Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Nhân kỷ niệm 30/4: Đề tài chiến tranh VN với những cây bút Tây Đức


Nhân kỷ niệm 30/4: Đề tài chiến tranh VN với những cây bút Tây Đức

Vừa qua Chủ blog tôi nhận được bài viết khai thác một chủ đề vừa gắn với sinh hoạt của báo chí và xuất bản ở nước ngoài phản ánh tình hình Việt Nam vừa gắn với những sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh Việt nam và sự kiện 30/4/1975 một cách hết sức hấp dẫn và sinh động. Đây cũng là một thế rất  mạnh của báo chí cũng như những cuốn sách được xuất bản ở phương Tây nói chung và riêng với nền báo chí Tây Đức trước đây (nay là CHLB Đức) khi xây dựng và đăng tải những vấn đề về đất nước và Việt Nam.

Dưới đây xin post toàn bộ bài lược thuật rất có giá trị của nhà ngoại giao Trần Ngọc Quyên về một cuốn sách được xuất bản ở CHLB Đức hơn 30 năm trước. Như lời giới thiệu của Trần Ngọc Quyên: "Năm 1979 tác giả Anita Eicholz đã cho ra mắt cuốn sách với nhan đề "Đề tài chiến tranh Việt Nam trên tạp chí Tấm Gương". Đây là một công trình nghiên cứu công phu, dày tới 262 trang đi sâu phân tích toàn diện số lượng, chủ đề và nội dung các bài viết về đề tài chiến tranh Việt Nam đăng trên tạp chí này từ 1954 đến 1975".

Chỉ đọc sơ qua những dòng trên đã thấy một khối lượng đồ sộ các bài viết về cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ ở một Tạp chí Đức thì càng thấy sức hút lớn lao của đề tài chiến tranh Việt Nam trước đây đối với giới báo chí ngoại quốc. 

Vệ Nhi 

------






TẠP CHÍ "TẤM GƯƠNG" (CHLB ĐỨC)
VỚI CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Tác giả: Trần Ngọc Quyên (tổng thuật)



Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ chống nhân dân Việt Nam đã để lại những đấu ấn sâu đậm trong dư luận báo chí thế giới. Tạp chí "Tấm gương" (Der Spiegel) của Cộng hòa liên bang Đức là một ví dụ điển hình về điều đó.



"Tấm gương" là tạp chí chính luận có uy tín nhất ở Đức như tạp chí "Times" hay "Newsweek" ở Mỹ, "Tấm gương" là tạp chí xuất bản hàng tuần liên tục từ năm 1947 đến nay, với số lượng bản và số trang ngày càng tăng (hiện nay trung bình mỗi số trên một triệu bản, và độ dày khoảng 200 trang). Tạp chí "Tấm gương" có số lượng độc giả rất lớn ở cả trong và ngoài nước, đội ngũ độc giả cũng có những nét đặc biệt: ngay từ 1971 số lượng độc giả trung bình đã là trên 4,6 triệu người lón (chiếm khoảng 12% tổng số người lớn ở Tây Đức lúc đó). "Tấm gương" là tạp chí được những người nắm quyền quyết định về chính trị và kinh tế ở Đức sử dụng nhiều nhất (38,4%), đội ngũ độc giả có trình độ học vấn cao (41,5% số độc giả có trình độ từ tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên; 18% số độ giả xếp vào tầng lớp có học vấn cao nhất ở Đức (được coi là tầng lớp Elite) - trong khi tầng lớp này chỉ chiếm 6% dân số; 55% số luật sư và 42% số bác sĩ thường xuyên đọc tạp chí này...). Điều đó nói lên tạp chí "Tấm gương" có ảnh hưởng rất sâu rộng trong công chúng Đức và những bài viết của nó về đề tài chiến tranh Việt Nam đã từng thu hút hàng triệu độc giả Đức.

Năm 1979 tác giả Anita Eicholz đã cho ra mắt cuốn sách với nhan đề "Đề tài chiến tranh Việt Nam trên tạp chí Tấm Gương". Đây là một công trình nghiên cứu công phu, dày tới 262 trang đi sâu phân tích toàn diện số lượng, chủ đề và nội dung các bài viết về đề tài chiến tranh Việt Nam đăng trên tạp chí này từ 1954 đến 1975. Trên cơ sở phân tích sâu sắc các khía cạnh, tác giả đã rút ra nhiều nhận xét, kết luận đáng chú ý về đề tài chiến tranh Việt Nam trên một tạp chí chính luận có uy tín nhất ở Đức, từ đó cũng có thể rút ra những nhận xét khái quát về dư luận báo chí ở Đức nói chung đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống nhân dân Việt Nam.

Cuốn sách gồm 9 chương với các nội dung như mối quan hệ Đức - Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam; bối cảnh lịch sử và vai trò của Mỹ ở Đông Dương; những nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh; phân tích các bài theo số lượng, nội dung từng chủ đề... (đây là phần chính của cuốn sách) và những kết quả, nhận xét rút ra qua phân tích.

Phần Phụ lục của cuốn sách gồm các mục sau:

- Danh mục toàn bộ các bài viết về Việt Nam đăng trên tạp chí "Tấm gương" từ năm 1954 đến 1975.
- Biên niên sử cuộc chiến tranh Việt Nam từ khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ (7/5/1954) đến khi thống nhất đất nước thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/7/1976).

Theo tác giả cuốn sách, từ năm 1954 đến 1975 tổng cộng có 546 bài về đề tài chiến tranh Việt Nam được đăng trên tạp chí "Tấm gương". Bài đầu tiên đăng trên trên số 19/1954 với nhan đề "cuộc phiêu lưu của phương Tây với số phận Đông Dương: từ một cuộc phiến loạn thuộc địa trở thành cuộc xung đột thế giới". Bài sau cùng đăng trên số 53/1975 với đầu đề: "Bất khả chiến thắng trong tất cả các trận chiến / Việt Nam không diễn ra ở Hollywood (trong loạt bài nhân dịp kỷ niệm 200 năm hợp chủng quốc Hoa Kỳ - Bài số IX: "Quân đội Mỹ sau cuộc chiến tranh bị thất bại ở Việt Nam").

Cũng theo tác giả, trong 21 năm đó đã có tới 15 số đề tài chiến tranh Việt Nam được in trên trang bìa của tạp chí " Tấm gương" thành chủ đề chính của các số đó, thậm chí có một số năm chủ đề Việt Nam được in trên trang bìa tới hai lần như các năm 1966, 1968, 1973 và 1975. Trong một thế giới đầy biến động và có quá nhiều sự kiện, thì hiếm có chủ đề nào lại xuất hiện nhiều lần như vậy trên trang bìa của tạp chí này như đề tài chiến tranh Việt nam. Một số dòng "tít" đang chú ý trên các trang bìa là "Cơn bão đỏ ở Việt Nam" (số 7/1968 nói về cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân); "Sự sụp đổ ở Đông Dương" (số 15/1975) và "Không còn tin cậy vào Mỹ được nữa/Đông Dương đỏ" (số 19/1975) nói về thất bại của Mỹ và thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có thể nói các bài đăng trên tạp chí "Tấm gương" đã phản ánh khá đầy đủ tất cả các mốc lịch sử và các sự kiện quan trọng trong của cuộc chiến tranh Việt Nam từ sau khi ký hiệp định Geneve năm 1954 về Đông Dương, đến khi giải phóng hoàn toàn miền nam 1975. Những năm diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt đã có tới trên dưới 40 bài mỗi năm, thậm chí có năm tới trên 60 bài được đăng trên tạp chí "tấm gương" (trung bình mỗi số có trên một bài). Cụ thể số lượng hàng năm như sau: 1954 - 1963 tổng cộng 21 bài; 1964: 21 bài, 1965: 44 bài, 1966: 46 bài, 1967: 64 bài, 1968: 63 bài, 1969: 43 bài , 1970: 48 bài, 1971: 62 bài, 1972: 49 bài, 1973: 39 bài, 1974: 8 bài và 1975: 38 bài.




Số liệu thống kê trên cho thấy từ khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ở miên Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, số lượng bài đã tăng vọt, trung bình mỗi năm gấp 2 đến 3 lần tổng số bài của cả thời kỳ 1954 - 1963.

Tổng số độ dài của 546 bài là 2.924 cột, tương đương với 975 trang tạp chí (mỗi trang có 3 cột), tức là khoảng 3 quyển sách tương đối dầy khổ lớn (21 x 28 cm). Điều đó nói lên khối lượng thông tin và tư liệu về chiến tranh Việt Nam đã được phản ảnh trên tạp chí "Tấm gương" phong phú như thế nào. Độ dài phổ biến của các bài là 3 cột (tức là 1 trang tạp chí) còn bài nhiều kỳ phần lớn có độ dài 24 - 25 cột (khoảng 8 trang). Những năm có nhiều bài dài là 1968 Tổng tấn công tết Mậu Thân): chiếm 14,3 tổng số bài; 1971 (công bố tài liệu mật của Lầu năm góc): 14,3 tổng số bài và 1975 (giải phóng hoàn toàn miền nam): 12,2 tổng số bài.

Song có lẽ điều đáng chú ý hơn cả là sự thay đổi trong cách nhìn nhận của những cây bút chính và tạp chí "Tấm gương" nói chung đối với cuộc chiến tranh Việt Nam thể hiện qua nội dung các bài viết.
Năm 1967 không những là năm có số bài viết về chiến tranh Việt Nam đạt con số kỷ lục (64 bài) mà còn là năm đánh dấu một bước ngoặt về nội dung của các bài viết trên "Tấm gương".

Có thể nói cho đến năm 1963 chưa có bài nào trên tạp chí này tỏ ra hoài nghi về chính sách của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Kể cả sau khi Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tiến hành chiến tranh bằng không quân ở miên Bắc nước ta, mở rộng chiến tranh xâm lược ở miên Nam, nhưng đến năm 1966 về cơ bản tạp chí "Tấm gương" vẫn chưa tỏ thái độ rõ ràng đối với hành động leo thang chiến tranh của Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam. Các bài phóng sự chiến tranh chủ yếu chỉ dừng lại ở việc mô tả kỹ thuật vũ khí, chưa công khai lên án chiến tranh của Mỹ. Chỉ có một lần duy nhất Chủ bút của tạp chí này là Augstein khi đề cập tới tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã dùng khái niệm "đạo lý của sự dã man" để ám chỉ Mỹ.

Từ năm 1967 các bài viết trên tạp chí "Tấm gương" đã chuyển sang thái độ phê phán công khai đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, điều đó được bắt đầu bằng loạt bài của Harrison E. Salisbury đăng liền trong bốn số đầu năm 1967 nói về chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc nước ta. Từ đó trở đi nội dung của các bài viết đã thể hiện rõ thái độ phê phán ngày càng mạnh mẽ hơn cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ, đặc biệt là tội ác chiến tranh của chúng như các bài viết về vụ thảm sát Mỹ Lai và về phiên tòa xét xử tên trung úy Calley, kẻ trực tiếp chỉ huy gây ra vụ thảm sát đó. Các bài viết ngày càng đi sâu phân tích và lên án tính chất dã man, tàn bạo của cuộc chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Từ năm 1971 nội dung các bài không chỉ dừng lại ở việc tố cáo và lên án tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ mà còn chuyển sang phê phán xã hội Mỹ nói chung. Tác giả cuốn sách nhận xét năm 1971 đánh dấu sự mở đầu cho thái độ phê phán chưa từng thấy của tạp chí "Tấm gương" đối với chế độ chính trị - xã hội của Mỹ, kết tội các tổng thống Mỹ đã từng dính líu đến cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là chĩa mũi nhọn vài Nixon...

Từ năm 1972 tạp chí "Tấm gương" có phóng viên thường trú ở miền Nam Việt Nam, nên có nhiều bài viết từ miền Nam thực sự mang tính chất phóng sự chiến tranh. Ngoài các bài viết về các sự kiện thời sự, phản ánh kịp thời tình hình chiến sự, còn có nhiều bài viết nhìn lại quá trình chiến tranh của Mỹ với cách nhìn nhận và đánh giá hoàn toàn khác trước, ví dụ đánh giá lại sự kiện Vịnh Bắc Bộ hay chính sách leo thang chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đây cũng là một sự chuyển biến quan trọng nhận thức và thái độ của tạp chí "Tấm gương" đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Nội dung các bài viết ngày càng khách quan hơn. Có lượng thông tin phong phó hơn.

Đặc biệt phóng viên Borries Gallasch của tạp chí "Tấm gương" là một trong số ít phóng viên nước ngoài có mặt tại Dinh Độc Lập từ sáng ngày 30/4/1975 và được chứng kiến từ đầu đến cuối sự kiện lịch sử Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng và đến đài phát thanh ra lệnh cho quân đội ngụy Sài Gòn hạ vũ khí đầu hàng, qua đó ông là nhà báo nước ngoài duy nhất đã trở thành nhân chứng của giờ phút lịch sử kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn. Sau đó cũng trong năm 1975 Gallasch đã cùng một số phóng viên nước ngoài khác có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, những ấn tượng sinh động và cảm nhận sâu sắc  của mình trong cuốn sách đầy giá trị lịch sử với đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ số không - Phóng sự của các nhân chứng về kết cục của một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm" mô tả lại các sự kiện và không khí ở thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 30/4/1975 cũng như 10 ngày trước và sau đó.

Tóm lại, có thể nói, kể từ khi xuất bản số đầu tiên đến nay, chưa có sự kiện quốc tế nào thu hút được sự quan tâm lâu dài và mạnh mẽ của tạp chí "Tấm gương" như cuộc chiến tranh Việt Nam. Với 546 bài và 15 lần trở thành chủ đề chính của từng số trong vòng 21 năm, với tổng độ dài khoảng gần 1000 trang, các bài viết về đề tài chiến tranh  Việt Nam trên tạp chí “Tấm gương” quả thực đã lập một kỷ lục hiếm có đối với một tạp chí chính luận có tín nhiệm nhất ở Đức và thuộc loại tạp chí lớn trên thế giới.

Nhưng điều quan hơn nữa là chính cuộc chiến tranh Việt Nam đã dần dần làm thay đổi không những cách nhìn nhận của từng người cầm bút mà nó còn làm thay đổi thái độ, quan điểm của cả tạp chí này đối với cuộc chiến tranh: từ chỗ bênh vực Mỹ, tạp chí "Tấm gương" đã chuyển sang phê phán và lên án ngày càng mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống nhân dân Việt Nam. Trong hàng chục năm trời "Tấm gương" từng là nguồn thông tin quan trọng cho hàng chục triệu độc giả Đức và ít nhiều góp phần hình thành dư luận trong công chúng  Đức phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ chống nhân dân Việt Nam .

Trần Ngọc Quyên *


* Trần Ngọc Quyên
Số nhà 28 Ngách 28 / Ngõ 463 Phố Đội Cấn – P. Vĩnh Phúc
Q. Ba Đình – Hà Nội
Tel/Fax: 04/37.629 123; Mobil: 091-23 24 374






Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Chuyện xưa ngẫm nay



Chuyện xưa ngẫm nay

Chủ blog tôi nhận được qua hộp thư một câu chuyện hay hay. Chuyện người xưa nhưng người đời nay vẫn nên đọc và suy ngẫm…

Ở đây điều gì còn đúng mình ghi nhận, áp dụng, khéo cư xử điều tiết trong cuộc sống. Điều gì không đúng, lạc hậu lạc điệu rồi, thì cũng biết là thế, hoặc bỏ qua…

Vệ Nhi

-----

Tiền bạc & Đàn bà không gửi cho ai được!



Khuyết danh

Vương Thành, người ở Bình Nguyên, là con nhà thế gia vọng tộc, lại hay chơi bời lêu lổng, chẳng thiết làm ăn, khiến Vương Ông âu sầu trong dạ, mà than rằng:


- Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Nay sự giàu có của nhà ta đến nay đã được ba đời, mà đời nào cũng một nắng hai sương, sớm chiều vất vả, mới tạo được cơ ngơi như vầy, hầu nở mặt nở mày với bà con lối xóm. Nay con ta lại ra ngoài ước lệ. Chỉ khoái vui chơi, thì e... lông cánh kia chẳng giống chút nào hết cả!


 



Đoạn, bước đến bàn thờ thắp vội nén hương thơm, mà tỏ bày tâm sự:
- Bà sống khôn thác thiêng thì chỉ vẻ cho con biết tiền là gan ruột. Có thể đổi trắng thành đen, biến thương thành ghét. Đổi cái lung tung trở thành hiền ngoan cái một. Vậy con phải dốc hết sức lực tâm trí mà kiếm mớ kim ngân. Chớ không thể cứ vui chơi mà xài hoài mãi được! Chừng đến lúc tiền kia bay hết - mới hiểu chút thâm tình có đặng hay không - thì e nước dâng cao làm sao mà nhảy được?
Nói xong, mới cho người gọi Vương Thành đến, mà bảo rằng:
- Khi lành không gặp khách, khi rách gặp lắm người quen, thì phải để ý lắm mới ra người quân tử!
Vương Thành như trên trời rớt xuống. Chẳng hiểu mô tê, nên nghệch mặt ra mà hỏi tràn:
- Cha nói vậy nghĩa là làm sao?
Vương Ông trầm tĩnh đáp:
- Đồng tiền là máu huyết. Lời hứa là khí trời. Khí trời chơi xả láng thì được, nhưng máu huyết thì không thể xả... hoài hoài như thế!
Vương Thành lặng người đi một chút, rồi thận trọng thưa:
- Tiền bạc có mang lại niềm vui, thì đồng tiền đó mới giá trị. Nay có tiền mà không xài, thì so với kẻ khố rách áo ôm chắc chẳng khác gì hết cả!
Vương Ông mặt mày tái mét. Hơi thở dồn dập. Tưởng như sắp đến hồi nhắm mắt ra đi. Vương Ông tức tối nói:
- Tiền bạc cũng như đàn bà. Nếu không giữ gìn săn sóc nó, thì nó sẽ săn sóc cho người khác. Có biết vậy hay chăng?
Ngày nọ, Vương Ông chẳng may lâm bệnh mà qua đời. Vương Thành vội vàng lo tang lễ, vén trước gọt sau, nên tuy cấp bách vẫn lễ nghi toàn vẹn. Vợ của Thành là Hàn thị, thấy chồng tất tả ngược xuôi, nên sợ sóng trước đi đâu sóng sau nhào theo đó, bèn nhân lúc Thành đang vui cùng chút rượu, mới đến bên mà nhỏ nhẹ nói rằng:
- Hơn một ngày chẳng ở, kém một ngày chẳng đi, thì rõ ra con người ôm... số phận. Nay cha có thác đi, thì cũng là tuân theo luật lệ nhà Trời. Chớ nào đáng chuyện chi, mà chàng lại bỏ ăn chỉ uống mình ên vậy. Há chẳng... điên ư?
Vương Thành nghẹn ngào đáp:
- Ngày nào cha con kề cận, sớm tối nghe... than, hốt nhiên trở thành quen thuộc. Nay bỗng dưng tan đàn xẻ nghé. Cách trở đôi nơi, khiến chốn tâm can xót xa vì đứt đoạn. Ta nghĩ. Người dưng chết còn thấy lòng tiếc nhớ. Huống chi cha. Không tiếc không thương mần răng được?
Nói rồi, dzô liền một ngụm, như muốn mượn chút men đẩy đi lòng nuối tiếc. Hàn thị thấy vậy, mới nắm lấy đôi vai, tha thiết nói:
- Xa mặt cách lòng. Người đi hẳn sẽ đi luôn, và kẻ ở rồi cũng sẽ quên người cũ, thì chàng buồn bã làm chi? Cho thêm phần héo úa?
Từ đó, Vương Thành lại càng vui chơi hơn trước. Lúc kéo máy, khi ả đào, nên chẳng mấy chốc lâm vào cảnh sa sút. Nhà cửa trống trơn, khiến Hàn thị nước mắt như mưa mà bảo thầm trong dạ:
- Vợ là một đóa hoa quý. Nếu không che chở nắng mưa thì sắc tươi cũng phải héo. Sắc thắm cũng phải phai. Sắc hương cũng theo đó mà đi về cõi khác - thì nghĩa vợ chồng - Biết có còn nồng thắm được không đây?
Gần nhà Vương Thành, có một khu vườn của nhà họ Chu, tường vách đổ hết, chỉ còn một mái nhà. Gặp lúc trời mùa Hè oi ả, nên người trong làng thường đến ngủ nhờ ở đó. Thành cũng đến đấy nằm ngủ. Sáng ra, mọi người dậy hết, mãi đến lúc mặt trời lên đến ngọn tre, Thành mới choàng dậy. Thong thả toan về, bỗng thấy một chiếc xuyến vàng rơi trong đám cỏ, hớn hở nhặt lên, thì thấy khắc hàng chữ nhỏ: Nghi tân phủ tạo, bèn rúng động tâm can mà nghĩ này nghĩ nọ:
- Ông nội của ta là rể của các Thân vương, nên các vật cũ trong nhà đều khắc mấy chữ đó. Ta đã... bán đi. Sao lại có thể rơi rớt ở đây dễ dàng như thế được?
Rồi trong lúc đương lấy làm lạ, trù trừ chưa quyết, thì thấy một bà lão mặt mày hơ hãi, đang dáo dác kiếm tìm. Vương động lòng bảo bụng:






 

- Phải chi lúc nhặt được xuyến, ta vội vã chạy về, thì tránh được áy náy lương tâm đang ào lên kêu réo! Còn bây giờ thấy người đang hơ hãi. Cuống quýt kiếm tìm - mà ta lại im ru - thì còn đứng trong trời đất làm sao đặng?
Nghĩ vậy, toan bước lại hỏi thăm. Chợt nghe chốn tâm can vang vang lời phân giải:
- Ai hỏi mà trả. Ai khảo mà xưng. Hà cớ chi lại lắm điều lắm chuyện? Vả lại, bà lão mặt mày hơ hãi. Hổng chừng đang kiếm... nợ duyên, thì ta không thể cứ ngơ ngơ mà bỏ mất hoạch tài đang trước mắt!
Đoạn, quay lưng định bước đi, thì nghe tiếng hỏi rằng:
- Già đánh rơi chiếc xuyến. Cậu có thể vì già mà kiếm giúp được chăng?
Vương Thành xoay chuyển ý nghĩ thật nhanh, rồi nhủ thầm trong dạ:
- Mình biết người ta mất, mà không trả, thì so với bọn đá cá lăn dưa, nào có khác gì? Mình biết người ta già yếu mà làm điều xằng bậy, rồi lỡ một mai người ta đoàn tụ với... tổ tiên, thì cái gian đó bao giờ mới trả đặng? Mình học Đạo Thánh Hiền mà không áp dụng, thì so với kẻ không biết, nào có hơn chi? Đó là chưa nói đồng tiền không lương thiện - sẽ làm mình mất... mẹ cái nhân chi sơ - thì còn mong ước dạy dỗ con thơ làm chi nữa?
Đoạn, vội lấy chiếc xuyến đưa cho bà cụ. Bà rạng rỡ môi cười, sung sướng nói:
- Nghèo vì bạn, khốn nạn vì... đồng hương! Câu nói đó hổng phải bao giờ cũng đúng!
Rồi không đợi Vương Thành nói gì, bà ào ào phang tiếp:
- Xuyến này chẳng đáng bao nhiêu, nhưng là kỷ vật ngày xưa của chồng ta để lại.
Thành kinh ngạc hỏi:
- Đó là của ông tôi. Sao lại có sự trùng hợp lạ lùng như thế?
Bà lão ngạc nhiên đáp:
- Mày là cháu của Vương Giản Chi à? Ta cùng ông mày khắng khít bao năm, đến khi ông mày mất, ta bèn đi ở ẩn. Nay qua ngang đây, bỗng rơi xuyến lại vào tay mày. Chẳng phải số trời đã định hay sao?
Vương cũng nghe ông mình nhiều vợ, nhưng chưa có trường hợp lạ kỳ như vầy, bèn thắc mắc hỏi:
- Ông chết. Bà chẳng ở nhà lo giỗ chạp nhớ ông, mà lại đành lòng đi ở ẩn, là cớ làm sao?
Bà lão đỏ mặt đáp:
- Chỉ có mình mới hiểu được mình, ngoài ra chẳng có ai hiểu thấu như mình hết cả. Tao biết mình thuộc hàng đa cảm. Gặp mưa cũng thấy lòng thổn thức. Gặp nắng cũng thấy lòng nhộn nhạo xôn xao. Gặp trăng soi cũng mơ ước lung tung khó lòng yên nghỉ được. Còn gặp người, mà là hạng anh hùng hảo hán, thì chỉ muốn... tới luôn. Chớ không thể nhắm mắt chờ trâu tìm cột được! Tao lại nghĩ. Lao xao cho lắm cũng qua một kiếp người. Chi bằng làm hiền phụ, mà muốn làm hiền phụ thì phải tìm nơi ít người lui tới - mới giữ được... giá trong - Chứ cứ phê phê mần răng mà giữ được?
Vương Thành ngạc nhiên, hỏi:
- Đụng đậy hay không là do ở lòng mình. Hà cớ chi lại ở ẩn cho ngày xuân hư mất?
Bà lão mĩm cười đáp:
- Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ngươi còn nhỏ tuổi, lại có vợ gần bên - nên chưa hiểu hết sự đơn côi của phòng không chiếc bóng - thì sao có thể thấu đặng hấp lực của nó thế nào? Mà nói nọ nói kia. Chẳng khiến cho hồn ta tăng thêm phần tiếc nhớ!
Vương Thành mở to mắt ra vì cảm phục. Chưa biết nói sao. Chợt nghe bà lão rộn ràng nói tiếp:
- Từ ngày ông mày cỡi hạc bay đi. Cứ mỗi ngày trôi qua là một lần tao làm... giỗ. Tao nghĩ. Giỗ chạp chỉ là hình thức bên ngoài - trong khi chân tình lại nằm gọn bên trong - thì cần chi phải tổ chức rùm beng mới ra điều lễ nghĩa?
Vương nghe tới đâu mát lòng theo tới đó, liền hớn hở mời bà cụ về nhà. Lúc đến nơi, Vương gọi vợ ra chào. Bà cụ thấy vợ Vương mặc áo rách. Đầu tóc rối bù. Sắc mặt thiểu não, bèn động mối từ tâm, mà than rằng: "Ôi! Con cháu Vương Giản Chi mà nghèo thế này ư?"
Lại nhìn thấy bếp núc lạnh ngắt. Giở liền chum gạo, thì thấy vài củ sắn thâm đen nằm chơi trong đó. Ngó ra sân sau, chỉ thấy cỏ cây tiêu điêu xơ xác, bèn buột miệng nói rằng:
- Cửa nhà như thế này, lấy gì mà sống?
Vợ Vương được dịp kể lễ cảnh nghèo nàn, nức nở khóc than qua hai hàng nước mắt:
- Đã là phụ nữ với nhau, ắt bà cũng thấu hiểu, là thân con gái, thì lấy chồng để nhờ chồng. Chớ làm gì có chuyện trái ngược. Lấy chồng để chồng... nhờ mà sống đặng hay sao?
Bà lão nghe vậy, bèn đưa chiếc xuyến bảo bán đi mà lấy tiền đong gạo, rồi cẩn thận dặn rằng:
- Sông có khúc, người có lúc. Lẽ nào lại tối mãi hay sao? Ba ngày nữa ta lại ghé thăm, để xem sự thể ra sao rồi sẽ liệu.
Đoạn, cất bước ra đi. Vương đưa ra tận ngõ mà nghe lòng lưu luyến. Lúc trở vào, đang bần thần rã rượi. Chợt nghe vợ lớn tiếng, hỏi:
- Vợ chồng. Muốn sống với nhau đặng lâu dài phải lấy sự thành tâm làm gốc. Nay chàng có bà con ruột thịt, mà chẳng nói năng chi. Há chẳng khiến cho thiếp buồn lên mắt biếc?
Vương Thành hốt hoảng nói:
- Với cha mẹ, ta có thể có đôi điều không thật - nhưng với nàng - Tóc... rụng còn nói ra. Huống chi chuyện thế kia làm sao mà giấu được?
Rồi đem mọi chuyện ra mà kể. Không bỏ sót một chỗ nào. Kể xong, mới cảm khái với lòng mà trút ruột trút gan:
- Ở đời phúc họa khó mà lường trước được. Nếu ta không thắng đặng lòng tham, thì cốt nhục tương thân làm sao mà tới được?
Ba ngày sau, bà lão tới, liền gọi vợ chồng Vương Thành đến, mà bảo rằng:
- Cháu nên kiếm nghề gì mà sinh sống, thì mới được lâu dài. Chớ cứ theo bè theo bạn. Nay bạc mai bài. Liệu đến tuổi già còn hối hận kịp chăng?
Vương Thành yếu ớt đáp:
- Có bột mới gột nên hồ. Cháu cũng biết vậy, nhưng trắng cả đôi tay, thì chỉ có nước... thua luôn chớ mong gì hơn được!
Bà lão kéo tay hai vợ chồng lại. Đặt vào một túi nhỏ, rồi tha thiết nói:
Lúc còn ông mày, vàng lụa lấy bao nhiêu cũng được. Tao tự nghĩ: Ông mày thích cái đẹp tự nhiên. Chớ không màng son phấn, nên tao chỉ lấy đủ để mua... dưa leo mà đắp mặt. Nay ông mày đã cưỡi hạc về trời, thì cái đẹp tự nhiên cũng chẳng cần chi đến nữa, nên tao cho vợ chồng mày làm vốn, để kiến tạo ngày mai. Cho con cháu yên vui mà sống đời tín nghĩa...
https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Câu chuyện 2 Quốc tịch

Câu chuyện 2 Quốc tịch

Vừa đây có nghe dư luận và báo chí phản ảnh từ hai ngành tư pháp và ngoại giao nêu lên "vấn đề giữ Quốc tịch Việt Nam" với chi tiết đáng chú ý: Là 5 năm sắp trôi qua rồi kể từ ngày Nhà nước công bố người VN ở nước ngoài muốn giữ lại Quốc tịch Việt Nam (cho phép có 2 Quốc tịch) thì đến các ĐSQ của chúng ta ở nước ngoài đăng ký giữ. Tuy nhiên vấn đề này cho đến nay xem ra chưa đưa lại kết quả khả quan. Vì con số đưa ra là trên 5 triệu người ở diện này thì mới chỉ có chừng 6.000 người đến đăng ký giữ lại Quốc tịch VN. Như vậy là quá ít.

Lại nghe nói các cơ quan chức năng VN một mặt lại muốn kéo dài thời hạn đăng ký, mặt khác sẽ tìm cách sửa đổi cơ chế, quy định sao cho “thực tế hơn”, “phù hợp hơn” với tình hình Việt kiều hiện tại (đúng ra phải dùng nhóm từ “người Việt Nam ở nước ngoài” mới đầy đủ ý nghĩa).

Việc sửa đổi luật pháp, quy chế, quy định… thì mình thấy nên nhưng kéo dài thời gina (lần này rồi lần khác nữa…) thì mình chưa thấy thuyết phục. Bởi đã trải qua đến 5 năm mà chỉ chừng ấy người Việt có Quốc tịch nước ngoài đến cơ quan đại diện nước ta đăng ký giữ Quốc tịch VN thì giả sử kéo thê một hai năm nữa cũng chắc chả hơn gì. Người nào dự định giữ Quốc tịch quê hương thì đã đi đăng ký ngay, chứ ra hạn thêm thì xem ra số người mới chắc cũng chẳng còn đông đảo nữa.

Nhân có chuyện này, chủ blog tôi xin phép tác giả ở Ba Lan đăng lại bài viết dưới đây để thấy thêm cách nhìn vấn đề cũng như một chút tâm trạng thực tế của người VN chúng ta đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài.
Vệ Nhi    

 -----

Vấn đề quốc tịch nước ngoài và quốc tịch Việt Nam


Với cương vị là công dân của Việt Nam và Ba Lan, tác giả bài viết chỉ muốn chia sẽ những góc nhìn của bản thân, khi đã có được một số kiến thức và những kinh nghiệm sống nào đó. Bài viết không hề có tính chất hướng dẫn, nhận xét hay phê bình bất cứ một ai. Ngoài ra nó cũng không thể là một chiếc bản đồ chỉ đường cùng với các nguyên tắc pháp luật, để ai đó có thể dựa vào đây lấy lý lẽ làm bằng chứng, vì một lý do đơn giản là tác giả chỉ là một công dân bình thường, hoàn toàn không có quyền (đó).
Là một công dân tự do, ai cũng có quyền đưa ra ý kiến của mình, góp phần nào đó cho xã hội ngày càng dễ dàng (về hành chính), cũng như lành mạnh và tươi đẹp (về cuộc sống) hơn. Tất nhiên, tiếng nói của 1 công dân cũng chỉ có những giá trị ở một mức độ nào đó. Nếu công dân có điều kiện để trở thành đại biểu quốc hội, thì khi đó tiếng nói sẽ có phần nào mạnh mẽ và thiết thực hơn, bởi vì khi đó sẽ được tham dự vào những công việc lập pháp cho cả quốc gia, sẽ góp phần tạo ra những bộ luật dễ hiểu, dễ áp dụng và quan trọng là thân thiện hơn cho người dân.

Tất cả các nguyên tắc pháp luật là do con người tạo nên. Và nó để phục vụ con người, không chỉ ở góc độ để dễ quản lý, mà ở mọi phương diện. Các bộ luật luôn được tạo ra, được sửa đổi, để tất cả mọi công dân đều cùng được áp dụng bình đẳng, khi cùng chung sống trong một cộng đồng lành mạnh. Do vậy, bộ luật nào hay nghị quyết nào, nếu không hợp lý trong cuộc sống, cũng có thể thay đổi tại mọi thời điểm, tức là phải điểu chỉnh ngay lập tức, sao cho hợp lý, có lôgic, phải có tính chất thực thi và quan trọng là phải để phục vụ mọi người dân. Mỗi một người dân khi sinh ra, đều đã có rất nhiều rất quyền lợi chính đáng, đa số mọi điều thực ra toàn là những chuyện hiển nhiên, nhưng vì một vài lý do khác nhau, không phải là ai cũng (muốn) nhìn nhận thấy những điều quan trọng này.
Nói chung, bộ luật nào đưa ra (đã được bàn luận và phê duyệt) đều phải mang tính chất thật công minh và quan trọng là phải thật dể hiểu cho tất cả mọi người dân. Tất nhiên là làm được điều này không hề dễ dàng, vì trình độ nhận thức của mỗi người là khác nhau. Nguyên tắc chung là bộ luật nào cũng phải rõ ràng, nhưng cũng không thể tạo điều kiện cho người dân dễ dàng làm những công việc được gọi là „lách luật”, đồng thời bộ luật cũng không thể là một „mớ bòng bong”, để cho người dân không thể hiểu và chỉ để cho những người có thẩm quyền có thể nhìn nhận và thi hành nó theo một cách tùy tiện. Nguy hiểm là khi nhà công chức nhìn nhận (áp dụng) luật với tiêu chí là chỉ để có lợi cho bản thân, mặc dù điều đó gây ra rất nhiều phiền hà cho người dân, chỉ theo nguyên tắc „hành là chính”, bởi vì là quốc gia nào cũng đang cố gắng bài chống tệ nạn tham nhũng.
Việt Nam và Ba Lan đều đang trên con đường phát triển, có lẽ ai cũng muốn hội nhập với thế giới, tuân thủ theo các nguyên tắc và đạo lý chung, chứ không phải là muốn làm gì cũng được, khi đang có nhiều quyền lực trong tay. Bởi vì là chúng ta đang sống trong một thời đại là đa số các quốc gia đều muốn có một nền kinh tế thị trường, cùng phát triển, cùng hội nhập và dễ dàng giao lưu, để có quan hệ hợp tác quốc tế với nhau, với tính chất toàn cầu. Chả ai muốn mình bị cô độc, vì trong cuộc sống của ai cũng cần có giao lưu, nhất là khi công việc làm ăn buôn bán đang phát triển ngày càng thuận lợi.
Về quốc tịch, Ba Lan (Việt Nam cũng vậy) có bộ luật công nhận quốc tịch theo tính chất thừa kế (theo máu). Tức là khi cha/mẹ có (những) quốc tịch nào là con cái sinh ra có được (những) quốc tịch đó. Hoàn toàn không phụ thuộc vào vị trí địa lý, nơi đứa trẻ sinh ra. Ngược lại, khi cả cha và mẹ là người nước ngoài, đứa trẻ sinh ra ở Ba Lan không có quốc tịch Ba Lan, mà nó phải nhận (những) quốc tịch của cha mẹ mình.
Trường hợp khi mà người mẹ là công dân Ba Lan, những đứa trẻ được sinh ra nghiễm nhiên có quốc tịc
h Ba Lan, trừ trường hợp khi người mẹ chỉ muốn cho con mình nhận quốc tịch nước khác (theo cha nó).


Trường hợp khi mà người mẹ là công dân Việt Nam, nếu tình trạng hôn nhân của người mẹ đang ở cương vị là kết hôn (có chồng) thì khi sinh con ở Ba Lan, người chồng nghiễm nhiên được/phải đứng tên là cha của đứa trẻ. Nếu đứa con là kết quả của „một vụ ái tình” khác, thì khi đó người chồng, người vợ và người bồ có thể cùng ra khai báo ở tòa án. Tòa án làm công việc xác minh (thẩm tra, hỏi cung, thậm chí xét nghiệm ADN nếu cần) rồi có thể đưa ra kết luận tuyên án là người chồng khi không có quan hệ với vợ vào thời điểm thụ thai, sẽ không phải là cha đẻ của đứa bé. Khi đó Phòng hộ tịch có thể gạch tên người chồng trong giấy khai sinh của đứa trẻ và người bồ (cha thật) của nó sẽ được ra Ủy ban làm thủ tục nhận con và ghi họ tên mình vào giấy khai sinh của nó. Nếu người chồng có quốc tịch Ba Lan, đứa bé (đã) có quốc tịch Ba Lan, nhưng sau khi có sự thay đổi, người cha mới của nó (tức người bồ của mẹ nó) không có quốc tịch Ba Lan, thì khi đó đứa bé sẽ không còn quốc tịch Ba Lan, bởi vì là hiện tại cả cha mẹ của nó đều không có quốc tịch Ba Lan, đứa trẻ hoàn toàn không còn gì liên quan với công dân Ba Lan (ông chồng của người mẹ) kia nữa. Thậm chí khi nó đã mang họ mẹ (và hiện vẫn giữ họ này), mặc dù đã có quyển hộ chiếu Ba Lan với hạn giá trị là 10 năm (có thể không ai đòi thu hồi cuốn hộ chiếu này, nhưng nó sẽ không được gia hạn) – đứa trẻ không là công dân Ba Lan. Vậy là không có chuyện là đã có rồi là không bao giờ mất. Có (sở hữu) quyển hộ chiếu là một chuyện, vấn đề (có) quốc tịch lại là hoàn toàn khác.




Nếu tình trạng hôn nhân của người mẹ đang ở cương vị là không có chồng thì người cha của nó sẽ được ra Ủy ban làm thủ tục nhận con luôn (không cần kết hôn). Nếu người cha có quốc tịch Ba Lan, đứa bé sẽ có quốc tịch Ba Lan, nhưng chỉ trong trường hợp người cha làm thủ tục nhận con khi nó chưa đầy 1 tuổi. Quá một năm, đứa trẻ chỉ được nhận quốc tịch của người mẹ.
Khi đứa bé có quốc tịch Ba Lan, trong trường hợp nó theo mẹ về Việt Nam sinh sống, nó vẫn luôn có quốc tịch Ba Lan, thậm chí khi quyển hộ chiếu của nó hết hạn. Không có chuyện hết hạn hộ chiếu là mất quốc tịch (Ba Lan). Có thể đến Đại sứ quán Ba Lan để xin hộ chiếu cho đứa bé tại mọi thời điểm. Lưu ý là mỗi khi làm hộ chiếu là cần có sự (giấy) đồng ý của người cha. Giấy ủy quyền thường là viết cho từng công việc, có giá trị vào từng thời điểm. Không có giấy ủy quyền nào có giá trị vĩnh viễn (bởi mọi ý kiến cá nhân luôn có thể thay đổi).
Gần đây, có nhiều người hỏi về vấn đề còn hay mất quốc tịch Việt Nam sau tháng 7 tới và có phải ai cũng phải đi đăng ký (quốc tịch) hay không. Theo cách hiểu của tác giả thì tất cả những ai đã và đang có quốc tịch (hộ chiếu) Việt Nam, nếu chưa bị/được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký cho thôi quốc tịch, sẽ vẫn luôn luôn là công dân Việt Nam. Gia hạn hay xin hộ chiếu (Việt Nam) mới lại là một vấn đề hoàn toàn khác, không hề có liên quan gì đến chuyện còn hay mất quốc tịch.
Chuyện đăng ký công dân với thời hạn giá trị tháng 07.2014 có lẽ chỉ liên quan đến những người dân gốc Việt ra đi khỏi Việt Nam từ trước 1975, khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa còn tồn tại và đã cấp (hay chưa hề cấp) hộ chiếu cho họ?



Chính quyền và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam cũng nên đưa ra những thông tin cụ thể, để tránh gặp những ý kiến là Việt Nam có nhiều bộ luật hay nguyên tắc khó hiểu, có quá nhiều điều luôn liên quan đến lệ phí hay là những mục đích kinh tế v.v..., bởi vì ai cũng biết là chính quyền quốc gia tiến bộ nào cũng luôn luôn tạo ra những bộ luật hữu ích nhất cho công dân nước mình. Tại sao thời hạn hay thời điểm sinh sống (trước 2008/2009, sau 2009 hay sau tháng 07.2014) lại có tính chất quan trọng như vậy, trong vấn đề có hay (không có) quốc tịch?

Tóm lại, tốt nhất là mọi người hãy chịu khó đến cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam để hỏi trực tiếp về trường hợp của bản thân, nếu thấy còn nhiều thắc mắc, khó hiểu. Khó mà có được một bài viết chung có hữu ích cho tất cả mọi thành phần. Có điều là không ai muốn có quá nhiều chuyện hành (là) chính khó hiểu!

3-2014
Ngô Hoàng Minh

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...