Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

KHÔNG NHẤN CHÌM BÙN CÁT XUỐNG BIỂN & SỰ NÓI NĂNG THIẾU CẨN TRỌNG VỀ MXH

KHÔNG NHẤN CHÌM BÙN CÁT XUỐNG BIỂN & SỰ NÓI NĂNG THIẾU CẨN TRỌNG VỀ MXH

Cuối cùng thì ý muốn của bộ tài-môi nhấn chìm hơn 1 triệu m3 bùn cát xuống biển (có văn bản giấy tờ cấp phép của bộ này), cũng bị dư luận xã hội gây sức ép quá mạnh mà dừng lại.

Dư luận nói tới có công sức của cộng đồng mạng xã hội. Tai mắt của quần chúng nhân dân, ý chí hướng thiện của những người tham gia mạng xã hội (là nói người đứng đắn, các công dân tử tế) đã luôn luôn đồng hành với ý nguyện của nhân dân, những người lao động, ngư dân bám biển ở tỉnh Bình Thuận. Và trào lưu đó đã thắng, ít ra là đạt thành quả bước đầu, ngăn chặn việc đổ bùn cát thải sẽ chắc chắn làm ô nhiễm biển cả.

Có thể không khó dẫn chứng những vụ việc khác, những case của việc làm khuất tất, hành vi vô trách nhiệm trước dân, gây hại đất nước bị nhanh chóng lên án gay gắt trên các mạng xã hội (MXH).
Và điều trước kia không xảy ra (với MXH) là giờ đây đã chứng kiến một tác động rất mạnh mẽ của nó (có thể nói là không ngờ tới); và từ đó dẫn đến việc nhà nước, chính quyền các cấp phải vào cuộc...

Một số vụ việc lớn gần đây, có thể nói chúng đã đến từ phần lớn các MXH nêu vấn đề ra - nêu đầu tiên, và nêu một cách kiên trì- rồi sau đó loang ra, hệ thống báo chí truyền thông chính thức của NN vào cuộc, tạo nên sự cộng hưởng để chóng gây các hiệu ứng xã hội tốt đẹp. Điều này lẽ ra chúng ta (cả nhà nước nữa) phải biết ơn, trân trọng sự đóng góp tích cực của MXH.

Thế nên rất lạ thấy một vị quan (còn trẻ), có cương vị khá cao tại một cơ quan quản lý báo chí, lại có cách phát biểu nghiêng về "thóa mạ" các mạng xã hội.



Là vì chính anh ta đã không ngần ngại trả lời báo chí - là cơ quan báo của bộ ngành của chính anh này -, rằng MXH "làm tha hóa" (người dùng nó).

Hồ đồ quá. Tôi, và khá nhiều bạn bè mà tôi quen biết, già cũng như trẻ tuổi, có thể nói với anh không sợ sai, là chúng tôi không hề bị MXH làm tha hóa đâu, nhá. Trái lại là đằng khác.

Đúng là MXH cũng có người này kẻ khác. Nhưng số hỏng, xấu không thể dẫn ra để phủ nhận mặt tốt đẹp mà sức mạnh của công nghệ thông tin hiện đại mới đưa lại. Chính điều đó thức tỉnh ý thức công dân của mọi người, làm cho người ta có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn với nhân dân, với đất nước của họ.

Dù là ai cũng nên hiểu, phát biểu ra điều gì cũng nên nghĩ cho kỹ, nhất là ở người có trách nhiệm, có cương vị.



Đáng tiếc là vị quan vừa nói tới còn ít tuổi, có năng lực và sớm thành đạt (anh sinh 1972, bằng đúng tuổi con đầu của tôi; tôi đã biết anh này từ giữa những năm 1994-95, khi mới ra trường, làm ở THVN, hồi xưa có đến cơ quan tôi tìm hiểu về ngoại giao, về cộng đồng Pháp ngữ để làm công tác, bẵng đi hơn 20 năm không gặp lại, để nói con người như vậy tôi không có điều gì thành kiến cả), nên tôi tự hỏi cớ sao ở cương vị khá cao như anh ta mà nói năng lại hấp tấp vậy?

Nếu đây thuộc nhận thức thực bây giờ của anh ta thì đã tệ. Còn nếu anh ta cố lên gân để sao "vững" lập trường, rồi "có thưởng" cho mình thì lại tệ hại hơn!

Trên kia tôi có viết hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi phát biểu, vì nếu không thế cái cụm từ "làm tha hóa" ám chỉ cho ai kia nó lại vận vào chính người nói không biết chừng!

Nguyễn Vĩnh blog

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...