Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Ông nghị chỉ được cái nói đúng

Ông nghị chỉ được cái nói đúng

Bạn tôi gọi điện hỏi, sao ông đặt tít bài post sáng ngày “hiền khô à” (29/10). Thay vì viết “Một ý kiến rất đúng với thực tế” ông đổi lại thành “Ông nghị chỉ được cái nói đúng” có phải đậm cái ngôn ngữ dân gian đường phố không nào? Ngẫm thấy bạn mình vừa có lý vừa có óc hài hước, nên động tác thứ nhất, tôi đổi lại ngay cái tít của Entry trước; động tác thứ hai, tôi quyết “hành nghề” ngay để viết ra mấy hàng dưới đây.

Quả là lâu nay chúng ta ít thấy các vị nghĩ sĩ của dân mà nói được ra cái ý của dân mình nghĩ và muốn gửi gắm vào các vị. Làm sao vậy? Phải chăng vì phần lớn các vị ngồi ghế dân bầu đó lại có một cái ghế khác do bên trên của các vị sắp xếp cho? Không biết rồi cái ghế nào là chính, cái ghế nào là phụ. Nhưng chắc một điều là cái ghế mang lại quyền và lợi “thiết thực” hơn hết chính là cái ghế thứ hai chứ không bao giờ là ghế thứ nhất (giả thiết ta đánh số thứ tự như bài tôi viết này).

Về phía bà con ta thì quá hiểu điều đó và còn chắc như đinh đóng cột rằng cái ghế (danh nghĩa thôi) do nhân dân cắt đặt đấy là loại ghế có “hơi bị hẻo”. Nói cho cụ thể là ghế này rất hẻo về quyền lợi vật chất (chưa đề cập đến quyền tinh thần đâu nhé). Tức là một thứ ghế ngồi có cao sang nhưng ít mang lại lợi ích gì về vật chất cũng như về tài lộc. Trong khi cái ghế được bổ nhiệm được bầu bán theo kênh khác kia thì ai cũng biết, nó là cơm áo gạo tiền cả đấy. Vợ con, rồi sau này là họ hàng cháu chắt nữa, với nhiều trường hợp, chẳng phải đã “trông cả” vào đấy đó sao. Sơ sẩy để tuột để mất cái ghế chức tước cấp bậc xã hội ấy là hỏng việc lớn chứ đùa à! Nên lời ăn tiếng nói của các quan nghị trong trường hợp có ngồi cái ghế thứ hai kia thường bị lưỡng phân - chưa nói là đa phân đa tầng đa nấc – nên phải nghĩ, phải rất dè dặt cân nhắc khi ngôn luận công khai. Bởi quả thật là nó rất khó để uốn lưỡi cho ra đúng cái cách lập ngôn mà một con người được đặt vào vị trí quan trọng cần phải nói trước dân. Nên tốt nhất là có hiểu cũng để đấy, nín lặng được là an toàn hơn.

Chúng ta cứ chịu khó quan sát sinh hoạt nghị trường từ các buổi công khai phát thanh cho dân nghe và trông thấy qua truyền hình. Có phải thực chất là có mấy vị ngồi ghế cao ở địa phương hoặc bên chính phủ cũng như trong các cơ chế quyền lực khác chịu đăng đàn để phát biểu ý kiến của mình.

Đổi lại rất nhiều ý kiến mà dân nói là “nghe cũng được”, hoặc những ý nào đấy nó khá gần với ý dân thì lại đều rơi vào các vị không có ghế chính quyền nói ra. Dân còn phân biệt các ý kiến sắc sảo nhất, có tính phản biện cao nhất là của các vị đại biểu chưa tham gia đảng cộng sản - mà chúng ta quen gọi là người ngoài đảng.

Những điều được coi là nhận xét tóm lược nhất về sinh hoạt nghị trường trên đây diễn ra đều đều lâu nay đã được các phương tiện báo chí truyền thông làm chứng. Cả nước đều biết, khỏi phải dẫn chứng dài dòng thêm làm gì.

Cho nên chuyện có một ông nghị “cấp cao” (vì chủ nhiệm một ủy ban của quốc hội là ngang chức bộ trưởng bên chính phủ) phát biểu như vừa qua trong thảo luận tổ tại Quốc hội để góp ý cho văn kiện trình ĐH XI của Đảng như của ông Nguyễn Văn Thuận tôi trích dẫn trong Entry trước phải coi là “của hiếm” và “rất đáng quý”.

Những điều vị đại biểu này nói đều đúng cả. Lại là rất sát với tình hình thực tiễn đang diễn ra trên đất nước lâu nay. Dân tình lâu nay cũng nghĩ hết vậy cả. Nhưng cái mới cái hay là những điều trên đã được phát ra từ vị đại biểu nhân dân ở một diễn đàn quyền lực cấp cao nhất là Quốc hội. Rất mong nó được các cấp lãnh đạo lắng nghe
một cách nghiêm túc nhất và có biện pháp khắc phục để dân nhờ.

Để tiện các bạn tham khảo, tôi post lại bài phát biểu này của ông Nguyễn Văn Thuận phía dưới bài này.

Nguyễn Vĩnh

----------------

Một ý kiến rất đúng với thực tế

Quốc hội phiên thứ 8 đang họp đã dành thời gian góp ý vào Văn kiện trình ĐH Đảng XI sắp tới. Ông Nguyễn Văn Thuận, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã góp ý như sau cho Đảng.

(Bài đăng trên VietnamNet ngày 29/10/2010; nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201010/dang-khong-nen-quyet-tat-ca-944907/ )

Sao lại rụt rè "thí điểm" kết nạp DN tư nhân vào Đảng?

Để góp ý cho cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chuẩn bị cho ĐH Đảng XI, tôi thấy vẫn có sự "lệch" giữa lý luận, nhận thức và thực tiễn.`

Tại ĐH Đảng VI, khi Đảng ta quyết định tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, như thế ta đã thay đổi chủ nghĩa Mác, bởi chủ nghĩa Mác nói chế độ XHCN là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chỉ tư hữu về chế độ tiêu dùng. Khi chỉ có một thành phần kinh tế thì đương nhiên trên thượng tầng kiến trúc chỉ có một đảng, vì chỉ có một lợi ích. Khi đổi mới chúng ta chấp nhận 5 thành phần kinh tế nghĩa là chấp nhận đa thành phần kinh tế ở cơ sở hạ tầng. Mà hạ tầng cơ sở kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc xã hội. Vậy giờ đa thành phần kinh tế thì thượng tầng kiến trúc xã hội sẽ ra sao?

Đến ĐH Đảng IX, Đảng ta định thay đổi lần thứ hai về chủ nghĩa Mác: Động lực của sự phát triển là khối đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở giải quyết hài hòa các lợi ích, các thành phần kinh tế cùng tồn tại lâu dài, cấu thành một phần quan trọng nền kinh tế quốc dân.

Trong khi theo chủ nghĩa Mác thì động lực của sự phát triển là đấu tranh giai cấp, đỉnh cao của đấu tranh giai cấp là dùng bạo lực cách mạng, chuyên chính vô sản để xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

Cũng ĐH IX khẳng định phát triển các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động, khi đã xác định lao động là hàng hóa là trao đổi ngang giá chứ không có ai bóc lột ai. Chúng ta có ngày doanh nhân VN, trong khi nếu hiểu theo chủ nghĩa Mác thì doanh nhân thực chất là các nhà chiếm lĩnh tư nhân về tư liệu sản xuất.

Với những thay đổi cốt lõi này, ta phải diễn đạt lại về bản chất Đảng, thực chất là thay đổi bản chất Đảng. Đảng ta quyết định không thể đa nguyên, đa đảng, vậy thì đảng là đảng của ai? Ta đã nhận thức rằng Đảng Cộng sản VN là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân Việt Nam. Vậy thì Đảng là Đảng của toàn dân rồi, sao lại rụt rè "thí điểm" kết nạp DN tư nhân vào Đảng?

Như vậy, giữa mục tiêu ta định hướng tới với thực tế ta đang làm không trùng nhau. Khi tiến hành đổi mới, chúng tôi là những nhà nghiên cứu, chúng tôi hy vọng đất nước đang đi theo phổ quát của thế giới, nhưng ta lại đang muốn tìm con đường riêng...

Không ai lấn ai

Một vấn đề quan trọng nữa mà chúng ta bàn nhiều trong mấy chục năm nay, là Đảng lãnh đạo nhà nước như thế nào?

Quy luật kỳ chiến tranh khác, không thể mang mọi chuyện ra QH, HĐND mà bàn được. Đảng phải thông qua cơ quan hành chính, thông qua chính phủ kháng chiến để chỉ đạo, tập hợp lực lượng, các nghị quyết của Đảng không cần chuyển thành pháp luật mà cứ thế động viên nhân dân. Yêu cầu của thời chiến là thế.

Nhưng trong xây dựng kinh tế thì không thể cứ nghị quyết của Đảng, Đảng không nên quyết tất cả. Đảng phải hóa thân vào Nhà nước, cơ quan nhà nước phải tham mưu cho Đảng quyết định. Như nhiệm kỳ này chúng ta có kinh nghiệm với quyết định đầu tư Đường sắt cao tốc. Đảng để QH thảo luận và quyết thì có một quyết định hợp lòng dân.
Nghị quyết của Đảng muốn đưa ra xã hội thực hiện phải thể hiện bằng pháp luật, nghị quyết của Đảng chỉ có giá trị với đảng viên, xã hội không có trách nhiệm phải chấp nhận.

Linh hồn pháp luật chính là đường lối chính sách của Đảng

Hoạt động của QH, HĐND còn hình thức là do yếu tố lịch sử, khi đảng ta cầm quyền thì có chiến tranh, một thời gian dài thành tư tưởng nhận thức, mới có quan niệm chỉ cần Chính phủ mạnh chứ không cần QH mạnh, chỉ cần UBND mạnh mà không cần HĐND mạnh.
Trong xây dựng nhà nước pháp quyền thì thiết chế nào cũng phải mạnh, mỗi thiết chế làm đúng việc của mình chứ không ai lấn ai.

Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng không tuân thủ nguyên tắc. Đảng phải lãnh đạo nhưng phải theo nguyên tắc để QH, CP bàn, sau đó báo cáo lại, nghe cả mặt phải và trái rồi ra quyết định. Còn nếu cứ Đảng làm thay thì các thiết chế khác thành hình thức thôi.

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Sau câu chuyện ông Kim Ngọc

Sau câu chuyện ông Kim Ngọc

Lúc này câu chuyện ông bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú năm xưa lại được kể lại bằng điện ảnh trên truyền hình. 14 tập phim đã được chiếu. Như vậy còn tới gần 40 tập nữa mới kết thức câu chuyện.

Tuy nhiên với người Việt Nam mình thì chuyện của ông Kim Ngọc đâu phải “bí mật” gì nữa. Ai ai chẳng biết hết tất cả trước sau câu chuyện này rồi. Ông làm bí thư tỉnh ủy nhưng chính ông đã từ thực tế đời sống mà cho khoán hộ chui ở nông thôn. Ông ngầm ủng hộ cách làm ăn “phá CNXH” như các đồng nghiệp đồng chí của ông nhắc nhở, chính xác hơn là phá phong trào hợp tác hóa. Và chuyện ông bị báo cáo lên trên, ông bị kỷ luật đảng…

Và 22 năm sau đó, một lần nữa dư luận lại rộ lên khi Nghị quyết X của Bộ Chính trị đưa ra có nhiều điểm trùng khớp với tư duy của ông trước đó: Công nhận hộ xã viên là đơn vị kinh tế độc lập. Lần này, công lao của ông được nhìn nhận và đánh giá lại.

Tất cả những điều đó sẽ được các nhà làm phim truyền hình kể lại trong 50 tập phim. Hồi này đi về nông thôn, thấy dân tình bàn tán nhiều về phim. Phim thì họ có khen có chê. Tự nhiên thôi. Nhưng điều đáng nói là họ đều rất thích khi nhìn lại những cảnh huống trên phim thời bao cấp. Thấy sao mà các nhà nghệ sĩ phản ánh đúng thế sát thế. Thời ấy khổ quá, khổ ghê gớm. Và không hiểu là tại sao lại thiếu thốn khổ sở đến như thế không biết. Đấy là thế hệ 50 tuổi trở lên đã thấy như vậy (thế hệ có chứng kiến ít nhiều cảnh bao cấp khó khăn), còn cánh trẻ hiện nay thì còn thấy thế nào nữa? Chắc họ càng không hiểu là tại sao lại có thời khó khổ thiếu thốn đến như vậy.

Chung quy là tại cái đầu óc làm ăn cả thôi. Đất đai có, con người lao động có, nhưng nó như bị bủa vây bó buộc bởi bao thứ giáo điều mà “bó tay” tất cả. Chẳng thế ư, ngay khi làm ăn “chui” thành tựu được cân ngô cân sắn, con gà con cá cũng tuyệt không được công khai trao đổi với ai, không bán không mua vì tất cả lương thực thực phẩm là “quản lý” tuốt tuốt.

Thời ấy là vậy. Thôi không cần viết thêm, bộ phim đã miêu tả rất tốt về hiện thực đáng buồn đó.

Việc làm sống lại một hình tượng như ông bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc (phim đặt là ông Hoàng Kim), một lãnh đạo đầy tâm huyết với công việc. Ông thích tác phong sâu sát dân, lội bộ xuống cánh đồng, thích về họp với các chủ nhiệm hợp tác xã, với các bí thư đảng ủy xã hoặc bí thư huyện ủy. Ông thích gặp nông dân thường, cả người già người trẻ ở các vùng nông thôn trong cái tỉnh trung du rộng lớn của ông để làm giàu kho tri thức của một người lãnh đạo cấp tỉnh. Ông Kim Ngọc là týp cán bộ lãnh đạo dám làm dám chịu, tất cả vì quyền lợi của người dân. Ông cũng sẵn sàng đương đầu với những thách thức thời cuộc nên được các đồng sự tử tế thực sự ủng hộ ông và được bà con nông dân cùng thời hết sức yêu mến. Đương nhiên ông cũng là đối thủ, thậm chí như một thứ vật cản đối với những loại cán bộ lãnh đạo các cấp mỗi khi đối mặt với nhau trong việc chỉ đạo cái tỉnh hầu hết là nông thôn nông dân và nông nghiệp như Vĩnh Phú khi ấy.

Như một sắp đặt tình cờ, phim Bí thư tỉnh ủy phát sóng đúng vào dịp xã hôi ta đang có nhiều vấn đề nóng bỏng được đặt ra trong kỳ họp QH lần này như khai thác hay dừng các mỏ bô-xít, như cách quản lý doanh nghiệp qua vụ Vinashin... thì một hình tượng như bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc càng khiến dư luận và khán giả chăm chú theo dõi và suy ngẫm.

Giờ đây khi cái thời tập thể hóa nông nghiệp đã đi qua từ lâu, các thế hệ trẻ nhìn lại những câu chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc theo rõi và gây dựng cứ y như một câu chuyện cổ tích. Tuy nhiên bài học về nhân cách, về bản lĩnh lãnh đạo và nất là bài học sống động trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó.

Ở một góc độ khác, mong có nhiều những Kim Ngọc thời nay. Chính xác hơn là cần những “tư duy Kim Ngọc” mới, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước các vấn đề mới mà đất nước và dân tộc đang đặt ra.

Nguyễn Vĩnh

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Uốn lưỡi mấy lần?

Uốn lưỡi mấy lần?

Câu chuyện bô-xít đã trở lại và nhanh chóng là tâm điểm trên nhiều website cá nhân và blog Việt. Sự kiện bùn đỏ Hungari được ví như “giọt nước tràn ly” và hối thúc những lời can ngăn chính phủ trở nên quyết liệt hơn. Cảnh báo đưa ra là nên dừng khai thác bô-xít. Lợi ích nếu đưa lại cũng không thể bù cho thiệt hại nhiều bề mà nhỡn tiền là trái bom bùn đỏ treo trên nóc nhà Tây Nguyên. Điều này được coi là mối đe dọa hiện thực đối với vùng hạ cao nguyên rộng lớn nếu chúng ta cứ quyết lao vào khai thác bô-xít và chế nhôm lúc này.

Ngay báo viết và mạng luồng quốc doanh cũng đã xuất hiện những bài vở mà nội dung không dè dặt khép nép như lần báo nguy dư luận năm trước. Các cây bút giờ đây đã mạnh dạn trình bày rõ về lợi - hại của việc khai thác bô-xít đồng thời phô bầy một nội dung phản biện khá đa diện và khúc chiết về các vấn đề nêu trên. Thi thoảng cũng thấy vài ba bài tường thuật về phản ứng mà lập trường ai cũng đoán được của các vị bên than khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng hai bộ công thương và tài nguyên-môi trường khi họ bênh vực chuyện làm bô-xít.

Trong dòng phản ứng tự nhiên đó tôi cứ nghĩ với chức vị như ông Phạm Khôi Nguyên thì cái sự “lập ngôn” kỳ này phải khác. Không rõ là ông bộ trưởng họ Phạm đã uốn lưỡi mấy lần mà nội dung phát ra lần này của ngài vẫn bị xếp loại “mất giá” y chang như lần trước. Mới hiểu ngày nay, thông tin thì siêu tốc và dày đặc thì sự cẩn trọng đến mấy cũng không thừa đối với những chính khách thời nay muốn nói. Tránh “hố” trước dư luận cách thức duy nhất là suy nghĩ cho thật sâu sắc những điều mình muốn nói ra công luận. Và một chính khách khôn ngoan, một mặt giữ lập trường thì mặt khác phải là người tuyệt đối không bao giờ áp đặt ý nghĩ và lập trường mang tính quan phương của mình lên mọi đối tượng đang chờ mình phát biểu.

Thế nên tiếc cho Phạm tiên sinh lần này ở khoa ăn nói đã không có cải thiện gì so với đợt phát biểu trước đây. Không những câu chữ có sơ hở mà còn khiếm khuyết ở nhiều điểm cơ bản nữa. Tôi nhớ một vài phiên họp Quốc hội trước đây ông Phạm Khôi Nguyên cũng từng đề cập đến dự án bô-xít, và nhất là với chuyện lình xình trong vụ sông Thị Vải do Vedan thải độc thủy, vị bộ trưởng này cũng đã để lại “vạ miệng” trong nhiều ý tứ phô diễn vụng.

Tưởng như lần này ông Nguyên rút được kinh nghiệm để tránh lỗi việt vị trước dư luận. Nhưng trớ trêu cái sự đời, sau khi biết ông Nguyên phát biểu có những ý “hở sườn”, báo chí và cư dân mạng lại được một phen tha hồ tung tẩy, mổ xẻ mãi không dừng. Đến mức có người trước từng ở chức quan còn trên cơ ông Nguyên khi nghe nội dung ông Nguyên phát đã phải thốt lên “Nông nỗi này thì hỏng rồi ngài Mi-nít-tờ môi trường ơi” (ông này đùa chêm tiếng Anh - “Minister” là bộ trưởng mà).

Vậy ông Phạm Khôi Nguyên đã nói sao?

Trên các báo lề phải của nhà nước đều đã tường thuật kỹ, tôi chỉ thuật lại mấy đoạn:

Tại Quốc hội phiên 8 đang họp ở Hà Nội lúc này, ông Phạm Khôi Nguyên nói rằng bộ ông (bộ tài nguyên & môi trường) khẳng định “hai khu xử lý bùn đỏ cho bô-xít ở Tây Nguyên là an toàn”. Nhưng ông vẫn đệm theo hai từ “tuy nhiên” sau đó (tôi cho là sự thêm ‘dại khờ’): “Tuy nhiên vì mình chưa vận hành nên chỉ khẳng định sự an toàn trên lý thuyết và chạy mô hình”.

Sau đó trả lời cho câu hỏi: “Thực tế do khí hậu biến đổi, bão lũ thất thường và động
đất thì bộ có khẳng định độ an toàn sẽ không xảy ra sự cố của hai khu xử lý bùn đỏ đó hay không?” thì ông Phạm Khôi Nguyên lập tức phân bua ngay rằng: “Câu hỏi này không ai trả lời được”; rồi tiếp: “Tuy nhiên dự án này tác động đến môi trường tới đâu đã được các bộ, ban ngành tính hết rồi”.

Đoạn ông Phạm Khôi Nguyên còn khéo “khoe” là “chi khoảng 30-50 triệu USD để làm khu xử lý bùn đỏ” (không biết ‘đã chi’ hay ‘sẽ chi’/hoặc ‘đang chi’ vì ông Nguyên chưa nói rõ), và rồi là: “Áp dụng các công nghệ đã được thẩm định qua Hội đồng quốc gia”, “v.v…” và “v.v…”.

Đến đây những tưởng người nghe thấy mọi sự có thể ổn thỏa. Ấy nhưng không, ông Nguyên như thể chưa yên tâm nên ngài vội kê “bài tủ” ra với ít từ ngữ dưới đây thật là “bất hủ”: “Còn sự cố nó có xảy ra hay không thì làm sao chúng ta biết được”.
Ô kìa, sao lại có chuyện “làm sao mà biết được”! Hay đây chính cái gót Achille chết người không giấu giếm vào đâu được của những câu chuyện môi trường?

Diễn nôm chuyện ông Phạm Khôi Nguyên và các bậc quan bé hơn ở than khoáng sản cứ trường diễn đại loại là kiểu “chúng tôi đang làm mới là tính về lý thuyết”, sau rồi chuyện biến thiên trời đất, biến đổi khí hậu mưa to gió lớn thì “chúng tôi (cũng như các vị nhân dân thôi) đều đâu có biết được”.

Quả bóng như vậy được đá loạn hướng mất rồi. Nhà nước, mà đây cụ thể là một chính phủ lại nói với dân nước mình một câu với giọng truyền nhả quả bóng trách nhiệm một cách đơn giản và dễ dàng đến thế chăng? Chắc chắn là không được rồi.

Nhưng đã đến lúc kết thúc bài viết. Tôi muốn quay lại cái ý ban đầu: Đứng trước cả loạt những ý kiến phản biện của giới nhân sĩ trí thức Việt Nam cả trong nước và ngoài nước đồng thanh hãy dừng vụ bô-xít Tây Nguyên lại, người dân rất mong các chư vị lý thuyết suông kể trên hãy cố mà “thực sự cầu thị” cho lần may mắn này.

Lắng nghe các vị sẽ thấy trong những tiếng nói khẳng khái ấy có nguyện vọng thiết tha của nhiều người dân thường. Các vị đừng cố kỉnh đối phó bằng mấy động thái kiểm tra thanh sát về môi trường “Chúng tôi đã làm kỹ làm tốt” vội vã đưa ra không mấy thuyết phục. Hãy trông gương phản biện rõ ràng từ một cường quốc bô-xít và luyện nhôm cỡ nhất nhì thế giới là Hungari kia thì càng rõ.

Thêm nữa những lời khuyên can kia còn đến từ năm trước của vị Đại tướng lừng danh và rồi sau đó là của rất nhiều các vị nhân sĩ trí thức nổi tiếng của đất nước...
Cho nên lúc này khôn khéo nhất là các vị lý thuyết suông trên kia hãy biến các lý lẽ phản biện trở thành duyên cớ để các vị chuồi ra khỏi yên cương con ngựa có thể nói là rất bất kham mà các vị đã trót cưỡi lên mấy năm qua… Trước khi mọi việc trở nên quá muộn!

Chúng tôi rất tin dân tình sẽ ghi nhớ rằng đây sẽ là một quyết định nhận sai sót và có thể cả nông nổi ở tầm chính phủ - nên đương nhiên là một quyết định rất khó khăn, thậm chí là rất đau đớn - nhưng hướng được về lợi ích toàn dân chứ không phục vụ riêng cho một nhóm lợi ích nào cả. Một khi điều đó dân hiểu thì tăng niềm tin và sự đồng thuận xã hội.

Nguyễn Vĩnh

Trân quý lời người xưa

Trân quý lời người xưa

Nhân Học viện Ngoại giao (tên chính thức Học viện Quan hệ Quốc tế) tiếp tục tổ chức hội thảo về Biển Đông, lần này làm ở Sài Gòn, tưởng cũng nên nhắc ở đây mấy lời tiền nhân để lại (trong đoạn trích dưới đây của vua Trần Nhân Tông).
Lời lẽ người xưa là nói chuyện xảy trên các vùng đất biên thùy Việt Nam - Trung Quốc khi đó. Nay chúng ta đọc thấy được ý tứ nhắm tới là những nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, cũng là vạch rõ nhiều mưu mô xâm lấn bờ cõi nước ta trong lịch sử. Giờ đây thấy ứng vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng đúng. Lời lẽ ông cha chúng ta phải hết sức cầu thị và từ đó hướng về sự cảnh giác cao độ trước các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ cho thời hiện đại. Chứ không bao giờ được phép lơi là coi nhẹ các mưu đồ bành trướng bá quyền của các thế lực phương Bắc về các vấn đề biên giới lãnh thổ, trên đất liền và nay là biển cả, bất cứ lúc nào và ở đâu chúng ta cũng đừng mất cảnh giác mà có tội với cổ nhân.

Nguyễn Vĩnh

-----------------------

TRẦN NHÂN TÔNG DẶN DÒ CON CHÁU MAI SAU

“Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ tự cho mình cái quyền nói một đường, làm một nẻo. Vả lại, phải xem đây là mưu của người Trung Quốc. Chỉ người Trung Quốc mới nghĩ ra các thứ mẹo vặt ấy. Loại trừ những điều nhân nghĩa ra, thì các nhà cai trị Trung Hoa không việc gì mà họ không làm. Từ những việc kinh thiên động địa đến việc tán tận lương tâm, miễn sao họ có lợi. Cũng nên nhớ, đây còn là quốc sách truyền thống của người Hoa Hạ từ ngày họ mới lập nước tới nay. Các ngươi có nhớ, hồi đánh giặc Thát ta chỉ ngại cái đám mưu sĩ người Tống, hàng phục nhà Nguyên, lẫn vào trong đó. Cho tới khi trừ được bọn Lý Hằng, Lý Quán rồi ta mới yên tâm đánh bọn Thoát Hoan, Tích Lệ Cơ Ngọc. Bọn người Thát trước sau gì rồi cũng không nuốt nổi Trung Hoa. Cho nên cái họa lâu dài của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp, không thôn tính được ta thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lần lần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn: – Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó, như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Chuyện thần thoại Chile

Chuyện thần thoại Chile

Gọi là cổ tích cũng được, nhưng thần thoại thì đúng hơn. Thần thoại vì nó là việc làm ly kỳ quá, vượt qua mọi trí tưởng tượng: 33 thợ mỏ bị sập hầm ở một độ sâu 700 mét. Khoảng cách như vậy đâu phải chuyện dễ dàng cứu họ dù có muốn. Nhưng rồi người Chile đã cứu được tất cả lên mặt đất…

Quyết cứu là một quyết định rất dễ đưa ra nhưng điều quan trọng hơn là cách cứu như thế nào. Phải tổ chức mọi công việc cứu người cho thật tỉ mỉ và khoa học thì mới mong thành tựu. Ta cứ tưởng tượng, phải tổ chức việc khoan đào thật nhanh và độ chính xác cao. Phải tìm cách liên lạc với người lâm nạn càng sớm càng tốt. Khi mũi khoan đầu tiên chạm đích là việc tiếp tế thật nhanh thức ăn nước uống, rồi các vật thiết dụng khác… Bất cứ một chi tiết nào sai trật là có thể là làm hỏng tất cả.

Nên điều ấn tượng mạnh với cộng đồng thế giới những ngày vừa qua chính là cái cách cứu người bị nạn của người Chile. Chắc chắn cần nhiều tài lực nhân lực từ các lĩnh vực khác nhau góp sức vào, đương nhiên. Nhưng không đủ. Còn là sự áp dụng thích đáng các ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất có thể vào việc ứng cứu này. Chúng ta biết được là phải có một mũi khoan đi thật chính xác vào lòng đất đá giữa một sa mạc khô cằn. Mũi khoan sâu tới hơn nửa cây số như thế này phải chạm trúng cái chỗ mà căn hầm những người thợ đang mắc kẹt. Nghe nói có cả NASA của Mỹ tới để giúp việc định vị đạt được độ chính xác tuyệt đối này.

Bây giờ mọi sự việc đều đã trôi qua. Nhưng có một điều đọng lại nhất là tình người. Một tình người bao la mà hiện thực. Chứ không những điều mĩ miều khoe đạo lý mà chả có gì thiết thực như ta vẫn thường gặp phải.

Suốt 69 đêm ngày, mấy trăm con người trần mình làm việc không kể giờ giấc mong cứu cho được sinh mệnh đồng loại mình.

Hình ảnh ông tổng thống ôm hôn người thợ cả, người thứ 33 lên sau cùng, với những giọt nước mắt vỡ òa của người Chile đã làm cả thế giới lặng đi vui sướng và cảm động. Có thể, những chính khách ở các chân trời chính trị khác nhau đều học được một điều gì đó từ hình ảnh này. Vì nó chứa chan tình nghĩa giữa con người với con người.

Nguyễn Vĩnh

Vụ 9 ngư phủ - nghĩ về công việc ngoại giao cần làm

Vụ 9 ngư phủ - nghĩ về công việc ngoại giao cần làm

Vụ 9 ngư dân Quảng Ngãi chưa/không trở về nhà phải coi là một bài học cho công việc ngoại giao chúng ta đang làm hiện nay.

Bởi trước khi quy trách nhiệm cho bất cứ ngành nào trong vụ đang “mất người” này thì một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao (cụ thể là công tác lãnh sự) là bảo vệ quyền lợi cho công dân ta khi ở nước ngoài lúc nào cũng phải xem trọng.

Trong khi đó thì ở vụ này, việc cơ quan lãnh sự rất ít thông tin về công dân bị bắt giữ cũng như không đạt được sự chứng kiến khi công dân ta được trả tự do về nước đã để lại cảnh “mịt mùng” thông tin cho việc tìm kiếm hiện nay.

Đọc bài trên tamnhin.net về nghề ngoại giao, tôi xin phép cóp về hầu chuyện bạn đọc vì nó đặt ra cho chúng ta nhiều chuyện phải nghĩ lại. Thấy một cái gì như cay đắng của thất bại ta phải luôn nếm trải gần đây về đối ngoại. Chứ không thuần túy là những thắng lợi, những ào ào bốc khen nhau mà khỏa lấp được. Hãy dành ít phút đọc bài viết của tác giả Nguyễn Huy Cường sẽ thấy được phần nào sự đòi hỏi ngày nay với ngành ngoại giao.

NV

--------------

Ngoại giao - năng lực và sứ mệnh

Ngày xưa, việc tuyển trạch sứ thần đại diện cho đất nước ta đi sứ tới các lân quốc là rất hệ trọng. Các vị này đã đem lại nhiều niềm vinh hạnh cho đất nước, kể cả khi ấy, đất nước ta còn là một quốc gia bé nhỏ. Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Mạc Đĩnh Chi còn được lưu danh như những danh nhân lớn từ “nghiệp” ấy.

Ngày nay, công tác ngoại giao đang đứng ở tuyến đầu của công cuộc hội nhập. Ngoại giao, nếu làm tốt, sẽ là người đi tiên phong, là định hướng cho sự nghiệp giao thương với thế giới bên ngoài và góp phần đem lại những nguồn lợi lớn cho đất nước.

Nhưng hơn hết, trong một số địa hạt, ngoại giao còn góp phần tôn cao những giá trị Việt Nam, gìn giữ những giá trị kinh tế hoặc nhân mạng cho con người của công dân nước mình khi có tranh chấp, xung đột.

Để làm được việc đó, tình hình mới yêu cầu ngành ngoại giao phải có tư thế sẵn sàng, chủ động và sáng tạo trong hành xử.

Nhiều nơi, nhiều lúc ngành ngoại giao chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Năm 2007 chỉ tại một nước Malaysia đã có 2007 lao động Việt Nam bị “đột tử”.

Trước và sau đó, nhiều lao động của ta bị ngược đãi nghiêm trọng nhưng phần lớn họ đều bất lực, đơn lẻ và chịu mọi thiệt thòi, kể cả nhân mạng họ.

Có trường hợp, cha của một lao động xuất khẩu tại Malayxia quê ở tỉnh Vĩnh Phúc nhận được tín hiệu cấp cứu của con mình và đồng đội, đã phải tự thân vận động những thế mạnh quan hệ trong cộng đồng, quen biết để tìm cách cứu con về một cách vô cùng gian nan, vất vả.

Cách ứng xử của cơ quan ngoại giao ta ở nước này thường đi sau các sự kiện , khi mọi sự đã an bài và phần thiệt thòi thường thuộc về công dân ta.

Những ngày này, nếu từ phía các cơ quan ngoại giao ta ở Trung Quốc có thông báo về những sự trợ giúp tối thiểu cho chín công dân Quảng Ngãi được thả về để họ có những điều kiện an toàn tối thiểu khi vượt biển cả sau những ngày tháng bị cầm giữ thì nhân dân ấm lòng biết bao. Từ nghĩa cử ấy, cộng đồng sẽ thấy được sức mạnh đoàn kết, dân tộc vốn có từ ngàn xưa để vượt qua những khúc quanh nhọc nhằn hôm nay. Cơ quan ngoại giao của ta ở Trung Quốc không khó để tiếp xúc, động viên hoặc hỗ trợ cho bà con gặp nạn khi họ được trả về.

Chúng ta vô cùng xúc động khi thấy ngày 13/10/2010 đích thân Tổng thống Bolivia sang tận Chile để đón công dân duy nhất của nước mình được cứu thoát từ tai nạn sập hầm mỏ.

Chúng ta cũng vô cùng xúc động khi thấy hồi năm 2005 Thủ tướng Australia John Howard trực tiếp can thiệp với giới hữu trách Singapore để xin giảm án tử hình cho một công dân Úc gốc Việt phạm tội đang chờ án tử hình tại Singapore. Sau khi không được phía Singapore chấp thuận, vị thủ tướng này đã xin nhà chức trách Singapore tội phạm Nguyễn Tường Vân được gặp gia đình mình trước khi hành quyết và Singapore đã chấp nhận.

Đó là những nghĩa cử thật sự cao cả, minh chứng tầm và tâm đáng kính quý của người lãnh đạo đất nước và làm cho uy tín của riêng các vị đó cũng như tư thế của đất nước các vị đó được nể trọng trên trường quốc tế.

Sứ mệnh cao cả, tấm lòng nhân bản, hành động kịp thời là những phẩm chất không thể thiếu của nhà ngoại giao, của công tác ngoại giao trong bất cứ thời đại nào.

Nguyễn Huy Cường
(Nguồn: tamnhin.net)

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Giải thưởng và xét giải thưởng

Giải thưởng và xét giải thưởng

Lúc này có thể còn sớm để đánh giá tác động như thế nào đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc (và cả chính sách đối nội một phần nào) trong quyết định của Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy trao giải này cho ông Lưu Hiểu Ba. Tác động này có thể tích cực hoặc tiêu cực là tùy cách nhìn và phản ứng của Bắc Kinh chứ tại Oslo thì một khi đã quyết định như thế thì khó có sự thay đổi hay nhân nhượng.
Chuyện ông Lưu, một nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù thì lẽ thông thường chẳng ai muốn mạo hiểm chọn trao giải để chuốc thêm thách thức cùng nỗi tức giận của chính quyền sở tại. Mà nước đó lại là Trung Quốc thì càng phải dè chừng, tính toán. Đúng là Chính phủ Trung Quốc đã không ngần ngại tung ra những chỉ trích mạnh mẽ và một sự ngăn cản ra mặt về việc Ủy ban tại Na Uy dự tính trao giải năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba.
Mặc vậy, cái Ủy ban đầy quyền uy ở xứ Bắc Âu kia vẫn bất chấp và quyết định chọn nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc để trao Giải Nobel Hòa bình năm 2010. Thật là một quyết định bạo dạn và cũng được ví như tung một đường quyền ngoại giao “vỗ mặt”.
Nên nhớ Ủy ban này là một tổ chức độc lập nhưng lại do Quốc hội Na Uy lập ra. Cho nên việc chọn ứng viên chống đối ở Trung Quốc, Oslo không phải là không tính đến các “đổ vỡ” ngoại giao và những thiệt hại kinh tế-tài chính có thể xảy ra với Na Uy. Tính toán mọi điều, Ủy ban Nobel Hòa bình này vẫn không nhượng bộ càng thấy cái sức mạnh mềm - trong đó bao gồm sức mạnh từ ngoại giao - của một Na Uy nhỏ bé trong tương quan với Trung Quốc, chúng ta càng thấy thái độ kiên quyết của Oslo là đáng nể trong cảnh huống này. Và về Trung Quốc, cái sức mạnh mềm của họ cũng đâu phải xem thường được, nhưng chúng ta vẫn thấy lộ ra “những giới hạn đáng kể” trong bàn cờ thế giới ngày nay. Nói thẳng ra với lần này, chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc đã phải dừng bước nếu không muốn nói đã bị cú đúp thủng lưới.
Nói về thua thắng tưởng cũng nên nhắc Na Uy là một quốc gia không tới 5 triệu người và tiềm lực quân sự đâu được hùng cường. Nhưng đây là một quốc gia độc lập thật sự, nghĩa là không phải thứ độc lập trên giấy tờ. Na Uy là một nước nằm ở bên tây âu tư bản nhưng không a-dua trong các lựa chọn toàn cầu. Điều quan trọng nhất là họ sớm biết vượt nhanh qua những năm tháng khó khăn sau thế chiến 2 để tập trung xây dựng một đất nước kinh tế giàu mạnh, khoa học giáo dục tân tiến và con người được phát triển tự do thật sự. Và vì thế họ mạnh thật sự. Cái mạnh nhất ở Na Uy là nhìn vào một loạt các chỉ số như thu nhập đầu người, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường, chỉ số minh bạch thế giới (chỉ số này liên quan đến việc chống tham nhũng)… của đất nước này đều ở hạng đầu của thế giới. Cho nên tiếng nói độc lập của họ trong các vấn đề quốc tế, cụ thể ở đây là trong việc lựa chọn người trao một giải thưởng danh giá như giải Nobel, phía Na Uy đã không chịu sức ép của ai, sức ép từ đâu là một điều đáng nói và đáng vì nể.
Nguyên nhân chính là họ có sức mạnh thật, mạnh về kinh tế và mạnh về thể chế chính trị - nhất là sức mạnh của những con người thụ hưởng một nền học vấn chung vững chắc, được sống trong một môi trường tự do sáng tạo thật sự - nên họ không e sợ bất cứ một thế lực nào khi quyết định các vấn đề mà họ cho rằng mình đã đi đúng, đã đánh giá đúng.
Ở đây tôi không đi vào tranh luận việc chọn ông giáo sư, nhà văn, nhà bất đồng Trung Quốc Lưu Hiểu Ba là đúng hay chưa đúng. Tùy từng góc nhìn, chỗ đứng mà đưa ra ý kiến, việc đó tuy quan trọng nhưng chưa phải là chuyện chính yếu nhất. Và từ nay đến ngày 15/12 khi tổ chức trao giải tại thủ đô Na Uy cho ứng viên chiến thắng kia còn có thể xảy ra bao nhiêu kịch bản, bao nhiêu tình huống khác nhau – người được giải có nhận không, có được sang Oslo nhận trực tiếp không, phía quyền lực Trung Quốc có còn can thiệp gì nữa không… đều vẫn là chuỗi những câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng riêng việc chọn lựa của Na Uy hằng năm cho giải thưởng danh giá trên đây, chúng ta có thể thấy được tính chất “độc lập” rất rõ ràng và tính không lệ thuộc vào áp lực từ đâu, áp lực của ai trước đề xuất mà Ủy ban chọn giải này đưa ra.
Chúng ta có thể tham khảo đôi nét về Giải thưởng Nobel Hòa bình cũng như danh sách cá nhân và tổ chức đã được trao giải (kê dưới đây) trong 5 năm gần đây nhất (2005 – 2010) * để thấy sự đa dạng, tính toàn diện của các nhân vật nổi tiếng và tổ chức được nhận giải Hòa bình Nobel.
Ở nước mình có biết bao nhiêu thứ xét thưởng, những ban giám khảo, ban tổ chức và cũng là vô số các cơ chế để đề cử, tuyển chọn cho người trúng thưởng từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Rồi từ đó cũng là “cấp số nhân” những ì xèo ca thán về tính khách quan, nghi ngờ về sự độc lập của các ban bệ khi xem xét quyết định tặng giả suốt trong và sau các kỳ tuyển chọn rồi trao giải…
Vậy thì đây, trong trường hợp Na Uy, phần ta nhận thức được cách ứng xử đàng hoàng và đầy tính độc lập khi họ dám - tạm gọi là “tranh hùng” – đối với một quốc gia đầy thế lực như Trung Quốc; phần khác có thể là bài học ta nên học và học được cũng từ Na Uy - cụ thể là từ cách làm để xét thưởng - của một Ủy ban hoạt động hợp hiến như Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình Na Uy đối với các công việc tương tự ở nước ta thường gặp phải.

Nguyễn Vĩnh

--------------------

* Giải Nobel Hòa bình (tiếng Thụy Điển và tiếng Na Uy: Nobels fredspris) là một trong năm nhóm giải thưởng ban đầu của Giải Nobel. Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel hòa bình nên được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình". Có nhiều người cho rằng Nobel đã lập ra giải thưởng này trong di chúc như một cách đền bù cho các chất nổ phát minh của ông vốn được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh như dynamit hay ballistite. Thực tế thì ngoại trừ ballistite, không một loại chất nổ nào của Nobel được sử dụng trong chiến tranh khi ông còn sống[1].
Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10 tháng 12, ngày mất của Alfred Nobel tại thủ đô Oslo của Na Uy. Trong khi phần lớn các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định, thì người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Chủ tịch hiện tại của ủy ban này, tiến sĩ Ole Danbolt Mjøs cũng là một người từng được trao Giải Nobel Hòa bình. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì vào thời điểm Alfred Nobel viết di chúc, Thụy Điển và Na Uy gần như là một liên bang trong đó Chính phủ Thụy Điển chịu trách nhiệm lĩnh vực đối ngoại còn Quốc hội Na Uy chịu trách nhiệm lĩnh vực đối nội. Alfred Nobel chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ông lại chọn Na Uy là nước chịu trách nhiệm xét giải Nobel Hòa bình chứ không phải Thụy Điển[2], nhiều người cho rằng có lẽ Nobel muốn loại trừ việc các chính phủ nước ngoài có thể thao túng Giải Nobel Hòa bình, vì vậy ông đã chọn Quốc hội Na Uy, vốn không chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại.

2010

Lưu Hiểu Ba (Trung Quốc
vì cuộc đấu tranh trường kỳ và bất bạo động nhằm đòi nhân quyền cở bản ở Trung Quốc

2009

Barack Obama (Hoa Kì)
vì nỗ lực phi thường để tăng cường đối ngoại quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc

2008

Martti Oiva Kalevi Ahtisaari
Viipuri (Phần Lan)
vì những nỗ lực đặc biệt của ông ở nhiều châu lục và hơn 3 thập kỷ để giải quyết các xung đột quốc tế để giải quyết một cuộc xung đột kéo dài lâu năm ở Kosovo

2007

Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu
Al Gore (Hoa Kỳ)
Hoạt động cảnh báo về thay đổi khí hậu

2006

Mohammad Yunus (Bangladesh)
Ngân hàng Grameen
Tham gia chống đói nghèo

2005

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Hủy bắn pháo hoa ngày 10/10

Một quyết định đúng, hợp lòng dân

Lúc gần 11g trưa hôm nay Báo điện tử ViêtnamNet đưa tin Hà Nội hủy bắn pháo hoa dịp Đại lễ để dành chi phí đó gửi vào cho đồng bào các tỉnh Miền Trung đang chịu cảnh màn trời chiếu đất và thất bát mọi thứ vì lũ lụt rất lớn vừa xảy ra. Hoan nghênh Lãnh đạo Hà Nội về một quyết định đúng và hợp lòng dân này.

HauchuyenBlog

----------

Hủy bắn pháo hoa dịp Đại lễ

Tin đưa trên VNNet - Cập nhật lúc 10:48, Thứ Sáu, 08/10/2010 (GMT+7)
- Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thông báo không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm tối chủ nhật này, dành tiền gửi các tỉnh miền Trung.


Thông báo số 412 TB/TU của Thường trực Thành ủy Hà Nội sáng nay (8/10) nêu rõ: Không tổ chức bắn pháo hoa ở toàn bộ 29 điểm trên địa bàn Thành phố trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những ngày qua, tình hình mưa lũ, diễn biến phức tạp, gây tổn thất lớn, liên tiếp về người và của đối với đồng bào các tỉnh miền Trung. Với tinh thần tương thân, tương ái, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội đã phát động quyên góp, ủng hộ các tỉnh miền Trung và được đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng.
Để tiếp tục chia sẻ, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn nữa tình cảm và trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước nói chung, đối với đồng bào các tỉnh miền Trung nói riêng, Thường trực Thành uỷ quyết định không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn TP trong dịp Đại lễ như theo kế hoạch đã định. Toàn bộ kinh phí này sẽ được dành gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai.
Theo báo Hà Nội mới, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục quyên góp, ủng hộ nhằm giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Thành phố quyết định sẽ cử các đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các tỉnh miền Trung.

PV

--------------------
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201010/Huy-ban-phao-hoa-dip-dai-le-940189/

Tin ngắn xúc động

Tin ngắn xúc động

Một dòng tin gây xúc động lớn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho đồng bào bị bão lụt ở tỉnh Quảng Bình, quê hương của Ông.
Trong lúc đau yếu phải điều trị liên tục nhiều tháng nay, việc này càng gây xúc động hơn với nhân dân cả nước yêu quý Ông, người học trò xuất sắc lớp đầu tiên của Cụ Hồ luôn biết sống vì Dân, lo cho Dân.
Thư này trong lúc này càng có ý nghĩa hơn khi Hà Nội đang rầm rộ tổ chức kỷ niệm 1000 năm tuổi, một thân già đã vào trăm tuổi như Đại tướng vẫn không quên cảnh màn trời chiếu đất lũ lụt nơi quê nhà…
Xin phép Bee.net.vn mang về Blog nhà mẩu tin quan trọng này vào lúc đang cao trào Đại lễ để post lên bạn bè hauchuyenblog tôi cùng biết.

Hầu chuyện Blog

----------------------

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên Quảng Bình

08/10/2010 07:21:10
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư thăm hỏi động viên bà con nhân dân nơi quê nhà thương yêu, đùm bọc nhau vượt qua hoạn nạn.
Tính đến 18h ngày 7/10, tỉnh Quảng Bình có 55 người chết và mất tích do lũ lụt. Nhiều vùng ở các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch vẫn ngập sâu trong nước.
Riêng huyện Minh Hóa có gần 3 ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước. Đến sáng nay 8/10 nước rút chậm nên một số vùng vẫn trong tình trang bị chia cắt. Tân Hóa, xã bị chia cắt lâu ngày, người dân vẫn phải trú ẩn trong các lèn đá. Nước chảy xiết nên việc cứu hộ rất khó khăn.
Nhiều người dân nói trong nước mắt: Suốt mấy ngày qua, 5,6 người chia nhau 1 gói mỳ tôm, áo quần bị ướt không có để thay, đói rét nên bà con phải cưu mang nhau qua cơn hoạn nạn.

Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đã bị chia cắt nhiều ngày. Ảnh Bee
Ở các vùng nước lũ rút là cảnh tang thương: nhà cửa sập đổ ngổn ngang, bàn thờ nghi ngút khói hương, người chết vẫn chưa được chôn cất vì nước ngập. Nhiều người dân đã bị các bệnh đau mắt, nước ăn chân và lo lắng nguy cơ các dịch bệnh khác sẽ xảy ra.
Trưa ngày 7/10, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã huy động 50 cán bộ, chiến sỹ trung đoàn 996 đến 2 huyện Tuyên, Minh Hóa giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt.
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải sau khi đi thị sát các vùng bị ngập lụt đã biểu dương tinh thần cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả lũ lụt của Quảng Bình.
Phó thủ tướng đã quyết định hỗ trợ cho tỉnh 1 ngàn tấn gạo và 100 tỷ đồng, đồng thời đã chỉ đạo tỉnh Quảng Bình tiếp tục dùng mọi biện pháp cứu hộ người dân các vùng vẫn ngập nước và giúp dân các vùng nước đã rút an táng người thân, có đầy đủ thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, không để cho bà con đói rét, bệnh tật.

Hồng Hiếu

--------------

Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1987/201010/dai-tuong-Vo-Nguyen-Giap-gui-thu-dong-vien-Quang-Binh-1771716/

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Đốt tiền

Đốt tiền

Vài tuần trước tôi có mấy chuyến đi. Chuyến đầu xe chạy một vệt từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang, thăm ATK rồi quay về nhà theo ngả Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Yên. Chuyến sau đi về mạn Uông Bí, Quảng Ninh rồi ghé Chí Linh, Côn Sơn, Kiếp Bạc trở lại Hà Nội qua Nam Sách, Hải Dương, Hưng Yên. Ngoài những ghi nhận tích cực cảm kích mà một chuyến “về nguồn” đọng lại mãi thì cảnh đền chùa cúng bái tràn lan hiện nay lại gây một ấn tượng không đẹp mà tôi ghi lại đây để cùng bạn bè chia sẻ.
Đến đâu cũng thấy dân mình đi lại cúng bái chùa chiền đền phủ miếu mạo khiếp quá, đông đúc quá. Đến mức mà ngồi nhà thì khó mà tưởng tượng ra nổi. Đúng cảnh “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Chỉ tội nghiệp là đông mà không đẹp, đông mà không văn minh thanh lịch chút nào. Còn lắm sự lôi thôi nhếch nhác nữa - từ người đến quang cảnh… Vui ít buồn nhiều.
Lẽ thường tấp nập đông đảo dân tình đi chơi thì phải mừng? Bởi một bộ phận dân cư khá giả lên thì mới có được hiện tượng này, làm cho du lịch nội địa khởi sắc, du khách tiêu tiền thì bà con nghèo các vùng danh thắng có được thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên quan sát kỹ thì điều mừng vui chóng vánh vụt qua. Thấy chua chát nữa là nó để lại không ít nỗi niềm bức xúc và lo nghĩ. Đấy là hiện tượng phổ biến các nơi là cứ có chùa chiền phủ đệ được coi là linh thiêng là lễ bái túa ra, dịch vụ chạy theo phục vụ thượng đế quá ư nhốn nháo, nên mặc sức chặt chém khách. Và bày vẽ, lãng phí không xiết đâu mà kể. Chẳng mấy còn nét văn hóa thanh tao của ông cha ta xưa, của người Việt mình nữa.
Tôi chỉ nói riêng về hiện tượng đốt vàng đốt mã ngày nay mới ghê gớm làm sao.
Ở một ngôi đền khá nguy nga bên con sông Lô đầy chiến công oai hùng năm xưa, mấy anh em cùng đi trong đoàn của tôi hôm ấy thực sự kinh ngạc thấy ngoài sân đền bày cả “quả núi” những đồ vàng mã. Mấy chục con ngựa và voi kích cỡ rất to, màu mè rực rỡ. Chắc chắn hàng xấp "tiền thật" thì mới sắm nổi cả đống "hàng giả" để đốt này. Hỏi ra đây chỉ là đồ mã chỉ của một gia đình đi cúng tạ cho con cháu chết nạn và cũng là để giải hạn luôn cho gia đình họ. Một ngày một tuần một tháng rồi sẽ còn bao nhiêu đám lễ tạ, giải hạn như thế này nữa? Thật là những tiêu xài quá phí phạm.
Chúng tôi còn thấy ở những đám cúng bái cho người đã khuất khác có cả đống áo quần và giương hòm, những lọng cờ kiệu rước thuyền mảng… Thậm chí có đám đặt cả đồ mã là xe máy tay ga đắt tiền, xe hơi mác xịn “mẹc” (Mercedes), hoặc BMW cùng với biệt thự 3 tầng đồ sộ cúng xong là đốt hóa cho con cháu chết trẻ, với ý nghĩ dương sao âm vậy, gửi xuống dưới âm đó để người thân mình dùng...
Buổi trưa ở đền Kiếp Bạc tôi còn nghe một người tuổi trung niên kể với giọng phẫn uất là anh vừa bị bọn đầu nậu lễ bái “lột” mất 4 triệu tiền đồ lễ. Số là nhà doanh nhân này cùng mấy bạn buôn bán làm ăn với nhau đi lễ đền cầu lộc. Đỗ xe chưa kịp định thần thì đám người ào tới, các chú ơi cháu có đầy đủ đồ lễ, cứ việc theo cháu là tới “đủ các cửa”, đi lấy một mình không chu tất được đâu các chú… Ngọt lời, anh chẳng kịp mặc cả thống nhất tiền nong đồ cúng, dịch vụ, thế là mấy người cứ xô đẩy cùng bước theo đám đầu nậu kia, xì xụp hết ban này bệ kia…, rồi kết quả qua mọi cửa, thoát khỏi cổng hậu cung ra đến bên ngoài ngôi đền thiêng Trần Hưng Đạo Đại vương kia, bọn người buôn thần bán thánh hét “bốn triệu rưỡi thôi chú ạ”. Anh bạn nghe tá hỏa, định cãi không trả mức tiền ngất trời như vậy. Nhưng phàn nàn bớt xớ lúc này là vô ích (vì đã mắc lỡm không mặc cả từ đầu), anh cay đắng móc hầu bao trước lũ “ác nhân” mượn tín ngưỡng niềm tin của ông khách hàng trông có máu mặt đi lễ bằng xe hơi đắt tiền này, ông mà hớ hênh thì "chúng tao cứ việc bóp nặn".
Đấy là chưa nói tới các hoạt động xin thẻ sắp thẻ, bói toán lấy lộc cầu may công khai ngồi cả dẫy ở khắp các phủ đền ngày nay. Đôi chỗ còn mượn cớ được tụ tập lễ hội để chọi gà ăn tiền ăn hồ, hùn hạp trò cờ bạc mà phần lớn là kiểu cờ gian bạc bịp. Lạ nhất là thanh niên và tuổi choai choai bây giờ đi lễ rất đông.
Rồi đáng kinh khiếp nữa là tình trạng “quá tải” ở các nơi phủ đền, chùa chiền nổi tiếng làm cho môi trường lâm nguy. Nói gọn là cảnh xô bồ chợ búa chen lấn san sát tới nơi thờ cúng, và người ta vứt bỏ rác rưởi lung tung, chưa kể phóng uế bừa bãi bẩn thỉu đến hãi hùng. Chỉ cần khách thập phương chịu khó đi vào tới sân sau, ngó qua ngay bên ngoài bức tường chùa hoặc đền thờ là thấy các đống rác như núi không kịp chôn vùi hoặc tải đi kịp, mặc cho ruồi nhặng bu đầy... Bạn không tin cứ đi viếng chơi thử mà xem.
Ở đây câu chuyện tín ngưỡng niềm tin của người dân ta không bàn. Vì nó nhạy cảm và rất tế nhị. Đây là quyền của mọi công dân tôn thờ kính ngưỡng điều linh thiêng, hướng về hình tượng người anh hùng hoặc vị thánh, bà chúa mà trong tâm người ta đinh ninh sẽ che chở ban phát tài lộc cho họ…
Cái bàn được cũng như rất cần được gióng tiếng chuông báo động là sự tiêu pha tốn kém vô cùng mà người ta trông thấy được cho các việc cúng bái thờ phụng tràn lan ấy. Bởi vì ở đây cái sự tiêu xài chi trả bằng đồng tiền này nó mang ý nghĩa xã hội. Chính là nó động chạm đến chi tiêu tiền của, tức tiêu phí mất những giá trị lao động được tích lũy chung của con người, của xã hội. Tất nhiên rồi nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội nói chung mà bất cứ người dân nào đang cùng chung sống cũng có liên đới tới.
Lướt qua một thực trạng buồn như vậy, bất cứ ai còn tỉnh táo với các suy nghĩ có lý bình thường nhất cũng phải đồng tình thốt lên, đốt tiền, thật là phí phạm quá sức. Chư a kể ngoài tiền của còn mất bao thời gian công sức của nhiều con người đi theo cùng với các hình thức cúng bái đã bị biến tướng trên đây.
Lạ nhất là các cơ quan văn hóa thông tin của địa phương, các thiết chế nhà nước về văn hóa - trong đó có các quy định thông tri chỉ thị nếu nghe qua là thấy đều khá chặt chẽ và tồn tại ở khắp các tỉnh thành quận huyện, thậm chí được cụ thể bảng biểu căng dán khắp các nơi đó -, nhưng không hiểu sao trong hành động “điều tiết” hoặc “chế tài” hầu như là không thấy? Hoặc giả bây giờ tất cả bộ máy đó đã bất lực hoặc đầu hàng trước thực trạng trái tai gai mắt này.

Nguyễn Vĩnh

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...