khó có thể dám phiêu lưu vào một xung đột quân sự trên biển Đông, song tham vọng lợi ích của nó đã quá rõ ràng: quyết tâm cướp đoạt Hoàng Sa và Trường Sa, biến 80% diện tích biển Đông thành cái ao nhà của mình, từ đó thực hiện tham vọng lớn hơn: dùng biển Đông làm bàn đạp tiến ra xưng hùng với thế giới.

Do vậy, trong mối quan hệ trực tiếp với Trung Quốc, bên cạnh gấp rút trở thành một thực lực đủ mạnh về kinh tế lẫn quốc phòng, Việt Nam cần phải cho Trung Quốc thấy giới hạn của sự hoà hiếu và tính nguyên tắc trong việc quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. Bên cạnh một số chiến lược đã và đang được các nhà lãnh đạo Việt Nam thực hiện như chiến lược “nhím xù lông,” chiến lược “chống tiếp cận,” Việt Nam cần phải sử dụng đa dạng các phương cách khác nhau như ngoại giao nhân dân, ngoại giao đa phương, tranh thủ nước lớn và cộng đồng quốc tế. 

Đặc biệt Việt Nam có thể sử dụng truyền thông và tiếng nói của các học giả để nói cho Trung Quốc hiểu rằng Việt Nam sẵn sàng chiến đấu đến cùng một khi bị dồn đến chân tường, rằng gây sự với Việt Nam, Trung Quốc có thể lặp lại sai lầm trong lịch sử: 600 năm trước, bại trận ở Việt Nam đã khiến nhà Minh phải co về cố thủ nội địa và từ bỏ mộng vươn ra đại dương của mình. Lần này cũng vậy, sa lầy vào một xung đột quân sự lâu dài với Việt Nam có thể sẽ khiến Trung Quốc trở nên khốn đốn và tan tành mộng bá chủ toàn cầu.
Trong quan hệ giữa Việt Nam với lực lượng ngoài Trung Quốc, lực lượng số 6, tức “EU và phần còn lại của thế giới nói chung,” là ở xa nhất và có tác động ít trực tiếp nhất. Song EU với tư cách là một thực thể kinh tế quan trọng và cái nôi của các giá trị toàn cầu như tự do, dân chủ, vai trò của nó cũng không hề nhỏ. Về mặt kinh tế, có thể thấy sự ràng buộc rất lớn giữa EU như là một khu vực đang phải đối diện với những khó khăn rất lớn về kinh tế, và Trung Quốc như là một thế lực kinh tế mới nổi, có dự trữ ngoại tệ rất lớn và một công xưởng sản xuất hàng hoá cho toàn thế giới. Sự phụ thuộc về mặt kinh tế, tài chính của EU và Trung Quốc là điều có thể trông thấy rõ, song không vì thế mà Trung Quốc có thể hoàn toàn khuất phục được EU trong việc ủng hộ các tham vọng quá đáng về lợi ích của mình. 

Bên cạnh đó, các nước EU cũng ngày càng tỏ ra e ngại Trung Quốc không chỉ như một thế lực hung hãn đang trỗi dậy, mà còn vì bản chất của nó là một sự kết hợp giữa nền toàn trị phi dân chủ với một chủ nghĩa tư bản hoang dã sẵn sàng vi phạm các cam kết về an toàn thực phẩm cũng như về luật lệ quốc tế và về nhân quyền nói chung chỉ để thực hiện các tham vọng lợi ích của mình. Do vậy, trong mối quan hệ với lực lượng này (EU và phần còn lại của thế giới nói chung), Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế và chính trị để biến mình thành một địa chỉ hấp dẫn cho quan hệ kinh tế với EU, xây dựng sự ràng buộc lợi ích lớn hơn giữa hai bên. Những cải cách về chính trị cũng là để đi gần hơn với EU và tranh thủ sự ủng hộ của EU trên bình diện “giá trị.”

Các cường quốc bậc trung trong vùng (Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, và Nga) ở các mức độ khác nhau đều có xung đột về lợi ích với Trung Quốc và ngày càng cảnh giác trước một Trung Quốc hung hãn. Nhật, Hàn Quốc, Australia và ở một góc độ nào đó là Ấn Độ, đều là đồng minh của Mĩ. Tuy có thể không nói ra trực tiếp, song kiềm chế một nước Trung Quốc độc đảng và tham lam đều là mục tiêu chung của các quốc gia này dưới sự dẫn dắt của Mĩ. Trường hợp của Nga có phức tạp hơn. 

Nga từng là siêu cường một thời, song với tình hình hiện thời, uy thế ngày xưa đã mất cũng như mối ràng buộc quyền lợi của Nga với Việt Nam và vùng Đông Nam Á không còn trực tiếp thiết thân như xưa, cho nên trong bài toán Việt – Trung hiện nay, tạm thời có thể xếp Nga vào nhóm các cường quốc bậc trung trong vùng này. Nga có quan hệ lợi ích kinh tế mật thiết với Trung Quốc và có thể liên minh tạm thời với Trung Quốc để kiềm chế Mĩ. Song về lâu dài, Nga không thể trở thành đồng minh với Trung Quốc và vẫn luôn cảnh giác với Trung Quốc, không muốn Trung Quốc vươn lên lãnh đạo thế giới. Xét về bình diện “giá trị,” dù hiện thời chính quyền Putin có là một chế độ độc tài được bọc ngoài bởi một lớp nhung dân chủ, thì về lâu dài, xã hội – văn hoá Nga vẫn gần gũi Mĩ – Âu hơn là với Trung Quốc. 

Chiến lược của Việt Nam do vậy phải không ngừng củng cố quan hệ kinh tế và chính trị với các cường quốc này, lôi kéo các cường quốc này can dự sâu hơn vào vấn đề biển Đông, tăng cường sự ràng buộc về mặt lợi ích với các nước, đồng thời cần cải cách chính trị, phát huy tự do dân chủ để tranh thủ sự ủng hộ của các cường quốc này trên bình diện “giá trị.”

Thực ra hai lực lượng khó giải quyết nhất chính lại là ASEAN và một phần nào đó là Mĩ. Với Asean, trước hết phải có những phương thức ngoại giao khác nhau để các nước trong khối thấy được yêu cầu đoàn kết để tiếng nói chung bởi Trung Quốc sẽ là một thế lực có tiềm năng gây nguy hại không chỉ với những nước có can hệ trực tiếp về mặt lợi ích với Trung Quốc, mà còn đối với cả khu vực và thậm chí là cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Song, đối phó với việc Trung Quốc đang dùng quyền lực của cơ bắp lẫn đồng tiền để khiến Asean phải thúc thủ, Việt Nam không thể đủ tài chính và cơ bắp để chạy đua theo cách đó với Trung Quốc. 

Một chiến lược thu phục lâu dài đối với các nước Asean mà Việt Nam cần tạo ra phải là sự thu phục bằng quyền lực mềm, bằng “giá trị”. Muốn làm được điều đó, bản thân Việt Nam phải chứng tỏ mình sẵn sàng tạo nên và đi theo các “giá trị” ấy, thông qua đó tác động lên những nước đang hoặc có nguy cơ rơi vào vòng tay Trung Quốc, giúp các nước cảnh giác trước những mối lợi trước mắt do Trung Quốc đem lại, và nhận ra rằng các bình diện “giá trị” như tự do, dân chủ, pháp quyền là cái đích tất yếu cần phải đi đến để đảm bảo một sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia, giúp mỗi quốc gia kia tự xây dựng nên “sức đề kháng” đối với một gã láng giềng khổng lồ, độc tài và tham lam.

Song những diễn biến căng thẳng của diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 19 vừa diễn ra tuần rồi với sự thất bại của cả khối không đưa ra được tuyên bố chung buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thấy rằng với toàn bộ tính chất phức tạp về lịch sử, tôn giáo, chính trị, địa dư,… giữa 10 nước, phải mất một thời gian khá dài, có thể lên tới tầm ít nhất vài thập kỉ, thậm chí là nửa thế kỉ nữa thì ASEAN mới có thể tạo ra được một sự thống nhất như của châu Âu hiện thời. Dựa vào Asean là cần thiết nhưng không đủ, đặc biệt không kịp cho diễn tiến phát triển dồn dập của bàn cờ chính trị khu vực, và cho những tình huống cấp bách có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Con bài chốt, chung quy lại, không ai khác, chính là Mĩ.

Với Mĩ, bên cạnh sự khó khăn mà nền kinh tế khổng lồ này đang gặp phải, sự phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc, Mĩ còn tỏ ra e dè ngại va chạm với Trung Quốc phần nhiều vì những lí do lịch sử: những va chạm và thất bại của Mĩ ở Đông Á (chiến tranh Triều Tiên) và Đông Nam Á (chiến tranh Việt Nam) trong thế kỉ 20 luôn luôn nằm trong thế kình địch với Trung Quốc. Đó vẫn là những vết thương lịch sử khiến Mĩ thận trọng và cân nhắc kĩ cho mỗi hành động trong hiện tại. Trong mối quan hệ Việt – Mĩ, hai bên đã có những bước tiến dài đáng kinh ngạc sau khi bình thường hoá vào năm 1995, song mối nghi kị lẫn nhau vẫn chưa phải là hoàn toàn chấm dứt. Mĩ, ở một mức độ nào đó hẳn vẫn còn cái nhìn nghi ngại về Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam hẳn cũng vẫn còn nghi ngại Mĩ rất nhiều vì vẫn chưa quên nỗi đau về việc bị các cường quốc trong thế kỉ 20 thoả hiệp trên lưng mình, trong đó có Mĩ. Song, quá khứ là bài học cần phải nhớ để rút ra kinh nghiệm cho bài toán hiện tại và tương lai; trong khi đó, xét trên tổng thể, chỉ có Mĩ là lực lượng duy nhất có thể làm đối trọng với Trung Quốc hiện nay.

Như vậy, qua sự phân tích các bình diện “giá trị,” “lợi ích” và ý đồ của từng lực lượng trong sơ đồ trên, có thể đi đến một nhận định: bài toán then chốt nhất trong số các bài toán trên là phát triển mối quan hệ với Mĩ, lấy Mĩ làm đối trọng chính hỗ trợ cho sự đương đầu với Trung Quốc. Và trước hết, vấn đề then chốt trong bài toán then chốt cần giải này là phải cố gắng xoá tan sự nghi ngại đến từ cả hai phía, xây dựng và phát triển lòng tin lẫn nhau.

Làm thế nào để đạt được điều đó? Câu trả lời là: phải làm thế nào để cho hai bên tương hợp về “giá trị” và “lợi ích.” Tương hợp về “lợi ích” gần như đã không cần bàn cãi: bên cạnh yếu tố kinh tế thì xét về mặt địa – chính trị chiến lược, trong khi Việt Nam cần Mĩ làm đối trọng với Trung Quốc, Mĩ cũng rất cần Việt Nam như là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện kiềm chế tham vọng của Trung Quốc để cố gắng giữ ngôi vị bá chủ và tham vọng toàn cầu của mình. Song Mĩ hẳn cũng cảm thấy e ngại nếu đối tác của mình là một Việt Nam èo uột về thực lực kinh tế và bạc nhược về ý chí.

Sự “quyền biến” của Mĩ trong mối quan hệ với hai nước đồng minh của mình là Nhật Bản với Phillipines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc vừa qua đưa ra cho Việt Nam những bài học quan trọng: Mĩ sẵn sàng “cắt nghĩa” bản hiệp ước an ninh với Nhật theo hướng có lợi cho Nhật, tuyên bố có trách nhiệm bảo vệ quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài) cho Nhật bởi một thực tế thấy rõ là Nhật có thực lực. Trong khi đó, tình hình ngược lại với Phillippines trong vụ xung đột ở bãi đá ngầm Scarborough bởi thực lực của nước này quá yếu, đặc biệt là về mặt quân sự – quốc phòng.

Những cố gắng trong việc giữ thăng bằng giữa hai cường quốc Mĩ và Trung Quốc, kéo các cường quốc khác tham gia vào cuộc chơi để tăng thanh thế cho bản thân, đồng thời bên cạnh đó là những bước đi thận trọng, kín đáo ngày càng gần gũi hơn với Mĩ, là những nước đi khôn ngoan của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Song một vấn đề chiến lược quan trọng mà các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thống nhất được với nhau, đó là giữ mối cân bằng này đến mức nào, đằng sau mối cân bằng này là mục tiêu chiến lược nào cần hướng đến.
Liệu mối cân bằng này có duy trì mãi được không? Và quan trọng hơn, liệu mối cân bằng này có là giải pháp tối ưu hỗ trợ Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hay không? Nếu câu trả lời là “không” thì lãnh đạo Việt Nam phải trả lời tiếp câu hỏi: Vậy phải xây dựng mối quan hệ với Mĩ đến mức độ nào mới đủ sức làm thoái lui dã tâm của Trung Quốc và trong tình huống khẩn cấp xảy ra (một cuộc xung đột vũ trang chẳng hạn) thì lập tức có ngay lực lượng hỗ trợ đủ mạnh để đập tan ý chí của Trung Quốc? Trả lời câu hỏi này đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải xác quyết một mục tiêu chiến lược rạch ròi, phải thống nhất được với nhau và quyết tâm đi tới mục tiêu đó. Mục tiêu đó là gì?

Dự đoán chính trị là một điều rất khó. Trong khoa học chính trị, người ta thường đưa ra các dự báo dựa trên các biến thiên (tham số) là các hành động của mỗi bên trong cuộc chơi chung, theo công thức: nếu các tham số a, b thì sẽ cho ra kết quả X; nếu các tham số là c, d thì sẽ cho ra kết quả Y. Trong bài toán đang đặt ra cho Việt Nam ở đây cũng vậy. Một kịch bản tốt đẹp và có phần lí tưởng là Trung Quốc sẽ gạt bỏ “lợi ích” của mình để tuân theo “giá trị” chung; lúc đó chiến lược giữ thăng bằng của Việt Nam hẳn tiếp tục phát huy tác dụng. 

Song dựa trên các dữ kiện lịch sử với các tham số như chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc và chủ nghĩa bành trướng đại Hán cũng như diễn biến dồn dập và căng thẳng gần đây, rõ ràng kịch bản trên khó lòng xảy ra. Trung Quốc có vẻ không sẵn sàng từ bỏ “lợi ích” của mình và đồng thời có vẻ không còn che giấu cho tham vọng soán ngôi bá chủ toàn cầu. Do vậy Việt Nam cũng phải sẵn sàng các bước đi cần thiết cho chiến lược của mình trong cuộc chơi này. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục cố gắng giữ thăng bằng trong chừng mực còn thấy nó cần thiết, trong khi đó phải luôn tỉnh táo quan sát và dự báo động thái của đối thủ.
Đồng thời, bằng các cách thức không khoa trương gây ồn ào và khó chịu không cần thiết cho đối thủ, Việt Nam cần đi tới với Mĩ càng thân thiết càng tốt để làm sao có thể thiết lập một mối quan hệ Việt – Mỹ có tính đồng minh không chính thức hay có thể gọi là đồng minh dự bị, chẳng hạn như mối quan hệ giữa Mĩ và Singapore hiện nay. Mối quan hệ đồng minh dự bị có sự ràng buộc cần thiết nhất định nào đó về mặt hỗ trợ quân sự giữa hai bên, đồng thời nó có tính bước đệm cho một quan hệ đồng minh chính thức, để khi cần thiết, việc biến quan hệ đó trở thành đồng minh chính thức chỉ còn là công việc thay đổi tên gọi trên giấy tờ.

Trong dự đoán của tôi, dù còn những trở ngại và tranh cãi nội bộ, các nhà cầm quyền Việt Nam hẳn cũng đã tính đến các bước đi này. Song vấn đề đặt ra là trong khi khéo léo giữ mối thăng bằng, phải làm sao để cho các bước đi này có tiến độ nhanh hơn. Để đạt được tiến độ cần thiết cũng như là một mục tiêu chiến lược cần hướng đến là mối quan hệ đồng minh dự bị như là bước đệm cho việc trở thành đồng minh chính thức, Việt Nam còn nhiều việc cần phải làm. Xét từ mối quan hệ giữa “giá trị” và “lợi ích” mà tôi nêu trên, rõ ràng lời giải là phải làm cho “giá trị” và “lợi ích” giữa hai bên trở nên tương hợp. 

Mĩ kêu gọi Việt Nam tham gia vào TPP và Việt Nam đã có phản hồi tích cực, sẵn sàng tham gia, đó là những bước đi rất quan trọng và hữu ích. Mĩ cũng nên có một số hành động mang tính biểu tượng, chẳng hạn huỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để thứ nhất, thể hiện sự hợp tác toàn diện về mặt quân sự; thứ hai, nó như là một sự khuyến khích động viên cho Việt Nam tiếp tục cải cách, dân chủ hoá; và thứ ba, rõ ràng Mĩ cũng thu được mối lợi của việc xuất khẩu vũ khí mà lâu nay, bất chấp lệnh cấm trên của Mĩ, Việt Nam vẫn có nguồn cung ứng hữu hiệu từ Nga.

Song mong muốn là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác và phức tạp hơn nhiều. Không phải cứ muốn kết ước đồng minh là lập tức có thể đặt bút kí kết ước đồng minh. Bên cạnh việc phải có những nước đi khéo léo và tiệm tiến, tránh gây sốc cho một Trung Quốc khổng lồ ngay sát bên, thì còn một trở ngại khác quan trọng hơn cần phải giải quyết: dù sao đi nữa cũng khó có thể tưởng tượng được việc Mĩ lại có một đồng minh là một quốc gia cộng sản. Và Việt Nam cũng khó tưởng tượng nổi mình lại là đồng minh với kẻ thù xưa. [...].
Phạm vi bài viết này không cho phép bàn quá rộng, song có thể dễ dàng đồng ý với nhau là nền kinh tế phát triển mạnh và vững chắc, bền vững chỉ khi được hỗ trợ bởi một thể chế dân chủ, và sự vững mạnh về kinh tế phải đi kèm với sự giàu có, sự tự do và các giá trị dân chủ cho mỗi người dân.[ii] Nếu bước đi này xảy ra, Mĩ có thể (và nên) phản hồi theo hướng tích cực là hình thành một quan hệ đồng minh dự bị với Việt Nam để khi chín muồi, mối quan hệ đồng minh dự bị này có thể dễ dàng chuyển thành đồng minh chính thức.

Một phản biện có thể được đặt ra ở đây là: giả sử Trung Quốc trở nên “biết điều hơn” và dần đi đến một xã hội dân chủ thực sự (kịch bản 1 có tính lí tưởng tôi nêu ở trên), thì có cần thiết trở thành đồng minh (dự bị hoặc chính thức) với Mĩ không? Câu trả lời vẫn là “CÓ” bởi 2 lí do: thứ nhất, dù thế nào đi nữa thì mô hình dân chủ Mĩ vẫn là một mô hình tiên tiến. Kết ước đồng minh với một nước có một mô hình xã hội tiên tiến như vậy không có gì đáng ngại, hơn nữa rất có thể nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam trong việc trở nên hùng mạnh và dân chủ. 

Thứ hai, thực tế chứng minh rằng Mĩ vẫn có thể trở thành đồng minh với chính kẻ thù cũ của mình, trong số đó có nhiều nước có đầy đủ tiềm năng để trở thành đối thủ cạnh tranh ngôi vị với Mĩ, chẳng hạn Nhật. Hơn nữa, nếu kịch bản lí tưởng đó xảy ra (Trung Quốc trở thành một xứ dân chủ thực sự) thì khi đó, cuộc cạnh tranh Trung – Mĩ hẳn cũng sẽ thay đổi tính chất rất nhiều, và trong điều kiện quan hệ Việt – Mĩ đã chín muồi, việc Việt Nam trở thành đồng minh với Mĩ hay không chỉ còn là vấn đề thủ tục.

Một khi đã phân tích thấu đáo từng lực lượng trên bàn cờ chính trị thế giới, dự đoán các kịch bản khác nhau cho cuộc chơi này, từ đó xác quyết cho mình chiến lược cần theo đuổi và cái đích cần đi tới, thì việc đạt được kết quả hay không chỉ còn phụ thuộc vào ý chí và sự khôn ngoan của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Một điều tưởng đã nhàm, song chung quy lại, rõ ràng cái cần phải làm ngay và làm xuyên suốt, vẫn là đân chủ hóa đất nước, xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự với một thể chế tiến bộ. Đó vừa là việc tất yếu để xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh đặng theo đuổi triết lí tự lực tự cường đã được đúc rút qua chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, vừa là điều kiện cần để có thể xây dựng mối quan hệ đồng minh dù là dự bị hay chính thức với Mĩ.

L.N.

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...