Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Câu chuyện "cấu trúc lại" chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch

Câu chuyện "cấu trúc lại" chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch

Sau đại dịch, Mỹ và những nước công nghiệp phát triển chắc chắn phải có đối sách mới đối với TQ vì họ đều bộc lộ quá nhiều điểm yếu trước Bắc Kinh. Họ hầu như bị động về chuỗi cung ứng toàn cầu do quá phụ thuộc TQ. Ngay cả khi bệnh tật tràn tới thì các dụng cụ y tế và thuốc men nếu "công xưởng quốc tế" không cung ứng (là mua bằng tiền) cũng đành chịu chết vì đã giao phó để "made in china" tất cả rồi, điển hình là Mỹ, Pháp, Ý... Nghịch lý này chắc chắn tới đây phải tính lại triệt để.

Giới kinh tế quốc tế truyền tai nhau rằng nếu sau đại dịch mà tái cấu trúc, tức cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu để không còn phụ thuộc vào TQ nữa sẽ là một cơ hội "trăm năm có một". .
Tuy nhiên để giải bài toán này một cách bài bản và hiệu quả, cần phải hiểu cơ chế nào đã tạo dựng nên chuỗi cung ứng toàn cầu đó, tại sao lại là TQ nắm cái chuỗi đó, rồi sự vận hành nó ra sao trước nay, và giờ Mỹ và các nước khác"rút lui" ra khỏi TQ thì khó - dễ thế nào? Nước mình muốn thế chỗ vào một mắt xích của chuỗi cung ứng này (một tỉ lệ nhỏ thôi vì quy mô chuỗi ở TQ quá lớn) thì rất cần hiểu biết những kiến thức về chuỗi mới có thể tiếp cận thành công được.
Dưới đây là một bài viết nêu các vấn đề trên một cách tương đối cơ bản để chúng ta tiếp cận và hiểu được những nét chính yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng giải quyết nó sau đại dịch. Bài của Aaron L. Friedberg, ông là giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế từ năm 1987 tại Đại học Princeton. Ông cũng là đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Trường Woodrow Wilson (ĐH Princeton).
Dưới đây là nguyên văn bài viết của giáo sư Aaron L. Friedberg, bài đã được Nguyễn Thanh Hải biên dịch đăng trên trang mạng NCQT ra ngày 24/5/2020. Xin phép tác giả post lại để bạn bè fb vào đọc tham khảo.
VNV g-th
-----
Mỹ cần tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào?
Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những mối nguy của việc năng lực sản xuất trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu về thiết bị y tế số lượng lớn trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là khi nguồn cung đến từ một đối thủ tiềm năng như Trung Quốc.

Những nỗ lực của các công ty Mỹ nhằm mở rộng sản xuất máy trợ thở trở nên khó khăn do phải nhập các bộ phận quan trọng từ Trung Quốc và các nơi khác. Các lệnh hạn chế xuất khẩu do Bắc Kinh đặt ra đã khiến nhân viên y tế trên khắp thế giới đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng khẩu trang và mặt nạ do chúng phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.
Việc các mặt hàng thiết yếu do các công ty Mỹ sản xuất nhưng lại dựa vào nguồn nhân công giá rẻ tại Trung Quốc chính là một lời nhắc nhở đầy đau đớn về những mặt trái tiềm tàng của toàn cầu hóa.
Mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn nữa. Năng lực sản xuất thuốc và dược chất đã dịch chuyển từ Hoa Kỳ và Châu Âu sang các nước đang phát triển ở Châu Á, nơi có chi phí thấp và các quy định về bảo vệ môi trường lỏng lẻo hơn. Theo một số ước tính được trích dẫn rộng rãi, Hoa Kỳ hiện nhập khẩu hầu như tất cả các loại thuốc kháng sinh thông thường và thuốc giảm đau không kê đơn từ Trung Quốc, bên cạnh đó là tỷ lệ cao các loại thuốc gốc được sử dụng để điều trị HIV, trầm cảm, Alzheimer và các bệnh khác, cùng với các loại dược chất dùng để sản xuất thuốc.
Sự co lại của chuỗi cung ứng do lệnh đóng cửa của Trung Quốc liên quan đến Covid-19, sự gián đoạn trong mạng lưới giao thông toàn cầu và sự gia tăng nhu cầu về các loại thuốc thiết yếu trên toàn thế giới có thể đe dọa sức khỏe người dân Mỹ. Và chúng luôn có khả năng bị gián đoạn vì lý do chính trị, một chiến thuật chưa được sử dụng nhưng ngày càng bị Trung Quốc đe dọa. Một bài báo trên website chính thức của hãng tin Tân Hoa Xã đưa ra một lời nhắc nhở không mấy thiện chí: Nếu Trung Quốc trả đũa các cáo buộc của Hoa Kỳ đổ lỗi cho Trung Quốc làm lây lan coronavirus bằng cách cắt giảm xuất khẩu dược phẩm, thì “Hoa Kỳ sẽ chìm vào địa ngục của đại dịch Covid-19”.



Những yếu tố tiềm tàng về địa chính trị cho thấy một vấn đề lớn hơn vượt ra ngoài những chuỗi cung ứng y tế. Sự suy giảm liên tục của năng lực sản xuất nội địa trong một số ngành công nghiệp ở Hoa Kỳ và sự gia tăng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây ra những khó khăn lớn cho nỗ lực huy động quốc phòng trong tương lai. Nếu việc giao thương bị cản trở do một cuộc đối đầu căng thẳng hoặc xung đột vũ trang, Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn, và có lẽ là không thể tăng cường và duy trì sản xuất vũ khí, đạn dược, thiết bị liên lạc và các hệ thống quân sự khác.
Ngoài việc đánh mất hàng nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, một cuộc chiến tranh ở Tây Thái Bình Dương cũng có thể làm gián đoạn việc Hoa Kỳ tiếp cận các nguồn cung cấp thay thế từ các đối tác thương mại khác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những lo ngại như vậy đã nhận được nhiều sự chú ý hơn từ các nhà hoạch định chính sách quốc phòng trong những năm gần đây, nhưng chúng chỉ thật sự rõ ràng trong vài tháng qua.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều công ty đã bắt đầu đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc, chuyển một phần năng lực sản xuất sang các nước khác. Sự dịch chuyển này được thúc đẩy bởi nhu cầu tránh thuế quan của Hoa Kỳ cũng như các xu hướng dài hạn hơn, bao gồm việc giá nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng và những tiến bộ về công nghệ khiến các doanh nghiệp mong muốn loại bỏ một số mắt xích của chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, đưa nhà sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng.
Khi đại dịch Covid-19 qua đi, nhận thức rõ hơn về tác động của những cú sốc do tự nhiên cũng như do con người gây ra sẽ thúc đẩy xu hướng không phải là đảo ngược toàn cầu hóa (deglobalization) mà là hướng tới việc tái cân bằng: tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giảm đi sự tập trung năng lực sản xuất vào Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát gần đây về xu hướng sản xuất toàn cầu, trong khi chiến tranh thương mại đã gây ra một số vấn đề đáng quan ngại, thì sự gián đoạn hoạt động do đại dịch Covid-19 sẽ buộc các công ty phải suy nghĩ lại về chiến lược tìm nguồn cung ứng của mình. Ít nhất là họ sẽ ngày càng có xu hướng phân tán rủi ro thay vì đặt tất cả trứng vào một rổ có chi phí thấp nhất như nhiều công ty đã làm ở Trung Quốc.
Như đã xảy ra trong giai đoạn đầu, giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa cũng sẽ được thúc đẩy bởi hàng ngàn quyết định riêng biệt của các doanh nghiệp về lợi nhuận và thua lỗ. Nhưng như trong quá khứ, những tính toán đó cũng sẽ được định hình bởi các chính sách của chính phủ. Sự gián đoạn gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đánh giá lại và tính toán lại cách tiếp cận nhìn chung tự do của họ đối với toàn cầu hóa.
Có bốn lý do khác biệt nhưng liên quan nhau về việc các chiến lược gia Hoa Kỳ nên tìm cách thúc đẩy ít nhất là việc tái cấu trúc một phần chuỗi cung ứng toàn cầu.
1. Giảm nguy cơ của việc gián đoạn hoặc bị cưỡng ép
Trong điều kiện bình thường, có thể không có vấn đề gì trong việc phụ thuộc vào hàng nhập khẩu thay vì sử dụng nhà cung cấp nội địa đối với các mặt hàng như thuốc hoặc vật liệu sản xuất vũ khí.
Tuy nhiên trong một cuộc khủng hoảng, khi nhu cầu tăng và hàng nhập khẩu không đủ hoặc không có sẵn, việc năng lực sản xuất nội địa không đáp ứng được có thể gây ra thảm họa. Để xác định các lỗ hổng và thiếu hụt tiềm năng, các nhà hoạch định cần xem xét một loạt các kịch bản, ước tính nhu cầu trong trường hợp khẩn cấp, đối chiếu chúng với các nguồn lực sẵn có và xác định chính xác các trường hợp mà Hoa Kỳ đang phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong những trường hợp như vậy, chính phủ liên bang sau đó sẽ phải nghĩ đến cách thúc đẩy các công ty Hoa Kỳ hoặc nước ngoài xây dựng hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất trên đất Mỹ, đa dạng hóa nguồn cung từ nước ngoài, và có lẽ phải làm cả hai cùng một lúc.
2. Giảm nguy cơ bị phá hoại hoặc giám sát
Vai trò thống trị của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc trong sản xuất các sản phẩm công nghệ, bao gồm mọi thứ từ các linh kiện đến sản phẩm hoàn thiện như điện thoại, máy bay không người lái, thiết bị chuyển đổi mạng và khả năng Đảng Cộng sản kiểm soát các công ty, ngay cả những thực thể mang danh nghĩa tư nhân, tạo ra nhiều nguy cơ tiềm tàng cho các đối tác nước ngoài.
Đây là lý do tại sao chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã cấm Huawei và ZTE không được tham gia hệ thống mạng viễn thông của Mỹ. Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác cũng đang phát triển các kỹ thuật để phân tích kỹ hơn chuỗi cung ứng, truy tìm nguồn gốc của các bộ phận và phụ tùng đi vào thiết bị mà họ sử dụng. Để giảm thiểu rủi ro, khi xác định được mối nguy tiềm tàng, phải thay thế ngay bằng nhà cung cấp khác đáng tin cậy hơn.
3. Bảo vệ và mở rộng năng lực sản xuất trong nước
Một lý do khác cần thay đổi chuỗi cung ứng hiện tại và đặc biệt là bảo vệ và mở rộng năng lực sản xuất trong nước là làm như vậy có thể giúp tăng năng suất tổng thể, khả năng cạnh tranh quốc tế và triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Làm như vậy sẽ tạo ra nhiều nguồn lực tổng hợp cần thiết để duy trì một cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc, đồng thời nâng cao phúc lợi của người lao động Mỹ.
Việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ bị mất đi, trong đó có nguyên nhân việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã góp phần làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập, làm tổn thương tầng lớp trung lưu và gây hại đến kết cấu xã hội Mỹ. Một sự hồi sinh của các ngành công nghiệp chế tạo tại Hoa Kỳ có thể giúp đảo ngược điều này bằng cách tạo ra nhiều việc làm lương cao hơn, đặc biệt là đối với những người lao động không có bằng cấp. Hoa Kỳ cần ít nhất một phần năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp hiện tại để đáp ứng các nhu cầu trong một cuộc khủng hoảng ngắn hạn. Về lâu dài, Hoa Kỳ cũng cần phải có những công ty năng động, đóng tại quê nhà để phát triển và sản xuất thế hệ tiếp theo của các loại vật liệu tiên tiến, chất bán dẫn, hệ thống tự động nhằm cung cấp nền tảng cho các hệ thống vũ khí mới và sản phẩm tiêu dùng mới.
4. Áp đặt chi phí lên Trung Quốc
Việc cấu trúc lại chuỗi cung ứng bên cạnh mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ cũng sẽ áp đặt chi phí lên Trung Quốc. Nhà kinh tế Derek Scissors chỉ ra rằng thu nhập từ việc lắp ráp cuối cùng và xuất khẩu các sản phẩm điện tử tiêu dùng sang Mỹ là một nguồn chính cung cấp ngoại tệ mạnh cho Bắc Kinh. Nói theo cách của Scissors, thúc đẩy chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc sẽ hạn chế thu nhập từ xuất khẩu của nước này đồng thời hỗ trợ cho các nước khác thân thiện với lợi ích của Mỹ hơn. Ngay cả khi giá trị gia tăng từ việc lắp ráp hoàn thiện hàng tiêu dùng là tương đối nhỏ, từ quan điểm chiến lược, sẽ tốt hơn nếu các quốc gia bạn bè và đồng minh của Mỹ được hưởng lợi thay vì Trung Quốc. Việc di dời một phần chuỗi cung ứng hiện tại cũng có thể làm chậm các nỗ lực của Trung Quốc nhằm khai thác những công nghệ nhạy cảm thông qua hoạt động gián điệp công nghiệp hoặc các liên doanh bị ép buộc.

Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ có một loạt các công cụ để thúc đẩy hơn nữa việc di chuyển một phần năng lực sản xuất rời khỏi Trung Quốc. Nếu chúng không được dỡ bỏ sớm, các mức thuế mà chính quyền Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018 và 2019 sẽ tiếp tục giúp đẩy nhanh quá trình này.

Nếu mục đích của Hoa Kỳ là tăng cường an ninh và thịnh vượng quốc gia chứ không đơn thuần là giáng một đòn vào kinh tế Trung Quốc, thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng có thể được gỡ bỏ trong khi giữ lại một danh sách hẹp hơn những hàng hóa trung gian (bao gồm một số linh kiện điện tử và hóa chất). Nhiều trong số các mức thuế này ban đầu được áp để trả đũa hành vi bị cho là trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, có thể được bổ sung bằng một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với những công ty cụ thể có hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và các hoạt động thương mại không công bằng khác. Scissors cho rằng “việc ngăn chặn các nhà xuất khẩu Trung Quốc ở cuối chuỗi cung ứng tiếp cận thị trường là không có ý nghĩa nếu đồng thời vẫn rót tiền cho họ thông qua các quỹ đầu tư Mỹ”.
Ngay cả sự phân tán của chuỗi cung ứng chủ yếu do thị trường thúc đẩy với mức độ tập trung ít hơn vào Trung Quốc cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng phục hồi. Mặc dù Washington không đủ đòn bẩy để dàn xếp quá trình này, nhưng Mỹ vẫn có thể làm cho một số điểm đến khác hấp dẫn hơn. Nhà phân tích Robert Atkinson chỉ ra rằng, Hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada cùng với việc Mỹ rốt cuộc có thể tham gia một số phiên bản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ cho các công ty toàn cầu biết rằng nếu họ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến một trong những quốc gia đối tác này, họ sẽ không phải chịu các mức thuế trừng phạt trong tương lai. Các hiệp định thương mại tự do với Đài Loan, Philippines, và có thể sau cùng là Indonesia và Ấn Độ sẽ mang lại cả những lợi ích về mặt chiến lược lẫn kinh tế. Đông Âu và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể trở thành những điểm đến thay thế hấp dẫn. Trong khả năng cho phép, Hoa Kỳ nên tìm kiếm nguồn nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu từ một mạng lưới sản xuất đáng tin cậy ở các quốc gia thân thiện hoặc đồng minh, ít nhất là một vài nơi trong số đó nằm cách xa Trung Quốc.
Washington cũng có nhiều công cụ để thúc đẩy việc tìm kiếm điểm đến hoặc mở rộng năng lực sản xuất công nghiệp trên đất Mỹ. Trong Thế chiến II và giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, chính phủ liên bang đã áp dụng luật thuế theo cách thức tập trung, mở rộng cái gọi là “đặc quyền khấu hao nhanh” (rapid tax amortization privilege) nhằm mở rộng những lĩnh vực mà thông qua các tính toán về nguồn lực cần thiết cho thấy những lỗ hổng có thể cản trở việc huy động quốc phòng. Trong những năm 1950, các cơ quan liên bang cũng sử dụng các cam kết mua sắm để khuyến khích duy trì công suất trên mức cầu dự kiến của thị trường đối với một số khoáng sản và máy móc bằng cách bao tiêu một phần đầu ra. Một số sau đó được đưa vào kho dự trữ để sử dụng trong tương lai.
Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Hoa Kỳ cũng có thể sử dụng các công cụ tương tự, ví dụ như để mở rộng năng lực sản xuất của quốc gia đối với thiết bị bảo hộ cá nhân và máy thở, những vật dụng có thể cần thiết để chống lại một đại dịch tiếp theo. Cũng đã có nhiều đề xuất thắt chặt cách diễn giải điều khoản “tiêu thụ hàng Mỹ” trong các quy định mua sắm của chính phủ nhằm tiếp thêm động lực cho sản xuất trong nước. Cuối cùng, chính phủ có thể tung ra các gói trợ cấp, cho vay hoặc bảo lãnh cho vay để nâng cao năng lực sản xuất nội địa đối với một số lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là các ngành như sản xuất chất bán dẫn, đất hiếm và dược phẩm vốn có chi phí có thể rất cao nếu muốn xây dựng, mở rộng hoặc mở lại các cơ sở trên đất Mỹ.
Toàn cầu hóa không phải là một xu thế tự nhiên không thể ngăn cản, được thúc đẩy chỉ bởi các tiến bộ công nghệ và các tác nhân tự vận động của thị trường. Thay vào đó nó là một hiện tượng nhân tạo với tiến trình được định hình bởi những lựa chọn của các quốc gia và doanh nghiêp. Trung Quốc nổi lên như một điểm đến hấp dẫn không thể cưỡng lại của các doanh nghiệp sản xuất không chỉ là do quy mô dân số trong độ tuổi lao động lớn và chi phí giao thông-liên lạc thấp, mà còn bởi các chính sách có chủ ý của chính phủ được thiết kế để lấy được tài sản trí tuệ nước ngoài đồng thời giữ cho chi phí đất đai, nhân công, vốn đầu tư ở mức thấp và tỷ giá hối đoái ở ngưỡng thuận lợi. Ngược lại, tại các nước công nghiệp phát triển, làn sóng dời đi của các cơ sở sản xuất không chỉ phản ánh những tính toán lỗ-lãi của bản thân các doanh nghiệp mà còn xuất phát từ những chính sách dễ dãi từ phía chính phủ các nước phương Tây, như trường hợp của nước Mỹ các chính sách này đã thể hiện trong thực tế rằng điều gì tốt cho Apple hay 3M sẽ tốt cho nước Mỹ.
Khi mà một số lợi thế trước đây của Trung Quốc bắt đầu suy giảm, các doanh nghiệp và bây giờ là các quốc gia nhận ra rằng, việc chạy theo chi phí thấp có thể tạo ra những rủi ro nghiêm trọng về mặt thương mại cũng như chiến lược nếu lệ thuộc quá mức. Đáp lại điều này, giám đốc điều hành của các doanh nghiệp sẽ làm những gì tốt nhất cho công ty và cổ đông của họ. Trong khi đó, chính phủ các nước phải quyết định xem điều gì mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia và người dân của họ. Để phù hợp với truyền thống lâu đời của nước Mỹ, thay vì ra lệnh cho khu vực tư nhân hay trực tiếp thực hiện công việc của họ, chính phủ Hoa Kỳ nên tạo ra những nhân tố thúc đẩy nhằm đưa lợi ích của các doanh nghiệp và lợi ích quốc gia đến gần nhau hơn.
Tuy vậy việc này cũng có những mối nguy hiện hữu. Các chính sách về thương mại và công nghiệp là những công cụ sắc bén có thể bị lạm dụng bởi những nhà lãnh đạo thiếu trách nhiệm, luôn tìm cách thỏa mãn cử tri và đút lót những người ủng hộ, hoặc là sẽ bị kiểm soát và khai thác vì những nhóm lợi ích đặc biệt. Một chiến lược hiệu quả nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực sản xuất nội địa sẽ có cái giá của nó, và việc này cần một cơ chế độc lập tương đối với những áp lực chính trị thường ngày để đánh giá các yêu cầu, đưa ra quyết định và thực hiện các chính sách.
Tất cả các nhiệm vụ trên đều khó khăn ngay cả trong điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên, kinh nghiệm của công chúng và các chính trị gia tại các nền dân chủ về sự lệ thuộc trong tình huống khẩn cấp vào một kẻ thù tiềm năng, vô trách nhiệm và cơ hội đã để lại một ấn tượng còn lâu mới phai nhòa. Sẽ không có thời điểm nào tốt hơn để Mỹ và các đối tác xem xét lại, và bắt đầu định hình lại mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng hiện tại là một điều vô cùng tồi tệ, nhưng cũng là một điều tồi tệ không kém nếu chúng ta lãng phí nó.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải
Nguồn: Aaron L. Friedberg, “The United States Needs to Reshape Global Supply Chains”, Foreign Policy, 08/05/2020.

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Trung Quốc tự phá hỏng ván cờ toàn cầu


Trung Quốc tự phá hỏng ván cờ toàn cầu

Covid-19 và các hệ lụy do TQ kém minh bạch lúc mở đầu đại dịch, gần đây là những quyết sách sai lầm đối với vấn đề Biển Đông, Đài Loan, rồi triển khai quá đà "ngoại giao chiến lang" (ý là đấu tranh NG phải có tinh thần dũng mãnh, không nhân nhượng bảo vệ mình như các trận chiến của loài lang sói); và nhất là chính sách thắt chặt, gạt bỏ tự do, tự trị đối với Hong Kong diễn ra gần đây nhất qua đạo luật an ninh HK.... đã làm châu Âu nghi ngại, mất kiên nhẫn và quyết định quay lưng lại Bắc Kinh trong hợp tác, làm ăn sau đại dịch này.

Vô hình trung ông Donald Trump cứng rắn, kiềm chế thật sự TQ trong 3 năm nay "tự nhiên hưởng lợi" từ sự chuyển hướng bất ngờ này của châu Âu (dĩ nhiên Nga còn đứng ngoài tiến trình này).

Thời gian sau đại dịch covid-19 TQ sẽ đứng trước sự cô lập đối với thế giới không khác gì so với sự cô lập mà TQ gặp phải sau sự kiện Thiên An Môn 6/1989.

Thế mới biết môtn nước cờ đi sai nó tai hại cho TQ đến thế nào trong ván cờ toàn cầu!

Bạn nào quan tâm, vào đọc bài trên tờ The Guardian (Anh) mà báo điện tử VnExpress biên tập lại. Bài viết với trình bày và phân tích khá cặn kẽ về việc châu Âu phải tìm một con đường khác cho phát triển kinh tế và hợp tác làm ăn thay vì với Bắc Kinh (trước đại dịch covid-19) mà là với các nước khác, nhất là với Mỹ.

Nguyễn Vĩnh g-th

-----

Châu Âu tìm đường trước trật tự Mỹ - Trung đổi ngôi
Trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu có thể sắp kết thúc trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, buộc châu Âu phải đưa ra lựa chọn, quan chức EU cảnh báo.

"Giới phân tích từ lâu đã nói tới sự kết thúc của hệ thống do Mỹ dẫn đầu, cũng như sự khởi đầu của thế kỷ châu Á. Điều này đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta", Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) nói với các nhà ngoại giao Đức hôm 25/5. Borrell cho rằng đại dịch Covid-19 có thể là một bước ngoặt khiến châu Âu đứng trước áp lực "chọn phe" ngày càng lớn.

EU tỏ ra miễn cưỡng ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc với Hong Kong và việc nước này khăng khăng từ chối mở cửa thị trường khiến châu Âu ngày càng thay đổi quan điểm về Bắc Kinh, theo giới chuyên gia.

Phát biểu của Borrell dường như cho thấy EU sẽ thúc đẩy quan hệ độc lập và gay gắt hơn với Bắc Kinh trong thời gian tới. "Các quốc gia thành viên cần theo đuổi lợi ích và giá trị riêng, tránh trở thành công cụ cho người này hay người khác. Chúng ta cần chiến lược mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, trong đó đòi hỏi tăng cường quan hệ với phần còn lại của châu Á", ông Borrell nói.

Margrethe Vestager, ủy viên cấp cao của EU, nhấn mạnh về tình hình mà bà mô tả là "thiếu sự có đi có lại" trong quan hệ với Trung Quốc. "Ở nơi tôi lớn lên tại Đan Mạch, chúng tôi được dạy rằng không nên mời chào những vị khách không biết đáp lễ", bà nói, khẳng định châu Âu cần có quan điểm cứng rắn và tự tin hơn về khối.


Borrell thừa nhận EU từng ngây thơ về một số mặt của Trung Quốc, nhưng cho rằng điều này đang chấm dứt. Hàng loạt chính trị gia cấp cao tại Pháp và Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc nước này đang lặp lại hành động của Nga khi gây chia rẽ toàn khối EU thông qua tin tức giả và ủng hộ các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy.

Không ai biết liệu "thực tế mới" này sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc. Mỗi ngày EU nhập khẩu lượng hàng hóa có giá trị gần 1,1 tỷ USD từ Trung Quốc, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều hoạt động thương mại sẽ không được nối lại sau đại dịch Covid-19.

Châu Âu đang theo đuổi "đa dạng hóa" trong hàng loạt lĩnh vực từ chuỗi cung ứng đến an ninh viễn thông. Borrell từng rất ngạc nhiên khi biết nguồn cung paracetamol cho châu Âu đến từ Trung Quốc. Nội các Đức hôm 20/5 thông qua quy định cho phép chính phủ chặn nhà đầu tư ngoài EU tiếp quản công ty y tế, để đảm bảo nguồn cung không gián đoạn trong đại dịch.

Pháp cũng có quan điểm tương tự khi Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nói "nhiều công ty và công nghệ dễ tổn thương có thể bị đối thủ nước ngoài thâu tóm với giá rẻ", đồng thời khẳng định sẽ không để điều đó xảy ra. Quan hệ Thụy Điển - Trung Quốc cũng đang căng thẳng và có nguy cơ tan vỡ.
Andrew Small, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng Trung Quốc từ lâu đã tìm cách "ẩn núp" đằng sau mối nghi kỵ của EU với Nga.

"Họ hưởng lợi từ cách nghĩ của nhiều người EU rằng Trung Quốc khác Nga. Những người này nghĩ rằng trong khi Nga có thái độ thù địch với EU, Trung Quốc chỉ tìm cách cản trở sự đoàn kết của châu Âu trong một vài vấn đề hẹp liên quan đến người Hoa. Họ ngỡ rằng trong khi Nga lợi dụng tình cảnh hỗn loạn để trỗi dậy, Trung Quốc có thể là một điểm tựa trong khủng hoảng. Họ cho rằng Nga chỉ tung ra thông tin sai lệch nhắm vào công dân châu Âu và đưa những người theo chủ nghĩa dân túy lên nắm quyền, còn Trung Quốc chỉ tập trung xây dựng hình ảnh tích cực".

Trung Quốc trên thực tế từng giúp kinh tế châu Âu phục hồi trong giai đoạn 2007-2008 bằng cách mua lại các khoản nợ và doanh nghiệp phá sản sau khủng hoảng kinh tế. Bắc Kinh cũng tránh ủng hộ Moskva trong xung đột tại Ukraine và vấn đề Brexit.
Một số lãnh đạo châu Âu từng muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng họ ngần ngại khi chứng kiến các hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lo sợ rằng nếu cắt quan hệ với Trung Quốc, họ chỉ còn đối tác chính là Trump.

Thay đổi then chốt diễn ra đầu năm 2019, khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày càng giận dữ với thực tế rằng họ rất khó tiếp cận thị trường Trung Quốc và cách lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc của Chủ tịch Tập Cận Bình. EC ra thông cáo mô tả Trung Quốc là "đối thủ có hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế".

Hàng loạt yếu tố dẫn tới thay đổi quan điểm của châu Âu, trong đó lợi ích từ Sáng kiến Vành đai và Con đường đã không trở thành hiện thực do nền kinh tế Trung Quốc chững lại. "Giai đoạn tích cực một cách lãng mạn đã kết thúc", Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkēvičs nhận xét. 

"4 năm trước chúng ta chỉ nói về kinh tế, thương mại, Sáng kiến Vành đai và Con đường, gia tăng đầu tư. Giờ đây tình hình sẽ cân bằng hơn", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay, hối thúc châu Âu tìm đến Nga như một đối tác mới.

Hiện chưa rõ chiến lược được EC công bố năm 2019 sẽ được áp dụng như thế nào ở cấp quốc gia. Không lâu sau khi thông cáo được đưa ra, Italy trở thành nước châu Âu đầu tiên ký biên bản ghi nhớ đầu tư cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng cấp phép cho tập đoàn Huawei xây dựng mạng 5G.

Bản thân Trung Quốc cũng muốn ngăn quan hệ với EU xấu đi, khẳng định 2020 sẽ là năm của châu Âu với hai hội nghị thượng đỉnh lớn và nhiều lễ ký thỏa thuận quan trọng. Bắc Kinh cũng trông đợi vào khu vực Đông Âu với nhóm 17+1.

Philippe Le Corre, nhà phân tích tại châu Âu, cho rằng Covid-19 là "yếu tố thay đổi cuộc chơi", thúc đẩy sự chuyển dịch quan điểm của EU với Trung Quốc. "Chính sách ngoại giao Trung Quốc đã phản tác dụng, nhất là khi họ không thừa nhận sự giúp đỡ ban đầu của châu Âu. Dường như Bắc Kinh không thoải mái với việc được nước ngoài hỗ trợ", ông nhận xét.

Borrell gọi "chính sách hào phóng" của Trung Quốc chỉ là "màn biểu diễn", trong khi Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) cáo buộc Bắc Kinh đang thực hiện chiến dịch tung tin giả nhằm "tránh bị đổ lỗi vì đại dịch và cải thiện hình ảnh với quốc tế".

Hành động của Trung Quốc trong Covid-19 cũng thay đổi quan điểm của công chúng châu Âu. Khảo sát của tổ chức Korber-Stiftung cho thấy 71% người Đức tin rằng "thiệt hại từ đại dịch có thể được hạn chế nếu Trung Quốc minh bạch hơn". Cuộc thăm dò ý kiến tại Pháp cuối tháng 4 cho thấy chỉ 12% người dân cho rằng Trung Quốc là nơi tốt nhất để đối phó các thách thức trong 10 năm tới.

Ngoại lệ duy nhất là Italy, quốc gia từ lâu đã thể hiện thiện cảm với Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra cho các chính trị gia châu Âu là làm thế nào để tận dụng cơ hội nhằm tăng tính độc lập với Bắc Kinh nhưng không bị kéo vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Bước đầu tiên là xây dựng danh sách những ngành phụ thuộc vào Trung Quốc, quá trình đánh giá đang diễn ra ở Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha.

Bộ trưởng Le Maire hứa hẹn sẽ "tăng cường chủ quyền trong những chuỗi giá trị chiến lược" như ngành công nghiệp ôtô, không gian và dược phẩm.

Bước tiếp theo sẽ phụ thuộc vào hướng đi của Trung Quốc. Nhiều cựu quan chức cảnh báo mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh có thể bị đe dọa nếu nước này biến EU thành vùng đệm trong cạnh tranh với Washington.

Long Yongtu, người tham gia đàm phán để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, cho rằng Bắc Kinh có nguy cơ tự tách biệt khỏi trật tự kinh tế toàn cầu mới. "Trung Quốc là thành phần quan trọng trong toàn cầu hóa. Chúng ta phải cảnh giác khi ai đó đề cập tới đảo ngược quá trình này", ông nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Trump tìm cách tập hợp nhóm G7 và các cường quốc châu Âu đối phó Trung Quốc, dường như Bắc Kinh đã quá chậm trễ trong việc thay đổi suy nghĩ của châu Âu.

(VŨ ANH, theo The Guardian)


Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Trung Quốc lớn tiếng trên lĩnh vực đối ngoại



Trung Quốc lớn tiếng trên lĩnh vực đối ngoại

Trước đây lớn tiếng, mạnh miệng ở Bắc Kinh là trong truyền thông báo chí. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” (TBHC). Bản tiếng Anh Global Times là một trường hợp điển hình, thường to tiếng và ngang ngược khi đề cập tới các vấn đề đối ngoại. Tờ báo này được biết tách ra từ tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan của TW ĐCSTQ), nên bản tiếng Anh của nó được giao nhiệm vụ như một đội quân tuyên truyền xung kích, chủ ý hướng ra thế giới bên ngoài. Lời lẽ của Global Times được coi là “coi trời bằng vung”, nói thoải mái, xóc óc cũng được, miễn là đạt mục đích cho từng đợt tuyên truyền mà lãnh đạo Bắc Kinh đặt ra. Hiệu quả hay không chưa tính toán vội. Được thì tốt, không được cũng “không sao”, chưa phải là thất bại. Bởi vì nay TQ coi mình là nước lớn, là bố thiên hạ nên không cần phải rụt rè nữa!
Gần đây xuất hiện trong ngành ngoại giao cũng có những tiếng nói mạnh miệng như cách đã thể hiện ở báo chí. Nói vậy bởi giọng điệu ngoại giao của TQ hồi trước đây không như thế. Thời Đặng Tiểu Bình thường răn các cấp thuộc hạ là phải biết nín lặng, tức là hãy giấu mình chờ thời. Thế mà nay các nhà ngoại giao TQ không còn như vậy nữa. Họ được ví như những nhà ngoại giao "lang chiến" (những con sói chiến đấu hết sức dữ dằn trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng của TQ làm từ năm 2015). Không những các nhà ngoại giao ở thủ đô Bắc Kinh mà còn là các nhà ngoại giao TQ khác nữa đang thực thi công vụ của họ tại các nước mà TQ có quan hệ. Nhóm nhà ngoại giao này lên tiếng giọng điệu mạnh mẽ, họ “xuất chiêu” với một ngôi vị kẻ cả khá là ngang ngược. Họ lớn tiếng chỉ trích trực tiếp các đối tác, thậm chí chỉ trích đích danh thứ, bộ trưởng ngoại giao, và cũng chẳng ngại khi cần phê phán cả cấp lãnh đạo cao hơn của các nước đối tác. Họ dùng facebook, twitter “lên sóng” hằng ngày, hằng giờ. Đó là một hiện tượng mới trong đấu tranh ngoại giao của Bắc Kinh mà hồi trước kia chưa từng diễn ra.
Xin post lên đây bài viết mới của phóng viên chuyên trách về hoạt động ngoại giao của đài BBC.
Nguyễn Vĩnh blog
-----
Các nhà ngoại giao "chiến binh sói"
By James Landale
Ngày xửa ngày xưa, nghệ thuật quản trị nhà nước của Trung Quốc kín đáo và bí ẩn.
Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, từng viết trong nghiên cứu về chính sách ngoại giao của mình rằng "ngoại giao của Bắc Kinh rất tinh vi và không thẳng thắn, đến nỗi nó khiến chúng tôi ở Washington không thể hiểu nổi".Các chính phủ ở phương Tây đã thuê các nhà tội phạm học để diễn dịch các tín hiệu mờ mịt phát ra từ bộ chính trị Trung Quốc.
Dưới thời nhà lãnh đạo cũ, Đặng Tiểu Bình, chiến lược mà Trung Quốc tuyên bố là "giấu mình chờ thời". Giờ không còn nữa.
Trung Quốc đã triển khai một đội ngũ các nhà ngoại giao ngày càng mạnh miệng tham gia vào thế giới mạng xã hội để nói đương đầu với mọi đối thủ, đôi khi, với sự thẳng thắng trong chớp mắt. Mục đích của họ là bảo vệ việc Trung Quốc xử lý đại dịch virus corona và thách thức những ai nghi ngờ.
Vì vậy, họ liên lục tung ra các tweet và bài đăng từ các đại sứ quán trên khắp thế giới. Và họ không kiềm chế gì mấy, tung ra các bài viết châm biếm và gây hấn với cách thức tương tự.
Đó là sự mới lạ trong kỹ thuật của những nhà ngoại giao được mệnh danh là những "chiến binh sói" sau bộ phim hành động cùng tên.
Chiến binh sói là bộ phim cực kỳ nổi tiếng, trong đó các lực lượng đặc biệt ưu tú của Trung Quốc chiến đấu chống lại đội quân lính đánh thuê cho Mỹ và những kẻ thất thế khác. Họ vô cùng bạo lực và mang giọng điệu dân tộc cực đoan..
Một nhà phê bình gọi họ là "Rambo với đặc tính Trung Quốc". Một poster quảng cáo cho thấy hình ảnh nhân vật chính của phim giơ ngón tay giữa với khẩu hiệu: "Bất cứ ai xúc phạm Trung Quốc, dù xa xôi, đều phải bị tiêu diệt".
Trong một bài xã luận gần đây, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố người dân "không còn hài lòng với giọng điệu ngoại giao mềm yếu" và nói rằng phương Tây cảm thấy bị thách thức bởi chính sách ngoại giao "Chiến binh sói" mới của Trung Quốc.
Một kiểu ngôn ngữ mới
Có lẽ "chiến binh sói" tinh túy là Triệu Lập Kiên, người phát ngôn trẻ tuổi thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông là quan chức đã đưa ra giả thuyết không căn cứ rằng Hoa Kỳ có thể đã mang virus corona đến Vũ Hán.
Ông này có hơn 600.000 người theo dõi trên Twitter và ông ta khai thác số khán giả đó gần như hàng giờ, không ngừng tweet đi tweet lại và bấm 'like' bất cứ điều gì quảng bá và bảo vệ Trung Quốc.
Tất nhiên đây là điều mà các nhà ngoại giao ở bất cứ nơi nào trên thế giới phải làm: việc của họ là thúc đẩy lợi ích đất nước họ. Nhưng ít nhà ngoại giao sử dụng kiểu ngôn ngữ, thật sự, không ngoại giao chút nào.
Chẳng hạn đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ mô tả kêu gọi Trung Quốc bồi thường cho việc phát tán virus là "vô lý và nực cười và một cách đáng chú ý'".
Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan cáo buộc Tổng thống Donald Trump là "đầy phân biệt chủng tộc".
Đáp lại những đề xuất bị chế giễu của ông Trump về những biện pháp tốt nhất để xử lý virus, người phát ngôn chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh đã tweet: "Tổng thống nói đúng. Một số người cần được tiêm #thuốctẩytrùng, hoặc ít nhất là súc miệng với nó. Bằng cách đó, họ sẽ không lan truyền virus, dối trá và thù hận khi nói chuyện."
Tại London, "chiến binh sói" của Trung Quốc là Mã Huy. Tên tài khoản Twitter của ông này có từ "chiến binh" và ông ấy cũng vô cùng mạnh mẽ và sung mãn.
"Một số nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã khom lưng cúi gối để nói dối, thông tin sai lệch, đổ lỗi, kỳ thị. Điều đó rất đáng khinh, nhưng chúng ta không nên hạ thấp tiêu chuẩn của mình, chạy đua để xuống đáy. Họ không quan tâm nhiều đến đạo đức, liêm chính như chúng ta. Chúng ta cũng có thể đẩy lùi sự ngu ngốc của họ. "
Bây giờ phần lớn điều này có thể trông giống như một màn diễn hài quen thuộc mà bạn thấy trên mạng xã hội. Nhưng đối với Trung Quốc, đó là một sự khởi đầu rất lớn. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tư vấn Marshall của Đức (GMF) cho thấy đã có sự gia tăng 300% các tài khoản Twitter chính thức của nhà nước Trung Quốc trong năm qua, với số bài đăng tăng gấp bốn lần.
Kristine Berzina, một thành viên cao cấp tại GMF, nói: "Điều này rất bất thường so với những gì chúng tôi dự đoán về Trung Quốc.
"Trước đây, bộ mặt công chúng của Trung Quốc đã thể hiện một hình ảnh tích cực về đất nước. Đã có một sự khích lệ về tình bạn. Các video về gấu trúc dễ thương phổ biến hơn nhiều so với sự đáp trả cay nghiệt trong các chính sách khác nhau của chính phủ. Do đó đây là bước khởi đầu lớn. "
Và đây rõ ràng là một lựa chọn chính sách của chính quyền Trung Quốc. Họ có thể đã chọn tập trung hoàn toàn vào chiến dịch thông tin được gọi là "ngoại giao mặt nạ" , cụ thể là quyên góp và bán bộ bảo hộ y tế trên khắp thế giới.
Điều này đã thúc đẩy sức mạnh mềm của Trung Quốc khi các nước khác phải vật lộn để đối phó. Nhưng thiện chí được tạo ra bởi "con đường tơ lụa sức khỏe" này dường như đã bị tiêu tan bởi sự hung hăng của các "chiến binh sói".
Các vị đại sứ giận dữ
Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Thành Cảnh Nghiệp, đã tham gia vào một cuộc tranh cãi dữ dội với chủ nhà. Khi chính phủ Úc ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus, ông Thành Cảnh Nghiệp ám chỉ Trung Quốc có thể tẩy chay hàng hóa Úc.
"Có lẽ những người dân thường cũng sẽ nói, 'Tại sao chúng ta phải uống rượu Úc hay ăn thịt bò Úc?'", Ông nói với Tạp chí Tài chính Úc.
Các bộ trưởng cáo buộc ông ta "đe dọa về kinh tế". Các quan chức của Bộ Ngoại giao và Thương mại đã gọi cho đại sứ để yêu cầu ông giải thích. Ông này trả lời bằng cách đăng lời giải thích về cuộc đối thoại trên trang web của đại sứ quán, trong đó ông kêu gọi Úc ngừng chơi "trò chơi chính trị".
Trung Quốc tuần này áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với một số nhà chế biến thịt bò Úc và đe dọa áp thuế quan đối với lúa mạch Úc.
Tại Paris, Đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã đã được Bộ Ngoại giao triệu tập để giải thích các bình luận trên trang web của Đại sứ quán nói rằng Pháp đã bỏ rơi người già, để họ chết vì Covid-19 tại các nhà dưỡng lão.
Sự phản kháng chống lại các nhà ngoại giao Trung Quốc có lẽ là mạnh nhất ở châu Phi nơi một số đại sứ - từ Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi - đã được chủ nhà triệu tập trong những tuần gần đây để giải thích sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với người châu Phi ở Trung Quốc.
Chủ tịch Hạ viện Nigeria, Femi Gbajabiamila, đã công bố các đoạn video ông khiển trách đại sứ Trung Quốc.
Trong một bài viết cho tạp chí Foreign Foreign, Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc, lập luận rằng Trung Quốc đang phải trả giá cho chiến lược mới của mình:
"Dù các nhà ngoại giao thế hệ chiến binh sói mới của Trung Quốc có thể báo cáo lại với Bắc Kinh, thì thực tế là vị thế của Trung Quốc đang chịu tổn thất lớn (điều trớ trêu là những chiến binh sói này đang bổ sung thêm vào thiệt hại này, chứ không phải cải thiện nó).
"Phản ứng chống Trung Quốc về sự lây lan của virus, thường bị buộc tội phân biệt chủng tộc, đã được xuất hiện ở các quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Indonesia và Iran. Sức mạnh mềm của Trung Quốc có nguy cơ bị băm nát."
Rủi ro là sự quyết đoán ngoại giao của Trung Quốc có thể khiến thái độ này cứng rắn thêm ở phương Tây. Các nước phương Tây trở nên không tin tưởng và ít sẵn sàng tham gia với Bắc Kinh.
Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc đã trở thành một chủ đề trong cuộc bầu cử tổng thống, với cả hai ứng cử viên cạnh tranh để trở nên cứng rắn hơn người còn lại. Tại Anh, các nghị sĩ bảo thủ đang chuẩn bị để giám sát chặt chẽ các chính sách của Trung Quốc.Câu hỏi đặt ra là liệu những căng thẳng ngoại giao này có làm sâu sắc thêm cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và phương Tây? Điều này quan trọng không chỉ vì những rủi ro chung của việc leo thang xung đột mà còn bởi vì có rất nhiều việc mà thế giới cần phải hợp tác.
Trước mắt, việc nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19 sẽ cần có sự hợp tác quốc tế bao gồm cả Trung Quốc. Về lâu dài, hầu hết các nhà phân tích mong đợi một hành động tập thể toàn cầu để sửa chữa nền kinh tế thế giới. Nhưng cơ hội đó có vẻ mỏng manh.
Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Điện lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói:
"Nếu Mỹ và Trung Quốc không bỏ sang một bên sự khác biệt của họ để cùng nhau chống lại đại dịch toàn cầu, thật khó tin họ sẽ tìm cách hợp tác để củng cố nền kinh tế của mình. "
Một số chiến lược gia cho rằng trong khi phương Tây sẽ phải tăng cường sự độc lập chiến lược khỏi Trung Quốc sau đại dịch, thì cũng sẽ phải tìm một khuôn khổ mới cho hợp tác.
Ngoại giao "chiến binh sói" của Trung Quốc có thể không làm cho điều đó trở nên dễ dàng hơn.
James Landale, phóng viên mảng ngoại giao

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...