Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Tiên lượng xấu cho kinh tế


Tiên lượng xấu cho kinh tế

Vài ba tuần nay dư luận rộ lên những chuyện đại gia khoe của, cưới xin cho con cái mà làm rùm beng mặt báo đến cả nước phải chú ý... Nhiều chuyện, nhiều phát ngôn của người trong cuộc cần phải bàn, có điều cần làm rõ, nhưng đó không phải mục đích entry này. Mà ở đây chỉ muốn nói tới khía cạnh tiêu tiền, thậm chí là kiểu vung tiền qua cửa số của một số người. Chung quy lại cũng chỉ là cái mốt đánh bóng tên tuổi, về hiện tượng là đã cũ mèm bên thế giới tư bản họ từng làm, nhưng ở ta là trên một nền - đúng hơn là phông văn hóa hơi bị thấp hơn họ!





Đáng buồn hơn nữa là đằng sau vẻ "hào nhoáng" cố tạo ra trước dư luận bằng các trưng diện khoe của ăn chơi, một cung cách tiêu xài tiền bạc như vỏ ốc vỏ hến xúc bới lên được thì lại để lộ ra đây đó cảnh các đại gia nợ nần chồng chất, thiếu vốn giật gấu vá vai khó mà tin được ở những kẻ luôn mang danh "núi tiền"!?... Người thì công nợ thuế khóa, kẻ lại nợ nần vì hàng hóa tồn kho chất đống, còn người khác chịu nợ ngay từ những bạn hàng nông dân ngư dân bán nguyên liệu thường xuyên cho công ty mình...; tất cả tạo nên vẻ mặt rất khó coi cho khuôn mặt kinh doanh tầm quốc gia mà giới doanh nhân cỡ đại gia kia có lúc được chính quyền tôn vinh và xã hội kỳ vọng.  

Nếu mọi chuyện dưới đây do các nguồn thông tin, báo chí miêu tả và phân tích là có cơ sở, phần nào xới lên thực chất vấn đề của các đại gia Việt Nam thời nay thì không ít những nhận định trấn an người dân về lạm phát tăng giá, thậm chí các tuyên bố lạc quan từ bộ máy nhà nước cũng như giới quản lý kinh tế chắc chắn cần phải xem xét lại, thậm chí sửa sai cải chính trước quốc dân.

Các phát lộ dư luận và báo chí như bóc mẽ khá nhiều đại gia, tức các nhà kinh doanh có quy mô vốn và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt kinh tế, liệu thực chất chiếm bao nhiêu phần trăm trong cái giới của họ? Nếu tình hình lại không dừng lại ở các trường hợp cụ thể đã nêu thì liệu đằng sau cái mốt làm ăn nặng về PR hoành tráng liên tục xuất hiện trên doanh trường Việt Nam mấy năm qua thì nó ẩn chứa điều bất bình thường gì? Chẳng phải là biết bao điều khó lường về sự bất ổn tài chính luôn rình rập đối với con thuyền kinh tế Việt Nam? Và cái hội chứng "bong bóng xà phòng" của một nền kinh tế tự phong thành tích có thể như đã lởn vởn ám ảnh quanh chúng ta.

Tiên lượng xấu cho kinh tế nói chung thế là đúng rồi! Đã đến lúc các nhà điều hành và quản lý kinh tế phải ý thức được mối hiểm nguy tiềm tàng trong các doanh nghiệp lớn, cả quốc doanh và dân doanh, rồi đủ tỉnh táo mà can thiệp đúng lúc đúng chỗ kẻo chúng có thể dẫn đến những kết cục bi đát hơn nữa cho toàn bộ nền kinh tế.

Đến đây xin mời đọc một số bài viết để cụ thể hóa cho những điều được phác họa ở trên. 

Vệ Nhi

------- 

Các đại gia Việt ‘nợ như chúa chổm’

Bài đăng trên Theo zing.vn/ Doanh Nhân

Ở Công ty Quốc Cường Gia Lai, tính đến 31-12-2011, hàng tồn kho có giá trị thuần là 3.235 tỷ đồng, tăng lên 501 tỷ đồng so với 2.734 tỷ đồng của hồi đầu năm. Nợ ngắn, dài hạn là 3.049 tỷ đồng.

Thòng lọng “nợ phải trả”

Chi phí tài chính đang là gánh nặng lớn đè lên vai nhiều công ty bất động sản, hàng làm ra không bán được, mà tiền lại là đi vay, lãi chồng lãi, doanh nghiệp sẽ chết dần trong các khoản nợ và đi đến phá sản.

CTCP Quốc Cường Gia Lai, CTCP Tập đoàn Đại Dương, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, CTCP Vạn Phát Hưng, … là những thương hiệu địa ốc có tiếng trên sàn chứng khoán phía Nam, chỉ xếp sau CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG).

Nhưng những doanh nghiệp này hiện phải đối mặt với hoạt động kinh doanh thua lỗ, hoặc các khoản nợ vay nặng nề, dẫn tới những rủi ro tài chính không hề nhỏ.

Xem các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán này (những doanh nghiệp đòi hỏi sự minh bạch và đại chúng nhất định, do đó báo cáo tài chính chưa được kiểm toán cũng phải tuân thủ một số chuẩn mực), ta có thể thấy có hai điểm thuyết minh khá giống nhau: Phần lớn đang sở hữu những lượng hàng tồn kho trị giá lớn; đồng thời sở hữu luôn việc phải trả những khoản nợ vay khổng lồ.

Lấy ví dụ ở CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), tính đến 31-12-2011, hàng tồn kho có giá trị thuần là 3.235 tỷ đồng, tăng lên 501 tỷ đồng so với 2.734 tỷ đồng của hồi đầu năm.

Nợ ngắn, dài hạn là 3.049 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 1,38. Ở Sacomreal (SCR), hàng tồn kho là 2.769 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới 4.566 tỷ đồng và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu xấp xỉ bằng 2.
Tương tự, nợ phải trả của CTCP Đại Dương (OGC) là 4.845 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,4. Riêng hàng tồn kho của OGC chỉ còn 66 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp địa ốc khác, điển hình là CTCP Vạn Phát Hưng (VPH), thậm chí có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lớn hơn 2.




Là doanh nghiệp đã lập kỷ lục về cổ phiếu chào sàn và tăng giá liên tục trong gần 30 phiên của năm 2009, hai năm sau, tính đến ngày 31-12-2011, VPH hiện có khoản nợ phải trả là 1.174 tỷ đồng, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 2,1 tỷ đồng.

Rủi ro thanh khoản của VPH cũng thể hiện ở hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tới 2,2 – một hệ số quá cao, cho thấy phần lớn nguồn vốn của doanh nghiệp là đi vay nợ và rủi ro tài chính rất lớn, cho dù giá trị hàng tồn kho của VPH hiện vẫn còn trên 1.200 tỷ đồng.

Với mức lãi suất ngân hàng liên tục duy trì từ 17-20%/năm trong năm 2010, tăng lên trên 20-25% trong năm 2011, trong khi các khoản thu được lại khá nhỏ giọt do đầu ra địa ốc đóng băng, có thể ví von một cách hình ảnh là doanh nghiệp địa ốc đã và đang tự thắt quanh cổ mình cái thòng lọng có tên “nợ phải trả”, mà một trong những bệ phóng để doanh nghiệp vay nợ, cũng là chiếc ghế họ đang đứng lên trên nhưng có thể đổ xuống, sụt giá bất cứ lúc nào, lại có tên là “hàng tồn kho”.

Chiêu trò với các con số

Trên thực tế, có lẽ không chỉ tới năm 2011 doanh nghiệp địa ốc mới lâm vào tình cảnh bi đát.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thị trường địa ốc Việt Nam xì bong bóng, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đều gặp khó khăn trong việc tháo nút thắt đầu ra, tạo doanh thu và trả nợ tín dụng.

Nhưng với tâm lý cầm cự, chờ thời, với một niềm tin vào lực cầu mạnh mẽ, các doanh nghiệp đã không… dại báo lỗ!

Có thể không phải là doanh nghiệp nào cũng lỗ. Và không phải doanh nghiệp nào cũng chọn phương cách chỉ đến lúc “hết sức chịu đựng” mới thông tin tới bàn dân thiên hạ là mình kinh doanh thua lỗ, nhưng theo một chuyên gia thì nói chuyện lỗ lã của doanh nghiệp địa ốc qua các báo cáo tài chính là chuyện hết sức thiếu… thực tiễn.

Đơn cử, doanh nghiệp địa ốc có nhiều “chiêu” để hạch toán tài chính khác nhau. Thường nhất là đưa lãi vay vào giá vốn hàng bán, nói cách khác là “tập kết” lãi vay vào giá thành sản phẩm, dù sản phẩm không bán được thì vẫn còn là hàng tồn kho, doanh nghiệp vẫn có cơ hội hạch toán lãi.

Vẫn chỉ là dự án đó, các block đó, số lượng căn hộ đó, nhưng doanh nghiệp cứ cộng thêm lãi vay vào hàng tồn kho, do vậy chi phí tài chính vẫn thấp, lợi nhuận sẽ “lòi” ra.

Ngược lại, nếu lãi vay được thống kê đủ trong mục chi phí tài chính, với khoảng 80% vốn từ tín dụng, cộng thêm nguồn vốn vay cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài bằng lãi suất thả nổi khó xác định cụ thể, chi phí tài chính sẽ là hòn đá tảng kéo chiếc phao lợi nhuận của doanh nghiệp chìm xuống. Đó có lẽ cũng là lý do mà khi các doanh nghiệp địa ốc mới đây than lỗ.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, đã cho rằng, với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm 2011 trở về trước, việc doanh nghiệp bất động sản phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở.

Quả thực, nếu có doanh nghiệp muốn “chủ động” xây dựng kết quả lỗ, lã theo cung cách này, rất khó có thể đi đến một kết luận chính xác về tình hình kinh doanh thực tiễn của họ.
Tuy nhiên, về nguyên lý kinh doanh nói chung, một khi hàng làm ra không bán được, mà tiền làm ra hàng lại là tiền vay, lãi chồng thêm lãi, doanh nghiệp sẽ chết dần trong các khoản nợ và đi đến phá sản.

Doanh nghiệp càng to, lượng hàng càng nhiều, nợ càng lớn, chi phí tài chính càng tăng cao thì việc trượt dốc của doanh nghiệp càng diễn ra mau chóng khi lãi suất và sức mua địa ốc tỷ lệ nghịch với nhau.

Giới địa ốc hài hước là: “doanh nghiệp càng… mông to, tiếng rơi phịch càng mạnh”.

Vì vậy, để “cứu” những cú rơi có thể diễn ra theo chiều hướng domino, trong dài hạn, không thể không khơi thông đầu ra cho hàng hóa của doanh nghiệp bất động sản.

Một cơ chế lãi suất dành cho địa ốc giúp giảm tải lãi vay và bắc nhịp cầu liên thông giữa cung và cầu sẽ là tối ưu cho cả doanh nghiệp lẫn thị trường.

Quan sát cách điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, có thể nhìn thấy trước rằng, điều này là khó khả thi, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Lý do đơn giản là: nền kinh tế vẫn còn phải cố gắng “cách ly” với virus lạm phát khứ hồi.

Những con số nợ ấn tượng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2011 của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho thấy, QCG có khoản lỗ lũy kế là 38 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một số hạng mục trong hoạt động kinh doanh năm 2011 của QCG tăng vọt: Chi phí lãi vay tăng gấp 5 lần, hơn 100 tỷ đồng so với năm 2010 (từ 26 tỷ đồng lên 159 tỷ đồng); nợ phải trả của công ty tăng từ 2.642 tỷ đồng ở đầu năm 2011 lên 3.046 tỷ đồng, tức tăng 400 tỷ đồng trong 12 tháng.

CTCP Đại Dương (OGC) có tổng số nợ lên tới 4,845 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng 76% so với năm 2010, từ 110 tỷ đồng lên 195 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận sau thuế của OGC bị kéo giảm xuống chỉ bằng 1/3 so với 2010. Riêng quý IV/2011, OGC lỗ thuần hợp nhất 59 tỷ đồng.

Nguồn: http://anle20.wordpress.com/2012/03/11/cac-d%e1%ba%a1i-gia-vi%e1%bb%87t-n%e1%bb%a3-nh%c6%b0-chua-ch%e1%bb%95m/

------

Đại gia nợ thuế vì đâu?
Bài đăng trên Báo Lao Động

Thứ Bảy, 3.3.2012 | 08:50 (GMT + 7)







Ngày 2.3, thông tin hàng loạt “đại gia” (doanh nghiệp lớn) nợ thuế đến hàng trăm tỉ đồng đã làm nóng dư luận. Có rất nhiều lý do khiến các doanh nghiệp nợ thuế.


Nhưng rõ ràng việc là “đại gia” nhưng lại nợ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng tiền thuế sẽ tác động tiêu cực đến sự lành mạnh của tài chính thuế cũng như sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Nợ thuế - cạnh tranh không bình đẳng

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế thì do thị trường bất động sản đóng băng, những khó khăn khác của nền kinh tế đã khiến hàng loạt DN cỡ đại gia phải nợ thuế. Tại cuộc họp ngày 1.3, Tổng cục Thuế đã chỉ rõ những DN lớn nợ thuế lên tới hàng trăm tỉ đồng như Cty CP Hoàng Anh Gia Lai. Bên cạnh đó ngay tại Hà Nội - địa phương sát sườn các cơ quan thuế nhưng cũng có hàng loạt DN lớn nợ thuế.

Trong số này có Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) nợ gần 400 tỉ đồng, Cty cổ phần XNK tổng hợp Hà Nội (Gleximco) nợ hơn 220 tỉ đồng, Cty phát triển đô thị quốc tế Việt Nam nợ 152 tỉ đồng, Cty thương mại - dịch vụ Nam Cường nợ 69 tỉ đồng... Cá biệt, có khá nhiều DN lớn nợ thuế kéo dài như Cty CP Tập đoàn Thành Công; TCty Xây dựng Hà Nội...


        Xăng bây giờ đã cộng thêm 5.000 đ/lít, doanh nghiệp - kinh doanh nào chịu đựng được 


Trên thực tế, vẫn biết là nền kinh tế khó khăn đã tác động đến các DN, nhưng điều có thể nhìn thấy rõ là dù trong bất kỳ thời điểm nào thì việc các DN “được nợ” hay “nợ được” hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng tiền thuế cũng đã tác động xấu đến sự lành mạnh của tài chính thuế; đồng thời tạo nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Một ví dụ đơn giản là chỉ cần các DN này “được nợ” hay “nợ được” số tiền trên trong một vài tháng thì số tiền vốn cũng như lãi suất có thể hưởng lợi lớn đến mức nào?

Đại diện một DN nhỏ đặt câu hỏi: Trong khi DN chúng tôi đôn đáo chạy vạy vay vài tỉ đồng với lãi suất cao thì những DN này lại có thể nợ số tiền khủng. Chưa hết, chúng tôi chỉ cần nợ vài chục triệu đồng tiền thuế thì rất có thể bị phạt nặng. Đại diện này đặt câu hỏi: Phải chăng DN đại gia có thể nợ thuế còn DN nhỏ thì không? Phải chăng những DN chấp hành thuế thì lại chịu thiệt thòi khi không thể “tận dụng” thành công cơ hội chiếm dụng vốn bằng cách nợ thuế?

Chấp nhận chịu phạt vì đói vốn?

Ngày 2.3, PV Lao Động đã làm một loạt các cuộc phỏng vấn, trao đổi với các DN trong diện bị ngành thuế điểm mặt con nợ, phần lớn là từ chối. Ông Nguyễn Thắng - Chánh văn phòng Tập đoàn HUD - trao đổi với PV Lao Động cho rằng, có thể con số ngành thuế đưa ra số nợ 400 tỉ đồng của HUD là đúng, tuy nhiên, ông này “đính chính” đây là số nợ chậm nộp tiền sử dụng đất chứ không thể là tiền thuế nói chung như các báo đưa.

Một lãnh đạo DN trong diện trên chia sẻ, thực tế số nợ hơn 100 tỉ đồng với một DN BĐS thì không phải quá lớn, tuy nhiên ở thời điểm thị trường BĐS đang đóng băng như hiện nay, sản xuất bị đình đốn, ngân hàng siết chặt mọi nguồn vốn nên đó quả là một khoản nợ lớn với nhiều DN. “Riêng áp lực trả lãi vay NH đã làm nhiều DN điêu đứng, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, chưa nói đến nhiều dự án tình trạng giao đất chậm, GPMB kéo dài thì áp lực với các DN còn lớn hơn rất nhiều” - đại diện DN này chia sẻ.

Cũng có một thực trạng mà không DN nào dám nói thẳng ra, đó là trong tình hình tín dụng ngặt nghèo như hiện nay, khá nhiều DN chấp nhận thà chịu phạt do chậm nộp thuế của ngành tài chính lên tới 18%/năm thì dù sao vẫn còn thấp hơn so với lãi suất đi vay của ngân hàng, hoặc phải chịu cảnh bán lại dự án. Người đứng đầu ngành thuế - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - cũng thừa nhận có tình trạng này và xác định, đối tượng chủ yếu là các DN ngoài quốc doanh, ý thức chấp hành pháp luật thuế không cao, số nợ chiếm tới 53,8% trong tổng số nợ thuế.

Tuy nhiên, trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - về nợ thuế của các DN, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS suy thoái như hiện nay, ngành thuế cũng nên xem xét, dãn nợ cho các DN một thời gian để nuôi dưỡng nguồn thu. “Phải cho họ sống để họ còn trả nợ chứ” - ông Liêm nói. Âu đó cũng là một quan điểm.


Ông Nguyễn Văn Sự - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: “Thừa khả năng nộp thuế, chỉ chậm do trình tự thủ tục”
Khi báo đăng tin chỉ công bố tên HAGL mà lại xếp bên cạnh Vinashin dễ tạo ngộ nhận từ bạn đọc(?!). Vấn đề này đặt ra hai câu hỏi như sau: HAGL có nợ không và có mất khả năng trả nợ thuế hay không? Tôi xin thẳng thắn trả lời: Việc HAGL nợ thuế khoảng 100 tỉ đồng là có thật. Tuy nhiên, chậm nộp là do còn chờ thông báo thuế của ngành thuế, đồng thời, chúng tôi cũng đang quyết toán năm 2011 chưa xong; chắc chắn chỉ trong quý I/2012 sẽ nộp đầy đủ. Về khả năng tài chính, xin nói thẳng: Tổng tài sản hiện có của HAGL lên đến 25.520 tỉ đồng; trong đó HAGL đang có số dư tiết kiệm khá lớn trong tài khoản ngân hàng - theo báo cáo hợp nhất năm 2011 thì số dư này lên đến 2.893 tỉ đồng, để dự phòng; còn ở thời điểm hôm nay (2.3.2012), số dư là 1.842 tỉ đồng (rút bớt gần 1.000 tỉ đồng để đầu tư) thì trả nợ thuế chỉ là vấn đề tiến độ. Nguyễn Thịnh ghi

Phạm Anh - Phạm Huệ



-------


Sự kiện Bình An- Tình trạng Bình An


Đăng trên blog Tuanddk, ngày: 22:28 12-03-2012
Ngày 8-10-2007, dư luận mắt tròn mắt dẹt khi trực tiếp theo dõi cuộc đấu giá vô tiền khoáng hậu trong Phiên đấu giá bức tranh "Văn Miếu - Văn hóa Việt", ủng hộ Quỹ vì người nghèo tại TP HCM. Bà Diệu Hiền, TGĐ Công ty Thuỷ sản Bình An trong lần xuất hiện đầu tiên trước ống kính truyền hình- đã trả 3 tỷ đồng cho bức tranh này. Các mức giá sau đó là 5 tỷ, 8 tỷ. Nữ đại gia Miền Tây chỉ chịu thua khi một “nữ đại gia” khác trả với mức 10 tỷ đồng, tuy nhiên, bà nói, giản dị đến thản nhiên- là sẽ ủng hộ 2 tỷ đồng cho quỹ Vì người nghèo.

Suốt tuần qua, bên cạnh thông tin “ Bộ Thương mại Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra”, báo chí cũng ồ ạt nói về việc bà Diệu Hiền “nợ cả ngàn tỷ”. Đến 3 tỷ tiền bảo hiểm của công nhân, số tiền đúng bằng mức giá đầu tiên bà đưa ra trong cuộc đấu giá tiền tỷ vô tiền khoáng hậu 5 năm trước, bây giờ bà cũng không có để trả.


Có thể cuộc đấu giá 5 năm trước là một hình thức PR “tiết kiệm” nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút nguồn vốn. Nhưng cũng có thể số tiền 2 tỷ mà bà Hiền, đã rất dễ dãi, cho đi, dù là ủng hộ người nghèo, cũng là một phần nhỏ của món nợ ngàn tỷ ngày hôm nay.

Số nợ thực sự của Bình An, của bà Diệu Hiền là bao nhiêu còn phải chờ cơ quan chức năng kết luận. Hiện giờ, con số tạm thời được Cần Thơ đưa ra là trên dưới 1000 tỷ mà mỗi ngày, riêng tiền trả lãi cũng cả tỷ đồng. Nợ đến nỗi, Tổng giám đốc bất đắc dĩ của Bình An đã buộc phải tuyên bố “Tính đến phương án bán nhà máy chế biến thủy sản cho một đối tác ở Cần Thơ với giá khoảng 80-90 triệu USD, bán xe Rolls-Royce Phantom trị giá hàng chục tỷ đồng cùng hai dự án nhà đất mà công ty đang đầu tư để sớm trả nợ dứt điểm".

Trước khi “ra nước ngoài”, bà Diệu Hiền thừa nhận Bình An đang gặp khó khăn về vốn để tiếp tục kinh doanh xuất khẩu. Hàng loạt ngân hàng như VDB, ACB, BIDV, Vietinbank... đã ngưng cho công ty vay vốn. "Thiếu vốn đồng nghĩa với công ty bị ngân hàng cắt đứt mạch máu lưu thông khiến việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn”.

Trong một dự báo, được đưa ra vài ngày trước đây, chính Vasep đã đưa ra một dự báo ảm đạm khi cho rằng sẽ có ít nhất 20% DN thuỷ sản sẽ đóng cửa khi phải đối diện với hàng loạt khó khăn: Thiếu nguyên liệu, chi phí đầu vào cao, chất lượng con giống giảm sút. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với các DN nói chung và DN thuỷ sản nói riêng là nguồn vốn, ở cả hai khía cạnh: Thiếu nguồn vốn lớn. Và nếu có, thì đó là nguồn vốn với lãi suất cắt cổ.

Với tình trạng nguồn vốn như hiện nay, 20% DN ở vào “tình trạng Bình An” có lẽ còn là quá lạc quan.

Chính vì vậy, sẽ là rất nhẫn tâm khi coi quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), giảm thuế, từ 0,56 USD/kg xuống còn 0,03 USD/kg đối với cá tra- là một “chiến thắng”- Liệu có thể tin vào một chiến thắng từ trên trời rơi xuống?! Cũng khó nói rằng đó là một “cơ hội”- Liệu các DN còn “cơ hội” khi Mỹ chỉ là thị trường chiếm 28% giá trị xuất khẩu cá tra? Khi mà đối với nhiều DN, sản lượng xuất khẩu sang 2 thị trường lớn khác là EU và Nhật Bản đã giảm tới 50%?


Năm ngoái, 50 ngàn DN đã phải giải thể, phá sản. Ngay những ngày đầu năm nay, hàng loạt đại gia rơi vào cảnh nợ nần phải bán xe, bán nhà. Có lẽ, Bình An chỉ nạn nhân đầu tiên trong vô số những DN bị xiết tín dụng. Sự kiện Bình An, có lẽ cũng chỉ là sự khởi đầu cho tình trạng vỡ nợ của các DN.


 

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...